Sunday, 11 September 2016

Tại sao Duterte đấu dịu với Obama? - Ngô Nhân Dụng

Nhờ ông Rodrigo Duterte, tổng thống nước Philippines, chúng ta học được một câu tiếng Tagalog, ngôn ngữ chính thức của dân Filipinos, tức là người Phi Luật Tân. Câu ông mới nói là: “Isa ka pang tarantado.”
Câu ông Duterte mới nói tại thủ đô Indonesia ngày hôm qua, “Isa ka pang tarantado” dịch từng chữ là “một, mày, thêm nữa, thằng khờ.” Báo chí tiếng Anh dịch là “You are another fool – mày là một thằng khờ nữa.” Danh hiệu “tarantado,” là thằng khờ, nhẹ hơn những chữ “ngu dốt, ngu đần” được ông Duterte tặng cho ông Ban Ki-moon, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.Bốn chữ trên không phải là điều ông Duterte nói về tổng thống Mỹ đương nhiệm. Bữa đầu tuần này, ông Duterte dành cho Tổng Thống Barack Obama một tiếng chửi thề nặng nề hơn, mà người thận trọng không biết có nên lập lại hay không. Dù nói lại nguyên văn bằng tiếng Tagalog cũng dè dặt, vì biết đâu có người Filipinos nghe thấy, họ sẽ tự hỏi, không biết mình chơi với thứ người nào từ mà học được mấy tiếng chửi thề như vậy.
Nếu ông Ban Ki-moon muốn đáp lại ông Duterte, ông có thể lễ phép nói bằng tiếng Tagalog: “Ang parehong sa iyo, sir!” Nghĩa là: “Thưa ngài, ngài cũng vậy!”
Trước khi nêu nhận xét về ông Ban Ki-moon, trong ngày Thứ Sáu, ông Duterte đã cải chánh ông không hề nói lời nào nhục mạ tổng thống nước Mỹ. Ông kể trước mặt hai ngàn người Phi rằng khi gặp ông Obama ngoài cửa phòng đại tiệc do thủ tướng nước Lào thết đãi tối hôm Thứ Tư, chính ông Duterte đã xác nhận với ông Obama rằng ông không hề chửi thề vị tổng thống của nước đồng minh lớn nhất của Philippines. Chắc ông Obama đồng ý, cho nên hai người đã bắt tay và trò chuyện xã giao.
Ông Duterte cải chính. Sau khi báo chí khắp thế giới loan tin ông “chửi thề” như thế nào. Trước dư luận ồn ào này, hôm Thứ Ba ông Duterte đã nói rằng ông “rất tiếc” gây ra vụ hiểu lầm, khiến mọi người tưởng ông chửi ông Obama, và chính phủ Mỹ đã bãi bỏ một cuộc hội kiến chính thức. Hôm Thứ Sáu, ông Duterte minh xác thêm: “Tôi có nói câu đó, nhưng không nói về ông Obama. Tôi không cãi nhau với nước Mỹ!”
Tới đây thì chắc phải nhắc lại những lời ông Duterte nói như thế nào mới hiểu được tại sao ông nói rồi lại cải chính rằng ông không nói! Ông Rodrigo Duterte chỉ muốn đả kích ông Obama xía vào chính sách bài trừ mà túy của mình. Sau khi nhậm chức cuối Tháng Sáu vừa qua, ông đã ra lệnh cảnh sát truy lùng những người bán ma túy, gặp là bắn, không lo bị hỏi tội bắn vội, bắn lầm, tội gì thì ông tổng thống cũng sẽ tha cho. Kết quả là sau hai tháng, cảnh sát Phi đã giết hơn 2,000 người tình nghi bán ma túy. Không đưa ra tòa xử, coi họ có tội thật hay không. Cả thế giới bất bình. Vì giết người không phải chuyện mà một chính phủ muốn giết thế nào cũng được. Người ta có tội hay không phải do tòa án quyết định, tội có đáng chết hay không, càng phải dè dặt, cần xét xử theo những đạo luật đang thi hành. Ông Obama và ông Ban Ki-Moon đều lên tiếng phản đối chính sách giết người bừa bãi của chính phủ Duterte. Đối với ông Ban Ki-Moon, ông Duterte đã dọa sẽ rút nước ông ra khỏi Liên Hiệp Quốc. Tất nhiên, ông Ki-Moon chẳng nói gì, vì Liên Hiệp Quốc cũng chẳng mất gì cả. Nhưng đối với ông Obama, ông Duterte không dọa dẫm mà đả kích thẳng thừng.
Khi nói chuyện với dân Philippines, ông Duterte nêu lên vấn đề quốc thể: “Đừng có xía vô! Tôi không phải làm theo lệnh ông chủ nào hết, ngoài dân chúng Filipino. Phải kính trọng tôi!” Rồi ông nói (bằng tiếng Tagalog): “Putang ina!” Xin lỗi, phải ghi lại nguyên văn mấy chữ này, cho câu chuyện rõ ràng hơn.
Mấy chữ “Putang ina” trong tiếng Tagalog vồn gốc lấy từ tiếng Tây Ban Nha (espanol). Tây Ban Nha đã từng cai trị xứ này trước khi nhường cho Mỹ. Trong tiếng espanol, Puta nghĩa là cô gái đ…; ina, Ilocano, nghĩa là mẹ. Dịch nguyên văn sang tiếng Việt thì mấy tiếng này tương đương với “Con đ… mẹ.” Nếu có thêm chữ “mo,” nói “Putang ina mo,” thì có nghĩa rõ ràng: “Mẹ mày là gái đ…” Khi báo chí tường thuật lời ông Duterte, họ cho là ông ta chửi ông Obama theo nghĩa xấu nhất đó. Bây giờ ông Duterte nói lại, ông bảo rằng người ta dịch sai. Ông chỉ văng tục thôi, văng ra mả không chỉ vào ai hết!
Câu “Putang ina,” ông Duterte thốt ra chỉ là những tiếng thô tục… bình thường của những người nói tiếng Tagalog khi họ… buột miệng văng tục. Cũng giống những tiếng “Đ.M.” trong tiếng Việt. Thí dụ ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam, gặp ông Duterte, khen vị tổng thống Phi bằng tiếng Việt, “Ông Duterte! Đ.M.! Ông Duterte, ông hay lắm! Đ.M.!” Người biết tiếng Việt không nghĩ rằng ông Phúc chửi ông Duterte!
Thứ ngôn ngữ bậm trợn, lỗ mãng đó có thể đã giúp ông Duterte chinh phục được nhiều cử tri, cho nên ông mới đắc cử. Trong thời gian ông tranh cử tổng thống, nhiều người đã gọi ông là “Donald Trump” của Châu Á. Hai ứng cử viên giống nhau, họ đều hay nói những lời thế giới văn minh cho là “thô lỗ” nhưng lại hợp ý nhiều cử tri.
Khi ông Rodrigo Duterte “ngỏ ý tiếc” về những tiếng “Putang ina” mình thốt ra trong khi phản đối ông Obama, ai cũng coi là chuyện bất ngờ, chưa bao giờ xẩy ra. Ông Duterte chưa bao giờ nói mình ân hận về bất cứ lời nói hay việc làm nào! Thử tưởng tượng ông Donald Trump bỗng dưng ngỏ ý tiếc mình đã nhục mạ tất cả những người Mexico sống trong nước Mỹ! Không bao giờ!
Tại sao Rodrigo Duterte phải đấu dịu?
Có thể vì “Tập Cận Bình đang rình ngoài biển.” Nhưng ông Duterte cũng biết rằng chính phủ Mỹ bênh vực Philippines chống Trung Cộng xâm lấn chiếm đất hay không, thì lý do không phải vì ông Obama yêu hay ghét ông tổng thống Phi. Ông Obama thông minh và bình tĩnh, không phải là Duterte hay Trump.
Lý do gần hơn, là thị trường chứng khoán Manila đã tụt giảm mạnh và khách đầu tư ngoại quốc đã rút tiền ra khỏi nước Phi sau khi ông Duterte nói “Putang ina!”
Trong ngày Thứ Tư vừa qua, người ngoại quốc đã bán các cổ phiếu Philippines trị giá 58 triệu mỹ kim, con số lớn nhất từ một năm nay. Trong 11 ngày, người ta đã rút 333 triệu ra khỏi thị trường chứng khoán. Trong khi đó, tin tức kinh tế rất tốt. Tổng sản lượng Philippines đã tăng 6.8% trong quý đầu năm nay, sau khi đã tăng 7% trong ba tháng cuối năm 2015. Kinh tế lên nhưng người ta lại bán tống các cổ phiếu vì ai cũng lo ngại về việc bang giao giữa Mỹ và Philippines, sau khi nghe ông Duterte “chửi” ông Obama.
Mỹ mua bán với Philippines tổng cộng 18 tỷ mỹ kim trong năm ngoái, đứng hàng thứ nhì sau Trung Quốc. Dân Philippines sống ở nước ngoài gửi về nước 25.8 tỷ mỹ kim năm ngoái, trong đó 31% gửi từ nước Mỹ. Dân Phi kéo nhau sang Mỹ làm việc và gửi tiền về cho gia đình. Trong tổng số 10 triệu người Phi làm việc ở nước ngoài, năm 2013, có 3,535,676 người sống ở Mỹ. Nhưng nhiều người Phi không ra khỏi nước vẫn kiếm tiền nhờ làm việc cho các công ty Mỹ. Quý vị có thể gọi điện thoại đến một ngân hàng Mỹ như JPMorgan Chase, hay công ty American Express và Accenture Plc. của Mỹ, những người trả lời có thể đang ngồi ở một văn phòng tại Philippines! Họ có một lực lượng thanh niên rất đông tốt nghiệp đại học và nói tiếng Anh thông thạo. Và đó cũng là một lực lượng tiêu thụ thúc đẩy kinh tế xứ này lên nhanh; với một tỉ lệ tăng trưởng cao nhất Châu Á hiện nay, hơn cả Trung Quốc hay Ấn Độ.
Ông Obama có lý do để bỏ qua không coi những tiếng chửi thề của ông Duterte đáng chú ý. Trong quá khứ, ông Duterte đã từng “đính chính” nhiều lần rồi. Hồi Tháng Năm vừa qua, trong lúc còn làm thị trưởng thành phố Davao và đang tranh cử, ông Duterte đã từng nói khi lên làm tổng thống ông sẽ tuyên bố “tình trạng thiết quân luật sau 10 giờ đêm,” cấm bán rượu, cấm hút thuốc. Nhưng sau đó phát ngôn viên của ông đã “nói lại” rằng các biện pháp đó chỉ áp dụng cho thiếu niên chưa trưởng thành, nếu đến quán rượu mà không có cha mẹ hay người giám hộ đi kèm! Mục đích là để các em không sao lãng việc học! (Nhưng có cha mẹ dẫn vào quán rượu thì chuyện học hành không đáng lo?) Các lệnh này ban hành tại Davao, sẽ chỉ dùng cho cả nước sau khi tham khảo nhiều tầng lớp dân chúng, qua quốc hội lập pháp. Phát ngôn viên nói: “Không có chuyện xâm phạm các quyền tự do (uống rượu) của đồng bào! Khi về nhà, quý vị tha hồ uống thả giàn (kể cả trẻ em sao)?
Ông Duterte đắc cử tổng thống một phần vì ông gốc bình dân, không nằm trong một phe đảng chính trị lớn nào ở Philippines, trong các gia đình đại điền chủ như Marcos hoặc Aquino. Dân Philippines đã chán giới chính trị gia chuyên nghiệp. Ông Duterte được người bình dân yêu thích chính vì lối ăn nói trắng trợn, lỗ mãng! Cái nghiệp đó giúp ông thắng cử, nhưng cũng là cái nghiệp khiến ông cư xử không thích hợp trong việc ngoại giao. Ông Obama là một người hiểu biết, lại từng sống Indonesia trong những khu vực bình dân ở miền quê, thủa nhỏ chơi với bạn cùng trường đã từng nghe nhiều tiếng chửi thề, chắc có thể thông cảm với Rodrigo Duterte!