Wednesday, 3 January 2018

Tết người – Tết mình – Tết Ta Vũ Ðăng Khuê

Dựa vào bài viết năm xưa, kể lại chuyện năm nay cũng là điều ..... nên làm theo lời “cố vấn” của một vài bạn hiền vì có thể nhiều người đã.... quên. Vì thế, quí vị nào đã từng đọc, thì xin “tự nhiên” bỏ qua, bà con nào chưa đọc thì xin mời tiếp tục. Tuy nhiên bài viết đã sửa đổi chút ít về dữ kiện cho hợp với “thực tại” và tâm tình cho đến ngày hôm nay vẫn còn là:

Tết này chưa chắc em về được 
Em gửi về đây một tấm lòng 
Với lá thư này là tất cả 
Những lời tâm sự một đêm đông 

(Xuân tha hương – Nguyễn Bính)


--------------------------

Nhân dịp đầu năm dương lịch, còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Ta. Thôi thì “Tết Tây hay Tết Ta đều là Tết cả” nên xin gửi đến quí vị lời chúc đầu năm: 

 “Shinnen Akemashite Omedetou gozaimasu”


Đây là câu chúc rất phổ thông của người Nhật, dịch sang tiếng Việt là “Chúc Mừng Năm Mới”, được sử dụng cho tất cả các đối tượng. Lời chúc “tự động phát sinh từ cửa miệng” này khác hẳn với lời chúc của Việt Nam ta, vì cứ phải thay đổi xoành xoạch tùy theo “ước mơ” của ngôi thứ hai. Nếu là dân làm ăn thì “Chúc ông bà, anh chị làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái”. Nếu là trai chưa vợ, gái chưa chồng thì “Chúc (anh, em, chị, cô) sớm tìm được người trong mộng”. Nếu còn đang đi học thì “Chúc em học đâu nhớ đó, mau chóng công thành danh toại cho bố mẹ.... nhờ” v.v.... Lẽ dĩ nhiên là cũng có những lời chúc có thể dùng trong bất kỳ mọi hoàn cảnh: “Chúc ông, anh, bà, cô, chị, em….  mạnh khỏe và được nhiều may mắn trong năm mới”. Quí vị thấy phong phú, hay lỉnh kỉnh? Tôi thì thấy cả hai, phong phú với người Việt, nhưng lỉnh kỉnh với người học tiếng Việt vì phải nhớ quá nhiều. Nhưng dầu sao cũng đã thành “lệ”. Nếu cần chúc, tôi chỉ dùng câu chúc đơn giản “Chúc Mừng Năm Mới” khi gặp quân ta, khỏi phải suy nghĩ xem đối tượng thuộc thành phần nào để chọn câu chúc sao cho thích hợp. Vòng vòng lấy trớn. Tôi bắt đầu kể chuyện về ... Tết, trước hết là....




Tết người

Tôi sống ở Nhật đã khá lâu, tính cũng cả gần ... nửa thế kỷ. Giá mà có ai đó có hỏi: Tết Nhật ra làm sao và ông đón tết thế nào? thì chắc tôi sẽ ậm ừ và tìm cách trả lời cho qua chuyện: “ai sao tui vậy”. Nghĩa là thế nào? thì trước tết đưa mẹ cháu đi .... lùng mua đồ rẻ, ngay đêm giao thừa thì ở nhà xem TV, rồi nhâm nhi vài ly “sake”, sau tết thì trở lại cảnh một ngày như mọi ngày”.


Thú thật là tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ đi tìm một câu trả lời tương đối là coi được, là tới nơi tới chốn về ngày Tết cho chính mình nói chi đến người khác. Nó có lý do của nó cả, này nhé:


- Tôi đến Nhật vào ngày cuối năm 30/12 của mấy chục năm về trước, được đưa về nhà một người bạn ở Daikanyama (代官山-Đại Quang Sơn), nằm cách nhà ga Ebisu chỉ khoảng 2 phút đi bộ. Bây giờ khu này đã trở thành một địa điểm qui tụ những “thời trang” nhất nhì Tokyo. Ba năm trước, tôi có trở lại khu này để tham dự đám cưới của con một người bạn. Quang cảnh xung quanh thay đổi rất nhiều, nhưng cái ngôi nhà mà tôi từng trú chân khoảng gần 6 tháng tuy khá cũ nhưng lối kiến trúc vẫn còn nguyên vẹn, những bậc thang bằng đá dài dẫn vào nhà vẫn y nguyên, cái bảng tên khắc trước cửa vẫn là tên của cụ chủ nhà, khiến tôi thẫn thờ nhớ lại lúc còn “chân ướt chân ráo”. Thế mà chỉ chớp mắt một cái là đã 45 năm.


Lại vẩn vơ sang chuyện khác rồi. Thôi trở lại chuyện thằng bạn tôi đón và đưa về đến nhà.
Khi bước vào nhà, thì thấy trước cửa bày đầy những gì “rất” Nhật, tôi hỏi ông bạn, ông cũng chả biết. Đêm giao thừa năm đó, ông dẫn tôi đi viếng đền “Meiji Jingu” nằm ở Harajuku, chỉ cách nhà khoảng 10 phút xe điện, nói là “cho tôi biết người Nhật đón giao thừa?”, tôi chỉ thấy toàn người là người, họ xếp thành hàng ngang nhích từng bước một, đến trước “chính điện” lạy lạy vài cái rồi thò tay vào trong túi lấy một ít tiền thảy vào cái sân trước mặt, rồi quay lại theo thứ tự đi ra. Đang là dịp nghỉ, mấy hôm sau ông lại đưa tôi đi vài nơi mà ông nói có “bóng dáng” ngày Tết, tôi cũng đi nhưng không hào hứng lắm, vì thú thật tôi cảm thấy lạnh, cái lạnh đầu tiên như xé da cắt thịt khiến tôi chẳng buồn để ý những gì xung quanh, chỉ mong chóng về nhà ôm cái lò sưởi và nghĩ rằng trước sau gì cũng biết.


- Vài năm sau, thời còn đi học, Tết lại là dịp để học sinh, sinh viên như tụi tôi có thể kiếm tiền gấp đôi, nên tôi thường “xung phong” đi làm thêm ngày tết. 


- Ra trường rồi đi làm, đúng ngay lúc Việt Nam đổi chủ, “có nhà không được ở, có nước không được về”, tôi trơ thân cụ. Vào những ngày này thì dăm ba đứa thường tụ lại rủ nhau “tới bến”.


”..sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới
Ta làm gì cho hết nửa đời sau.”

(thơ Cao Tần)


- Thời gian cứ trôi và người Việt có mặt tại Nhật mỗi lúc một đông, nhu cầu họp mặt nảy sinh, các hội đoàn ở đây như Hiệp Hội Người Việt tại Nhật, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Nhật, Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Nhật…. hợp nhau tổ chức mừng Xuân. Là người đi trước, ham vui, tôi được “điều động” vào “khâu” văn nghệ. Muốn ngon lành để ra mắt công chúng thì phải chuẩn bị, tập dượt, và thế là coi như “tiêu tùng” mấy ngày nghỉ tết.

Nhưng mấy ngày nay, thấy đứa con gái cứ nhắc “bố, mua nengajo cho con chưa?”, và cháu còn xin đi ngắm mặt trời mọc sáng sớm mùng 1, cậu con trai thì thông báo: giao thừa năm nay tụi con sẽ “count down” tại….., “mẹ cháu” thì nhắc nhở ghé hàng 100 yen mua vài dụng cụ để “tổng vệ sinh” nhà cửa. Thế là đầu óc tôi bị lôi kéo vào những dĩ vãng miên man không dứt. Rồi tôi… quyết định: cố gắng nhớ và ghi lại những câu chuyện đã thấy, đã đọc, đã cảm nghiệm của chính mình về ngày Tết. Xin bạn ta hiểu đây chỉ là những ghi nhận hoàn toàn chủ quan chứ không phải là một bài có tính cách…. “khảo luận” gì đâu nhé.


Tết người


Ngày xưa người Nhật ăn tết cũng giống như quân ta, gọi “tết” là “Shogatsu” (正月-tháng giêng âm lịch) nhưng có lẽ để tiện việc….sổ sách, phù hợp với những liên lạc với nước ngoài họ đã đổi sang dùng dương lịch từ năm Minh Trị thứ 5 (năm 1873), nhưng vẫn sử dụng từ “Shogatsu” cho ngày tết dương lịch, tuy thế cũng còn một vài nơi trong tỉnh Okinawa, Kagoshima, đảo Amamigun vẫn còn đón tết âm lịch.

Cánh thiệp đầu xuân


         

                Nengajo design sẵn           -       Nengajo ….. trống trơn

Người Nhật không có thói quen dùng thiệp tết bỏ vào phong bì, ngày Tết họ dùng một loại bưu thiếp có cái tên dài ngoằng “Otoshidama Tsuki Yubin Hagaki” (お年玉付郵便はがき gọi tắt là “Nengajo-年賀状” hay “Nengahagaki-年賀はがき”, là loại bưu thiếp có in sẵn tem và cũng là một tờ vé số, bắt đầu bán vào khoảng đầu tháng 11 tại bưu điện, trước các nhà ga, các tiệm 24/24 (conveniene store) v.v... Cho đến năm 2007 thì ngày xổ loại nengajo này là vào ngày lễ thành nhân (thứ hai của tuần lễ thứ hai  tháng giêng). Giải thưởng là một hình thức mừng tuổi (toshidama-年玉), thường thường thì là vài bộ tem kỷ niệm, phiếu mua hàng v.v… Có loại nengajo in sẵn hình ảnh con giáp của năm đó kèm những lời cảm ơn năm cũ, lời chúc cho năm mới, có loại trống trơn để người mua tự trang trí. Muốn đối tượng nhận được ngay ngày mồng một tết thì phải gửi trước ngày 15/12. Vì thế cứ khoảng thời gian này, nhất là tại các công sở, công ty thường có một bộ phận chuyên biệt để lo chuyện viết và gửi. Học sinh, sinh viên lại có thêm việc làm ngày tết để phân phối, để mang thiệp đến tận nhà. 

Các dịch vụ làm nenga-hagaki nở rộ, chỉ cần một tấm hình và nội dung, sẽ có ngay một nengajo theo ý muốn với giá tương đối rẻ. Cũng có người tự “sáng tạo”, vì chỉ cần một máy tính có cài software làm nengajo và một máy in màu là có thể có ngay “cánh thiệp đầu xuân”. Tuy nhiên “bắt mắt” hay “rối mắt” thì lại còn…. tùy người đối diện. Nhưng cũng có nhiều người thích “làm bằng tay” chẳng hạn con gái tôi, nó rất nhiều bạn, bạn cùng lớp, bạn cùng nhóm thể thao, bạn học thêm, bạn học cũ….  Mỗi lần tết về là thấy hí ha hí hoáy suốt ngày với đủ thứ bút màu vẽ đầy hoa lá cành trên từng nengajo một. Con gái tôi lý luận: “người nhận sẽ thấy “kimochi” (thích thú) hơn vì “tiềm tàng” tấm lòng người gửi qua nét chữ, nội dung”. Tôi thì thấy phiền và mất thì giờ quá nhưng hoàn toàn “lý giải” được điều đó.

Sau ngày tết, “lỡ” có nhận được nenga-hagaki của ai mà mình quên hay đã không gửi, thì có cái màn đáp lễ, vì thế việc gửi cánh thiệp đầu xuân còn kéo dài mãi cho đến sau ngày tết cả nửa tháng. Nếu mua quá “độ” không dùng, có thể đến bưu điện để đổi tem với lệ phí 10 % giá bưu thiếp (bây giờ là 52 yen, lệ phí đổi là 5 yen). Tôi tuy bạn không ít, nhưng chả bao giờ tôi nghĩ là sẽ gửi cho ai, và lẽ dĩ nhiên là cũng chẳng có ai gửi cho mình, ngoại trừ bưu thiếp của các ông to bà lớn như Chủ tịch, Giám Đốc, trưởng phòng các hãng bảo hiểm nhân thọ, công ty điện thoại, hãng sửa nhà, hãng sửa ống nước, hãng sửa xe hơi v.v…. mà năm nào tôi cũng nhận.

Tổng vệ sinh (Osoji)
Nói chung thì ở đâu cũng vậy, ai cũng muốn “sạch sẽ” để đón tết, chỉ tùy theo cách giải thích và cách “Osoji” (tổng vệ sinh) của từng nước mà thôi. Người Nhật cũng vậy, cuối năm, họ “Osoji” nhà cửa để xóa những điều xui xẻo của năm cũ rồi đón may mắn trong năm mới, còn gọi là “susuharai” (quét sạch bồ hóng, bụi bặm). Dịp này, mọi người xúm lại lau chùi thật kỹ từng… xăng ti mét, len cả vào những xó xỉnh, ngóc ngách mà bình thường không ai để mắt tới. Nhà của người nào thì dĩ nhiên người đó….. lo. Còn các hãng xưởng thì ai nấy đều phải…. lo. Ngày cuối cùng thường là 28 hay 29/12, chỉ làm nửa buổi hay hơn một chút tùy theo tình hình hãng, sau đó thì toàn thể “nhân viên” lớn bé đều phải “Osoji” theo sự phân công đã được chỉ định trong phiên họp đầu tuần. Trong lúc mọi người đang đánh vật với “bụi bặm”, thì có một nhóm nhỏ, thường là phái nữ âm thầm chuẩn bị chuyện “hậu osoji”. Vì tất cả cùng “lo” nên osoji chỉ mất tối đa là 2 tiếng,
Còn bao nhiêu “mồi” và bao nhiêu “miếng”
Hãy một lần mang ra “làm” hết
Hãy một lần khôi phục lại, niềm vui
(Thơ Nguyễn Tất Nhiên…. chế)
Không linh đình như tiệc tất niên, chỉ cần mồi là vài bao đậu phộng, khô mực, sembei (một loại bánh đa của Nhật), vài phần sushi, vài chai rượu Nhật và vài lon bia là đủ. Sau lời cám ơn cuối năm của “xếp”, tất cả lòng như mở hội, chuyện cứ thế là tuôn ra không ngừng nghỉ. 

Đúng giờ kẻng xong việc, họ chào và chúc nhau đón một năm mới tốt đẹp (Yoi toshi mukae kudasai) rồi ra về hẹn gặp lại sang năm.

Chia tay xong, giống như mọi nhà, thế nào trước cửa hãng, đã hoặc sẽ có ai đó dựng vài ba thứ biểu hiện ngày tết, chẳng hạn như một chậu cây thông và 3 thanh tre gọi là kadomatsu. Ngoài ra, có nhiều nhà còn trưng bày trước cửa nhiều thứ khác như Shimenawa là một dây thừng có buộc những dây rơm thòng xuống. Kagami mochi là hai bánh mochi để chồng lên nhau, bánh trên nhỏ hơn bánh dưới và trên 2 bánh có một quả quít v.v…... Trong nhà thì đặt Kamidana, là một bàn thờ làm bằng gỗ có hình dáng giống như một ngôi đền thần đạo thu nhỏ, trong đó có đặt một chai sake và Kagami mochi. Tất cả đều mang ý nghĩa riêng, giải thích thì hơi dài nhưng theo truyền thuyết thì họ tin vào một vị thần nào đó để được gìn giữ, với hy vọng các ông thần này sẽ đem đến cho gia đình, cho công ty sự thịnh vượng, may mắn, trường thọ và hạnh phúc trong năm mới.

                        
Kadomatsu – Shimenawa – Kagami mochi - Kamidana
Không biết các ông thần này có đem đến may mắn như mọi người mong đợi hay không, nhưng tôi nghĩ là các vị thần này chắc chẳng đến tôi, vì có bao giờ…. tôi chưng những thứ này!

Phút giao mùa (Omisoka)

Vì tha phương cầu thực, vì miếng cơm manh áo, vì nhiều lý do nên có một số người phải xa lìa nơi “chôn nhau cắt rốn”, nhưng cứ vào dịp tết thì đều có khuynh hướng về quê. Xe điện, máy bay, xe buýt đường xa đều không còn chỗ nếu không đặt trước. Nói thế, nhưng chỉ những người nào có gia đình muốn cho các cháu về thăm ông bà, muốn tận hưởng không khí tết đúng nghĩa, muốn cho bố mẹ già vui vẻ… sống thêm vài chục tuổi thì mới “tung cánh chim tìm về tổ ấm”; còn giới trẻ thì có những niềm vui khác, chẳng hạn tham dự các chương trình ca nhạc live show chờ giờ count down (trước giao thừa khoảng 5 giây, tất cả cùng đếm ngược từ 5 cho đến 0 thì…. niềm vui òa vỡ) hoặc kéo nhau sang Bali (Indonesia) tắm nắng, sang Hawai trốn lạnh v.v….

Đêm 31/12, họ quây quần bên mâm cơm thịnh soạn hơn ngày thường, nói chuyện đời, xem TV chờ đợi “phút giao mùa”. Trong đêm này, có 1 chương trình được mọi người xem nhiều nhất là của đài NHK tên “Kouhaku Uta Gassen”, với sự góp mặt của các ca sĩ nổi tiếng được tuyển chọn dựa trên tiêu chuẩn: được yêu cầu nhiều nhất, có ca khúc được yêu chuộng nhất trong năm và không hề có tai tiếng v.v.... Các ca sĩ sẽ được chia thành 2 đội: nữ thì “đội hồng” (44 người), nam thì “đội trắng” (45 người). Tuy nhiên nếu là một ban nhạc có cả nam lẫn nữ, thì sẽ ưu tiên cho “giới tính” của ca sĩ chính. Ban giám khảo năm nay gồm 8 người thuộc nhiều thành phần: cựu danh thủ cờ tướng, nhà văn nổi tiếng, diễn viên kịch ảnh, tuyển thủ múa nhịp điệu, tuyển thủ boxing v.v.., khán giả hiện diện tại hội trường, khán giả tham dự qua truyền hình. Đây là chương trình của đài phát thanh quốc gia (NHK) với thành phần ca sĩ hùng hậu nhất, chuẩn bị kỹ lưỡng nhất so với chương trình của các đài tư nhân khác và còn là nơi giới thiệu những thời trang nổi nhất trong năm, qua trang phục của các ca sĩ tham dự. Cho đến năm 2009, khi nam ca sĩ “bống” Mikawa Kenichi và nữ ca sĩ Kobayashi Sachiko còn được chọn, ai cũng háo hức muốn xem 2 ca sĩ này sẽ ăn mặc thế nào, bộ quần áo đặc biệt chỉ dành cho đêm đó và giá có khi….. chỉ khoảng 10 triệu thôi (100.000 mỹ kim), nhưng sau đó cả 2 bị dính vào một “trục trặc” nào đó nên bị ra rìa từ năm 2011.

                
            Takahashi Mariko - Hey! Say! Jump - Yuzu
 
            Takahashi Mariko - Hey! Say! Jump - Yuzu

Chương trình bắt đầu từ 7 giờ 15 đến 11 giờ 45, chia ra 2 phần: ngoại trừ bài hát mở đầu phải là ca sĩ thứ “xịn” (lần này là nhóm Hey! Say! Jump! với bài Come On a My House). Phần đầu thường là các ca sĩ, ban nhạc tham gia lần đầu tiên hay vài lần, phần 2 là phần ca sĩ kỳ cựu, càng về sau càng hấp dẫn. Bài hát trong chương trình không cứ phải là bài hát mà ca sĩ đó nổi tiếng trong năm mà là bài hát được nhiều người yêu chuộng, có nghĩa là khi nhắc đến bài hát đó thì phải nhớ ngay ca sĩ đó, chẳng hạn nữ ca sĩ Takahashi Mariko của “đội hồng” năm nay đã hát bài “For You” nổi tiếng từ năm 1982.
Sau 4 tiếng 30 phút tranh tài, hai đội được toàn ban giám khảo chấm điểm. Lần thứ 68 này thì cờ chiến thắng lại được trao cho “đội trắng”. Tính số lần thì “hồng” thắng 31, “trắng” thắng 37 lần.
Và bữa cơm ấm cúng tiếp tục kéo dài chờ “phút giao mùa” và thế nào cũng có bát mì toshikosi soba, thứ mì truyền thống của người Nhật. Theo tôi, bình thường thì bát mì này không thể sánh bằng…. tô phở, tuy nhiên ngay đêm đó, bát mì ngon không thể tả… hơn hẳn tô phở. Chắc có lẽ vì…. kimochi (cảm giác). 


Đúng 0h đêm giao thừa (Omisoka) thì đồng loạt có những hồi chuông vang lên lanh lảnh “khắp không trung”, không biết là chuông…. từ các ngôi chùa trên toàn quốc Nhật hay chuông nghe qua truyền hình và vang đúng 108 lần. Theo giải thích thì 108 hồi chuông này sẽ xua đuổi 108 ham muốn trần tục khiến con người khổ sở. Từ giây phút đó, nếu không ngại “lạnh”, thiên hạ sẽ xuất hành (hatsumo) đến các chùa hay đền và “đường trần dập dìu người đi hái lộc đầu năm” 

Viếng lễ chùa đầu năm tại Đền Asakusa
Đầu năm đi viếng đền Asakusa
Ngày đầu một năm

Người Nhật nhất là giới trẻ thường hẹn nhau ở đâu đó từ trước sáng sớm để cùng nhau nhìn ngắm cảnh mặt trời mọc với mong muốn một khởi đầu mới tốt đẹp. Cũng vào giờ đó, các đài truyền hình thường trực tiếp hình ảnh mặt trời mọc tại các điểm khác nhau trong nước Nhật để người dân cùng chiêm ngưỡng.

Mồng một tết ở Việt Nam, dân Việt thường kéo nhau đi Lăng Ông để “cầu thanh đắc lộc”, còn người Nhật hay đi đến những chùa hay đền để cầu nguyện cho “năm mới hanh thông”. Cũng như Việt Nam, các trẻ em rất mong Otoshidama (tiền lì xì, mừng tuổi) từ người lớn, các em càng lớn thì bố mẹ càng… khổ. 


Còn một nơi nữa mà nhiều người muốn “xuất hành” trong ngày đầu năm nữa là các cửa hàng lớn (quần áo, đồ điện v.v....) để mua được những “túi lộc” (fukubukuro-lucky bag), chẳng hạn giá một “túi lộc” có giá là 15,000 yen (khoảng dưới 150 mỹ kim) nhưng “nội dung” của túi lộc tính theo giá bán ngày thường có thể là 50,000 yen hay hơn nữa (500 mỹ kim). Năm ngoái, tôi được “rủ rê xếp hàng” và được hứa là sẽ “đến đón tận nơi và đưa về tới chốn”, nhưng tôi từ chối vì “Ba giờ sáng thức dậy, xếp hàng cho đến 9 hay 10 giờ trong cái lạnh xé da. Trời ơi, tại sao lại phải khổ như thế?”.


Đúng giờ mở cửa, thiên hạ ào vào và ai nhanh tay thì “lộc” cứ tha hồ mà xách về. Nói tóm lại “lộc” xin ở chùa là lộc “tượng trưng”, còn “lộc” tại các cửa hàng lớn là lộc “chính hiệu con nai vàng ngơ ngác”.


Túi lộc

Ngày mồng hai và mồng ba thường thường người ta đi thăm viếng bạn bè, người thân, đồng nghiệp và cũng không ít người đi xem chạy tiếp sức, tiếng Nhật gọi là Ekiden (駅伝 - âm Việt là “mã truyền” nghĩa là truyền tin cho nhau bằng ngựa). 

Bộ môn này ra đời tại Nhật Bản cách đây khoảng 100 năm. Có rất nhiều giải Ekiden trên toàn quốc Nhật, nhưng chỉ có một giải được trực tiếp truyền hình và nhiều người theo dõi nhất là giải Tokyo Hakone Ekiden.



Đối tượng tham dự là nam sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Tokyo Hakone Ekiden được tổ chức vào ngày 2 tháng 1 hàng năm, và kéo dài trong 2 ngày, mỗi đội gồm 10 tuyển thủ, họ phải hoàn tất chặng đường đua dài gần 220 km.
7 giờ sáng ngày 2 tháng 1, các tuyển thủ xuất phát từ Otemachi (Tokyo, trước cửa tòa báo Yomiuri) họ sẽ đến địa điểm Hakone, sau khi qua 5 trạm chuyển tiếp tại Tsurumi, Totsuka, Hiratsuka, Odawara với đoạn đường dài 107.5km. Và 7 giờ sáng ngày 3/1 họ lại trở về Tokyo, đoạn đường dài 109,6 cây sổ. Tại mỗi trạm chuyển tiếp sẽ có một tuyển thủ đợi sẵn ở đó để nhận “tasuki” (một chiếc khăn) rồi tiếp tục chạy đến trạm kế tiếp. Nhiều khi, chờ lâu quá... mà vẫn chưa thấy phe ta chạy đến, thì phải đành lấy một “tasuki” khác rồi tiếp tục cuộc thi chứ biết.... “chờ em chờ đến bao giờ”. Họ chạy trong tiếng reo hò, cổ võ của bạn bè, người đi xem đứng đầy hai bên đường. 


Đối với người Nhật, thì ngoài yếu tố rèn luyện thể xác thì Ekiden còn là môn thể thao, mang tinh thần đồng đội, sức mạnh của đoàn kết.

Món ăn, món uống


Người Nhật thường uống Nihon-shu (rượu Nhật) đặc biệt dành cho ngày Tết với rất nhiều loại tha hồ mà chọn, không “gắt” như “đế” của phe ta mà rất “nhẹ nhàng”. Nhớ có một lần, đến nhà một người bạn Việt lúc buổi trưa mồng 2, “nhân tiện” ông bạn mời vài ngụm “amazake” đầu năm, nể tình tôi cũng chiêu vài ngụm và rồi cứ thế là.... “chiều đi lặng lẽ màn đêm dần trôi” lúc nào không biết. 

Về món ăn thì Nhật có 
“osechi” gồm nhiều món “nho nhỏ, xinh xinh” đựng trong 3 cái hộp xếp chồng lên nhau gồm Ise ebi (tôm hùm), “tai” (cá chép), “tazukuri” (cá khô kho), “kamaboko” (chả cá), “kazunoko” (trứng cá), “konbu” (rong biển), “kuro-mame” (đậu đen), “datemaki” (trứng đúc cuộn), “zōni” (súp nóng gồm rau, cá hoặc thịt gà, mochi) v.v.... Tất cả thường là món nguội trừ zoni, đặt trước hay mua ngoài tiệm mang về. Mỗi món đều mang ý nghĩa riêng và được giải thích rất rõ ràng, nhưng thú thực tôi hoàn toàn không “hảo” món Osechi thuần túy Nhật này vì hầu hết là cá.... nên xin cho phép tôi... lướt qua, nhưng có điều những món ăn này rất tốt cho sức khỏe, chả thế mà Unesco tháng 12 năm 2013 đã chọn “món ăn Nhật” (washoku) là di sản văn hóa vô hình thể.


Osechi photo

Ngoài ra, cũng còn một loại bánh thường thấy gọi là “mochi” làm bằng bột nếp, hơi giống bành dày Việt Nam, đem nướng và ăn chung với rong biển, hoặc cho vào chè đậu đỏ (shiruko), zoni. Riêng tôi chỉ ăn mochi khi có.... giò bò, một món “giao lưu” Nhật-Việt “ và cứ bị “mẹ cháu” khiển trách hoài: Gớm, ở đâu mà sẵn cho ông thế?

alt
 Mochi - Shiruko - Zoni


Trên đây là ghi nhận của cá nhân tôi về Tết Người sau hơn nửa đời người ở Nhật, rất chủ quan và... đại khái. Xin tha thứ và mời quí vị đọc tiếp

“Tết mình”

Nhập gia phải tùy tục, vả lại ngày Tết Ta phải đi cày nên người Việt thường lấy Tết Người làm Tết Mình. Tôi được hưởng Tết Mình từ lúc “Hội Xuân” xuất hiện vào năm 1983 do sáng kiến của ông bạn tôi đang là thông dịch cho trại tị nạn Misono, Fujisawa.
Khi Hội Xuân được “bày ra”, trại gồm những tay chiến của nấu nướng đã nghĩ ra nhiều món “quá sức” Việt Nam và đụng ngay khó khăn: nguyên vật liệu, gia vị lấy đâu ra vì ở Nhật tìm không phải dễ.

- Có một bác chuyên làm giò thủ, muốn ngon phải tìm bằng được cho bác đầu heo. Tìm đâu bây giờ? Nhưng với truyền thống “nantoka naru” (thế nào cũng xong) của quân ta, không biết tìm thế nào mà một hôm lúc tôi ghé nhà bếp trại, tôi muốn…. xỉu vì cả chục cái đầu ông “trư bát giới” xếp hàng dài trước mặt. Hỏi ra thì biết là quân ta đã hỏi từ “người này” sang “người nọ” lung tung cả lên rồi sang đến “người kia” thì được chỉ phải lên tận Ueno (cách trại gần 2 tiếng đồng hồ xe điện), nơi có chợ người Đại Hàn bán những thứ giống y chang Việt Nam.

- Có anh hàng “phở chuyên nghiệp” bên nhà tình nguyện trổ tài với điều kiện phải đủ “đồ nghề”, nếu không thì …. mất tiếng. Thịt thà, xương xẩu thì không đến nỗi, nhưng gia vị và bánh phở thì làm gì mà có, chả lẽ bánh phở mà dùng sợi udon (giống sợi bánh canh)? cũng giống như bún riêu mà dùng sợi spaghetti của Ý thì nó sẽ ra cái “giống” gì? lại phải đặt mua tận bên Thái, tất cả gửi bằng máy bay.

- Có một chị chuyên làm bánh chưng giò chả, chị vui lòng đóng góp nếu: các anh đi tìm cho tôi lá dong nếu không thì lá chuối và…. hàn the, không có thì bánh không có màu xanh của lá và giò thì bở không dính lại. Không biết ông trưởng trại đi “liên hệ” với ai chở về trại nửa xe lá chuối, và tôi phải lãnh nhiệm vụ tìm hàn the cho bằng được. Tôi tra tự điển từ tiếng Việt qua tiếng Anh (borac) rồi từ Anh qua Nhật biết được tên gọi hàn the là “hosha”. Tôi vào tiệm thuốc tây gọi mua nửa ký, người bán hỏi: ông mua thuốc này dùng vào việc tẩy rửa, khử trùng? Tôi giật mình nhưng ừ đại, về nói lại với chị, chị bảo: Úi giời, người ta ăn cả mấy chục đời ở Việt Nam rồi mà có chết thằng Tây nào đâu.

Có một món không thể thiếu trong bàn nhậu là hột vịt lộn. Người Nhật ít ăn vịt chỉ ăn gà, thế thì hột gà lộn ở đâu có? Nghĩ đi nghĩ lại, phe ta “đột nhập” vào thẳng trại nuôi gà hỏi mua trứng gà ấp 10 ngày. Chủ trại gà hỏi mua để làm gì và mấy ông lấy gì mà ấp? Nhanh trí, phe ta trả lời: chúng tôi mua về để… cúng ngày Tết.

Dài giòng để quí vị thấy “cái thuở ban đầu đầy khó khăn ấy”. Bây giờ thì quá ư là đầy đủ, lẽ dĩ nhiên là không thể so sánh với những nước có nhiều người Việt định cư. Cứ “alô là có hàng đem tới tận nhà”. Người thưởng thức chỉ có “nhiệm vụ”: chọn món nào có giá phải chăng, vừa miệng, hay cũng có thể tự mình làm lấy ở nhà.
 

Hội xuân đầu tiên tại Misono Fujisawa (1984)

Trên Kanto thì hội xuân “di chuyển” từ Misono (Fujisawa), khuôn viên nhà thờ Ignatious (trung tâm thành phố Tokyo), khuôn viên nhà thờ Fujisawa, công viên Shonandai và năm nay lại trở lại nhà thờ Fujisawa….., còn ở dưới Kansai thì bây giờ quân ta không tổ chức Hội Xuân nữa mà tổ chức Hội Tết... Ta tại những khuôn viên nhà thờ nằm trong khu vực nhiều người Việt định cư như Himeji, Kobe, Osaka.....

Hồi xưa quậy tứ tung, mà công nhận vui thiệt. Bây giờ thìquân ta” mỗi người mỗi ngã, chỉ còn là nhớ nhung và nhung nhớ. “Tiếc”....

------------
Tôi đã viết về “Tết Người-Tết Mình” và lại sắp đến

Tết Ta

Chả có gì đáng nói cả vì
Tết Ta vẫn phải đi cày
Cày hoài chờ đến…. ngày này sang năm.


Tôi vẫn đón giao thừa tết ta mấy chục năm nay kể từ ngày xa nước trong tâm trạng



em thức thi cùng nến 
Đêm nay em thức thi cùng nến
Ai biết tình em với núi sông
Mấy sông mấy núi mà xa được
Lòng chị em ta vẫn một lòng

(Cũng là thơ Nguyễn Bính)

-------------------------------


Xin chấm dứt chuyện Tết Người-Tết Mình-Tết Ta ở đây. Mong quí vị bận rộn… với công việc vào dịp Tết Ta, vì rảnh rỗi thì có nghĩa là …. quí vị đang thất nghiệp hoặc phải “ngồi chơi xơi nước”, chắc chẳng có nỗi chán chường nào hơn nữa vì suốt ngày cứ phải “tôi nhìn tôi… trên vách”.
---------------------
Nhớ nhà quá bạn ta.

Vũ Đăng Khuê