Wednesday 3 January 2018

Tạp bút Lưu An - Những giai thoại kỳ thú giữa tôi và rượu - Rượu vang một vấn đề cần hiểu biết

          Đã bao nhiêu lần dự tính viết một bài về rượu vang, một hiện tượng khá kỳ thú trong cuộc đời tôi, nhưng vì bận rộn với công việc làm ăn và cũng vì chưa thực sự có niềm tin về kiến thức của mình nên tôi đã lưỡng lự chưa làm được. Tuy nhiên, trong những dịp gặp gỡ bạn bè quanh bàn ăn nhậu hay liên hệ trên e-mail. Khi có dịp tôi vẫn viết tí chút, coi như “phô diễn “ một chút kiến thức của mình về rượu với bạn bè làm vui và cũng để thoả mãn bản tính thích tâm sự trong lãnh vực ít hay nhiều có liên quan đến chuyên môn của mình.   
        
Ngẫu nhiên, tuần vừa rồi khi nhận được tạp chí “ Viên Giác “ số 221, tháng 10 năm 2017, bài viết “ RƯỢU VÀ TÔI ” của tác giả Nguyên Trí Hồ Thanh Trúc. Tôi đã đọc bài viết với tất cả cảm khoái khi tác giả dùng lối văn rất chân thật để dẫn dắt người đọc vào con đường duyên nợ của tác giả với rượu ngay từ khi lên bốn tuổi.  Đặc biệt là nhờ bài báo tôi tìm ra một cách viết, chủ đề về rượu nhưng không đi quá sâu hay quá nhiều vào khía cạnh khoa học  mà chỉ lướt qua một cách khái quát về rượu (giống như tác giả Hồ Thanh Trúc).  


Điều quan trọng nhất là tôi muốn làm nổi bật lên cái cơ duyên lạ kỳ mà Rượu đã đến với tôi, cho tôi những kiến thức khá tốt về nó. Chính nhờ kiến thức này tôi đã có những người bạn rất tốt, rất chân thành, mặc dù tửu lượng của tôi rất kém nếu không muốn nói là tôi không thể uống được quá một ly nhỏ rượu vang.  
         
 Tôi không biết những thế hệ trước ông nội tôi có ai nghiện hay có khả năng uống rượu như hũ chìm hay không. Nhưng thế hệ của ông tôi, bố tôi cũng như thế hệ của tôi, không có một ai trong họ hàng ghiền hay mang tiếng bê tha với rượu. Lúc tôi còn là đứa bé 8,9 tuổi đôi lần, trong các dịp giỗ tết, bố tôi cùng với chú bác tôi quây quần ăn uống, nhưng chỉ vài chai bia cho cả 5, 6  người, ai ai cũng đỏ mặt tía tai rồi than nhức đầu và tìm cách đi ngủ.  

Rượu, người bạn vẫn còn xa lạ 

Cá nhân tôi vì hoàn cảnh gia đình nghèo túng nên đã ra đời rất sớm so với bạn bè cùng lứa. Tôi đã giao du với đủ hạng người, tốt cũng như xấu trong một khu lao động tối tăm của xã hội mà gia đình tôi là một thành viên. Ngay ở cái tuổi lên 8 , lên 9 … hình ảnh những cảnh say sưa ngả nghiêng, chân bước siêu vẹo, phá làng phá xóm, đánh vợ chửi con… của những ngài Lưu Linh trong xóm, đã xẩy ra quá thường với tuổi thơ ấu của tôi. Bạn bè tôi tại đó, chỉ với tuổi chớm lớn, 12, 13 nhưng hầu hết đã biết phì phò điếu thuốc trên môi hay tham gia những bữa nhậu lai rai kèm theo lon bia hay tí rượu đế ! Trong cái môi trường “ dễ đua đòi, bắt chước “ đó tôi vẫn đứng ngoài và dị ứng với rượu môt cách rất kỳ lạ, khó tin.  

Đôi lần vì mồi chài, xui bẩy của bạn bè hay o ép của “ đàn anh “ trong xóm, tôi cũng đã phải nhăn mặt nhấp môi hay hít vài hơi thuốc lá. Nhưng cũng đủ làm cho tôi nhức đầu, ho sặc sụa và chịu thua ! Có lẽ vì hiện tượng kỳ lạ, không quen đó đã giúp cho tôi cách xa những tật ách của rượu và thuốc lá rất dễ dàng, suốt cuộc đời của tôi vậy.? 

Lớn lên, bước qua ban trung học, chập chững bước lên đại học, ở cái lứa tuổi 19, 20, phần rất lớn bạn bè đồng lứa, họ hút thuốc, ăn nhậu, cờ bạc, rượu bia coi như là chuyện thường tình, không có gì để phê phán. Nhưng tôi vẫn chưa tìm thấy cái cảm khoái từ những thú vui mà các bạn tôi cố gắng tập tành coi như biểu tượng sự khôn lớn của  người thanh niên thời đại văn minh. Sau khi tốt nghiệp, đi làm việc được hơn một năm, cũng như bao thanh niên thời chiến tranh, tôi bị động viên vào quân đội khoảng một năm trời rồi lại trở về với cuộc sống dân sự. Với môi trường quân đội và công chức, có thể nói  “dịp may”  quen thuộc với rượu bia, ăn nhậu đã đến với tôi rất nhiều và dễ dàng. Những lần hội ngộ bạn bè cùng quân ngũ, tiệc tùng chiêu đãi khách tại cơ quan rồi đám cưới, đám hỏi, sinh nhật, ngay cả chuyện chia buồn vì cha mẹ, ông bà ra về với đất đá hư vô ..v…v.. Vẫn phải có những lon bia, hũ rượu. Tôi vẫn là kẻ vô duyên, đứng bên lề với cái chất lỏng đê mê, mộng ảo đó! 

Biết bao nhiêu lần nhập cuộc vui với bạn bè, tôi mang tiếng là tên “ phá mồi “ vì chỉ biết ăn mà không biết uống! Nói thật, dù bị mang tiếng như vậy, nhưng tôi vẫn có cái tốt để bạn bè không ghét bỏ và cũng chẳng quên mời gọi tôi nhập cuộc khi có dịp ngả nghiêng! Đó là tôi có tố chất của một người duy nhất trong cuộc nhậu còn tỉnh táo, không say (có uống đâu mà say!) để đóng vai trò “ thu dọn chiến trường” hay cõng vác những chiến tướng của Lưu Linh không còn khả năng đi về bằng hai chân!  

 Đầu năm 1974, lên máy bay rời xa Vietnam sang Nhật bản. Một môi trường mới, dù khuôn thước, luật lệ khắt khe nhưng nạn say xỉn có lẽ cũng chẳng thua kém gì so với Việt nam. Những buổi tối lang thang ở những khu ăn chơi. Huynh đệ Lưu Linh, chân phải đá chân trái, nghêu nga hát hò, miệng toàn mùi sake hay bia rượu thơm lừng bước ra từ những ăn tiệm, quán nhậu cũng đầy nhóc. Nhất là thời gian, khoảng hơn 5 năm tôi học hành và kiếm sống tại Kagoshima, thành phố cực nam của Nhật bản, vương quốc của rượu shooyu (sản phẩm từ khoai ngọt, còn sake từ gạo ) danh tửu của địa phương. Tôi có thể đoan chắc, cư dân nơi đây không một ai, dù đàn ông hay đàn bà, trí thức, giàu có hay lao động, bần dân mà không biết uống rượu. Uống một cách rất đáng nể, uống không biết say mà đầy cảm khoái ! 

 Với thời gian khá dài đó, trong môi trường đại học cũng như trong xưởng hãng nơi tôi làm việc, những dịp “ kom-pa “ (company) của sinh viên, giảng viên trong đại học hay bạn đồng nghiệp trong công ty xẩy ra rất thường.Tôi vẫn là thành viên được mọi người kêu gọi, dù họ biết tôi chỉ dám nhấp môi để cụng ly làm vui cho cuộc nhậu và im lặng “phá mồi“ ! Có lẽ nhờ bản tính dễ hoà đồng, thích vui đoàn nhóm, thêm vào đó, cái khả năng “bi bô” tiếng Nhật của tôi không chuẩn, đã làm cho họ thích thú, cười vui mà cho nhập cuộc !.   
  
Có thể nói với khoảng 6 năm ở Nhật, tôi vẫn giữ được bình thản, lạ lùng với rượu bia. Vẫn không biết ý nghĩa thật của chữ ngon hay dở của nó dù rất nhiều người ôm lấy nó như một người bạn tâm giao ! Dĩ nhiên cũng có những lúc buồn chán vì thất bại, vì tương lai mờ mịt ( khoảng 3,4 năm sau 1975) tôi cũng đã bao lần có ý buông xuôi, tìm quên trong mờ ảo, nhưng may mắn thay, những ý nghĩ tiêu cực đó chỉ thoáng qua, tôi vẫn là kẽ xa lạ với rượu. 

Một vở kịch khó quên. 

Trong khoảng thời gian ở Nhật bản, có một giai thoại mà tôi nhớ mãi liên quan đến rượu và vị giáo sư trưởng phân khoa thực phẩm, cũng là thầy đỡ đầu cho việc học của tôi. Một hôm vào khoảng gần 7 giờ tối thứ bẩy, tất cả các sinh viên khác đã ra về, một mình tôi đang loay hoay với công việc trong phòng thí nghiệm. Không biết từ lúc nào, ông đến vỗ nhẹ vào vai tôi, nói vài chuyện vu vơ rồi mời tôi đi ăn cơm tối để chia vui vì ông vừa có đứa cháu nội đầu tiên. Tôi cúi đầu nói vài câu chúc mừng, nhưng vẫn không dấu được chút suy nghĩ. Hình như nhìn thấy vẻ ngần ngừ của tôi vì lời mời không báo trước, ông vỗ nhẹ vài cái lên vai tôi, miệng mỉm cười nói: 

            -Tôi biết anh đang khó nghĩ vì chuyện quà mừng cho cháu tôi phải không ? Khỏi lo lắng cho mệt!  Anh nhận lời mời, chia vui với tôi là đủ lắm rồi.  

            Rồi chẳng cần tôi trả lời, ông xua tay ra dấu cho tôi dẹp công việc, chuẩn bị đi với ông.Với hoàn cảnh đó tôi chẳng có lý do gì để từ chối, nhất là tôi biết rất rõ, ông chỉ mời một mình tôi trong khi trong phòng thí nghiệm có khoảng chục sinh viên khác, một ông thầy phó và một ông phụ giảng.  

            Chúng tôi đến một nhà hàng sang trọng tại trung tâm thành phố. Vừa đẩy cánh cửa kéo, chưa kịp cởi đôi giầy. Từ phía trong nhà hàng, một phụ nữ trung niên, có lẽ là chủ hay quản lý, trong bộ kimono sặc sỡ đon đả, nông nhiệt bước ra tận mép thềm cửa quỳ lạy đón chào thầy trò chúng tôi. Qua vài câu đối đáp rất thân quen giữa bà ta với thầy cho tôi biết ông là một khách hàng rất thường của nhà hàng. 

            Theo hướng dẫn của người phụ nữ, chúng tôi vào một căn phòng trải tatami không quá rộng, nơi đó đã bầy sẵn những món ăn trên một chiếc bàn bằng gổ mầu nâu đậm,ngắn chân. Hai người phụ nữ khác cũng với bộ kimono, hoan hỉ quỳ lạy đón chào chúng tôi. Họ đưa tay xếp nắn lại chiếc gối nệm ra ý mời chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn ăn.Thầy vui vẻ giới thiệu tôi với hai người phụ nữ hầu rượu, rồi với giọng nói rất chậm và rõ ràng ông nhắc hai người phải làm sao tiếp cho tôi uống thật say, càng nhiều càng tốt. Quay sang tôi, ông đập nhẹ cánh tay tôi, đầu gật gật với vẻ thích thú: 

 -Hôm nay là ngoại lệ, anh phải uống thật say. Đừng lo, tôi sẽ gọi taxi ,đưa anh đến tận nhà.  

Thành thật khi nghe ông nói với giọng quả quyết như vậy đã làm tôi có chút run lo!  Bữa cơm buổi trưa quá nhẹ, sơ sài với vài mẩu bánh mì và một trái chuối, cái dạ dầy trống không như vậy có lẽ chỉ cần vài giọt rượu, không quá 10 phút, cũng đủ làm cho tôi không còn tỉnh táo đứng dậy, nói chi đến việc cầm cự nhiều giờ để chia vui với ông được?. Nếu như vậy, tôi sẽ làm niềm vui của ông thành nhạt nhẽo, vô duyên! Điều mà tôi hoàn tn không muốn !   

 Đúng lúc đang bối rối, một cô hầu bàn từ phía cửa căn phòng khệ nệ đem vào một cái khay gỗ mầu nâu đựng nước nóng dùng cho việc hâm rượu. Trên nắp khay có khoảng chục bình rượu nho nhỏ bằng sứ trắng để vừa khít vào những lỗ tròn. Cô gái để chiếc khay hâm rượu xuống mặt tatami khoảng giữa hai phụ nữ tiếp rượu mặc kimono rồi lễ độ cúi đầu chào và lui ra khỏi phòng. Hướng mắt nhìn vào chiếc khay hâm rượu với chút vui mừng vì tôi đã tìm ra một lối thoát cho cái khó khăn của mình.  

Ghé sát vào tai người phụ nữ tiếp rượu, ngồi sát bên cạnh, tôi thì thầm nói với bà ta vài câu, rồi lấy cớ đứng dậy muốn vào phòng rửa tay. Người phụ nữ hơi chau mày khó hiểu nhưng cũng đứng dậy, bước theo tôi ra ngoài phòng ăn.Tôi nói cho bà ta hiểu về hoàn cảnh khó xử cũng như khả năng uống rượu bết bát của tôi, mong bà cảm thông mà pha cho riêng tôi những bình rượu rất nhẹ! Ban đầu bà ta có vẻ ngạc nhiên, có ý không bằng lòng. Nhưng có lẽ, vẻ chân thành xin xỏ và nhất là với cái vốn tiếng Nhật sứt mẻ của một tên ngoại quốc đã làm bà thích thú. Mĩm cười bà nhìn tôi hỏi : 

-Hai, tám được không ?  ( 2 phần rượu pha với 8 phần nước, khoảng 5% rượu nguyên chất, tương đương với bia ) 

Hơi nhăn mặt, tôi nói với bà ta, tỷ lệ đó vẫn còn rất nặng! Cuối cùng sau vài lần cù cưa, bà ta lắc đầu, thở dài nhè nhẹ nhưng cũng không quên đưa mắt thích thú nhìn tôi vì cái trò ma mãnh, mà có lẽ lần đầu tiên trong nghề nghiệp bà ta được tham gia !! Tỷ lệ một, hai mươi đã đựơc thông suốt! 

Thế là xong, tôi trở lại bàn ăn. Một lúc sau, cô gái hầu bàn khệ nệ bưng ra một cái khay hâm rượu khác, cũng đầy những bình rượu nhỏ trên ắp khay, thay thế cho cái cũ, rồi ra khỏi phòng ăn như chẳng có gì xẩy ra. Người phụ nữ tiếp rượu nhìn tôi mỉm cười. Kín đáo chỉ cho tôi dấu tích khác biệt của mấy bình rượu trong chiếc khay hâm rượu mới, vừa được thay thế.  

Thế là cuộc ăn uống của thầy trò chúng tôi tiếp tục trong vui vẻ sảng khoái cùng với những lời nói đưa đẩy ngọt ngào, cung phụng món ăn và rượu rất chuyên nghiệp của hai người tiếp rượu. Với cái lối pha nhạt nhách, chỉ khoảng 1.25 %  chất rượu, thêm vào đó lại được ăn no những món ăn “vương giả “  thì làm sao đánh gục được tôi, để phải nhờ đến thầy dìu đỡ về nhà như thầy tưởng tượng được?! Dĩ nhiên, dù với lượng rượu như nước lã cũng làm cho khuôn mặt tôi gay đỏ nhưng tôi vẫn tỉnh táo, cười vui không một lần từ chối khi thầy muốn cụng ly, cạn chén!  

Cuộc vui thật sự trọn vẹn! tôi vẫn tỉnh táo! Thầy cũng vừa lòng vì tôi đã nhập cuộc với ông từ lúc khởi đầu cho đến lúc tiệc tan. Một điều rất thích thú đã làm tôi và ông cười vang mỗi khi gặp nhau và nhắc lại. Đó là sau bữa nhậu hôm đó, không phải ông đưa tôi về nhà mà ngược lại chính tôi đã phải dìu ông vào taxi và cũng chính tôi phải đỡ ông vào nhà với cái nhìn rất ngạc nhiên của bà vợ của thầy. 

Sáng thứ hai tuần kế tiếp, khi tôi đến phòng thí nhiệm, mọi sự bình thường như mọi ngày, chẳng có gì khác lạ. Nhưng vào khoảng 10 giờ là thời gian giải lao, tôi và nhóm sinh viên đang quây quần uống trà ăn bánh. Thình lình thầy bước vào với khuôn mặt rất vui, tự kéo chiếc ghế ngồi xuống mép bàn rồi đưa mắt nhìn chúng tôi. Cười thành tiếng, chỉ vào tôi ông nói to: 

 -Cả phòng chúng ta bị anh ta đánh lừa rồi! Tối hôm trước, anh ta đã đi ăn nhậu với tôi trên trung tâm thành phố, tửu lượng của anh ta chẳng yếu tí nào, ngược lại còn tỉnh táo, dìu dắt đưa tôi về tận nhà đó! 

Rồi ông kể rất rõ ràng từng chi tiết cuộc ăn nhậu của tôi và ông cho tất cả mọi người nghe! Bạn bè trong phòng thí nhiệm ồn ào, nhìn tôi với khá nhiều thắc mắc, khó tin! Họ hỏi tôi đủ chuyện, có người còn nhẹ nhàng phê phán tôi đã không thật lòng với họ trong các buổi kom-pa trước kia ..v..v… Tôi cũng chỉ tìm cách biện hộ cho qua, nào là vì vui quá với thầy mà quên say! Nào là người hầu bàn tiếp mời liên tục những món ăn hợp khẩu vị nên không sót bụng mà không say! … Tôi dấu kín cái trò ma mãnh của mình. 

Cũng thật may, sau cuộc vui (không trong sáng đó ) khoảng vài ba tháng sau thì tôi tốt nghiệp, nhờ sự giới thiệu của ông, tôi đã có việc tại một công ty về thực phẩm trong tỉnh cho đến ngày tôi sang Thuỵ sĩ định cư. Vào khoảng năm 1990 ông và ông thầy phó trên đường sang Anh quốc dự hội thảo, hai ông tạt thăm gia đình tôi vài ngày. Trong một bữa cơm, tôi đem rượu mời hai ông, thấy tôi uống ít, có vẻ yếu rượu. Với chút ngạc nhiên, ông nhắc lại lần uống rượu “ dữ dội “ với ông nhiều năm về trước. Lúc đó tôi mới nói sự thật của lần uống rượu không minh bạch đó cho hai ông nghe ! Cả hai nhìn tôi thích thú cười vang và còn khen tôi lanh trí, khôn ngoan!  

Năm 2005 trong lần về thăm gia đình bên vợ tại Kagoshima, tôi có điện thoại đến nhà ông, nhưng lạ kỳ không có ai bắt máy, tôi nghĩ chắc hai ông bà đi thăm gia đình con cháu ở Osaka.Tôi điện thoại đến ông thầy phó, mới biết tin ông bị ung thư phổi đã đến giai đoạn cuối và hiện đang nằm tại một bịnh viện trong thành phố. Vội vàng cùng vợ, chúng tôi đến thăm ông. Nhìn thấy ông tong teo nằm trên giường bệnh, những sợi dây nối vào cơ thể đến những máy móc chung quanh, cho tôi cái cảm giác rất buồn vì biết chắc không lâu nữa tôi và ông sẽ vĩnh biệt nhau. Khi được người y tá đánh thức, ông nhìn vợ chồng tôi với ánh mắt mừng rỡ, cố gắng đưa tay ra hiệu cho người y tá dùng máy rút đàm ra khỏi cổ họng để ông nói chuyện. Ra hiệu cho tôi cúi xuống gần hơn, ông thì thào hỏi thăm sức khoẻ tất cả người trong gia đình tôi, chúc tôi mãi mãi hạnh phúc, thành công. Đưa cánh tay èo ọt vời vợ tôi đến gần, ông nói nhỏ nhưng rất rõ ràng : 

 - “ Nó là một người chống rất tốt, hãy biết trân trọng ! “  

Tâm sự với ông thêm một lúc, thấy ông quá yếu, gần như muốn ngất đi vì cố gắng tiếp chuyện với chúng tôi. Người y tá ra dấu cho biết cuộc thăm viếng nên chấm dứt. Trong nước mắt, tôi nói vài lời từ giã, cám ơn và chúc ông mau mạnh khoẻ để lại có dịp đến thăm viếng ông trong lần về thăm Nhật bản sắp tới. Nhưng tất cả chỉ là những lời chúc tụng, hứa hẹn vu vơ! Tôi về lại Thuỵ sĩ được vài tuần lễ thì nhận được tấm thiệp với hai sọc “ chỉ đen” chéo bên góc phải, từ người con trai cả của ông báo tin ông đã ra đi !! 

 Rượu, Những kiến thức khởi đầu.     
      
Cuối năm 1979, khi rời Nhật bản đến Thuỵ sĩ định cư, tôi vẫn là người rất mù mờ và có ít nhiều thành kiến không tốt với cái chất lỏng mà rất nhiều người coi nó như nguồn vui tuyệt vời trong cuộc sống của họ. Nhưng khi được vào làm việc cho phân khoa thực phẩm thuộc Đại học bách khoa Zuerich, tôi đã có dịp tiếp xúc với rượu dưới khía cạnh khoa học, nhờ đó sự hiểu biết của tôi về rượu có vẻ thoáng khoát, tích cực hơn. Cũng chính nhờ những kiến thức đó tôi đã có được những tao ngộ rất thú vị trong cuộc sống. 

            Vào làm việc cho đại học cùng với 8 người khác, mỗi người chúng tôi đều nhận một đề tài khảo cứu khác nhau trong lãnh vực khoa học thực phẩm. Trong đó có một người chuẩn bị  cho luận án tiến sĩ của anh ta liên quan đến những tác nhân trong sự biến đổi phẩm chất của rượu vang trong biến chế và tồn trữ. Với đề tài này, anh ta đã nhờ tất cả nhân viên cơ hữu của phân khoa, vào mỗi chiều thứ sáu hàng tuần, sau bữa cơm trưa, dành cho anh ta khoảng 5 ,10 phút tại phòng đọc sách trong thư viện của phân khoa. Nơi đó trên những chiếc bàn nhỏ đã để sẵn khoảng 8, 9 ly rượu vang khác nhau cùng với một đĩa các món ăn như fromage, salami, thịt xông khói..v..v.. dùng cho người thử rượu nhấm nháp và một tờ giấy khổ A 4 ghi số loại rượu thử với những khoảng trống dành cho sự nhận xét. Sau đó anh ta thu nhận tờ giấy ý kiến của mọi người. Sáng thứ tư tuần kế tiếp, cũng tại thư viện của khoa. Anh ta sẽ cho mọi người biết về kết quả thử nghiệm đồng thời nói sơ qua về kỹ thuật biến chế, đặc tính của loại nho, chất phụ trợ tạo mùi, tạo sắc… đã được nhà sản xuất xử dụng trong sản xuất và tồn trữ của những mẫu rượu mà tuần trước anh ta nhờ mọi người uống thử và cho ý kiến. 

Có thể nói trong suốt 3 năm trời khảo xét rượu và tường trình kết quả của anh ta, tôi không bỏ qua một lần nào. Với tôi mỗi một lần thử rượu và nghe anh ta giải thích, tường trình kỹ thuật biến chế, nêu ra những khác biệt về mùi, vị kèm theo những bảng phân tích hoá học của các mẫu rượu bằng máy sắc ký áp suất cao (HPLC), đối với tôi là những bài học tuyệt vời , rất say mê. Tôi có cảm tưởng mỗi lần tham dự là một lần kiến thức về rượu vang của tôi tăng lên rõ ràng. Với khoảng 3 năm dài liên tục học hỏi một cách say mê như vậy, sự hiểu biết về rượu vang của tôi đã có những căn bản rất chuẩn xác, đầy tự tin!  

Cũng nhờ cái bệ phóng kiến thức căn bản đó, rượu vang thực sự đã là người bạn rất tâm giao của tôi, mặc dù tửu lượng của tôi vẫn yếu kém như xưa! Chỉ với một ly nho nhỏ khoảng 50cc cũng đã làm tôi đỏ mặt tía tai và muốn đi nghỉ ! Tôi không bỏ qua những dịp may nếu được cử đi tham dự các cuộc triển lãm hay hội thảo về rượu tại Thuỵ sĩ và Âu châu. Tại Zuerich, vào khoảng cuối tháng 10 hàng năm có lễ hội “thử rượu “ (Wine Expose ) qui tụ rất nhiều nhà sản xuất rượu vang trên thế giới đến tham dự và quảng cáo sản phẩm của họ. Đó cũng là dịp rất thường tôi cùng với bạn bè từ xa đến Thuỵ sĩ để được cùng với họ nếm thử những loại rượu trên thế giới . 

Cũng nhờ hiểu biết về rượu một cách khoa học đó, tôi đã có được những dịp may quen biết được người bạn tâm giao, trí thức trong xã hội. Tôi nêu ra một vài giai thoại xẩy ra trong đời tôi có liên quan đến rượu. 

Ông bố vợ, Lệnh Hồ Đại Ca Nhật bản. 

Bố vợ tôi trong thời chiến tranh thế giới ông là một sĩ quan huấn luyện Kendo ( 3 đẳng ) cho quân đội Nhật tại Mãn châu. Khi chiến tranh chấm dứt ông bị Nga sô bắt làm tù binh, lao động khổ sai tại Siberia. Sau đó được tự do, trở về Nhật, ông bước vào nghề giáo học. Qua vợ và mẹ vợ tôi cho biết ông là một người rất mê và uống rượu rất giỏi.  

 Ông đã sang Thuỵ Sĩ thăm gia đình tôi vài ba lần ngắn hạn, nhưng mùa hè năm 1990 khi đã nghỉ hưu, ông sang ở với gia đình tôi nhiều tháng trời. Với thời gian khá dài này, ông đã được chúng tôi tiếp đãi rất nhiều loại rượu, từ bia, rượu vang , champagnes đến những rượu mạnh (whisky, cognacs ….) của nhiều nhãn rượu trên thế giới. Biết ông thích và hiểu rượu cho nên tôi luôn luôn lựa chọn những loại rượu thuộc hàng khá cho ông thưởng thức. Đôi lúc cũng thấy xót túi tiền vì không hề rẻ cho những chai rượu ngon! Tuy nhiên phải công nhận khi nhìn cách uống rượu rất từ tốn, chậm rãi cùng với  vẻ mặt tràn trề khoái cảm của ông khi nuốt từng ngụm rượu, rồi gật gù, nói vài tiếng ngắn gọn : “Tuyệt ! Tuyệt ! đúng là ngon thật “ !  Đã làm tôi quên hết cái cảm giác tiếc tiền vì mua rượu mà còn thích thú được nói chuyện với ông về phẩm chất của loại rượu mà ông thưởng thức. 

            Một buổi tối cả đại gia đình vui vẻ quanh bàn ăn, trong khi ông đang nhâm nhi một ly rượu với thịt xông khói. Cũng như các lần trước ông hít hà tấm tắc khen rượu ngon, nói vài câu cám ơn tôi đã cung cấp cho ông. Bà mẹ vợ nhìn ông mỉm cười trêu chọc: 

            -Với ông, con sâu rượu thì có loại rượu nào mà không ngon!?...Chỉ tổ tốn tiền của chúng nó mà thôi ! 

            Vợ chồng chúng tôi chưa kịp trả lời thì ông đã nói : 

            -Cái khoái của người dám bỏ tiền ra mua rượu cho người khác uống, Đó là họ biết, người uống rượu có khả năng hiểu biết về rượu đó, bà à!  

            Thế là khởi đầu cuộc thảo luận về tiền mua rượu của vợ chồng tôi và tài năng uống và biết về rượu của ông được đưa ra tranh cãi. Cuối cùng ông vui vẻ nói: 

            -Tôi chỉ tội nghiệp chúng nó phải bỏ tiền ra mua rượu, chứ biết giá trị của rượu với tôi thì bà khỏi lo cho mệt ! 

Tôi im lặng ghi trong lòng câu nói đó của ông với một dự tính tìm cách xác định sự thật khi có dịp. Rồi khoảng tuần lễ sau đó, mùa nghỉ hè của lũ con đã đến, gia đình chúng tôi và ông bà làm cuộc du lịch Âu châu bằng xe microbus. Với khoảng gần 3 tuần lễ chúng tôi đi gần như khắp Nam và Trung Âu châu. Đến đâu tôi cũng kín đáo dành thời gian đến các cửa hàng bán rượu hay siêu thị lựa mua vài chai vang có tiếng tăm hay thông dụng. Đặc biệt tại Pháp tôi đến các địa danh nổi tiếng về rượu như  Bordeaux, Burgrund, Loire, Côtes du Rhône… Hay ghé vào thăm viếng, nghỉ chân tại các lâu đài, và cũng phải “ bấm bụng “  bỏ ra khoảng 50 hay 60 USD trả cho một chai rượu vang, chưa thể gọi là siêu hạng nhưng cũng thuộc loại “ khá ngon “ cho mục đích muốn chứng thực tài năng uống rượu của ông bố vợ!   

Mang về nhà với khoảng hơn 10 loại rượu khác nhau, cộng thêm một số rượu khác của  Úc, Mỹ , Nam Phi, Chile và 5 loại của Thuỵ sĩ, đã có sẵn trong hầm rượu (hầm trú ẩn của căn nhà được tôi dùng chứa trái cây, thực phẩm và rượu)  của mình. Tổng cộng tôi đã có một danh sách gồm 23 loại rượu vang khác nhau sẵn sàng cho việc kiểm nhiệm. 

Sau vài ngày nghỉ ngơi, vào một ngày cuối tuần ấm áp, tôi nói ý định của tôi là muốn thử tài biết và hiểu về rượu của ông. Không tỏ ra ngạc nhiên khi nghe tôi nói. Có lẽ ông đã manh nha đoán được ý định của tôi trong lần du lịch vừa qua, ông nhìn tôi mỉm cười và nói: 

-Tao chỉ ngại làm vợ chồng mày tốn tiền quá nhiều mà thôi, chứ cái trò muốn thử tài uống rượu của tao, chắc chắn mày sẽ không phải thất vọng đâu !  

Nghe ông nói quá tự tin như vậy, tôi cũng có phần hào hứng. Nhưng tôi nghĩ đến vấn đế khác và nói với ông: 

-Tiền mua rượu có tiếc thì tôi cũng đã mua rồi ! Nhưng vấn đề ở đây, tôi phải mở ra một lúc hơn 20 chai cho ông thử. Rượu còn lại khi đã mở, làm sao tiêu thụ hết, nếu để quá 2,3 ngày thì coi như chỉ làm dấm trộn salade mà thôi!  

Nghe tôi nói xong, ông cười thành tiếng, đưa tay nắm vai tôi lắc nhẹ, với vẻ thích thú: 

-Khỏi lo về chuyện phí phạm, tao bảo đảm với mày trong 2 hay quá lắm 3 ngày là tất cả sẽ được giải quyết ổn thoả! 

Chẳng chờ tôi trả lời, ông dí dỏm: 

-Nhưng phải là loại rượu ngon mới hết nhe !  
         
            Thế là cuộc  “xét nghiệm “ được thực hành ngay vào buổi tối hôm sau. Cũng như kiểu thử rượu mà người bạn tôi làm ở phòng thư viện phân khoa thực phẩm hơn 10 năm về trước. Hơn 20 chục cái ly đựng rượu khác nhau, được đánh số mà chỉ tôi có danh sách, được xếp thẳng hàng trên chiếc bàn ăn khá to, cùng với một đĩa lớn có đủ những món “ mồi “ ,sẵn sàng cho ông bố vợ nhập cuộc, trổ tài. 

            Ông im lặng nhắc từng ly rượu, nhấp một ngụm nhỏ, nuốt từ từ rồi chép miệng vài cái trước khi bỏ một miếng đồ nhắm vào miệng nhai chậm chậm. Im lặng một chút rồi ông lập lại y như vậy cho ly rượu tiếp theo. Sau khi nhấp tất cả các ly rượu xong, đưa mắt nhìn lại hàng ly, suy nghĩ một chút rồi cầm lấy khoảng 9, 10 cái ly bỏ sang một bên, nói nhỏ trong miệng: không đặc biệt !  

 Ông lập lại như lần đầu với số ly rượu còn lại,  cũng trầm ngâm suy nghĩ và loại ra 4, 5 ly ! Nhưng lần loại thứ hai này ông có chút lưỡng lự, cầm 2 ly trong số bị loại lên uống và thử lại một lần nữa, với tí chau mày, nhưng cuối cùng ông quyết định loại nó ra khỏi vòng chiến .  

            Lần thứ 3, rồi thứ 4 kéo dài lâu hơn, có ly rượu được ông thử đi thử lại 2, 3 lần rồi mới quyết định rút nó ra khỏi vòng tranh chấp!  Đến vòng thứ 5, còn lại 4 ly, ông nhấp lại nhiều lần, mỗi lần lại im lặng trầm tư, lưỡng lự! Có lúc ông cầm một ly lên, bỏ sang một bên, suy nghĩ rồi lại nhấp thử và lại mang nó để lai chỗ cũ. Cuối cùng ông nói vợ tôi rót cho ông một ly nước! Uống ngụm nước to, sục nước trong miệng một tí rồi mới uống, như rửa đi cái mùi vị của rượu còn sót lại trong miệng. Rồi ông cầm ly rượu còn lưỡng lự lên nhấp một ngụm để nó trong miệng một lúc rồi mới từ từ uống. Cuối cùng không có chút lưỡng lự, ông quyết định bỏ ly rượu đó vào nhóm bị loại. 

            Vòng kế tiếp với 3 ly cuối cùng.Trước khi nhấp một ly nào ông đều dùng nước súc miệng như đã làm với vòng trước. Cứ vậy ông làm đi làm lại 3 lần, uống nước, súc miệng rồi  uống rượu. Cặp lông mày đen đậm của ông chau lại tỏ vẻ không dễ tìm ra được sự lựa chọn. Ngồi thừ ra im lặng đưa mắt nhìn cả 3 ly rượu, sau cùng ông đưa tay cầm lấy một ly rượu xoay vài vòng, ánh mắt chau lại, đưa mắt nhìn tôi và nói :  
         
-Tao loại ly này, nhưng hai ly kia, nói thật tao không thể nào xác định được ly nào nhất, ly nào nhì! Cả hai đều đạt đến mức ngon, đậm đà không thể chê được. Mùi vị quá ngon thấm vào cổ họng một cách rất êm nhẹ, nuốt xong rồi nhưng trong miệng vẫn còn dư hương mùi thơm của rượu! 

Cũng chẳng để cho tôi nói, ông tiếp theo : 

-Tao hy vọng cảm nhận của tao là đúng, nhưng nói thật tất cả mấy chục loại rượu hôm nay tao thử thuộc thuộc hàng ngon hay rất ngon, bỏ xa những chai rượu vang mà tao đã uống ở Nhật!  

Mang tờ danh sách 23 loại rượu ra, đối chiếu với chọn lựa của ông, tôi đã thừ người ra vì ngạc nhiên với kết quả! 5 trong số 6 loại rượu vang đỏ của Thuỵ sĩ bị loại ngay vòng đầu hay vòng thứ 2. Còn duy nhất 1 loại đó là ly rượu mà ông đã loại nó ra trong 3 ly rượu cuối cùng. Chai rượu tên là Sassi Grossi được sản xuất tại tiểu bang Tessin vùng nói tiếng Ý của Thuỵ sĩ tại làng Mendrisio một làng chuyên trồng nho giống Merlot để làm rượu. Chai rượu do một anh bạn làm trưởng ban kiểm soát phẩm chất thực phẩm của tiểu bang Tessin tặng tôi trong một lần anh ta đến thăm gia đình tôi. Với vị thế trong ban kiểm soát phẩm chất thực phẩm của tiểu bang thì chắc chắn phải là một chai rượu rất ngon!  

 Còn 2 chai cuối cùng mà ông không quyết định được ngoài chữ tuyệt hảo là 2 chai của Pháp đều ở vùng Bordeaux. Trong lần du lịch vừa qua khi ghé vào thăm quan lâu đài Figeac (quận St. Emilion). Người hướng dẫn viên của lâu đài dẫn chúng tôi thăm viếng sơ sơ hầm ủ rượu của họ, giới thiệu những loại rượu độc đáo mà họ sản xuất. Vì sự nồng nhiệt của anh ta, tôi đã phải bấm bụng bỏ ra khoảng 45 Euro mua cho họ một chai. Chai rượu này được đóng trong hộp gỗ kèm theo một tờ giấy nhỏ mô tả sơ sơ về loại rượu. Nó được đóng chai năm 1986( 5 năm tuổi ) và được làm bởi 3 loại nho của địa phương là Carbernet Sauvignon, Carbernet Franc và Merlot. Tên chai rượu là Figeac ( St.Emillion) cũng là tên của lâu đài. 

Chai còn lại, cũng ở Bordeaux, tôi mua trong ngày cuối cùng của Wine Expose, tai Zürich khi các hãng rượu bán đại giảm giá để thu dọn ( hình như với giá khoảng 40 Sfr.) tên rượu là Baychevelle ,St. Julien ( Beychevelle là tên của lâu đài,  làng St. Julien ) rượu làm từ 54% nho Carbarnet Saubignon +  38% nho Merlot và 8% nho Petit Verdot. Trong năm Expose đó  loại rượu này được xếp hạng 19/20 !( của cuộc xét nghiệm ) và được xếp vào nhóm rượu tuyệt hảo. 

Sau khi nghe tôi giải thích kết quả kèm theo lời cảm phục với tài thưởng thức rượu của ông, ông nhìn tôi và nói câu xin lỗi vì đã không cho rượu Thuỵ sĩ vào nhóm 2 chai cuối cùng ngon nhất. Tôi cười và cho ông biết thật ra rượu vang của Thuỵ sĩ cũng như các QG khác còn rất  nhiều loại rất siêu hạng nhưng tôi không có khả năng bỏ ra hàng trăm hay hàng ngàn USD cho một chai để ông thử đó mà thôi.  

Trước khi dẹp bàn tiệc thử rượu, tôi nhắc khéo ông về 23 chai rượu đã mở, dở dang nhờ ông thu vén hộ ! Ông cười vỗ vài cái vào vai tôi và nói tôi khỏi lo, tất cả sẽ hết trong thời hạn như ông đã hứa! 

            Đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về, tôi cũng chẳng chú ý đến việc còn hay hết của hơn 20 chai rượu dở dang. Dĩ nhiên ở bữa cơm tối, vài chai trong số đó được mang ra cho bữa ăn. Nhưng đến ngày thứ ba, buổi tối khi về nhà, chưa kịp ngồi vào bàn ăn, vợ tôi cho biết tất cả đã hết, nhờ tôi xuống hầm rượu mang lên một chai khác !Tôi ngẩn ngơ một lúc nhưng cũng thấy khoái trong lòng. Đúng như ông bố vợ đã hứa, tất cả số rượu dở dang đã được ông “ thu dọn “ rất đúng hẹn. Tôi không phải lo phí phạm vì để lâu,rượu sẽ hư !  

Nhìn ông bố vợ, to lớn võ biền, hình ảnh Lệnh Hồ Xung với tửu lượng kinh hồn trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung chợt hiện ra trong trí nhớ tôi.Tôi có cảm giác ông bố vợ của tôi hình như có cái gì giông giống thì phải ?! Ông cũng có tài nhận biết, thưởng thức rượu đến mức thượng thừa! Tửu lượng cũng đạt đến mức không say, khó có người so sánh được! Chỉ với hơn 3 ngày mà ông tiêu thụ rất nhẹ nhàng khoảng 15, 16 chai rượu, không phải là một chuyện dễ dàng mà kẻ bình thường có thể làm được như ông!  Nhất là trong hai ngày đi làm về nhà vào buổi tối  ông có dấu hiệu gì chứng tỏ say xỉn! Rất bình thường khi nói chuyện cười đùa với mọi người và chơi đùa với 3 đứa cháu ngoại hoàn toàn tỉnh táo, vô tư !  

Người hàng xóm họ Lưu Linh. 

 Trước khi dọn đến căn nhà hiện tại, gia đình chúng tôi sống ở khu nhà “xếp hàng liền kề “  (reihen Haus) của chính phủ, không có nhà để xe, nên cư dân phải đậu xe dọc theo con đường gần nhà. Một hôm, trời đã xâm xẩm tối, gia đình chúng tôi đang quây quần quanh chiếc bàn ăn, thình lình có tiếng gõ cửa gấp rút. Ông hàng xóm cũng là cư dân của khu nhà, báo cho tôi biết đang lúc đi dạo gần nhà tôi. Ông đã nhìn thấy một chiếc xe microbus trong lúc quay vòng xe, có thể vì mất tay lái nên đâm vào xe cuả tôi đang đậu bên vệ đường rồi phóng xe chạy mất. Trời quá tối mà chiếc xe gây tai nạn lại chạy quá nhanh cho nên ông đã không nhìn được số xe.  

Cả gia đình vội vàng bỏ dở bữa cơm cùng ông ta chạy vội ra nơi tai nạn. Vết trượt của bánh xe gây tai nạn vẫn còn in rõ trên mặt đường, cánh cửa bên trái chiếc xe của tôi bị móp sâu vào cùng với vài lỗ thủng nhỏ do chấn ép tạo ra.  

Có lẽ nhìn thấy cảnh vợ con của tôi ngơ khác, không vui vì sự không may mắn. Ông hàng xóm giúp tôi gọi cảnh sát và đứng tên làm chứng cho tai nạn. Nhờ vậy những thủ tục đền bù sau này của công ty bảo hiểm cho tôi được dễ dàng trôi chẩy, hoàn toàn không có gì khó khăn. Cũng từ sự giúp đỡ đó chúng tôi và vợ chồng ông ta trở nên quen biết. 

            Vài ba tháng sau đó, gần cuối hè, giàn nho trắng Riesling trong vườn nhà tôi gặp năm được mùa, đầy đặc những chùm nho nặng trĩu, mùi thơm toả khắp cả khu vườn. Nhớ đến sự giúp đỡ của người hàng xóm tốt bụng, khoảng sau giờ cơm trưa, với chiếc bánh hạt dẻ do vợ tôi tự làm cùng một rổ nho trắng mới hái, tôi đem trả ơn sự giúp đỡ của ông ta. Cả hai vợ chồng ông hàng xóm có chút ngạc nhiên và cảm động khi nhận món quà của tôi, họ đưa mắt kín đáo nhìn nhau rồi vui vẻ mời tôi vào phòng khách.  

 Sau khi kéo ghế cho tôi ngồi, ông chồng hỏi tôi có muốn uống tí rượu với vợ chồng ông ta không? Dĩ nhiên tôi rất vui lòng, cũng không quên cho ông biết, dù thích và biết tí chút về rượu nhưng tửu lượng của tôi rất rất yếu. Sau vài câu chấn an, ông mở tủ lấy ra một chai rượu vang đỏ cùng với 3 cái ly  cho tôi và vợ chồng ông ta. 
  
 Nhìn thoáng qua chai rượu Hallauer, sản phẩm khá nổi tiếng của tiểu bang Schaffausen cực bắc Thuỵ Sĩ, được sản xuất từ loại nho Pinot noir và được làm gia tăng mùi vị ,mầu sắc với vài loại berries có mầu đỏ hay đen ( roten & schwarzen Beeren) kèm theo một ít hoa Hop, loại hoa thực vật, trong kỹ nghệ làm bia, dùng nó để tạo ra vị đắng cho bia. Chính vì vậy loại rượu này có mùi thơm, khá ngọt của nho Pinot noir, mầu đỏ đậm của berry, kèm theo tí vị đắng rất nhẹ của hoa Hop. 

            Trong cuộc uống rượu, nhâm nhi với vài loại fromages, chúng tôi nói chuyện qua nhiều lãnh vực, nhưng có lẽ đề tài về rượu được coi là khoái thích của chúng tôi nhiều nhất. Rất nhiều lần khi nghe ông ta vanh vách nói ra đặc tính của từng loại nho, nơi sản xuất, phụ vật cũng như những tiểu xảo trong kỹ thuật sản xuất rượu…  đã làm tôi ngạc nhiên đến nỗi ngẩn ngơ, cảm phục. Dù với chức vị là trưởng ban thanh tra tại trung tâm kiểm tra xe cơ giới của tỉnh Zuerich. Nghề nghiệp của ông hoàn toàn không liên quan gì đến kỹ thuật biến chế cũng như phẩm chất của rượu, nhưng đã làm tôi cảm mến, phục tài. Lúc chia tay tôi mời vợ chồng ông ta đến nhà tôi ăn cơm tối vào cuối tuần sau.  

            Đúng hẹn, hai ông bà đến nhà tôi, dưa tận tay vợ tôi hộp chocolate Thuỵ Sĩ thượng hạng Lindt rồi theo tôi vào phòng khách. Ông im lặng để 2 chai rượu Pháp cùng tên La Petite Chapelle, Paul Jaboulet Ainé, cùng năm đóng chai nhưng mầu e-ti-két lại khác nhau lên bàn salon. Có chút ngạc nhiên, nhưng tôi cũng chẳng thắc mắc vì sao có sự khác biệt giữa hai chai rượu và ông lại để nó lên bàn mà không đưa cho tôi như một món quà tặng.  

 Có lẽ nhìn thấy sự ngạc nhiên của tôi, ông đưa tay xoay nhẹ 2 chai rượu, giai thích cho tôi biết. Đó là hai chai rượu được sản xuất từ 90% nho Syrah còn 10% là nho Roussane và Marsanne của vùng Rhône và một số phụ phẩm để tạo mùi vị, mầu sắc từ nhiều loại berries của địa phương. Rượu được ủ trong những thùng gỗ sồi trong hầm ủ rượu khoảng 3- 4 năm mới được đóng chai và mang ra thị trường.  

Đặc biệt mỗi năm công ty chỉ đóng một số lượng chai cố định để giữ giá cả và tăng sự tín cậy của giới tiêu thụ. Rượu còn lại ít hay nhiều trong những thùng ủ được gom chung lại trong một hay hai thùng ( nếu còn nhiều ) và tiếp tục để trong hầm ủ rượu, cứ một hay vài ba năm rượu đó được đóng chai một lần. Rượu này ngon và mắc hơn rất nhiều so với chai rượu bình thường, dù chúng đóng chai cùng năm ! Đó là lý do tại sao mầu Etiket khác nhau, Ở Thuỵ Sĩ nhiều cơ sở rượu cũng làm như vậy và loại rượu đặc biệt đó trên thị trường gọi là rượu chọn lựa ( Auslese Wine). 

            Sau khi giải thích xong, ông ta cho biết, thấy tôi rất thích tìm hiểu về rượu nên cũng muốn cho tôi phân biệt được sự khác nhau về mùi, về vị ngọt của 2 chai rượu “chị em” này. Với lời giải thích đó, tôi cảm động trong ngạc nhiên khi biết rõ thành ý quá tốt của ông, muốn giúp tôi hiều sâu thêm về “ RƯỢU”. Món ăn chơi mà tôi đã có khá nhiều dịp tiếp cận từ ngày còn ở VN, Nhật bản, nhưng vẫn vô duyên làm kẻ tâm giao! Cho đến khi sang Thuỵ Sĩ tôi mới thực sự hiểu và cảm nhận được sự ngọt bùi của nó ! 

            Cũng từ sự thân tình đó, rất nhiều lần ông đã rủ tôi đi tham dự những lễ hội về rượu tổ chức tại Thuỵ Sĩ như Wine Expose hay Master of Wine ..v..v.. Trong những lần đi thử rượu đó ông đã hướng dẫn, giải thích cho tôi những điều căn bản để nhận biết sự khác biệt từ nhiều loại rượu trên thế giới. Nhờ ông, tôi đã có thêm kiến thức để phân biệt được sự khác biệt của những loại rượu được chế biến từ một loại nho nhưng khác nhau về khí hậu, độ ánh sáng của từng vùng miền. Hay được làm từ cùng loại nho nhưng lại thu hoạch sớm khi nho chưa chín rộ, trái nho còn khá tươi, với loại rượu thu hoạch vào cuối mùa, khi nho đã chín rộ, bị không khí lạnh làm cô đặc độ ngọt của nho… 

            Tóm lại, tôi đã học được rất rất nhiều từ ông hàng xóm tốt bụng và rất giỏi về rượu! Đôi khi bước vào văn chương thi phú, có lúc tôi so sánh ông với Lưu Linh, trong nhóm “Trúc lâm thất hiền” thời Tây Tấn bên Tàu. Một danh nhân rất mê say, tôn vinh vẻ cao quý của rượu. Nhưng tiếc rằng tôi không phải Kê Khang, bạn tri kỷ của Lưu Linh, người thi sĩ tài danh vang danh với những vần thơ trác tuyệt mà cụ Nguyễn Du đã dùng nó diễn tả tài đánh đàn của nàng Kiều trong tác phẩm của cụ : 

            Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thuỷ, hai rằng hàng vân. 

Sau đó khoảng 3,4 năm, gia đình tôi dọn nhà đến địa chỉ hiện nay, chúng tôi vẫn gặp nhau ăn uống vài ba lần vào các dịp cuối năm hay lễ hội của thành phố. Nhưng trong một lần vô tình đọc tờ báo hàng tuần của thành phố. Trong mục danh sách người Thuỵ sĩ muốn xin vào hay xin ra khỏi cư dân của Zuerich, cũng như danh sách những đứa bé mới sinh ra hay người của tỉnh vì lý do gì mà chết.  

Tôi đã bàng hoàng, không thể tin vào tờ báo khi thấy tên của ông trong danh sách người chết. Vội vàng tôi điện thoại cho vợ ông, đúng là sự thật đau buồn! Bà vợ cho tôi biết vài tuần lễ trước trong lần đi leo núi, có thể vì vướng vào một cành cây khô, hay vi trượt chân ở góc đường dẫn lên cây cầu bắc ngang hai chỏm núi, ông đã chết khi rơi xuống vực. Một tin rất buồn! Tôi đã mất một người bạn tâm giao và cũng là người thầy đã cho tôi những kiến thức về Rượu. 

Ông già Samichlaus với chai rượu trong mơ. 

            Một số quốc gia Âu châu như Đức, Thuỵ Sĩ, Áo…trong tháng 12 dương lịch có 2 dạng thức tặng quà Giáng sinh khác nhau về thời gian, ý nghĩa cũng như nội dung món quà tặng. Vào ngày 6 tháng 12 quà tặng có tính cách món ăn như: táo, quýt, đậu phụng, chocolate, một số hạt, củ sấy khô như trái sung, hạt óc chó, vài loại bánh ..v..v.. người cho quà có tên là ông già Samichlaus.  

 Còn buổi tối ngày 25 tháng 12, món quà tặng thường to lớn, giá trị hơn mang tính cách ước mơ hay yêu cầu của người nhận. Các món quà này do ông già Noel ( Weihnachtsmann)  đem đến có chút  kín đáo, bí mật hơn. Trẻ con thường nghĩ ông già Noel đã nghe lời ước muốn của chúng ( Đồng hồ, máy tính, đồ chơi, quần áo ..v..v..  ) và đêm 25 tháng 12  ông sẽ theo ống khói vào nhà mang món quà ước mơ của chúng đặt trên đầu gường hay treo trên cây thông gần lò sưởi…. 

Cả hai ông già đều mặc áo choàng và mũ hình chóp bằng nỉ mầu đỏ, tóc, râu đều bạc trắng, một tay cầm cái chuông, với cuốn sổ ghi những điều tốt xấu của đứa bé nhận quà trong năm qua. Tay kia cầm chiếc gậy để chống, thắt lưng cài một cái roi bằng bó cây nhỏ để trừng phạt những đứa trẻ hư..v..v.. Cả hai ông già Samichlaus và Noel, được giúp sức bê đồ tặng hay sai bảo bởi một người trẻ mặc áo nâu gọi là thằng nhem nhuốc ( Schmutzli).           

 Khi chúng tôi dọn đến căn nhà mới đươc khoảng 4 năm thì căn nhà kế cận được phá đi để xây thành một căn nhà 4 tầng sang trọng, mỗi tầng cho một gia đình. Tầng cao nhất, chủ nhân là một cặp vợ chồng không con, ông ta hơn tôi 5 tuổi, giám đốc chi nhánh của một ngân hàng Thuỵ sĩ ngay trung tâm thành phố. Dù đã quá tuổi hồi hưu nhiều năm, nhưng đến nay (2017) ông vẫn được ngân hàng lưu dụng, chỉ làm việc bán thời gian, 2 hay 3 ngày một tuần.   

Có lẽ hàng ngày từ trên cao nhìn xuống, vợ chồng họ thích thú với khu vườn đầy hoa cùng với những đứa bé Nhật bản dễ thương, ngoan ngoãn mà vợ tôi dậy học, làm cho họ muốn thân cận với gia đình chúng tội. Ngay khi mới dọn đến được vài ba tuần vợ chồng họ đã sang thăm và cho quà chúng tôi. Qua nói chuyện, tôi mới biết họ không có con, thuộc thành phần giàu trong xã hội. Ngoài căn hộ sang trọng này họ còn 2 căn nhà nghỉ ( ferien Hause ) ở Davos và Andermatt là những địa danh trượt tuyết nổi tiếng của Thuỵ Sĩ. Thú vui của họ là trượt tuyết vào mùa đông hay xuân tại Thuỵ sĩ còn mùa hè hay các mùa khác, họ đi lịch khắp thế giới chơi golf.  

Ngay trong năm đầu tiên, đúng ngày 6 tháng 12, bà vợ ghé vào nhà, cho chúng tôi mấy chai rượu vang và chocolate. Nhận món quà khá to của họ đã làm chúng tôi suy nghĩ, chưa biết hồi trả ra sao thì vài hôm sau nhận được tấm thiệp xuân của họ kèm theo lời mời đêm Noèl đến nhà họ dự mừng Christmas cùng với 3 gia đình trong chung cư của họ.   
          
 Chẳng còn lý do từ chối, chúng tôi đành “ bóp bụng ” bỏ tiền ra mua một chai Champagne Imperial brut  “Moèt & Chandon “ kèm theo một hộp chocolate Lindt khá mắc đem làm quà trao đổi ! Trong bữa tiệc hôm đó với chút ngạc nhiên, tôi được quen biết người Thuỵ Sĩ khác, ở tầng trệt của căn nhà, ông ta đã sang Việt nam nhiều lần tại các tỉnh vùng cao nguyên trung phần như Lâm Đồng, Kontum, Pleiku… để nhập cảng cafe Robusta của VN cho Thuỵ sĩ..  

 Thành thật những chai rượu mà chủ nhân mở ra đãi khách trong bữa tiệc mừng Giáng sinh, chỉ vừa nhấp miệng tôi đã cảm nhận được cái ngon rất mềm mại. Nhưng nó ngon đến mức độ nào trong thế giới rượu tuyệt hảo thì tôi không có khả năng xét đoán được. Nhưng nhìn chủ nhân với cách uống từ tốn, hoà nhã, cẩn thận khi rót rượu cho khách. Còn khách mời thì chậm rãi thưởng thức từng ngụm rượu, vài người cầm chai rượu lên, xoay xoay ngắm nhìn tên rượu, gật gù với vẻ đắc ý … Tất cả những cái đó cho tôi hiểu rằng đó là những chai rượu thuộc hàng thượng hạng mà tôi đã may mắn thưởng thức. 

            Cứ thế, cả chục năm qua rồi, năm nào vào ngày 6 tháng 12 , khi thì ông ta, khi thì bà vợ, khi thì qua bưu điện, họ mang quà đến cho gia đình tôi. Chính vì thói quen đó chúng tôi đã gọi họ là ông già Samichlaus. Còn chúng tôi luôn luôn chuẩn bị dụng cụ để làm một khay khá lớn Suishi rất trong sạch và tươi ngon mang sang góp chung vào cuộc vui với mọi người trong bữa tiệc giã từ năm cũ ( Bonenkai ) hay chào đón năm mới (Shinnenkai) tuỳ thuộc vào ngày mà họ mời chúng tôi tham gia.   

            Cách đây 4 năm, vào buổi tối ngày 6 tháng 12 chính “ ông Samichlaus” đem quà đến cho chúng tôi như mọi năm. Nhưng đặc biệt năm đó, khi đưa cho tôi một chai rượu, ông ta nhìn tôi có chút ngại ngần và nói với tôi: 

-Đây là một chai rượu rất ngon, rất đặc biệt, một khách hàng đã tặng cho tôi, tôi đem tặng ông bà với một đề nghị là khi nào ông bà rất vui vẻ, thích thú hãy mở nó ra thưởng thức, xin đừng đem cho ai.! 

Nghe ông ta nói, chúng tôi cũng chỉ biết tỏ lòng cảm động nhận món quà đặc biệt cùng với lời hứa chắc là sẽ làm như ông ta căn dặn. Trong một dịp nói chuyện với người bạn trai của con gái tôi, gia đình anh ta có một cơ sở buôn bán rượu ở một tỉnh khác. Tôi tò mò và nhờ họ thẩm định giá cả của chai rượu. Chỉ với vài thao tác trên diện thoại, anh ta cho biết chai rượu có trên thị trường giá là 450 Euro ( khoảng 540 Sfr hay USD!)! Đúng là một món quà ngoài sức tưởng tượng, dù chỉ là một chai rượu! 

Tôi đã để chai rượu dưới hầm rượu suốt 2 năm trời, nhiều lần muốn đem ra thưởng thức, nhưng lại nghĩ quá phí phạm cho hai người, nhất là tửu lượng của tôi chỉ khỏang một ly nhỏ! Nhưng sau đó vào mùa hè vợ chồng người bạn Nhật thâm giao với gia đình tôi sang chơi. Trước đây khoảng 10 năm ông chồng là hiệu trưởng trường học Nhật tại Zürich ( Japanische Schuhe in Zürich) hết nhiệm kỳ 3 năm ông trở về Nhật, được ít năm ông rời bỏ bộ giáo dục Nhật, chuyển sang làm trưởng phân bộ ấu nhi và nhà trẻ cho một công ty giáo dục tư thục ( từ trường ấu nhi đến đại học ) tại thành phố Yokohama Nhật bản. Cũng trong dịp này chúng tôi mời luôn bà hiểu trưởng đương nhiệm của trường học Nhật cùng đến nhà chúng tôi ăn cơm tối.  

Đúng là một dịp để vợ chồng tôi đem món quà của “ông Samichlaus” ra xử dụng. Trước khi mở chai rượu tôi nói cho mọi người biết rõ để mọi người cùng thưởng thức và nhận xét xem sao! Dĩ nhiên với một chai dành cho 5 người được coi là quá nhẹ. 

 Sau khi cả 5 người nhấm nháp rất cẩn thận chai rượu với thịt nướng, người nào cũng tấm tắc khen ngon và cám ơn rối rít vì nhờ tôi mà họ được thưởng thức một loại rượu trong mơ ! Cuối cùng tôi nói với mọi người : 

-Dĩ nhiên với giá mắc như vậy thì phải là một loại rượu siêu hạng rồi, khỏi cần bàn cãi. Nhưng nói thật chữ NGON, chữ TUYỆT VỜI dù ở mức nào, tôi cũng không bao giờ bỏ ra món tiền to như vậy để mua nó, hoạ chăng tôi là kẻ thần kinh hay ngu dại !  

Tất cả mọi người cười vui! Ông bạn Nhật bản thâm giao của tôi cười to, dí dỏm : 

-Thì đó cái ngon, cái tuyệt vời của nó chưa đáng giá tiền nhưng thêm vào niềm vui vì đã được uống một chai rượu duy nhất trong đời thì đáng giá rồi phải không ?! 

Một người bạn mới quen nhờ rượu. 

 Dù đã có nhiều dịp sang Mỹ, nhưng California, thủ phủ của người Việt ở Mỹ vẫn xa lạ với tôi, cho mãi đến mùa thu năm 2015 khi đã thực nghỉ hưu tôi mới có dịp dẫn vợ sang ra mắt và thăm viếng nhóm bạn cùng học với tôi ngày xưa ở Sàigon. Ngại ngần không muốn làm phiền đến cuộc sống bận rộn của bạn bè. Qua dịch vụ du lịch “ B & B “, chúng tôi thuê được một căn hộ ( apartment ) tiện nghi, sạch sẽ và khá rộng rãi, trong một khu trí thức, yên tĩnh của  San jose. Chủ nhà là một cặp vợ chồng người Mỹ rất thân thiện, chồng một kỹ sư điện tử, vợ là thư ký của đại học địa phương.  

Một hôm trời rất đẹp, ngồi trong nhà, qua khung cửa sổ, nhìn ánh nắng chiều chói chang bao trùm cả khu vực rộng lớn, hiền hoà yên tĩnh nơi cư ngụ. Chúng tôi bàn với nhau, làm một cuộc đi dạo, tạt qua những khu vực sầm uất mà nhiều lần chúng tôi đã nhìn thấy khi đi xe bus hay taxi. Đi loanh quang ngắm nhìn những ngôi nhà đẹp đẽ đứng riêng biệt giữa những thửa vườn rộng rãi, xanh tươi, hay tạt vào vài nơi buôn bán nho nhỏ của khu vực. Được một lúc, cảm thấy đã đến lúc phải về nhà. Nhìn đâu đâu cũng thấy giống nhau, lúc đó chúng tôi mới nhận ra, đường phố, nhà cửa ở các khu nhà riêng biệt tại Mỹ không dễ dàng phân biệt cho những người chưa quen thuộc. 

 Kết quả với cả tiếng đồng hồ mò mẫm chúng tôi mới tìm được đường về nhà, lúc buổi chiều đang chuẩn bị nhường chỗ cho cái nhá nhem buổi tối. Vừa mở chiếc cổng gỗ của căn nhà. Vợ chồng người chủ nhà cùng với bốn người khác đứng tuổi hơn đang quây quần quanh chiếc bàn gỗ ở góc vườn ăn uống. Nhìn thấy chúng tôi, với vẻ lếch thếch vì mệt mỏi, cả hai vợ chồng chủ nhà vui vẻ giơ tay chào và hỏi lý do. Tôi cho họ biết vì thích lang thang ngắm nhìn cái yên tĩnh, thanh bình của khu vực mà lạc đường.  

Người chồng tỏ vẻ lo lắng, cho chúng tôi biết, chính sự vắng vẻ, rất ít người qua lại của khu vực đã xẩy ra khá nhiều những vụ cướp bóc, chấn lột. Ông khuyên chúng tôi không nên sai lầm nghĩ Mỹ giống như Thuỵ Sĩ, nơi mà ông ta đã có một lần thăm viếng khi còn là sinh viên. Rồi tiếp theo là những câu trao đổi vu vơ liên hệ vài địa danh của Thuỵ Sĩ nơi mà ông đã có ít nhiều cảm mến. 

 Hình như, câu chuyện giữa tôi và ông chủ nhà làm cho tất cả người khác thích thú lắng nghe. Một người đứng tuổi ( sau này tôi mới biết ông ta là bố của chủ nhà ), rót rượu vào hai chiếc ly, rồi ra dấu mời vợ chồng tôi uống. Trong khi chúng tôi đang lưỡng lự,  ông chủ nhà đứng dậy vui vẻ tiến đến nắm tay kéo tôi đến chiếc bàn đã có hai khoảng trống mà mọi người đã dành cho chúng tôi.  

Cầm ly rượu, chỉ nhấp một ngụm nhỏ, tôi khá ngạc nhiên với vị ngọt rất đậm đà kèm theo mùi thơm thoang thoảng của dâu đất. Chép nhẹ vài tiếng như nuốt trọn cái ngon ngọt của ngụm rượu, gât đầu nhẹ, đưa tay cầm lấy chai rượu lên xem. Ê-ti-két mầu nâu in đậm hàng chữ : “ Conn Creek Herrick “ Napa Valley, Kalifornia, 2013.  

Người chủ nhà đưa mắt theo dõi thái độ của tôi, cho đến khi tôi bỏ chai rượu trở lại bàn, ông ta hỏi tôi: 

-Ông thấy sao? Chắc không tệ lắm phải không ? 

Nhìn trở lại ông ta, tôi gật gù tỏ vẻ thích thú, cho ông ta biết đây là một loại rượu mà tôi nghĩ thuộc hạng rất ngon, ngon đến mức làm tôi ngạc nhiên. Tôi diễn tả cái cảm khoái của tôi với mùi vị kèm theo cảm giác đậm đà rất êm nhẹ khi nuốt rượu qua cuống họng.  

Thế là cuộc nói chuyện của chúng tôi được chuyển sang đề tài về rượu. Qua ông ta tôi được biết khá nhiều về các loại rượu vang nổi tiếng được sản xuất tại miền Bắc và miền Trung California. Napa là vùng trồng nho rất nổi tiếng thuộc bắc Cali. Hai loại nho Merlot và Carbernet Sauvignon được trồng nhiều nhất tai đây và cũng chính hai loại nho này được dùng phần lớn cho kỹ nghệ làm rượu của miền Bắc Cali. Rượu ở đây đậm đà về mùi vị nhưng trong nho có tỷ lệ đường hơi ít. Để gia tăng độ ngọt của rượu nhà sản xuất thường thu hoạch nho muộn hơn cũng như dùng trái táo đen chín ( prune ), dâu đất (strawberry) và một vài loại berries cùng với đường saccharose làm những chất phụ gia. 

Còn vùng  trung Cali ( Central coast) cũng là vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng và rộng nhất nước Mỹ chạy dọc theo bờ biển. Pinot noir là loại nho được trồng nhiều nhất, và là loại nho để sản xuất rượu vang của vùng này. Với loại nho Pinot noir nên rượu vang đỏ ở vùng này có mầu rất đỏ đậm, độ ngọt cao, mùi vị đậm đà và cũng là loại rượu vang của Mỹ xuất cảng sang Âu châu nhiều nhất. 

Đúng lúc ông chủ nhà hỏi tôi về một loại rượu mà ông đã được uống trong lần du lịch Thuỵ sĩ nhiều năm về trước, khi còn là sinh viên. Đã nhắc tôi nhớ đến bốn chai rượu Thuỵ Sĩ mà chúng tôi đã mang theo trong lần du lịch này, hiện vẫn còn sót lại một chai trên phòng ngủ, chưa kịp cho ai. Nhìn sự thân thiện tiếp đãi của họ, nhất là cảm phục kiến thức của họ về rượu. Tôi lên phòng mang chai rượu cuối cùng còn sót lại để cùng họ nhập cuộc vui.  

Đó là một chai rượu vang đỏ của Thuỵ sĩ  ” Le Muzot “một sản phẩm rất độc đáo của tiểu bang Wallis, nằm dọc theo dẫy núi Alpes, vùng xen kẽ giữ bắc Ý và đông nam Pháp. Rượu này cũng được làm từ nho Pinot noir,  có mầu đỏ rất đậm và ngọt nhờ nho có độ đường cao nhưng cũng nhờ chất phụ gia tạo ngọt từ vài loại berries và trái cherry mầu thẫm đen. Đặc biệt rượu còn được làm tăng mùi thơm và có tí chút vị chát rất nhẹ bởi một vài loại gia vị tạo ra. Loại rượu này đã được nhiều chuyên gia thử nghiệm xếp vào hàng rượu thượng hạng trong thị trường rượu nội địa tại Thuỵ sĩ. 

Không biết có phải vì rượu quá ít, một chai dung tích 750cc cho 8 người (kể cả vợ chồng tôi) đã làm tăng độ ngon của rượu. Nhưng cũng có thể vì họ đã quen thuộc với loại rượu địa phương nên khi uống được loại rượu có mùi vị khác, đã làm cho họ có cảm giác ngon hơn hay không ? Tất cả 6 người đều khen rối rít và có ý định tìm mua tại các tiệm rượu tại Mỹ.  

Tôi cho họ biết, Thuỵ sĩ là quốc gia nhỏ bé, 90% là núi non nên không có những nông trang to lớn như các quốc gia khác. Cánh đồng trồng nho chỉ manh mún, nhỏ bé nên việc sản xuất rượu cung cấp cho nội địa đã không đủ, làm sao có dư để xuất cảng. Chính vì vậy không dễ dàng, nếu không muốn nói là không thể mua đươc rượu Thuỵ sĩ ở ngoại quốc. Trừ phi vài cơ sở đặc biệt của Thuỵ sĩ như ngoại giao, ngân hàng lớn… họ có được rượu Thuỵ sĩ qua những đường đặc biệt mà thôi.  

 Cuộc ăn uống nói chuyện rất tâm đắc, phần lớn là chủ đề về rượu của vợ chồng tôi và gia đình người bạn Mỹ mới quen đã kéo chúng tôi thân thiết rất nhanh. Buổi tối trước ngày chúng tôi phải ra phi trường trở lại Thuỵ Sĩ, vợ chồng họ đến chào từ biệt, không quên mang tặng chúng tôi chai rượu Woodbridges, năm 2011 của Cali. Hai vợ chồng họ thân thiện ôm xiết chúng tôi với lời từ giã chân tình, xin lỗi không thể tiễn đưa chúng tôi vào ngày mai vì phải đi làm. Họ hứa sẽ có lần sang thăm chúng tôi để được cùng uống và nói chuyện về rượu, một đề tài đã giúp chúng tôi và họ trở thành những người bạn thân quen. 

Còn tôi mang chai rượu ( chắc chắn là ngon ) đầy tình thân đó về Thuỵ sĩ, tôi cũng chưa có dịp để uống. Nó vẫn được giữ cẩn thận trong hầm chứa rượu, mỗi khi nhìn thấy chai rượu hay những tấm thiệp cuối năm của họ gửi đến. Chúng tôi lại nhớ đến họ, một người bạn dễ mến mà tôi đã có được nhờ vào sự hiểu biết về cái chất lỏng mà biết bao nhiêu người, kể cả tôi đã từng có cái nhìn rất tiêu cực về nó.  

Một vài hiện tượng khó hiểu về những chai rượu ở Vietnam. 

            Lần đó tôi về VN đúng vào lúc hội nghị APEC 2006 họp tại Hà nội, hàng ngày trên TV, báo chí nhan nhản những tin về hội nghị, trong đó có một tin bên lề, không quan trọng. Nhưng với tôi nó có chút chú ý, đó là rượu vang Đà lạt được dùng tiếp đãi quan khách trong hội nghị. Thành thật trước đó, dù biết VN có sản xuất rượu vang nhưng tôi chưa bao giờ uống thử nên cũng không biết phẩm chất ra sao. 

            Ngẫu nhiên một lần đến thăm một gia đình người bạn, trong bữa ăn đãi khách khá thịnh soạn, người bạn cho biết có một chai rượu vang Đà lạt, muốn mời tôi uống và cho ý kiến xem sao. Dĩ nhiên tôi đồng ý. Một dịp để tôi xác định phẩm chất của loại vang mới được sản xuất tại VN chỉ vài ba năm, và còn được chính phủ dùng tiếp đãi khách quốc tế trong hội nghị APEC đang tổ chức tại Hà Nội. 

            Mới nhấp vài ngụm, đã cho tôi có chút ngạc nhiên, với tôi, chai vang Đà lạt này không phải là loại vang cao cấp nhưng cũng không thể xếp dạng thấp được. Vị khá ngon ngon, đậm đà nhưng mùi quá nhẹ, dù tôi đã lắc nhẹ và ngửi ở môi trường khá nóng của căn phòng ăn. Về mầu sắc không đủ đậm, có thể rượu đã làm bằng những loại nho không có mầu đậm như Syrad; Merlot hay Carbanet. Hay cho thêm vào những loại phụ gia như Black Berry hay Plume trồng tại VN không tốt, không có mầu xẫm như  Âu châu hay Mỹ, Úc ( nếu ai lên Đà lạt sẽ nhìn thấy rất rõ, những trái Black berry hay Plume nhỏ, không ngọt, rất ít có mầu chín thẫm ). Tuy nhiên với tôi thì Vang Đà Lạt khônh dở và cũng không lạ lùng khi nó được xuất cảng sang Nhật và nhiều quốc gia Đông Nam á. 

            Cũng trong lần về VN đó, nhân dịp lên Đà lạt, tôi đã mua 2 chai vang đỏ Đà lạt tại một gian hàng ngay trung tâm thành phố mang về Thuỵ Sĩ  làm quà cũng như giới thiệu với vợ về một loại rượu vang Việt nam, tạm tạm khá. Trong môt bữa cơm gia đình với các con, tôi đem chai rượu ra cho mọi người thưởng thức. Một sự việc kinh hoàng ! đó không phải là rượu mà là một chất lỏng giống rượu,mùi vị thum thủm ! Chai thứ hai mở ra cũng vậy !  Dĩ nhiên đó là hai chai rượu giả ! Và chẳng có lý do gì để tiếc rẻ khi phải đổ nó vào ống cống!  

            Rồi sau đó, môt lần khác tôi về Việt Nam, cũng đến nhà thăm một người bạn, vợ anh ta là nhân viên cấp cao của một cơ sở kiểm nhiệm thực phẩm của Saigon. Anh ta khoe với tôi là có khá nhiều rượu và muốn mời tôi thưởng thức. Dù đã có ít nhiều kinh nhiệm tình trạng rượu giả tại VN ( Thật ra qua báo chí cho biết, nạn làm rượu giả ở hầu hết các quốc gia Á châu, có lẽ chỉ trừ Nhật bản mà thôi ). Tưởng rằng với vị trí chuyên môn của người vợ, chắc chắn anh ta phải có những chai rượu đúng nghĩa. Nhưng khi anh bạn vừa mở chai rượu vang Pháp Bordeaux, chỉ mới nhấp một tí tôi đã ngẩn ngơ vì nó đại loại giống như chai rượu vang Đà lạt mà tôi đã bê về từ VN làm món quà tặng cho vợ tôi ! Nó chẳng có gì để gọi là rượu vang, mà lại là loại vang Bordeaux nổi tiếng của Pháp mà tôi khá hiểu biết !  

             Một hiện tượng khác, tôi quen một người bạn trẻ, có vị trí khá tốt tại trụ sở trung ương của một ngân hàng tư nhân tại Saigon. Với vị trí này những dịp ăn uống sang trọng, đầy rẫy của ngon vật lạ với các xếp chóp bu của ngân hàng được coi là rất thường. Những chai cognac có giá tại VN trên dưới 7, 8 triêu đồng ( khoảng 300, 400  USD) như Remy Martin XO, Courvoisier Emperor; Hennessy XO… hay những chai rượu vang từ Pháp, Ý, Úc… giá không dưới một vài triệu đồng (khoảng 50-100 USD) coi như chuyện rất thường.  

 Có một lần trong bữa tiệc, nhờ lúc tàn dư của bữa tiệc anh ta lấy được một chai vang đỏ dư thừa chỉ còn khoảng 1/3 chai, đem về nhà liệng vào một góc nào đó trong nhà rồi quên luôn. Một lần tôi đến chơi, tình cờ thấy chai rượu trong góc kẹt của căn bếp. Nhìn thấy tên chai rượu, Clarendon Hills (Syrah Liandra) đã làm tôi tò mò, vì đó là loại rượu khá nổi tiếng của miền Nam Úc, được làm bởi 100%  nho Syrah. Tôi biết tí chút về rượu của hãng rượu này trong một hội trợ triển lãm rượu tại Thuỵ Sĩ. Mẹ của anh bạn cho tôi biết, vì bà chẳng biết và cũng chẳng chú ý đến chai rượu nên đã hơn 3 năm nay nó đã lăn lóc, dời chuyển khắp nơi trong mỗi khi bà quét dọn nhà. 

            Mở chiếc nút bần ra, đưa sát vào mũi, mùi thơm của rượu vẫn còn tí chút, nhìn kỹ đáy chai vẫn không có một tí cặn, rượu vẫn trong! kinh nhiệm cho tôi biết với chai rượu đã mở, nhất là chỉ còn 1/3 rượu trong chai, qua hơn 3 năm di chuyển và tiếp xúc với không khí như vậy mùi thơm của rượu không thể tồn tại được. Cũng như với thời gian dài và tác động sinh hoá của các thành phần hữu cơ như chất tanin, chất pectin, hợp chất đa đường… Chắc chắn sẽ ít hay nhiều bị kết tủa và có tí cặn dưới đáy chai. Nhưng chai rượu này hoàn toàn trong, không có! Đó là sự khác thường!  Tò mò tôi rót một tí vào ly và nhấp môi, vẫn ngon! Càng làm chi tôi khó tin! 

   Tôi chắc chắn đây không phải là rượu thật mà là rượu giả! Nhưng tôi cũng công nhận kỹ thuật làm giả có bài bản, có chuyên môn ( dĩ nhiên với những người có kiến thức về sinh hoá học thì kỹ thuật làm giả này quá dễ dàng ). Nhớ đến những chai rượu, không là rượu mà tôi đã thử trước, đó là sự giả mạo ngu xuẩn, một hành động ăn cướp của kẻ ngu, thiếu trình độ! Với cái lối mua vỏ chai rồi trau chuốt cho giống với nguyên thuỷ, rồi cho vào một chất lỏng nào đó pha thêm vào chất tạo mầu …. Thế là xong ! Kiểu làm giả như vậy chỉ lừa người ta được một lần hay lừa được những người dại khờ , không biết gì về rượu nhưng hám danh, thích khoe mẽ mà thôi !  

Còn kiểu làm giả này, là kiểu làm giả có trình độ, có kiến thức, tính toán dài lâu, người bị lừa không nhận ra, vẫn xử dụng và còn tin tưởng để mua thêm hay giới thiệu bạn bè với sản phẩm! Một lối lừa đảo có bài bản và khôn ngoan. 

 Với suy nghĩ  như vậy đã kéo trí nhớ tôi về những bài báo mà tôi đã có dịp đọc nói về trình độ làm giả những loại rượu nổi tiếng của Pháp, Ý, Úc, Mỹ ..v..v.. trên thế giới, trong đó siêu hạng là ở Trung Quốc, tiếp theo là Thổ nhĩ Kỳ. Các quốc gia Đông Nam Á, nhất là Phi luật tân,Thái Lan cũng là vương quốc của rượu giả. Ngay như Singapore nơi được coi là tốt nhất, có kỷ cương nhất của Đông Nam Á nhưng cũng có tỷ lệ rượu giả khá cao.  

Tại Âu châu, kinh nhiệm cho tôi biết tại các quốc gia Nam Âu châu ( Italy, Spanien, Portugal, Yugoslavia cũ, Đông Âu ( Nga, Tiệp khác, Balan…) cũng chưa chắc mua dược chai rượu thật nếu không chú ý và mua tại các kiosk hay tại các tiệm ban rượu luộm thuộm tại các khu vực lam nham ! Ngay cả tại Pháp, những chai rượu Bordeaux, Burgund..v..v... Nếu mua rượu tại các tiệm bán rượu lẹp nhẹp sẽ không chắc là rượu thật. Nếu mua tại các cửa hàng có tên tuổi hay tại chính cơ sở bán hàng của chính hãng ( du lịch ghé vào các lâu đài có sản xuất rượu ) nghỉ chân hay thăm viếng,được thử rượu trước khi mua thì chắc 100%  dù giá cả có phần mắc hơn tại các tiệm bán rượu hay tại các siêu thị ( tại các siêu thị danh tiếng cũng an toàn ).  

Vài cái nhìn theo hướng lạc quan về rượu 

Tôi chắc chắn nếu sống ở Việt nam, tôi sẽ mãi mãi là người xa lạ với rượu, lý do rất dễ hiểu vì trong tâm thức của tôi đã ghi đậm quá nhiều hình ảnh không đẹp của cái chất lỏng tạo cảm giác“ đê mê “ này cho những người đến với nó. Ngay hiện tại với những lần về lại VN. Không khó khăn, nếu người ta muốn chứng kiến những cảnh khó coi như đánh nhau, chém nhau hay điên khùng lái xe khi trí não họ đang mê mẩn với men say. Không! Nhất định không với tôi nếu tôi ở VN,  rượu là một tên tội phạm mà người khôn ngoan, biết suy nghĩ phải tránh xa. 

Với gần 6 năm tu học và làm việc tại Nhật, một xã hội văn minh, một dân tộc có ý thức, trọng luật pháp … nhưng tôi cũng vẫn chưa tìm thấy cái lý do để thuyết phục cho tôi bước vào lãnh vực tìm vui trong rượu. Nhưng tôi cũng đã chứng kiến khá nhiều bạn bè Nhật, họ nhịn ăn, bỏ học vì rượu. Vài người còn tâm sự với tôi, họ ao ước sau khi học xong, đi làm, lấy được người vợ biết chiều chuộng để mỗi khi đi làm về họ được cung phụng cho ăn ngon và uống rượu! Đúng như vậy, tôi đã gặp lại vài người khi họ có gia đình, họ đã được sống như tính toán ngày xưa.  

 Rồi khi đi làm việc, tôi cũng tận mắt nhìn thấy những người trẻ tuổi hoàn toàn không biết gì về rượu bia, thuốc lá  khi họ vẫn trong lứa tuổi dưới 20! Nhưng chỉ cần đúng một ngày, họ đặt chân vào tuổi thành nhân 20 theo luật pháp Nhật, thì họ phải biết uống rượu và hút thuốc! chỉ vì hệ thống đàn anh, đàn em ( sempai-cohai ) bắt buộc họ ! ( hy vọng ngày nay cái nạn chồng chúa vợ tôi hay cái trò bắt đàn em nhập cuộc để chứng tỏ tuổi trưởng thành không còn tồn tại hay đã được giảm bớt trong xã hội Nhật bản. )   

Chính những góc cạnh kỳ lạ, không mấy đẹp đó, đã làm tôi suy nghĩ và tôi vẫn là người đứng xa với rượu bia dù xã hội và con người Nhật bản vẫn là hình ảnh khá khuôn mẫu trong suy nghĩ của tôi. 

Nhưng khi sang Thuỵ sĩ, bước vào lãnh vực chuyên môn về thực phẩm, tôi đã có dịp gần với rượu. Rượu không chỉ đến với tôi trong phòng thí nghiệm mà cả trong cuộc sống giao lưu trong xã hội. Sư đụng chạm và hiểu biết của tôi với rượu trong lãnh vực khoa học đã cho tôi cái nhìn khác về rượu.  

Cũng chính những hiểu biết đó tôi đã có dịp quen biết những người bạn thân thiết. Họ hoàn toàn không phải là những con sâu rượu, những kẻ chẳng ra gì trong xã hội vì rượu. Ngược lại họ là những người trí thức, có trình độ và vị trí cao trong xã hội. Họ biết thưởng thức và hiểu rượu một cách rất đáng nể. Tôi chưa bao giờ thấy họ quá chén, say xỉn như tôi đã từng chứng kiến tại VN hay nhiều quốc gia mà tôi đã có dịp du lịch hay công tác. Trong các buổi  tiệc tùng tại các cơ quan, nơi hội họp hay tại nhà tôi, nhà họ… họ uống rượu rất từ tốn, họ dùng rượu như một vật thể giao tế, kết gắn tình thân, làm vui vẻ trong tâm sự….không có chuyện say xưa mất phẩm chất một con người có ý thức.  

Tôi cũng không bao giờ bị họ ép uống, hay chê bai vì uống ít hay từ chối không uống và cũng không phải nghe những câu nói sóc óc, cười chê tương tự như “ nam vô tửu như cờ vô phong”! hay “ nước mắt quê hương không được chối từ” ! …v..v ..  

Tóm lại ở Thuỵ sĩ ( tôi không biết tại các quốc gia khác ra sao ), Rượu không còn là “ chất độc “ tàn phá tư cách hay nguồn gốc sinh ra tội phạm như tại nhiều quốc gia khác. Trong đó có cả VN, nơi mà tôi đã bao lần nhăn mặt, chán chường khi phải chứng kiến những cảnh quá nhem nhuốc xảy ra từ những con người say xỉn! Dĩ nhiên tôi không ngu đần đến mức để không biết về những tác hại của rượu. Nhưng nếu người ta biết xử dụng và kiểm soát được những tác hại đó thì rượu không còn là vật thể hãm hại mà ngược lại nó lại là một vật thể mang tính ngoại giao và thân thiện. Hãy tưởng tượng xem, nếu những bữa tiệc chiêu đãi trong môi trường chính trị, ngoại giao hay thương mai … mà không có rượu thì cũng là một sự khiếm khuyết rất quan trọng vậy.

Rượu vang một vấn đề cần hiểu biết

            Trong phạm vi bài này, tôi sẽ cố gắng thu gọn kiến thức của mình ( có lẽ không tránh được phần nào chủ quan ) để viết về 3 chủ đề liên quan đến rượu vang sau đây : 

            -Chủ đề đầu tiên, mô tả thể thức uống rượu vang, một kiến thức rất căn bản cần thiết cho bất cứ ai khi tham gia những bữa tiệc tùng, giao tế với bạn bè hay những đối tác trong làm ăn.      
     
 -Chủ đề thứ hai, vài kiến thức sơ sài của nền sản xuất rượu nho và giới thiệu vài ba chai rượu vang trên thị trường, tiêu biểu cho ngành rượu của 9 quốc gia thuộc hàng đầu thế giới và Thụy Sĩ.  

-Chủ đề thứ ba,  dưới mắt chuyên môn về khoa học thực nhiệm, tôi muốn nêu ra vài suy nghĩ về chữ “ NGON ” trong thưởng thức rượu vang.  

(1) Thể thức uống rượu vang trong tiệc tùng


 Hình ảnh những tên say xỉn đánh vợ, đá con xẩy ra gần như hàng ngày trong cái xóm lao động mà gia đình tôi cư trú đã nhấn sâu vào ký ức, tạo cho tôi những thành kiến không tốt đẹp về rượu từ khi tôi còn ở tuổi ấu thơ. Nhưng lớn lên, khi bước vào cái nhã thú của văn chương, thơ phú, tôi đã có cái nhìn về rượu với một tí khác lạ hơn ( dù chỉ trong lãnh vực văn chương, thực tế tôi vẫn rất xa lạ với rượu ! ). Hình ảnh lãng mạn của Phạm Thái, nghĩa sĩ thời Lê mạt đã vì cái chết của Trương Quỳnh Như mà rời bỏ chí lớn về với rượu say và thơ phú :” Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy đôi mắt mỹ nhân “ .

Hay khi đọc bài thơ  “Lương Châu Từ “ của Vương Hàn, thời Đường, mang cho tôi cái cảm khoái với nét hào hùng của người chiến binh, uống vài ly rượu trước khi ra chiến trường ( giống như những Kamikaze uống ly sake trước khi lên máy bay và không bao giờ trở lại ) : 

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chính chiến kỷ nhân hồi. 

Đâu đó, có ai thích thú mà dịch rằng : 

            Rượu ngon kèo chén lưu ly
            Uống thì trên ngựa, tiếng tì dục sôi
            Say sưa ngã ngựa chiến trường
            Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về ! 

            Trong cái tâm trạng lang thang thi phú đó, sang Thụy Sĩ, ít hay nhiều trong nghề nghiệp kiếm sống, tôi cũng có liên hệ với rượu, kèm theo sự hoà nhập trôi chảy của tôi vào xã hội và con người Thụy Sĩ… đã cho tôi những hiểu biết khá tốt về rượu. Hình ảnh đẹp đẽ, lịch lãm chất đầy tính ngoại giao của người Thụy Sĩ khi uống rượu trong những cuộc gặp mặt, tiệc tùng đã cho tôi cái nhìn khá đẹp về rượu. Cũng chính nhờ hiểu biết của tôi về rượu ( dù tửu lượng của tôi rất bé, nếu không muốn nói là quá bé ) tôi đã có được những người bạn rất chân tình thân thiết, chẳng có ai trong số họ là những tên bợm rượu hay điên khùng vì rượu như tôi đã từng gặp trong quá khứ, tại Việt Nam.    
        
 Trong bài này tôi muốn mô tả cái phong thái uống rượu vang rất chuẩn của người Thụy Sĩ trong tiệc tùng to lớn hay trong những cuộc họp bạn nhỏ bé bình thường tại gia. Theo tôi nó cần thiết cho bất cứ ai nếu muốn tìm đến cái khoái cảm khi uống rượu vang với bạn bè hay khách khứa. 

1.- Ly uống rượu.

Có thể trong những bữa tiệc phức tạp, người ta xử dụng nhiều loại ly uống rượu, nhưng theo tôi có thể chia ra làm 3 loại ly, tuỳ thuộc vào mục đích xử dụng trong tiệc tùng tại nhà hàng hay trong gia đình.
            - Ly uống rượu khai vị : Thông thường rượu khai vị thường là rượu vang trắng, vang hồng hay Sâm-Panh. Với những loại rượu này chai rượu được để trong xô nước đá hay đã được làm lạnh trước khi uống. Ly uống rượu hình tulip, hơi hay không chụm phần miệng, ly không to nhưng thon và cao. Lý do là rượu dùng lạnh nên diện tích của ly ít tiếp xúc với không khí chung quanh sẽ giữ được lạnh lâu hơn. Chính vì ly thon nên khi uống rượu trắng hay Sâm-panh lạnh người ta không lắc, lý do là lạnh không làm cho rượu bốc hơi nên không có mùi hay rất ít mùi. Đặc biệt với Sâm-panh khi rót rượu vào lý thường nổi bọt vì vậy lý dài sẽ tránh được sự tràn rượu.

Trong các bữa tiệc đông người, trong đại sảnh, dĩ nhiên những bàn ăn hình tròn hay quả trám có ghi số bàn cho khách cố định. Nhưng tại các góc đại sảnh hay dọc theo chiều dài đại sảnh có vài ba cái bàn trên đó có rượu khai vị, người phục vu rót rượu rượu vào ly cho khách tự lấy, hay có người bưng những khay với những ly rượu khai vị đi mời khách. Với ly khai vị trên tay, khách đi gặp gỡ người quen biết nói chuyện hỏi thăm ..v..v..

Nếu bữa tiệc tại gia thì rượu khai vị thường thường tại phòng khách, với vài ba món ăn thêm nho nhỏ như fromage cuộn hoa ( Têt de moine ), trai olive lên dấm, hạt dẻ… 

- Ly rượu chính uống trong bữa ăn : Nếu rượu dùng trong bữa ăn là vang trắng hay hồng thì cái ly lớn hơn ly rượu khai vị tí chút. Nếu là rượu đỏ thì ly lớn hơn khá nhiều, có thể bằng trái cam, miệng ly chụm. Lý do là vang đỏ được uống ở nhiệt độ khá ấm ( thường từ 20 – 26 độ ) vì vậy diện tích bề mặt ly lớn nên tiếp xúc với không khí ấm áp trong phòng càng làm cho rượu ngon hơn, ngoài ra ly vòm để người uống rượu có thể lắc làm rượu tiếp xúc với thành ly, rượu bốc mùi thơm khi uống.  

 - Ly uống nước : tại góc hay ở giữa bàn( nếu là chiếc bàn to rộng ), xen kẽ các khay thức ăn trên bàn ăn trong đại sảnh, nhà hàng hay trong phòng ăn gia đình, người ta để môt vài chai nước suối hay nước trai cây như táo, cam…v…v.. Nhưng thường la nước suối  kèm theo vài ba cái ly, thường là ly thông thường bằng thuỷ tinh trong và hình ống. Ly này dành cho người nào khát nước hay không uống được rượu nhiều, dùng để chêm vào trong lúc ăn tiệc ( cá nhân tôi phải có, chỉ vài ngụm rượu đầu tiên cho thủ tục cụng ly, chúc tụng là tôi phải dùng đến nó để kéo dài đến cuối bữa tiệc !) 

2.- Chọn và thử rượu. 

            Thông thường trong các bữa lớn, tổ chức tại nhà hàng hay đại sảnh thì không có giai đoạn chọn và thử rượu đã được đặt trước rồi. Nhưng trong các bữa tiện nhỏ một hay hai bàn ăn tại nhà hàng hay tại tư gia. Giai đoạn này mới có, khi mọi người ngồi quanh bàn ăn chuẩn bị cho ăn uống.    
       
- Chọn rượu: Nếu rượu chưa được đặt trước, nhân viên phục vụ hay quản lý nhà hàng đã biết người nào là “ chủ xị “ ( người đặt bàn hay chủ nhân mời khách ). Họ mang ra một bảng menue, ghi danh sách rượu, kèm theo giá cả cho người chủ xị xem, lựa chọn loại rượu. Có vài trường hợp, bữa tiệc tổ chức để mừng thọ cha mẹ hay kỷ niệm ngày cưới...v..v.. người chủ xị sẽ dành sự chọn lựa rượu cho cha hay mẹ hay vợ.  
          
 - Thử rượu: Sau khi chọn rượu xong,  phục vụ sẽ mang chai rượu đến người chọn rượu, cầm 2 tay (một tay đỡ cổ chai, một tay đỡ thân chai ) và ngửa mặt Êtiket lên đưa cho người chọn rượu nhìn và xác định có đúng loại rượu được chọn không, nếu đúng chỉ gật đầu nhẹ là chai rượu được mở . 
          
 Mở chai rượu xong, người phục vụ sẽ rót ra ly của người thử rượu khoảng 20 hay 30cc và đứng chờ kết quả. Người thử rượu sẽ cầm ly rượu lên, lắc nhẹ cho rượu sóng lên thành ly ( với rượu đỏ rất quan trọng vì nhờ độ ấm của ly làm cho rượu bốc mùi, rượu trắng việc lắc chỉ là hình thức vì rượu lạnh ở khoảng 5-10 độ coi như không bốc mùi ). Người thử rượu sẽ để sát mũi vào ly để ngửi sau đó uống một ngụm nhỏ ( khoang 2, 3cc ) cho rượu chan hoà trong miệng và uống nhẹ nhàng qua cuống họng để cảm nhận cái thơm, cái dịu ngọt của rượu ! Nếu bằng lòng, nhìn người phục vụ ( họ đang chờ đợi ) gật đầu nhẹ, thế là xong, rượu sẽ được rót cho mọi người .       
    
 Đôi khi, trong bữa tiệc tại gia hay có khi tại nhà hàng, người chủ xị đã đặt rượu rồi, họ mở ra và tự ý rót một tí vào ly của mình và tự thử ! Lý do là trước khi đem rượu ra đãi khách họ kiểm chứng cho chắc ăn ( thực sự ngon, vừa ý hay không) sau đó họ mới rót rượu cho khách.   

3. Rót rượu và cụng ly: 

            - Rót rượu :Sau khi chai rượu đã được vừa ý, người phục vụ sẽ rót rượu ( thông thường chai ruợu được quấn một chiếc khăn coton quanh cổ chai để tránh rượu chảy xuống cổ chai, nhỏ vào khách và cũng để cho mỹ thuật ). Khi rót rượu chú ý những điểm sau đây :     
      
 -Luôn luôn rót cho phụ nữ trước. Nếu người thử rượu là phụ nữ ( là bà mẹ của chủ xị, là người quan trọng của bữa tiệt ) thì rót tiếp cho bà ta sau đó mới rót cho các phụ nữ khác. Nếu bà ta không có vị trí cao nhất ( chẳng hạn là vợ của chủ xị mà trong bữa tiệc có bà mẹ, quan trọng hơn ) thì có thể rót cho bà mẹ trước sau đó tới phụ nữ khác rồi mới đến quý ông.   
        
 -Khi rót luôn luôn để mác chai rượu lên mặt trên.  
         
 -Rót không quá 2/3 ly, nếu ly tròn và to ( để uống rượu vang đỏ thì khoảng 1/3 hay quá lắm 1/2 là nhiều, lý do để chai rượu dư đủ cho khoảng 10 hay 12 người !   
        
 -Khi rót rượu không để cổ chai rượu tựa vào miệng ly rượu.  
         
 - Cụng ly : Nếu bữa tiệc nhiều người, nhiều bàn, trong đại sảnh thì cụng ly chi thực hiện với vài ba người ngồi gần mình hay cùng bàn với mình và trong tầm tay mình mà thôi. Sau đây là những điều cần biết khi cụng ly : 
          
 -Phải cầm ly rượu tại khoảng giữa cán ly, tuyệt đối không cầm lên thành ly, quá rõ ràng là không đẹp và ly không đụng vào nhau khi cụng ly.

            -Khi đưa ly rượu lên, hơi nghiêng ly về phía người cụng ly với mình, cho 2 phần đầu của ly gõ nhẹ vào nhau. 
          
 -Khi cụng ly phải tuyệt đối nhìn vào mắt người ta với vẻ thân thiện vui vẻ! rất vô duyên và bất lịch sự nếu nhìn ra chỗ khác hay quay mặt nói chuyện với người khác khi cụng ly. Với những cặp vợ chồng hay bạn trai gái… họ cụng ly xong, ghé đầu sát vào nhau kèm theo nụ hôn nhẹ phớt qua trên môi. 
           
 -Khi cụng ly nên nói một vài cầu chúc tụng như chúc sức khoẻ ( zum Wohl ; Santé ) hay chúc ăn ngon ( guten Appetit ; bon appetit ), có thể nói thêm vài câu gia tăng thân thiện như cám ơn đã có lời mời, hay chúc mừng sinh nhật..v..v.. 

4. Uống rượu và tiếp thêm rượu :

            Uống rượu phải từ tốn chậm rãi, tỏ vẻ sự cảm nhận cái ngon của rượu và món ăn. Tuyệt đối không uống kiểu VN, hô hoán “ 100% dzô “ một lối “ngưu ẩm”, tốn rượu, rất khó coi (nói ra các bạn không tin chứ với kiểu uống 100% thì chắc tôi than hết rượu, vì rượu chứ có phải nước đâu !).  

 Nếu mình muốn mời rượu ai, chỉ cần cầm ly rượu lên hướng về người đó với thái độ và ánh mắt mời họ, người ta sẽ cầm ly lên và cụng nhẹ riêng biệt với mình và uống ( ít hay nhiều không thành vấn đề ). Nếu người đó ngồi xa, ngoài tầm tay mình chi cầm ly rượu lên giơ về phía họ ra ý mời, họ sẽ cầm ly rượu lên và cả hai chào nhẹ và uống rượu.            
 Khi ly rượu của mình đã cạn, muốn uống thêm, nên nhìn vài người chung quanh thấy ly của họ cũng cạn. Mình nhắc chai rượu lên ( Êtiket hướng lên trên ), nhìn họ ra ý muốn tiếp rượu cho họ, nếu họ đang nói chuyện mình nên chờ để cho họ nhìn thấy ý định của mình. Nếu họ cầm ly nghiêng nhẹ về mình hay gật đầu có ý muốn mình rót thì mình mới rót. Nếu họ nói cám ơn và đưa bàn tay lắc nhẹ hay che lấy miệng ly có ý không muốn thì không nên rót. Nếu họ đưa 2 ngón tay ra dấu tí chút, thì rót ít như người ta muốn.Ngược lại nếu người ta rót cho mình thì sau khi họ rót xong mình nên nói câu cám ơn.    
       
 Tuyệt đối không có chuyện cưỡng bách uống hay chê bai, xỏ xiên khi người ta chối từ hay người ta chỉ chạm môi vì lịch sự ..v..v.. 

5. Thay đổi loại rượu khác:

Tình trạng thay đổi loại rượu đang uống bằng một loại rượu khác có thể vì lý do:
         - Loại rượu đang dùng trong bữa tiệc vì lý do nào đó, không hợp với khẩu vị          - Loại rượu đang dùng không còn nữa nên phải mang loại rượu khác ra thay thế.

 Thông thường tại các nhà hàng sang trọng ( Hotel cỡ 4 hay 5 sao chẵng hạn) ly uống rượu cũ được thay bằng ly mới, nghĩa là khách được thưởng thức rượu mới không pha trộn (dù chỉ một tí rượu cũ trong ly cũ). Tuy nhiên trong các bữa tiệc tại gia (vì rượu cũ không còn ?), khi chủ nhân mở chai rượu mới, nhưng tuyệt đối họ không bao giờ rót rượu mới vào ly của khách vẫn còn rượu cũ (dù ít hay nhiều)! Phải ra hiệu cho khách hay chờ cho khách uống hết rượu cũ mới rót rượu mới vào. Nhất là với những loại rượu khác nhau như vang trắng, vang đỏ hay vang hồng…

6.- Vài ý kiến riêng tư : 

 Để kết luận cho chủ đề này tôi xin viết ra đây vài ý kiến riêng tư mà tôi đã từng gặp đôi lần với vài người bạn VN. Viết ra để mọi người suy nghĩ đúng sai.
  
 Một lần vợ chồng anh bạn VN đến nhà tôi chơi. Tôi dẫn hai người đến nhà người bạn Thụy Sĩ của tôi ở gần khu trượt tuyết, một căn nhà truyền thống của Thụy Sĩ ( vách khung bằng cây xen kẽ beton, cửa sổ nhỏ xinh xinh có những chậu hoa sặc sỡ… ). Tôi muốn giới thiệu cho người bạn một dạng văn hoá rất độc đáo của Thụy Sĩ. 

Vào bữa cơm tối, 6 người quay quần quanh chiếc bàn gỗ cổ xưa trong không gian ấm cúng với ánh đèn nến bập bùng, lãng mạn. Người vợ Thụy Sĩ rót rượu vang trắng khai vị ra 6 cái ly, rồi họ cầm ly lên để cụng ly. Vợ chồng tôi và anh bạn cũng cầm ly lên, nhưng người vợ không cầm ly. Vợ chống người Thụy Sĩ ngạc nhiên nhìn bà ta, ra dấu mời bà ta cầm ly. Bà bạn VN im lặng nhìn họ rất vô tư ! Tôi hiểu là bà ta chưa biết phong tục, nên nói vài lời rất gọn, giải thích là họ mời chị cụng ly đó! Bà ta quay sang, trả lời là không uống được rượu! Người chồng của bà ta hình như đã thấy khó chịu nên nói : 

 -Thì em cứ cầm ly lên cụng ly với họ, chỉ đụng vào môi tí chút, không uống  có sao đâu ! 

 Bà ta có chút bực mình nhìn thẳng vào mặt chồng và nói : 

-Em không uống được rượu mà cụng cái gì ?!  

Dĩ nhiên, trong vẻ ngỡ ngàng của hai vợ chồng người bạn Thụy Sĩ, tôi ngắn gọn bài “ giải thích con cá nó sống vì nước “ lý do tại sao bà ta không cụng ly với mọi người cho họ hiểu. Và cũng dĩ nhiên họ mỉm cười cho qua ! Nhưng sau đó họ không một lần mời bà ta món ăn gì cả trong suốt bữa tiệc, để bà ta tự do chọn lựa! Tôi hiểu, đó là phản xạ của họ với sự cứng nhắc thiếu ngoại giao vậy. 

 Có lẽ tôi cũng xin viết ra một vấn đề khác (ngoài rượu ) liên quan đến sư vô ý của nhiều người VN ( nhất là phái nữ ), đó là lúc bắt tay. Nhiều người khi bắt tay thường đưa bàn tay rất mềm, ủ rũ, không xương, đôi rất lạnh ! cho người ta bắt! Vô tình tạo ra sự nhạt nhẽo, vô duyên trong ngoai giao.Thay vì đưa bàn tay có lực, xiết đủ chặt để tỏ lòng thân thiện có lẽ nó ngoại giao hơn. 

Một câu truyện khác nữa, tôi viết ra để chấn an những người không thích uống rượu hay không có quyền uống rượu ( tôn giáo, phụ nữ mang thai ..v..v.. ). Thời gian tôi còn làm việc, tôi vẫn thường tham dự những bữa tiệc mà khách mời từ tứ xứ đến, có người đến từ các quốc gia Đạo Hồi hay thai phụ gần sinh ..v..v.. trong lúc cụng ly, họ vẫn mang ly ( rượu hay ly nước trắng ) lên cụng ly đúng thủ tục giao tế, sau đó họ bỏ xuống hay họ nói vài câu xin lỗi vì lý do không uống rượu. Chẳng có gì khó khăn hay tạo ra phiền phức, bực mình cho người khác cả! ai ai cũng hiểu và vui vẻ chấp nhận, khác hoàn toàn với lạnh lùng cứng ngắc, vô duyên !  

( 2 )  Quốc gia sản xuất rượu vang trên thế giới - Vài loại rượu vang tiêu biểu 

Một số quốc gia trên thế giới trong lịch sử sản xuất rượu vang ( đúng nghĩa là rượu nho ) của họ đã có một thời rất phát triển, nhưng sau đó vì lý do nào nó đó bị mai một không phát triển được. Nhưng vào khoảng 20,30 năm cuối của thế kỷ 20 kỹ nghệ này được phát triển rất mạnh. Chỉ với khoảng thời gian rất ngắn ngủi, trên dưới 10 năm với những nỗ lực đổi mới trong sản xuất và luật lệ. Ngành sản xuất rượu nho của họ đã có một bước tiến nhẩy vọt, mang đến hàng triệu việc làm cho giới trồng nho và các công ty sản xuất rượu, đóng góp vào nền kinh tế của họ nhiều tỷ USD vì xuất cảng rượu vang ra thế giới. 

Trong số các quốc gia đó phải kể đến 5 quốc gia là Mỹ, Úc, Chile, Argentine và Nam Phi là vững mạnh hơn cả. Người ta gọi 5 quốc gia này là vùng sản xuất rượu vang tân thế giới, để phân biệt với những quốc gia đã có ngành sản xuất rượu vang truyền thống, cổ xưa, nhóm này được gọi là nhóm sản xuất rượu vang thế giới cổ xưa, đó là các quốc gia như Pháp, Ý, Tây ban Nha, Bồ đào Nha, Đức, Thụy Sĩ, Áo, Anh quốc..v..v... 

Chủ đề này chỉ đề cập một cách khái quát về hiện trạng của 9 quốc gia hiện đang đứng đầu thế giới về lượng rượu vang sản xuất cùng với một vài loại rượu vang coi như  đại diện cho phẩm chất của kỹ nghệ rượu vang của quốc gia đó. Ngoài ra bài viết cũng đề cập Thụy Sĩ môt quốc gia sản xuất rượu không nhiều vì diện tích trồng trọt nhỏ bé, sản lượng không đủ cho tiêu dùng trong nội địa. Nhưng rượu Thụy Sĩ rất được ưa chuộng với khách du lịch. 

1.- Rượu vang Pháp 
Nước Pháp được coi là vương quốc của rượu vang về phẩm chất cũng như về sản lượng. Hiện nay diện tích trồng nho của Pháp chiếm khoảng 3% đất nông nghiệp ( khoảng 850’000 Hectar), với lượng nho này Pháp đã sản xuất gần 8 tỷ chai rượu vang với trên 300 công ty hay nhà sản xuất rượu.  Trong đó 1/3 rượu vang được xuất khẩu đi khắp thế giới, mang về cho Pháp gần 6 tỷ USD mỗi năm. Người Pháp được coi là giống dân uống rượu vang nhiều nhất thế giới, khoảng trên 60 lít/năm/người  

            Vùng trồng nho được rải khắp nước Pháp, từ Nam xuống Bắc, tử Tây sang Đông cũng như  đồng bằng đến cao nguyên. Mỗi vùng trồng những loại nho chuyên biệt dùng cho chế biến rượu, chính vì vậy khi nói đến rượu của vùng trồng nho nào tại Pháp, người ta có thể biết loại rượu đó được chế biến từ loại nho nào và có đặc điểm ra sao. Toàn nước Pháp có 14 vùng trồng nho chính và quan trọng trong kỹ nghệ sản xuất rượu, nhưng cũng có một số vùng trồng nho khác, nhỏ bé và không quan trọng như Lyon, Lorraine..v..v..Trong số 14 vùng miền trồng nho quan trọng đó thì có 6 vùng trồng nho và sản xuất rượu nho nổi tiếng của Pháp đó là vùng Champagne; Bordeaux; Burgrundy; Loire Valley; Rhône Valley và Sauternes 

1 -Champagne : 

Vùng này trồng 3 giống nho chính là Pinot noir, Pinot Meunier và Chardonney . Đây là vùng sản xuất một loại vang nổ còn gọi là vang có hơi hay Champagne ( Sâm Panh ) là một sản phẩm độc đáo và nổi danh trên thế giới. Tên Champagne đã được quốc tế bảo hộ thương hiệu. Để giữ được tính độc đáo và phẩm chất của Sâm panh chính phủ Pháp đã đưa rất nhiều qui định rất chặt chẽ trong kiểm soát, chế biến cũng như tồn trữ, đóng chai… của loại rượu vang này. Có rất nhiều công ty sản xuất rượu vang nổ (vang có hơi )trong vùng này và được xử dụng danh từ Champagne. Trên thị trường có những chai Champage khá rẻ, chỉ khoảng 30 Sfr/chai, nhưng có những chai đặc biệt với giá trên 2000Sfr/ chai.    
                   
 -Moèt & Chandon, Champagne Brut (Pinot Noir; Pinot Meunier & Chardonnay),2014, g khoảng 50Sfr/chai. Đây là loại champage được thị trường ưa chuộng và bán chạy nhất .

            - Cédric Bouchard, Champagne Brut, La Bolorée Blanc, 2009  (100% Chardonnay ), được cho điểm 96/100, với giá 140Sfr/chai.

            -Champage R.B. Bollinger, 2002 ( Pinot Nour + Chardonnay ), có giá là 204.50Sfr/chai.

            -Champage Clos d’Ambonnay, Krug, 2001 ( 100% Chardonnay ) được cho điểm 98/100, có giá 2’268 Sfr/chai. (trong danh sách rượu quý hiếm ) 

2 -Bordeaux: 

Đây là một vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng của Pháp và thế giới. Rượu vang của Bodeaux được xếp hạng rất cao trong danh sách rượu vang hiếm và quý trên thế giới, nhiều chai rượu đạt đến số điểm tuyệt đối (100/100 ), như chai rượu La Mission Haut Brionisson (1982) có giá 1’031.40 Sfr; Chai Mouton Rothschild, Pauillac(1986) có giá 1’026 Sfr.( Château Mouton Rothschild) . 
          
Hầu hết các nhà sản xuất rượu vang của Bordeaux là những Châtaux, và có tổng cộng 88 châteaux, trong đó có 61 châteaux sản xuất rượu vang đỏ và 27 sản xuất vang trắng. Bốn loại nho được trồng và dùng cho sản xuất rượu là Cabernet Sauvignon; Merlot, Cabernet Franc và Petit Verdot. Rất ít loại rượu được biến chế từ một loại nho duy nhất mà phần lớn được pha trộn 4 loại với nhau theo tỷ lệ riêng biệt cho từng nhà sản xuất.

            -Chateau Maison Blanche, Bordeaux 2014 ( Merlot+ Cabernet Sauvignon + Cabernet Franc ), đánh gía 4,5 sao giá 16Sfr/chai.

            -Chateau Larteau, Bordeaux Supérieur, 2011 (50% Cabernet Sauvignon + 50% Merlot)   giá 15.10Sfr/chai.

            -Smith Haut Lafitte Blanc,Graves, Pessac-Léognan, 2013 (64% Cabernet Sauvignon + 30% Merlet + 5% Cabernet Franc + 1% Petit Verdot) có giá 61 Sfr/ chai. 

3 -Bourgogne:  

Đây cũng là một vùng sản xuất rượu vang, đặc biệt là vang đỏ nổi tiếng ở miền Đông nước Pháp, giống nho trồng nhiều nhất là Pinot noir dùng cho rượu vang đỏ và vang hồng (rose) còn giống nho Chardonnay dùng cho vang trắng. Phần rất lớn rượu vang của Burgrundy được phân loại dựa theo kiểm định phẩm chất (AOC) của chính phủ. Nhiều thập niên về trước rượu vang Burgrundy đã được xem là ngang ngửa với vang Bordeaux, nhưng sau này có phần thua sút. Trên thị trường vang Burgrundy hiện nay khá rẻ so với vang Bordeaux, chỉ khoảng 20Sfr cũng có thể mua được chai burgrundy thuộc hàng khá ngon.

            -Bourgogne Rouge (Ex-Leroy),2012 (100% Pinot Noir ) giá 38Sfr/ chai.

            -Vougeot le Clos Blanc de Vougeot,(100% Chardonney ),2012 1er Cru, đánh giá phẩm chất là 89 – 97 /100, giá 70.20Sfr/chai.   
        
 4 -Loire Valley:  

Đây là vùng sản xuất vang trắng quan trọng nhất của thung lũng sống Loire thuộc trung bộ nước Pháp. Giống nho trồng nhiều nhất là sauvignon Blanc; Melon de Bourgogne; Chardonney,Cabernet Franc và Chemin Blanc dùng sản xuất vang trắng. Còn giống Chinon và Bourgueil dùng sản xuất vang đỏ. Vang vùng này có tí chút vị chát do chất tanin có nhiều trong các giống nho này, đó cũng là đặc tính của rượu vùng này vậy.
            -Domainne de Ladoucette, poulliy Fumé de Ladoucette, 2011 (100% Sauvignon Blanc ) giá 52.90Sfr/chai. 

5 -Rhône Valley:  

Vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng thứ 2 của Pháp, chỉ sau Bordeaux. Những vùng trồng nho nổi tiếng nhất của vùng này đều qui tụ tại các vùng đồng bằng chạy dọc theo sông Rhône. Loại nho chính, trồng nhiều nhất và quan trọng cho sản xuất vang đỏ nổi tiếng là nho Syrah.Tuy nhiên có những loại nho khác, trồng ít hơn như Marsanne,Viognier và Grenache. Hầu hết vang sản xuất tại vùng này đều được đang ký kiểm định VOA.

-Paul Jacboulet Ainé, La Petite Chappelle, 2011 (100% Syrah), đánh giá 91/100, giá 49.70Sfr/chai.

-Domaine de Trévallon, Trévalon Blanc, 2014 ( 34% Roussanne + 34% Marsanne + 12% Clairette + 12% Chardonney + 10% Grenache Blanc), gía 28.Sfr/chai.  

6 -Sauternes: 

 Một thị trấn cách Bordeaux khoảng 40km về phía nam, Sauternes là địa danh nổi tiếng sản xuất loại rượu vang trắng ngọt được dùng làm rượu khai vị cho những bữa tiệc. Rượu này được làm từ 3 loại nho Semillon, Sauvignon Blanc và Muscadelle trong đó nho Semillon được dùng với tỷ lệ cao nhất. Rượu ở đây có vị ngọt và mùi rất độc đáo làm cho người ta ngon miệng trước khi ăn đó là nhờ một loại nấm tên là Botrytis( gọi là nấm vương giả ) làm cho trái nho teo khô lại nên gia tăng độ ngọt cùng với mùi vị thơm ngon do loại nấm này tạo ra.

-Sauternes, de Malle, 2 ème Cru, 2005 ( Sémillon + Sauvignon Blanc + Muscadelle ) giá 30.20Sfr/chai.

-Chateau Rieussec, Sauternes, 1 er Cru, 2009 ( Sémillon + Sauvignon Blanc ) giá 42.00 Sfr/chai.
  
2. Rượu vang Italy 

Italy là quốc gia sản xuất rượu vang đứng hàng thứ 2 về lượng rượu vang sản xuất và xuất cảng ra thế giới, chỉ đứng sau Pháp. Nhưng nếu xét về phẩm chất rượu và tài chánh do rượu vang hay các loại rượu khác ( vang nổ, vang ngọt… ) thì vẫn thua xa vang của Pháp. Vang của Ý có mùi vị nồng mạnh, độ chua cao và ít ngọt hơn vang Pháp, có thể do khác biệt loại nho được trồng tại Ý và Pháp. Tuy nhiên đó cũng là đặc tính riêng của vang Ý và cũng làm cho nhiều người thích vang Ý. Vùng trồng nho và kỹ nghệ chế biến vang trải dài khắp nước Ý và được chia ra làm 20 vùng. Nhưng 3 vùng được coi là nổi tiếng về chế biến rượu vang nhất, đó là Toskana ; Venetien và Piemont.  

1.-Toskana:  

 Rượu vang Chianti là sản phẩm nổi tiếng của Ý được sản xuất tại vùng này từ giống nho Sangiovese, là giống nho làm lên thương hiệu của Chianti trên thị trường quốc tế với khoảng 100 triệu lít/năm.Chính vì muốn giữ cái độc đáo cho Chianti nên chính phủ Ý đưa ra một quy định bắt buộc rượu Chianti phải được sản xuất bởi 70-80% nho Sangiovese.  Ngoài ra vùng Toskana cũng trồng các giống nho khác như  Canaiolo, Colorino hay một ít nho của Pháp như Cabernet Sauvignon,Merlot để sản xuất rượu vang trắng và đỏ. Sau đây là một số loại rượu nởi tiếng cả vùng này:

 -Mandonino, Chianti Classico, 2012 ( 70% Sangiovese + 15%Melot + 15% Cabernet Sauvignon) gía 65 Sfr/ chai.

-Tignanello, Antinori, 2012 (Sangiovese; Cabernet Sauvigon; Cabernet Franc ) được định phẩm chất là 94/100, giá 52 Sfr/chai.

- Le Macchiole, Paleo Rosso, 2012, đây là hãng rượu chuyên sản xuất vang đỏ nổi tiếng của Toskana với loại nho Merlot. Giá 35Sfr/chai. 

2- Venetien:  

Thuộc vùng đông bắc Ý với thành phố du lịch nổi tiếng thế giới là Venice, được coi là vùng sản xuất rượu vang lâu đời nhất của Ý. Rượu vang đỏ Valpolivella, Amarone và Bardolino và vang trắng Saove và Prosecco được coi là những loại rượu vang nổi tếng của Venetien. Vài loại rượu vang được bán rộng rãi trên thị trường :

-Masi, Amarone Costasera, 2010 (70% nhi Corvina + 25% Rondinella + 5% Molinara) Định phẩm chất là 90/100 có giá 39Sfr/chai.

-Silvio Jermann, Sauvignon, 2014, Vang trắng (100% Sauvignon Blanc), giá 15Sfr/ chai.

-Dal Forno, Amarone della Valpolicella, 2013, được đánh gia là loại rượu ngon nhất trong năm của Venice, giá khoảng 265 Sfr/chai. Thuộc danh sách vang quý hiếm. 

3-Piemont:  

Vùng này thuộc Tây Bắc Ý, tiếp giáp với Pháp, nằm dọc theo triền núi Alpes, rượu vang đỏ là sản phẩm nổi tiếng của vùng này, nó được sản xuất bời 3 loại nho chính là Nebbiolo, Barbaresco và Dolcetto. Rượu vang đỏ Piedmont làm từ 100% nho Nebbiolo là loại rượu rất nổi tiếng của Piemont. Vùng này có những loại rượu mang mùi vị giống của Pháp nhưng giá khá rẻ.

-Barono Mosconi, E. Pira Chiara Boschis (90% Barbaresco + 10%Nebbiolo), gá khỏang 12 -15 Sfr/chai

-Barbera Al Suma, Braida, loại vang đỏ được tiêu thụ rộng rãi trong vùng, giá khoảng 15Sfr/chai. 

3. Rượu vang Tây ban Nha 
           
 Tây ban Nhà là quốc gia sản xuất rượu vang hạng 3 thế giới, sau Pháp và Ý, hàng năm Tây ban nhà cho ra thị trường khoảng hơn 1tỷ gallon ( khoảng 4,5 tỷ chai rượu ). Diện tích trồng nho dùng cho sản xuất rượu khoảng 1,16 triệu Hectar, nhiều nhất là ở miền trung Tây ban Nha như Rioja; Catalonia; Castilla..v..v..

            Giống nho Tempranillo được trồng nhiều nhất ở khắp Tây ban Nha, chiếm khoảng 20% diện tích và được dùng cho sản xuất những loại rượu nổi tiếng của Tây ban Nha như Rioja; Toro và Ribera Dueco… Giống nho Bobal trồng ít hơn với khoảng 7% diện tích, trồng nhiều ở các vùng miền Đông như Valencia, Manchuela và nhất là Uitiel-Requena. Bên cạnh đó một số nho giống ngoại nhập, phần lớn từ Pháp càng lúc càng được xử dụng nhiều hơn trong kỹ nghệ sản xuất vang của Tây ban Nha như giống  nho Cabernet Sauvignon, Syrah (dùng cho vang đỏ ) và nho Chardonnay và Sauvignon Blanc ( dùng cho vang trắng và vang nổ ). Tây ban Nha chia ra làm 17 đặc khu sản xuất rượu vang, trong đó mỗi đặc khu sản xuất một loại vang có đặc tính khác nhau, rượu vang ở các khu sản xuất miền nam thường có độ cồn cao hơn vang ở miền Bắc.

            Những loại rượu vang nổi tiếng của Tây ban Nha được sản xuất tại các vùng như Galicia; Catalonia; Castilla y leon ; Andalucia; Ribera del Duero và Rioja.Sau đây là 3 vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng của Tây ban Nha:

1.- Rioja:

Là vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng nhất của Tây ban Nha với giống nho Tempranillo, loại nho này cho ra những lại rượu rất ngon và phẩm chất của rượu càng ngon hơn nếu được tồn trữ 8 – 12 năm. Hiện nay rượu vang của vùng này được trồng thêm giống nho Pháp như Cabernet Sauvignon để cho thêm vào cùng với nho Tempranillo nguyên thuỷ tạo ra những loại rượu ngon không kém gì rượu vùng Bordeaux hay Burgundy của Pháp nhưng giá cả rẻ hơn nhiều.

-Vina Real, Gran Reserva, 2010 ( 80% Tempranillo + 20%Graciano), loại vang đỏ đã nhiều năm thẩm định phẩm chất từ 90 - 94/10, giá khá cao so với các rượu vang nội địa khác của Tây ban Nha, khoảng 26 - 28Sfr/chai.

-Castillo de Albai,2016 (100% Tempranillo ), loại vang đỏ bình dân của Spanien, nhưng cũng khá ngon, với dưới khảng 5 - 6Sfr/chai.

-Marqués de Murrieta 2013, (Tempranillo +Garnacha Tinta), vang đỏ rất ngon nếu dùng với những món ăn tính bột ( pasta) và fromage, giá khoảng 12 - 18 Sfr/chai.

2.- Catalonia:

Thủ phủ của vùng này là Barcelona, thành phố lớn thứ 2 của Tây ban Nha, sau Madrid. Đây là quê hương của rượu vang xủi bọt ( Vang nổ ).Tuy nhiên cũng sản xuất một số lớn vang đỏ nổi tiếng với sự kết hợp giống nho Tempranillo và những giống nho đỏ của Bordeaux .

-Ramon Roqueta, 2013 ( nho Tempranillo và Cabernet Sauvignon) loại vang đỏ mùi trái cherry  khá rõ rệt. Giá phải chăng khoảng 10 Sfr/chai.

-Los Condes Gran Reserva, 2010 loại vang đỏ có chút chát và đắng của cacao làm bởi Tempranillo và Cabernet Sauvignon giá khoảng 12 Sfr./chai.

3.- Ribera del Duero:

Vùng sản xuất này ở miền bắc Madrid, nơi đây cho ra những chai rượu vang đỏ nổi tiếng, nhiều chai rượu được xếp vào danh sách rượu quý hiếm trên thị trường, chẳng hạn như chai rượu vang Vega-Sicilia Unico ( sản xuất bởi 80%  nho Tempranillo và 20% nho Cabernet Sauvigon ) hay chai Domino de Pingus (2006) với giá 778 Sfr.

-Astrales, Los Astrales (100% nho Tempranillo ) đây là loại rượu bình dân của khu vực nhưng được xếp vào loại rượu ngon vì đã được định phẩm chất với điểm  90/100, giá mỗi chai khoảng 18Sfr/chai.

-Vega Sicilia,Tinto Vabuena, (95% Tempranillo + 5%merlot ), Đây là công ty sản xuất rượu vang đỏ nổi tiếng ngon và giá khá mắc của Tây ban Nha, trong hầm rượu của công ty này có những chai rượu giá từ 50Sfr đến 300 hay 400 Sfr. Hầu hết có điểm thẩm định phẩm chất từ 90 – 97/100. 

4. Rượu vang Bồ Đào Nha


Diện tích trồng nho dùng cho kỹ nghệ sản xuất rượu ở Bồ đào Nha khoảng hơn 240,000 hecta, chiếm hạng thứ 7 thế giới. Hàng năm Bồ đào Nha sản xuất khoang 6 - 7 triệu Hectolit rượu xếp hàng thứ 11 thế giới.Trung bình một người Bồ đào Nha  uống khoảng 42 – 43 lít rượu vang, thuộc hàng “ khủng “ thế giới. Có rất nhiều loại nho cổ xưa được trồng khắp toàn quốc, nhưng giống nho Touriga Nacional, Tinta Barroca, Tinta Roriz, Tinta Amarela, Touriga Francesca… là những giống nho trồng nhều nhất. 

 Loại vang ngọt Porto với độ cồn khoảng 20% là loại rượu vang nổi tiếng của Bồ đào Nha được dùng như một loại rượu khai vị. Vào thế kỷ 17 giữa Pháp và Anh có chiến tranh nên người Anh không thể mua được rượu của Pháp nên phải mua rượu vang của Bồ đào Nha thay thế vào. Nhưng người Anh đã trộn rượu vang của Bồ đào Nha với những loại rượu mạnh của Anh như Whisky và tạo ra rượu Porto ( có nghĩa là Potugal ) ngày nay với mùi vị độc đáo và độ cồn cao hơn rượu vang bình thường mang đậm sắc thái của rượu Bồ đào Nha, thường dùng như món rượu khai vị. Có nhiều công ty sản xuất rượu Porto  nổi tiếng trên thế giới với tên tiếng Anh như Taylor’s ; Graham’s; Cockburn’s ; hay Churchill..v..v.. Sau đây là vài loại rượu Porto đại diện cho Bồ đào Nha có trên thị trường :
            -Porto Late Bottled Vintage, 2011 ( hỗn hợp nho Touriga Nacional + Touriga Franca + Tinta Borroca + Tinta Roriz), 19.5% cồn, rượu ngọt khá bình dân, giá khoảng 30Sfr/chai 

            -JP Azeltao Tinto, vang đỏ  làm từ 3 loại men Castelai, Barroca; Syraz và Tinta Roriz, xuất cảng nhiều tại các QG Âu Châu, khá ngon giá phải chăng khoảng 7-8 Sfr/chai.

            -Fonseca, Porto Vintage,2012 với nho Touriga Nacional, Touriga Francesca, Tinta Barroca, Tinta Cao, Tinta Roriz và Tinta Amarela, đây là công ty sản xuất những chai rượu nổi tiếng ngon của Bồ đao Nha và có trong danh sách rượu quý hiếm của Thụy Sĩ, giá khoảng 60 - 90 Sfr/chai  

5. Rượu vang Thụy Sĩ  

Nếu xét về sản lượng rượu vang của Thụy Sĩ với các quốc gia lân cận như Pháp, Ý, Tây ban Nha … thì Thụy Sĩ thua xa, lý do Thụy Sĩ có 90% là núi nên không có những cánh đồng nho rộng lớn như các quốc gia khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là kỹ nghệ sản xuất rượu vang của Thụy Sĩ thua kém về phẩm chất. Rượu vang của Thụy Sĩ nhìn chung thuộc hàng rất khá, đồng nhất về phẩm chất, nghĩa là ở Thụy Sĩ không có loại vang rẻ ở mức dưới trung bình như tại các quốc khác như Pháp, Tây ban Nha, Bồ Đào nha. Khách hàng khi bỏ tiền ra mua rượu vang của Thụy Sĩ rất an tâm, không sợ bị lầm lẫn hay giả dối, đó là nhờ phẩm chất của rượu vang Thụy Sĩ rất đồng đều và hệ thống kiểm soát rất khắt khe .  

Có thể nói khắp Thụy Sĩ đều có những nhà sản xuất rượu vang ở mức nhỏ, khoảng vài ba ngàn hectolit rượu/ năm, nhưng chỉ có 3 khu vực là Wallis ; Waadt và Tessin là có những nhà sản xuất rượu vang khá lớn mà thôi. Rượu vang Thụy Sĩ là rất khó kiếm ở ngoại quốc, do là số lượng sản xuất không đủ cho dân Thụy Sĩ uống, nhất là dân Thụy Sĩ có niềm tin rất tốt với sản phẩm của chính mình sản xuất. Dân Thụy Sĩ coi việc uống rượu vang là một thứ uống trong giao dịch và thân hữu. Trung bình một người Thụy Sĩ tiêu thụ khoảng 33 lít rượu vang/năm, xếp hạng 4 thế giới.Sau đây là 3 vùng sản xuất rượu vang quan trọng nhất của Thụy Sĩ: 

1 -Wallis( Valais ):  

Vùng cao nguyên chạy dọc theo dẫy núi Alpes, với hàng chục ngọn núi cao trên 4000m. Giống nho được trồng nhiều nhất ở vùng này là Pinot noir, Gamay, Garanoir, Humagne Rouge và Syrah dùng cho sản xuất rượu vang đỏ. Giống nho Chasselas, Chardonnay; Pinot Gris, Heida, Chasselas… dùng sản xuất vang trắng. Rượu vang đỏ như Humagne Rouge (Carmelin); Helveticam ( Pinot Noir) và vang trắng như Petite Arvine (Carmelin) và Heida du Valai ( Carmelin ) là những chai rượu rất ngon. Sau đây là vài loại rượu sản xuất tại khu vực này:

            -Le Muzot Réserve, Cuvée Rouge du Valais, 2015, một loại rượu đỏ rất ngon, mùi rất êm nhẹ của gia vị như cam thảo, hồi… Nho Pinot noir là thành phần chính trong sản xuất và một ít nho Humagne Rouge, giá khoảng 18Sfr/chai.

            -Carmelin, Humagne Rouge du Valais, 2015, 100% nho Humagne Rouge, có mùi thơm và ngọt rất dịu của trái bery rừng ( Waldbeeren), loại rượu vang này bán rất chạy tại Thụy Sĩ, giá khoảng 16Sfr/chai.

            -Carmelin, Petite Arvine du Valais, 2016, rượu vang trắng làm từ 100% nho Petite Arvine, có tí mùi chanh dây ( Passion ), nhiều năm phẩm chất được đánh giá 4,5 sao, giá khoảng 16Sfr/chai. 

2- Waadt (Vaud )      
     
 Thuộc vùng nói tiếng Pháp Thụy Sĩ, chạy dọc theo hồ nước Lehmann, vùng này nổi tiếng sản xuất rượu vang trắng. Những loại vang trắng nổi tiếng như Yvorne Grand Cru hay Mont sur Rolle hay Féchy là những chai rượu trắng ngon, phổ biến trên thị trường, nó được biến chế từ loại nho trắng Chasselas.

-Yvorne Grand Cru,Chablais Sélection Terravin, 100% nho Chasselais, loại vang trắng rất ngon khi dùng với các món ăn fromages. Được đánh giá 4.5 sao. Ngưới ta cũng dùng nó như món rượu khai vị trong các bữa tiệc, giá khoảng 18Sfr/ chai.

-Féchy, La Pied de Vigne, 2016, Loại rượu trắng làm bởi nho Chasselas, vị rất dịu, giá khoảng 9Sfr/chai.

-Gamaret/ Maranoir (GG) Assemblage Vaud, rượu vang đỏ rất đậm mầu, làm bởi nho đỏ Gamared va Garanoir có chất phụ gia là dâu tây, được đánh giá cao trong các cuộc triển lãm rượu tại Thụy Sĩ, giá khoảng 10 - 12 Sfr./chai. 

3-Tessin (Ticino): 

Thuộc vùng Thụy Sĩ nói tiếng Ý, giáp biên giới với Ý cho nên rượu sản xuất tại đây mang khá nhiều mùi vị của Ý, có nhiều chai rượu vang đỏ rất nổi tiếng do vùng này sản xuất từ loại nho Merlot, là giống nho được trồng nhiều nhất tại đây. Ngoài ra loại nho Cabernet Sauvignon cũng được trồng một ít dùng để pha trộn với Merlot trong sản xuất. Vùng này có nhiều loại rượu đỏ rất nổi tiếng như Merlot del Ticino (Tenuta la Minerva) hay Merlot del Ticino ( Zanini Donaggio ).

-Viti, Merlot del Ticino, 100% nho Merlot với một vài chất phụ gia, rượu có tính hơi chua và hơi chát. Giá khoảng 11Sfr/chai.

-Castello Luigi,Mendrisio, 2013 (90% nho Merlot + 10% Cabernet Sauvignon ), đây là chai rượu được liệt vào danh sách quý hiếm của Thụy Sĩ, giá khoảng 120Sfr./chai.

-Sole, Merlot del Ticino, 2015,  100% với nho Merlot, Được huy chương đồng trong hội chợ vang của tỉnh, mùi thơm nhẹ và hơi chát. Giá khoảng 12 Sfr./chai. 

6. Rượu vang Mỹ 

            Mặc dầu công nghệ sản xuất rượu vang của Mỹ đã có từ lâu theo bước chân của những di dân từ Âu châu đến Mỹ lập nghiệp, nhưng bị tác động của luật cấm sản xuất rượu tại Mỹ năm 1920 đã làm cho nên kỹ nghệ này gần như bị tan rã. Những cánh đồng nho bị chặt bỏ, chỉ sau 5 năm thi hành luật, sản lượng rượu vang của Mỹ đã giảm sút khoảng 95%, thói quen uống rượu của dân Mỹ cũng bị mất đi rất nhiều. 

 Năm 1933 bộ luật này được bãi bỏ, nhưng khoảng thời gian 35 năm sau đó( 1933-1968) phong trào sản xuất rượu vang của Mỹ được trở lại nhưng trong không khí sản xuất xô bồ, không đồng nhất về phẩm chất, giống loại nho và cả về kỹ thuật… Kết quả cho ra những loại rượu vang rẻ tiền, độ cồn không đúng chuẩn và thay đổi theo từng nhà sản xuất ( quá cao, thường trên 20% độ cồn so với khoảng 14% rượu vang truyền thống )  

            Từ năm 1960 nhờ sự nhảy vào của các đại học, các giáo sư chuyên ngành đã sang Âu châu, nhất là Pháp để học hỏi và mang những giống nho của Âu châu về Mỹ tìm cách thuần hoá cho hợp với thổ nhưỡng của Mỹ, dĩ nhiên cũng phải  nhờ những nỗ lực những nhà tài phiệt, như hãng Coca Cola… dám bỏ vốn vào đầu tư. Kết quả chỉ sau một thời gian rất ngắn, ngành sản xuất rượu vang của Mỹ đã có những bước tiến rất ngoạn mục, làm cho thế giới ngẩn ngơ. Hiện nay lượng rượu vang sản xuất tại Mỹ ( phần lớn từ Cal.) đã ở vị trí hạng 4 thế giới, chỉ sau Pháp, Ý và Tây ban Nha. 

Năm 1976 có cuộc thi “ thử mùi mù” ( Blind tasting) tại Paris, với 300 chai rượu khác nhau che dấu nhãn được đem ra thử. Cuối cùng 6 trong 10 chai được xếp hạng ngon nhất được sản xuất tại vùng Napa Valley, California, Mỹ. Kết quả đã làm cho thế giới ngạc nhiên và lượng sản xuất rượu vang của Mỹ nhẩy vọt. Để bảo đảm danh tiếng và gia tăng tín nhiệm cho sản phẩm, hai năm sau (1978) chính phủ Mỹ ban hành một bộ luật “ xuất xứ rượu vang “  AVA ( American Viticultural Area) bắt buộc nhà sản xuất rượu vang tại Mỹ phải công bố rõ ràng giống loại cũng như tỷ lệ bắt buộc của loại nho được dùng trong sản phẩm. Nhờ bộ luật này mà tất cả sản phẩm rượu nho của Mỹ được đồng nhất về phẩm chất. Thật vậy ngày nay, khi bỏ tiền ra mua một chai rượu vang của Mỹ, người ta có thể yên tâm vì ngay trên Ê-ti-két đều ghi rất rõ ràng phẩm chất và thành phần hoá học trong sản phẩm.       
     
 Có thể nói tất cả 50 tiểu bang của Mỹ đều có những nhà sản xuất rượu vang nhưng tiểu bang Cali được coi là vương quốc rượu vang Mỹ về phẩm chất ( đem về nhiều giải thưởng nhất trong các hội chợ quốc tế ) cũng như lượng số ( vị trí thứ nhất,  khoảng 84% rượu vang sản xuất tại Mỹ). 

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là rượu vang của các bang khác không ngon hay không được khách hàng ưa chuộng. Chẳng hạn như rượu vang của Oregon với những vùng trồng nho Pinot Noir nhập cảng từ Pháp, họ đã cho ra những chai rượu vang không hề thua kém loại vang của Cali. Chẳng hạn như chai rượu Erath 2014.  

Cũng vậy tại Columbia Valley thuộc tiểu bang Comlumbia, chai rượu Grand Estates Merlot sản xuất từ nho giống Merlot. Đó là những chai rượu vang có tên tuổi và được ưa chuộng trên thị trường Mỹ và thế giới, hoàn toàn không thua kém gì vang sản xuất tại Cali. Hay các quốc gia truyền thống rượu vang khác như Pháp, Ý… 

            Trong phạm vi bài này, tôi chỉ  đề cập đến vài loại rượu vang nổi tiếng trong hai vùng sản xuất rượu nho quan trọng nhất của Mỹ thuộc bang California đó là vùng Napa valley ( Bắc Cal.) và vùng Trung Cal. (Central Coastal Cal.). Thêm vào đó vài loại vang ở vùng khác, ngoài Cali, những chai rượu có tên trong danh sách rượu ngon và hiếm trên thị trường.  

1.- Rượu vang vùng Napa Valley:  

Vùng này trồng nhiều nhất là loại nho Cabernet Sauvignon, Cabernet Franc, Merlot và môt ít giống nho khác ít hơn như Malbec, Petit Verdot đó là những giống nho được mang từ Pháp về và đã được thuần hoá với thổ nhưỡng của Cali. Vùng này sản xuất phần lớn là vang đỏ.Sau đây là vài loại vang nổi tiếng được sản xuất trong vùng :

-Pahlmeyer,2012  ( 79% Cabernet Sauvignon +11% Merlot +5% Cabernet Franc + 4% Malbec và 1% Petit Verdot), có giá khoảng 141 Sfr /chai. 

-Caymus, 2011 ( 100% Cabernet Sauvignon) g khoảng 118 Sfr/chai     
      
 Cả hai chai trên được xếp trong danh sách quý hiếm của Thụy Sĩ nên giá khá mắc. Ngoài ra còn có những loại rượu vang khác cũng từ Napa Valley khá nổi tiếng với giá phải chăng, được xuất cảng nhiều sang Âu châu như  Robert Mondavi Woodbridge ; Newton, Napa Valey…Giá trong khoảng 15 - 20 Sfr/chai 

2 -Rượu vang vùng Central Coast:  

Cũng là vùng sản xuất ra nhiều loại vang đỏ cũng như vang trắng rất nổi tiếng của Mỹ. 

- Calera Chardoney và Delicator Chardoney là 2 loại vang trắng nổi
tiếng và sản xuất nhiều nhất trong vùng này. Giá khoảng 12- 15 Sfr/chai

- Calera,Selleck Pinot noir được sản xuất bởi 100% nho Pinot Noir giá
mỗi chai khoảng 18 - 26Sfr ( tuỳ thuộc vào năm đóng chai từ 2011-2014).Trong đó chai sản xuất năm 2011 giá 46.50 Sfr/chai.

            - Delicato Cabernet Sauvignon 2011: Được sản xuất bởi 100% nho Cabernet Sauvignon, rượu này được đánh giá 94/100 trong danh sách rượu vang hiếm và quý của hội Master of Wine, Thụy si năm 2016. Giá khoảng 42 Sfr/chai 

3 -Rượu vang khác của Mỹ: 

 Ngoài Cali. ra, ở Mỹ còn nhiều nhà sản xuất rượu vang, dù không nhiều nhưng vẫn có những chai rượu vang rất nổi tiếng trên thị trường. Chẳng hạn như :

            - Columbia Crest được làm từ hỗn hợp nho merlot; Cabernet Sauvignon, Cabernet Franc và Syrah, rượu này khá đậm mầu và có chút vị chát, đã được thẩm định thuộc nhóm rượu 4,5 sao trong thị trường Âu châu. Giá khoảng 15 Sfr./chai

            - Betz La Serenne, Syra 2014, Washington state : làm từ 100% nho Syrah, giá khoảng 30 Sfr/chai.

7. Rượu vang Úc & Tân tây Lan 


Úc và Tân tây Lan chỉ thực sự bước vào nghề trồng nho để sản xuất rượu vang chỉ khoảng trên dưới 60 năm nay mà thôi. Nhưng cũng như Mỹ, hai quốc gia này dù bước vào lãnh vực này chậm nhưng đã có những thành quả đáng kinh ngạc. Hiện nay toàn nước Úc có 62 khu vực trồng nho với diện tích tổng cộng là 160,000 héc-ta. Những giống nho chính được trồng nhiều nhất ở Úc là Shiraz, Cabernet Sauvignon, Merlot, Pinot noir, Chardonney, Riesling, Semillon và Sauvignon Blanc, Grenache, Verdelho và Viognier. Hầu hết các ruộng nho và cơ sở làm rượu vang đều tập trung tại 4 bang có khi hậu thuận lợi cho việc trồng nho, đó là bang  South Australia ; New South Wales; Victoria và bang Western Australia. Rượu vang được sản xuất tại các bang có những nét đặc trưng, phản ảnh sự khác biệt về điều kiện địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng nơi trồng nho. Sau đây là vài loại rượu vang sản xuất tại 2 bang quan trọng nhất của Úc.  

1 -Rượu vang vùng Nam Úc ( South Australia):  

Nhờ điều kiện khí hậu và địa hình đa dạng cho nên tiểu bang này có thể trồng được nhiều giống nho khác nhau, giống nho trắng Riesling, Chardoney, Sauvignon blanc dùng để sản xuất vang trắng. Còn các giống khác như Pinot noir, Merlot… dùng cho vang đỏ. Tiểu bang này sản xuất hơn 50% rượu vang của Úc, cho ra những chai rượu vang nổi tiếng như :

- Clarendon Hills, Astralis 2010 được sản xuất với 100% nho Shiraz tại làng Mc LarenVale, chai rượu này được cho điểm tuyệt đối 100/100, và định giá là 265 Sfr/chai, trong danh sách rượu vang quý hiếm. Tuy nhiên những chai khác trên thị trường của công ty này cũng chỉ có giá khoảng 25 – 40Sfr/chai.

- Grange Hermitage, Penfolds là công ty sản xuất rượu vang cổ nhất Úc châu. Loại rượu này được làm từ 51% nho Shiraz và 49% Cabernet Sauvignon, 2009. Được định giá 20 Sfr./chai.

- Bellmount, Winemaker’s Choice, cũng sản xuất từ nho Shiraz ( 35%) và Cabernet (65%), có chút vị chát do nhà sản xuất cho thêm vào chất gia vị tạo đắng. Giá cả rất phải chăng, khoảng 12 Sfr/chai 

2 -Rượu vang vùng New South Wales:  

Dù sản lượng của vùng này chiếm vị trí số 2 với khoảng 30% sản lượng rượu vang của Úc, nhưng rượu vang tại đây không được đánh giá cao mà chỉ có tính cách đại trà, nhắm vào giới bình dân của Úc và xuất cảng sang các quốc nghèo. Loại nho chính trồng trong bang này là Cabernet Sauvignon, Chardonnay, Shiraz, Grenace và Semillon.

-Tar & Roses ( Heathcote Shiraz), 2015 được biến chế từ 100% nho Shiraz, rượu có mầu đỏ đậm và vị hơi ngọt vì chất phụ gia là táo đen và loại berry đen ngọt. Giá khoảng 7-10 Sfr/chai. 

3 - Rượu vang Tân tây Lan:  

Rượu vang Tân tây Lan chỉ thực sự mới phát triển khoảng 40 năm nay, năm 1977 người ta mới biết về kỹ nghệ rượu vang của Tân tây Lan nhờ sự thành công loại vang trắng của vùng Marlborough được làm từ nho Sauvignin Blanc. Cũng từ đó Tân Tây Lan đã có tiếng với nhiều loại vang trắng.  

Hiện nay vang trắng của Tân Tây Lan được sản xuất khoảng hơn 200 triệu lít/năm hay 80% tổng số rượu vang sản xuất trong nước, so với 20% là vang đỏ. Vang sản xuất tại Tân Tây Lan thường có giá rẻ và ở mức trung bình về phẩm chất tuy nhiên hàng năm cũng mang về cho Tân Tây Lan khoảng gần 1 tỷ USD. Sau đây là 2 loại vang trắng của Tân tây Lan thường thấy trên thị trường rượu Âu châu:  

-Cloudy Bay 2014 ( 100% Chardonnay ), Marlborough giá khoảng 16 Sfr/chai, được đánh giá 4 sao. 

-Tahuna Sauvignon Blanc, 2016 ( 100% Sauvignon ) giá khoảng 7 – 10 Sfr/chai  

8. Rượu vang Argentina 


Argentina là quốc gia rộng lớn ở Nam bán cầu, với diện tích trồng nho khoảng 260’000 hécta, hàng năm sản xuất khoảng hơn 15 triệu hectolít rượu vang, xếp hàng thứ 6 thế giới sau Pháp, Ý, Tây ban Nha, Mỹ và Đức. Trong đó 60% là vang đỏ. 90% rượu sản xuất ra được tiêu thụ trong nước, chỉ 10% dành cho xuất khẩu. 

Hai giống nho được trồng nhiều nhất tại Argentina là nho trắng Torontes dùng sản xuất vang trắng và Melbec mầu đen xậm dùng cho sản xuất vang đỏ và cũng là  loại nho quan trọng và mang đặc tính cho vang đỏ của Argentina. Loại nho Melbec này chiếm khoảng 30%  sản lượng nho toàn quốc, nó được trồng phần lớn ở vùng Mendoza, nơi đây có khoảng 700 công ty sản xuất rượu vang với những cánh đồng nho bất tận và cho ra những loại rượu vang khá nổi tiếng của Argentine. 

Ngoài 2 giống nho chính trên, Argentine còn trồng những loại nho khác như Cabernet Sauvignon, Cabernet Franc, Merlot, Petit Verdot; Chardonnay, và Bonarda. Những giống nho nổi tiếng gốc Pháp này được trồng nhiều hơn là vì năm 1959 công ty rượu vang nổi tiếng của pháp là Moet & Chandon thành lập chi nhánh đầu tiên ngoài lãnh thổ Pháp nên họ cần những loại nho này cho việc sản xuất. 

Trước năm 1970 rượu vang của Argentine không có tiếng tăm gì trên thế giới, họ chỉ sản xuất ra những chai rượu rẻ tiền dành cho quốc nội. Nhưng sau đó với sự đầu tư của các công ty rượu ngoại quốc, với những kỹ thuật tân tiến và sự đa dạng hoá giống nho nên đến năm 1990 kỹ nghệ rượu vang của Argentine đã tiến triển vượt bậc. Hiện nay rượu vang Argentine đã có mặt khắp thế giới, riêng thị trường Mỹ đã nhập vào khoảng 12 triệu lít/ năm. 

Nhìn chung rượu vang của Argeentine có giá phải chăng, phần lớn là vang đỏ và được sản xuất tại vùng Mendoza, là vùng sản xuất rượu quan trọng và lớn nhất của Argentine. Sau đây là một số loại rượu vang của Argentine đã có mặt trên thế giới với vị trí càng ngày càng cao trong sự lựa chọn của giới tiêu thụ. 

-Cheval des Andes, Mendoza (bởi nho: Malbec; Cabernet Sauvignon; Cabernet Franc, Merlot và Petit Verdot), giá thị trường khoảng 12 Sfr/chai.

-Argento, Cabernet Sauvigon (100% Cabernet Sauvignon), Mendoza và Trivento, Carbernet, Malbec ( 70% Cabernet Sauvignon, 30%Malbec, Mendoza ). Cả 2 loại rượu này có giá khoảng 8 Sfr./chai.

-Argento, Malbec ( 100% Malbec ), Mendoza, huy chương đồng tại Wine Challnger, 2016, London. Giá khoảng 10 Sfr./chai.

-Trapiche Vineyards (100% nho Torrontes) Mendoza, vang trắng có chút vị chua. Giá khoảng 8 Sfr/chai. 

9. Rượu vang Chile 


Cũng như Argentine, Chile đã có ngành sản xuất rượu vang từ lâu, nhưng dậm chân tại chỗ. Cho mãi đến vài thập kỷ cuối của thế kỷ 20 cùng với Mỹ, Nam Phi, Úc, Tân tây lan mới thực sự phát triển nhờ chính sách hợp lý của chính phủ cũng như nhờ sự đầu tư của các nhà tài phiệt. Các quốc gia này được gọi là tân thế giới của rượu vang.
  
            Hiện nay Chile đứng hàng thứ 7 thế giới về sản lượng rượu vang và đứng thứ 5 về xuất khẩu rượu vang ra thế giới. Giống nho chính và nhiều nhất được trồng tại Chile là Cabernet Sauvignon khoảng gần 100’000 hecta, chỉ thua vùng Bordeaux của Pháp ; Tiếp theo là Merlot và Carménère, mỗi giống khoảng 25’000 Hecta; giống Syrah khoảng 17’000 Hecta và giống Pinot noir khoảng 8’000 Hecta. 

            Nho được trồng trải dài khắp nước, chia ra làm 4 vùng chính là:   
    
1.- Atacama : 

 Vùng này chuyên sản xuất rượu nho có độ cồn cao và vang trắng, trồng nhiều nho Syrah, Chardonnay và Sauvignon Blanc. 

2.- Aconcogua :  

Trồng nhiều nho Cabernet Saubignon, Merlot, Pinot noir và Chardonna, sản xuất những lại rượu bình dân, giá rẻ ban trong nội địa. 

3.- Central Valley ( vùng thung lũng trung tâm ) 

 Đây là vùng sản xuất chính, sản xuất phần lớn rượu vang của Chile và những loại rượu vang nổi tiếng, thuộc hạng ngon của Chile là Premium Wines và Ultra Premium Wines. Vùng này chia ra làm 4 khu trồng nho chính là Maipo, Rapel, Curico và Maule. Tại đây có những nhà sản xuất rượu lớn nhất Chile. 

4 -Nam Chile (South Chile )  

Vùng này sản xuất những loại rượu vang thông thường như vùng vùng Aconvogua. 
Sau đây là những loại rượu được Chile xuất cảng ra ngoại quốc, mang về rất nhiều ngoai tệ cho Chile và được khách hàng ưa chuộng :

 -Almaviva( Rothschild & Concha Y Toro) bởi hỗn hợp nho Caberne      Sauvignon; Cabernet Franc; Carménère; Melot và Petit Verdot. Đây là loại rượu được sản xuất theo kỹ thuật của rượu Bordeaux và được xếp vào hàng tuyệt hảo( Untra Premium Wines). Sản xuất tại quận Puente Alto thuộc vùng Maipo valley ( Central Valley ) khá gần thủ đô Santiago, giá khoảng 22Sfr/chai.

-Marqués de Casa Concha,100%  Cabernet Sauvignon, vùng Central ( Maipo Valley)  và chai Terraced Carménère, 100% Carménère vùng Central ( Colchagua Valley ) Cả hai chai này giá khoảng 15 Sfr/chai.

-Cono sur ( Reserva Especial) là vang trắng khá ngon, sản xuất bởi 100% nho Chardonnay, thuộc vùng Casablanca (Avoncogua ) miền bắc Sandiago. Giá giao động từ 10 – 12 Sfr/chai  

10. Rượu vang Nam Phi 

            Kỹ nghệ sản xuất rượu vang của Nam Phi cũng như các quốc gia khác như Argentine, Chile, Mỹ… đều trải qua một thời kỳ suy xụp trước khi đứng dậy vào năm 1980, trở thành một nơi sản xuất rượu vang có tiếng trên thế giới. Hiện nay diện tích trồng nho của Nam Phi vào khoảng 117,000 hecta, sản lượng  khoảng 7 triệu hectolit rượu vang, trong đó xuất cảng khoảng 400 triệu lít ( 57%), mang về cho Nam Phi khoảng 7 tỷ USD ( khoảng 2%GDP), tạo ra khoảng 300,000 lao động. 

            Giống nho được trồng tại Nam Phi phần lớn có gốc từ Châu âu, nhất là Pháp. Rượu vang đỏ của Nam phi được sản xuất từ giống nho địa phương, nổi tiếng là Pinotage, giống này được lai tạo giữa nho Pinot noir và Cinsault. Gần đây các giống nho đỏ khác như Cabernet Sauvignon; Merlot, Shiraz và Pinot noir càng lúc càng quan trọng vì nó được pha trộn với giống nho địa phương cho ra những loại rượu vang đỏ mà nhiều người ưa thích. Rượu vang trắng chiếm khoảng 90%  tổng sản lượng rượu vang của Nam phi và được làm từ loại nho địa phương Chemin Blanc ( tên địa phương là Stein ), giống nho này chiếm khoảng 30%, còn lại là các giống nho trắng ngoại nhập như Sauvignon Blanc; Chardonnay; Colombard; Riesling. 

            Các vùng sản xuất rượu nho nổi tiếng của Nam phi thường nằm dọc theo bờ biển hay gần bờ biển. Có thể chia Nam phi ra làm 4 vùng chính trồng nho và sản xuất rượu vang là : 

1. -Vùng Constantia:  

Vùng này tuy nhỏ nhưng lại là vùng sản xuất rượu nho trắng và đỏ lâu đời và nổi tiếng nhất Nam phi, chẳng hạn như loại rượu Constantia Utsig.     
      
2. -Vùng Stellenbosch

Ở phía đông Cape Town là vùng sản xuất  khoảng 14% tổng sản lượng vang của Nam Phi, nổi tiếng với loại vang đỏ.  
         
3. -Vùng Pearl : 

 Là trung tâm sản xuất rượu vang và được xuất cảng nhiều nhất với khoảng 25% tổng sản lượng toàn quốc, rượu vùng này rất hợp với khẩu vị Âu châu vì vậy được xuất cảng phần nhiều sang Âu châu.     
      
4. -Vùng Overberg:  

Là vùng rượu vang mới, trồng nhiều giống nho để sản xuất rượu vang trắng như nho Chardonnay, Sauvignon Blanc . 

            Sau đây là một số loại rượu vang được Nam Phi xuất cảng sang Âu châu nhiều nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây :

            -Anwilka, Stellenbosch 2008, vang đỏ được làm từ  63% Cabernet Sauvignon và 37% Syrah, năm 2000 được giải thưởng Top-Winzer-Hubert. Giá khoảng 25 Sfr/chai.
            -Boschendal, Pinotage với 100% nho Pinotage, vang đỏ, đóng chai 2016 gá khoảng 10Sfr/ chai.

            -Glen Carlou, Chardonney, với 100% nho Chardonney, vang trắng vùng Constantia, giá khoảng 12Sfr/ chai. 

( 3 ) Phẩm chất rượu vang & thời gian tồn trữ

            Có lẽ rất nhiều người đều cho rằng chai rượu nào càng để lâu càng ngon. Điều này không đúng hoàn toàn với tất cả ! Có những chai rượu chỉ tồn trữ khoảng 2,3 năm là xuống cấp, nếu để lâu hơn nữa nó chỉ được dùng như một loại dấm làm sà lát hay để dùng nấu nước sauce cho các món ăn như ragout, spagetti… Ngược lại có những chai rượu để lâu 20, 30 hay lâu hơn nữa, phẩm chất vẫn ở mức tốt và nó lại là một chai rượu quý hiếm, ngon đến lịm người và dĩ nhiên có gia rất cao trên thị trường hay trong các cuộc đấu giá rượu trên thế giới. 

            Theo kiến thức chuyên môn dựa vào những kiểm chứng đo lường trong phòng thí nghiệm thuộc lãnh vực chuyên môn của tôi ( như máy HPLC, những ai liên hệ đến hóa phân tích trong sinh hoá, hóa thực phẩm ..v..v.. chắc biết về dụng cụ phân tích này ), thông thường với những chai rượu được sản xuất bài bản, đúng kỹ thuật… Sau khoảng 6 tháng hay một năm của thời kỳ ủ rượu, rồi đóng chai, phẩm chất của rượu sẽ tăng lên dần dần theo thời gian tồn trữ. Nhưng đến một điểm cực đại nào đó độ ngon của rượu sẽ dần dần xuống cấp, nhanh hay chậm tuỳ theo kỹ thuật biến chế, loại nho, hoá chất (tiểu xảo )… của nhà sản xuất.  

  Chính vì vậy, nhiều nhà sản xuất, nhóm thử rượu cũng như các hiệp hội chuyên môn về rượu thường đưa ra những khuyến cáo giới hạn xử dụng cho những chai rượu đặc biệt nào đó. Chính những khuyến cáo đó đã khoác “ giá cả “ cho những chai rượu trên thị trường. Theo tôi thì với những chai rượu thông thường, có qua sự kiểm định của các hiệp hội của chính phủ địa phương như AOC (Thụy Sĩ và Pháp ); AVA (Mỹ ) hay DOCG (Italy) …v..v.. thì phẩm chất sẽ tăng lên đến mức tối đa ở khoảng thời gian nào đó rồi giảm xuống. Điểm ngon nhất này tuỳ thuộc vào từng loại rượu. Có loại chỉ 5, 6 năm rồi suy giảm, nhưng có loại tăng độ ngon lên cực điểm và kéo dài hàng chục năm sau đó!  

Trên thị trường rượu quý hiếm, đôi khi người ta “ tôn vinh “ một chai rượu nào đó có phẩm chất không thay đổi với thời gian hay hàng nhiều trăm năm tồn trữ ( Sic!)! Đó chỉ là chuyện tầm phào, nói cho vui! Hoạ chăng đó là một vật thể dành cho thế giới đồ cổ ( Antique ) hay có chút khôi hài ( Antic)! 

Nghĩ cho cùng con người vốn dĩ là một động vật rất giàu cảm tính. Chính vì sự phong phú cảm tính đó người ta đã bước vào thế giới lãng mạn của văn chương, thơ nhạc, phim ảnh, hội hoạ… cho ra những bóng mây tuyệt vời trong nghệ thuật. Nào là những vần thơ diễm lệ, đa tình của G. Appollinaire! Những cuốn phim đầy nhân bản, làm cho thế nhân cười vui nghiêng ngả nhưng nước mắt lại ướt vòng mi của C. Chaplin… Nhưng đôi khi chính những cảm tính đó, con người ta trở nên điên khùng, ngây dại như một lũ ngu đần khó giải thích!  

Thật vậy, chúng ta ai dám giơ tay lên để nói là đã hiểu rõ cái đẹp, cái tuyệt tác của những bức tranh lập thể không giống ai của P. Picasso như  bức “ Le Rêve” hay bức “ Le Femmes d’Alger “ giá mỗi bức khoảng 160 triệu USD ! Hay khi xem bức tranh ” Violet, Green và Red “ của họa sĩ M. Rothko, người ta sẽ phải nghĩ hoạ sĩ là một tên điên, một kẻ bệnh thần kinh! Chỉ với 3 mầu sắc lem nhem ghép vào nhau mà giá bán gần 200 triệu USD! 

Con người là thế! Không phải trong lãnh vực nghệ thuật mà tất cả, Nếu chúng ta vô tư mà nghĩ như vậy thì chúng ta cũng chẳng cần gì phải nhăn mặt, cau mày khi trên một sàn đầu giá nào đó ở New York, ở London, ở Paris hay ở Genève… đã có kẻ hư não bộ ( hay thông thái, khôn ngoan !? ) dám bỏ ra một món tiền kinh hoàng để mua một chai rượu vang mà nó chẳng còn là rượu nữa mà là “ kim cương hoá lỏng “ như :

            -Chai Château Cheval Blanc, 1947 của Bordeaux với giá 305,000 USD trong kỳ đấu giá tại Genève, Thụy Sĩ .

            -Chai Chateau Margaux, 1785  trong sưu tập rượu của cố tổng thống Mỹ, J. Jefferson với giá khoảng 500,000 USD ! nhưng may mắn thay khi mang nó đến khách sạn Four Seasons người hầu bàn đã vô tình làm vỡ nó !  

         Để kết luận bài viết về rượu, theo tôi, chúng ta hãy làm một kẻ bình thường, rất bình thường!  Khi muốn thưởng thức cái ngọt ngào, cái thơm ngon của rượu trong những bữa ăn tiếp đãi bạn bè hay vui thú với người thân thương. Chẳng cần gì phải ngu ngốc bỏ ra hàng trăm USD cho một chai rượu vang mà lại còn bị mang tiếng háo danh, khoe mẽ ! Hãy nhìn rất kỹ vào những chai rượu 20, 30 USD cũng dư đủ cho chúng ta hay bất cứ ai muốn nhâm nhi, mơ màng để nhờ nó mà tìm đến cái khoái cảm của giao tế, của lịch lãm. Biết đâu cũng nhờ nó mà ta lại được ngụm lặn trong suy tư, tưởng tượng để làm ra những vần thơ lãng mạn ?!  ( dĩ nhiên chỉ với ai có tâm hồn ướt át và biết dùng những ngôn từ diễn tả )  ./. 

Lưu An  -  ( December, 2017 ) 

PS. Bài viết được thu kiến thức gom từ :
 -VikipediA theo từng đề tựa, quốc gia liên hệ đến rượu.
- The Swiss Bank of Fine and Rare Wines ( Wein Portfolio ) 2014
-Weinführer (2017 & 2018)  & Wein Liebhaber ( 2015 & 2016), Denner  
-Mondovino ( Die Weinwelt für Jeden Geschmack ) 2016 Schweiz.
-Các tờ rơi, quảng cáo… của những hãng rượu trong những hội chợ về rượu tại Thụy Sĩ ( Zürich Weine Expose, 2015 ) ; Mövenpick Weinkeller ..v..v…


Vài hàng về tác giả :
Lưu An là bút hiệu của anh Vũ Ngọc Ruẩn. Anh Ruẩn  sinh năm 1946 tại Xuân Trường, Nam Ðịnh, Việt Nam. Bút hiệu Lưu An & Thượng Xuyên Lộ, cựu học sinh Chu Văn An 59-66, tốt nghiệp Master về Food Sciences đại học Kagoshima, Japan 1977. Anh Ruẫn hiện đang sinh sống tại Thụy Sĩ. Cảm tưởng về thơ văn của Lưu An xin gởi về  kamikawajiluan@yahoo.com