Sáng nay, Chủ Nhật 02-9-2017, là ngày TNS John McCain vừa nằm xuống lòng đất Annapolis (Nghĩa trang Học viện Hải quân/ the U.S. Naval Academy), Maryland, nơi mà ông đã thụ huấn khóa sĩ quan Hải Quân năm 1958.
Trong nhiều năm gần đây, ai cũng tưởng TNS John McCain là “cha đẻ” (tác giả) chương trình HO (tù nhân chính trị). HO là chữ viết tắt của Humanitarian Operation, mà tên chính thức của nó là Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program(Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo).
Sự thật, TNS John McCain không phải là cha đẻ chương trình HO. Tôi đã có mặt ở Washington DC từ tháng 4 năm 1979 nên hiểu rõ sinh hoạt chính trị ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Theo tôi biết, 3 người có công đầu trong Chương trình HO là Bà Khúc Minh Thơ, Bà Bích Lưu và TNS John Warner (R-VA). TNS Warner giữ chức TNS từ 1979 đến 2009, là chồng thứ 6 của nữ tài tử Elizabeth Taylor. Bà Khúc Minh Thơ khởi xướng Chương trình HO và vận động Quốc Hội. Bà Bích Lưu vận động TNS John Warner. Còn TNS Warner thì làm theo “lệnh bà” (Bích Lưu).
Nhờ có tay trong (TNS Warner) nên Chương trình HO mới sớm thành hình (30-7-1989). Lúc đó, Ông John McCain mới vừa đắc cử TNS được 2 năm. Trước đó, khi Bà Khúc Minh Thơ vào Quốc Hội gặp John McCain thì ông ta đang là Dân Biểu (1983-1987). Nên nhớ rằng: Ông McCain chỉ có công vận động cho đạo luật McCain Amendent. Đạo luật này được TT Bush ký năm 2002, cho phép con cái đã trưởng thành của những cựu sĩ quan VNCH bị tù cải tạo VC được đi Mỹ (the McCain Amendment Restoring Refugee Status to the Families of Re-Education Camp Detainees).
Tại sao TNS Warner nghe lời bà Bích Lưu? Chuyện rất lý thú, do Bà Bích Lưu kể cho Vĩnh Liêm nghe. Hai người gặp nhau trong thập niên 80. Lúc đó, TNS Warner đang độc thân, vì đã ly dị Liz Taylor (1976-1982). Dưới mắt nhìn của Vĩnh Liêm, Bà Bích Lưu là một nữ lưu, nhan sắc vẹn toàn, thông thạo cả Anh và Pháp ngữ. TNS Warner đã ngỏ ý cưới Bà Bích Lưu nhưng bà từ chối, vì 2 lẽ: 1) con cái phản đối; 2) làm vợ nhà chính trị (chuyên nghiệp) thì rất bận rộn. Bà chỉ làm bạn mà thôi. Tôi nói với bà Bích Lưu: “Sao chị không ưng ổng để cộng đồng mình được nhờ?” Bà Bích Lưu nheo mắt trả lời: “Mình muốn gì thì ông ấy sẵn sàng giúp, đâu cần phải là vợ của ông ta”. TNS Warner đành giữ tình bạn cho đến khi ông cưới bà vợ sau, Jeanne Vander Myde năm 2003.
Trở lại công đầu của Bà Khúc Minh Thơ. Năm 1975, Bà Khúc minh Thơ đang làm việc tại Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Manila, Phi Luật Tân. Bà được tin miền Nam Việt Nam bị thất thủ ngày 30-4. Bà vô cùng hoang mang, xin được trở về Việt Nam ngay lập tức vì chồng và các con còn đang kẹt tại quê nhà. Sau hai năm chờ đợi tại Phi Luật Tân, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam nhất định không cho bà trở về. Cuối cùng, bà đành phải rời Manila và ngày 29 tháng 1 năm 1977, bà đặt chân đến phi trường Honolulu, tiểu bang Hawaii với bao nỗi sầu muộn. Chồng con bà vẫn còn bên kia bờ đại dương, không biết bây giờ họ ra sao!
Tưởng cũng cần nhắc lại, Bà lập gia đình khi tròn 18 tuổi; ở tuổi 23 thì bà sanh được 2 người con. Khi đứa con thứ ba sắp chào đời thì bà được tin chồng bị VC phục kích chết trên đường đi công tác. Và bây giờ, người chồng thứ hai cũng đang bị tù Cộng sản.
Năm 1977, tin từ quê nhà cho hay, ngày nào cũng có người chết trong các trại cải tạo. Lòng như lửa đốt, bà quyết tâm bằng mọi cách phải cứu lấy những người tù cải tạo, trong đó có chồng bà. Thế là bà rủ những người phụ nữ cùng hoàn cảnh ở Washington DC, Maryland và Virginia phải tìm cách lên tiếng xin chính quyền Hoa Kỳ giúp đỡ.
Bà Khúc Minh Thơ là người sáng lập Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam, và cũng là ân nhân của hàng trăm ngàn gia đình tù cải tạo mà chúng ta hay gọi là gia đình H.O.
Được sự hỗ trợ của ông Shepard Lowman (Năm 1981, ông là Deputy Assistant Secretary in the State Department Bureau of Refugee Programs) và vợ là Hiệp (gốc Châu Đốc) Lowman, vào tháng 8 năm 1977, Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam được chính thức thành lập và khởi đầu chỉ có 8 thành viên.
Mặc dù không hề nhận tài trợ của bất cứ một tổ chức hay cơ quan chính phủ nào, bà cùng các thành viên đã vận động thành công cho hàng trăm ngàn gia đình cựu tù cải tạo được định cư tại Hoa Kỳ, bên cạnh đó là một số các nhà văn, nhà báo tên tuổi trước năm 1975 như Uyên Thao, Hoàng Hải Thủy, Thanh Thương Hoàng… Mặc dù tuổi đã cao, bà vẫn tiếp tục tranh đấu không ngừng nghỉ cho con cái của các gia đình H.O. được ra đi theo diện McCain.
Nhân đây cũng xin nói thêm về Chương trình H.O. Sau khi cái thỏa hiệp được ký vào ngày 30 tháng 7 năm 1989, Bà Khúc Minh Thơ luôn luôn tích cực vận động ở Quốc hội cũng như bên Hành pháp. Tổng thống Reagan là người đã hỗ trợ bà và thấu hiểu những khó khăn của các bà vợ chiến sĩ VNCH: xa gia đình, không có chồng, chồng con bị tù đày…
Đến năm 1990 mới có cái tên HO, chứ trước đó chỉ gọi là tù nhân chính trị. Bà Khúc Minh Thơ đã vận động từ năm 1977, mãi cho tới 1989 thì thỏa hiệp mới được ký.
Có lần tôi hỏi Bà Khúc Minh Thơ: “Anh đâu mà chị đi một mình hoài vậy?” Chị buồn rầu đáp: “Năm 1988, sau khi được thả ra khỏi trại tù cải tạo, vì hậu quả của những năm tháng tù tội, ổng đã từ trần hai năm sau đó”. Sau khi mất chồng, bà vẫn tiếp tục tranh đấu cho hàng ngàn hồ sơ của những gia đình H.O. gặp khó khăn khi vào phỏng vấn hay bị từ chối. Bà lấy niềm vui của những gia đình H.O. khác làm niềm vui của mình.
Bà Khúc Minh Thơ cho biết: Trước khi ký cái thỏa hiệp ngày 30 tháng 7 năm 1989, bà đã lên New York để gặp đại sứ Việt Cộng tại Liên hiệp quốc ở New York, tên là Trịnh Xuân Lãng. Bà yêu cầu Việt Nam hãy thả và cho những người tù nhân được ra đi định cư ở Hoa Kỳ. Đó là điều mà bà làm để bản thỏa hiệp được ký dễ dàng hơn.
Sau khi họ đã tới Hoa Kỳ, cái mục tiêu chính của Hội là để họ được làm lại cuộc đời trên đất nước tự do, và cái mãn nguyện duy nhất của Hội Gia Đình Tù Nhân là con cháu của tù nhân chính trị được tiến thân nơi vùng đất mới…
Theo tôi được biết, hiện giờ vừa tù nhân vừa gia đình của họ có khoảng 300 ngàn người ở Hoa Kỳ. Đó là đại gia đình của tù nhân chính trị Việt Nam, một mái ấm của đại gia đình.
Bà Khúc Minh Thơ cho phóng viên đài VOA biết: “Bây giờ cái niềm vui của tôi là mỗi khi tôi gặp được anh em H.O., tù nhân chính trị và tôi thấy lại cái niềm vui và hạnh phúc của tất cả mấy anh em tù nhân là niềm vui của cá nhân tôi."
(Thung lũng Liên-Sơn, 02-9-2018)
VĨNH LIÊM