Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ hơn 15 tỷ AUD vào thị trường bất động sản của Australia trong năm 2017
Scmp dẫn một báo cáo cho hay, năm 2017, Australia là điểm đến định cư số một thế giới của giới triệu phú. Hơn 10.000 người giàu nhập cư vào Australia hồi năm ngoái, phần lớn trong đó đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Anh. Khoảng 90% thị thực Australia cấp cho các nhà đầu tư giàu có, những người chi hơn 5 triệu AUD (3,6 triệu USD) vào Australia, là người Trung Quốc.
Trong năm 2018, dinh thự Stonington được bán với giá 52,5 triệu AUD (khoảng 38 triệu USD), trở thành thương vụ bất động sản đắt đỏ nhất ở thành phố Melbourne. Trước đó, một khu đất 5.000m2 ở vùng ngoại ô Toorak của Melbourne được bán với giá 40 triệu AUD. Ngoài vấn đề giá cả cao ngất, một điều đáng chú ý là các khách mua đều mang quốc tịch Trung Quốc.
Tuy nhiên, giờ đó là câu chuyện phổ biến trên các khu phố hàng đầu ở Australia, từ Toorak và Canterbury ở Melbourne đến Darling Point và Point Piper ở Sydney. Hầu hết những người mua lại các khu địa ốc đắt tiền đều là người giàu Trung Quốc. Đối với tầng lớp giàu có của Trung Quốc, Australia đã trở thành điểm đến để đầu tư, giải trí và thậm chí là để thỏa mãn nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ hai ở nước ngoài.
"Nếu bạn đến Monomeath Avenue ngày hôm nay... Bạn sẽ thấy 20 đến 30 chiếc xe đầy ắp du khách Trung Quốc đi lên đi xuống các dãy phố và nhìn ngắm các ngôi nhà”, David Morrell, Giám đốc công ty bất động sản Morrell và Koren, đề cập đến một trong những con đường dân cư độc nhất ở Canterbury. “Vì đó là nơi họ muốn sống”.
Bà Monika Tu, Giám đốc Tập đoàn môi giới bất động sản cao cấp tại Sydney, cho biết công ty của bà thường tiếp khoảng vài chục khách hàng Trung Quốc mỗi tuần, và họ đem đến khoảng 80% tổng lợi nhuận của doanh nghiệp này.
“Thế nào là bất động sản cao cấp? Với chúng tôi tại thời điểm này là loại có giá từ 5 đến 50 triệu AUD”, bà Tu nói. Bà cho biết, gần đây một số khách hàng Trung Quốc còn yêu cầu công ty bà tìm kiếm những nơi có giá lên đến 60 triệu AUD. "Đó là loại bất động sản mà họ đang tìm kiếm".
Với những người Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh, Australia được xem là địa điểm khá an toàn và ổn định. Australia đứng vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng Chỉ số Niềm tin đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2018 của A.T. Kearney, và được Ngân hàng Thế giới xếp thứ 14 về môi trường kinh doanh thuận lợi.
"Australia cung cấp hệ thống an ninh tuyệt vời cho những người định cư giàu có và là một nơi an toàn để đầu tư", chuyên gia John Li cho biết. "Hệ thống luật pháp, hệ thống tài chính ổn định và các tổ chức năng động của nước này đã tạo nên sự hấp dẫn", ông Li nói thêm.
Năm 2017, nhà đầu tư Trung Quốc đã chi hơn 15 tỉ AUD vào bất động sản, nhiều hơn bất kỳ công dân nước ngoài nào khác. Trong hai năm 2016-2017, trước khi Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ dòng tiền chảy ra nước ngoài, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ 32 tỷ AUD vào bất động sản tại Australia. Số liệu này còn chưa tính đến những người Trung Quốc đã nhập quốc tịch hoặc định cư lâu dài tại Australia.
Nhiều nơi ở Sydney và Melbourne, giá nhà trung bình đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua. Với mức giá trung bình là 1,1 triệu AUD, Sydney hiện là nơi có giá bất động sản cao thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau Hồng Kông. Tuy vậy, nhiều người giàu Trung Quốc cho rằng, bất động sản của Australia vẫn “có hời” hơn so với các ngôi nhà chật chội ở những nơi như Thượng Hải, Bắc Kinh và Hồng Kông.
Người tiêu dùng Trung Quốc bị hấp dẫn bởi các thương hiệu quốc tế như Louis Vuitton, nhiều gian hàng sang trọng sử dụng người bán hàng nói tiếng Trung Quốc.
Kinh doanh không phải lý do duy nhất khiến nhiều người Trung Quốc tìm đến Australia. Những người muốn tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn nhận ra rằng, Australia là một điểm đến hấp dẫn vì môi trường sinh thái tự nhiên và có nhịp sống thảnh thơi. Ngoài ra, đối với những bậc cha mẹ, triển vọng của nền giáo dục chất lượng cao ở một nước nói tiếng Anh cũng là một điểm thu hút lớn.
Theo thống kê của Chính phủ Australia, hơn 170.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các cơ sở giáo dục của nước này, khiến họ trở thành những người đóng góp lớn nhất cho ngành giáo dục quốc tế có giá trị 28 tỷ AUD của Australia.
"Rất nhiều người giàu, trước khi họ đến đây, có thể đã gửi con của họ đến các trường đại học Australia. Nếu con cái họ đang ở trong các trường đại học Australia, thì đó lại càng là lý do tốt hơn để họ đến Australia”, Barry Li, tác giả của cuốn “Người Trung Quốc mới” cho biết.
Mặc dù Mỹ và Canada cũng là những điểm đến hấp dẫn với giới nhà giàu Trung Quốc song Australia vẫn có những lợi thế riêng như vị trí địa lý tương đối gần Trung Quốc và hai nước có cùng múi giờ.
Bên cạnh thị trường bất động sản, giới nhà giàu Trung Quốc còn mạnh tay rót tiền vào một số mặt hàng và dịch vụ xa xỉ khác.
Ông Russell Zimmerman, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà bán lẻ Australia cho biết: “Người tiêu dùng Trung Quốc hứng thú với mọi thứ từ túi xách đến đồ trang sức sang trọng. Chúng tôi cũng thấy nhu cầu về các sản phẩm y tế, thực phẩm và sản phẩm dành cho trẻ em do Australia sản xuất mà nhiều nhà bán lẻ đang cung cấp cho Trung Quốc”.
Các nhà bán lẻ hàng cao cấp đã chớp lấy cơ hội này, giới thiệu các dịch vụ được thiết kế riêng cho khách hàng Trung Quốc.
Không chỉ có thế, tiền của giới nhà giàu Trung Quốc còn đang rót vào một số lĩnh vực hào nhoáng khác tại Australia. Trong những năm gần đây các hãng kinh doanh du thuyền như Primer Yachting ở Melbourne bắt đầu phục vụ số lượng khách Trung Quốc ngày càng đông.
Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích kinh tế mang lại cho các doanh nghiệp địa phương, làn sóng nhà giàu Trung Quốc tới sống, làm việc và nghỉ dưỡng đã tạo ra cả sự ngờ vực và bất mãn nhất định tại Australia.
Một trong những vấn đề gây bức xúc nhất là việc các nhà đầu tư Trung Quốc đã đẩy chính người Australia ra khỏi thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như Sydney. Thậm chí nhiều người Trung Quốc bị cho là đã góp phần “thổi” giá nhà lên cao, khi sẵn sàng trả rất nhiều tiền để mua các bất động sản mà họ không định ở.