Wednesday 27 February 2019

KỲ NGHỈ Ở TÂN CƯƠNG – DU KHÁCH TRONG NHÀ NƯỚC CẢNH SÁT

Ruth IngramThe Diplomat ngày 4/2/2019Phạm Nguyên Trường dịch
A Holiday in Xinjiang
Cảnh sát có vũ trang đứng canh gần bảng quảng cáo du lịch ở Tân Cương, nhà cầm quyền dùng để chặn con đường dẫn đến Tòa án Nhân dân Trung thẩm Urumqi, Tân Cương, ngày 17 tháng 9, 2914. Ảnh: AP Photo/Jack Chang
Chúng tôi ra khỏi máy dò kim loại, cảm thấy nhẹ nhõm khi những chiếc túi chúng tôi còn nguyên vẹn ở đằng sau máy chiếu X-quang. Nhưng, có tiếng chuông báo động ngay khi chúng tôi vừa bước vào trạm xe buýt. Không biết từ đâu, những người bảo vệ ngôi nhà đã vây quanh chúng tôi, với vũ khí cảnh sát thời trung cổ lăm lăm trong tay. Dù khá sợ hãi, nhưng ý nghĩ là trong thế kỷ XXI, Trung Quốc vẫn bảo vệ người dân của mình bằng các di vật có từ thế kỷ X, ngay khi nhịp tim của tôi trở lại bình thường, đã làm cho tôi cảm thấy buồn cười. Một người bảo vệ vừa cười vừa vung vẩy cái ba toong của anh ta. Những người khác tỏ ra nghiêm khắc hơn; họ lườm chúng tôi, mỗi người đều có dùi cui và khiên chống bạo động. Chúng tôi đã bị bao vây và không đi đâu được nữa.
Đây là tuần thứ hai của kỳ nghỉ của chúng tôi ở Tân Cương, khu vực của người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) theo đạo Hồi ở Tây Bắc Trung Quốc. Mỗi ngày trong cuộc hành trình, việc đàn áp theo kiểu Orwell [ý nói việc theo dõi và đàn áp người dân trong tác phẩm 1984 của Orwell – ND] mà chúng tôi chứng kiến càng trở nên siêu thực hơn. Kể từ khi Trần Toàn Quốc [Chen Quanguo], một người vừa nổi lên sau chiến tích ở Tây Tạng, nắm chức Bí thư Đảng vào năm 2016, hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ thuộc mọi thành phần đã bị bắt giam để cải tạo mà không cần xét xử. “Tội” của họ là gì? Trùm khăn, dậy muộn trong buổi lễ chào cờ bắt buộc vào sáng thứ Hai, uể oải hoặc “không có tinh thần yêu nước” khi hát quốc ca, hoặc có bộ râu khác thường, đấy là danh sách một số trong rất nhiều “tội lỗi” mà người Duy Ngô Nhĩ có thể bị bắt đi cải tạo.
Chúng tôi đã vô tình rơi vào khu vực người nước ngoài không được bén mảng tới. Chúng tôi biết rằng trạm xe buýt này – chúng tôi phải chuyển xe ở đây để đi đến một cái chợ đặc biệt thú vị trong vùng – là một trong những khu vực quân sự hóa nặng nề nhất và nội bất xuất ngoại bất nhập. Người ta bảo chúng tôi ngồi “nghỉ một lúc”, còn hộ chiếu của chúng tôi thì bị người ta thu.
Khoảng 15 phút sau, có một chiếc land cruiser đi tới. Một quan chức với cùng một phiên dịch nhảy xuống. Chúng tôi phải thuyết phục bà ta rằng chúng tôi là du khách muốn đến một cái chợ trong khu vực để bà ta thả cho chúng tôi đi. Sau khi quyết định rằng tốt nhất là phải xin họ, chúng tôi xin lỗi nhiều lần vì đi lạc khỏi tuyến đường dành cho du khách và xin được quay trở lại thành phố Kashgar kín cổng cao tường và đường dành cho du khách. Vào Tân Cương, biên giới của Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố, có khả năng gặp phải nhiều chuyện không thể đoán trước, và tôi không chưa được chuẩn bị cho thử thách này.
Kỳ lạ là, du lịch trong khu vực mà tiếng Turkic giữ thế thượng phong, được gọi là khu tự trị này, lại đang gia tăng. Nếu tin vào bộ máy tuyên truyền thì du khách đang tràn vào khu vực, đấy chủ yếu là người Hán từ các tỉnh khác muốn được xem nền văn hóa của Con đường Tơ lụa cổ đại, trong đó có các “dân tộc thiểu số” bản địa đầy màu sắc, những người mà các phương tiện truyền thông do nhà nước quản lý nói là thích ca hát, nhảy múa và ăn thịt xiên nướng và bốc cơm rang với thịt cừu đổ đầy trên những chiếc đĩa to đùng. Trong khi thế giới theo dõi và lên án việc giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo, thì Trung Quốc thổi phồng số du khách đến khu vực Tân Cương hơn bao giờ hết. Trong tháng 1, tờ Hoàn cầu Thời báo cho rằng du khách tăng vọt là do “những nỗ lực của Tân Cương trong việc xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan và đảm bảo sự ổn định xã hội” và trích lời một quan chức nói trong ngày 21 tháng 1 với tờ báo do nhà nước quản lý này rằng, “việc thành lập các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề” đã “góp phần làm bùng nổ số lượng du khách tơi khu vực này”.
Ngành du lịch ở Tân Cương đã sụt giảm mạnh sau một sự cố ở bên ngoài nhà ga Urumqi vào tháng 4 năm 2014 và cuộc tấn công vào những người mua sắm tại một khu chợ sáng sớm ngay sau đó, làm 44 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Số lượng du khách đã giảm đáng kể, từ 50 triệu du khách trong năm trước đó xuống còn không đáng kể. Để đảo ngược xu hướng này, người ta đã lập ra một quỹ đặc biệt trị giá 20 triệu nhân dân tệ (3 triệu USD), để thưởng 500 nhân dân tệ (74 USD) cho những người tới khu vực này.
Sự kiện đó – và tất nhiên, việc giam giữ một phần mười số người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, những người bị coi là “gây rối” – chắc chắn là đã có tác dụng, vì dường như số lượng du khách đã tăng lên đáng kể. Kể từ khi Trần Toàn Quốc lên nắm quyền, không có vụ khủng bố nào trong khu vực được ghi nhận. Đây được coi là bằng chứng cho thấy Tân Cương hiện đã an toàn. Tháng 9 năm 2018, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh, Cảnh Sảng [Geng Shuang], đáp lại những lời chỉ trích quốc tế về các trại cải tạo, nói rằng Tân Cương đã ổn định, kinh tế phát triển tốt, dân chúng sống hòa thuận và được hưởng tự do tôn giáo. Ông này cũng nói rằng, năm 2017, Tân Cương đã đón hơn 100 triệu du khách trong và ngoài nước, tăng một phần ba so với năm trước. “Nếu Tân Cương không an toàn, ổn định và hài hòa, thì sẽ không có nhiều du khách Trung Quốc và nước ngoài đến Tân Cương tham quan. Tôi nghĩ rằng khía cạnh này chứng minh tình hình Tân Cương hiện nay là tốt”, Cảnh Sảng nói.
Thống kê mới nhất vào tháng 1 năm 2019, cho thấy xu hướng này đang tiếp tục. Có thêm của 2,1 triệu du khách tới Tân Cương trong ba ngày Tết, tăng 40,58% một năm.
Quay lại năm 2014, Inaam Nesirdin, giám đốc Công ty du lịch Tân Cương, khẳng định rằng Tân Cương an toàn, với nhận xét rằng trong suốt mười năm qua không một du khách nào bị thương vì các cuộc tấn công. Ông ta luôn luôn nói rằng, “Thấy là tin. Hãy đến Tân Cương mà xem”.
Nhưng hiện nay Tân Cương là địa điểm du lịch không giống bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Chỉ sau một thời gian ngắn, bất kỳ du khách nào cũng thấy cuộc đàn áp toàn diện đang diễn ra ở đây. Một nửa GDP của khu vực này, gấp bốn lần diện tích nước Pháp, là dành cho an ninh.
Chúng tôi nhận thức rõ rằng đây sẽ là một kỳ nghỉ bất thường ngay sau khi con ngươi được máy ảnh ghi lại và bị lấy dấu vân tay ở sân bay.
Từng phút và từng ngày, từng người đều bị theo dõi qua màn hình, qua các thiết bị nghe lén và camera trong quán cà phê, ở nơi làm việc, trên các phương tiện giao thông công cộng và trên đường phố. Các ứng dụng giám sát bắt buộc được cài đặt trên điện thoại và trong xe hơi và tất cả các khuôn mặt trong đám đông đều có thể được xác định trong vòng vài phút. Tất cả các thẻ căn cước đều bị quét và điện thoại bị kiểm tra nhiều lần trong một ngày. Ban đêm, người Duy Ngô Nhĩ run rẩy, lo lắng; họ lắng nghe tiếng bước chân đi trên cầu thang; mỗi tiếng gõ cửa đều có thể là dành cho họ.
Những ngày ở Tân Cương dường như là siêu thực. Một người lang thang vô hại đi theo một con hẻm lầy lội, có tường bao hai bên, đầy vẻ cổ kính, có thể bị tấn công sau một tiếng hét và những viên cảnh sát trẻ, dùi cui lăm lăm trong tay, không biết từ đâu lao ra bao vây ngay lập tức. Họ chạy bên cạnh du khách, xếp thành đội hình gần du khách, tiến về phía kẻ thù vô hình, giáo mác sẵn sàng và cuối cùng, đâm vào không khí với tất cả sức mạnh của mình. Cuộc tập trận, tiếng huýt sáo, và những cú đâm và chọc ghẹo nhau vẫn tiếp tục, mặc kệ ảnh hưởng có thể gây ra với người nước ngoài vô tư lự đang uống bia ngoài trời vào buổi tối.
Trong khi thẻ căn cước của người Duy Ngô Nhĩ bị kiểm tra mọi lúc, mọi nơi thì du khách và người Hán vẫn vẫy tay và cười với nhau. Người Duy Ngô Nhĩ đi làm không được tới gần xe buýt của thành phố, trong khi người Hán và du khách tiếp tục cuộc hành trình của họ mà không bị gián đoạn.
Trong suốt năm 2017, toàn bộ các thành phố trong khu vực đã bị đình trệ trong khi các đơn vị quân đội Trung Quốc sáng nào cũng diễu hành trên đường phố; họ giậm chân, hô khẩu hiệu và triển khai nhiều loại vũ khí trước bất kỳ kẻ nổi loạn tiềm tàng nào. Kể từ đó, các đơn vị quân đội đã len vào cơ sở hạ tầng, họ ngồi trong những chiếc lồng sắt ở trên cao, trong những trạm cảnh sát, được xây dựng cách nhau khoảng 500 mét dọc theo theo đường phố, hoặc bên trong những chiếc xe chuyển quân đèn hiệu chiếu sáng 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày một tuần. Trên đường phố và chợ búa, tân binh tay lăm lăm vũ khí, mặc áo chống đạn và mũ bảo hiểm, có khiên chống bạo động và dùi cui tuần tra liên tục. Khi có tiếng còi rúc lên thành từng tiếng lớn, ngắt quãng, là tất cả cùng chạy về một hướng, khiên được giơ lên và sẵn sàng đối mặt với quân xâm lược. Tất nhiên là chẳng có kẻ thù nào và cũng không có quân đội xâm lược nào hết, nhưng đây là mánh khóe nhằm gieo vào tâm trí mọi người sự nghi ngờ, khủng bố và căng thẳng để người ta tin là chuyện đó đang hoặc thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bây giờ, khi người dân bản địa đã bị khuất phục, du khách người Hán đang tràn vào vì du lịch ở đây “an toàn”. “Được bảo vệ” khỏi những mối đe dọa vô hình từ những người được coi là theo đạo Hồi, những người đang đấu tranh đòi độc lập, và những “kẻ khủng bố”người Duy Ngô Nhĩ, trước đây đã “không cho” người Hán tới vùng này. Bây giờ người Hán đi lang thang khắp nơi, ống kính máy ảnh khổng lồ lủng lẳng trên cổ, chụp ảnh với một số ít người bán quạt và thợ thủ công địa phương còn sót lại và vừa cười vẫy tay chào mừng “chiến thắng”. Mù tịt trước sự kiện là hiện nay ít nhất một phần ba đến một nửa số nhà ở đây bị khóa, chủ sở hữu “biến mất” và nhiều trẻ em và người già trên đường phố hơn mức bình thường, họ cứ đi lang thang mà không đặt ra bất cứ câu hỏi nào. Tất nhiên, nhiều người Hán nghĩ, không có lửa thì làm sao có khói. Chắc chắn là, Bắc Kinh đã phạm phải sai lầm khủng khiếp khi giam giữ những người vô tội, phải sửa lại ngay lập tức.
Xin quay lại với tình cảnh của chúng tôi ở trạm xe buýt. Sau 15 phút trả lời những các câu hỏi ranh mãnh, được thiết kế nhằm phát hiện động cơ thực sự của chúng tôi, chúng tôi đã thuyết phục được người phụ nữ có phù hiệu quanh cổ và máy tính bảng rằng chúng tôi không đến đây để đánh bom căn cứ quân sự của Trung Quốc. Lúc này, sau khi đã bị khủng bố và hốt hoảng vì có thể bị thu hộ chiếu vĩnh viễn, chúng tôi đã quyết định không tới thăm khu chợ nữa. Nhưng không, sau khi xác định là chúng tôi vô tội, quan chức này quyết tâm buộc chúng tôi kết thúc chuyến đi. Bà ta đứng nhìn khi chúng tôi được hộ tống lên một chiếc taxi, chúng tôi sẽ được đưa đến tận cửa và đảm bảo với chúng tôi rằng quay lại sẽ rắc rối.
Làm sao chúng tôi có thể nói “không” trước thái độ quyết liệt của bà ta – và cả vũ khí nữa?
Ruth Ingram là một nhà nghiên cứu, viết nhiều cho Central Asia-Caucasus publication, Institute of War and Peace Reporting, the Guardian Weekly và nhiều ấn phẩm khác.