Wednesday, 27 February 2019

Thế hệ thứ hai tiếp tục kế thừa truyền thống quan họ Bắc Ninh

Những gương mặt trẻ trung của nền văn hóa cổ truyền. (Hình: Đằng-Giao/KiwiLeaks)

Đằng-Giao/KiwiLeaks

ANAHEIM, California (KiwiLeaks) – Như một truyền thống, hội Xuân Bắc Ninh Nam California năm Kỷ Hợi đông kín người tham dự tại nhà hàng Golden Sea, Anaheim vào hôm Chủ Nhật, 24 Tháng Hai. Trong số này có không ít trẻ em.

Theo nhận xét của nhiều người, Hội Xuân Bắc Ninh luôn thu hút rất đông khách. Thật vậy, khoảng 500 người trong một nhà hàng có diện tích khiêm tốn làm chuyện đi lại từ bàn này đến bàn kia trở thành “quan san cách trở.”

“Tôi rất chán chỗ đông người, nhưng đây là một trường hợp ngoại lệ. Nhất là khi thấy các cháu bé có vẻ hân hoan nô giỡn một cách hồn nhiên chứ không phải bị ép buộc,” bà Lâm Thế Huyền, cư dân Cypress, nói. “Ba năm nay, năm nào tôi cũng phải ‘hộ tống’ chị bạn tôi là dân Bắc Ninh chính cống. Năm đầu, tôi đi vì nể chị, rồi sau đó là vì tôi thích chương trình văn nghệ.”


Dĩ nhiên, chương trình văn nghệ của Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California là trọng tâm của hội từ nhiều năm. “Để thực hiện phần văn nghệ năm nay, chúng tôi phải bỏ ra sáu tháng, tính từ năm ngoái, để luyện tập,” ông Phạm Đăng Phương, trưởng ban tổ chức, cho biết.

Tình thân trước giờ trình diễn. (Hình: Đằng-Giao/KiwiLeaks)

Có thể nói hầu như toàn bộ chương trình hát quan họ Bắc Ninh của hội rất thuần túy. Ông Phương tiếp: “Ngay cả quần áo, chúng tôi cũng mua vải và đặt may tại Bắc Ninh cho thuần chất. Làm văn hóa, nếu muốn làm cho đúng đắn, không phải là chuyện đùa.”

Tinh thần tôn trọng văn hóa của Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California đã được nhiều người chú ý.

Học giả Đỗ Thông Minh, từ Nhật sang, cũng dự hội Xuân Bắc Ninh vì muốn thưởng thức một buổi văn hóa quan họ đúng đắn. “Tôi rất thích quan họ Bắc Ninh. Nhưng từ trước đến giờ chỉ nghe qua video thôi. Hôm nay mới có dịp để nghe tận tai lần đầu,” ông chia sẻ.


Ngay từ khi ông mõ làng Ngô Tất Tố xuất hiện trên sân khấu, không khí Hội Xuân Bắc Ninh trở nên trang trọng hơn và pha lẫn chút gì thiêng liêng hồn dân tộc.

Nhạc sĩ Lam Phương cũng hiện diện vì nhạc phẩm “Mùa Xuân Nào Ta Về” của ông được chọn là ca khúc mở đầu, chỉ sau phần phong tục cổ truyền là “Mõ Làng/Trẩy Hội Xuân (lì xì)” dân ca quan họ do ông Ngô Tất Tố và Ban Văn Nghệ Bắc Ninh trình diễn.

Ông Lam Phương, nhạc sĩ Nam Bộ giữa Hội Xuân Bắc Ninh. (Hình: Đằng-Giao/KiwiLeaks)

“Tôi đến đây một phần vì được mời, nhưng một phần lớn hơn là vì tôi thích. Tuổi tác và bệnh tật làm tôi ít khi muốn ra ngoài. Nhưng bữa nay, tôi muốn tới đây,” nhạc sĩ Lam Phương cố nói một cách khó khăn trong nhà hàng đông đảo.
Những khuôn mặt hậu duệ Bắc Ninh bắt đầu gieo niềm hy vọng cho tương lai sáng sủa của Hội Xuân quan họ Bắc Ninh trong tiết mục “Trống Cơm,” dân ca Bắc Bộ do Kim Thanh và nhóm thiếu nhi của Sonata Music School trình diễn một cách nhuần nhuyễn.

Năm nào Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California cũng khuyến khích những giọng ca trẻ, nhưng mỗi năm, các khuôn mặt mới trẻ đi trông thấy. “Năm ngoái, cũng ở ngay tại đây, các cô trẻ nhất thì ở tuổi thiếu nữ, năm nay, tôi thấy có cả thiếu nhi nữa,” bà Huỳnh Kim Tuyến, ở Huntington Beach, nhận xét.

“Thiếu nhi” mà bà đề cập là bé Kariann Anh Thư, chung sức với các “liền chú, liền cô” với bài “Cò Lả,” dân ca quan họ, với phong cách trình diễn hồn nhiên thật đáng mến.

Sinh ra tại Mỹ, bé Kariann Anh Thư là niềm hãnh diện của gia đình. (Hình: Đằng-Giao/KiwiLeaks)

Mẹ bé, cô Tâm An Bùi, cho biết cô chỉ muốn con cô ca hát cho vui chứ không để thành ca sĩ chuyên nghiệp sau này. “Tôi tin rằng ca hát nhạc Việt là cách học tiếng Việt hữu hiệu nhất cũng như để tiếp cận văn hóa Việt,” cô nói.

Bé Kariann Anh Thư học lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang hơn hai năm và là một trong những học viên sáng giá nhất, theo nhận định của giảng viên Lê Hồng Quang.


Đâu phải chỉ người Việt mới thích nghe quan họ. (Hình: Đằng-Giao/KiwiLeaks)


Bé Kariann Anh Thư, giọng ca trẻ và duyên dáng nhất. (Hình: Đằng-Giao/KiwiLeaks)

Một ông hội viên Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California dí dỏm nhận xét về sự trình diễn của các em trẻ. Với vẻ nghiêm nghị, ông nói: “Tôi không hề có ý chê bai các em chút nào vì thiện chí và công sức của các em rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, các em cần phải ca hát và học thêm chữ Việt thêm vài năm vì ngay bây giờ, các em, mặc dù đã ca dược nhưng chưa có hồn, chỉ mới như các cô ca sĩ Việt Nam hồi trước 1975 ca nhạc Mỹ thôi.”

Quả vậy, lời nhận xét này của ông không mang tính phê phán hay thẩm định một cách tiêu cực mà là một lời nói chân tình và tích cực, mong cho giá trị văn hóa mà Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California muốn duy trì và phát triển ngày một cao hơn.

Dân ca Quan họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng miền Bắc Việt Nam.

Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO, dân ca quan họ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên và cùng đợt với ca trù.