Việc suy tôn Đức Trần Hưng Đạo TRẦN HƯNG ĐẠ0 làm Thánh Tổ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa do quyết định từ đâu, văn kiện nào, tôi không thể truy cứu được. Nhưng riêng việc dựng tượng Ngài thì tôi biết, vì có ít nhiều tham dự vào việc này.
Năm 1967, khi Chính Phủ Quân Nhân do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (tức Thủ tướng) sửa soạn trao quyền lại cho Chính Phủ Dân Sự, Chính Phủ muốn để lại một cái gì cho thành phố Sàigòn, đánh dấu thời gian Quân Đội tham chánh, nhất là tạo cho Thủ Đô Sài gòn thành một thành phố có màu sắc lịch sử và đẹp xứng đáng là một Thủ Đô, Chính Phủ muốn dựng các tượng danh nhân lịch sử tại các công trường trong Thủ Đô. Việc này Chính Phủ giao cho Quân Đội thực hiện, cụ thể là Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Quốc Phòng phụ trách.
Lúc ấy Cục Tâm Lý Chiến do Đại tá Vũ Quang làm Cục trưởng. Một buổi họp tại Cục Tâm Lý Chiến do Đại tá Vũ Quang chủ tọa, để phân nhiệm cho các Quân Binh Chủng trách nhiệm dựng tượng Thánh Tổ của mình tại các công trường được chỉ định. Đa số các Quân Binh Chủng đều tôn vinh các vị anh hùng, danh nhân trong lịch sử làm Thánh Tổ. Riêng Không Quân không tìm được vị anh hùng nào trong lịch sử, nên công trường được giao phó là khuôn viên trước Tòa Đô Chánh Sài Gòn, Không Quân đã dựng một tác phẩm điêu khắc kỷ hà, nói lên tinh thần bảo vệ không gian của Tổ Quốc. Thủy Quân Lục Chiến cũng vậy. Anh em Thủy Quân Lục Chiến dựng tượng hai người lính trong tư thế xung phong tại vườn hoa trước tòa nhà Quốc Hội. Cả hai công trường này, sau 30 tháng 4 năm 1975, đã bị dẹp đi.
Riêng Hải Quân, được giao dựng tượng tại công trường Mê Linh, sau đổi là công trường Bạch Đằng, ở ngay bờ sông , cuối đường Hai Bà Trưng. Việc tế nhị và khó khăn của việc dựng tượng Thánh Tổ Hải Quân ở đây là làm thế nào có thể sử dụng được cái bệ đã có sẵn. Nguyên khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa đây là công trường Mê Linh, được ông Ngô Viết Thụ lập đồ án dựng tượng Hai Bà Trưng. Kiến trúc đẹp, mới được coi là một công trình nghệ thuật của Thủ Đô Sài gòn, tạo một hấp lực cho cảnh trí bến Bạch Đằng, xứng đáng là cửa ngõ của Thủ Đô Việt Nam Cộng Hòa.
Tượng Hai Bà Trưng đẹp, nét điêu khắc sắc và mới, được dựng trên một bệ cao 3 chân phảng phất một đầu voi với hai chân trước và cái vòi voi. Khi khánh thành công trình này, chính Bà Ngô Đình Nhu, với tư cách là Chủ tịch Hội Phụ Nữ Liên Đới tới khánh thành. Tất nhiên đây là tượng Hai Bà Trưng, nhị vị nữ lưu lừng lẫy của lịch sử nước nhà, nhưng việc điêu khắc mới quá, phảng phất như hai mẹ con bà Nhu. Dân Sài gòn đã nhìn tượng này qua ấn tượng là hình ảnh của bà Nhu, nên khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ năm 1963, lòng người trong cơn cuồng nộ, đã ào ào kéo tới công trường này và đã kéo đổ tượng Hai Bà xuống, như muốn xóa sạch vết tích của bà Nhu. Đầu hai pho tượng đã được để lên xe xích lô đi diễu trên các phố, nhiều báo đã có in hình này. Sau này không hiểu đầu hai pho tượng ấy lưu lạc nơi đâu. Vì thế, từ năm 1963 đến năm 1967, 4 năm trời “đầu voi” tại công trường bỏ trống, không có tượng nào trên đó cả.
Khi công trường này được giao cho Hải Quân được đổi tên là công trường Bạch Đằng, vừa là quân cảng, và bến sông tiếp nhận các tàu bè từ biển tới Thủ Đô Sài gòn. Công việc dựng tượng do Chính Phủ Quân Nhân khởi xướng, như trên đã nói, muốn làm cho nhanh, trong vòng năm bảy tháng, hầu kịp thời gian khi chuyển quyền từ Quân Đội qua Dân Sự. Trên căn bản các chi phí do Chính Phủ cung cấp. Tôi không còn nhớ kỹ, nhưng đâu như Chính Phủ cấp cho mỗi Quân Binh Chủng một ngân khoản độ mấy chục ngàn mà thôi. Ngân khoản quá nhỏ. Hầu như tất cả Quân Binh Chủng, muốn làm tượng Thánh Tổ của mình cho thật đẹp, các Quân Binh Chủng liên hệ đều phải bỏ công và của vào rất nhiều. Riêng Hải Quân, đây là một công trình to tát và mang nhiều ý nghĩa. Vì vị Thánh Tổ Hải Quân, Đức Trần Hưng Đạo, chẳng những văn võ song toàn, một vị đại anh hùng của dân tộc, và đây còn là cửa ngỏ của Thủ Đô, sát ngay Bộ Tư Lệnh Hải Quân, nên Hải Quân đã tích cực và thi hành công trình thật chu đáo và to tát.
Lúc ấy, vị Tư lệnh Hải Quân là HQ. Đại tá Trần Văn Chơn, người cùng mang họ Trần, người rất sùng kính và ngưỡng mộ công đức của Đức Thánh Trần. Ông là vị Tư Lệnh thứ nhì, (vị Tư lệnh đầu tiên của HQVN là HQ. Đại tá Lê Quang Mỹ) từ năm 1957 đến năm 1959. Ông rời chức vụ để đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ, và trao chức vụ này cho HQ. Đại tá Hồ Tấn Quyền làm Tư lệnh. Khi từ Mỹ du học về, là thời gian nhiều biến động trên chính trường Miền Nam. Các chức vụ quan trọng của các đơn vị lớn trong Quân Đội cũng bị ảnh hưởng và xáo trộn. Từ năm 1963, HQ. Đại tá Quyền bị giết chết trong ngày binh biến 1 tháng 11 năm 1963, có các vị sau đây lần lượt đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Hải Quân:
– HQ Đại tá Chung Tấn Cang (sau thăng Phó Đô Đốc) từ năm 1964 đến 1965. Và cũng là vị Tư lệnh cuối cùng của Hải Quân khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
– HQ. Đại tá Trần Văn Phấn từ 1965 đến 1966.
– HQ. Đại tá Trần Văn Phấn từ 1965 đến 1966.
Trung tướng Cao Văn Viên và Trung tướng Lê Nguyên Khang từ các năm 1965 đến 1966. Đó là thời gian rối loạn nhất của đất nước, và cũng nhiều xáo trộn nhất của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Như thế, từ năm 1959 đến năm 1966, qua nhiều vị Tư lệnh, HQ. Đại tá Trần Văn Chơn, được chỉ định làm Chỉ huy trưởng Liên Đoàn Tuần Giang, một tổ chức phụ thuộc của Hải Quân, có nhiệm vụ hổ trợ cho các tỉnh trong Vùng 3 và Vùng 4 chiến thuật. Một đơn vị khiêm tốn, hầu như ít được nhắc đến vì ít có công trận, không có công tác gì quan trọng. Khi các Tiểu khu cần hoạt động lớn, thì các địa phương lại nhờ các đơn vị thiện chiến của Hải Quân là các giang đoàn xung phong, và đôi khi có các chiến hạm loại đổ bộ, với hỏa lực hùng hậu, hổ trợ. Từng là Tư lệnh Hải Quân, bây giờ là Chỉ huy trưởng Liên Đoàn Tuần Giang, một cái bóng mờ bên cạnh một Hải Quân đang bắt đầu lớn mạnh. Dù bình tĩnh cách nào, ai cũng thấy là Đại tá Chơn, sau khi du học Mỹ về đã xuống chức thấy rõ.
Bộ chỉ huy Liên Đoàn Tuần Giang đóng bên bờ sông Sàigòn, Thủ Thiêm, hầu như đối diện với Bộ Tư Lệnh Hải Quân đồ sộ ở bên này bờ sông. Suốt mấy năm ở chức vụ này, anh em Hải Quân hầu như đã quên Đại tá Chơn. Ngoài công việc điều hành Liên Đoàn Tuần Giang, nhiều người nói lại, Đại tá Chơn có rất nhiều hoạt động liên hệ với Hội Thánh Trần tại Thủ Thiêm. Do đó khi được trở lại đảm nhiệm vài trò Tư lệnh Hải Quân lại có dịp dựng tượng Đức Thánh Trần, vị đại anh hùng của đất nước, mà ông cũng tình cờ mang cùng họ : Họ Trần, nên nỗi vui, niềm hãnh diện ở nơi ông về việc dựng tượng Đức Thánh Trần, quả là một việc làm rất phấn khởi và cũng đã có một phần huyền nhiệm. Đức Thánh Trần, vị Thánh tổ của Hải Quân đã được Hải Quân cố gắng làm sáng danh ngài và nức lòng học tập, noi gương Ngài. Các chiến hạm, ngoài quốc kỳ, chiến kỳ được chính thức có thêm Thánh kỳ để cắm nơi mũi tàu khi có đại lễ, Thánh kỳ là một lá cờ ngũ sắc, có tua răng cưa, một loại cờ cổ ta thường gặp tại các đền thờ, các nơi đình đám của ngày hội tổ chức theo phong tục cũ. Giữa lòng lá cờ có một chữ đại tự bằng chữ nho: chữ Trần. Trong các ngày đại lễ, toán hầu kỳ gồm có : Quân, Quốc và Thánh kỳ. Suốt bao nhiêu năm Hải Quân hoạt động, các ngày lễ lớn, các chiến hạm kéo Đại kỳ rực rỡ, xa đã thấy Thánh kỳ sặc sỡ cắm nơi cột tại mũi tàu. Đó là một hình ảnh rất khác lạ so với các chiến hạm của các quốc gia khác. Một trang trí rất đẹp và đầy uy linh của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa một thời.
Trở lại với việc dựng tượng Thánh Tổ Hải Quân, Đức Trần Hưng Đạo tại công trường Bạch Đằng, sau nhiều bàn cãi, có những quyết định như sau. Về bệ tượng, cần hủy bỏ 3 chân của bệ, và vị Thánh Tổ Hải Quân được biết đến như một vị tướng tài chỉ huy thủy chiến, không, hoặc ít có liên hệ đến hình ảnh của con voi, nhất là cần phải làm khác, hầu như xóa đi cái ấn tượng và liên hệ đến bà Nhu. Nhưng việc phá đi bệ này vừa không phải dễ làm, và còn phí phạm một công trình kiến trúc rất đồ sộ, khó khăn. Cuối cùng đi tới kết luận là vẫn để nguyên 3 chân bệ, nhưng được xây kín lại thành một bệ hình khối tam giác, mà mũi nhọn hướng ra sông, như một mũi thuyền trong tư thế lướt sóng.
Còn lúc đầu nhờ điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, người nổi tiếng với tượng Tiếc Thương tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa thực hiện. Ông Thu (do tôi giới thiệu) nghĩ rằng, Đức Thánh Trần là một vị tướng mà cốt tủy của công trạng là tinh thần tham mưu, đó là điều khởi đầu và quan trọng hơn là việc xông pha nơi đầu sóng ngọn gió. Do đó ông Thu đã tạo một mẫu tượng Đức Thánh Trần trong tư thế ngồi, tay trái đè lên đốc kiếm tay phải cầm cuốn sách, được coi như là Binh thư. Ngài hướng mặt về phương Bắc, vừa là biểu tượng của người đi biển hướng về sao Bắc đẩu, vừa là nỗi lo âu muôn đời của người Việt, phải đối đầu với Bắc phương. Ý này một phần góp ý của chính tôi với điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu.
Mẫu tượng này được đem ra một Hội Đồng của Hải Quân để xem xét, và so sánh với mẫu tượng khác. Mẫu khác của người nào đó bên Hội Thánh Trần bên Thủ Thiêm đề nghị, đó là mẫu tượng được chấp nhận làm nên tượng Ngài hiện nay. Đó là hình ảnh của vị Đại tướng trong y phục võ tướng, một tay tỳ lên độc kiếm, một tay chỉ xuống lòng sông và nói : “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không trở lại khúc sông này nữa”. Lời thề của Ngài đã được sử sách ghi lại, như một lời nguyền làm nức lòng bao nhiêu thế hệ sau này, mỗi khi giở lại trang sách cũ. Do đó, mẫu tượng đó, của một người ít được biết đến, lại được chấp thuận. Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu rất buồn. Buồn vì mất một cơ hội góp công, góp tim óc cho một công trình đầy sử tính của một Sài gòn, Thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi cũng buồn, vì đã giới thiệu một người bạn, một điêu khắc gia nổi tiếng bậc nhất lúc ấy, mà lại không thành công. Nhưng tôi cũng phải nhận rằng, lời thề trên sông Hóa quả mang nhiều ý nghĩa, đã gắn liền với các chiến công của Đức Thánh Trần, với tước hiệu đầy đủ của Ngài.
Thánh Tổ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa
Bình Bắc Đại Nguyên Soái – Hưng Đạo Đại Vương
Bình Bắc Đại Nguyên Soái – Hưng Đạo Đại Vương
Một Vài Câu Chuyện Bên Lề
Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa với nhiều phương tiện của Hải Quân Công Xưởng, và sự đóng góp tiền bạc của tất cả quân nhân Hải Quân các cấp, đã hoàn thành một công trình mang đầy ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật cho Thủ Đô Sài gòn. Ngày khánh thành, vì một vài lý do bất khả kháng, Đại tướng Cao Văn Viên được chỉ định vào phút chót, thay mặt Chính Phủ đến chủ tọa, thay vì một giới chức cao hơn, khiến ban tổ chức gặp rất nhiều phiền toái. Vì các vị Bộ trưởng đã đến, ngoại giao đoàn đã đến. Trên hệ thống hành chánh, các vị Bộ Trưởng ở vị thế cao hơn Đại tướng. Nhưng làm sao được, và ghế đã xếp, chương trình đã định. Và Đại tướng Viên tới, mọi người cũng đương nhiên chấp nhận một cách vui vẻ.
Một trở ngại kỹ thuật khác, cho đến gần phút khánh thành, ban tổ chức mới thấy khó khăn. Tượng làm xong từ Hải Quân Công Xưởng do từng mảnh ghép lại, được cần trục câu lên ghép lại. Câu các mảnh ấy như câu các kiện hàng, nhưng ghép lại phải khéo để không thấy các mối ghép. Ghép xong mới tô và cho các vết ghép được nhuần nhuyễn như một khối đồng đen. Thực ra đó là các mảnh xi măng đúc từ Hải Quân Công Xưởng. Tượng làm xong, các giới chức Hải Quân ra ngắm nghía, ra điều ưng ý lắm. Nhưng theo nguyên tắc, và tạo sự linh thiêng, đột ngột, sau phần nghi lễ, tượng mới được mở ra để mọi người thưởng lãm và chiêm bái. Nhưng tìm vải phủ đã khó. Cái khó hơn, và khó nhất là làm cách nào để vị chủ lễ mở tượng ra, khó quá. Tìm vải cả mấy tuần mệt, tôi có ý kiến và thưa với vị Thiếu tá Phan Phi Phụng, Trưởng phòng Tâm Lý Chiến rằng : “không khó đâu Commandant, Commandant có nhớ tại Bắc Việt, các đền thờ Đức Thánh, người ta thường tìm đến để xin di vật của đền về yểm trừ tà ma…” Tôi vừa nói đến đó Thiếu tá Phụng cười : ” Cậu này, chắc cậu nhớ đến việc Ngài đã trừ diệt hồn ma Phạm Nhan…”. Tôi cười. Từ đó, chúng tôi đưa ý kiến là nhờ bên Hội Thánh Trần cung cấp các thước vải đỏ, độ 200 thước vuông, để phủ tượng. Khi xong lễ, các thước vải linh thiêng này sẽ được trao lại cho Hội Thánh Trần để phân chia cho những ai muốn có chút di vật của Ngài để cầu may và trừ tà ma…. Ý kiến ấy được Hội Thánh bên Thủ Thiêm tán thành nhiệt liệt, và cung cấp vải đỏ rất đầy đủ và rất mau.
Nhưng phần vải thì dễ rồi. Mở ra làm sao. Mở cho dễ, cho đẹp, và không vướng mắc vào giờ phút linh thiêng của buổi lễ. Ý kiến này, Hải Quân Công Xưởng chịu thua. Phủ thì được, mở ra khó quá. Sau một đêm, hôm sau ông Phụng vào sở, đem theo một cuộn giây chì, đường kính 3 milimetre. Cuộn giây chì được cắt ra từng đoạn, bẻ lại thành các vòng tròn, chì này vừa đủ mạnh để ghim các mảnh vải phủ tượng vào nhau. Khi cần mở vải phủ, từ giây thừng đã gài ở khoen cao nhất. Được Đại tướng Viên từ từ kéo xuống, các vòng chì rãn ra nhẹ nhàng. Và để chắc ăn, có thêm 2 giây như thế, tất cả là 3 giây, có thêm hai vị nữa, một là HQ. Đại tá Trần Văn Chơn, một là Hội trưởng Hội Thánh Trần, ba sợi giây cùng kéo, các mảnh vải đã được bóc ra như là bóc một quả cam bổ dọc. Các mảnh vải được gió sông Sài gòn thổi bay và từ từ là xuống, tượng Đức Thánh Tổ Hải Quân hiện ra trước mắt mọi người, hiện lên bầu trời cao xanh ngắt, giữa tiếng vỗ tay vang dội của quan khách, nhất là của phái đoàn dân sự của Hội Thánh Trần. Các mảnh vải này đã được Hội Thánh trân trọng thu góp lại, và cắt ra từng miếng nhỏ, phát cho những ai muốn được hưởng lộc của Ngài. Tôi cũng được thỉnh một vuông vải nhỏ bằng cái khăn ăn. Vuông vải linh thiêng này được vợ tôi giữ kỹ lắm, và sau đó còn phải cắt ra để chia cho các một số bạn làm vật cầu may. Sáng kiến cái khoen chì hoàn toàn là của Thiếu Tá Phan Phi Phụng, tôi chỉ có chút sáng kiến đi xin vải mà thôi.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một số tượng bị phá hủy, trong đó có công trình điêu khắc Tổ Quốc và Không Gian của Không Quân và tượng hai người lính Thủy Quân Lục Chiến. Riêng tượng Thánh tổ Hải Quân vẫn còn, tất nhiên huy hiệu và mấy chữ có liên hệ đến Hải Quân VNCH đã bị phá bỏ. Bến Bạch Đằng kể từ ngày đó là hình ảnh của chia lìa, đau khổ. Có những quân nhân Hải Quân cũ, trở lại khu này, bùi ngùi nhớ một thời vàng son, oai nghiêm cũ, nay nhìn lên chỉ thấy pho tượng đã cũ, như một nét bùi ngùi. Là quân nhân Hải Quân cũ, nhiều người đã đứng lại chiêm bái Ngài. Nhiều người buồn vì đã chậm chân không di tản được. Mà người ra đi, trong các năm sau 75 thì quá đông. Đa số ra đi bằng đường biển. Vì thế, nhìn lên tượng Ngài. Ngài vẫn chỉ ngón tay xuống dòng sông, con sông Hóa của lịch sử, hay là con sông Sài gòn, là cửa ngõ của biển khơi. Người ra đi đã vừa hài hước vừa vui mừng mà nói rằng:”Ngài nói lâu rồi. Theo ngón tay Ngài chỉ, tìm đường thủy mà đi”. Câu chuyện này một thời đã làm cả Sài gòn, cả Miền Nam biết đến, cả triệu người đã vượt biển tìm tự do.
Phan Lạc Tiếp
Phan Lạc Tiếp