Saturday 9 February 2019

Tưởng Nhớ Lê Uyên Phương 03/02/2019 * Phan Tấn Hải

03/02/2019  *  Phan Tấn Hải - KiwiLeaks

Image result for lê uyên phương

Ngày sinh của nhạc sĩ Lê Uyên Phương là ngày 2, tháng 2/1941. Như thế nghĩa là, hôm Thứ Bảy 2/2/2019 là tròn 78 năm sinh nhật của người nhạc sĩ họ Lê.

Nếu so về tuổi thọ, nhạc sĩ Lê Uyên Phương ra đi ngày 29/6/1999, tức là ở tuổi 58, còn có thể gọi là hưởng dương. Không ngờ đời người một thiên tài như anh lại ngắn như thế.

Lê Uyên Phương là một trong những nhạc sĩ lớn của dòng nhạc tại Sài Gòn, miền Nam Việt Nam trước 1975.

Theo Tự Điển Bách Khoa Wikipedia, Lê Uyên Phương tên thật là Lê Minh Lập, sinh tại Đà Lạt. Trong thời kỳ chiến tranh, giấy tờ bị thất lạc, trong hai lần làm lại giấy khai sinh, tên của ông bị nhân viên giấy tờ nhầm thành Lê Minh Lộc rồi Lê Văn Lộc. Từ đó ông giữ cái tên Lê Văn Lộc.

Cha của Lê Uyên Phương vốn họ Phan, nhưng vì cuộc cách mạng của Phan Bội Châu nên phải đổi thành họ Lê. Mẹ của Lê Uyên Phương là Công Tôn Nữ Phương Nhi, ông lấy chữ Phương trong tên của mẹ làm tên cho mình. Cùng với chữ Uyên, tên người bạn gái đầu tiên, ông ghép thành nghệ danh Lê Uyên Phương.

Lê Uyên Phương gặp Lâm Phúc Anh ở Đà Lạt, (hai người ở sát nhà nhau, số 18 và 22 Võ Tánh, TP.Đà Lạt), năm 1968 hai người thành hôn. Họ trở thành đôi tình nhân song ca nổi tiếng. Lê Uyên là nghệ danh do Lê Uyên Phương đặt cho. Ông tâm sự, lúc hai người từ Đà Lạt xuống Sài Gòn biểu diễn, có nhiều phóng viên hỏi, Lê Uyên Phương là ai? Lúc đó, ông buộc miệng chỉ cô gái (Lê Uyên) nói, đây là Lê Uyên. Còn tôi là Phương. Từ đó Lâm Phúc Anh chết luôn với nghệ danh Lê Uyên. Lúc hai người song ca được gọi Lê Uyên và Phương. Trước lúc gặp Lâm Phúc Anh, Lê Uyên Phương đã sáng tác ca khúc và ký với tên này.

Lê Uyên Phương khởi sự viết nhạc từ 1960 với "Buồn đến bao giờ" viết tại Pleiku. Những năm đầu thập kỷ 1970, từ Đà Lạt vào Sài Gòn, Lê Uyên và Phương đã đem một luồng gió mới đến với tân nhạc. Trong những năm khốc liệt nhất của cuộc Chiến tranh Việt Nam, Lê Uyên và Phương, với những ca khúc nồng nàn, khắc khoải đôi khi bàng bạc, triết lý đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Lê Uyên Phương đã viết nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như: "Bài ca hạnh ngộ", "Còn nắng trên đồi", "Dạ khúc cho tình nhân", "Lời gọi chân mây", "Vũng lầy của chúng ta"...

Năm 1979, hai vợ chồng Lê Uyên Phương rời khỏi Việt Nam và định cư tại nam California, Hoa Kỳ. Họ có hai con gái là Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My. Khoảng thời gian từ 1984 - 1985 Lê Uyên bị tai nạn rất nặng (bị lạc đạn của hai băng đảng bắn nhau), sau đó, họ đã ngừng biểu diễn trên các sân khấu ở hải ngoại cho đến năm 1990 thì xuất hiện trở lại. Theo lời Lê Uyên, khoảng thời gian sau tai nạn đó, họ muốn lặng yên sắp xếp lại cuộc sống chứ không phải chia tay như nhiều lời đồn thổi. "Chúng tôi chưa bao giờ chia tay dù chỉ trong ý nghĩ. Bởi rất khó khăn chúng tôi mới đến được với nhau". Lê Uyên cũng thừa nhận họ đến với nhau như một tất mệnh! Hầu hết các ca khúc của Phương đều tặng Lê Uyên.

Trong một ca khúc của Lê Uyên Phương đều mang cảm thức hạnh phúc và chia lìa. Bởi theo Lê Uyên Phương, tình yêu của một chàng trai 27-28 tuổi lại mang trong mình căn bệnh quái ác không biết ra đi lúc nào, với cô gái phơi phới mới lớn như Lâm Phúc Anh, đối với ông là quá lớn, "cho tôi yêu em nồng nàn, cho tôi yêu em nồng nàn, dù biết yêu tình yêu muộn màng..."

Ông mất ngày 29 tháng 6 năm 1999 tại bệnh viện UCI (University of California, Irvine) vì bệnh ung thư phổi.

Trong bài viết nhan đề “16 Năm - Lê Uyên Phương...” phóng viên Cát Linh của Đài RFA nhận định về Lê Uyên Phương:

“...Nhạc của Lê Uyên Phương là những bản tình ca mang hơi thở lành lạnh của Đà Lạt, có vị cay cay của khói thuốc, có cả sự va chạm trần truội mang đầy giới tính bản năng của loài người...

Nhạc của Phương không phải là những bản tình ca uỷ mị trừu tượng. Càng không mang vẻ đẹp của thiên tình sử trong đêm trăng của Romeo và Juilet. Cũng không cao sang trừu tượng như nhạc Phạm Duy. Ca từ trong nhạc của ông khi trần trụi, khi mềm mại, khi nóng bỏng như tiếng gào từ đồng vọng khét mùi khói lửa chiến tranh. Lê Uyên Phương viết nhạc từ chính cuộc sống và tình yêu của mình. Thời khắc khốc liệt nhất của giai đoạn đó đã làm cho lời nhạc của ông như lời trăn trối nhẹ nhàng, bình tĩnh, kêu gọi sống trọn vẹn ngày hôm nay vì không biết ngày mai sẽ ra sao.”

Trong mục Sổ Tay của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, với bài nhan đề “7-1999 – Vĩnh biệt Lê Uyên Phương” (đăng lại trên T&Van: http://t-van.net/?p=19171) có một vài nhận xét như sau:

“...Tôi yêu âm nhạc của Lê Uyên Phương, tôi yêu tiếng hát cũa hai bạn, tiếng hát khêu gợi làm sao, tiếng hát đi qua một trái tim nóng bỏng và đã thổi cái hơi nóng tình yêu nồng nàn qua trái tim người nghe, bắt họ phải nhận ra rằng đó mới là tình yêu đích thật.

Bao giờ cũng vậy, mỗi khi nghe nhạc Lê Uyên Phương tôi đều nhìn thấy lại Dalat, một Dalat đã làm tôi trở thành một người khác với con người thời niên thiếu của tôi. Và tôi nhận ra mình ngu ngốc và rụt rè biết bao trước một Lê Uyên Phương chân thật và dũng cảm.”

Nhà phê bình Nguyễn Lê Phan trong bài viết nhan đề “Lê Uyên Và Phương Với Những Bài Tình Ca Bất Hủ” trên Việt Báo ngày 3/7/2003 trích như sau:

“Mỗi ca khúc của Phương là một dấu ấn trên đời sống và trên tình yêu. Mỗi câu hát của Uyên là mỗi hơi thở đậm đà cho đời sống và cho tình yêu đó. Hình ảnh của giảng đường B thuộc trường Khoa Học Saigon của những năm 70 bỗng hiện về rõ từng nét trong trí nhớ của tôi khi vừa nghe ca khúc đầu tiên trong cuốn băng mới phát hành của LU&P, cuốn Khi loài thú xa nhau, sự khác biệt giữa khoảng cách của gần 30 năm, lạ lùng thay lại là giọng hát của họ, nếu ngày xưa là sự trong sáng, nhiệt tình thì giờ đây là sự đậm đà, đầy nội lực và tiềm tàng một khả năng thuyết phục lớn, nếu dùng chữ nôm na, thì đó là sự chín mùi trong cung cách đặc biệt mà không một người ca sĩ nào có được, anh không chú trọng đến làn hơi mà chỉ thể hiện những cảm xúc tự nhiên như khi anh đang viết ca khúc mình đang hát, vì thế đối với Phương, người thưởng ngoạn luôn phải nhìn anh là một nhạc sĩ sáng tác hơn là một ca sĩ, ngay cả lúc anh đang trình diễn trên sân khấu và đó cũng là điểm hết sức độc đáo của cặp nghệ sĩ này.”

Trong bài viết  nhan đề “Chiều Nhạc Lê Uyên: Sài Gòn: Cà Phê, Sân Trường Thời 1970s,” nhà báo Đoàn Hưng nhận định:

“...Lê Uyên Phương sống và hát với tâm trạng của một cặp tình nhân mà “…ngày mai ta không còn thấy nhau…”. Tâm trạng đó không phải là tâm trạng chung của tuổi trẻ Việt Nam trong thập niên 70 hay sao? Những cặp tình nhân yêu nhau trong thời chinh chiến. Những người vợ mới cưới của những người lính Cộng Hòa. Những chàng thanh niên rời bỏ mái trường, bạn bè, người yêu để đi ra chiến trường. Trong một tâm trạng như vậy, hỏi sao mà tuổi trẻ đã hát say sưa: “…cho tôi yêu em nồng nàn, dù biết yêu tình yêu muộn màng…”

Nhạc của Lê Uyên Phương là nhạc của sân trường. Bởi vì đôi song ca này đã thành danh từ những sân khấu sân trường đại học, từ Đà Lạt đến Sài Gòn. Nhớ lại buổi trình diễn đầu tiên của Lê Uyên Phương tại Viện Đại Học Đà Lạt. Khi chương trình sắp bắt đầu, thì dàn âm thanh bị trục trặc, không biết đến lúc nào thì mới sửa chữa xong. Sinh viên đã đến đầy khán phòng. Lê Uyên Phương lúc đó đã quyết định hát không cần micro, dàn âm thanh. Chỉ với một cây đàn guitar và một đôi tình nhân. Hát bằng con tim, hát bằng hơi thở. Khoảng 18 bài hát đã được trình diễn như vậy, với sự hưởng ứng của khán giả cũng bằng con tim, bằng hơi thở. Huyền thoại Lê Uyên Phương đã bắt đầu như vậy. Để rồi sau đó, tour lưu diễn đầu tiên ở Sài Gòn liên tiếp trong 19 ngày, cũng tại các sân trường đại học, cũng với một cách trình diễn như vậy, đã chinh phục trái tim của hàng trăm ngàn khán giả trẻ đang yêu, đang khắc khoải vì sự mong manh của tình yêu.”
Như thế đó, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã xuất hiện như thế, và các âm thanh độc đáo của anh đã ở lại cõi này, để trở thành chứng tích cho các cặp tình nhân...