Friday, 10 May 2019

Thương mại Mỹ-Trung : Thương thuyết dưới áp lực, Bắc Kinh thả báo chí biện giải - Tú Anh

media
Ảnh Minh họa: Cờ Mỹ và Trung Quốc tại một cuộc đàm phán về thương mại ở Bắc Kinh hồi năm 2018.REUTERS/Jason Lee

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung bước vào vòng thứ 11 trong hai ngày 8 và 9 tháng 5. Cho dù Donald Trump đe dọa tăng gấp đôi thuế đánh vào hàng Trung Quốc kể từ 12 giờ đêm thứ Sáu tới nếu không đạt được kết quả, Bắc Kinh đấu dịu, gửi phó thủ tướng Lưu Hạc sang Washington nhưng để cho báo chí chính thức biện minh.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde phân tích lý do :
Để cứu sĩ diện và nhất là tránh tạo ấn tượng đã nhượng bộ sức ép của Nhà Trắng, truyền thông Trung Quốc tỏ ra cứng rắn : Nhượng bộ, còn lâu, đừng mơ mộng viển vông, Nhân Dân Nhật Báo khẳng định như thế trên tài khoản chính thức WeChat.

Nếu thấy các yêu sách bất lợi cho chúng tôi, thì dù quý vị trình bày như thế nào, chúng tôi cũng không lùi bước, cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc nhấn mạnh.

Cùng thái độ, trên tài khoản Tweeter bằng tiếng Anh, Hoàn Cầu Thời Báo lý giải : chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ quả quyết là sẽ đạt được một thỏa thuận với Mỹ.

Đây là một cách để phản bác một lời bình luận của tổng thống Donald Trump mới vừa khen ngợi có tiến triển thì lại than phiền là Trung Quốc quá chậm chạp. Nếu đàm phán thất bại, Trung Quốc vẫn đủ mạnh để đứng vững, Hoàn Cầu Thời Báo viết tiếp.

Các phản ứng này được báo chí chính thức tung ra sau một thời gian im lặng. Ngay dòng Tweeet của chủ nhân Nhà Trắng hôm Chủ Nhật đe dọa tăng thêm 25% thuế đánh lên hàng Trung Quốc cũng bị kiểm duyệt, không đăng trên các mạng xã hội.

Điều quan trọng là liệu Trung Quốc duy trì lập trường cứng rắn này tại bàn đàm phán ở Washington hay không?

Theo bộ trưởng Tài Chính Mỹ, nếu phái đoàn Lưu Hạc đưa ra đề nghị mới thì tổng thống sẽ được thông báo ngay.

Cho đến giờ phút này, lệnh tăng thuế nhập khẩu vẫn được ấn định thi hành vào lúc nửa đêm thứ Sáu (10/05).

Đàm phán thương mại : Đoàn Trung Quốc đến Washington ngày 09/05

media
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (P) và bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin (G), đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (T) tại Bắc Kinh, 01/05/2019.Andy Wong/Pool via REUTERS

Bắc Kinh quyết định duy trì thương lượng để tìm lối thoát cho cuộc chiến thương mại, bất chấp đe dọa tăng thuế của tổng thống Mỹ. Hôm nay, 07/05/2019, bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo phái đoàn sẽ đến Hoa Kỳ vào ngày thứ Năm 09/05.

Theo AFP, vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần thứ 11 sẽ diễn ra trong các ngày 09 và 10/05/2019. Phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He), dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc, đến Washington, theo lời mời của bộ trưởng Thương Mại Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin.

Cuộc đàm phán Mỹ-Trung lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đặc biệt. Đe dọa của tổng thống Mỹ, qua twitter, tăng thuế đối với 200 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ngay từ ngày 10/05, đẩy chính quyền Trung Quốc vào tình thế chịu áp lực hiếm có. Bởi thời điểm có thể tăng thuế này được đưa ra đúng vào lúc đoàn đàm phán Trung Quốc có mặt tại Washington. Hôm qua, bộ Thương Mại Mỹ nhấn mạnh là việc nâng thuế từ 10% lên 25% sẽ được áp dụng kể từ ngày 10 giờ sáng ngày 10/05.

Trong cuộc họp báo hôm qua 06/05, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc thậm chí đã không đưa ra thông tin nào về thời điểm lên đường của đoàn đàm phán, cũng như thành phần nhân sự. Hiếm có cuộc họp báo nào của bộ Ngoại Giao Trung Quốc lại được chú ý đến như vậy. Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

« Cả một rừng máy tính xách tay sốt ruột chờ đợi, một đoàn camera sẵn sàng tác nghiệp. Cuộc họp báo hàng ngày của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc hiếm khi được trông đợi như vậy. Cơ quan ngoại giao Trung Quốc rốt cuộc đã đáp trả cú Twitter giận dữ của tổng thống Trump, sau khi truyền thông chính thức Trung Quốc im lặng như tờ suốt buổi sáng.

Chủ Nhật vừa qua, tổng thống Mỹ đe dọa tăng tiếp thuế nhập khẩu đối với hàng Trung Quốc. Theo phát ngôn viên Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang), đây là một quan điểm đã từng được Hoa Kỳ đưa ra : Chính quyền Mỹ đã đe dọa tăng thuế nhiều lần. Lập trường của Trung Quốc về điều này là rõ ràng và phía Mỹ biết rõ điều đó. Tại Trung Quốc, vấn đề này gây nhiều lo ngại, phái đoàn thương thuyết Trung Quốc đang chuẩn bị đi Mỹ để tiếp tục thương lượng.

Như vậy, không có chuyện Bắc Kinh rơi vào cái có thể coi là một chiếc bẫy của tổng thống Mỹ. Đối với Trung Quốc, nếu hủy bỏ chuyến đi này, Bắc Kinh có nguy cơ phải gánh lấy trách nhiệm của thất bại. Tuy nhiên, cơ quan ngoại giao Trung Quốc cũng tránh cho biết rõ thời gian cụ thể của chuyến đi, cũng như thành phần của phái đoàn thương lượng.

Hồi tuần trước, một số nhà quan sát khẳng định có thể sẽ có khoảng 100 thành viên trong phái đoàn, mà phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) là trưởng đoàn. Nhiều câu hỏi đặt ra : Liệu phái đoàn sẽ giảm bớt người ? Chuyến đi sẽ bị chậm lại ?
Bắc Kinh giữ lại một số lá bài. Trong khi chờ đợi, và để tỏ ra không quá nhân nhượng chính quyền Mỹ, thông điệp Twitter của Donald Trump hôm Chủ Nhật hoàn toàn bị ngăn chặn trên các mạng xã hội Trung Quốc. Câu trả lời của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc về vấn đề này cũng không có mặt trên trang mạng của Truyền hình trung ương Trung Quốc ».