Hôm qua 08/05/2019, đúng một năm sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước nguyên tử, Washington lại áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Teheran, trong bối cảnh Iran loan báo ngưng thực hiện một số cam kết trong văn bản này.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường trình :
« Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ liên quan đến các mặt hàng sắt, thép, nhôm và đồng của Iran. Theo ông Donald Trump, đây là những nguồn thu nhập chính từ xuất khẩu của nước này, sau nguồn dầu lửa đã bị Mỹ cấm vận.
Trong quyết định được tổng thống Mỹ ký hôm qua, có thể đọc thấy câu : Chính sách của Hoa Kỳ luôn nhằm ngăn trở Iran triển khai vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa, cùng chống lại ảnh hưởng tai hại của Iran tại Trung Đông.
Trong một thông cáo, tổng thống Donald Trump nhấn mạnh : Nhờ các động thái của chúng ta, chế độ Iran khó thể tài trợ cho các chiến dịch bạo lực và khủng bố, nền kinh tế của họ bị rơi vào suy thoái chưa từng thấy.
Nhà Trắng cảnh báo Teheran là chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa lên chế độ, cho đến khi các nhà lãnh đạo Iran thay đổi thái độ, quay lại bàn đàm phán. Và để kết thúc thông điệp hết sức cứng rắn này, ông Donald Trump tái khẳng định với vẻ ngây thơ, rằng ông hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp gỡ những nhân vật có trách nhiệm của Iran để thương lượng một hiệp ước ».
Phản ứng của Đức - Pháp -Anh
Về phản ứng của ba nước châu Âu tham gia ký kết hiệp định Vienna 2015 về hạt nhân Iran, các nước này trước hết là có một lập trường đồng nhất để cố thuyết phục Teheran tuân thủ toàn bộ thỏa thuận này. Nhưng đây sẽ không phải là điều dễ dàng như tường trình của thông tín viên Pierre Benazet từ Bruxelles:
« Ba nước châu Âu ký kết hiệp định Vienna đồng ý với nhau ở một điểm : hiệp định phải sống sót. Đối với chính phủ Pháp, không có gì tệ hại hơn là việc Iran rút khỏi hiệp định hạt nhân. Nước Đức thì kêu gọi Iran thực thi toàn bộ hiệp định. Trong khi đó, Anh Quốc xem hiệp định này là rất quan trọng, chỉ trích quyết định của Iran, quốc gia mà theo lẽ phải tôn trọng các cam kết của mình.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, hôm thứ Bảy tuần trước, ba nước châu Âu nói trên vừa ký một thông cáo chung, thể hiện thái độ kiên quyết, lên án việc Hoa Kỳ tái lập các biện pháp trừng phạt Iran. Trong thông cáo này, một mặt họ nhắc lại là Terheran phải tuân thủ các cam kết của mình, mặt khác họ cho rằng cần phải duy trì các trao đổi thương mại và nguồn tài chính với Iran.
Nhưng phải thừa nhận là cơ chế trao đổi hàng hóa mang tên Instex, do ba nước Anh, Pháp, Đức thiết lập để tiếp tục buôn bán với Iran, chủ yếu là trao đổi về thuốc men, lương thực, hoặc hàng cứu trợ nhân đạo.
Kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định Vienna cách đây một năm, các nước châu Âu đã không bảo đảm được các trao đổi thương mại với Iran và hiện giờ không rõ là khả năng hành động của họ sẽ như thế nào, bởi vì chẳng hạn như cơ chế Instex, được thông báo từ tháng Giêng vừa qua, cho tới nay vẫn chưa có hiệu lực.»
Mỹ giáng loạt lệnh trừng phạt mới, 'đóng
cửa' hoàn toàn nền kinh tế Iran
Mỹ mới cho ban hành hàng loạt lệnh trừng phạt mới nhằm vào những cá nhân giao thương với Iran trong lĩnh vực dầu mỏ, thép, nhôm, đồng và các sản phẩm liên quan nhằm 'đóng cửa' hoàn toàn nền kinh tế Iran.
Sắc lệnh trừng phạt mới nhằm phong tỏa nền kinh tế Iran được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào ngày 8/5.
RT đưa tin theo sắc lệnh, tài sản của bất cứ cá nhân nào sở hữu, hợp tác hay giao dịch “số lượng lớn” trong lĩnh vực kim loại của Iran sẽ bị Mỹ tịch thu chiểu theo các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, những người bị cáo buộc hỗ trợ tài chính hay ủng hộ cho các cá nhân nằm trong danh sách bị trừng phạt thì tài sản của họ cũng sẽ bị phong tỏa.
Mỹ giáng loạt lệnh trừng phạt mới, "đóng cửa" hoàn toàn nền kinh tế Iran.
“Số tài sản bị phong tỏa sẽ không thể chuyển giao, chi trả, rút hay thực hiện bất cứ giao dịch nào khác”, nội dung sắc lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran nhấn mạnh. Lệnh trừng phạt này sẽ được áp dụng đối với các tài sản nằm trong lãnh thổ Mỹ hoặc thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của bất cứ công dân Mỹ nào.
Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo họ sẽ cho thời hạn 90 ngày để các cá nhân “cắt giảm” mọi giao dịch liên quan tới lĩnh vực kim loại của Iran.
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Iran nằm trong chuỗi chính sách “nhằm ngăn chặn mọi con đường giúp Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa cũng như phong tỏa tầm ảnh hưởng của Iran ở khu vực Trung Đông”, nội dung sắc lệnh được Tổng thống Trump ký hôm 8/5 cho hay.
Cũng theo sắc lệnh trên, lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn bán kim loại có thể hỗ trợ cho Iran “giải giáp các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, ủng hộ cho các nhóm khủng bố và mạng lưới khủng bố cũng như triển khai các hành động khiêu khích trong khu vực và mở rộng năng lực quân sự”.
Hiện nay, hoạt động giao dịch kim loại đang chiếm khoảng 10% trong lĩnh vực xuất khẩu của Iran.
Động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump diễn ra đúng sau một năm nhà lãnh đạo Mỹ đơn phương rút Mỹ ra khỏi hiệp ước hạt nhân lịch sử với Iran mang tên JCPOA.
Cũng trong ngày 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đe dọa sẽ cho nối lại hoạt động làm giàu uranium nếu các cường quốc không giữ đúng cam kết theo JCPOA.
Minh Thu
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kerry bị TT Trump đề
nghị khởi tố
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kerry thừa nhận đã gặp gỡ Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif “3 đến 4 lần” kể từ khi ông rời nhiệm sở, khiến làm cho Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị khởi tố cựu Ngoại trưởng John Kerry bởi cho rằng ông phạm luật khi gặp gỡ các quan chức Iran trong năm 2018.
Ông John Kerry gặp gỡ Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong năm 2016. Ảnh: Getty Images
Nhà lãnh đạo Mỹ ngày 9/5 khẳng định: “Ông John Kerry đã gặp gỡ giới chức Iran khá nhiều và trong các cuộc điện đàm còn khuyên họ nên làm gì. Đó là vi phạm Luật Logan và rõ ràng ông ta phải bị khởi tố vì điều này. Nhưng người của tôi không muốn làm như vậy, chỉ có thành viên đảng Dân chủ mới thế. Nếu theo chiều ngược lại chắc họ sẽ khởi tố ông ta theo Luật Logan”.
Luật Logan được Tổng thống John Adams ký năm 1799 theo đó quy định công dân không được đàm phán thay mặt Chính phủ Mỹ khi chưa được ủy quyền.
Fox News (Mỹ) cho biết trong tháng 9/2018, cựu Ngoại trưởng Kerry thừa nhận đã gặp gỡ Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif “3 đến 4 lần” kể từ khi ông rời nhiệm sở. Cựu Ngoại trưởng Kerry thừa nhận có bàn luận về thỏa thuận hạt nhân với Ngoại trưởng Zarif. Ông Kerry cho biết đã đề cập trước với Ngoại trưởng Pompeo và Bộ Ngoại giao Mỹ về cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Zarif.
Ông Kerry từng giữ chức Ngoại trưởng Mỹ trong khoảng thời gian từ 2013-2017 và đóng góp nhiều công sức trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran. Tổng thống Trump vào tháng 5/2018 tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 bất chấp việc các đồng minh phương Tây vẫn ủng hộ thỏa thuận này.
Người đại diện của cựu Ngoại trưởng Kerry đã bác bỏ phát biểu của Tổng thống Trump. Người đại diện này nhấn mạnh: “Ngài Tổng thống đã sai về thông tin, về luật và về cách tận dụng ngoại giao để giữ an toàn cho nước Mỹ. Kể cả ở thời điểm đó và hiện tại thế giới đều ủng hộ thỏa thuận này. Chúng tôi hy vọng ngài Tổng thống nên tập trung vào giải quyết các vấn đề chính sách đối ngoại cho nước Mỹ thay vì chỉ trích nhân sự trong chính quyền tiền nhiệm”.
Phát biểu của Tổng thống Trump về cựu Ngoại trưởng được đưa ra trong thời điểm Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vào thép, nhôm, sắt và aluminum của Iran ngày 8/5.