Friday, 10 May 2019

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Bắc Kinh "già néo" nên bị “đứt dây” ? - Trọng Nghĩa

media
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự dạ tiệc tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày 09/11/2017.REUTERS/Jonathan Ernst

Vào lúc mọi người đều nghĩ là Washington và Bắc Kinh sắp sửa đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài từ nhiều tháng nay, thì ngày 05/05/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ loan báo quyết định tăng mức thuế quan lên 25%, đánh vào 200 tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc, tố cáo Bắc Kinh trở cờ trong đàm phán, hứa cải tổ rồi lại nuốt lời ngay sau đó.
Trong bài phân tích ngày 08/05 vừa qua, hãng tin Anh Reuters đã căn cứ vào 6 nguồn thạo tin khác nhau, trong đó có 3 từ phía Mỹ, để xác nhận rằng Trung Quốc quả thực là đã nuốt lại hầu hết các cam kết mà họ đã đưa ra trong quá trình đàm phán, và chính điều này đã khiến tổng thống Donald Trump nổi cơn thịnh nộ.
Tối thứ Sáu, 03/05, Washington đã nhận được bản dự thảo thỏa thuận dày gần 150 trang đã được đúc kết sau nhiều vòng thương thuyết giữa hai bên. Thế nhưng, hầu như điểm nào trong dự thảo thỏa thuận cũng có đoạn bị Trung Quốc xóa bỏ.
Cụ thể, trong toàn bộ 7 chương của dự thảo, Trung Quốc đã xóa bỏ các cam kết sẽ thay đổi luật pháp của nước này để giải quyết những đòi hỏi cốt lõi của Mỹ vốn là những ngòi nổ dẫn đến chiến tranh thương mại: Đánh cắp sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại; ép buộc công ty Mỹ kinh doanh ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ; cạnh tranh không lành mạnh; hạn chế việc tiếp cận thị trường tài chánh Trung Quốc; và thao túng tiền tệ.
Tất cả những điểm trên đều từng được tổng thống Mỹ nhấn mạnh là đã đạt được khi đàm phán với Trung Quốc, điều đó giải thích lý do vì sao ông Trump lại phản ứng mạnh sau khi nhận được bản dự thảo thỏa thuận trong đó Bắc Kinh đã xóa bỏ tất cả những cam kết « luật hóa ».
Hai người dẫn đầu phái đoàn thương thuyết Mỹ là Robert Lighthizer và Steven Mnuchin đã choáng váng trước hành động trở cờ của Trung Quốc.
Theo hai nguồn tin được Reuters trích dẫn, ông Lưu Hạc vào tuần trước đã trấn an hai nhà đàm phán Mỹ rằng nên tin tưởng vào lời hứa của Trung Quốc, nhưng hai ông Mnuchin và Lighthizer đã phản đối, nhắc lại rằng trong quá khứ Bắc Kinh nhiều lần nuốt lời hứa tiến hành cải cách.
Kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 09/05 cho rằng Trung Quốc một lần nữa, lại đánh giá sai về tổng thống Trump, bắt bí vào giờ phút chót với hy vọng là phía Mỹ sẽ chấp nhận để có được một thỏa thuận với Bắc Kinh. Rất có thể là Trung Quốc đã hiểu sai về các tuyên bố và hành động của ông Trump gần đây, cho rằng tổng thống Mỹ đang lo ngại về tình trạng của nền kinh tế Mỹ và sẽ sẵn sàng nhượng bộ.
Ngoài ra, rất có thể là Bắc Kinh đang say men « chiến thắng » khi thấy rằng dù bị Mỹ đánh về thương mại, nhưng họ vẫn tăng trưởng mạnh trong quý một năm nay, trong lúc Sáng Kiến ​​Một Vành Đai và Một Con Đường của ông Tập Cận Bình đã gặt hái thêm thành công sau hội nghị ở Bắc Kinh vào tháng trước.
Theo CNN, đánh giá cho rằng thế mạnh mới của Bắc Kinh có thể khiến Donald Trump lùi bước như vậy quả là sai lầm. Kinh tế Mỹ không yếu như một số người ở Bắc Kinh lầm tưởng, trong lúc cách bắt bí giờ chót lại đặc biệt làm cho tổng thống Trump nổi giận.
Trung Quốc dường như đã quên rằng, chỉ mới đây thôi, ông Trump đã bỏ ngang thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội, bất chấp hàng tháng trời hai bên tìm cách xích lại gần nhau.


Trung Quốc thay đổi hầu hết các điều kiện thỏa thuận thương mại với Mỹ


Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) trò chuyện với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong một cuộc họp ở Bắc Kinh vào ngày 15/2/2019.
Bức điện ngoại giao gửi từ Bắc Kinh tới Washington vào tối thứ Sáu, với những sửa đổi có hệ thống trong bản thảo hiệp định thương mại dài gần 150 trang, được cho là thổi bay nỗ lực đàm phán trong nhiều tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Reuters dẫn ba nguồn tin từ chính phủ Hoa Kỳ và ba nguồn tin thuộc khu vực tư nhân thông thạo vấn đề cho biết hôm 8/5.
Tài liệu bị phía Trung Quốc thay đổi nhiều chỗ, đi ngược lại những yêu cầu cốt lõi của Hoa Kỳ, các nguồn tin trên nói với Reuters.
Trong tất cả 7 chương của dự thảo thỏa thuận thương mại, Trung Quốc đều xóa đi các cam kết thay đổi quy định để giải quyết các bất đồng vốt lõi, vốn là nguyên nhân khiến Hoa Kỳ phát động cuộc chiến thương mại, bao gồm: đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ; ép buộc chuyển giao công nghệ; cách chính sách cạnh tranh thương mại; mở cửa thị trường tài chính; và thao túng tiền tệ.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Chủ nhật đã lên Twitter dọa sẽ áp thuế từ 10% đến 25% lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ đôla của Trung Quốc ngày vào thứ Sáu tuần này, thời điểm rơi vào giữa chuyến thăm dự kiến của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới Washington để tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại.
Việc loại bỏ những từ ngữ pháp lý mang tính ràng buộc trong dự thảo đã tác động trực tiếp vào ưu tiên hàng đầu của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, người xem những thay đổi trong các quy định của Trung Quốc là cần thiết để xác minh việc tuân thủ của Bắc Kinh, sau nhiều năm các quan chức Hoa Kỳ gọi cam kết cải cách của Trung Quốc là chỉ những lời “hứa suông”.
Ông Lighthizer mạnh mẽ thúc đẩy một cơ chế bắt buộc phải thi hành, giống như những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các chế độ như Triều Tiên hay Iran, hơn là một thỏa thuận thương mại thông thường.
Người phát ngôn của Nhà Trắng, Đại diện Thương mại và Bộ Tài chính Hoa Kỳ chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong một cuộc họp báo hôm 8/5 nói rằng giải quyết những bất đồng về thương mại là một “quá trình đàm phán” và Trung Quốc không “tránh né vấn đề”.
Ông Cảnh Sảng cũng không trả lời trực tiếp những câu hỏi cụ thể của Reuters về các cuộc đàm phán, mà đẩy sang cho Bộ Thương mại.
Theo hãng thông tấn Anh, ông Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin đã bị “sốc” vì mức độ thay đổi trong dự thảo. Hai quan chức nội các hôm thứ Hai nói với các phóng viên rằng việc Trung Quốc quay lưng lại với các cam hết đã thúc đẩy lệnh áp thuế của ông Trump, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về phạm vi các sửa đổi.
Ông Lưu Hạc tuần trước nói với ông Lighthizer và ông Mnuchin rằng họ cần tin tưởng Trung Quốc trong việc thực hiện các cam kết của mình thông qua những thay đổi về hành chính và quy định, Reuters dẫn hai trong số các nguồn tin cho biết. Cả ông Mnuchin lẫn ông Lighthizer đều cho rằng điều đó không thể chấp nhận được, do Trung Quốc từng có lịch sử không thực hiện các cam kết cải cách.
Một nguồn tin trong khu vực tư nhân am hiểu về các cuộc đàm phán cho biết vòng đàm phán cuối cùng đã diễn ra một cách tồi tệ bởi vì Trung Quốc “quá tham lam”.
Dự kiến, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ đến Washington vào thứ Năm để tiếp tục đàm phán dự kiến kéo dài hai ngày, mà chỉ mới tuần trước được xem là cuộc đàm phán then chốt và có thể là vòng cuối cùng trước khi đạt được một thỏa thuận thương mại lịch sử.

Nhưng hiện giờ, các giới chức Hoa Kỳ có rất ít hy vọng rằng ông Lưu sẽ đưa ra bất kỳ đề nghị nào để mang cuộc đàm phán trở lại đúng hướng, Reuters dẫn hai trong số các nguồn tin cho biết.