Friday 10 May 2019

♫♪♪ Bến Cũ (NS Đại Tá Anh Việt) – Trình bày và Video 4K: Trần Ngọc

Anh Việt (1927 - 2008) là một nhạc sĩ tiền chiến có những sáng tác từ trước năm 1945 cho đến khi ông qua đời. Ông cùng với Nguyễn Văn Đông (1932-2018) được xem là hai nhạc sĩ có cấp bậc Đại Tá, cấp cao nhất của nhạc sĩ trong QLVNCH.

Related image
Anh Việt (1927 - 2008)


(NS Nguyễn Văn Đông, chúng tôi đã thực hiện Video Nhạc “Mấy Dặm Sơn Khê”) (Trong TranNgọc Youtube channel)

Và hôm nay là NS Anh Việt trong Nhạc Phẩm “Bến Cũ” sáng tác năm 1946.
Nhạc Phẩm “Bến Cũ” (1946) diễn tả một cuộc chia tay bên bờ sông vắng giữa chàng trai lên đường theo tiếng gọi non sông và người thiếu nữ khắc khoải chờ trông ngày chàng trở về.

“Bến ấy NGÀY XƯA người đi vấn vương biệt ly”
……………………………………..
“Biết đi sầu em mong
Nhưng ngàn dân đang ngóng”
……………………………………………….

Thời điểm ấy là thời kháng chiến chống Pháp đô hộ, Việt Nam chưa có Quân Đội chính quy mà chỉ có những tổ chức kháng chiến riêng lẻ với những anh hùng như Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định .v.v.. hay gần hơn là nhóm Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học, Cô Giang..v.v..

Nhưng mật thám Pháp lùng bắt rất gắt gao nên tráng sĩ Kinh Kha ra đi mà chắc đâu để hẹn ngày về.

“Bến ấy chiều sương chờ mong vấn vương lòng ta
Gió cuốn mây trôi về đâu
Cố nén sầu lòng bao năm”

Nhạc Sĩ Anh Việt

Ông tên thật là Trần Văn Trọng, sinh năm 1927 tại Rạch GiáKiên Giang, xuất thân trong một gia đình công chức, song thân sành cổ nhạc và làm thơ.
Ông bắt đầu viết nhạc khá sớm, từ những năm đầu của thập niên 1940. Lúc bấy giờ truyền hình chưa có và hệ thống phát thanh còn thô sơ, giới hạn nơi từng vùng một, tuy nhiên nhạc của Anh Việt cũng đã được phổ biến sâu rộng qua các đĩa 33 vòng (tours), máy hát quay tay, chạy vài lần lại phải thay kim.
Năm 1945, ông từng tham gia Kháng chiến chống Pháp. Năm 1950, ông bỏ chiến khu về thành và năm 1951, ông tham gia Quân đội Quốc gia Việt Nam, theo học ngành quân cụ, tham gia binh nghiệp cho đến năm 1975, thăng dần lên cấp bậc Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông sang tị nạn tại California, được nhà thờ Saratoga Federated bảo lãnh, mời dạy ở trường Naval Post Graduate tại Monterey. Sau này ông mở Chợ Mekong cung cấp cho đồng hương những thực phẩm mang hương vị quê nhà. Đây là cửa hàng tạp hóa và hàng ăn đầu tiên của người Việt Nam tại địa phương.
Ông qua đời ngày 14 tháng 3 năm 2008, thọ 81 tuổi.

 (Theo  tạp Chí  CỎ THƠM của NS  Phan Anh Dũng) : 
 Cựu Ðại Tá Trần Văn Trọng, nguyên Cục Trưởng Cục Quân Cụ (1964),  Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), tức Nhạc Sĩ Anh Việt đã từ trần vào ngày 15 Tháng Ba 2008 tại San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ, thọ 81 tuổi (sinh năm 1927). 

Nhạc Sĩ Anh Việt đã bắt đầu viết nhạc từ các năm của thập niên 1940 và có thể nói được rằng vào thời kỳ đó chưa có truyền hình và hệ thống phát thanh trên toàn Việt Nam còn thô sơ và hạn chế từng vùng, nhưng nhạc của ông đã được phổ biến rộng rãi trên các đĩa nhựa 33 tours, máy hát còn phải quay bằng tay, thay kim sau vài lần hát, chứ chưa có bao nhiêu máy chạy bằng điện, song đã giúp ông nổi tiếng ngay với các bài như “Chiều Trong Rừng Thẳm” (1945), “Bến Cũ” (1946), “Một chuyến đi”, “Thơ Ngây” (1951)... khiến đi đến đâu từ thành thị đến các vùng nông thôn, người ta cũng đều nghe thấy vang lên các lời ca như sau: 

Trong rừng xa vắng... âm u nhuộm ánh dương mờ/Tiếng gió rít lên... ngàn cây xác xơ...” (Chiều trong rừng thẳm), hay “Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly, gió cuốn muôn phương về đây, thấy bóng người về hay chăng?...” (Bến Cũ), hoặc “Khi ấy em còn thơ ngây/Ðôi mắt chưa vương lệ sầu...” (Thơ ngây)... 

Ngoài ra nhạc sĩ Anh Việt còn sáng tác các bản nhạc khác như “Rồi Ngàn Sau”, “Lúa Vàng”, “Một Chuyến Ði”, “Ai Xuôi Biên Thùy”, “Lỡ Chuyến Ðò”, “Ngày Xưa Yêu Nhau”... 

Năm 1967 Nhạc sĩ Anh Việt từng là Chủ tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội của QLVNCH. 
………………………………………………………………………………
(Theo Wikipedia)
…Ngoài ra từ năm 1993 cho đến 1996, nhạc sĩ Anh Việt đă thực hiện được một cuốn sách Nhạc Thiền mang tên "Những giọt không" và hai cuốn CD Nhạc thiền với nhan đề: "Hoa mặt trời" và "Trường ca Avril", tổng cộng khoảng gần 100 tác phẩm.


“Bến Cũ” vừa mang ý nghĩa một cuộc chia tay kỷ niệm bên bến sông vắng giữa một trai ra đi vì nợ nước, vừa mang ý nghĩa một Hòn Vọng Phu thế kỷ 20.



Kính mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm ý nghĩa này qua phần trình bày nhạc bản và hình ảnh minh họa 4K của Trần Ngọc.