Sunday, 27 July 2014

Từ Geneve 1954 đến giàn khoan HD 981 - Phạm Trần

VRNs (25.07.2014) – Washington DC, USA – 60 năm sau ngày Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (CSVN) đồng ý chia đôi Việt Nam tại Hội nghị Geneve 1954 theo kế họach của Liên bang Xô Viết và Trung Cộng để tiếp tục cuộc chiến 20 năm nồi da xáo thịt Bắc-Nam đang chứng minh là một thảm kịch lịch sử của nhân dân Việt Nam.
Bằng chứng này đã phản ảnh nhan nhản trong các bài viết về kỷ niệm Hội nghị Geneve 1954 (20.07.1954 – 20.07.2014) của phía Nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN).
Trong văn kiện Đảng CSVN toàn tập của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2001 thì miền Bắc thời Hồ Chí Minh đã có chủ trương đánh phá miền Nam (VNCH) ngay sau khi ký khi Hiệp định 1954. Tài liệu viết: “Với thắng lợi này, cách mạng Việt Nam cũng như sự phát triển của dân tộc Việt Nam đã bước sang một thời kỳ mới – thời kỳ ra sức phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc”.
140724004
Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng CSVN cũng xác nhận việc miền Bắc bằng lòng chia cắt Việt Nam chỉ để chuẩn bị đánh chiếm VNCH sau này. Ông nói: “Mốc quan trọng nữa là miền Bắc nước ta từ Lạng Sơn đến vĩ tuyến 17 được giải phóng, có thời gian hòa bình nhất định để xây dựng đất nước, trở thành tiền tuyến lớn của cuộc đấu tranh không thể tránh khỏi sau này để chống Mỹ cứu nước. Nếu mà không có hậu phương miền Bắc thì cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sẽ khó khăn hơn rất nhiều” (Phỏng vấn của đài Tiếng nói Việt Nam (Voice of Viet Nam, VOV, 17.07.2014).
Nhà nghiên cứu lịch sử ngọai giao của CSVN, ông Nguyễn Khắc Huỳnh, cũng bảo: “Với hiệp định Giơ-ne-vơ, Pháp và các nước công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, rút hết lực lượng quân sự Pháp. Việt Nam có miền bắc từ sông Bến Hải (Quảng Trị) trở ra để xây dựng và làm cơ sở đấu tranh giải phóng miền nam. Bản Hiệp định Giơ-ne-vơ là cơ sở pháp lý vững vàng để ta tiếp tục đấu tranh chống Mỹ sau này. Đó là thắng lợi của nhân dân ta qua chín năm chiến đấu hy sinh”(Báo Nhân Dân, 20.07.2014).
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao ngay sau Hiệp định Geneve miền Bắc đã vội xin Liên Xô và Trung Cộng cung cấp vũ khí, đạn dược và lương thực để phát động cuộc chiến phá họai nếp sống hòa bình của nhân dân miền Nam (VNCH), nhưng cho ai và vì cái gì?
Cả sông máu và núi xương của hàng triệu người dân hai miền Bắc-Nam đã bị hoang phí trong suốt 20 năm nội chiến chỉ cốt để thỏa mãn tham vọng được độc quyền cai trị đất nước của đảng Cộng sản.
Lịch sử cũng đã chứng minh sự cuồng tín vào chủ nghĩa Cộng sản sẽ bá chủ tòan cầu, đã sụp đổ ở nơi nó ra đời là nước Nga năm 1991 nhưng vẫn còn được coi là “kim chỉ nam cho đảng CSVN hoang tưởng để xây dựng đất nước”, đang bị phủ nhận mỗi ngày trong qủang đại quần chúng Việt Nam.
Cũng đã rõ như trắng với đen là kể từ ngày có Hiệp định Gevene 1954, chưa bao giờ miền Nam chủ trương đem quân ra “giải phóng nhân dân miền Bắc khỏi gông cùm Cộng sản”.
Ngược lại, đảng Lao động Việt Nam, khi ấy vừa mới hòan hồn sau cơn ác mộng Cải cách Ruộng đất và nhân dân miền Bắc mới được sống hòa bình sau 9 năm chinh chiến, đã “dựng đứng” lên chuyện phải “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai” để tiến hành chiến tranh, theo xúi bẩy của hai quan thầy Nga-Tầu.

NGHỊ QUYẾT DỐI TRÁ
Sự lừa bịp nhân dân của ông Hồ Chí Minh và đảng Lao động Việt Nam lúc đó (sau đổi thành Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội đảng IV năm 1976) được thể hiện qua Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III ngày 10-9-1960 về nhiệm vụ và đường lối của Đảng trong giai đoạn mới.
Nghị quyết viết: “Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại có hai nhiệm vụ chiến lược:
Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước….
“….Vì vậy, tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc tiến hành trong khi ở miền Nam phải ra sức tập hợp mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, mở rộng và củng cố khối đoàn kết dân tộc, cô lập đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng, thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh củng cố hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy phương châm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là: xây dựng miền Bắc, chiếu cố miền Nam”.
Chính sách “chiếu cố miền Nam” bằng cuộc “đánh lừa nhân dân vĩ đại” của ông Hồ và đảng CSVN đã làm hao tốn xương máu của hàng triệu thanh niên, thiếu nữ tuấn tú miền Bắc và giết hại nhiều triệu người dân miền Nam trong cuộc nội chiến suốt 20 năm chỉ để chuốc lấy hận thù, chia rẽ và tuyệt vọng của nhân dân hai miền với chế độ từ sau ngày thống nhất 1976.
Vì vậy ở Việt Nam đã có nhiều Nhà Trí thức và cựu đảng viên cao cấp đã công khai đặt vấn đề “viết lại lịch sử ” để làm sáng tỏ “công-tội” của đảng CSVN và ông Hồ Chí Minh trong hai cuộc chiến (1930-1954 và 1954-1975).
Cũng như đinh đóng cột là mãi đến sau ngày 30.04.1975, khi miền Nam trù phú rơi vào tay quân Cộng sản miền Bắc nghèo đói thì bộ đội và nhân dân miền Bắc mới vỡ lẽ ra họ “bị mắc lừa” bởi chiêu bài “giải phóng”.
Thảm họa này đã xác nhận bởi Nghị quyết 10.09.1960: “Trong sự nghiệp hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, đồng bào ta ở miền Nam có nhiệm vụ trực tiếp đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng để giải phóng miền Nam. Cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào miền Nam còn có tác dụng ngǎn chặn âm mưu của Mỹ – Diệm gây lại chiến tranh, tích cực góp phần giữ gìn hòa bình ở Đông Dương, Đông – Nam á và thế giới”.
Tuyên truyền này đã phản bội thực tế khi hai chính phủ Mỹ và VNCH không “gây lại chiến tranh” mà chiến tranh đã do miền Bắc chủ động theo xúi bẩy của Nga và Trung Cộng để rơi vào cạm bẫy “dùng người Việt giết người Việt” cho hai miền Nam-Bắc kiệt quệ và mãi mãi lệ thuộc vào nước lớn như Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa đã bị Chu Ân Lai “bảo sao nghe vậy” tại Hội nghị Geneve 1954.
Sự ràng buộc vào Trung Cộng từ “ý thức hệ” đến “miếng cơm manh áo” của Hà Nội đã khiến Tổng Bí thư đảng “của lực lượng CCSVN đánh thuê” Lê Duẩn phải thú nhận: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánhcho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta”.
(Theo Tác gỉa Vũ Thư Hiên của Đêm giữa ban ngày, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1997)
Giờ đây, 54 năm sau, những gì Nghị quyết của Đại Hội đảng III đề ra để đẩy dân vào chỗ chết vô ích đều đã được chứng minh.
Những chủ trương như:“Tǎng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tǎng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông – Nam á và thế giới” đã tan ra mầy khói.
Việt Nam ngày nay, dưới quyền cai trị độc tài, độc đảng của CSVN đã lệ thuộc quân sự-quốc phòng vào nước Nga và kinh tế-chính trị-ngọai giao vào Trung Cộng.

TRUNG CỘNG NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ
Đối với Trung Cộng tuy miệng nói “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, nhưng cũng đã dậy cho đảng CSVN nhiều bài học cay đắng, bắt đầu từ Hội nghị Geneve 1954.
Các tài liệu của phiá Hà Nội đã chứng minh Phái đòan VNDCCH do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Văn Đồng cầm đầu không được độc lập ở Geneve . Mọi chuyện đều do Trưởng đòan Trung Cộng Chu Ân Lai quyết định. Mọi liên lạc của VNDCCH đều phải qua hai Phái đòan Trung Cộng và Liên bang Xô Viết.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Khoan thì: “Trung Quốc đóng vai trò lớn. Bằng chứng là tháng 8-2008, Nhà xuất bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản cuốn Chu Ân Lai và Hội nghị Genève của tác giả Tiền Giang công bố rất nhiều tư liệu mới, trong đó tác giả đã trích đăng bức điện ngày 2-3-1954 của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi Trung ương Đảng ta đề nghị: “Nếu muốn đình chiến, tốt nhất nên có một giới tuyến tương đối cố định, có thể bảo đảm được một khu vực tương đối hoàn chỉnh. Trên thực tế, giới tuyến đình chiến hôm nay có thể trở thành ranh giới chia cắt trong ngày mai… Đường giới tuyến này càng xuống phía Nam càng tốt. Có thể tham khảo vĩ tuyến 16 độ bắc” (tư liệu này còn được trích dẫn trong cuốn Cuộc đời Chu Ân Lai do Nhà xuất bản Nhân Dân Trung Quốc xuất bản năm 1997).
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đàm phán, phía ta từng đưa ra các phương án về khu vực đình chiến và tập kết quân như giới tuyến tạm thời chạy theo vĩ tuyến 13 (khoảng tỉnh Phú Yên) hoặc vĩ tuyến 14 (khoảng Bình Định). Lúc đầu, Trung Quốc đưa ra vĩ tuyến 16 như trên đã nói (khoảng dưới Đà Nẵng) nhưng cuối cùng đã lấy vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) làm giới tuyến.” (Đài Phát thanh Quốc gia (Voice of Vietnam, VOV, 17.07.2014)
“Nhà thơ Việt Phương, thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng kể:
“Khi bàn thảo về Hiệp định Geneva, Bộ Chính trị của ta chỉ đồng ý lấy vĩ tuyến 16 là ranh giới cuối cùng của khu phi quân sự tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc trong thời gian chờ tổng tuyển cử. Nhưng Trung Quốc với sự ảnh hưởng của mình, đã khăng khăng ép ta phải đồng ý chọn vĩ tuyến 17. Khi chúng ta bàn bạc vấn đề này với Trung Quốc, họ đã nói: “Chúng tôi là tướng ngoài mặt trận. Các đồng chí hãy để cho chúng tôi tùy cơ ứng biến”. Khi nói như thế, người Trung Quốc đã tự cho mình quyền định đoạt số phận của người Việt Nam”.
Ông Việt Phương kể tiếp: “Thời điểm đó, ta đã kiểm soát phần lớn vùng Nam bộ, ngoại trừ một vài đô thị nhỏ. Ở miền Bắc, ta chiến thắng vang lừng ở Điện Biên. Nhưng Trung Quốc đã bắt ta phải ký một hiệp định chia cắt đất nước – một hành động mà sau này như nhiều người nói: “người anh lớn” đã phản bội lại “người em” của mình.
Năm 1972, trong một cuộc trò chuyện với Chu Ân Lai, nhắc lại về Hiệp định Geneva, ông Lê Duẩn đã không ngần ngại lên án: “Năm đó, người Trung Quốc các anh đã bán đứng chúng tôi trên bàn đàm phán”.
Vẫn theo ông Việt Phương, ông Lê Duẩn là người luôn luôn cảnh giác sự xen lấn và áp lực của Trung Cộng, do đó, đã có lần ông bảo: “Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc”
(Theo Báo Một Thế Giới, 08-07-2014)
Lập trường của Pháp khi ấy muốn chia đôi Việt Nam ở Vỹ tuyến 18 (khỏang Đồng Hới, tỉnh Qủang Bình) nhưng rồi cũng đồng ý dung hòa với Chu Ân Lai ở vỹ tuyến 17.
Chuyên gia ngọai giao Nguyễn Khắc Hùynh còn tiết lộ: “… Trung Quốc đến Giơ-ne-vơ với mục tiêu chính là an ninh của Trung Quốc và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Cụ thể là: tranh thủ có hòa bình, đẩy Mỹ xa Đông Dương, làm suy yếu và chia cắt Việt Nam, xóa ảnh hưởng của Việt Nam ở Lào, Cam-pu-chia, phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc ở hai nước đó và ở Nam Việt Nam, mở rộng quan hệ với các nước phương Tây, nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc.
Trong chín bên tham gia hội nghị, chỉ có Việt Nam là bên tham chiến kiên trì lợi ích dân tộc cho nên Trung Quốc liên tục lôi kéo, o ép, hù dọa, thậm chí dùng “đòn ngầm” với Việt Nam để đạt mục tiêu của Trung Quốc. Nắm được chỗ yếu của Pháp, Trung Quốc trở thành bên đối thoại chính với Pháp. Trung Quốc không ủng hộ Việt Nam trên bất cứ vấn đề nào. Đến phút chót, Liên Xô, Trung Quốc ép Việt Nam chấp nhận giới tuyến sông Bến Hải.
Vấn đề lớn thứ hai là thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Ta muốn có tổng tuyển cử sớm (sau sáu tháng), nhưng Chu Ân Lai đề nghị tổng tuyển cử vào năm 1956 và thời gian cụ thể do nhà đương cục hai vùng quyết định. Như vậy là trên thực tế đã giao quyền quyết định thời gian tuyển cử cho chính quyền Bảo Đại và Pháp là bên đàm phán chính đang quản lý miền nam không còn trách nhiệm gì.
Với cả ba vấn đề chủ yếu và nổi cộm nhất của giải pháp lập lại hòa bình cho Đông Dương là vấn đề giới tuyến phân vùng, vấn đề tổng tuyển cử và vấn đề Lào – Cam-pu-chia, đoàn Việt Nam đều rất khó khăn và hầu như không bảo vệ được các yêu cầu cơ bản”.
Trớ trêu thay, tình trạng “bị động” của phái đòan Phạm Văn Đồng ở Genev 1954, như tiết lộ của Nhà thơ Việt Phương, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và ông Nguyễn Khắc Huỳnh đã được “hóa trang” để tuyên truyền sai lạc bởi Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trong bài “Hiệp định Geneva: Thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam” (14-07-2014).
Bài viết khoe rằng:“Trong bối cảnh Hội nghị Geneva được tổ chức theo sáng kiến của các nước và chịu sự tác động các nước lớn với những mục tiêu và lợi ích khác nhau, song chúng ta vẫn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ thể hiện trong việc xác định mục tiêu, nguyên tắc đàm phán, nhưng linh hoạt về sách lược và bước đi.”
Với kinh nghiệm Chu Ân Lai coi thường Việt Nam tại Hội nghị Geneve ngày ấy, chuyên gia Nguyễn Khắc Hùynh cảnh giác: “Một bài học quan trọng từ Giơ-ne-vơ, vận dụng vào thời cuộc hiện nay và cả về sau là ta phải luôn hiểu chiến lược, tính toán của các nước lớn. Đặc biệt, cần làm rõ âm mưu lâu dài của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Nay Trung Quốc đang dùng giàn khoan để bành trướng, điều này cho thấy rõ rằng công cuộc xâm lấn Biển Đông đã được Trung Quốc trù liệu từ lâu, nay bước sang giai đoạn triển khai mới mạnh mẽ, hung hăng, quyết liệt hơn, bất chấp đạo lý, pháp lý và dư luận. Vì vậy khái quát bài học này là phải hiểu kỹ Trung Quốc qua các tính toán và hành động cụ thể”.
Bây giờ gìan khoan Hải Dương 981 đã rút khỏi vùng biển của Việt Nam từ ngày 15.7 sau khi đã đến đó thăm dò dầu khí hôm 02.05.2014.
Gìan khoan chỉ rút về đảo Hải Nam của Trung Cộng khi bị bão Thần Sấm (Rammasun) ập đến cắt ngắn kế họach thăm dò đến 30 ngày, nhưng phiá Trung Cộng nói dàn khoan đã hòan tất kê họach tìm thấy dầu tại 2 giếng.
Tuy nhiên Bắc Kinh không cho biết số lượng dự trữ là bao nhiêu và liệu giàn khoan HD 981 có quay trở lại Biển Đông hay không. Pháp ngôn viên Hoa Xuân Oánh từng nói Trung Cộng sẽ tiếp tục gửi các gìan khoan khác đến Biển Đông mà bà Hoa gọi là “Biển Trung Hoa” để thăm dò dầu khí.
Trong suốt thời gian hoạt động của gìan khoan, Trung Cộng đã bác bỏ phản đối của Việt Nam trong 30 cuộc gặp gỡ và lực lượng hải quân, không quân và dân sự của Bắc Kinh đã khống chế lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và các tầu cá của Việt Nam.
Các bài học khắc nghiệt khác mà Trung Cộng đã dành cho CSVN từ khi hai nước tái lập quan hệ ngọai giao năm 1990 gồm có:
Không thảo luận với Việt Nam về ai có chủ quyền ở quần đảo Hòang Sa sau khi Bắc Kinh đem quân chiếm tòan bộ từ tay quân lực Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.
Đã đem từ 400 đến 600 ngàn quân, chiến xa, trọng pháo và máy bay tấn cống vào 6 tỉnh Việt Nam dọc biên giới năm 1979 mà Đặng Tiều Bình, lãnh tụ Trung Cộng khi ấy gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học.”
Yểm trợ quân Khmer đỏ mở cuộc tấn công qua biên giới Việt Nam ở vùng Tây – Nam từ năm 1975 đến 1978.
Đem 30,000 quân đánh chiếm nhiều vị trí của Việt Nam ở Huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang) từ 1984 đến 1989, quan trọng nhất là điểm cao 1509 (tức Núi Đất) mà Trung Cộng gọi là núi Lão Sơn.
Đem quân chiếm 8 đảo và đá ngầm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa tháng 03.1988.
Tuy vậy, Lãnh đạo đảng CSVN từ thời Lê Duẩn (1960-1986) đến Nguyễn Phú Trọng (từ tháng 01.2011), xuyến suốt xen qua các “triều đại” Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đừc Mạnh đã không có hành động nào cụ thể để bảo vệ đất nước không bị lệ thuộc vào Trung Cộng.
Giờ đây, dù Việt Nam không còn chiến tranh nhưng sự vẹn tòan lãnh thổ và biển đảo luôn luôn bị Trung Cộng đe dọa đánh chiếm nếu Bắc Kinh muốn.
Trung Cộng cũng đã kiểm soát nền kinh tế của Việt Nam, luôn luôn kìm hãm Việt Nam trong qũy đạo của Bắc Kinh trong các lĩnh vực chính trị và ngọai giao, và quan trọng hơn, đã nắm được một số đầu não quan trọng trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN.
Như vậy, nếu áp lực của Trung Cộng tại Hội nghị Geneve chỉ có một thì giờ đây áp lực ấy đã tăng lên gấp trăm lần hơn vì “con cá Việt Nam” đã bị Bắc Kinh “bỏ lên chiếc thớt made in China”.

CỤ TRẦN VĂN ĐỖ
Cũng chính vì hiểu được thân phận của một nước nhỏ nhưng có bản lĩnh vững vàng mà Phái đòan Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Trưởng đòan Ngọai trưởng Trần Văn Đỗ (thay ông Nguyễn Quốc Định) đã từ chối ký vào Hiệp định để phản đối quyết định chia đôi Việt Nam của các cường quốc. Cụ Đỗ cho rằng những điểm thỏa hiệp đã đẩy Việt Nam vào tình thế nguy hiểm và vì Pháp tự ý quyết định mọi việc.
Cụ đã đưa ra Tuyên bố tại Geneve: “Việc ký hiệp định giữa Pháp và Việt Minh có những điều khoản gây nguy hại nặng nề cho tương lai chính trị của Quốc gia Việt Nam. Hiệp định đã nhường cho Việt Minh những vùng mà quân đội quốc gia còn đóng quân và tước mất của (Quốc gia) Việt Nam quyền tổ chức phòng thủ. Bộ Tư lệnh Pháp đã tự ấn định ngày tổ chức tuyển cử mà không có sự thỏa thuận với phái đoàn quốc gia Việt Nam… chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở“.
Bản văn phản kháng và đề nghị của Cụ Trần Văn Đỗ không được Hội nghị bàn tới vì vậycụ đã bực bội khi nói với báo chí “Từ khi đến Genève, phái đoàn không bao giờ được Pháp hỏi về ý kiến về điều kiện đình chiến, đường phân ranh và thời hạn Tổng tuyển cử. Tất cả nhưng vấn đề đó đều được thảo luận ngoài Hội nghị, thành ra phái đoàn Việt Nam không làm thế nào bầy tỏ được quan niệm của mình”.
Bây giờ cụ Trần Văn Đỗ, Nhà ngọai giao kiên cường của VNCH không còn nữa nhưng khí phách của Cụ tại Geneve sẽ mãi mãi tồn tại với lịch sử vì ngày ấy, Cụ đã không để cho Trung Cộng và Xô Viết lừa đảo và áp chế như lịch sử đã chứng minh.
Phạm Trần