Những áp lực của phương Tây được mô tả là đang dồn nhà lãnh đạo Nga “vào chân tường” với vô vàn khó khăn cả về đối nội và đối ngoại.
Truyền thông phương Tây và các nhà lãnh đạo của họ đang thực hiện đòn tấn công “tổng lực” nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đã có nhiều ý kiến cho rằng nhà lãnh đạo nước Nga đang bị “dồn vào chân tường” và một phản ứng kháng cự sẽ là tất yếu.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang là cái cớ để phương Tây gia tăng sức ép lên Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhất là sau khi lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine bị cáo buộc bắn rơi máy bay chở khách MH17 của Hãng hàng không Malaysia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Ngay sau thảm kịch khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc Boeing 777 thiệt mạng, các nhà lãnh đạo thế giới đã liên tục chỉ trích lực lượng nổi dậy ở Ukraine và đòi Nga phải yêu cầu lực lượng này giải thích.
Những ngôn từ nặng nề của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được đăng tải rộng khắp.
Thủ tướng Mark Rutte của Hà Lan, nước có nhiều công dân thiệt mạng nhất trong thảm họa này, thậm chí đã tuyên bố ông Putin phải chịu trách nhiệm vì liên quan tới lực lượng phiến quân, và yêu cầu nhà lãnh đạo nga phải cho Hà Lan và thế giới thấy “ông sẽ làm những gì mà người ta trông đợi”.
Phát biểu cứng rắn tương tự được đăng tải là của Thủ tướng Australia Tony Abbott, Thủ tướng Anh David Cameron với lời kêu gọi châu Âu áp đặt “các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ”, và so sánh “sự gây hấn của Nga” ở Ukraine với hành động của Đức Quốc xã.
Cùng với những tuyên bố bằng lời, phương Tây cũng cho thấy họ đang từng bước siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga. Ngay cả giới phân tích trong nước cũng đánh giá “ông Putin hiện đang ở tình thế khó khăn nhất kể từ khi lên nắm quyền. Điều này không chỉ đúng với chính sách ngoại giao mà còn ảnh hưởng tới chính sách đối nội của Moskva”.
Một tay súng ly khai ở Donetsk tại hiện trường máy bay MH17 rơi |
Nhà nghiên cứu Fyodor Lukyanov của Nga nói: “Một số nhà quan sát cho rằng mối đe dọa từ những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn từ phương Tây có thể trở thành chất xúc tác làm sụp đổ hệ thống chính trị cân bằng mà nhờ nó ông Putin đã "thống trị" đất nước này hơn 14 năm qua”.
Nguồn vốn nước ngoài dành cho các ngân hàng và công ty Nga cũng trở nên khan hiếm hơn do lo ngại các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn từ phương Tây, vốn đang kìm hãm nền kinh tế èo uột của nước này.
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Nga dự báo sẽ giảm xuống dưới 1% trong năm nay và thậm chí xuống dưới 0% nếu phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt.
Thậm chí, giới phân tích còn chỉ ra những mâu thuẫn nội bộ mà ông Putin đang phải đối mặt. Điển hình nhất là trường hợp hãng thông tấn nhà nước Itar-Tass của Nga mới đây đã cho đăng tải phát biểu của ông Alexei Kudrin, cựu Bộ trưởng Tài chính và là một trong những cố vấn kinh tế tin cậy nhất của Tổng thống Putin.
Hôm 22/7, ông này đã bất ngờ lên tiếng chỉ trích sự bất hòa giữa nhà lãnh đạo Nga với phương Tây. Ông Kudrin cảnh báo rằng chính sách "tự cô lập" mà một vài cố vấn của ông Putin theo đuổi đang đi ngược lại lợi ích kinh tế của Moskva.
Trả lời phỏng vấn Itar-Tass, ông Kudrin nói: "Chúng ta lại trở thành kẻ thù của phương Tây. Có những người ở trong nước từ lâu đã muốn bị cô lập, tự cung tự cấp. Giờ đây, điều này đang có điều kiện để phát triển. Các doanh nghiệp muốn đầu tư, xây dựng nhà máy, thúc đẩy thương mại, song hiện giờ họ rất lo ngại về những điều họ nghe trên đài phát thanh và trên truyền hình".
Phương Tây đang gia tăng sức ép lên ông Putin sau vụ MH17 |
Truyền thông phương Tây hồi đầu tháng này cũng cho đăng tải kết quả một công trình nghiên cứu ở Mỹ khẳng định, nước Nga và Vladimir Putin ngày càng bị ác cảm, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ, do Moscow dính líu tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã tiến hành thăm dò 48.643 người sống ở 44 quốc gia, từ ngày 17/3 đến 5/6. Kết quả cho thấy hình ảnh của nước Nga đã bị xấu đi trong vòng một năm, với tỉ lệ trung bình 43% người chống đối so với 34% người ủng hộ.
Tỷ lệ có “ác cảm” với nước Nga và ông Putin tại Mỹ tăng tới 29%. Tại Ba Lan, Anh, Tây Ban Nha, Đức và Italy, tỉ lệ không tán thành tăng ở mức hai con số.
Trong khi đó, tại Pháp số người phản đối dù tăng ở mức một con số là có 9%, nhưng cái nhìn của người Pháp về nước Nga năm 2013 là tệ hại nhất trong số tất cả các nước châu Âu được thăm dò, từ 64% “ác cảm” nay lên 73%.
Đặc biệt, tại Ukraine, cứ 10 người Ukraine thì có đến 6 người ghét Nga, so với tỉ lệ cách đây ba năm là chỉ có 1 người không ưa Moscow. Con số này thay đổi theo từng vùng đất nước. Dư luận ác cảm với Nga nhất là ở miền Tây (83%) so với miền Đông nói tiếng Nga là 45%. Ở đây cũng có một điều đáng nói là tỷ lệ “ghét” Nga ở Crimea chỉ có 4%.
Rõ ràng, phương Tây đang phần nào thành công với chiến dịch hạ thấp uy tín của nhà lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, giới phân tích cũng đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả một khi ông Putin bị “dồn vào chân tường”.
Tiến sĩ Andrew C. Kuchins, Giám đốc và là nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Chương trình Nga và Âu-Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, khẳng định rằng không có bằng chứng nào cho thấy các biện pháp trừng phạt sẽ thay đổi cách hành xử của Nga. Thay vào đó, chúng sẽ chỉ khuyến khích ông Putin và người Nga giữ nguyên quan điểm của họ.
Giáo sư Mark Beeson thuộc Đại học Murdoch cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng “điều quan trọng là hạ nhiệt những cái đầu nóng, đặc biệt là những người có khả năng đưa ra quyết định gây hậu quả”.
Chuyên gia Mark Almond cũng khẳng định trên Mail Online rằng: “Phương Tây cần tránh đẩy Nga vào chân tường”.
Ngô Nhân Dụng - Putin tự hại
Ngô Nhân Dụng - Putin tự hại
Tổng Thống Nga Vladimir V. Putin |
Tổng Thống Nga Vladimir V. Putin đang lâm vào thế bí sau khi chiếc máy bay MH-17 của Hàng Không Mã Lai bị bắn hạ, làm chết 298 người.
Cả thế giới công nhận một hỏa tiễn SA-11 của Nga đã bắn rớt chiếc phi cơ này, từ vùng đất do quân phiến loạn kiểm soát, do ông Putin tiếp tế vũ khí và đưa biệt kích Nga sang chỉ huy. Nhưng ông Putin vẫn chối; trâng tráo nhất là các đài ti vi Nga đổ tội cho chính phủ Ukraine, với cơ quan tình báo Mỹ CIA đứng sau lưng. Nhưng quân đội Ukraine chưa bao giờ dùng đến loại hỏa tiễn từ dưới đất bắn lên (địa không) trong các cuộc tiễu trừ phiến loạn, giản dị vì quân nổi loạn chưa bao giờ có máy bay. Quân đội Nga hay Ukraine đều có khả năng xác định một chiếc máy bay trên cao 10,000 mét là phi cơ quân sự hoặc dân sự, quân phiến loạn thì không có dụng cụ kỹ thuật và được huấn luyện, cho nên mới họ lầm chiếc Boeing 777 là phi cơ chiến đấu. Nhưng họ cũng không có chuyên viên để điều khiển việc phóng chiếc hỏa tiễn “tầm nhiệt” SA-11 này. Phải có các chuyên viên trong quân đội Nga tham dự trong tội ác.
Vladimir Putin vẫn tìm cách chối tội. Hai tướng lãnh người Nga vẫn còn lên tiếng đổ tội cho quân đội Ukraine, đòi hỏi chính phủ Mỹ phải trưng ra bằng cớ là quân phiến loạn đã phóng chiếc hỏa tiễn. Ông Putin còn một cách chối tội khác, là mô tả chiếc hỏa tiễn đó là do quân phiến loạn cướp được từ kho vũ khí của quân đội Ukraine, mà việc đó có thể xẩy ra. Nhưng các hỏa tiễn chứa trong kho thường không đầy đủ, đặc biệt là còn thiếu các đầu đạn chứa chất nổ và bộ phận kích hỏa. Vì vậy, câu chuyện dính tới cả chính quyền cộng sản Việt Nam. Cảnh sát quốc tế mới ngăn chặn được một kiện hàng chứa các bộ phận của hỏa tiễn SA-11, xuất phát từ Việt Nam trên đường chuyển tới Ukraine. Có thể chính quyền Nga đã yêu cầu cộng sản Việt Nam trả lại một số bộ phận viện trợ trong thời chiến tranh, và ra lệnh gửi thẳng sang miền Ðông Ukraine, nơi phiến quân kiểm soát để tránh tiếng cho Nga.
Vladimir Putin đang tự đưa đầu vào chiếc thòng lọng mà ông ta tính dùng để treo cổ nền độc lập và chế độ tự do dân chủ tại Ukraine. Putin đã mù quáng vì tham vọng tái lập một đế quốc Nga, giống như từ thời các Nga hoàng và thời chế độ cộng sản. Năm 1994, Putin đã nói về nỗi ẩn ức của mình tại một hội nghị quốc tế ở St. Petersburg; khi đó ông ta mới chỉ là phụ tá cho vị thị trưởng thành phố này. Putin nói rằng lãnh thổ Nga đã bị xé mất quá nhiều đất đai sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Ông ta kể đến vùng Crimea, đến miền Bắc Kazakhstan, và những vùng khác như chung quanh Kaliningrad ở bờ biển Baltic. Ông nói rằng chính phủ Nga không thể “bỏ rơi” 25 triệu người nói tiếng Nga sống ở nước ngoài; và kêu gọi thế giới phải tôn trọng quyền của nước Nga phải bảo vệ “đại dân tộc Nga” (russkiy mir). Với luận điệu như thế, chính quyền cộng sản Bắc Kinh có thể cũng đòi “bảo vệ” các người gốc Trung Hoa ở khắp vùng Ðông Nam Á, kể cả Singapore!
Năm 1999, Putin lên làm thủ tướng, rồi trở thành tổng thống Nga trong hai nhiệm kỳ. Sau mấy năm đóng vai thủ tướng, ông ta trở lại làm tổng thống, với triển vọng thêm hai nhiệm kỳ bẩy năm nữa. Trong hai nhiệm kỳ đầu, Putin đã đóng vai trò một chính khách sẵn sàng cộng tác với thế giới bên ngoài. Năm 2001, Tổng Thống Mỹ George W. Bush sau khi gặp Putin đã tuyên bố, “có thể nhìn thẳng vào mặt nhau được,” ý nói có thể tin tưởng Putin không có tham vọng đế quốc. Trước khi đắc cử làm tổng thống lần thứ hai, Putin đã bắt đầu thực hiện tham vọng đó, với cuộc xâm lăng Georgia. Nhưng đến năm 2013, kế hoạch bành trướng của Putin mới lộ rõ, sau khi không thể ngăn cản nước Ukraine tiến đến gần với Liên Hiệp Châu Âu (EU) qua một hiệp ước hợp tác thương mại. Putin đã gây rối loạn rồi sát nhập vùng Crimea; và nay đang gây loạn ở hai tỉnh miền Ðông, sát biên giới Nga.
Phản ứng của các nước dân chủ Tây Phương rất dè dặt trước các hành động của Putin. Dân Mỹ không ai chấp nhận đưa quân đến cứu nước Ukraine, cũng như trước đây không cứu Georgia. Vũ khí duy nhất để ngăn cản Putin là phong tỏa kinh tế, nhưng kinh tế các nước Âu Châu đều bị ràng buộc quá chặt chẽ với Nga. Một phần ba số khí đốt và dầu lửa dùng ở Châu Âu được nhập cảng từ Nga; trong quá khứ Putin đã dọa cắt nguồn tiếp tế này. Chính phủ Mỹ không thể đơn phương phong tỏa kinh tế Nga, vì sẽ thất bại nếu các nước Châu Âu không hợp tác.
Vladimir Putin đã thực hiện một kế hoạch “tầm ăn dâu” đối với Ukraine. Sau khi nuốt được Crimea, Nga đã xúi giục những người gốc Nga ở miền Ðông Ukraine nổi lên đòi quyền tự trị, tuyên bố thành lập cả một “nước Cộng Hòa Nhân Dân” mới. Trong khi đó, Putin dùng thủ đoạn vuốt ve bên ngoài, và tuyên bố cộng tác với các nước khác để giữ “hòa bình, ổn định” trong xứ Ukraine. Chỉ có chính phủ Mỹ tiếp tục dùng các biện pháp cứng rắn, khi đơn phương ra lệnh phong tỏa hai công ty năng lượng lớn nhất của Nga và mấy ngân hàng quan trọng. Hành động “trừng phạt” này diễn ra một ngày trước khi xẩy ra vụ bắn hạ chiếc máy bay MH-17; với viễn tượng các nước Châu Âu vẫn chưa chịu hợp tác.
Nhưng vụ MH-17 đã thay đổi tình thế. Phản ứng của cả thế giới là phẫn nộ, không những vì cảnh gần 300 thường dân vô tội bị thảm sát, mà còn vì thái độ trâng tráo của chính quyền Vladimir Putin.
Bà Thủ Tướng Ðức Angela Merkel, Thủ Tướng Anh David Cameron và Tổng Thống Pháp Francois Hollande đã nói chuyện với nhau vào cuối tuần qua, đồng ý rằng chính sách trong vụ Ukraine phải thay đổi; trong cuộc họp của ngoại trưởng các nước bắt đầu ngày hôm qua, Thứ Ba, 21 Tháng Bảy. Hòa Lan là một nước Âu Châu vẫn chủ trương dè dặt đối với Nga trong vụ này; nhưng chính phủ Hòa Lan đang bị áp lực từ dân chúng phải thay đổi, sau khi gần 200 công dân nước họ chết oan. Âu Châu sẽ phải chấp nhận thiếu thốn khí đốt trong mùa Ðông năm tới, để cho ông Putin một bài học. Một cuộc nghiên cứu của hãng dầu Total, Pháp, cho thấy Âu Châu có thể chịu đựng được một mùa Ðông nữa, dù Nga cắt đứt hơi đốt. nhưng các nước Bulgaria, Romania, Hungary and Slovakia sẽ gặp khó khăn nhất. Nước Ý cũng phụ thuộc vào nguồn hơi đốt của Nga nhưng có thể được bù đắp bằng nguồn khác, đến từ Bắc Phi và Trung Ðông.
Nếu cả Mỹ và Âu Châu cùng phong tỏa mạnh hơn, nền kinh tế Nga sẽ khốn đốn. Ngay từ tuần trước, hai thị trường chứng khoán đã mất 5% và 7% và đồng rúp của Nga đã xuống giá, sau khi chiếc máy bay MH-17 bị bắn hạ. Nhiều đại gia, tỷ phú đô la ở Nga đã than phiền rằng chính sách của ông Putin sẽ làm kinh tế Nga khánh kiệt. Chính ông Putin sẽ không thể quyết định cắt tất cả nguồn tiếp tế dầu, khí cho Âu Châu, kể cả đường dẫn qua Ukraine, vì nước Nga cũng đang cần ngoại tệ, như dân Châu Âu cần năng lượng. Một phần ba ngân sách chính phủ Nga tùy thuộc vào việc xuất cảng dầu khí. Vũ khí năng lượng của Nga chỉ có giá trị trong ngắn hạn, trong vài ba năm, vì nước Mỹ đang bắt đầu thặng dư dầu khí, sẽ trở thành một xứ xuất cảng nhiều hơn nhập cảng.
Ông Putin có thể đang chiếm lợi thế về quân sự tại miền Ðông Ukraine, nhưng trên các mặt trận ngoại giao, kinh tế, ông ta đang bị đẩy vào chân tường. Về lâu dài thì tham vọng bành trướng để tái lập một đế quốc Ðại Nga sẽ hoàn toàn thất bại. Khi kinh tế suy sụp thì những vận động phản kháng của người dân Nga sẽ bùng lên, chính ngai vàng của ông Putin cũng khó vững.