Thursday, 12 November 2015

CHIẾN LƯỢC BIỂN ĐÔNG CỦA CHỦ TỊCH TC TẬP CẬN BÌNH - Phạm Gia Đại

Sau chuyến đi 8 ngày của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Carter ghé qua Mã Lai và lên thăm Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) Roosevelt, hiện đang có mặt tại Biển Đông, cùng với Bộ Trưởng Quốc Phòng Mã Lai Hussein, ông Carter tuyên bố tình hình Biển Đông có nguy cơ nổ ra xung đột. Chiếc HKMH Roosevelt được lệnh rời Mã Lai đến Biển Đông ngoài khơi của Hoàng Sa ngay sau khi Trung Cộng (TC) cho máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm để phô trương lực lượng.
Trong mấy năm qua Bắc Kinh đã tuyên bố và mặc nhiên công nhận Hoàng Sa và Trường Sa (HS TS) và cả Biển Đông hình Lưỡi Bò chín đoạn là lãnh thổ và lãnh hải của TC. Chiến lược của Hoa Lục là dùng bạo lực để cưỡng chiếm Biển Đông và đặt các nước trong vùng cũng như Hoa Kỳ trước tình thế đã rồi, mặc dù Bắc Kinh đã không trưng ra được bằng chứng lịch sử nào HS và TS là của Tầu, và mặc dù Bắc Kinh đã bỏ ra một khoản tiền lớn để thuê nhiều sử gia trên thế giới đi tìm dùm Bắc Kinh nguồn gốc Tầu ở hai hòn đảo HS và TS đang tranh chấp này. 
Trong chiến lược thôn tính Biển Đông này, TC đã đổ bộ lên HS và TS, đập phá hết các di tích lịch sử của Việt Nam trên HS và TS, cho xây lên các lô cốt mới, các ngọn hải đăng, và bồi đắp các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo với cát sỏi đá từ lòng đại dương và cát từ VN chở ra. Các nhà đại dương học đã báo động rằng việc TC nạo vét đó sẽ gây phương hại nghiêm trọng đến sinh thái tại Biển Đông nhưng TC vẫn cứ tiến hành. Hoa Kỳ và nhiều nước đã cảnh cáo TC về hành động xây đảo nhân tạo là trái luật quốc tế và gây căng thẳng trong khu vực, nhưng Bắc Kinh vẫn tiến hành việc bồi đắp, dù rằng trong họp thượng đỉnh Mỹ-Hoa, Tập Cận Bình đã nói với TT Obama rằng các hòn đảo đã và đang được bồi đắp này là phi quân sự. Nhưng với các phi đạo dài trên 3 km tại HS và tại TS đủ sức cho các vận tải cơ lớn và các chiến đấu cơ mang hỏa tiễn liên lục địa có thể hạ cánh thì khó có thể biện minh các phi đạo này là dân dụng. Các vệ tinh của Mỹ đã chụp không ảnh rất rõ từng bãi đá ngầm này và TT Obama đã chấp thuận cho Khu Trục Hạm (KTH) USS Lassen vào vùng bãi đá ngầm Subi, vào sâu trong 12 hải lý để thám sát lần nữa, cũng để gióng tiếng chuông báo động cho TC biết rằng họ đã đi quá giới hạn của luật Hàng Hải Quốc Tế và Tập Cận Bình đã làm không đúng với lời ông nói với TT Obama trong cuộc họp 25 tháng 9 vừa qua. Việc KTH Lassen vào sâu trong 12 hải lý của bãi đá Subi thuộc TS là hoàn toàn đúng theo quy luật quốc tế vì những bãi đá ngầm này chỉ có lãnh hải là 500 mét, chứ không phải 12 hải lý như TC tuyên bố chủ quyền trái phép, và KTH USS Lassen trong vài tiếng đồng hồ thám sát, dù vào trong 12 hải lý, nhưng vẫn nằm trong vùng biển quốc tế. Tuy nhiên là một cường quốc bao giờ Hoa Kỳ cũng thận trọng tránh những va chạm không cần thiết, cho nên KTH USS Lassen khi vào sâu trong bãi đá Subi, hệ thống laser điều khiển các hỏa lực đã được tắt, và các trực thăng thám sát cũng không cất cánh. Chính vì thế mà TC không dám vọng động, và phải nuốt giận vì Mỹ đã theo đúng luật quốc tế. Đây là lần đầu tiên Washington đã xối gáo nước lạnh vào thẳng mặt của Bắc Kinh để nhắc TC rằng Biển Đông với tổng lưu lượng hàng hải qua Biển Đông/Thái Bình Dương hàng năm trên 5 nghìn tỷ USD là quyền lợi của toàn thế giới trong đó có Hoa Kỳ; và TC không thể đương nhiên tuyên bố chủ quyền trái phép được. Cũng cần biết rằng ngày 7-11-2009, hạm trưởng của KTH USS Lassen này chính là HQ Đại Tá Lê Bá Hùng đã ghé thăm cảng Đà Nẵng (lúc đó ông là HQ Trung Tá), và lý do Mỹ dùng KTH USS Lassen để vào sát đảo ngầm Subic vì đó là một trong những chiến hạm tối tân nhất của HQ Mỹ, vì chiếc USS này có nhiều kinh nghiệm nhất về Biển Đông và Thái Bình Dương, và có thể đối phó hữu hiệu với HQ Trung Cộng.
Âm mưu thôn tính Biển Đông của TC ngoài mục đích thâu tóm nguồn lợi vô tận của hải sản, khoáng sản, và các mỏ dầu khí, còn có mục tiêu tối hậu về quân sự để nắm giữ các vị trí chiến lược tại Biển Đông và Thái Bình Dương. Từ Hoa Lục, TC sẽ bước một bước là ra đảo Hải Nam, bước một bước nữa xuống HS, rồi xuống TS, và sẽ sử dụng các hòn đảo này như các địa điểm chiến lược nhòm ngó trực tiếp vào các nước Đông Nam Á; và dễ dàng không chế các nước này khi hữu sự. Tương tự như Nga đã xua quân qua xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine tháng 3 vừa qua bất chấp dư luận thế giới nhất là Châu Âu, ngõ hầu mở cửa cho Nga vào Hắc Hải, và dùng Crimea để không chế các nước trong vùng biển này như Romania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, và cả Ukraine nữa.
Các chuyến công du trong thời gian ngắn vừa qua của ông Tập Cận Bình đến Mỹ, rồi Anh Quốc, Việt Nam; sau đó là gặp gỡ TT Mã Anh Cửu của Đài Loan tại Singapore, ít nhiều đều liên quan đến thế chiến lược về Biển Đông của TC. Cuộc họp Mỹ-Trung giữa TT Obama và Tập Cận Bình đã tan vỡ khi Mỹ đưa ra ba vấn đề chính là Biển Đông, nhân quyền, và tin tặc thì ông Tập Cận Bình đã không trả lời thỏa đáng. Tình hình đã tồi tệ hơn vì ngay ngày hôm sau, 6 công ty lớn của Mỹ khám phá ra họ đã bị tin tặc và lần dấu vết là xuất phát từ Bắc Kinh. Việc ông Tập qua Anh Quốc để đổ tiền vào đầu tư trong số 30 tỷ bảng Anh, tạo công ăn việc làm cho 25 ngàn người Anh, và giúp cho hàng triệu gia đình Anh có thêm điện cũng chỉ để vớt vát lại thể diện của TC đã xuống thê thảm sau khi bốn thị trường chứng khoán suy sụp, đồng Nhân Dân Tệ tuột dốc, và chính trị đang thất thế và cô lập. Chuyến công du Việt Nam của ông Tập Cận Bình, theo như chủ tịch Quốc Hội CSVN nói thì Quốc Hội và nhân dân VN không mời. Và tuy đọc diễn văn tại Quốc Hội dài 10 phút hơn dự trù, ông Tập cũng không làm cho CSVN xích lại gần Bắc Kinh hơn; mà ông Nguyễn Phú Trọng còn nhắc TC về chủ quyền của VN tại HS và TS, và sự e ngại của VN về TC quân sự hóa các hải đảo đá ngầm. Theo các quan sát viên quốc tế, cả TC và CSVN tuy bề ngoài nói lời có vẻ thân thiện hai dân tộc có mối giao hảo từ ngàn xưa (?), nhưng bên trong là một bồ dao găm. Ngoài ra, CSVN cũng bất mãn trước việc TC xây hai đập thủy điện tại phía nam Lasa, Tây Tạng, và tại Lào, đã ngăn giòng nước của sông Mê Kông không xuống được Biển Hồ của Campuchia và Nam Việt Nam. Vì thế mà một hiện tượng kỳ lạ lần đầu tiên xẩy ra trong một thế kỷ nay tại Nam VN là mùa nước tại Đồng Tháp đã không ngập nước; và có nguy cơ nước biển sẽ tràn vào làm mặn sông Cửu Long. Một thất bại trong chuyến đi thăm VN lần này của Tập Cận Bình là ngay sau khi ông đọc diễn văn tại Quốc Hội CSVN thì Bộ Trưởng QP CSVN đã vội vã đến gặp Bộ Trưởng QP Nhật Bản để ký các hiệp ước về tương trợ, trong đó Nhật đang và sẽ chuyển giao các chiến hạm tối tân tuần dương cho CSVN, và việc quan trọng là soái hạm của hạm đội HQ Nhật đã vào cảng Cam Ranh, chuẩn bị cho việc Nhật sẽ lập một công xưởng HQ lớn nhất ĐNÁ nằm trong nỗ lực ngăn chặn hiểm họa tại Biển Đông do TC gây ra. Vừa rời VN, ông Tập vội ghé Singapore để hội đàm với TT Mã Anh Cửu với hy vọng mong manh rằng vị TT sắp mãn nhiệm và không được lòng dân này có thể chấp nhận những điều kiện có lợi cho Hoa Lục trong đó có việc Đài Loan là một phần lãnh thổ của TC. Nhưng dân chúng Đài Loan đã cực lực phản đối, và nói rằng Hoa Lục muốn theo thể chế dân chủ của Đài Loan thì theo. Trước tình thế bất lợi, Tân Hoa Xã của TC chỉ còn biết kêu gọi Đài Loan nên tuân thủ theo các thỏa thuận ngầm giữa hai bên năm 1992, nhưng nội dung không được tiết lộ, và nhắc rằng nhờ có giao thương giữa hai bên mà từ con số không của năm 2007, bây giờ Đài Loan đã có 2.8 triệu dân từ Hoa Lục đến du lịch trong năm qua.
Thế cờ mà TC bầy ra tại Biển Đông đang từ từ mất thế thượng phong, và nghiêng phần thắng lợi về phía Hoa Kỳ và các nước trong vùng. Trước hết về chính nghĩa, TC đã không đưa ra được những chứng cớ lịch sử là Biển Đông của Tầu. Việc TC tự vẽ ra hình lưỡi bò và tự nhận Biển Đông là của họ chỉ là ngụy tạo, trong khi các nước trong vùng đều không công nhận điều này, và Phillipines đã kiện TC ra tòa án quốc tế. Trước việc TC ngang nhiên chiếm đóng HS và TS, chèn ép các tầu đánh cá VN và Phi, và đe dọa các nước trong vùng, Mỹ đã phải can thiệp và khi Mỹ ra tay thì TC phải lui về thế thủ không bao giờ dám đương đầu, vì TC biết Tầu không bao giờ có thể đương cự nổi Mỹ một khi chiến tranh xẩy ra, nhất là cuộc chiến xẩy ra vì những ngang ngược sai trái của họ.

Chiến lược Biển Đông của Mỹ đã làm cho thế chiến lược của TC mất hiệu lực và tác dụng. Trong năm 2015, chúng ta đã chứng kiến một đội phòng vệ Nhật Bản đã được Quốc Hội chấp thuận để trở thành Quân Đội có quyền tuần dương ngoài 1 ngàn hải lý, có quyền thao dượt và tuần duyên cùng các hạm đội Mỹ, Úc, và Ấn Độ, và có quyền đem quân đi tham chiến ở nước ngòai để chống lại sự xâm lấn của TC. Con sư tử Nhật Bản, nỗi ám ảnh triền miên cho người Tầu đã trỗi dậy, và chỉ một mình Nhật Bản thôi, TC cũng không phải là đối thủ; chưa kể các nước Phi, Mã Lai, Nam Dương, Brunei, Đại Hàn, và có thể cả CSVN, sẽ liên kết một khi chiến tranh xẩy ra với TC; chưa kể cường quốc số một thế giới là Hoa Kỳ sẽ đứng ngoài lược trận. Đó là thế tất thắng của Mỹ và thế tất bại của Bắc Kinh. Đó là tại sao KTH USS Lassen đã vào sâu trong vùng 12 hải lý nằm yên tại chỗ mấy tiếng đồng hồ mà Tầu Cộng chỉ đánh phèng la, bởi vì nếu xẩy ra hải chiến, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, HQ Tầu Cộng sẽ bị tiêu diệt. Hải chiến cần có các task forces mà các HKMH và các soái hạm là chủ chốt, nhưng TC chỉ có một chiến hạm mà họ gọi là Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh, thực chất theo các quan sát viên quốc tế, chỉ là một bè bằng sắt nổi mà thôi. Biển Đông sẽ còn dậy sóng mạnh vì Hoa Kỳ đã vào cuộc để giành lại quyền tự do hàng hải trên khắp các biển quốc tế mà Biển Đông chỉ là một. Hoa Kỳ yêu cầu mọi nước phải tuân thủ theo luật quốc tế và không nước nào được quyền vi phạm, tự nhận Biển Đông của mình để ngăn cấm quyền tự do hàng hải đã có theo luật định. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra và thám sát các bãi đá ngầm, các đảo san hô nửa nổi nữa chìm hai lần mỗi tam cá nguyệt. Lệnh này đã được đưa ra từ Tòa Bạch Ốc, được loan báo trên khắp thế giới, xuống các Đô Đốc HQ Mỹ, các tư lệnh các hạm đội đang có mặt tại Thái Bình Dương, xuống đến Khu Trục Hạm USS Lassen.
 Và Bắc Kinh biết rõ hơn ai hết.
Phạm Gia Đại