Hôm 11/11, nguồn tin từ đài truyền hình SBTN ở Mỹ cho biết nhạc sỹ Anh Bằng đang trong tình trạng nguy kịch và “có lẽ chỉ cầm cự được hai tuần nữa”.
Fanpage kênh truyền hình SBTN của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ phát đi lời kêu gọi mọi người cầu nguyện cho nhạc sỹ.
SBTN cho biết cuối tuần qua, ông được đưa đi cấp cứu. Ông đã chống chọi căn bệnh ung thư gan gần tám năm qua, từng được chữa khỏi nhưng nay lại tái phát.
Hôm thứ Hai 9/11, ông đã từ chối chữa trị vì cơ thể không còn đủ sức chống chọi và được bác sỹ cho về nhà. Bác sỹ thông báo cho người nhà biết “có lẽ ông chỉ còn cầm cự được cao nhất là hai tuần nữa”.
‘Một người yêu quê hương’
Hôm 11/11, từ Sài Gòn, nhạc sỹ Tuấn Khanh trao đổi với BBC: “Bên cạnh nỗi buồn khi nghe tin sức khỏe của nhạc sỹ Anh Bằng đang xấu đi, tôi còn có niềm tiếc nuối to lớn, vì ông là một nhạc sỹ tài ba thuộc thế hệ vàng son của miền Nam.
Tầm vóc của ông khó có một nhạc sỹ nào về sau đạt được, xét cả về mặt sáng tác đa dạng lẫn tính cách kín tiếng, không cần những lời ca tụng mà vẫn miệt mài với âm nhạc qua nhiều thập kỷ”.
Năm ngoái, tên tuổi của nhạc sỹ Anh Bằng bị ảnh hưởng phần nào trong vụ tranh cãi xoay quanh một ca khúc nổi tiếng.
Thời điểm đó, ông Khúc Ngọc Chân, một nhạc công Cello trong dàn nhạc giao hưởng Việt Nam lên tiếng khẳng định ca khúc “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng vốn là sáng tác của ông với tên gốc “Tôi xa Hà Nội”.
Tuy vậy, nhạc sỹ Tuấn Khanh nói với BBC rằng ông và nhiều thế hệ yêu âm nhạc vẫn có lòng tin đấy là tác phẩm của Anh Bằng vì “đó là tiếng lòng thật sự của một người phải rời bỏ quê hương sau biến cố”.
Ông Khanh nhận định di sản mà nhạc sỹ Anh Bằng để lại là “một tình yêu quê hương, dân tộc qua âm nhạc mà không phụ thuộc vào một chính thể nào, cũng như những tác phẩm mẫu mực cho các thế hệ nhạc sĩ tiếp nối”.
Nhạc sỹ Anh Bằng sinh năm 1926, được nhiều người yêu nhạc biết đến qua các ca khúc nổi tiếng: “Chuyện tình Lan và Điệp”, “Anh còn nợ em", "Căn gác lưu đày", "Chuyện giàn thiên lý", "Khúc thụy du", "Mai tôi đi"...
Đến nay, chỉ vài ca khúc trong số này được cấp phép phổ biến tại Việt Nam.
Năm 1975, ông cùng gia đình di tản sang Mỹ và vẫn tiếp tục hoạt động âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassette Dạ Lan (1981 - 1990).
Ông còn là người sáng lập Trung tâm Asia, một trong hai trung tâm sản xuất âm nhạc lớn nhất của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, năm 1981.
Từ thuở xa quê hương Việt Nam yêu dấu, hàng ngày tôi đều nhớ về cố hương với bao thương nhớ. Vì vậy tôi luôn thích nghe lại bài Nỗi Lòng Người Đi của người nhạc sĩ tài hoa Anh Bằng.
Nay được tin ông đang lâm trọng bệnh, và BS điều trị đã quyết định không làm gì được hơn cho ông nên đã để thân nhân đưa về nhà. Trong sự chân thành cầu nguyện cho ông cũng không thể thoát khỏi cái thực tế đau lòng có thể đến.
Môt ngày, đã hơn 07 năm rồi, để tỏ lòng ngưỡng mộ, tôi đã viết một bài về ông. Xin được chia xẻ ở đây, như một lời cầu nguyện, và cũng để cùng các bạn ôn lại một chút bước đường thăng hoa phục vụ nghệ thuật của người nhạc sĩ tài hoa đã cùng chia xẻ vui buồn qua bao đoạn đường đời của thế hệ chúng mình
ANH BẰNG, DÒNG NHẠC, TIẾNG NÓI CỦA MỘT THẾ HỆ
Bac si Nguyễn Vi Son
“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa
Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian, tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Ngày ấy tôi mang cây đàn quen sống ca vui bên nàng
Nay khóc tơ duyên lìa tan
Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa giòng đời ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ
Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi
trong bùi ngùi
Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi”
Các nỗi niềm gởi gấm qua lời tâm sự trên đây, đã là tâm sự của cả một thế hệ. Đó là thế hệ của các người ở lứa tuổi 50, 60 va 70. Nó đã vang vọng qua khắp các nẻo đường, thành thị, xóm làng của quê hương Việt Nam, một thời khói lửa lan tràn. Nó vang vọng đuoc thật xa, thật rộng, thật sâu, vì không những nó có cái sức mạnh của ngôn từ, mà nó còn được chuyên chở bởi cái nhiệm màu của âm nhạc. Âm nhạc của một người mang tên Anh Bằng, một cái tên, như dòng nhạc của ông đã gắn liền với cả một thế hệ chúng ta.
Đã bao nhiêu lần, tôi đã nghe qua bài hát mang tên « Nỗi Lòng Người Đi » với bao nhiêu cảm xúc. Tôi nhớ có một người nhạc sĩ mang tên Anh Bằng đã sáng tác ra tác phẩm để đời này., Và mỗi lần nghe, tôi cứ tưởng như Anh Bằng viết bài này riêng cho tôi, mặc dầu tôi chưa bao giờ biết ông hoặc có dịp gặp mặt ông. Nhạc Anh Bằng là như thế đó. Nó chuyên chở tâm tình của cả một thế hệ, thế hệ đọa đầy, luân lạc, du mục trên khắp miền của quê hương Việt Nam, một thời khói lửa, hằn sâu với bao bom đạn. Vì thế khi anh Trần Việt Hải có ý muốn tôi viết một bài về người nhạc sĩ tài hoa này, tôi đã không ngần ngại nhận lời, mặc dù tôi chưa một lần được gặp mặt, hay biết cá nhân ông.
Anh Bằng sinh năm 1925, tên thật là Trần An Cường. Đó là chi tiết sau cùng tôi tự cho phép được nói về cá nhân ông. Tôi xin để những thân hữu được biết ông thật sự trong đời nói nhiều hơn về tiểu sử của ông. Ở đây tôi chỉ xin nói về người nhạc sĩ Anh Bằng đã hiện diện trong tâm hồn tôi và của những người cùng thế hệ với tôi qua bao tháng năm dài.
Qua hơn 60 nam viết nhạc, Anh Bằng đã có rất nhiều sáng tác, tôi không muốn nói về con số, mà muốn nhấn mạnh về phẩm chất và sức rung động mạnh mẽ của nhạc Anh Bằng. Phần lớn, ông viết cả nhạc lẫn lời, mà cũng có khi ông phổ thơ của người khác, hoặc viết chung với bạn tâm giao trong nhóm Lê Minh Bằng. Nhưng dù là hình thức nào, hoàn cảnh nào, cũng dễ dàng nhận ra cái cá tính đặc biệt của nhạc Anh Bằng.
Trở lại với bài nhạc « Nỗi Lòng Người Đi ». Đó là bài nhạc thật tiêu biểu của nhạc Anh Bằng. Nó rất là riêng tư, chân tình và thắm thiết. Nó như tiếng thủ thỉ của một người bạn, người anh, người tình nói về nỗi lòng người viễn xứ. Thật vậy, nhạc Anh Bằng thường nói về tình yêu và môi trường con người, trong trường hợp này là quê hương Việt Nam qua cả ba miền mà ông đã đi qua.
Cái tài hoa của Anh Bằng là nhạc của ông không có tuổi, vì nó thật là chân thành, nó nói lên hoàn cảnh, tâm tình của « Con Người » không có giới hạn tuổi tác, mà là ở bất cứ giai đoạn nào của đời sống. Trong « Nỗi Lòng Người Đi » ông nói về một ngày, có chàng trai trẻ, ở tuổi 18, cất bước lên đường ra đi như một định mệnh đã an bày. Có người nói rằng, thật ra Anh Bằng đã gần 30 tuổi khi ông viết bản nhạc bất hủ nầy, chứ không phải ở tuổi 18. Con số ở đây thật ra không đáng kể, vì như chúng tôi nói, nhạc Anh Bằng không có tuổi. Tuổi 18, hay tuổi 29 thì đây vẫn là nỗi lòng của cả một thế hệ thanh xuân nhưng dường như mùa xuân đã tàn tạ theo khói lửa chiến chinh.
Ngày đó, có chàng thanh niên, cất bước lên đường để xa một thành phố thân yêu có cái tên tưởng như thần thoại. Đó là Hà Nội. Hà Nội của Anh Bằng, của anh, của chị, của tôi, những người Hà Nội. Một thành phố có hồ nước trong, có những con phố cổ, nhưng trên hết có người con gái Hà Nội, người tình nhân chẳng bao giờ quên được. Có ai sẽ nói, cái thành phố đó, cái chuyện tình đó ở đâu mà chẳng có. Không phải vậy đâu. Cái Hà Nội, người em gái Hà Nội, người yêu nhỏ của một đời, chỉ là riêng của Anh Bằng, là riêng của mọi người đã được nhạc Anh Bằng thấm sâu vào những góc nhỏ sâu thẳm của tâm hồn.
Bài Nỗi Lòng Người Đi đã mang tất cả các tính chất tiêu biểu của nhạc Anh Bằng trải qua sự nghiệp sáng tác âm nhạc rất dài của ông. Anh Bằng luôn nói về tình yêu dang dở, cái dang dở, sót xa, đau đớn, thường là vĩnh cửu, không có bù đắp. Cái thảm kịch như trong một thảm kịch Hy Lạp (Greek Tragedy) trong đó các yếu tố con người, nội tâm, lồng với thiên nhiên bao quanh lại càng cho Bị Kích càng trở nên thảm thiết hơn.
Cứ như tình yêu trên đời này nảy sinh, để mà đổ vỡ. Từ bài Nỗi Lòng Người Đi, nói về một người tình không bao giờ gặp lại, đến bài « Nếu Ai Có Hỏi » thi tình yêu trói buộc vào hoàn cảnh khói lửa, nên tình yêu ở hoàn cảnh này chẳng thể có lời ước hẹn. Đó cũng là tâm tư trong bản Nếu Vắng Anh. Đã biết rằng, nếu không có anh thì đời em sẽ là bao thiếu thốn, cô đơn, nhưng mà hoàn cảnh như đã an bầy, để anh phải xa em, hẹn cho đến một ngày non sông thanh bình.
Ở đây, cũng phải nói, là nhạc Anh Bằng cũng có một cái gì rất hướng thượng, tôn vinh cái tính thân cao cả của con người, của người chiến binh. Tình yêu của Anh Bằng là tất cả, nhưng lại có một cái gì tối thượng, cao cả hơn, đó là tình yêu non sông, đất nước của người chiến binh. Họ ra đi vì tiếng gọi non sông, nên đành xếp lại tình yêu lứa đôi, hẹn tới một ngày mình biết, có thể sẽ chẳng bao giờ đến. Không có gì rõ nét hơn về ý chí của Anh Bằng, lòng yêu nước của ông qua bài Đốt Lửa Đấu Tranh :
« Đốt đuốc lên ! Ta đốt đuốc lên !
Cho tình anh em Việt Nam đoàn kết
Thắp nến lên ! Ta thắp nến lên !
Xua ngàn tối tăm ra ngoài trái tim cùng một lời nguyền
Đốt đuốc lên ! Ta đốt đuốc lên !
Cho cờ vàng lên rực cao Tổ quốc
Thắp nến lên ! Ta thắp nến lên
Cho màu sáng thơm da vàng Việt Nam »
hoặc qua bài Ngoại Ô Buồn:
« Năm xưa anh đi, từng đêm vạm vỡ vùng ngoại ô có người mong.
Hôm nao tôi đi, quê cũ thưa người vì hy sinh cho non sông.
Hơn hai mươi năm, lửa binh tàn phá vùng ngoại ô lắm khổ đau
Tôi theo chân anh, vai súng lên đường cùng hiên ngang viết sử xanh. »
Tình yêu trong tâm hồn Anh Bằng thật là toả rộng. Đôi cánh tình yêu ở đây phủ lấp lứa đôi, quê hương, dân tộc. Và đặc biệt hơn nữa, tình yêu được gởi tới một khuôn mặt thắm thiết nhất trong tâm hồn con người, đặc biệt tâm hồn Việt Nam, đó là người MẸ. Cái đang chú ý, là khi Anh Bằng nói về Mẹ, không phải chỉ là nói về một vai trò, một thân phận, mà nhất định ông nói về MẸ của chính ông, như trong bài Nước Mắt Mẹ Tôi :
« Từ dạo ấy mẹ tôi thành góa phụ
Nắng mưa đời phủ kín bờ vai
Từ dạo ấy tràn lan lửa khói
Súng vang vang khắp trời xóm thôn thêm vắng người
Mẹ tôi, như nắng hoàng hôn đau xót nhìn con
mai mốt lên đường ra chốn sa trường đâu thấy ngày về
Hm ...
Mẹ tôi, khuya sớm cầu kinh cho mái đầu xanh
cho đứa con mình chân bước an lành đường dài chiến tranh »
Nhưng dù là nói về non sông, đất nước,, hay về nghĩa vụ cao cả của người chiến binh, thì bao giờ nhạc Anh Bằng cũng nói về tình yêu lứa đôi, mặc dù đó là tình yêu dang dở, đổ vỡ, đau sót, ngậm ngùi.
« Ngày xưa hẹn hò mỗi lần anh qua
Hoa bay đầy ngõ thương anh đợi chờ
Hai đứa vui đùa đẹp nhất ngày mưa
Tình nhất trời mưa
Nhưng rồi hôm nay vắng bóng anh chờ
Em qua đường này ... vắng bóng anh chờ
Hoa trắng còn đây, người xưa đâu thấy ... Mưa lạnh đôi vai
Em lạnh đôi vai ... ngõ vắng mưa gầy
Hoa bay lạc loài ... ngõ vắng mưa gầy
Em nhớ ngày nào dầm mưa ướt áo ... ôi tình tuổi yêu
Anh là sao khuya lóng lánh trong hồ
Em ôm tình sầu ... liễu rũ trên bờ
Anh mãi là mưa ... hạt mưa hiu hắt
Em buồn bơ vơ »
Đấy là thế giới tình yêu của Anh Bằng , hiu hắt, bơ vơ, chia ly, nên cái nồng nàn, thảm thiết lại càng làm nó trở nên bi thảm hơn.
Nói tới tình yêu trong âm nhạc Anh Bằng thì phải nói tới cái “không gian tình yêu” ở nhạc của ông. tình yêu của Anh Bằng là dang dở, nên kỷ niệm trong âm nhạc Anh Bằng được nhắc tới rất nhiều. Vì khi cuộc tình đã đi xa, thì chỉ còn có kỷ niệm để mà ôm ấp, để mà nhớ thương. Hãy đọc những lời kể lể trong bài Sầu Lẻ Bóng:
“ Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm
Vì Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ
Mơ vui là lúc ngàn đắng cay... xé tâm hồn
Tàn đêm tôi khóc khi trời mưa buồn hắt hiu
Lòng mình thầm nhớ dĩ vãng
Đau thương từ lúc vừa bước chân
Vào đường yêu
Đêm ấy mưa rơi nhiều
Giọt mưa tan tác mưa mùa ngâu
Tiễn chân người đi
Buồn che đôi mắt thấm ướt khi biệt ly
Nghe tim mình giá buốt
Hồi còi xé nát không gian”
Tình Yêu, hầu hết là dang dở trong âm nhạc Anh Bằng. Không phải chỉ có anh và em, mà bao giờ cũng phải có Không Gian Tình Yêu. Không gian tình yêu đó có thể là ở một vùng thôn dã xa xôi, hay nơi thành thị, một khúc phố đìu hiu, hay một nơi nào đó, nơi mà tình yêu đã đơm hoa, kết trái, hay úa tàn. Cái không gian đó, kết hợp với mưa nắng thất thường của trời đất luôn góp phần tô rõ nét hơn Tình Yêu đôi lứa. Không có không gian, thì tình yêu chỉ là một chiếc bóng, vất vưởng, không có định nghĩa, không còn chân đứng để mà nhung nhớ, tôn thờ điển hình như trong bài Tâm Hồn Cô Đơn:
“Ngày tôi quen biết em lần đầu
Mặt trời hôm ấy bỏ trốn nơi nào
Và đường về, trời mưa tầm tã
Sợ buốt giá đến ôm vai gầy
Sợ tiếng gió quyện lời tâm tình xa bay”
Cuộc đời sự nghiệp của Anh Bằng dài hơn nửa thế kỷ. Nếu muốn viết thêm nữa về ông thì không biết phải cần đến bao giấy mực. Nhưng, cái may cho người viết về ông, viết về tác phẩm của ông, về sự nghiệp của ông, là dòng nhạc trữ tình của Anh Bằng thật là đặc sắc, thật là đa dạng, nhưng nó luôn có những tiêu biểu thật riêng tư. Nên khi nghe một bài nhạc của ông, chẳng cần tìm đến tên tác giả, cũng biết đó là NHẠC ANH BẴNG. Nó thành thật, thiết tha, riêng tư, chua sót, ngậm ngùi. Nhưng ở đâu đó, trong cái dòng nhạc đau thương đó, cũng có cái hào hùng, vinh danh phẩm chất của Con Nguoi. Cũng vì vậy, có phần nào bất công cho người nghệ sĩ hát nhạc Anh Bằng. Vì tôi tin có nhiều người như tôi, khi nghe nhạc của ông, tôi chỉ biết là tác giả đang chia xẻ tâm tình riêng tư với mình, nên ai hát cũng không phải là yếu tố quan trong như trong nhiều trường hợp khác.
Anh Bằng đã ngoài 80, nhưng tuổi đời của ông dù có bao nhiêu, thì trong tâm hồn người thưởng ngoạn, ông không có tuổi. Ông là tuổi đời của người đang thưởng thức âm nhạc của ông. Ông sẽ mãi mãi là con én, dù là lẻ loi, mang đến cho họ những âm hưởng tuyệt vời của tình yêu ở mọi lứa tuổi, dù đó chỉ là tình yêu dang dở. Tôi xin được là một người của thế hệ chúng tôi, cảm ơn ông, cảm ơn những giờ phút đầy rung động được nghe nhạc của ông. Cảm ơn ông đã để lại một kho tàng quý báu cho âm nhạc Việt Nam. Và cũng xin biết ơn ông đã cho chúng tôi một cái gì thật lãng mạng, thật trữ tình để nhớ mãi về một thời với bao mộng ước , bao nhiêu thăng trầm của một thế hệ mà tôi cứ tưởng như đọa đầy, nhưng thật ra, cũng đã nhận được bao nhiêu Ơn Phúc.
Amarillo, Texas
Tháng 08/2008.
XIN GÓP LỜI CẦU NGUYỆN CHO NHẠC SĨ ANH BẰNG
Kính gửi quý vị và các anh chị,
Xin thông báo đến quý vị và các anh chị tin không vui là tình trạng sức khoẻ của Nhạc sĩ Anh Bằng không còn được khả quan. Các bác sĩ trong bệnh viện đã không thể chữa trị được nữa và đã cho gia đình đưa Nhạc sĩ Anh Bằng về nhà hôm qua.
Xin quý vị và các anh chị gửi lời cầu nguyện cho Nhạc sĩ Anh Bằng. Xin cám ơn quý vị và các anh chị.
Thân kính,
Cao Minh Hưng