Thursday, 12 November 2015

Cùng nhau dệt lại tấm thảm tâm hồn

Chế độ csVN đã thành công qua tiến trình ép buộc dân lành vô tội tham dự vào các tội ác trong xã hội với mục đích hủy diệt sự phản kháng tiềm tàng nơi mỗi con người. Nhưng người dân Việt hôm nay đã tỉnh ngộ, đã thức dậy và cần cùng nhau đồng lòng đứng lên hủy diệt guồng máy phi nhân tội ác cs để trở lại với đạo đức nhân bản ngàn đời của dân tộc. Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết:" Cùng nhau dệt lại tấm thảm tâm hồn" của Trần Quốc Việt qua sự trình bày của Nguyên Khải.
Theo triết gia Ba Lan Leszek Kolakowski quỷ đã phát minh ra những nhà nước ý thức hệ mà độc quyền về "sự thật" và những ai không chấp nhận "sự thật" ấy tức là kẻ thù của chế độ. Chủ nghĩa Quốc xã coi chủng tộc này là hèn hạ cần phải tiêu diệt còn chủng tộc kia là cao quý cần phải ngự trị thế giới. Chủ nghĩa cộng sản thấy cần phải xóa bỏ tất cả các giai cấp trong xã hội để tiến tới thế giới đại đồng. Lịch sử của thế kỷ hai mươi là bi kịch dệt từ máu và nước mắt mà khởi đi từ chính những nhà nước ý thức hệ cổ vũ cho những "sự thật" như thế. Chủ nghĩa Quốc xã đã chết yểu nhưng chủ nghĩa cộng sản vẫn còn sống lây lắt sang thế kỷ hai mươi mốt.

Nhân danh những "sự thật" này cả hai chủ nghĩa đã gây ra biết bao nhiêu biển máu và núi xương vô định. Nhưng tội ác tối hậu của hai chủ nghĩa này, đặc biệt chủ nghĩa cộng sản, là hủy diệt tâm hồn con người. Người Đức chỉ mất thoáng qua lương tâm và đạo đức trong cơn ác mộng mà chỉ kéo dài vài năm, Rồi họ bừng tỉnh dậy và lập tức hội nhập vào thế giới văn minh. Còn chủ nghĩa cộng sản kéo dài cả thế kỷ và gây ra những tổn thất tinh thần và đạo đức nặng nề hơn nhiều và ảnh hưởng đến rất nhiều người mà Việt Nam là một điển hình.

Chế độ cộng sản không giấu tội ác của nó như chế độ quốc xã mà còn tuyên bố công khai các tội ác của chế độ và bắt dân chúng phải dự phần vào các tội ác ấy. Ví dụ cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam trước đây, các vụ đấu tố tập thể ngày xưa và thỉnh thoảng vẫn còn đến tận hôm nay, những vụ phê bình kiểm điểm và những vụ những người trong gia đình tố cáo và từ lẫn nhau. Cuộc hủy diệt tập thể tâm hồn này ở các nước cộng sản, theo Leszek Kolakowski, khiến người dân mất sức phản kháng về mặt đạo đức sau khi họ đã dự phần, dù bị cưỡng bách, vào những tội ác tàn phá đạo lý và nhân ái này. Họ đã trở thành những kẻ đồng phạm mất khả năng đề kháng và phản kháng chế độ.

Qúa trình nhiễm độc tâm hồn dưới chủ nghĩa cộng sản càng sâu rộng hơn và lan ra như khối u ung thư thầm lặng dưới tác động triền miên và mãnh liệt của tẩy não, tuyên truyền, dối trá và sợ hãi. Từ đấy tâm hồn con người bị rạn vỡ và hoen ố rồi vô cảm buông xuôi trước mọi sự. Chỉ một số rất ít người nhận ra thân phận đồng lõa, nô lệ, và phi nhân của mình. Các chế độ cộng sản đã triệt tiêu những bến bờ tâm hồn giúp con người định hướng mà quay về cội nguồn chân chính và hướng thiện của mình, hay của cha ông mình thưở trước. Những bến bờ ấy là tôn giáo, lịch sử, văn hóa, và xã hội dân sự. Không còn chúng, con người trôi dạt như những nhánh rong vô định, không có cội nguồn tinh thần, trên mặt đại dương vô cảm. Kiếp sống thực vật về tinh thần đã thay thế cuộc đời xã hội của cá nhân.

Chúng ta, những nạn nhân của cộng sản, vì thế có thể chết lâm sàng về mặt tâm hồn và tinh thần và đạo đức trước khi giành được tự do. Cho nên hôm nay, trong khả năng khiêm nhường của mình, mỗi người nên cố gắng tham gia vào công cuộc khôi phục lại xã hội dân sự và tìm lại dưới lớp bụi thời gian những tinh hoa đạo đức và tinh thần còn sót của nền văn minh Việt trước kia.

Xã hội vô cảm cùng cực, đạo đức tan nát, tôn giáo hủ bại, văn hóa suy đồi tất cả đều là những sản phẩm cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản sau hàng thập niên cai trị mà, xét cho cùng, có sự đóng góp của tất cả chính chúng ta-những người vừa là nạn nhân vừa là đồng phạm của chế độ. Cho nên con đường giành lại nhân bản và tự do là con đường hành động tập thể. Mỗi người nên và phải hành xử theo lương tâm thiên phú của mình, phải hành xử với tư cách công dân dù địa vị công dân ấy chỉ tồn tại trên giấy tờ, và đồng thời phải cùng nhau gầy dựng lại xã hội dân dự mà đang bắt đầu khởi sắc. Từng sợi chỉ cá nhân sẽ dệt nên tấm thảm tâm hồn đầy màu sắc mà đã tồn tại lâu đời trước kia.

Trần Quốc Việt