Phải giữ vững lập trường, phải giữ vững luật lệ : không gì đúng hơn khi áp dụng những căn bản ấy, ngày nay, cho xứ Tàu. Nhứt là khi có những đột biến, những biến chuyển, những khủng hoảng kinh tế (và cả những khủng hoảng môi trường). Xi Jinping-Tập Cận Bình, người học trò của Mao XeDong-Mao TrạchĐông về quan niệm quản trị độc tài, độc tôn, chỉ có độc nhứt một ưu tư, từ ngay lúc vừa nắm quyền năm 2012, là, phải bằng mọi giá, giựt về trong tay mình, toàn quyền quản trị, toàn bộ Đảng Cộng sản Tàu, toàn bộ xã hôi Tàu, để sửa soạn một cuộc hạ cánh kinh tế an toàn, không thể tránh được của nước Tàu.
1. Tàu: Chuyển Hướng Kinh Tế hay Cũng Cố Quyền Lực?
Như tờ nhựt trình Tàu « Công dân Nhựt Báo » đã đăng, sau khi đưa tin cựu Tổng trưởng Zhou Yongkang bị tuyên án : « Không một ai được đứng trên Hiến Pháp, Pháp luật và Kỷ luật của Đảng (Cộng sản Tàu) » !
Nhơn danh cuộc chiến chống tham nhũng, Chủ tịch Tập của xứ Tàu và Đảng Cộng sản Tàu « siết bù lon » các cán bộ và các lãnh đạo Đảng Cộng sản Tàu với những bắt bớ, truy tố ngoạn mục, và song song, cũng thừa cơ hội, « chơi luôn », với những tố cáo, những truy tố, những tuyên án, « xơi tái luôn » bắt nhốt, giam cầm, đày đọa tất cả những loại « rào cản » đường tiến công của Đảng Cộng sản Tàu, như các loại « xã hội dân sự », hoặc các cá nhơn, như các nhà văn hóa, các nhà trí thức, các đối lập dân sự, ở đủ các loại, ở đủ các mọi thành phần.
Song song với cuộc kiểm soát tình hình chánh trị đảng, một cuộc chuyển hướng chánh sách kinh tế cũng được thực hiện để tránh viễn ảnh một cuộc khủng hoảng xã hội đương nhiên. Năm 2008, Tàu may mắn thoát được nạn khủng hoảng quốc tế, do một chánh sách tài chánh, khá táo bạo để giữ mức phát triển. Và may mắn thay, nếu nguồn tài chánh ấy tạo được sức phát triển cho ngành xây cất, địa ốc, thì ngày nay, cũng chính ngành địa ốc ấy lại đang tạo một bong bóng khổng lồ rất nguy hiểm cho tương lai. Qua những năm 2013-2014, nguồn tài chánh ấy lại được dùng để hổ trợ thị trường chứng khoán, hầu tạo của cải, tài sản cho giới tư sản thuộc giai cấp trung bình của xã hội Tàu. Thế nhưng, cái gì thái quá cũng nguy hiểm ! Thị trường chứng khoán, chẳng chốc, lại tạo ra bong bóng, và, bong bóng đã nổ bùng hồi tháng 6, tháng 7 vừa qua ! Để cứu thị trường chứng khoán, (và cứu các nhà tiểu tư sản đầu tư Tàu) nhà nước Tàu (theo tin hành lang Golden Sachs) tung ra gần 130 Tỷ euros ! Và chưa hết, trong cái nạn, lại gặp cái khổ, ngành kỷ nghệ Tàu lại gặp khó khăn, ế ẩm, do giá lao động công nhơn Tàu cao, lương bổng thợ thuyền Tàu bấy lâu nay tăng giá, mất sức hấp dẫn. Nhưng lương bổng công nhơn Tàu tăng cũng do chánh sách của Đảng (Đại hội Đảng thứ 18, quyết định tăng lương công nhơn để nâng mãi lực, và tăng ngành dịch vụ). Và lay hoay, việc gì đến cũng phải đến, đồng Nguyên phải hạ giá ! Thế giới lại la làng, cho rằng Tàu muốn gây chiến tranh ngoại tệ. Làm gì Tàu dám làm ! Chỉ vì bí quá thế thôi ! Hạ đồng Nguyên, Tàu chỉ có mong xuất cảng hàng hóa nhiều hơn thôi !
Nhưng cái việc chắc chắn là những kết quả « nửa trúng nửa trật- nửa ly nước đầy hay nửa ly nước lưng» của các anh phù thủy kinh tế Tàu chứng minh cho chúng ta rõ rằng, là thời vận đỏ của anh Tàu cũng bắt đầu hết rồi ! Hết sức đi lên của nền kinh tế của anh Tàu rồi. Ngày nay nền kinh tế Tàu đã lên đụng nóc nhà rồi, giờ chỉ còn tụt thôi ! Ráng cho lắm, cái thời con số phát triển ở chung quanh con số 10 % một năm hết rồi, bây giờ phải ăn mừng (thắng lợi !) với những con số hoặc 4 hoặc 5 % một năm thôi !
Và nền kinh tế thế giới ? Ảnh hưởng thế nào ? Tùy cách hạ cánh của Tàu thôi ! Nếu từ từ đáp, nhẹ nhàng, an toàn, bánh xe hạ xuống, flaps hạ, bớt máy từ từ, đường xuống thoai thoải, cần lái kéo tròn … everything’s OK thì các xí nghiệp Tàu, tuy nợ ngập đầu, tuy nước dâng tới cổ, nhưng còn giữ đầu khỏi nước, vẫn còn thở được, và các quốc gia ngoại quốc – các quốc gia xuất cảng nguyên liệu, như Ba Tây-Brésil hay Phi Châu – có thể uyển chuyển đáp ứng. Nhưng nếu hạ cánh vội vàng, gấp gáp, kéo thắng tay vội vàng, đạp cả thắng chưn, thi ôi thôi, thị trường thương mại quốc tế sẽ hỗn loạn, tan vỡ, đem đến một cuộc khủng hoảng lớn, hậu quả vô lường.
Và với cuộc khủng hoảng, sẽ tạo những nạn nhơn :
2. Đời Sống Công Nhơn Tàu Bất Ổn, Xã Hội Tàu Hỗn Loạn
Nếu anh « dân công – mingong », từ những làng mạc xa xôi của tận cùng xứ Tàu đã kéo nhau về các thành thị để xây dựng thành những đại đô thị, đã đưa xứ Tàu từ nghèo nàn lạc hậu, lên hàng đầu thế giới, và với cuộc khủng hoảng, anh cũng là những nạn nhơn đầu tiên.
Baoshan, nằm cạnh biên giới thành phố Shanghai-Thượng Hải, khổng lồ với 23 triệu dân, cách nửa giờ lái xe với khu phố Pudong, hoàng tráng với các nhà chọc trời, với các cửa kiếng chiếu sáng coóng dưới ánh mặt trời ban ngày, với hàng ngàn ánh điện thắp sáng một góc trời về đêm, là một khu tuy thuộc ngoại ô thành phố Shanghai, nhưng là khu toàn là dân lao động cư ngụ. Nghèo nàn, với những ngõ hẻm chật hẹp, bẫn thỉu, với những mái nhà xiêu vẹo, với những giếng nước đen ngòm với những thùng nước đục ngầu khi kéo lên…
Đây là bề trái của cái mề-đay sặc sở của một nước Tàu, vươn lên quá nhanh, tuy chiếm chức đệ nhứt thế giới về hàng kinh tế, nhưng lại không đủ sức trãi đều lợi tức cho dân chúng mình, nên có con số lợi tức đầu người thuộc hàng thấp kém của thế giới. Nước Tàu giàu nhứt thiên hạ ! Đúng, phải ! Dân Tàu nghèo mạt rệp, phải xuất cảng, di dân, tha hương cầu thực, cũng đúng luôn ! Đây là nghịch lý của xứ Tàu.
Nước Tàu nay, như một nước Quân chủ thời Trung Cổ với Nhà Vua, quan chức, thương gia giàu có, tiền rừng bạc biển, còn thằng dân chỉ là thứ dân, thần dân, bần dân,… như le serf của các seigneurs français, hay các moujiks của các koulaks nga …thời Nga Hoàng. Cộng sản Tàu hay Việt ngày nay có khác chi Vua Chúa quân chủ xưa ?
Khu Baoshan, gồm rất nhiều cư dân thuộc các dân công – mingong tạm trú. Tạm trú vì với chế độ « houkou- hộ khẩu », họ không được thành phố Shanghai chấp nhận. Họ phải trở về lại quê quán khi hết có hợp đồng việc làm, mặc dù sau khi đã, cư ngụ và làm việc cả những năm tháng dài ở Shanghai ! Một « dân công-mingong » chỉ là một công nhơn di dân tạm trú. Dong Haiqiang là một dân công, anh năm nay 38 tuổi, quê ở Hồ Nam, cũng như cả triệu dân công khác, anh rời nơi chôn nhao cắt rún để đi tìm miếng sống, tìm một cuộc sống khác và tìm một tương lai khác cho gia đình ở lại quê nhà. Cũng như cả triệu dân công, anh đã tham gia xây dựng nước Tàu huy hoàng của thế kỷ 21. Từ sáu năm nay, anh mỗi sáng vào những công trường xây cất ở Pudong, tối về ngủ ở Baoshan, ăn uống đè sẻn, ngủ tạm ngủ nhờ, tiền lam lũ có bao nhiêu dành dụm gởi về quê nuôi bố mẹ và vợ con. Mỗi năm một lần vào dịp Tết anh về thăm gia đình một tuần. Dân công là là loại công nhơn rẻ tiền, ai sai gì làm đó lao động không được chăm sóc, không có luật lệ bảo đảm, một loại nô lệ tân thời.
Dân công ngày nay là nạn nhơn đầu tiên của sự xuống dốc của nền kinh tế Tàu. Từ nghề lái xe tải hàng chuyên chở từ những nhà máy đến bến cảng để đưa hàng lên tàu xuất cảng, hay bốc hàng từ cảng chở về nhà kho, ngày nay anh phải sắp hàng xin việc, nhập cảng hay xuất cảng đều sa sút. Nghề anh, một nghề thuộc loại sang (tài xế xe tải), nếu làm đủ 7 ngày trên 7 trong tuần có thể kiếm được 10 ngàn nguyên tệ-yuans (1400 euros- 1100 dollarsUS). Giảm xuất nhập cảng, lương anh sụt khoảng 30%. Không đủ chi phí nuôi vợ con và bố mẹ ở quê nhà. Anh và gia đình anh là những nạn nhơn đầu tiên của tụt hậu kinh tế. Tháng 7 qua, xuất cảng Tàu giảm 8,5%, trong đó có 12 % giảm đối với Liên Âu, khách hàng số 1 của Tàu. Nhập cảng cũng thụt lùi 8,1%, chứng minh thị trường nội địa cũng chưa được vững vàng gì cho lắm ! Thật là một bài toán nan giải, nhức đầu cho Tập Chủ Tịch, Xi Xù Xì, gặp phải con số phát triển thấp nhứt từ 25 năm nay, và có cơ làm hỏng chỉ tiêu 7% – con số dự đoán phát triển cho năm 2015 – (Chỉ tiêu nầy do Tàu đặt ra, nhưng thế giới nghi rằng khó đạt được). Chờ xem !
Ngày nay, anh Dong phải đem vợ lên Baoshan, để con ở lại nhờ cha mẹ già nuôi dưởng, và hai vợ chồng mở một tiệm bán bánh bao điểm tâm để bán cho dân mingong, may ra kiếm thêm chút cháo cho gia đình. Wang, một mingong khác, với khuôn mặt khắc khổ, đang ngồi ăn vội chiếc bánh bao và uống tô nước trà. Wang, quê ở Jiangsu, đến lao động ở Shanghai từ 10 năm nay nhận xét : « Cách đây 10 năm, khi tôi bỏ làng lên đây, công việc tìm dễ dàng, ngày nay, rất khó khăn. Dần dần bạn bè bỏ đi hết, hoặc về quê làm ruộng hoặc đi tìm việc ở nơi khác. Khách sạn nơi tôi trọ xưa chúng tôi cả 200 người, nay chỉ còn độ 50 người thôi ! ». Nhưng, cũng công bằng mà nói, 10 năm nay, lương bổng công nhơn đã tăng làm 5 lần hơn, xưa chỉ 7 euros một ngày nay đã 32 euros một ngày. Nhưng cũng vì lương bổng thợ thuyền công nhơn cao như vậy nên ngày nay Tàu bị cạnh tranh, và nền kỷ nghệ Tàu gặp khó khăn. Đồng nguyên-yuan cũng tăng trị giá đến 14%, kỷ nghệ Tàu không đủ sức để cạnh tranh với các nước nghèo như Việt Nam, BanglaDesh hay Phi Châu. Các tổ hợp kỷ nghệ thế giới dần dần dời xưởng đem qua các quốc gia có công nhơn giá rẻ hơn.
3. Tăng Tốc Độ hay Cuộc Chay Đua Vượt Chỉ Tiêu Vô Vọng
Muốn cạnh tranh với các quốc gia khác, chỉ còn một cách là năng cấp sản suất – productivité hay tăng tốc độ sản xuất – surproduction. Và Anh Tàu đang lẫn lộn hai ý niệm ấy. Nhưng vì nền kinh tế đang đi xuống, chỉ còn cách làm nhiều thôi ! Và làm nhiều sanh ra làm ẩu, năng sức sản xuất lên, nhưng có cái lượng lại mất cái phẩm. Nhơn giờ sản xuất lên, nhơn nhịp sản xuất, nhưng vẫn với giàn máy vẫn cũ, hệ thống vẫn cũ, và kỷ thuật vẫn cũ chỉ có đem lại sự mất an toàn trong sản xuất thôi. Quá tải, máy, người chỉ một thời gian sau, là đổ vỡ, đau bệnh, và dĩ nhiên, tai nạn… (Tai nạn nhà máy Tianjin-Thiên Tân là một thí dụ). Hệ thống kỹ nghệ quá cũ, dùng năng lượng xưa, với những lò luyện đốt bằng than đá, với những nhà máy điện còn dùng than đá… thì ô nhiểm chẳng chốc cũng sẽ tới thôi ! Ngày thứ hai tuần qua Bắc Kinh báo động đỏ về ô nhiểm ! Và còn sẽ ô nhiểm dài dài !
Tàu có mặt ở COP 21, Tàu phải đến có mặt ở COP 21 thôi ! Tàu hứa sẽ cải tạo hệ thống kỹ nghệ, hệ thống tiêu dùng. Nhưng đã quá trễ ! Tuy nhiên, có còn hơn không. Cả xứ Táu nay là một quả bom « họa môi trường » nổ chậm… Nhưng than ôi, Tàu nằm cạnh Việt Nam, Tàu chết vì ô nhiểm, thì Ta chắc cũng ngất ngư. Nhưng đó là chuyện Ta, thũng thỉnh tính sau !
Đây là một cuộc chạy đua vượt chỉ tiêu đi tới vô vọng – une fuite en avant. Và một nghịch lý nữa, là cuộc chạy đua sản xuất nầy lại được các Ngân hàng Quốc gia Tàu khuyến khích. Khuyến khích sản xuất, nhưng hàng ra ế không xuất cảng được, ế ẩm. Quay sang, hy vọng hàng bán cho dân Tàu nội địa tiêu thụ, bằng mọi gía nâng thị trường nội địa, vì vậy tăng lương bổng cho công nhơn để tạo mãi lực. Lại vòng vòng, tăng lương tạo mãi lực, nhưng giá thành cao, giá bán cao, hàng sẽ ế ! Giữ xí nghiệp hoạt động để tạo việc làm cho công nhơn, tạo mãi lực cho công nhơn để mua hàng ! Nhưng tất cả đều giả tạo, làm ráng, mua ráng, bán ráng, cái vòng lẩn quẩn ấy Tàu nay vướng nặng. Chỉ số phát triển quyết giữ ở 7% cho năm 2015, chắc khó đạt lắm !
Thế ta mới hiểu tại sao, ngày nay dân Tàu đang ùn ùn vượt biên, di tản kinh tế. Các thủ đô âu châu đầy dân Tàu. Tàu nghèo, đói đi kiếm việc đã đành. Tàu giàu có, làm ăn bất lương đem tiền đi trốn, để thủ cho đời con cháu, âu cũng dễ hiểu. Các cán bộ cao cấp tham nhũng vác tiền đi trốn, cũng dễ hiểu thông cảm. Thế nhưng, cái lạ là cả dân giai cấp trung bình, có công ăn việc làm, nơi ăn chốn ở đàng hoàng cũng dzọt… Ở Paris và vùng phụ cận, ở đâu các tiệm thương mãi không còn « ăn khách » như tiệm thuốc lá, loto, tạp hóa, là Tàu mua sang lại. Ngày nay chủ Tàu đầy rẩy, đầu đường, đầu hẻm, Tàu ! Tàu đâu cũng thấy Tàu ! Hết còn những khu đặc biệt như quân 13, Belleville rồi, bây giờ đâu củng thấy Tàu. Rồi gái Tàu đi Tây, làm điếm cũng đầy rẩy, nghề điếm tử tế thì đấm bóp, nào nguyên người-complet, nào nửa người, thậm chí chỉ bóp chơn bóp cẳng. Hết đấm bóp thì nghề cắt tóc (chỉ chưa ráy tai thôi !). Hết nghề đấm bóp, cắt tóc … thì bán sex ! Nào đứng đường, nào complet đủ bộ, nào nửa bộ, và dễ sợ hơn, túng thiếu quá, em đề nghị thỏa mãn nhanh chóng nơi góc cửa, hay cả ngồi ghế đá vườn hoa chỉ với 20 euros thôi ! Và em không chừa một ai ! Tui đây người viết, ông già trên 7 bó nầy cũng bị một em Tàu lẻo đẻo đi theo, đề nghị … mãi không kết quả, và cuối cùng em đành xin 5 đồng euros, hay 1 đồng cũng được, vì hôm ấy trời lạnh và …em đói ! Tôi đành cho em 5 đồng để yên thân và cũng thương hại « thân già… của em », vì em ngó kỹ cũng « đà có tý tuổi rồi » ! Kể chuyện cô điếm Tàu, mà nghĩ đến các cô điếm Việt Nam lang thang tha hương cầu thực, chắc cũng không hơn gì ! Xin lỗi tất cả bà con, tui nầy, nói chuyện thô tục nhơ nhớp, nhưng Thúy Kiều cũng chỉ là một cô điếm được một đại nhà văn nhà thơ kể với một giọng thơ tuyệt vời thôi. Nhưng Kiều là hồng nhan, bạc phận, còn cô điếm Tàu của tôi nhan sắc rất tầm thường, quá tầm thường thế sao cũng bạc phận ? Ôi hay là, đẹp cũng chết, xấu cũng chết !
« Bắt ở trần phải ở trần, cho mai-ô (maillot-áo thun) mới được phần mai-ô ! » là câu nhựt tụng của chúng tôi lúc ở tù Cộng sản. Có anh lấy cái ăn làm trọng, nói « Bắt bobo phải bobo, cho cơm sắn, mới được phần sắn cơm !»
4. Ngó Về Việt Nam
Chúng ta thử đổi tất cả những tên tuối người, địa dư, địa lý Tàu sang tên Việt Nam. Hình ảnh chẳng khác gì, viễn ảnh tương cũng mù mờ bí lối, đen tối như nhau. Nhưng có khác, khác chăng là thằng Tàu là tuy thằng đầu ngọn lãnh đủ, nhưng còn dư tiền dư bạc, còn Việt Nam, chỉ ăn theo, nên … ? Thị trường thằng Tàu lớn trên 1 Tỷ 4 người. Mỗi thằng Tàu bỏ ra 1 dollars mua hàng mỗi ngày, ta kiếm 1Tỷ 4 dollars. Một năm 365 ngày nhơn lên 511 Tỷ dollars một năm. Đó là thị trường đó là hắn mua, còn nếu hắn bán thì với tiềm lực như vậy hắn sẽ làm nhiều chuyện ! Nhưng may quá, ngày nay hắn chạy theo nhiểu giấc mộng vu vơ : làm chủ Biển Đông, làm chủ Thế giới, mở xa lộ dầu hỏa, mở xa lộ vận tải, bành trướng, xâm chiếm kinh tế, xâm chiếm đất đai Phi Châu. Hắn lo làm giàu ở Phi Châu, nhưng quên hẳn người dân ở xứ hắn.
Nền kinh tế nội địa Tàu đang thời kỳ thay đổi, những mẫu phát triển và kiến thiết kiểu cũ, dựa trên nền tảng đầu tư đã đến thời kỳ hết linh rồi ! Dịch vụ và kỹ nghệ thông tin tin học bắt đầu nhập nhưng thị trường nội địa chưa theo kịp, còn quá dựa trên những đòi hỏi căn bản sanh tồn của con người. Trong khi chờ đợi thị trường chuyển hướng theo đà thế giới, thị trường chứng khoán sụt 30% vào tháng 7 vừa qua !
Khác với khủng hoảng năm 2008 bắt đầu từ Huê Kỳ. Lúc ấy, mặc dù mất thị trường Huê Kỳ, Tàu còn đủ sức chận được cơn sóng thần dữ dội do sự xập tiệm của Wall Street : Tàu dám cho giàn máy xây cất thế giới chạy : 500 Tỷ dollars xây xa lộ, xây những phi trường không lồ của Tàu đã cứu nền kinh tế thế giới và Âu Mỹ ( và đặc biệt các nhà thầu xây cất, các kiến trúc sư Âu Mỹ), nhưng cũng tăng nợ các tỉnh các vùng của Tàu và tạo tham nhũng cho các cán bộ chúa vùng của xứ Tàu, và cũng chẳng đem lại những học hỏi hay kinh nghiệm gì về kỹ thuật cho công nhơn Tàu cả.
Ngày nay, Tàu có thể cho máy in tiền chạy. Nhưng không dám, vì Tàu có tham vọng đồng Nguyên sẽ được nhìn nhận là đồng tiền quốc tế. Giấc mơ ấy nay đà thành tựu. Qua năm 2016 đồng Nguyên Nhơn dân tệ-Renminbi sẽ ngang hàng với dollars, euros, pound sterling, yen nhựt để thành một ngoại tệ quốc tế sẽ được dùng để mua bán, thương thuyết, tích trử gọi là Có quyền Rút Vốn Đặc biệt- Special Drawing Rights-SDR. Muốn vậy đồng Yuan-Nguyên phải giữ chữ Tín.
Nhưng chữ Tín gì ? Khi sau khi thị trường chứng khoán trụt dốc 30% ? Trung Ương Đảng phải dùng đại bác để cứu vãn : 144 Tỷ dollars, gần 130 Tỷ euros, được tung ra để cứu các cổ đông Tàu. Sự thực thì, nghe thì dữ tợn đấy nhưng chỉ có tác dụng đối với 7% xã hôi Tàu thôi. Vì 7% ấy là con số tỷ lệ gồm các gia đình Tàu các dân cư thành phố « chơỉ » cổ phiếu thôi – đối lại hai lần nhiều hơn đối với dân Huê kỳ. Riêng các Xí nghiệp Tàu, chỉ có sử dụng nguồn tài chánh đầu tư 5% do tiền từ cổ phiếu. Nhưng cái hệ luận kết quả của cuộc sụp đổ nầy là lòng tin của người âu mỹ quen với lối lý luận âu phương. Từ lâu nay, Tàu vẫn là đầu tầu của ngành kinh tế kỹ nghệ thế giới, ngày nay số 2, lắm lúc còn cả số một kinh tế thế giới, Tàu không thể để thế giới âu phgương mất lòng tin. Và trong lúc tinh thần còn bấp bênh như vậy, Tàu chơi cú « xí mứn » : ngày 11 tháng 8 năm 2015, Tàu hạ giá đồng Yuan-nguyên tệ. Chỉ trong vài giờ Tàu đem đồng Yuan lùi trở về trị giá của năm 2011 đối với dollar. Ngang tàng, phủ phàng, chưa từng thấy từ hai thập niên nay ! Nhưng Beijing trả lời, đem đồng Yuan xuống để nhập bọn với các ngoại tệ trong cái rổ « tiền quốc tế xài chung » (chuẩn bị đơn xin nhập vào tháng 11/2015) và cũng để « cứu giá » ngành xuất cảng Tàu đang cơn nguy ngập ! Cũng có lý, và người âu mỹ chấp nhận và bắt buộc đành bỏ qua ! Chỉ vì thèm thị trường tiêu thụ của Tàu.
5. Một Phương Pháp Khả Thi Có Thể Cứu Kinh Tế Tàu (và Cả Việt Nam)
Kết quả của cuộc khủng hoảng ngày nay ở Tàu, là số công nhơn thất nghiệp và các nhà máy bỏ hoang ! Trong một chế độ mà hơn ¾ hệ thống kỹ nghệ nằm trong tay Đảng. Các xí nghiệp các nhà máy đều là những Xí nghiệp Nhà Nước Quốc Doanh, những Công Ty Thương Nghiệp Quốc Doanh. Công Nhơn là công nhơn viên, nửa thợ nửa cán bộ, Đảng kiểm soát, Đảng quản trị. Đó là những tổ chức khổng lồ, nơi núp bóng của các cán bộ quan lại, đảng viên, đảng tử, đảng tôn, Con Ông Cháu Cha chia ghế nhau … tham nhũng, chia nhau ăn tiền, đây là những giang sơn riêng biệt của phe ông nầy phe quan nọ. Đó cũng là những cổ máy hút tiền, tiêu tiền xài tiền, của công biến của tư. Công tư nhập nhằng. Xài phung phí. Phải dẹp !
Phải thay đổi, phải biến những công ty ấy thành những công ty tư nhơn, quản trị đàng hoàng khoa học như các công ty quốc tế tư bản. Thủ Tướng Ly Keqiang cũng đang mơ làm một việc giống vị tiền nhiệm Zhu Rongji, năm 1990, là đã đuổi 30 triệu cán bộ khỏi những công ty quốc doanh. Nhờ vậy, Tàu đã bước vào một kỷ nguyên mới, hiện đại với những kỹ thuật mới từ dạo ấy. Thế nhưng, ông Lý tuy có nói đến, có nghĩ đến nhưng ông Tập còn bận lo cũng cố địa vị cho cả hai, nên hiện thời chỉ nghĩ đến những hồ sơ chánh trị thôi.
Việt Nam ta cũng vậy ! Đó là khâu phải cải tổ, phải làm. Phải Tư nhơn hóa các Doanh Nghiệp Quốc Doanh. Dẹp hết những cơ sở vô tích sự, nơi tham nhũng, nơi ăn tiền, nơi trốn núp của những tên ăn hại vô tài bất tướng. Tư nhơn hóa hệ thống quản trị ngân hàng, quản trị xí nghiệp, cơ sở thương mại… Chỉ có cách ấy mới cải tổ ngành kinh tế thương mại Tàu và Việt Nam !
Và Để Kết Luận
Trở về Baoshan và những người mingong Tàu:
Toàn dân Baoshan cũng như toàn dân Tàu, cũng như toàn dân Việt Nam – vả cũng như, nói rộng ra, cũng như cả nước Việt Nam, Chánh phủ Việt Nam, Quốc hội Việt Nam, toàn cả Đảng Cộng sản Việt Nam, tất cà nói chung, tất cả đếu là «cán bộ-công nhơn viên» làm việc, phục vụ, phục tùng, cho Đại Công Ty Công Sản và Nhà Nước Tàu!
Ngày nay, phe « đầy tớ Tàu quản trị Việt Nam » thì chỉ biết nhìn ghế, nhìn Đảng, nhìn xem phải bầu ai, bỏ ai, theo ai để hưởng lợi, hưởng lộc… !
Còn phe người dân Việt Nam? Vì bé cổ thấp miệng, bịt mắt, bịt tai, bit miệng, giống người mingong Tàu ở Baoshan vậy! Tất cả chỉ biết nhìn, ráng nhìn, ráng bám vào cái đời sống, bám vào cái cuộc sống, đấu tranh, vật lộn, tranh nhau với vật giá hàng ngày, với giá xăng đang lên, với gạo đang lên giá, vàng đang lên giá… ráng đi chợ hàng ngày, làm sao tìm miếng thịt không độc hại, tìm miếng rau không dơ dáy, ăn qua ngày, sống qua thời…Mãi mãi, cuối cổ, cuối đầu, NÔ LỆ!
Baoshan ngoại ô ven thành phố Shanghai, đất Tàu.
Việt Nam, ngoại ô ven biên (giới) Tàu, (đã) đất Tàu hay (còn) đất Việt ?
Cả hai vùng đất, cùng một thế giới, cùng một giấc mơ, cùng một tham vọng: sống, ăn, ngủ, thở … qua ngày, mãi mãi, nô lệ.
Ave, Caesar, morituri te salutant-Chào Cán bộ, những thằng sắp chết chào mi !
Hồi Nhơn Sơn, Tàn năm 2015
Phan Văn Song