Saturday, 6 February 2016

Danh Hiệu & Nhãn Hiệu - S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Thực sự, việc tôi được đặc cách phong tặng danh hiệu NSƯT từ trước giờ chưa có tiền lệ ... Sự nhìn nhận của Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý văn hoá cho thấy đã có sự cởi mở hơn trong việc xét danh hiệu.
Cuối năm, báo Lao Động hớn hở cho biết một tin vui:
“479 nghệ sĩ xúc động khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú... Chúc mừng các nghệ sĩ được nhận danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao đóng góp của đội ngũ những người có tài năng nghệ thuật, tâm huyết, được đồng nghiệp quý mến, công chúng tin yêu.”
Bên dưới bản tin (vui) tin thượng dẫn – buồn thay – chỉ có vỏn vẹn hai cái phản hồi, cả hai đều hơi ngán ngẩm:
pham van long - 10:41 AM - 11/01/2016
Phong tặng nghệ sĩ quá nhiều ...,sẽ tiếp tục phong tặng... ,giống như phong tặng quá nhiều Tướng lỉnh..., phong tặng anh hùng ,huân chương lao động...,hàng loạt giáo sư tiến sĩ ...có lẽ ra đường gặp các ông các bà hết , hiếm gặp dân đen bao nhiêu , nhưng XH vẫn xuống cấp ,kinh tế chậm phát triển ,đất nước luôn nguy cơ bị xăm lấn ,khoa học kỹ thuật thuộc loại kém của ĐNA
tranngochung - 05:43 PM - 10/01/2016
Không biết đến khi nào mới chấm dứt việc phong tặng các danh hiệu bắt chước nước ngoài đã quá lỗi thời này???
Hổng dám “bắt chước” đâu! Ban phát danh hiệu, huy hiệu, bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận, giấy ghi công, bằng tuyên dương, bằng tưởng thưởng, và đủ kiểu (đủ cỡ) huân chương, huy chương hay huy hiệu ... – xưa nay – vẫn là “sở trường” của nước CSVN mà. 
Chả riêng gì những nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu văn nghệ, đám quan chức trên sân khấu chính trị cũng vẫn được chính phủ ban phát bằng khen hay danh hiệu đều đều – theo như lời than phiền của nhà báo Nguyễn Duy Xuân và nhà giáo Hà Văn Thịnh.
Nguyễn Duy XuânMột thực tế đang diễn ra ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước là hầu như các danh hiệu thi đua cao quí hoặc khen thưởng danh giá hàng năm đều “chia” cho lãnh đạo theo lệ đến hẹn lại lên, lần trước anh lần này tôi. Phải chăng trong bối cảnh hiện nay người lao động không còn có cơ hội để thể hiện mình ? Chả nhẽ chỉ có tầng lớp lãnh đạo mới là hạt nhân của phong trào thi đua yêu nước ? Khi người lao động đứng ngoài “cuộc chơi” thì liệu phong trào ấy còn có ý nghĩa, tác dụng gì ?
Hà Văn ThịnhĐến cả cái danh hiệu thi đua cũng giành hết phần của dân ...
Nói nào ngay thì quả là qúi vị quan chức có “giành” nhưng sao “hết” được mà lo, ông giáo? Cái gì chớ bánh vẽ thì ở nước ta có bao giờ mà thiếu. Dân có phần riêng của họ chớ. Phần này được chế biến theo công thức “đại táo” và phân phối theo phương thức ... đại trà.
Ở đâu mà không có đám “nông dân giác ngộ” hay “công nhân tiên tiến.” Số còn lại nếu không là “trí thức yêu nước” thì cũng cũng là “chiến sĩ thi đua,” “tư sản tiến bộ,” hay “nghệ sĩ nhân dân,” hoặc “nhà giáo ưu tú” cả.
Ở bình diện tập thể, cùng với những gia đình thuộc diện chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ ... còn có vô số những gia đình mẫu mực và gia đình văn hóa nữa. Nhiều nơi còn nới rộng phạm vi gia đình ra tới đơn vị làng xã (văn hoá) luôn, cho nó tiện việc sổ sách.
Ảnh: vnexpress                                                        Ảnh:  nguoixudoai     
Cuối năm 2015, báo Công An Nhân Dân tổng kết:
“Cả nước ta hiện nay có 22 triệu gia đình trong đó có 19 triệu gia đình đạt chuẩn ‘Gia đình văn hoá’, đạt tỉ lệ 85, 03 %. Theo số liệu này, chứng tỏ số lượng gia đình văn hoá của ta đã tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái... Thật hoang mang với sự tồn tại của ‘gần 19 triệu gia đình văn hoá’ trong một khí quyển văn hoá như bây giờ!”
Các anh “công an” cũng làm bộ than “hoang mang” cho nó có vẻ tình cảm (chút xíu) vậy thôi, chớ họ thuộc nằm lòng danh sách số gia đình không được ban phát danh hiệu, và bị dán nhãn hiệu là “gia đình phản động,” “gia đình có kẻ vượt biên, “gia đình có kẻ đi tù” ... Và tất cả đều sẽ bị hành cho tới bến.
Tới lúc đó thì người dân mới hiểu thấm thía nỗi lo âu của những kẻ “bị đảng ruồng bỏ” (hay “trừng phạt”) đáng sợ ra sao:
 “Khi danh sách cử tri được trương lên quanh khu bầu cử từ nhiều ngày trước đó, vợ chồng tôi nhìn nhau mà đọc thấy mối lo không thành lời: Trong những dòng chữ ghi tên họ cử tri chi chít như kiến bò kia có tên tôi không? Không có tên trong danh sách đi bầu thì không chỉ nhục nhã cho mình, cho vợ mà còn khốn nạn suốt đời mình, khốn nạn suốt đời con. 
Vợ tôi đi thám thính, làm như có việc ra Ngã Sáu mua bán cái gì đó, ghé qua xem danh sách như những người vô công rỗi nghề và trở về nhà cố nén để khỏi reo lên: ‘Có tên bố nó. Em xem rồi. Bùi Ngọc Tấn. Mười. Điện Biên Phủ.’ Tôi như vừa qua được căn bệnh hiểm nghèo, thoát khỏi chứng ung thư di căn, dù vẫn còn lo có người nào đó gửi đơn lên trên phản đối.  Tôi lại được vào Nhân Dân rồi! Tôi lại đứng trong hàng ngũ những người được đảng lãnh đạo rồi! Không bị đảng ruồng bỏ trừng phạt nữa!
Tôi đem dán cái chứng chỉ dấu son Gia Đình Văn Hóa Mới, vốn liếng chính trị và tài sản lớn nhất của gia đình, ngay phía trên bàn tiếp khách của tôi và cũng là bàn học của các con tôi. Nơi đập vào mắt mọi người. Để ai đến nhà cũng thấy ngay, biết gia đình tôi đã lại được là một gia đình bình thường như mọi gia đình khác, hơn thế còn là một gia đình văn hóa mới. (Bùi Ngọc Tấn. Hậu Chuyện Kể Năm 2000. Tiếng Quê Hương: Virginia, 2015).
Đã có biết bao nhiêu người Việt vì bị dán cho một cái nhãn hiệu (địa chủ, phú nông, Nhân Văn, xét lại, tư sản ...) mà bỏ mạng. Đôi khi, chỉ cần một cái nhãn rất lờ mờ   là (“có vấn đề”) cũng đủ để ... tàn đời trong ngõ hẹp:
“Thảm cảnh đầu tiên mà tôi và gia đình phải chịu đó là cái đói... Vợ tôi đã nghĩ đến chuyện bán thuốc lá bên lề đường để kiếm sống, nhưng làm sao có được mớ vốn ban đầu và có chút tiền để bôi trơn móng vuốt làm khó của những tên công an hay cán bộ thuế, để chúng để yên cho chúng tôi khó khăn kiếm sống? ... Tôi không thể ra đạp cyclo như một số đồng nghiệp trẻ đang làm, không phải vì chuyện ‘thiên hạ xầm xì’ mà chỉ vì tôi đã không còn ở tuổi để làm chuyện đó: hoặc người ta không dám gọi tôi, hoặc nếu có, số tiền công còm cõi của một hai chuyến đi không đủ để mua thuốc cho tôi lại sức với cái thân thể đã tiều tuỵ lắm rồi...”
“Chúng tôi có một con chó do bạn bè cho. Nó rất khôn và chúng tôi yêu nó lắm. Nhưng nó đã già và chúng tôi không còn khả năng mua cho nó thịt và những thức ăn tăng sức, nó không còn sức đứng lên trong chuồng, ngẩng đầu nhìn tất cả chúng tôi, với một ánh mắt tin yêu của loài vật, chắc chắn với những dòng nước mắt và một nỗi buồn sâu thẳm vì đã đến lúc phải rời chủ. Chúng tôi bật khóc khi nó nấc những hơi thở cuối cùng...”  [Nguyễn Mạnh Tường, Un Excommunié – Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectuel. Trans Nguyễn Quốc Vĩ – “Kẻ Bị Mất Phép Thông Công, Hà Nội 1954-1991: Bản Án Cho Một Trí Thức” (Thông Luận Online)].
Cái thời khốn nạn này, may quá, đã qua. Những cái nhãn hiệu “nguy hiểm chết người” (phản động, tư sản, xét lại, hữu khuynh, vượt biên, phản kháng ...) nay không còn giết chết được ai mà còn khiến cho bao người lấy làm ... vinh dự. Đã thế, không ít những bản án tù của nhà nước CHXHCNVN còn “phong thánh” hay “chấp cánh” cho nạn nhân.
Hình ảnh “vinh quang” khi dân oan Cấn Thị Thêu bước ra khỏi nhà giam đã khiến cho nhà thơ Nguyễn Tường Thụy phải thốt lên vì xúc động: “Chưa một người tù nào được đón rước long trọng và dạt dào tình cảm đến thế.” 
Tương tự, thân mẫu của Việt Khang cũng đã chia sẻ nỗi hân hoan (và niềm hãnh diện) của bà với thông tín viên BBC vào ngày nhạc sĩ mãn hạn tù: “Ngày về của Khang rất ấm áp vì có rất nhiều người cùng chí hướng từ xa đến đón và chúc mừng.”
Nhãn hiệu cùng với mọi hình thức trừng phạt không còn hiệu lực, đã đành, danh hiệu và phần thưởng cũng chả còn khiến cho người nhận lãnh lấy làm vinh dự nữa. Ngày 28 tháng 8 năm 2011, nhật báo Người Việt buồn bã loan tin: 
“Bốn nhà văn lớn từ chối giải thưởng Nhà Nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Gia đình nhà văn Sơn Nam là người mới nhất muốn rút khỏi danh sách đề cử hai giải thưởng văn học trong nước năm nay, là giải Nhà Nước và giải Hồ Chí Minh. Các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm, Nguyên Ngọc, Sơn Tùng, cũng xin rút ra khỏi danh sách dự giải.”
Ngày 20 tháng 01 năm 2013, Báo Mới ái ngại cho hay tiếp:
“Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2012: Chưa trao đã bị từ chối. Trong bức thư gửi lên Chủ tịch và Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Y Ban nêu rõ lý do không nhận bằng khen của Hội: Tôi từ chối không nhận bằng khen. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi không thừa nhận Ban giám khảo này. Tại sao tôi lại phải chấp nhận một Ban giám khảo không đủ Tâm đủ Tầm đủ Tài?”
Vô tài, và bất đức không phải chỉ là những thuộc tính “dành riêng” cho nhân sự của Ban Giám Khảo – Hội Nhà Văn Việt Nam. TheoBBC, vào hôm 9 tháng 1 năm 2013, Nghệ sỹ Kim Chi (người từng tham gia nhiều phim lớn của điện ảnh cách mạng Việt Nam, từ chối làm hồ sơ khen thưởng nghệ sỹ của Thủ tướng Việt Nam) còn tuyên bố:
“Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm.”
Ảnh: Dân Trí
Qua năm nay, may thay, mới có nhân vật cảm thấy “vinh dự” vì được Đảng và Nhà Nước phong tặng là Nghệ Sĩ Ưu Tú. Báo Dân Trí, số ra ngày 10 tháng 1 năm 2016, hân hoan loan báo:  “ ...  lần đầu tiên một nghệ sĩ hải ngoại được đặc cách nhận danh hiệu này.” Đây là một (D) anh hề, Hoài Linh!