Saturday, 6 February 2016

Năm Thân, nói chuyện Khỉ - Kha Lăng Đa

Chúc mừng năm mới Năm nay là năm Thân, kết hợp với thiên can (Bính) thành Bính Thân, túc là năm của con khỉ. Chúng ta không thể nào quên được cái Tết Mậu Thân, 1968 tang tóc, đau thương của dân tộc. Năm khỉ nầy chưa có những biến chuyển gì tốt đẹp cho thế giới và quê hương Việt Nam cả! vì hiện tại thế giới như đại loạn và Việt Nam thì lắm nhiễu nhương. Trung Cộng vẫn hoành hành trên Biển Đông và hiện diện khắp nước Việt Nam với những vùng đất chiếm hữu!

Bắt đầu chuyện khỉ năm nay, chúng ta lược qua những khảo cứu về sinh học. Khỉ là động vật có vú, sinh động, được xếp vào loại động vật thông minh. Có khoảng 200 loại khỉ, đa số sống ở miền nhiệt đới, ở trung tâm nước Mỹ và Nam Mỹ, Phi Châu và Á Châu. Nhiều loại khỉ sống trong rừng và ở trên cây. Vài loại khỉ ở Phi Châu và Á Châu sống trên những thảo nguyên, có cây xanh mọc rải rác. Loại khỉ nầy thường ngủ trên cây hay trên vách đá cao để được an toàn ban đêm. Khỉ sống tập thể nhiều đàn, nhiều giống khác nhau.

Tầm vóc của khỉ cũng khác nhau. Giống khỉ nhỏ nhứt là khỉ đuôi sóc ở Châu Mỹ chỉ cao khoảng 6 inches (15 cm). Giống khỉ lớn nhứt là giống khỉ đầu chó (Mandrill) rất dữ tợn, có thể cao đến 32 inches (81 cm).

Các nhà khoa học phân loại khỉ thành 2 nhóm: “Khỉ Thế giới mới” và “khỉ thế giới cũ”.

1- Khỉ thế giới mới: sống ở trung tâm nước Mỹ và Nam Mỹ. Chúng có nhiều loại khác biệt nhau về màu lông. Nhà khoa học chia chúng thành 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhứt gồm khỉ đuôi sóc Châu Mỹ (Marmosets) và khỉ Tamarin. Nhóm thứ hai gồm tất cả loại khỉ của thế giới mới còn lại như khỉ Capuchins, khỉ Douroucoulis, khỉ hú Howlers, khỉ nhện, khỉ sóc, khỉ lông len (wooly monkeys) và khỉ nhện lông len. Tất cả loại khỉ thế giới mới đều sống trên cây.

2- Khỉ thế giới cũ: gồm khỉ đầu chó, khỉ Colobus, khỉ Guenons, khỉ Á Châu (Langurs) và khỉ đuôi ngắn. Một số khỉ thế giới cũ như khỉ Cobobus, Langrs sống trên cây, ăn lá cây. Nhiều loâi thuộc nhóm nầy lại sống trên mặt đất. Đa số loại khỉ nầy, con đực to gấp 2 lần con cái.

Hai nhóm nầy có những điểm khác nhau về hình dạng và nha thức. Khỉ thế giới mới có 36 cái răng, 2 lỗ mũi trống rỗng và rời xa còn khỉ thế giới cũ thì có 32 cái răng và 2 lỗ mũi sát nhau. Một số khỉ thế giới mới có thể tóm lấy đồ vật bằng cái đuôi của nó mà khỉ thế giới cũ không làm được như thế. Khỉ thế giới cũ có ngón tay cái quay ngược chiều với các ngón thường, nhờ vậy, nó gắp được món ăn nhỏ. Khỉ thế giới mới không có khả năng như thế. Hai loại khỉ thế giới mới là khỉ nhện và khỉ lông len có ngón tay cái nhỏ xíu hoặc không có ngón cái. Đặc biệt khỉ Colobus của nhóm thế giới cũ không có ngón tay cái.

Nhiều người tin rằng loại khỉ không đuôi, khỉ Bonobos, khỉ đột đen Châu Phi (Chimpanzees), vượn, con đười ươi và khỉ dã nhân (Gorillas) chính là giống khỉ. Loại khỉ không đuôi thông minh hơn loại khỉ có đuôi. Đa số loại khỉ có đuôi, ngoại trừ loại khỉ không đuôi, giống hình người (Apes) thì nhỏ hơn loại khỉ không đuôi. Khỉ có đuôi leo trèo rất giỏi còn khỉ không đuôi chỉ chạy nhảy, chuyền cành. Khỉ sống trên mặt đất khỉ có đuôi ngán hơn khỉ sống trên cây. Khỉ sống trên cây có đuôi dài hơn thân mình của chúng. Cái đuôi, chúng dùng để giữ thăng bằng trên cây còn là cái thắng (Airbreake) để làm chậm lại sự rơi xuống khi chúng nó nhảy từ cây nầy sang cây khác.

Tất cả giống khỉ sống trên mặt đất là thế hệ con cháu nối dõi của giống khỉ sống trên cây. Chân của chúng thì mạnh hơn tay. Ngón chân lớn như ngón tay cái giúp cho khỉ có khả năng đặc biệt là gắp đồ vật.

Khỉ sống thọ hơn động vật có vú khác. Khỉ Capuchins có thể sống đến 40 tuổi. Khỉ đầu chó và một số khỉ đuôi ngắn có thể sống đến 30 năm.

Thức ăn của khỉ là lá cây, hoa quả, trứng chim, ếch nhái, cỏ, côn trùng, thằn lằn, quả hạch (nuts) và rễ cây. Khỉ đầu chó có thể ăn thịt con linh dương (antelop).

Đa số loại khỉ, mỗi lần sinh một con khỉ con. Khỉ đuôi sóc Mỹ Châu và khỉ Tamarins thỉnh thoảng sinh đôi hoặc sinh ba. Các nhà khoa học chưa biết hết thời gian mang thai của nhiều loại khỉ, nhưng khỉ cái của một số loài khỉ mang thai khoảng 4 tháng rưỡi tới 8 tháng.
 
 Tuỳ theo giống, khỉ con sống nhờ sữa mẹ từ vài tuần lễ đến 2 năm. Khỉ mẹ mang khỉ con ở bụng, ở lưng cho đến khi khỉ con di chuyển an toàn. Ba loại khỉ thuộc nhóm thế giới mới là khỉ Douroucoulis, khỉ đuôi sóc Mỹ Châu và khỉ Titis, khỉ cha cỏng khỉ con trên lưng để khỉ mẹ cho con ăn.

Khỉ sống thành đàn. Một đàn khỉ thế giới mới có 20 con. Một đàn khỉ thế giới cũ có từ 30 tới 100 con. Có 3 loại đàn: đàn gia đình, đàn có 1 con khỉ đực và đàn có nhiều khỉ đực.

Đàn gia đình gồm có khỉ đực, khỉ cái và nhiều khỉ con.
 
Có ít nhứt 3 loại khỉ thuộc nhóm thế giới mới sống trong tập thể đàn gia đình: khỉ Sakis, khỉ Titis và khỉ cú. Ba loại khỉ thuộc nhóm thế giới cũ cũng sống trong đàn gia đình là khỉ Guenons của Brazza, khỉ Langurs Châu Á của đảo Mentawi và khỉ mặt cú của Hamlyn.

Đàn có nhiều khỉ đực thì số khỉ đực gấp 2 khỉ cái và khỉ con. Đa số khỉ thế giới mới sống thành đàn như thế, gồm có khỉ Capuchins, khỉ hú, khỉ nhện, khỉ sóc, khỉ đuôi sóc Mỹ Châu. Nhiều loại khỉ thế giới cũ cũng sống trong hình thức đàn nầy , gồm khỉ đuôi ngắn Maquaques và đa số khỉ đầu chó Baloons.

Đàn có một con khỉ đực gồm có một con khỉ đực lớn, vài con khỉ cái lớn, và nhiều khỉ con. Hầu hết khỉ thế giới cũ sống trong những đàn nầy như khỉ Guenons, khỉ Geladas và khỉ đầu chó Hamadryas.

Thường thì khỉ sống trên cây tổ chức tập thể lỏng lẻo hơn khỉ dưới đất. Sự lãnh đạo của khỉ đầu đàn không kiên quyết và kiểm soát khỉ thuộc hạ sơ sài. Khỉ cái trong đàn có thể kết đôi bạn với khỉ khác. Khỉ con lớn lên, có thể lìa đàn và khỉ lạ có thể nhập đàn.

Khỉ sống trên mặt đất đa số là khỉ đầu chó, tổ chức đàn chặt chẻ hơn. Đàn khép kín, ít có khỉ trong đàn ra khỏi đàn và ít khỉ lạ gia nhập. Vài con khỉ đực kiểm soát gắt gao, trừng phạt khi “thuộc hạ” phạm lỗi, bảo vệ đàn chống lại kẻ thù.

Kẻ thù của khỉ sống trên cây là chim đại bang, có thể bắt khỉ con và cả khỉ lớn bằng đôi chân móng vuốt của nó để ăn thịt. Kẻ thù của khỉ sống trên mặt đất là báo gấm (Cheetahs), linh cẩu (Hyenas), chó rừng (Jackals), báo (Leopards) và sư tử. Vì sự sinh tồn, nên chúng phải tổ chức chặt chẻ.

Học thuyết tiến hoá của Charles Dawin (1809-1882) cho là thủ tổ loài người là giống vượn không đúng. Học thuyết nầy đã gây ra nhiều cuộc bút chiến sôi nổi đối với những nhà thần học, tôn giáo. Rốt cuộc, con vượn vẫn là con vượn và con người vẫn là con người!

Mật khỉ trị được chứng bệnh kinh phong rất hữu hiệu. Người ta còn nấu cao khỉ để chữa trị các chứng phong và thêm dinh dưỡng thể lực. Món ăn đặc biệt mà Bà Từ Hy Thái Hậu đời nhà Thanh đãi phái đoàn Tây Phương gồm 400 người là món óc khỉ, trong dịp mừng Xuân Canh Tý 1874. Thái hậu đặt thợ săn phải bắt sống tối thiểu là 80 con khỉ ở vùng Thiên Hoa Sơn, thuộc tỉnh Sơn Đông. Loại khỉ nầy ăn trái ngọc căn lê và rất tinh khôn, khó đánh bẫy và săn bắn được nó, mỗi con khỉ, Thái hậu trả giá 10 lượng vàng. Khi đãi tiệc, họ đặt khỉ trong cái hộp chật hẹp đầu khỉ ló lên và được giữ chặt bằng một cái gông. Khi ăn, người phục vụ dung dao bén phớt ngang gần đỉnh đầu của khỉ. Óc khỉ được dùng muỗng múc ra, xối nước sâm nóng lên cho tái trước khi ăn.

Ở Trung quốc có một loại trà nổi tiếng, gọi là trà bạch hầu. Người ta nuôi loại khỉ lông trắng và huấn luyện cho nó leo lên đỉnh núi cao chót vót hái một loại trà quý về và biến chế ra loại trà mang tên là trà bạch hầu.

Phái Thiếu Lâm Tự có môn võ gọi là “hầu quyền” là ngón đòn “võ khỉ” mà đường quyền múa như con khỉ nhảy nhót. Khỉ có năng khiếu bắt chước nên được huấn luyện làm xiếc, hái trà, hái dừa...

Chuyện kể một anh chàng bán nón quảy gánh đi qua một cánh rừng. Anh dừng chân, ngồi tựa gốc cây nghỉ mệt và ngủ thiếp đi, trên đầu anh còn đội cái nón nỉ. Một đàn khỉ xuất hiện, lấy hết số nón của anh để trong đôi quang gánh. Chúng bắt chưc đội nón giống như chàng bán nón đang ngồi ngủ. Bỗng anh chàng giựt mình thức giấc, cả đàn khỉ trèo nhanh lên cây. Chàng bán nón hoảng hốt khi thấy số nón của mình đã bị đàn khỉ lấy hết và đội trên đầu, ngồi ở trên cây, kêu chí choé. Anh ta không biết làm sao để lấy lai số nón. Anh mếu máo muốn khóc và tức giận, giở chiếc nón trên đầu mình ném mạnh xuống đất. May mắn thay, đàn khỉ cũng bắt chước anh, cả đàn đều giở nón ra và ném xuống đất. Nhờ vậy, anh chàng bán nón đã thu hồi được số nón bị khỉ lấy.

Trong văn chuơng bình dân Việt Nam có câu tục ngữ: “Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà” để ám chỉ những người lầm lẫn chứa chấp, nuôi dưỡng những kẻ vô dụng, ăn hại. Có nhiều người hay hù doạ kẻ khac bằng lời lẽ, hành động nhưng vô hiệu quả, người ta gọi là “Rung cây nhát khỉ”. Những vùng quê hẻo lánh, ít người lui tới, người ta thường bảo là chỗ “Khỉ ho có gáy”. Người ta thường dùng hình ảnh con khỉ để ví von khi diễn tả con người như “ khỉ mắc phong”, “ khỉ ăn ớt” . Ở vùng Cà Mau, Bạc Liêu có câu ca dao:

Tháng ba, cơm gói ra hòn,
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang mai.

Tiếng địa phương “mai” là con khỉ. Tôi dã được nghe một chị hát ru con 2 câu ca dao trên và thêm 2 câu nữa:

Hang mai anh cũng muốn lòn,
Sợ e trứng nhạn nó còn vỏ không.

Vậy thì 2 câu trên cũng có nghĩa bóng, ví von của các nàng muốn ngõ ý với các chàng: “ Muốn lấy em thì phải nhờ mai mối”. Các chàng tỏ ý hoài nghi, sợ rằng nhụy hoa thắm, các nàng đã trao cho kẻ khác (“sợ e trứng nhạn nó còn vỏ không”).

Câu ca dao diễn tả tình thương của người mẹ đối với con:

Vượn xa con có ngày vượn rủ,
Mẹ xa con rồi mặt ủ mày châu.

Và câu ca dao tả nỗi lòng nàng con gái đi lấy chồng xa, nhớ thương mẹ hiền:

Má ơi! đừng gã con xa,
Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu!?

Vào thời Trịnh Khải (1783), thế lực Chúa Trịnh đã suy tàn. Vậy mà Đặng Kim, mang tước hầu còn theo nịnh bợ, xin làm con nuôi nhà chúa (chữ “hầu” còn có nghĩa là khỉ) và đổi tên lại là Trịnh An. Một hôm, trên vách tường nhà Đặng Kim có ai lén vẽ cây cổ thụ, cành lá trơ trụi, đang xiêu đổ, trên chạc cây có một con khỉ đang nằm ngủ. Phía dưới có đề câu thơ:

Khỉ ơi! tĩnh ngộ đi thôi,
Đừng chờ cây đổ đi đời nhà ma.
 Đặng Kim tĩnh ngộ lấy lại tên cũ, từ quan, về nhà. Khi triều đình Trịnh Khải sụp đổ, ông không bị liên lụy.

Câu ca dao ngày xưa so sánh Cần Thơ dập dìu nam thanh, nữ tú và Rạch Giá buồn bả, thưa người:

Xứ Cần Thơ nam thanh nữ tú,
Xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu.

Một bài đồng dao có nhắc đến khỉ, ngày trước trẻ con thường hát:

Chơi với nơm thì nơm cho cá,
Chơi với ná thì ná cho chim,
Chơi với kim thì kim cho chỉ,
Chơi với khỉ thì khỉ cho bần.
Trả bần cho khỉ,
Trả chỉ cho kim,
Trả chim cho ná,
Trả cá cho nơm...

Tiếng con vượn kêu giữa rừng hoang vắng nghe buồn não nuột. Trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, lúc Kiều đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe trong tiệc rượu có những câu:

Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây rỉ máu năm đần ngón tay.
Ve ngâm, vượn hót nào tầy,
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.

Chữ “đoạn trường” mà văn chương Việt Nam dung để diễn tả nỗi đau đớn tột cùng trùng họp với câu chuyện của người thợ săn miền Trung Du Bắc Việt ngày xưa. Hôm ấy, người thợ săn bắn chết một con vượn mẹ đang cõng con vượn con trên lưng. Vượn con kêu la thảm thiết bên xác mẹ; Người thợ săn bắt sống nó về nhà. Ngày hôm sau, vượn con chết. Người thợ săn làm thịt, khi mỗ bụng nó ra thì thấy thất ruột nó bị đứt đoạn.

Con khỉ nổi tiếng, chọc trời khuấy nước, náo loạn thiên đình, làm chấn động thủy cung là con khỉ xuất thân từ Động Thủy Liêm, tức Tôn Ngộ Không, võ nghệ và pháp thuật cao siêu, khi thuần tĩnh, đã theo Đường Tăng đi thỉnh kinh ở Thiên Trúc.

Huyền thoại về con King Kông, loại khỉ khổng lồ đã được nhiều được nghệ thuật điện ảnh khai thác, dựng thành phim ly kỳ, hấp dẫn.

Trong câu cuối của 4 câu Sấm Trạng Trình: “Thân Dậu niên lai kiến thái bình” đã gieo niềm hy vọng cho nhân dân Việt Nam. Nhưng, năm nay là năm Thân rồi mà tình hình vẫn chưa thấy biến chuyển. Trung Cộng gậm nhấm dần từng phần đất của giang san Hồng Lạc, giặc thù ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bồi đấp thêm đảo nhân tạo, lập căn cứ quân sự, đánh đắm thuyền và sát hại ngư dân Việt Nam.

Mong rằng Sấm Trạng Trình sẽ ứng nghiệm vào năm nay và năm Đinh Dậu vì chế độ nào không hợp với lòng dân ý Trời, thì không chóng thì chầy cũng phải sụp đổ đúng như câu
 “Thiên bất dung gian”.
 


02/02/2016
Kha Lăng Đa