Nhiều độc giả đã đặt ra câu hỏi về sự lợi hại của việc ăn thịt so với ăn chay. Một số cho rằng ăn thịt mới bổ và khoẻ, “tăng cường sinh lý” nhất là khi ăn thịt bò tái chẳng hạn. Một số khác cho rằng ăn thịt là độc, là nguồn gốc của các chứng bệnh như truỵ tim, tiểu đường, và kể cả ung thư. Ngược lại, không ít người ăn chay trường lại bị bệnh “Mỡ, Đường, Máu” và vẫn bị các chứng bệnh tim mạch, có khi vẫn không tránh khỏi ung thư!
Thế thì đâu là thực, đâu là hư?
Tôi đã từng nói là, nhân loại sống còn và cao lớn như ngày nay nhờ có ăn thịt. Chúng ta hãy nhìn vào thế hệ con em người Việt sanh trưởng ở hải ngoại sẽ thấy họ to lớn cao ráo không thua gì người bản xứ, cũng nhờ có ăn thịt. Tuy nhiên nghiên cứu cũng cho thấy trên lý thuyết, cơ thể không cần ăn nhiều thịt sau tuổi trưởng thành. Trong khi đó, gần đây cơ quan WHO (World Health Oganization, Tổ Chức Y Tế Quốc Tế) cho biết, nếu ăn nhiều thịt chế biến như thịt xúc xích, thịt sườn muối, cũng như thịt đỏ (thịt của các loại động vật 4 chân, thịt đùi của các loại gà vịt) có thể gây ra ung thư.
Dựa trên quan điểm sức khoẻ, chúng ta cần phân tách một cách khoa học, có phải ăn thịt là nguồn cội của bệnh tim mạch, bệnh ung thư và làm người ta chết sớm hay không? Hoặc giả, ăn thịt có thể giúp người ta sống lâu, trường thọ, như đã thấy trong nhiều bộ tộc người Mỹ Da Đỏ tuy chỉ ăn bò rừng và không ít người sống lâu hơn trăm tuổi.
Vấn đề thiếu sót khi so sánh lợi ích của việc ăn thịt và ăn chay chính vì người ta quên mất một phần lớn tạo nên sự cân bằng trong chế độ ăn uống là rau cải, trái cây, và dĩ nhiên là cả đường và tinh bột.
Những người ăn thịt và bị bệnh tim mạch, hay bị ung thư đa phần là những người trước hết không có một nếp sống lành mạnh, thí dụ như, ăn uống nhiều đường và tinh bột, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, thích… nhậu nhẹt tới… bến. Nhất là trong mùa Superbowl ở Mỹ, không tin bạn cứ xem quảng cáo khuyến mãi trên ti vi, toàn là đồ ăn, nhất là các loại đồ ăn biến chế, đồ hộp, đồ đóng bao đóng bì, ăn vào dễ bị sưng, viêm, lở loét mạch máu! Không trách gì, những người ăn thịt kiểu này, ngày càng béo phì, càng dễ bị bệnh tim mạch.
Ngược lại những người ăn chay trường, nhưng kém vận động, và ăn nhiều chất ngọt, nhiều tinh bột, cũng dễ bị cao mỡ, cao máu, cao đường, và cũng bị bệnh tim mạch như mọi người khác.
Ăn gì thì ăn, ăn thịt hay ăn chay, những chủ yếu là nếp sống phải tốt, nghĩa là năng vận động, ăn nhiều rau trái, ít đường và tinh bột, đều có thể tránh khỏi các loại bệnh nan y, hiểm nghèo. Có một nghiên cứu, theo dõi 11,000 người tình nguyện, trong đó 57% ăn thịt, và 43% ăn chay trường, và cả hai nhóm đều có nếp sống lành mạnh. Kết quả cho thấy nguy cơ tử vong trong cả hai bên đều giảm đi bằng nhau, nghĩa là một nửa so với những người ăn uống… bậy bạ. Kết luận cho thấy ăn chay cũng chẳng lợi hơn, và ăn thịt cũng chẳng hại hơn khi nói đến nguy cơ bị truỵ tim hay bị ung thư.
Khi nói đến ăn thịt, xin định nghĩa cho rõ là các loại thịt từ thú vật được nuôi theo chế độ nông nghiệp: bò cho ăn cỏ, gà cho ăn thóc, và được thả cho đi lại trên đồng chứ không phải thú vật nuôi theo kiểu công nghệ, ăn bắp và bị nhốt trong chuồng trại, được cho ăn các loại thuốc kích thích tăng trưởng như growth hormone, nhồi nhét thuốc trụ sinh.
Một câu hỏi nhỏ thường được đặt ra là ăn thịt mỡ có bị nghẽn mạch máu tim không? Thật ra có hai loại mỡ đặc có thể gây ra bệnh tim là stearic và palmitic acid, nhưng hai thứ mỡ nầy không đến từ thịt, mà lại do chính lá gan của bạn sản xuất ra, biến chế từ… đường và tinh bột. Dĩ nhiên, khi nói ăn thịt mỡ, bạn nên trách các loại mỡ có trong các thức ăn như hamburger chẳng hạn.
Nếu quyết định ăn thịt, thì nên để ý các điều sau đây:
1. Nên chọn các loại thịt nuôi theo lối nông nghiệp. Và ăn… ít thôi. Chủ yếu là rau trái, chiếm 50% đến 75% thức ăn mỗi ngày.
2. Hạn chế ăn thịt đỏ. Tránh ăn các loại thịt biến chế, thịt đóng hộp. Cá nhân tôi chỉ ăn rau là chủ yếu, lâu lâu “ngày lễ”, thêm chút tôm, chút cá, kẹt lắm thì chút thịt gà.
3. “Nấu nhưng không nướng” thịt, nghĩa là tránh nướng, chiên, hun khói thịt. Ở nhiệt độ cao, khi bị cháy khét, các loại thịt nầy sẽ tiết ra các chất polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs) và heterocyclic amines (HCAs) mà nghiên cứu cho thấy có thể gây ra ung thư. Việc tránh nấu nướng ở nhiệt độ cao cũng tránh khi chiên cá, nướng khoai tây v.v…
Thông điệp tóm gọn của bài viết nầy về việc ăn thịt rất đơn giản: ăn gì thì ăn nhưng chủ yếu là nếp sống về cơ bản phải tốt, tránh ăn thịt chế biến, tránh ăn nhiều đường và tinh bột, và tránh các loại dầu mỡ có chứa nhiều chất omega-6, có thể làm cho mạch máu mau lở loét và bị nghẹt mau chóng.