Saturday 6 February 2016

Mừng cho ly rượu - IANBUI

Bên Mỹ vào đêm tất niên, khi đồng hồ điểm 12 giờ khuya để bước sang năm mới, mọi người nâng ly đồng ca bài nhạc cổ mang tên “Auld Lang Syne”. Người Việt ta hay gọi nó là bài “Ò e” mặc dù chẳng ai biết nguồn gốc ra sao. Nghe mấy người lớn tuổi kể rằng ngày xưa các rạp hát ở Sài Gòn hay chơi bài này khi vãn tuồng. Con nít trong xóm thì hay nghêu ngao “ò e rô-be đánh đu, tạc-răng nhảy dù…” Và như thế nó biến thành một bài vè bình dân hồi nào không ai biết.
mungcho ly ruou 01
Tác giả và ba người con hợp tấu “Ly Rượu Mừng”
Thật ra, “Auld Lang Syne” là tiếng Tô-Cách-Lan (Scotland) có nghĩa là “Tự thuở xa xưa” (old long since). Lời bài này do thi sĩ Robert Burns đặt, dựa trên một giai điệu dân ca Tô-Cách-Lan mà ông được một cụ già hát cho nghe. Ông chép lại và cho xuất bản năm 1788. Những người di dân từ Anh-quốc và Ái-Nhĩ-Lan sau đó đã mang bài nhạc này sang vùng đất mới, và dần dà nó biến thành bài hát “kinh điển” trong dịp đầu năm ở Mỹ và các nước Âu Châu. Nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng tiếng Việt thì xưa nay chỉ thấy có bài “ò e”.  Tiếng Anh của nó như sau:
Should old acquaintance be forgot
And never brought to mind
Should old acquaintance be forgot
And days of auld land syne.

For auld lang syne, my dear
For auld lang syne.
We’ll take a cup of kindness yet
For auld lang syne.
Tạm dịch:
Dẫu cho người bạn thuở nào có quên ta,
cũng xin nâng chén rượu này
để tưởng nhớ ngày xưa.
Gần đây tôi cũng có đặt lời Việt cho bài này để hát trong các buổi tiệc tất-niên. Giả dụ mai đây nó có trở thành một bài “kinh điển” để hát vào dịp đầu năm thì xin cảm ơn thi sĩ Robert Burns đã tạo nguồn cảm hứng vậy:
mungcho ly ruou 01
Robert Burns
Mừng Năm Mới
Giờ đây một năm đã qua
Và ta đón chào
Mùa Xuân đang tới
Hát lên câu ca bình-an
Hoà vang tiếng cười
Tràn đầy niềm vui
Dẫu cho có lúc hợp tan
Thời gian cách chia
Người về thương nhớ
Hãy nâng cao ly rượu này
Và mong có ngày
Mình lại gặp nhau.
Hãy nâng cao ly rượu này
Và cùng nắm tay
“Chào mừng năm mới!”
Chúc cho thế giới bình yên
Ðoàn viên thái hòa
Nhà nhà mừng vui
                                      -ianbui (2015)
Nhưng nếu nói về nhạc Xuân “kinh điển” thì có lẽ không bài nào qua mặt được “Ly Rượu Mừng” của Phạm Ðình Chương, ít ra là trong miền Nam trước 75 và tại hải ngoại, vì từ đó đến nay bài Xuân ca này bị “cấm hát” ở trong nước. Thế nhưng vào ngày 8-1-2016 vừa qua, tin trong nước:“Ca khúc ‘Ly Rượu Mừng’ của cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương vừa được Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL cấp phép phổ biến.” (VH-TT&DL là chữ viết tắt cho Bộ Văn Hoá, Thể Thao và Du Lịch)
mungcho ly ruou 01
Bìa bản nhạc Ly Rượu Mừng
Bài báo cũng nói thêm rằng một dĩa CD nhạc Xuân 2016, cùng mang tên “Ly Rượu Mừng”, sẽ được nhóm Phương-Nam Film (PNF) phát-hành vào ngày 14-1  (nghĩa là kịp cho bà con mua về nghe trong dịp Tết Bính-Thân). Ngoài ra, bài báo còn cho biết:
“Ðánh dấu sự trở lại của Ly Rượu Mừng, PNF cũng thực hiện một video clip cho nhạc phẩm Ly Rượu Mừng với ý tưởng về sự sum họp, một cái Tết đầm ấm bên gia đình. Video clip do đạo diễn Danny Nguyễn thực hiện sẽ được phát hành qua các trang mạng âm nhạc trực tuyến cùng lúc với album Xuân 2016.”
Chắc chắn đây là một quyết-định đã được “Cục và Bộ” cân nhắc kỹ lưỡng và phê duyệt từ lâu, nhưng vì một lý do bí ẩn nào đó mà đến hôm nay bàn dân thiên hạ mới được cho hay. Nhưng không hề chi, thà trễ còn hơn không. Như vậy đây là lần đầu tiên kể từ tháng tư 1975 dân Việt khắp ba miền đất nước được “hát khúc hoan ca, chúc người người vui” mà không sợ bị công an văn hoá hỏi thăm sức khoẻ. Ước gì nhạc sĩ Phạm Ðình Chương còn sống để nghe chuyện này, chắc ông sẽ rất ngậm ngùi.
Theo lời kể của cố nhạc sĩ, bài “Ly Rượu Mừng” được xuất bản vào năm 1955 ở Sài Gòn. Thời đó ban Hợp Ca Thăng-Long đang làm mưa làm gió tại các phòng trà ca nhạc của thành phố. Hoài Bắc (Phạm Ðình Chương) và anh là Hoài Trung (Phạm Ðình Viêm) cùng với chị là Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái) và cô em Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh) là bốn cột trụ của ban Thăng Long, cộng với giọng ca Khánh Ngọc (sau là vợ của Phạm Ðình Chương) và thỉnh thoảng tăng cường thêm Phạm Duy (sau là chồng của Thái Hằng). 
Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, có thể nói ban hợp ca Thăng Long là một hiện tượng hết sức đặc biệt. Ðồng thời, nó là một biểu tượng sáng chói của dòng âm nhạc “Bắc Kỳ di cư”, và đã đóng góp rất nhiều cho nền văn nghệ miền Nam thời kỳ 54-75. Ta cũng có thể khẳng định rằng từ đó đến nay, qua hơn nửa thế kỷ thăng trầm, từ Nam chí Bắc tại Việt Nam vẫn chưa có một ban nhạc gia đình nào xứng tầm mấy anh chị em Hoài Bắc/Hoài Trung trên phương diện diễn xuất lẫn sáng tác, mà nhân vật chủ lực là Phạm Ðình Chương.
Mặc dù bài “Ly Rượu Mừng” đã được rất nhiều ca sĩ hát lại, nhưng chỉ khi nghe ban Thăng Long hợp xướng ta mới hiểu vì sao thuở ấy ban nhạc này được dân Sài Gòn mến mộ đến mức như vậy. Về mặt hợp âm, ban Thăng Long có một phong cách hát bè rất mới mẻ và độc đáo, không thua gì những ban nhạc nổi tiếng của Mỹ sau này như “Peter, Paul and Mary”. Về mặt sáng tạo, những nhạc phẩm của Phạm Ðình Chương đã đưa ban Thăng Long lên hàng đầu bởi vì thời đó (cũng như thời nay) rất hiếm có ca sĩ Việt hát nhạc do mình sáng tác. Mà là nhạc hay nữa!
Hãy nghe lại lời mở đầu bài “Ly Rượu Mừng”:
“Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi:
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi,
Người thương gia lợi-tức,
Người công nhân ấm no,
Thoát ly đời gian lao nghèo khó.”
Một thông-điệp hết sức đơn sơ và bình dân, không cường điệu, rất “hợp rơ” với xã hội Việt Nam vào thời điểm đó, khi nền kinh tế mới bắt đầu được cơ khí hoá. Dẫn đầu tuy vẫn là nông nghiệp nhưng thêm vào đó các ngành kỹ nghệ nhẹ đã xuất hiện, sự giao thương với các nước ngoài cũng đang phát triển. So với hôm nay có lẽ cũng không khác gì mấy. Thế nhưng, lúc ấy đất nước đang rơi vào cuộc chiến chinh, nên ta lại phải:
“Rót thêm tràn đầy chén quan san,
chúc người binh sĩ lên đàng”
Tuy cũng là rượu đấy, nhưng đây lại là ly rượu “mừng người vì nước quên thân mình.” Tiếp theo đó ta gởi lời chúc hạnh phúc đến “đôi uyên ương”, ta “cạn ly cùng người nghệ sĩ”, rồi tất cả mọi người“vang lên lời ước thiêng liêng: Chúc non sông hoà bình, hoà bình!”
Khi Phạm Ðình Chương viết những lời này đất nước vừa mới bị chia đôi bởi Hiệp định Genève. Chiến cuộc chưa đến nỗi khốc liệt và giấc mơ hồi hương có lẽ còn rất sâu đậm trong lòng người di dân. Không một ai có thể tưởng tượng nổi bao nhiêu máu xương còn sẽ phải tuôn rơi, kể cả sau ngày im tiếng súng. Cái “ngày ấy quê hương yên vui” nghe như gần nhưng vẫn còn rất xa, và Phạm Ðình Chương sẽ không bao giờ có dịp trở về “trong chén tình đầy vơi” để biết mặt mũi nó ra làm sao.
mungcho ly ruou 01
Phạm Duy (trái) và ban hợp ca Thăng Long
Tuy nhiên, có lẽ tự sâu trong tiềm thức, người nghệ sĩ đã linh cảm rằng ước mơ này sẽ không được suôn sẻ, cho nên lời và nhạc đang đi với nhau ngon trớn bỗng dưng trật khớp, làm cho người hát lẫn người nghe đều bị hẫng nửa nhịp. Những ai đã từng hát bài này đều rõ, câu “Ngày máu xương thôi tuôn rơi, ngày ấy quê hương yên vui...” chỏi nhịp bất thình lình. Phải đến câu “Ðợi anh về trong chén...” thì ta mới được trả về với điệu Valse nhịp nhàng quen thuộc. Lúc đó mọi người mới có thể thở phào nhẹ nhõm và rống hết ga: “Á a a à... Hãy chúc ngày mai sáng trời Tự-Do” mà không sợ... trật nhịp! 
Nhưng có lẽ đoạn nhạc hóc hiểm này cũng là nhược điểm của nhạc phẩm mà lúc đó tác giả không thể nào lường trước được. Bởi vì đâu có thể ngờ rằng hai mươi năm sau hai chữ “Tự do” (không gì quý bằng) kia lại được liệt vào hàng những cụm từ “phản động” nhất nước. Ai mở miệng hát đòi “Tự do” là được “Cục và Bộ” cho đi “cải tạo” liền.
Có phải vì cái “Tự do” ấy mà ly rượu của Phạm Ðình Chương mấy chục năm nay không ai cho rót? Có trời mới biết. Dù gì đi nữa ta cũng nên lấy làm vui và hy vọng cái “ngày mai sáng trời tự do” kia không còn xa mấy. Mời bạn nâng ly cùng hát với tôi!
Ianbui - 2016.01