Saturday, 6 February 2016

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc 5-2-2016

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta

CẤM CẢ NHỮNG ƯỚC AO BÌNH THƯỜNG NHẤT
Mới đây, tin từ trong nước cho biết một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của Phạm Đình Chương, bài Ly Rượu Mừng, ca khúc không thể thiếu trong dịp xuân về, từng được hát lên từ hơn một nửa thế kỷ nay ở trong nước cũng như ở ngoài nước, cuối cùng đã được "cho phép" cất lên ở trong nước.
Tức là trong 40 năm qua, bài hát này chỉ được hát một cách lén lút ở Việt Nam.

Phạm Đình Chương sáng tác bản nhạc này năm 1955 chứ không phải năm 1952 như một số chi tiết trong nước đã cho biết về ca khúc này. Người ta không muốn cho ca khúc này được viết ra dưới chế độ miền Nam.
Nhưng phần lời ca của bản nhạc cho thấy nó không thể ra đời trước năm 1954.
Chuyện cấm không cho một tác phẩm nghệ thuật được phổ biến là chuyện không hiếm trên thế giới. Lý do có thể là vì nó không phù hợp hay đi ngược lại đường lối, lập trường chính trị của một chế độ hay một chính phủ nào đó. Hay cũng có thể tác giả là người phía "bên kia". Trong trường hợp này, phải nói là miền Nam cởi mở hơn miến Bắc rất nhiều. Các ca khúc của các tác giả ở lại miền Bắc đều được trình bầy tự do ở miền Nam. Các tác phẩm của Đoàn Chuẩn, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Văn Cao... đều được phổ biến ở miền Nam trong khi chúng lại bị cấm ở miền Bắc. Trong khi đó, ngay cả những tác giả thiên về phía bên kia tác phẩm của họ cũng không hề bị ngăn cấm. Trịnh Công Sơn là một. Phạm Trọng Cầu, Miên Đức Thắng... là những trường hợp khác.
Một lý do khác để cấm phổ biến những tác phẩm nghệ thuật là nội dung, lời ca không phù hợp với khung cảnh, tình hình, cục diện. Miền Nam, về phương diện này cũng cởi mở và dễ dàng hơn miền Bắc.
Bài Ly Rượu Mừng bị cấm hát lên từ 40 năm nay ở trong nước vì nó rơi vào cả hai trường hợp để phải cấm. Nhưng chuyện cấm nó, tuy không có ghi trong một văn bản rõ ràng nào, là một quyết định thậm vô lý.
Tạm bỏ qua chuyện chính trị như Phạm Đình Chương viết bản nhạc này ở Sài Gòn, không ở Hà Nội. Hay Phạm Đình Chương đã cùng gia đình vượt biên đi tìm tự do. Nghe lại các tác phẩm của ông, người ta bao giờ cũng thấy những ao ước, những cơn mơ tốt đẹp, những hy vọng tươi đẹp cho một ngày mai, cho một tương lai hạnh phúc chan hòa, cho con người. Cho dù đó là Hò Leo Núi, Nhạc Tuổi Xanh, Xóm Đêm...
Trở lại với phần lời ca của Ly Rượu Mừng.
Bản nhạc được viết với nhịp 3/4, nhịp valse vui tươi trẻ trung đã trở thành một ca khúc được cất lên trong suốt nhiều năm ở miền Nam. Nó là những ngợi ca cho một đời sống tươi đẹp, những ao ước cho một tương lai ngời sáng.
Nhưng đó lại là những điều nhà cầm quyền không muốn.
Hãy nghe lại những ước muốn ấy!
Chỉ là những lời chúc cho anh nông phu, người thương gia lợi tức, người công dân ấm no. Có gì sai quấy trong ước vọng ấy?
Hay lời chúc gửi tới người mẹ già mắt vương lệ nhòa trông chờ người con đi chiến đấu xa nhà? Chỉ là lời chúc cho bà mẹ sớm gặp lại người con yêu quí.
Hay lời chúc người nghệ sĩ làm đẹp cho đời sống của chúng ta?
Hay lời chúc tốt đẹp nhất cho một quê hương hòa bình?
Toàn những lời chúc tốt đẹp, những giấc mơ, những ao ước rất bình thường nhưng đều bị coi là những đe dọa cho chế độ nên cần phải cấm tiệt.

Cấm cả những giấc mơ thì khốn nạn hết sức, Mà cũng không cách gì cấm nổi! Bài hát của Phạm Đình Chương chỉ đưa ra những mơ ước hiền lành giản dị cho một đất nước thanh bình tốt đẹp đầm ấm, nó vẫn được cất lên cho một dân tộc hạnh phúc, thương yêu nhau. Vậy mà những hát vọng ấy cũng không được hát lên. Vì lẽ những ước ao khát vọng ấy không nhắc đến cái đảng tàn độc vẫn còn đầy đọa đất nước và một người mà bàn tay của nó đẫm máu của người Việt chúng ta, bóp chết tất cả những mơ ước hiền lành và tội nghiệp nhưng lại vô cùng tươi đẹp của dân tộc trong gần một thế kỷ nay.
Ly Rượu Mừng (Phạm Đình Chương) - Hợp Ca: Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao, Hoài Trung, Hoài Bắc, Anh Ngọc, Phạm Thành - Video "Mộng Dưới Hoa" (c) AuVi Productions 1991