CTV Danlambao - Sáng nay 26/7/2016, một nhóm khoảng 10 người hoạt động nhân quyền từ Sài Gòn đã bất ngờ thực hiện một cuộc biểu tình tại hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Cuộc biểu tình, được diễn tả như một trò chơi “hit and run” (đánh nhanh rút lẹ) trong đấu tranh bất bạo động. Đây là một hình thức đấu tranh đặc trưng được áp dụng ở các cuộc Cách mạng ở Serbia, Ai Cập và một số quốc gia khác, góp phần giải thể chế độ độc tài ở những nước này.
Hình thức biểu tình nhanh gọn, chớp nhoáng đã được một số người hoạt động nhân quyền, nhất là các bạn trẻ tại Sài Gòn thực hiện trong thời gian gần đây, giữa bối cảnh các cuộc biểu tình số đông bị nhà cầm quyền đàn áp khốc liệt.
Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Lời kêu gọi do Mạng Lưới Blogger Việt Nam đưa ra hôm 18/7/2016, nhằm đấu tranh “đòi hỏi đảng và nhà nước Việt Nam phải giải quyết tận gốc những hệ luỵ tai hại do Formosa gây ra; truy tố thủ phạm, xét xử những cán bộ có trách nhiệm và chấm dứt hoạt động của Formosa tại Việt Nam”.
Những khẩu hiệu được những người biểu tình này đưa ra là: “Yêu cầu khởi tố Formosa và đồng bọn”; “Formosa cút khỏi Việt Nam”; “Yêu cầu ông Trần Hồng Hà từ chức”; “Formosa get out!!!”…
Từ trái qua phải: Anh Tuất, Dương Đại Triều Lâm, Nguyễn Thanh Tuấn, Thu Nguyệt tại TT tổ chức hội nghị, tỉnh Đồng Nai. Photo: CTV Danlambao |
Khi được hỏi vì sao vẫn tham gia biểu tình sau khi chính phủ đã công bố thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt là Formosa, Nguyễn Mạnh Hiền, người tham gia biểu tình sáng nay chia sẻ: “Ngay từ đầu, người dân Việt Nam đã xác định và chắc chắn thủ phạm gây ra thảm họa môi trường là Formosa. Nhưng phải 3 tháng sau chính phủ mới dám công bố kết quả này. Tôi nghĩ cái mà người dân cần là phải chấm dứt hoạt động của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại Việt Nam. Và những người bao che cho Formosa phải chịu trách nhiệm. Formosa gây tội nặng như thế, hậu quả mang tính hủy diệt như thế mà không bị sao. Trong khi những người Việt Nam chỉ vì bày tỏ trách nhiệm với đất nước thì lại bị đánh đập, đàn áp. Cho nên tôi sẽ vẫn tiếp tục lên tiếng, bày tỏ thái độ dứt khoát của mình”.
Dương Đại Triều Lâm, Nguyễn Mạnh Hiền trên đường Phạm Văn Đồng, Thủ Đức, Sài Gòn. Photo: CTV Danlambao |
Anh Tuất - Photo: CTV Danlambao |
Lần đầu tiên tham gia một cuộc “biểu tình du kích”, anh Tuất- bạn của cựu TNCT Huỳnh Anh Tú cho biết: “Tôi là một người Việt Nam, tôi thấy tôi có nghĩa vụ phải thể hiện tinh thần Việt Nam. Tôi thấy việc đúng thì tôi làm. Tôi không quan tâm đến việc bị ai đó vu cáo là “phản động”. Những lời vu cáo đó là không có cơ sở, nó thể hiện sự yếu thế, không đàng hoàng của những kẻ vu cáo”.
Thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, cựu Tù nhân chính trị Huỳnh Anh Tú cho CTV DLB biết những trăn trở của anh: “Nhiều người hỏi tôi có mệt mỏi không sau 14 năm tù và bây giờ lại tiếp tục đấu tranh. Tôi nghĩ rằng, sống trong một chế độ mà con người không được sống với đầy đủ những Quyền làm người thì dù có sống lâu đến đâu cũng là vô nghĩa. Tất nhiên sức khỏe tôi đã giảm sút đi nhiều sau 14 năm ấy. Và tôi cũng đã gần 50 tuổi, không còn trẻ nữa để mà xông pha như những bạn thanh niên khác. Nhưng tôi muốn đi hết đoạn đường còn lại của cuộc đời mình để tiếp tục cuộc tìm kiếm tự do. Nhất là khi bên tôi có người bạn đời chung chí hướng.
Điều ấy làm tôi ấm lòng hơn, dù con đường phía trước vẫn nhiều những nguy cơ như mười mấy năm về trước tôi đã đi qua. Tôi rất tâm đắc lời Linh mục Đặng Hữu Nam đã giảng hôm 24/7, khi ngài đi biểu tình cùng giáo dân: Ngày hôm nay chúng ta thấy không chỉ biển nhiễm độc, mà còn nhiễm độc cả giáo dục, nhiễm độc cả đạo đức, nhiễm độc cả chính trị. Và điều nhiễm độc chính trị này là nguyên nhân của mọi sự nhiễm độc. Formosa, đại họa của đất nước không chỉ khởi đầu từ Formosa mà khởi đầu từ thủy triều đỏ, đó là thảm họa búa liềm đã dày xéo trên quê hương Việt Nam này. Làm cho 90 triệu con Rồng cháu Tiên, từ những người anh hùng đã trở thành “những người” nhu nhược. Nhu nhược trước ngoại bang.”. Chính vì vậy mà tôi vẫn muốn góp một phần nhỏ bé của mình trong cuộc đấu tranh này”.
Từ trái qua phải: Huỳnh Anh Tú, Nguyễn Lâm Hoàng Bảo - Nguyễn Mạnh Hiền tại Đồng Nai. Photo: CTV Danlambao |
Xin trích một đoạn trong “Tâm tình và lời kêu gọi của Mạng lưới Blogger Việt Nam” để làm đoạn kết cho bản tin này:
“Cá chết ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung không những chỉ là một thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử Việt Nam mà còn là một cơn khủng hoảng to lớn về mặt xã hội, chính trị, ảnh hưởng sâu xa đến sự sống còn, độc lập của đất nước Việt Nam. Trước cơn khủng hoảng này, nếu không dấn thân để cùng nhau góp phần giải quyết, chúng ta đang tự viết bản án tử cho đất nước thân yêu của chúng ta...”
26/7/2016