Tháng Năm, 2015, tôi
sang California tham dự Đại Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân. Trong dịp này,
tôi được gặp lại và thăm hỏi nhiều vị Cựu Chỉ Huy và rất nhiều bạn hữu của
Minh. Vài người bạn hỏi tôi: “Minh chết rồi
mà tại sao chị còn ‘thương’ Hải Quân quá vậy?” Tôi chỉ cười, không biết phải
đáp như thế nào!
Khi cuộc vui tàn, trở về
phòng tại khách sạn và suy nghĩ về câu hỏi của bạn hữu, tôi mới nhớ rằng: Tình
cảm của tôi dành cho Hải Quân không phải chỉ vì Bố của các con tôi – Cố Hải Quân
Trung Tá Hồ Quang Minh – là Hải Quân; mà mối tình cảm thánh thiện này được khơi
động từ hơn nửa thế kỷ trước, trong vùng không gian lộng gió của bờ biển Nha
Trang cùng âm vang của sóng gào hòa lẫn với những bản hùng ca do Ban Quân Nhạc
Hải Quân hòa tấu và cũng từ những bộ quân phục tiểu lễ của Hải Quân.
Thật vậy, để minh chứng, tôi xin được trích một đoạn ngắn từ Tùy Bút Tưởng Như Trở Về của Điệp Mỹ Linh, được viết vào khoảng cuối thập niên 70 hay là đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, trong tập truyện Tưởng Như Trở Về: “… Cạnh những hàng thông này, dạo vừa cùng gia đình từ Dalat dời về Nha-Trang, mỗi chiều chủ nhật, tôi thích đến để nghe ban nhạc ‘Kèn Đồng’ (quân nhạc) của Hải-Quân hòa nhạc.
Thỉnh
thoảng khán giả cũng ‘nổi máu nghệ sĩ’, tình nguyện hát một bản. Lúc ấy tôi chỉ
hơn mười tuổi. Nhưng khi nghe một người hát ca khúc Viễn-Du tôi vẫn hiểu bản ấy
không nên hát với ban nhạc ‘Kèn Đồng’ và trong khung cảnh này.
Tuy
vậy, lời ca, tiếng nhạc cũng dẫn dắt hồn tôi đi thật xa. Nhìn trời lồng lộng,
nhìn biển mênh mông và nhìn quân phục tiểu lễ trắng của nhạc công, tôi thích.
Tôi buồn. Và tôi ước mơ…”
Sự vui thích, nỗi buồn
không duyên cớ cũng như niềm ước mơ xa vời của đứa bé gái sắp bước vào tuổi “dậy
thì” cứ sống mãi trong tôi. Đó là nguyên nhân xa và cũng là nguyên nhân gần làm
cho ngòi bút của tôi lúc nào cũng muốn gửi đến độc giả những nét đẹp, nét lịch
lãm cũng như lòng quả cảm và sự hào hùng của Hải Quân V.N.C.H.
Đối với tôi, Hải Quân
V.N.C.H. – từ thủy thủ cho đến sĩ quan – đa số đều có những đặc tính rất khác lạ,
rất đáng yêu và đôi khi đem nhiều đau khổ đến cho những “chiếc neo cũ kỷ” nơi
“bến nhà”!
Những đặc tính khác lạ
của Hải Quân là:
Khi
chơi thì chơi hết mình. Điều này có lẽ ít ai,
dù là trong hoặc ngoài gia đình Hải Quân, có thể phủ nhận được.
Khi
yêu thì lãng mạn không ai bằng. Vâng! Mỗi khi
“chàng” làm điều chi mà thấy “nàng” thoáng buồn hoặc có vẻ giận, “chàng” chỉ cần
“mượn” lời ca bài Hoa Biển của Anh Thy để “ngân nga” nho nhỏ: “…Em ơi! Giận hờn, xin như hoa sóng tan
trong đại dương…” hay là “chàng” hát nho nhỏ một đoạn trong tình khúc Xin
Còn Gọi Tên Nhau của Trường Sa “…Lời
nào gian giối cũng xin qua rồi.
Để lỡ ngày sau khi ta cần nhau, còn
đôi
chút êm vui ngày đầu,
cho mình mãi gọi thầm tên nhau…” thì không một phụ nữ nào có thể không nguôi buồn
và không hết giận!
Khi
thi hành công vụ thì nghiêm chỉnh và luôn luôn nêu cao truyền thống.
Điều này được tất cả quân nhân các cấp Hải Quân thể hiện một cách tuyệt vời
trong suốt thời gian di tản quân bạn và đồng bào từ Vùng I và Vùng II Duyên Hải
vào Saigon, tháng 3 năm 1975; và suốt cuộc hải trình từ Saigon ra Côn Sơn rồi từ
Côn Sơn đến Guam vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 năm 1975.
Khi
đụng trận thì tinh thần dũng cảm của quân nhân Hải Quân cũng không thua bất cứ
một binh chủng thiện chiến nào của Quân Lực V.N.C.H. Thật
vậy! Nếu Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Bộ Binh, v.v… có những
trận đụng độ ác liệt với Việt Cộng tại Cổ Thành Quảng Trị, Tử Thủ An Lộc, Khê
Sanh, Đồng Xoài, Pleime, v.v… thì Hải Quân cũng đã góp công không nhỏ trong những
hải vụ tiếp cứu và hành quân hỗn hợp với Bộ Binh và Địa Phương Quân để giữ an
ninh cho Vùng III và Vùng IV Sông Ngòi suốt cuộc chiến. Đến tháng 3 và tháng 4
năm 1975, máu lửa ngập trời trên Đường Số 7, do cuộc rút quân khỏi vùng Cao
Nguyên và các cuộc lui binh dọc miền Duyên Hải thì tình hình chiến sự tại vùng
III và Vùng IV Sông Ngòi vẫn “yên như bàn thạch”! Không một vị Tư Lệnh Vùng III
và Vùng IV Sông Ngòi nào có thể phủ nhận vai trò quan trọng của Hải Quân trong
sự bình yên tại Vùng III và Vùng IV Sông Ngòi!
Về những trận chiến dọc
miền Duyên Hải, suốt cuộc chiến – ngoài chiến thắng phá hủy mật khu Vũng Rô và
Duyên Đoàn 26 ở Bình Ba, dưới sự chỉ huy của Hải Quân Trung Úy Hồ Quang Minh –
bắt được 2 ghe lớn của Trung Cộng giả ghe đánh cá, nhưng dưới lườn ghe toàn là
vũ khí hạng nặng, Hải Quân V.N.C.H. còn có những đụng độ dữ dội với Bắc quân
trong những trận sau đây:
·
Cửa
Tiểu ngày 8/1/1966
·
Cửa
Bồ Đề ngày 10/5/1966
·
Ba
Động ngày 20/6/1966
·
Bồ
Đề lần thứ hai ngày 1/1/1967
·
Mũi
Ba Làng An (Batangan) ngày 14/3/1967
·
Sa
Kỳ ngày 15/7/1967
·
Đức
Phổ ngày 1/3/1967
·
Hòn
Hèo gần Nha Trang ngày 1/3/1968
·
Cửa
Việt ngày 1/3/1968
·
Bồ
Đề lần thứ ba ngày 1/3/1968
·
Cửa
Cung Hầu ngày 22/11/1970
·
Gành
Hào ngày 12/4/1971
·
Trận
đụng độ cuối cùng là ngày 24/4/1972 khi HQ 4 đánh chìm tàu địch, tại vùng biển
Phú Quốc. (1)
Nếu đã đề cập đến
những trận đụng độ lớn với Cộng Sản Việt Nam dọc bờ biển Nam Việt Nam mà không
đề cập đến trận thư hùng giữa Hải Quân V.N.C.H. với “bậc thầy” của Việt Cộng –
là Hải Quân Trung Cộng – thì bài viết này sẽ phạm một lỗi lớn !
Tôi muốn đề cập đến
Trận Hải Chiến Hoàng Sa mà nhiều ngòi bút Hải Quân Việt Nam và Tây Phương đã tường
trình, bình luận và phân tích.
Một trong những bài
bình luận về trận hải chiến Hoàng Sa đã tạo nhiều tranh cãi và phản biện là
bài của nhà báo chuyên nghiệp Bill Hayton; vì tính cách thiên vị và không được
kiểm chứng tường tận của Bill Hayton.
Kính mời quý độc giả
vào link dưới đây để đọc bài Điệp Mỹ
Linh phản bác bài viết của nhà báo Bill Hayton về những nhận xét thiếu trung thực
của Ông đối với trận Hải Chiến Hoàng Sa cũng như đối với Người Lính V.N.C.H. –
nói chung – và Hải Quân V.N.C.H., nói riêng: http://www.diepmylinh.com/gop-y-voi-bill-hayton
Trận Hải Chiến
Hoàng Sa được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải –
Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại – với sự
yểm trợ của Tư Lệnh Hải Quân Trần Văn Chơn.
Tôi được hân hạnh
quen biết Cựu Phó Đề Đốc Thoại; vì Minh đã phục vụ tại vài đơn vị dưới sự chỉ
huy của Cựu Phó Đề Đốc Thoại khi Ông còn là Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Duyên Khu
II. Về sau, theo đà lớn mạnh của Hải Quân, Duyên Khu II được đổi thành Vùng II
Duyên Hải.
Và tôi được hân hạnh
gặp Cựu Đề Đốc Trần Văn Chơn, lúc Ông còn là Hải Quân Đại Tá, vào dịp Giang
Đoàn 30 Xung Phong – dưới sự chỉ huy của Hải Quân Đại Úy Hồ Quang Minh – tổ chức
tiệc khao quân mừng chiến thắng Tam Giác Sắt.
Bữa tiệc khao quân
được tổ chức rất trang trọng tại Câu Lạc Bộ Nổi của Hải Quân. Minh bảo tôi phải
góp vui với nhân viên Giang Đoàn 30. Tôi độc tấu Accordéon bài luân vũ Le Beau Danube Bleu của John Strauss.
Sau khi đàn xong,
tôi chưa kịp mang lại đôi găng tay, Minh đến, bảo tôi phải “trình diện” Tư Lệnh
Trần Văn Chơn!
Thấy Minh và tôi bước
đến bàn, Tư Lệnh Trần Văn Chơn đứng lên. Thái độ lịch sự của Tư Lệnh chinh phục
ngay lòng quý mến của tôi. Minh đứng nghiêm, đưa tay phải lên, chào. Sau khi
Minh giới thiệu tôi, tôi cúi chào Tư Lệnh với tất cả sự kính trọng. Tư Lệnh Trần
Văn Chơn hỏi thăm tôi và các con tôi, rồi, thật bất ngờ, Ông xoay sang, “dũa” Minh: “Chú mày có vợ đẹp, con ngoan, vợ có tài thì chú mày lo tu tỉnh đi,
nghe chưa?” Minh đứng “thẳng băng”, không dám “nhúc nhích”!
Trên đây là một kỷ
niệm khó quên. Nhưng kỷ niệm khiến Minh và tôi cảm động nhất lại là, năm 1995,
sau khi được Cộng Sản Việt Nam trả tự do, Cựu Đề Đốc Trần Văn Chơn đến Mỹ, Hội
Hải Quân tại Houston mời Ông đến viếng Houston. Ban Tổ Chức hỏi Cựu Đề Đốc
Chơn, thời gian ở Houston, Ông muốn ngụ tại khách sạn hay là muốn ngụ lại nhà
ai? Cựu Đề Đốc Chơn đáp, muốn ở lại nhà Hồ Quang Minh.
Thời gian Cựu Đề Đốc
Chơn ngụ tại nhà tôi, mỗi ngày Hội Hải Quân nhờ người đưa đón Ông đi chơi khắp
nơi trong thành phố Houston; vì Minh và tôi phải đi làm. Minh bảo tôi tổ chức một
bữa tiệc vào cuối tuần để Cựu Đề Đốc Chơn mời những người bạn thâm giao của
Ông; Minh và tôi cũng được dịp mời bạn hữu của chúng tôi.
Để chuẩn bị cho bữa
tiệc nơi deck, ngoài sân sau, Minh lo
don dẹp và tôi lo nấu ăn. Cựu Đề Đốc Chơn từ trên lầu đi xuống, thấy tôi
đang xắt lạp xưởng, Ông cười, kể cho Minh và tôi nghe về những ngày Ông ở tù Cộng
Sản.
Cựu Đề Đốc Chơn kể,
lần đầu tiên được Phu Nhân thăm nuôi, Ông thấy Bà đem cho Ông mấy cặp lạp xưởng.
Tên quản giáo lục xét giỏ thức ăn từ tay Bà rồi quát : “Đem nến làm gì mà đem lắm thế ? Ở đây
có đèn chứ không hay sao mà đem nến?” Minh và tôi cười. Cựu Đề Đốc Chơn bảo:
“Đừng! Đừng cười! Người ta dốt nát, nghèo
khổ, không biết món ăn, nên thương hại người ta. Đừng cười!”
Từ chi tiết này,
tôi nhận thấy, cựu Tư Lệnh Trần Văn Chơn là một Võ Tướng nhưng Ông lại có tâm hồn
cao thượng và lòng độ lượng hơn cả vài Thiền Sư và Linh Mục!
Và lý do tôi viết về
cựu Tư Lệnh Trần Văn Chơn chính là sự cao thượng và lòng bao dung của Ông.
Sau khi tìm hiểu,
tôi được biết: Năm 1938, ông Trần Văn Chơn nhập học khóa Cơ Khí Hàng Hải thuộc
Trường Ecole Rosel – sau đổi tên là Ecole Technique Speciale; rồi lại đổi thành
Trường Kỹ Thuật. Năm 1941, Ông tốt nghiệp bằng Kỹ Thuật và tiếp tục học khóa Vô
Tuyến Truyền Tin Hàng Hải. Năm 1942 Ông tốt nghiệp khóa Vô Tuyến Truyền Tin
Hàng Hải và hành nghề sĩ quan trên các
thương thuyền.
Năm 1948, ông Trần
Văn Chơn theo học khóa Hàng Hải, thuộc Trường Kỹ Thuật cùng với ông Nguyễn Văn
Thiệu, ông Lâm Ngươn Tánh và ông Chung Tấn Cang. Sau khi tốt nghiệp bằng Thuyền
Trưởng, ông Nguyễn Văn Thiệu ghi
danh vào khóa đầu tiên tại Trường Võ Bị Huế – tiền
thân của Trường Võ Bị Dalat
– và sau này ông Nguyễn Văn Thiệu trở thành Tổng Thống V.N.C.H. Ông Lâm Ngươn
Tánh, ông Chung Tấn Cang và ông Trần Văn Chơn hành nghề Hàng Hải Thương Thuyền.
Sau nhiều năm phục
vụ trên các thương thuyền, ông Trần Văn Chơn cùng ông Chung Tấn Cang và ông Lâm
Ngươn Tánh được tuyển vào khóa I sĩ quan Hải Quân Nha Trang. Vì Trường xây cất
chưa xong cho nên sinh viên khóa I – gồm 9 người – phải tạm trú và học
hành trên Hàng Không Mẫu Hạm Arromanches của Hải Quân Pháp.
Ông Trần Văn Chơn đỗ
thủ khoa khóa I sĩ quan Hải Quân Nha Trang. Ông là sĩ quan Hải
Quân Việt Nam đầu tiên được du học và tốt nghiệp trường Hải Chiến
Hoa Kỳ (Naval War College) ở Newport, Rhode Island.
Trong thời gian là
Tư Lệnh Hải Quân, Đề Đốc Trần Văn Chơn đã có sáng kiến và đôn đốc việc xây Tượng
Đài Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng, Saigon. Công trình xây dựng
Tượng Thánh Tổ cũng được sự yểm trợ của Hội Thánh Trần Hưng Đạo. Tượng do điêu
khắc gia Pham Thông thiết kế và thực hiện. (2)
Tháng Tư năm 1975,
vì lòng hiếu đạo đối với Cha Mẹ, Cựu Đề Đốc Trần Văn Chơn đã không di tản – dù
Ông đã được Hoa Kỳ thông báo là sẽ cấp phương tiện hàng không để Ông cùng gia
đình ra đi. Không bao giờ Ông ân hận, mà ngược lại, Ông rất vui lòng về quyết định
không di tản để thể hiện lòng hiếu thảo của Ông đối với Song Thân; dù sau đó
Ông bị Cộng Sản Việt Nam cầm tù gần 13 năm!
Sau khi mãn tù Cộng
Sản, Ông định cư tại Mỹ, California. Để trau dồi kiến thức, Ông trở lại học
đường với số tuổi ngoài 70! Ông tốt nghiệp ngành Interdisciplinary Studies tại
San Jose/Evergreen Community College và chuyển qua San Jose State University,
học về Political Science.
Ngoài ra, Ông cũng tham dự
hầu như tất cả mọi sinh hoạt trong cộng đồng và các hội đoàn Quân, Cán, Chính
thuộc Thành phố San Jose và Quận Santa Clara.
Năm
2014, Ông được bà Cindy Chavez – Supervisor of Santa Clara County – trao tặng
Certificate of Recommendation.
Năm
2015, Ông nhận được Certificate of Special Congressional Recognition của U.S.
House of Representatives do bà Zoe Lofgren trao tặng.
Đề Đốc Trần Văn Chơn và Đô Đốc Elmo Zumwalt
cùng sánh vai chiến đấu trong đầu thập niên
1960
Ông là Cựu Tư Lệnh
Hải Quân V.N.C.H. được Hải Quân Hoa Kỳ mời tham dự buổi lễ đặt tên cho Khu Trục
Hạm tối tân USS Zumwalt, ngày 19 tháng 10 năm 2013, tại
Bath Iron Work, tiểu bang Maine.
Khu trục hạm
Zumwalt (DDG - 1000) do Tư Lệnh Hải Quân thứ 19 của Hải Quân Hoa Kỳ – Đô Đốc
Elmo Zumwalt – thiết kế. Đô Đốc Elmo Zumwalt nguyên là cố vấn của Tư Lệnh Hải
Quân Trần Văn Chơn trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. (3)
Được biết Cựu Tư Lệnh Trần Văn Chơn là một
trong những thành viên danh dự trong BOARD OF ADVISORS, gồm những nhân vật nổi
tiếng như Bộ Trưởng Hải Quân William le Ball III, Đô Đốc Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ
Gary Roughead, T.N.S. John S. McCain III... cuả Tuần Dương Hạm tối tân và tốn
kém nhất thế kỷ USS Zumwalt DDG 1000, lấy tên cuả người bạn chí thân cuả ông,
sau này là Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ, đã giúp ông thiết kế một hạm đội H.Q.V.N. đứng
hàng thứ 9 trên thế giới.
(RADM Tran Van Chon met Adm. Zumwalt
in 1968 when Zumwalt was sent to Saigon to take over as commander of U.S. naval
forces in Vietnam. Chon was his South Vietnamese counterpart, and the two
formed a bond. He credits ADM Zumwalt with gaining his release from a communist
“reeducation” camp where he was held for 12 years after the end of the Vietnam
War.) (4)
Cựu Đề Đốc Trần Văn
Chơn và người bạn cùng khóa I sĩ quan Hải Quân – Cố Đô Đốc Chung Tấn Cang – là
2 vị sĩ quan được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Hải Quân hai lần. Trong thời
gian tại chức, cả hai vị Tư Lệnh Hải Quân Trần Văn Chơn và Tư Lệnh Hải Quân
Chung Tấn Cang, mỗi vị đều lưu dấu rất đặc biệt vào Quân Sử Hải Quân V.N.C.H.
cũng như lịch sử Việt Nam cận đại.
Đó là Trận Hải Chiến
Hoàng Sa, xảy ra khi Đề Đốc Trần Văn Chơn là Tư Lệnh Hải Quân; và Hải Quân Việt
Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975 do quyết định thức thời, sáng suốt cũng như sự đôn đốc
của Phó Đô Đốc Tư Lệnh Hải Quân Chung Tấn Cang. (5)
Xin trở lại với Đề
Đốc Trần Văn Chơn và Trận Hải Chiến Hoàng Sa.
Trong khi những biến
động đang xảy ra tại Vùng I Duyên Hải và Hoàng Sa thì Hải Quân Đại Tá Nguyễn
Văn Thiện – Chỉ Huy Trưởng Hải Đội II Chuyển Vận – đang trợ giúp Hạm Trưởng Hải
Vận Hạm Hậu Giang, HQ406, để xem xét, điều động việc sửa chữa hầm nước phía trước
của HQ406, do giông gió lớn đẩy HQ406, làm bể lườn chiến hạm khi chiến hạm đang
đỗ quân cụ tại Chutt, Nha Trang.
Đang thực hiện công
tác cứu chiến hạm HQ406, Đại Tá Thiện được Hải Quân Đại Tá Lê Hữu Dõng – Tư Lệnh
Phó Vùng II Duyên Hải – thông báo rằng có công điện gọi Đại Tá Thiện ra Đà Nẵng
để trình diện Tư Lệnh Hải Quân Trần Văn Chơn. Nhưng, vì tìm không được phương
tiện đi Đà Nẵng, Đại Tá Thiện bay về Saigon trình diện Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy
– Tham Mưu Trưởng Hải Quân – rồi nhận sự vu lệnh đi Đà Nẵng. (6)
Ngày 17/1/74 Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh – Tư Lệnh Phó Hải
Quân – đi Đà Nẵng, Vùng I Duyên Hải, về vấn đề Hoàng Sa.
Đề Đốc Tư Lệnh Hải Quân Trần Văn Chơn cũng
chuẩn bị đi Đà Nẵng; vì tình hình quân sự tại Hoàng Sa đang sôi động! Nhưng,
Ông nhận được điện thoại từ Hải Quân Đại Tá Trần Thanh Điền – tùy viên của Tổng
Thống Nguyễn Văn Thiệu – thông báo rằng Thổng Thống muốn gặp Đề Đốc Chơn vào sáng hôm sau tại
Dalat.
Đề Đốc Trần Văn
Chơn dời chuyến đi Đà Nẵng lại để sáng hôm sau Ông có mặt tại Dalat, tham dự Lễ
Mãn Khóa 26 Võ Bị Quốc Gia Việt Nam với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Ngày 18/1/1974 Tại Dalat,
nơi Vũ Đình Trường Lê Lợi Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, trước sự chủ tọa của
Tổng Thống V.N.C.H. Nguyễn Văn Thiệu và các quan khách, 175 sinh viên sĩ quan
khóa 26 – khóa Nguyễn Viết Thanh – đã tuyên thệ để trở thành tân sĩ quan hiện
dịch; 22 tân Thiếu Úy về phục vụ Hải Quân; 15 tân sĩ quan về Không Quân; số sĩ
quan còn lại được phân phối đến các binh chủng và sư đoàn. (7)
Sau lễ mãn khóa 26 tại Trường
Võ Bị, Đề Đốc Trần Văn Chơn trở về Saigon.
Sáng 19/1/74 Đề Đốc Trần Văn
Chơn đi Đà Nẵng.
Trận Hải Chiến tại Hoàng Sa kéo dài – khoảng 30 phút –
trong thời gian phi cơ đang đưa Đề Đốc Trần Văn Chơn từ Saigon đến Đà Nẵng!
Khi phi cơ đưa
Đề Đốc Chơn và đoàn tùy tùng, gồm có Hải Quân Đại Tá Võ Sum, Hải Quân Đại Tá
Nguyễn Ngọc Quỳnh, Hải Quân Thiếu Tá Văn Trung Quân – tùy viên của Đề Đốc Chơn
– và Trung Sĩ Trương Sở Phước cùng vài hạ sĩ quan và binh sĩ Hải Quân đến phi
trường Đà Nẵng thì Trận Hải Chiến Hoàng Sa đã kết thúc!
Đón Tư Lệnh Trần
Văn Chơn tại phi trường Đà Nẵng có Đề Đốc Tánh và Phó Đề Đốc Thoại.
Sau khi đưa Đề Đốc
Chơn đến Căn Cứ Hải Quân Đà Nẵng, Phó Đề Đốc Thoại thuyết trình về trận chiến
và trình với Đề Đốc Chơn rằng chính Phó Đề Đốc Thoại và Hải Quân Đại Tá Hà Văn
Ngạc quyết định tấn công trước để tránh thiệt hại.(8)
Đề Đốc Chơn chỉ thị
Phó Đề Đốc Thoại ra lệnh cho các chiến hạm và chiến đỉnh đang hoạt động ngoài
biển cố gắng tìm kiếm và cấp cứu những chiếc bè đã rời khỏi Trợ Chiến Hạm Nhựt
Tảo, HQ10.
Hai mươi ba quân
nhân Hải Quân Việt Nam trôi dạt trên bè được tàu dầu của hãng Shell, Hòa Lan vớt.
Ngày 20/1/1974 Khoảng 7 hoặc 8 giờ sáng, Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt, HQ16 – đã bị trúng hải
pháo của Trung Cộng tại Hoàng Sa – vào vịnh Tiên Sa Đà Nẵng. Nhưng, vì độ
nghiêng của chiến hạm vượt quá mứt an toàn, Hạm Trưởng Lê Văn Thự không thể vận
chuyển cặp cầu được. Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải phải nhờ tàu dòng của
Ty Thương Cảng Đà Nẵng, kẹp ngang hông HQ16 mà cặp cầu quân cảng Đà Nẵng. (9)
Thương binh được
đưa đến quân y viện Duy Tân, Đà Nẵng để điều trị.
Đề Đốc Chơn, Đề Đốc
Tánh, Phó Đề Đốc Thoại, Đại Tá Thiện, Đại Tá Quỳnh, Hải Quân Trung Tá Huỳnh Duy
Thiệp – giám đốc Thương Cảng Đà Nẵng – Thiếu Tá Quân cùng nhiều sĩ quan khác
lên chiến hạm Lý Thường Kiệt ngợi khen thủy thủ đoàn và đến quân y viện Duy Tân
thăm hỏi và an ủi thương binh.
Ngày 21/1/1974 và 22/1/1974 Đề Đốc Trần Văn Chơn cũng vẫn cùng các sĩ quan tiếp tục
thăm viếng và an ủi thương binh – cả Hải Quân, Người Nhái, Địa Phương Quân, Thủy
Quân Lục Chiến, v.v…
Ngày 23/1/1974 Đại Tá Trần Thanh Điền điện thoại trình cho Đề Đốc Chơn hay rằng sẽ có buổi
họp Tư Lệnh các quân binh chủng vào ngày mai, tại Phan Thiết.
Đề Đốc Tánh và Phó
Đề Đốc Thoại tiễn Đề Đốc Chơn, Đại Tá Quỳnh cùng phái đoàn đến tận cửa chiếc Caribou thuộc Phi Hành Đoàn
Phi Đoàn 427. Đại Úy Nguyễn Kim là Trưởng phi cơ và Thiếu Úy Tấn là
Copilot. (10)
Gần tới không phận
Biên Hòa, bất ngờ Thiếu Tá Quân thấy ánh lửa bừng sáng bên cánh phải của phi cơ
và nghe tiếng nổ; vì phi cơ kín gió – airtight – cho nên không thể nghe rõ được.
Phi cơ rung chuyển, lắc mạnh, chao đảo vài phút rồi lấy lại thế cân bằng, bay
tiếp.
Đến
không phận Biên Hòa, phi công đáp xuống phi trường Biên Hòa. Sau khi phi cơ dừng
tại phi đạo thì máy tắt, không di chuyển được! Phi công từ cửa trên nhìn ra, thấy
máy bên phải bị vỡ tung. Phi công cho biết rất may mắn, nhờ dây cable lái không bị đứt cho nên phi cơ vẫn
còn điều khiển được và đáp an toàn.
Đề
Đốc Chơn và tất cả mọi người cùng chụp hình trên cánh phi cơ bị trúng đạn, để
lưu niệm.
Hình chụp trên cánh phi cơ nơi động cơ bị trúng đạn nổ
tung, từ trái sang phải:
Phi hành đoàn, Đề Đốc Tư Lịnh Trần Văn Chơn (giữa), Đại
Tá Quỳnh, Trung sĩ Phước.
Hàng sau cùng ở giửa: Thiếu Tá Quân. Hai sĩ quan đội Calô là Đại Úy Nguyễn Kim và Thiếu
úy Tấn.
Hình này do Trung Sĩ Trương Sở Phước tặng Cựu Đề Đốc Tư Lệnh
Trần Văn Chơn khi Ông vừa mãn tù Cộng Sản, qua Mỹ. (11)
Bài
viết này chỉ với mục đích nêu lên những sự kiện có thật từ tài liệu và tư liệu
của những nhân chứng hiện còn sống để làm sáng tỏ nhiều chi tiết quan trọng mà
vài cuốn sách cũng như những bài viết về Trận Hải Chiến Hoàng Sa đã – hoặc cố ý
hoặc vô tình – không đề cập đến.
Trong
khi truy tìm tài liệu và tư liệu để viết bài này – cũng như suốt thời gian dài
phỏng vấn rất nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ để thực hiện cuốn Tài Liệu
Lịch Sử Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 – tôi được biết rằng quân nhân các cấp
thuộc quân chủng Hải Quân V.N.C.H. đều dành cho Cựu Tư Lệnh Hải Quân V.N.C.H.
Trần Văn Chơn rất nhiều thiện cảm và lòng quý trọng.
ĐIỆP MỸ LINH
Chú thích :
1.- Tài liệu của cựu Hải Quân Thiếu Tá Phan Lạc Tiếp
2.- Điệp Mỹ Linh phỏng vấn điêu khắc gia Phạm Thông.
3.- Vietpress USA
4.-
Hoangsa Parecel
6.- Tư liệu của cựu
Hải Quân Đại Tá Nguyễn Văn Thiện
7.- Tư liệu từ cựu Hải
Quân Trung Úy Đào Quý Hùng, cựu Đại Úy
Biệt Động Quân Nguyễn Phán và cựu Hải Quân Đại Tá Đặng Đình Hiệp.
8.- Can Trường Trong Chiến Bại của cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn
Kỳ Thoại.
9.- Tài liệu của ông Lê Văn Thự, cựu Hạm Trưởng HQ16.
10.- Tư liệu từ cựu Trung Tá Không Quân Cần và cựu Thiếu
Tá Không Quân Đặng Văn Âu.
11.- Tư liệu của cựu Hải Quân Thiếu Tá Văn Trung Quân.