Wednesday 27 July 2016

Câu chuyện thời sự 2016: ĐƯỜNG VÀO TOÀ BẠCH ỐC

Lời giới thiệu:
Trái với những lời hô hào kiểu thông lệ nhưng rất rỗng tuếch, lá phiếu của cử tri gốc Việt thật ra không hề có chút ảnh hưởng nào lên kết quả sau cùng của cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ do bởi những ngẫu nhiên của lịch sử với luật lệ về bầu cử phức tạp theo quy chế bầu cử-tri-đoàn của từng tiểu bang, và cộng đồng người Việt lại cư ngụ phần lớn tại những tiểu bang không ngang ngửa (swing states). Tuy vậy, cuộc chạy đua để trở thành tổng thống Mỹ vẫn là sự kiện thời sự được nhiều người chú ý nhất mỗi 4 năm 1 lần. Loạt bài này nhằm giúp người đọc hiểu rõ thêm về nhiều góc cạnh lý thú và đa dạng của nó trong sinh hoạt chính trị đặc thù của nước Mỹ.
 
DONALD TRUMP VÀ ĐẠI HỘI ĐẢNG CỘNG HOÀ
 
Trên lý thuyết, cứ bốn năm một lần, người dân tại Hoa Kỳ đi bầu chọn vị nguyên thủ quốc gia dưới hình thức một liên danh gồm ứng cử viên chính có thể đắc cử tổng thống, và người đứng phó sẽ trở thành phó tổng thống. Vị phó tổng thống được coi như là phụ tá cao cấp nhất trong chính quyền để có thể thay mặt, hoặc thay thế cho người đứng đầu trong những tình huống đặc biệt như khi tổng thống bất ngờ qua đời (như các TT Franklin D. Roosevelt, John F. Kennedy), hoặc lâm trọng bệnh, bị truất quyền hay từ nhiệm (như TT Richard Nixon).

Các liên danh ứng cử viên (tổng thống và phó tổng thống) chỉ được chính thức trình làng trong kỳ đại hội đảng toàn quốc diễn ra vào mùa hè trong năm bầu cử để cho cử tri lựa chọn trước ngày đi bỏ phiếu vào đầu tháng 11 cùng năm. Đại hội đảng Cộng Hoà bắt đầu diễn ra trong 4 ngày đầu tuần này tại thành phố Cleveland thuộc tiểu bang Ohio, và đúng một tuần sau là đến phiên Đại hội đảng Dân Chủ cũng sẽ diễn ra trong 4 ngày tại thành phố Philadelphia ở tiểu bang Pennsylvania.

Trong thực tế, người dân Mỹ coi như chỉ lựa chọn nhân vật đứng đầu vì cuộc chạy đua này thật ra đã diễn ra từ đầu năm với cuộc bầu cử vòng sơ bộ xuyên qua 50 tiểu bang để lựa chọn người thắng cuộc là ứng viên tranh cử tổng thống. Và từ đó thì nhân vật này mới chọn người đứng phó theo đúng ý mình, coi như đã áp đặt sự lựa chọn này đối với toàn thể cử tri trong nước. Tại một số ít các quốc gia khác trên thế giới, cũng có trường hợp ứng cử viên phó tổng thống được cử tri bầu chọn độc lập và riêng rẽ với cuộc bầu cử tổng thống. Trong trường hợp này, vị phó tổng thống tuy là nằm dưới quyền nhưng không hẳn hoàn toàn phải là người phục tùng tuyệt đối cho vị tổng thống.

Trong trường hợp của nước Mỹ, vị phó tổng thống thường là không có thực quyền, do bởi chính phủ liên bang được điều hành ở Toà Bạch Ốc với người phụ tá đứng đầu là Bộ trưởng Phủ Tổng Thống (White House Chief of Staff) mà nhiều người thường quen dịch là Chánh Văn Phòng Toà Bạch Ốc, một lối dịch đúng chữ nhưng sai nghĩa, hay đúng hơn là không lột tả đúng nghĩa của nó. (Chánh văn phòng là một viên chức cao cấp nhất để điều hành các nhân viên trong một văn phòng nào đó, nhưng trong trường hợp của Toà Bạch Ốc, vị Chief of Staff này là người sếp xòng luôn các vị tổng, bộ trưởng khác trong nội các để nhân danh và thừa uỷ nhiệm của tổng thống lo việc phối hợp các hoạt động của các phủ, bộ trong chính phủ).

Vị phó tổng thống Mỹ thường chỉ có hư danh hơn là thực quyền, tuy rằng cũng được tham dự trong tất cả những buổi họp nội các. Do đó, nhân vật này thường được trao những công tác có tính cách ngoại giao nhưng không quan trọng, chẳng hạn như thay mặt tổng thống để đi dự những đám tang của các lãnh tụ khác trên thế giới. Hình thức “ngồi chơi xơi nước” vì không có thực quyền này tương đối khá nhàn nhã đến chán phèo đã được một chính khách nổi tiếng trước đây là Phó tổng thống Trần Văn Hương mô tả khá thô tục nhưng cũng rất bình dân và chính xác là “ngồi buồn gãi háng dái lăn tăn”.  
Mãi đến hai thập niên gần đây thì vai trò của phó tổng thống mới được nâng lên, không phải vì luật lệ hay quy định của Hiến pháp mà là do vị tổng thống đương quyền đã nể trọng hơn nhân vật đứng phó cùng với mình trong liên danh nên đã giao cho người này một số các nhiệm vụ hoặc công tác quan trọng, và do đó đương nhiên đã để cho vị phó tổng thống được trực tiếp tham dự vào sinh hoạt điều hành chính phủ. Đó là trường hợp của TT Bill Clinton đối xử với Phó TT Al Gore vào năm 1992, có lẽ vì ông Gore cũng đã từng là một ứng viên nổi tiếng và kỳ cựu vì đã ra tranh cử tổng thống vào năm 1988 còn trước cả ông Clinton. Nhưng đến thời kỳ của TT Bush Con thì vai trò của ông phó tổng thống Dick Cheney mới nổi bật và có uy quyền hơn hết, một phần là vì ông Cheney đã là phụ tá cao cấp của TT Bush Bố. Ông cựu tổng trưởng quốc phòng dưới thời TT Bush Bố được đưa vào đứng phó trong liên danh để tạo thêm uy tín cho cậu con cả là Bush Con, lúc đó còn được xem như là một ứng viên còn non nớt, thiếu kinh nghiệm và bản lãnh nhưng lại may mắn được đắc cử nhờ vào phán quyết có phần thiên vị của Tối Cao Pháp Viện (có đa số 5 thẩm phán phe bảo thủ) trong vụ tranh cãi ly kỳ và gay cấn về lá phiếu tại tiểu bang Florida vào năm 2000).

Vì thế cho nên việc lựa chọn một người để đứng phó trong liên danh thường được xem như là một tính toán chiến thuật để nhằm mục đích nâng thêm uy tín cho ứng viên chính, hoặc là để gia tăng xác suất thành công tại một vài vùng quan trọng nào đó cho liên danh này cầu mong đạt được. Đó là trường hợp của một vị nghị sĩ liên bang hoặc một thống đốc nổi tiếng và được ưa chuộng tại một tiểu bang quan trọng và ngang ngửa, có thể có nhiều cơ hội hơn để giúp cho liên danh này được thắng cử tại nơi này và từ đó sẽ ôm trọn toàn bộ số phiếu cử-tri-đoàn của tiểu bang này.

Thí dụ điển hình nhất là trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, trong số khoảng 10 tiểu bang ngang ngửa (swing states) khít khao nhất có hai tiểu bang lớn có số phiếu đáng kể là Ohio và Florida. Nếu người đứng phó là một nghị sĩ hay thống đốc nổi tiếng và được nhiều người ủng hộ tại các tiểu bang đó thì cơ hội thắng cử của liên danh tại tiểu bang này cũng dễ dàng thành tựu hơn. Riêng đối với đảng Cộng Hoà hiện nay thì nhu cầu chiến thắng tại hai tiểu bang này còn cấp thiết hơn nữa, vì người ta có thể nói gần như chắc chắn rằng nếu như liên danh của phe Cộng Hoà đều không chiến thắng tại cả hai tiểu bang Ohio và Florida thì không còn hy vọng nào để giành được đa số 270 phiếu cử-tri-đoàn để thắng cử. (Trên toàn quốc, có tổng cộng 538 phiếu cử-tri-đoàn là con số tổng hợp từ 100 nghị sĩ + 435 dân biểu liên bang + 3 đại biểu của thủ đô Washington DC. Vì thế nên ứng viên nào đạt được 270 phiếu là coi như có đủ đa số thắng cuộc.)

Lý do đơn giản là vì cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, tuy trên nguyên tác là cuộc chạy đua diễn ra cùng lúc trên toàn 50 tiểu bang, nhưng trong thực tế đã trở thành một cuộc tranh cử chỉ đáng theo rõi tại khoảng 10 tiểu bang được coi là ngang ngửa vì tính chất khó tiên đoán của nó, nhưng đồng thời kết quả tại đây cũng xác định luôn vị thế người thắng cuộc sau cùng.

Do bởi nhiều yếu tố lịch sử về địa dư, văn hoá, và làn sóng di dân, cử tri tại khoảng 40 tiểu bang trên nước Mỹ coi như đã bầy tỏ quan điểm chính trị của mình một cách khá rõ rệt giữa hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến. Những cuộc phân tích hay nghiên cứu về Hoa Kỳ thường đưa ra hình ảnh một nước Mỹ được tô đậm bằng hai mầu đỏ và xanh rõ rệt: một số lớn (khoảng 25 tiểu bang) nằm trong đất liền được tô mầu đỏ tiêu biểu cho quan điểm bảo thủ vì đa số cử tri đều luôn bỏ phiếu cho đảng Cộng Hoà, trong đó có tiểu bang đông dân nhất là Texas, nhưng hầu hết các tiểu bang còn lại đều ít dân hơn. Phần còn lại tuy chỉ là thiểu số với khoảng 15 tiểu bang nằm ở hai bờ biển của Hoa Kỳ được tô mầu xanh vì là biểu tượng của lập trường cấp tiến vì đa số dân chúng tại các nơi này đã luôn dồn phiếu cho đảng Dân Chủ, trong đó có nhiều tiểu bang quan trọng và đông dân như California (miền Tây) và New York (miền Đông) cùng với những tiểu bang lớn khác như Pennsylvania, Michigan, Illinois v.v.

Xuyên qua kết quả không thay đổi gì nhiều trong khoảng 6 cuộc bầu cử liên tiếp trong hơn hai thập niên qua, các chuyên gia am tường thời cuộc đều có thể đưa ra những tiên đoán khá chính xác để kết luận rằng trong cuộc bầu cử lần này phe Dân Chủ (không cần biết ứng cử viên là ai) cũng sẽ giành được ít nhất khoảng 232 phiếu cử-tri-đoàn là những tiểu bang mầu xanh. Trong khi đó, phe Cộng Hoà (cũng không cần biết ứng viên nào) cũng dự trù giành được dễ dàng các tiểu bang mầu đỏ với tổng cộng khoảng 190 phiếu cử-tri-đoàn.

Số còn lại khoảng 116 phiếu cử-tri-đoàn còn lại nằm trong xấp xỉ 10 tiểu bang được coi là ngang ngửa vì tỉ lệ bỏ phiếu của cử tri từ đó đến nay thường luôn ngang ngửa và gay cấn đến giờ chót (như trường hợp của Florida vào năm 2000 và Ohio vào năm 2004). Lá phiếu của cử tri tại đây có thể thay đổi từ phe Cộng Hoà sang Dân Chủ hay ngược lại, từ một cuộc bầu cử kỳ này qua đến kỳ sau đã không còn là một điều ngạc nhiên vì kết quả thắng thua trước đó thường luôn rất khít khao. Vì thế nên nó có thể thay đổi dễ dàng tuỳ theo tình hình thời sự lúc đó cũng như tên tuổi của các ứng viên có thể ảnh hưởng tốt hay xấu đối với cử tri vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử. Đó là những tiểu bang như Florida, Ohio, Wisconsin, Iowa, New Hampshire, Missouri, Colorado, Virginia, Nevada. Ngoài ra cũng có thể kể thêm North Carolina, Arizona do bởi những biến chuyển gần đây liên quan đến dân số gốc Latino và vai trò của ứng viên Donald Trump.

Với vị thế bất lợi có tính cách chiến lược rõ ràng như vậy, có thể nói là liên danh phe Cộng Hoà cần phải thắng đa số áp đảo trong số khoảng 10 tiểu bang ngang ngửa này thì mới có hy vọng qua mặt được đối thủ để giành được đa số trên 270 phiếu. Trong khi đó, phe Dân Chủ chỉ cần thắng tại một vài tiểu bang lớn như Florida và Ohio thì dễ dàng thắng cử. Điều khó khăn hơn nữa là trong số khoảng 10 tiểu bang ngang ngửa này, phe Cộng Hoà và nhất là ứng viên Donald Trump cũng lại có xác suất thấp để giành được đa số vì chiều hướng nghiêng về khuynh hướng cấp tiến của cử tri trong thời gian gần đây (do bởi sự du nhập của nhiều thành phần dân chúng đa dạng thuộc đủ sắc tộc): đó là những tiểu bang như Virginia, Colorado, Iowa, Wisconsin, New Hampshire. Kể cả Ohio là nơi có nhiều thành phần dân chúng Mỹ trắng và bình dân, và Florida với giới cao niên và đa số dân gốc Cuba vốn không phải là giới cử tri thân thiện với phe Dân Chủ, nhưng cả hai nơi này cũng bỏ phiếu cho Barack Obama vốn đã không phải là một ứng viên được ưa chuộng bởi cử tri da trắng và phe Cộng Hoà. Điều này càng cho thấy triển vọng khó khăn hơn nữa cho ứng viên Donald Trump trong năm nay.

Bài viết này được thực hiện vào ngày đầu tuần để kịp đưa đi in báo giấy để phát hành vào cuối tuần. Do đó, những thông tin được dự đoán có lẽ đã được hầu hết độc giả nhìn thấy khi đọc những giòng chữ này. Tuy nhiên, một số những nhận định được ghi lại cũng đáng chú ý để từ đó chúng ta có thể hiểu rộng thêm các sự kiện được nói đến.

Những cuộc đại hội đảng toàn quốc, kéo dài trong 4 ngày liên tiếp từ đầu tuần, từ lâu đã không còn là những cuộc họp để bàn thảo trong nội bộ để cho các thành viên đại biểu của đảng từ khắp nơi về tham dự để tranh luận trên nhiều chủ đề, cũng như để cho các ứng viên hoặc phe phái giải quyết những tranh chấp hay xung đột. Kể từ năm 1980, nó đã trở thành những buổi tập họp được sửa soạn kỹ lưỡng và chi tiết với mục đích chính là đánh bóng cho hình ảnh của đảng và ứng viên được đề cử hầu giúp cho cử tri trên toàn quốc có được cái cảm giác hân hoan và hy vọng trong những tháng ngày sắp tới trước khi bước vào thùng phiếu. Vì thế nên sau mỗi cuộc đại hội đảng kết thúc, ứng viên được chính thức đề cử bao giờ cũng thấy tỉ lệ ủng hộ được “tưng” lên chút ít (thường gọi là bounce) do bởi những màn trình diễn được thực hiện công phu và chu đáo này. Tuy vậy, sự gia tăng này cũng tan biến nhanh chóng, do bởi hai cuộc đại hội đảng được diễn ra liên tục nên ảnh hưởng của nó coi như cũng bị hoá giải hoặc triệt tiêu lẫn nhau.

Thế nhưng kỳ Đại hội đảng Cộng Hoà năm nay dường như không được tổ chức một cách chu đáo và chặt chẽ như mong muốn. Cho đến khi ông Donald Trump chính thức đọc bài diễn văn chấp nhận sự đề cử vào tối thứ Năm, thì bất cứ biến cố bất ngờ nào cũng có thể nổ ra. (Và quả tình là cuối cùng cũng có nhiều bất ngờ nổ tung ra). Theo nhà báo David Lightman thuộc hệ thống truyền thông McClatchy thì chúng ta có thể chú ý đến một số các sự kiện như sau trong các cuộc đại hội đảng để rút ra được những kết luận lý thú. Liệu đảng Cộng Hoà có thể sẽ đoàn kết, vui vẻ và “chung lưng đấu cật” để cùng nhìn về phía trước, hoặc là sẽ tiếp tục đấu đá hoặc vất vả trong những ngày tháng sắp tới để có thể phục hồi lại uy tín của mình?

1. Đầu tiên là những thế lực trong hậu trường muốn chống lại Donald Trump. Có thể nói là phe này đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn việc đề cử ông ta, khi mà bộ tham mưu của ông Trump đã lo sửa soạn và phòng hờ tất cả mọi tình huống và họ đã nhanh chóng biểu quyết đè bẹp đề nghị này. Hơn nữa, bộ máy của Trung ương Đảng (Republican National Committee) coi như đã đánh cuộc là phải chấp nhận sự thể đã rồi của con bài Donald Trump và do đó cần phải cố giữ hình ảnh thống nhất của đảng.

2. Thế nhưng liệu những người không có mặt có tạo nên sự chú ý rất lớn hay không, và điều này tự nó có thể gián tiếp mang đến hình ảnh và nội dung của một đảng không thực sự đoàn kết và thống nhất? Giới truyền thông chắc chắn là sẽ tường thuật đến sự kiện vắng mặt của khá nhiều các chính khách đương thời gồm các thống đốc, nghị sĩ liên bang hoặc nhiều viên chức kỳ cựu của đảng cố tình không có mặt. Trong số đó phải kể đến những nhân vật nổi tiếng như hai cựu tổng thống Bush Bố và Bush Con, cũng như hai ứng viên chính thức của đảng trong hai kỳ bầu cử vừa qua là John McCain (2008) và Mitt Romney (2012). Thành phố Cleveland được lựa chọn là nơi tổ chức đại hội nằm trong tiểu bang Ohio nhưng hai nhân vật quan trọng và nổi tiếng nhất lại tẩy chay thay vì đóng vai trò chủ nhà, đó là Thống đốc John Kasich và nghị sĩ liên bang Rob Portman, vì lý do đơn giản là ông Portman đang phải tái tranh cử nên không muốn bị that bại vì liên luỵ đến hình ảnh của Donald Trump. Chi tiết này tự nó đã là một dấu hiệu không lấy gì làm khả quan cho hình ảnh đoàn kết và thống nhất trong đảng Cộng Hoà.

3. Liệu những cuộc biểu tình chống đối có thể khiến nhiều người chú ý hơn là những diễn tiến bên trong đại hội? Như đã phân tích ở trên, nội dung các buổi sinh hoạt ở trong hội trường thật ra không có gì đáng nói, hoặc hấp dẫn cho giới cử tri toàn quốc theo rõi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng những cuộc xuống đường ở bên ngoài lại có thể thu hút sự chú ý của người dân nhiều hơn. Lần sau cùng xảy ra những cuộc biểu tình rầm rộ và to lớn vào những dịp đại hội đảng toàn quốc là vào năm 1968 khi các nhóm biểu tình theo phong trào phản chiến đã rầm rộ tuần hành bên ngoài đại hội đảng Dân Chủ tại thành phố Chicago, vô tình khiến người dân chú ý đến cuộc chiến tranh tại VN, vốn là một đề tài gây tranh cãi lớn vào lúc đó. Kỳ này rõ ràng là nhân vật Donald Trump đã lôi cuốn rất nhiều những nhóm chống đối thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau muốn tụ tập về Cleveland để biểu dương lực lượng hoặc để bầy tỏ sự chống đối rõ rệt. Tuy nhiên cuối cùng thì những vụ biểu tình ồn ào bên ngoài đã không náo động như nhiều người tiên đoán hoặc lo ngại.

4. Liệu sẽ có được những khuôn mặt mới lạ đầy hứa hẹn hay không? Mỗi một kỳ đại hội đảng đều đưa ra một tên tuổi mới, và với một bài diễn văn hùng hồn có thể trở thành một chính khách nổi tiếng sau đó. Đó là trường hợp của bà Ann Richards, trong kỳ đại hội đảng Dân Chủ năm 1988, với bài diễn văn chỉ trích ứng viên Bush Bố mạnh mẽ, đã trở thành một tên tuổi nổi tiếng được ưa chuộng bởi phe Dân Chủ để rồi sau đó được đắc cử thống đốc tiểu bang Texas. Đó cũng là trường hợp của một chính khách da đen mới nổi là Barack Obama, được mời đọc bài diễn văn chính trong kỳ Đại hội đảng năm 2004, để rồi chỉ 4 năm sau đã nhanh chóng chộp lấy thời cơ để trở thành ứng viên chính thức của đảng Dân Chủ, và sau cùng giành lấy thắng lợi vẻ vang vào cuối năm để trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Lần này, một khuôn mặt mới lạ xuất hiện ngay trong ngày đầu của đại hội cũng đã tạo nhiều tiếng vang, nhưng thuộc loại ồn ào tai tiếng đầy bất lợi, đó là bà Melania Trump, bà vợ thứ ba của nhà tỷ phú Donald Trump, một di dân gốc Slovania, trẻ đẹp và từng là người mẫu khoả thân với thân hình bốc lửa. Bà này được lựa chọn để đọc bài diễn văn ca ngợi thành tích của ông chồng với một bài diễn văn đầy những lời lẽ hoa mỹ và chải chuốt, nhưng rồi người nghe bỗng giật mình khi chợt thấy có một đoạn văn ngắn dài 23 chữ dường như là được “cuỗm nguyên con” từ bài diễn văn của bà Michelle Obama đã đọc hồi năm 2008. Việc ông phụ tá cao cấp là Paul Manafort đã chối leo lẻo là không có trò “đạo văn” nhưng rồi sau đó người viết bài diễn văn này đã tự đề nghị rút lui nhưng lại được ông Trump tiếp tục lưu giữ lại đã khiến cho nhiều người không nể trọng, và đồng thời cũng hé lộ cho mọi người thấy trình độ và kiến thức thật sự của vị nữ lưu có thể trở thành đệ nhất phu nhân.

Một nhân vật khác cũng gây ồn ào chấn động lần này tuy rằng đó không phải là một khuôn mặt xa lạ với mọi người: đó là ông Ted Cruz, nghị sĩ liên bang đại diện của tiểu bang Texas. Ông này là đối thủ chính của Donald Trump, nổi tiếng với lập trường bảo thủ cực đoan và thành tích sẵn sàng phá bĩnh để chống đối giới lãnh đạo, dù đó là TT Obama hay là các vị chủ tịch Thượng Viện và Hạ Viện của phe Cộng Hoà.

Trong kỳ bầu cử sơ bộ, ông Ted Cruz đã về hạng nhì và phải cay đắng rút lui. Ông được Donald Trump đích thân mời đọc diễn văn trong kỳ đại hội, trước đó được xem như là một nghĩa cử hoà dịu xuống nước của nhà tỷ phú để mong được đổi lại là ông sẽ lên tiếng ủng hộ Donald Trump trong bài diễn văn. Ấy vậy mà sau khi mọi chuyện đã ngã ngũ khi ông Trump đã chính thức giành được hơn 1,700 phiếu đại biểu vượt qua đa số quá bán, ông Ted Cruz trong bài diễn văn này lại đưa ra những lời nói hoa mỹ, hùng hồn nhưng lại “trớt quớt” bởi lẽ nó không hề ủng hộ cho ứng viên được đề cử chính thức này. Ông Cruz kêu gọi mọi người là hãy “bỏ phiếu theo lương tâm của mình” và bỏ phiếu cho “người bảo vệ hiến pháp Hoa Kỳ” nhưng lại không hề nêu đích danh người đó là Donald Trump mặc dù bị cử toạ la ó phản đối, bởi vì lúc đó người nghe mới nhận ra rằng đó là lời kêu gọi là “hãy bỏ phiếu chống lại Donald Trump” nếu theo đúng lương tâm của nhiều cử tri Cộng Hoà. Đây là một đòn hiểm độc của Ted Cruz, có lẽ cũng chẳng ảnh hưởng thực sự gì đến tâm lý của cử tri đối với Donald Trump, nhưng có thể cũng đốt cháy luôn uy tín của ông Cruz vì người ta đã được dịp chứng kiến một hành động mang tính tiểu nhân và thiếu lương thiện của một chính khách thường khoe khoang và tự hào về những giá trị bảo thủ cực đoan này
5. Liệu những diễn biến thời sự gần đây mang tính bạo động, đặc biệt là những vụ tấn công của bọn khủng bố tại nhiều nước khác nhau như vụ mới nhất tại Nice của Pháp hoặc là vụ nổ súng tại một hộp đêm của giới đồng tính tại Orlando, hoặc là những vụ nổ súng trả thù của các cựu quân nhân Mỹ đen nhắm bắn vào các lực lượng cảnh sát như tại Dallas (cách nay khoảng 10 ngày) hoặc tại Baton Rouge (vào cuối tuần qua) có ảnh hưởng nào đến tâm lý hay nhận định của các đại biểu hoặc là của người dân trên toàn quốc liên quan đến nội dung của các kỳ đại hội? Nói chung, những cuộc đại hội đảng trong thời gian sau này thường được tổ chức theo khuôn mẫu một kỳ tập họp vui vẻ và hân hoan chào mừng một liên danh mới, tràn trề hy vọng cho cử tri của đảng, với hình ảnh đêm cuối cùng giống như là một đêm liên hoan với hàng ngàn quả bóng được thả tung lên trời để làm hậu cảnh cho một hình ảnh huy hoàng và tươi đẹp. Trong bối cảnh tang thương gần đây tại nhiều nơi, liệu những hình ảnh này có còn đủ sức để hấp dẫn sự chú ý hoặc quan tâm của cử tri hay không?

6. Liệu nhân vật Mike Pence có được nhiều người nhớ tới sau này hay không? Vào cuối tuần qua, sau những trục trặc ban đầu trong việc trình làng người đứng phó trong liên danh với mình, ông Donald Trump cũng đã giới thiệu ông Mike Pence, thống đốc tiểu bang Indiana, đã được ông lựa chọn để đứng cùng liên danh. Chưa gì báo giới đã nhấn mạnh đến chi tiết đây không phải là lựa chọn ưng ý nhất của nhà tỷ phú Trump (kể cả việc ông đã quyết định nhưng rồi sau đó lại có ý muốn thay đổi nhưng lại ngập ngừng), nhưng có lẽ ông ta không còn có những lựa chọn nào khả quan hơn. Dù mọi người đều biết là ông ta ưa thích hơn hai nhân vật khác là Newt Gingrich, cựu Chủ tịch Hạ Viện dưới thời TT Bill Clinton, và Chris Christie, đương kim thống đốc New Jersey. Tuy nhiên, cuối cùng thì dường như ông Trump đã chịu nghe theo lời cố vấn của bộ tham mưu để thấy rằng cả hai ông Gingrich và Christie đều sẽ mang lại một số những bất lợi to lớn khác trong đường dài.

Thay vào đó, việc lựa chọn ông Mike Pence có thể giúp đem lại một số những điểm thuận lợi trong ngắn hạn, ít ra là nó có thể giúp ông hoá giải một phần nào những sự bực tức hoặc tẩy chay, xa lánh từ giới cử tri bảo thủ cực hữu. Do bởi ông Mike Pence, từ thời còn là một dân biểu liên bang rồi sau đó là thống đốc tiểu bang Indiana và vào cuối năm ngoái cũng từng có tham vọng ra ứng cử tổng thống lần này trong nội bộ đảng Cộng Hoà, đã được xem như là một chính khách bảo thủ chân truyền. Ông Pence đương nhiên là người được khối cử tri bảo thủ lâu đời trong đảng Cộng Hoà ủng hộ nhưng điều quan trọng hơn hết là ông ta chỉ đứng phó trong liên danh, có khả năng gì để thuyết phục hay ảnh hưởng đến ông Trump. Thậm chí trong bài diễn văn trình làng người đứng phó trong liên danh của mình, ông Trump vẫn giữ thói quen nói lải nhải đến hơn 28 phút về những thành tựu của mình (như đánh bại được tất cả các đối thủ nặng ký khác trong đảng) và chỉ giành có vài giây ngắn ngủi để giới thiệu ông Mike Pence. Để rồi sau đó ông rút lui khỏi sân khấu thay vì kiên nhẫn đứng lại nghe hết bài diễn văn như thói quen lịch sự của những người khác. Trong bài diễn văn giới thiệu, thay vì dùng câu nói đánh bóng tốt đẹp nhất về ứng cử viên phó tổng thống rằng “đây là một người rất xứng đáng để có thể trở thành tổng thống” mà các ứng viên tổng thống khác từ trước tới nay đều ca tụng, lần này ông Trump chỉ nói suông rằng ông Pence là “một người rất cần thiết cho sự thống nhất của đảng”. 

Điều này cũng dẫn đến chi tiết được giới truyền thông phân tích là ông Pence có những lập trường hoàn toàn đối chọi với ông Trump. Và một điều trớ trêu là trước đó ông Pence đã ủng hộ đối thủ của ông Trump là nghị sĩ Ted Cruz trong kỳ bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Indiana, dù rằng điều này cũng chẳng giúp đem lại thắng lợi cho ông Cruz. Một trong những chi tiết về sự đối chọi là việc ông Pence đã ủng hộ việc bỏ phiếu ủng hộ chính quyền Bush Con tấn công chế độ Saddam Hussein vào năm 2003 giống như hầu hết các dân biểu và nghị sĩ vào lúc đó, kể cả những người thuộc phe Dân Chủ như ông John Kerry và bà Hillary Clinton. Trong khi đó thì ông Trump đã chống lại việc này (dù rằng thật ra trước đây cũng có lúc ông tuyên bố ủng hộ việc này) và gần đây đã nhiều lần chỉ trích rằng đó là một sai lầm rất lớn của TT Bush Con. Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với nhà báo Leslie Stahl trong chương trình truyền hình “60 Minutes” của đài CBS, ông Trump đã nói rằng đó chỉ là một lỗi lầm nhỏ của ông Pence mà ông đã bỏ qua (khi ông trả lời “I don’t care”) nhưng ông lại không bỏ qua cho bà Clinton về quyết định bỏ phiếu này.

Ông Pence là một người có thành tích bảo thủ cực hữu, chống đối quyết liệt giới đồng tính, cũng như sẵn sàng ban hành các đạo luật siết chặt hoặc ngăn cấm quyền phá thai của phụ nữ trong khi ông Trump thì không hề có ý muốn cương quyết chống đối trong hai đề tài này. Do vậy, cũng khó lòng cho giới cử tri phụ nữ và giới đồng tính dễ dàng bỏ phiếu cho liên danh này trong kỳ bầu cử năm nay.
Trong thực tế, dường như không có trường hợp nào ứng viên đứng phó trong liên danh có thể giúp ích hữu hiệu cho ứng viên chính đến mức có thể lật ngược thế cờ hoặc là có công lớn để giành được một tiểu bang quan trọng nào đó. Trong một số trường hợp, một vài ứng viên đứng phó có thể đem lại chút ít tiếng vang ở ban đầu vì sự tò mò của cử tri (như trường hợp của bà Sarah Palin đối với ông John McCain vào năm 2008) nhưng để rồi sau đó lại đem tới nhiều rắc rối to lớn hơn nữa khi người dân biết rõ hơn về kiến thức và thành tích của ứng viên mới nổi này. Do đó, tên tuổi của Mike Pence nhiều phần là sẽ không làm thay đổi cán cân trong cuộc bầu cử kỳ này, và có lẽ cũng sẽ không được nhiều người biết tới sau này trừ khi ông Trump được đắc cử tổng thống.

7. Và sau cùng là nhân vật Donald Trump sẽ hành xử ra sao trong dịp này. Điều này quả thật khó tiên đoán vì cho đến nay không ai có thể tiên đoán một cách chắc chắn về những chiến lược hay chiến thuật của ứng viên này. Có thể nói đây là một ứng viên kỳ lạ nhất đi ra ngoài tất cả mọi nhận định theo quy ước từ trước tới nay, lại góp mặt trong một cuộc bầu cử kỳ lạ nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng đi ra ngoài tất cả những tiên đoán theo quy ước từ trước tới nay. Riêng kẻ viết bài này cũng đã giành ra hơn một chục bài viết để phân tích về nhân vật quái lạ này từ hồi mùa hè năm ngoái, kể cả việc dùng một từ ngữ có phần hơi biếm nhẽ khi ví von ông ta là “hiện tượng Xì-trum”.

Nhà báo David Lightman thì cho rằng Đại hội đảng năm nay là cơ hội để cho ông Trump có thể thành công để vực dậy lại uy tín và thực lực của đảng Cộng Hoà (chứ chưa chắc là có thể thắng cử để giành lại Toà Bạch Ốc) nhưng đồng thời cũng có thể là dịp để cho ông phá nát luôn cả cái đảng bảo thủ này để không còn trở thành một đảng thống nhất những người theo khuynh hướng bảo thủ. Đó là trường hợp nếu như ông Trump tiếp tục những luận điệu và chiêu thức mà ông đã sử dụng trong thời gian cuộc vận động tranh cử vòng sơ bộ vừa qua. Còn diễn đàn truyền thông theo khuynh hướng cấp tiến có tên là The National Memo thì đã chạy một hàng tựa khá thú vị là “Convention or Circus” để ám chỉ rằng liệu nó có là một Đại hội đảng to lớn và trang trọng hay lại là một Gánh xiệc vui nhộn và náo loạn với nhân vật được nhiều người chú ý nhất là tay hề Donald Trump?

Trong bài diễn văn đọc vào đêm chót của đại hội để chính thức nhận lãnh sự đề cử của đảng, ông Trump đã vẽ ra hình ảnh một nước Mỹ đang trong thời kỳ nhiễu nhương, với một viễn tượng không tươi sáng và đổ lỗi đó là vì bà Hillary Clinton, đối thủ chính của ông trong kỳ bầu cử năm nay. Rõ ràng là ông muốn tô đậm thêm hình ảnh hắc ám của nước Mỹ và khích động sự lo sợ (tuy là không đúng với thực tế) của khối cử tri bảo thủ nhưng có kiến thức nông cạn nên dễ bị những tiếng nói bảo thủ cực đoan lải nhải từ nhiều năm qua với những cơ quan truyền thông hữu hiệu và đắc lực như đài Fox News. Thay vì đưa ra những đường hướng mới cho chính sách cầm quyền của mình trong tương lai, ông Trump chỉ cần dùng những lời lẽ hết sức bình dân để quảng bá về thành tích của mình và kêu gọi sự tín nhiệm của người dân với lời phát biểu: “Không có ai hiểu rõ về hệ thống này (tức là chính quyền liên bang) bằng tôi đâu, và đó là lý do mà chỉ có tôi mới là người duy nhất để có thể sửa chữa nó.

Lối quảng cáo bình dân và tự tin quá đáng kiểu này khiến nhiều người trong chúng ta ắt hẳn phải nhớ đến một vị lãnh tụ khác cũng đã từng phát ngôn tương tự: đó là ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thời Việt Nam Cộng Hoà trước năm 1975. Khi bị nhiều người chỉ trích trước thủ đoạn đòi ra tái tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ ba trái ngược với tinh thần của hiến pháp lúc đó, cũng như bị nhiều người liên tiếp tấn công và đòi ông phải từ chức về tội tham nhũng, ông Thiệu đã nói những lời lẽ cũng chắc nịch không thua gì ông Trump: “Từ chức là đào ngũ. Tôi sẽ ở lại chiến đấu đến cùng để chống lại bọn Cộng Sản.” Ấy vậy mà khi đất nước lâm nguy trong những ngày dầu sôi lửa bỏng vào cuối tháng 4 năm 1975, ông Thiệu đã cùng với nhiều thủ hạ thân tín đã lẻn trốn trước hơn ai hết để lên máy bay đi sang Đài Loan, bỏ mặc hàng trăm ngàn quân nhân dưới quyền phải đắng cay chịu trận ở lại. Để rồi sau đó ông cũng “ngồi lì” theo thói quen để ngoảnh mặt làm ngơ trước thảm cảnh của hàng trăm ngàn thuyền nhân bỏ xứ ra đi, không một lời thăm hỏi hay an ủi hoặc trợ giúp trong nhiều năm dài sau đó cho đến nhắm mắt sau cùng. Và chỉ có những người bình dân nhẹ dạ lầm tin vào những lời hứa hẹn đanh thép đó mới ngả ngửa và đau đớn thì cũng đã muộn.

Chuyện dài về nhân vật Donald Trump chắc chắn là sẽ còn nhiều kỳ sắp tới, hứa hẹn nhiều biến chuyển thay đổi bất ngờ khó tiên đoán. Cho nên chúng ta phải tiếp “wait and see” là vì vậy.  
 
MAI LOAN
Houston, Texas ngày 18/06/2016
(cập nhật ngày 23/7/2016)