Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
ĂNG LÊ ĂNG LIẾC
Nguyễn Xuân Phúc, sau
này và mãi mãi, sẽ được nhớ đến, chắc không phải vì chức vụ thủ tướng của hắn,
mà là mấy chữ tiếng Anh hắn cao hứng xí xố trong một buổi nói chuyện nào đó ở Hà
Nội. Nghe đi nghe lại, càng nghe người ta càng thấy hắn phát âm một cách vô học
và dốt nát chữ "MADE", một chữ chẳng khó khăn, hiếm gặp gì, ngay cả với những
người không biết tiếng Anh, thành "MA ZÊ". Phải như những chữ dài và khó, hay ít
khi gặp thì cũng có thể hiểu được. Thí dụ thay vì "Made in Vietnam", mà là
"Manufactured in Vietnam", hay "Fabricated in Vietnam", hay "Bottled in...",
"Boxed in...", "Packed in..." thì phát âm sai hay không rõ thì cũng... người ta
thường tình. Nhưng phát âm có chữ "MADE" mà cứ như đồ vô học thì không được. Bộ
cả đời chưa bao giờ thấy cái chữ đó trên những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày
trong đời sống hay sao?
Đã học tiếng Anh thì
ngay trong những bài học đầu tiên cũng phải biết nó. Nó là quá khứ phân từ của
động từ "to make", một động từ bất qui tắc mà ai mới học Anh ngữ cũng phải biết.
Nhưng thôi, nhắc một
chút văn phạm ra đây làm gì với cái ngữ đó. Trong khi đó, thỉnh thoảng lại có
vài ba nhận xét khoe nhắng lên rằng trình độ tiếng Anh của học sinh, sinh viên
Việt Nam là cao nhất Đông Nam Á! Chắc Đông Nam Á không có Philippines, Hương
Cảng, Singapore, Malaysia... chăng.
Mới đây, xem cái bằng
tốt nghiệp của đại học Yersin cấp cho một sinh viên học môn kiến trúc thì thấy
ngay cái trình độ tiếng Anh đó. Môn học kiến trúc tiếng Anh là "Architecture".
Kiến trúc sư, người học và tốt nghiệp môn kiến trúc là "Architect". Tấm bằng tốt
nghiệp cấp cho người sinh viên này phải là "Degree of Architecture" thay vì
"Degree of Architect" như đã ghi trong tấm bằng.
Một tấm bằng khác của
một đại học khác (cũng bằng tiếng Anh) thì ghi sai là "Bachelor of Engineer"
thay vì "Bachelor of Engineering". Lý do vì "Engineer" là (người) kỹ sư.
"Engineering" mới là môn học.
Một trường trung học
ở Hạ Long cũng khoe chút tiếng Anh bằng cái bảng danh dự viết bằng tiếng Anh (mà
trường gọi là "Dean's List"). Trường dùng động từ "DONATE" để nói là cấp cho học
sinh cái Dean's List đó. Thưa không! Phải dùng "AWARDED" chứ.
Thế rồi ngay ở dòng
dưới là tên của học sinh mà tấm giấy khen ghi là "KID".
Ối giời đất ơi là
giời đất ơi. Thật là khốn khổ cho cái tiếng Anh của thời đại Nguyễn Xuân Phúc.
Một tấm bảng quảng
cáo mời khách cho một tiệm giặt chắc ở Hà Nội hay đâu đó ở miền Bắc có kẻ hai
chữ rùng rợn này: "WASHING ARE". Chắc nó phải ở miền Bắc. "WASHING ARE" là giặt
là. Trong Nam là giặt ủi. Ủi không là...ARE là... là được.
Hay trên một bảng
quảng cáo của một siêu thị ở Điện Biên Phủ dịch ô mai là "UMBRELLA TOMORROW",
"DRY FRUITS" thay vì phải là "DRIED FRUITS"...Nhưng đó lá Anh ngữ đầu đường xó
chợ.
Bây giờ hãy ngó qua
mấy cái tiếng Anh ở nơi... không được quyền láo toét như thế nhé.
Trong một bệnh viện
không biết là ở đâu người ta đọc được những tấm bảng song ngữ như thế này:
NƠI CẤP PHÁT THUỐC:
ALLOCATED WHERE DRUGS
NƠI TIẾP BỆNH NHÂN:
WHERE PATIENTS RECEIVE
LỐI ĐI NHÂN VIÊN:
EMPLOYEE ENTRANCES GO
Anh Mỹ nào hiểu được
thứ tiếng Anh này hở Giời! Khốn khổ cho tiếng Anh biết là chừng nào! Bộ trong
một bệnh viện không có nổi một hai người biết tiếng Anh để nhìn ra những sai sót
như thế hay sao. Lỡ có được vài ba y sĩ ngoại quốc tới thăm hay dậy thì những
người này biết đâu mà ra vào, phát thuốc, giải phẫu cho các bệnh nhân?
Tiếng Anh "ma zê in
Ziecnam" là như thế cả sao!
MÀ NÓI CÁI GÌ CƠ CHỨ?
Bây giờ thì cả nước
đã được nghe tài nói tiếng Anh của Nguyễn Xuân Phúc khi chàng kêu gọi phát triển
kỹ nghệ để đem các sản phẩm của Việt Nam đến các thị trường thế giới. Nếu cứ
tiếng ta, ta... xài thì chó nó cũng không biết chàng dốt tiếng Anh một cách tàn
tệ như thế. Đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại. Đọc tiểu sử thấy chàng khoe nhắng lên
là có bằng cử nhân, nói thạo hai ngoại ngữ là Anh và Nga văn thì phải tin vào
khả năng ngoại ngữ của chàng chứ. Chẳng gì nước ta cũng đã... lâu dài với Liên
Bang Sô Viết thì việc chàng thông thạo Nga văn là thường tình. Tiếng Anh thì
trong những năm gần đây cũng đã vùng lên trở lại, nên chắc chàng nói lưu loát
cái thứ tiếng của đế quốc Mỹ cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng rồi tự nhiên, tự địa
chàng khơi khơi..."MA ZÊ IN ZIỆC NAM" người ta mới thất kinh về tiếng Anh của
chàng.
Mấy chữ "Made in
Vietnam" thì có khó khăn lắm gì cho cam mà chàng hồn nhiên ra như thế để lòi cái
dốt của chàng ra. Đến khổ! Chao ơi có mấy chữ đó nói còn không nên thân thì
những câu khác còn ngọng đến đâu nữa.
Nhưng chàng không
phải là đứa ngọng duy nhất ở Việt Nam bây giờ. Nhớ anh y tá chích đít bỏ học sớm
theo cách mạng khoe có bằng cử nhân Luật cũng không khá gì hơn trong chuyến
chàng đi Tây và gặp thủ tướng Pháp cũng biểu diễn cái dốt của chàng tại cuộc họp
báo truyền hình mà một đài truyền hình ở Paris lôi ra diễu cho khán giả cười vỡ
bụng. Ba Ếch không biết tiếng Tây là chuyện dễ hiểu. Chàng muốn đóng cái cửa sau
lưng lại mà cứ ngọ lại nguậy, không biết nói nhỏ vào tai phụ tá để được thông
dịch lại mà phăng phăng tiếng Việt, bất chấp các lễ nghi thông thường của cuộc
họp báo. Nhưng thôi, quen sống trong rừng có thô lậu một chút cũng tạm tha cho
chàng. Không nói được tiếng Pháp thì cứ nhận là chỉ... quen nói tiếng Anh là
xong. Nhưng nói được ngoại ngữ không phải là điều tối quan trọng. Làm sao một
người có thể biết được tất cả các thứ tiếng trên thế giới để đi đến đâu nói
tiếng nước đó được. Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp có cần phải biết nói tiếng
Pháp đâu. Những điều nói ra mới quan trọng. Cụ Phan đi đòi đất đai mà người Pháp
chiếm của nước ta. Thông ngôn của cụ làm công việc chuyển những nguyện vọng của
triều đình sang tiếng Pháp. Các cụ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản...
không cần phải nói tiếng Tây như đầm con, Tây con học Marie Curie hay Jean
Jacques Rousseau...
Ý tưởng, điều muốn
nói mới là quan trọng. Nhưng đó lại là điều tệ hại tại cuộc họp báo mặc dầu điều
Ba Ếch nói chỉ là một câu xã giao rất bình thường nhưng chỉ một câu ấy, cái dốt
nát ngớ ngẩn của chàng cũng lộ ra hết. Thay vì chỉ nói đại khái rất vui mừng
được đến Pháp và có dịp gặp gỡ các giới chức chính phủ Pháp để thào luận về một
loạt các vấn đề quan trọng song phương, hy vọng chuyến đi sẽ thành công và có
lợi cho cả hai bên thì chàng nói một câu ngớ ngẩn nguyên văn thế này: "Thưa ngài
thủ tướng... Pháp. Trước hết thay mặt đoàn đại biểu cấp cao chính phủ Việt Nam,
tôi bầy tỏ vui mừng trở lại thăm nước Pháp ở châu Âu và trên thế giới..."
Thế là thủ tướng Pháp
được cho nghe mấy chi tiết về địa lý nước Pháp của ông. Thiếu điều lôi cuốn
atlas mở ra trang có bản đồ Pháp ra chỉ cho thủ tướng nước chủ nhà xem cho
đủ. Làm cứ như không có hai chi tiết "ở châu Âu" và "trên thế giới" là chủ nhà
không biết nước mình ở đâu mà về báo cáo lại cho tổng thống Hollande không bằng.
Vớ vẩn và thập phần
ngớ ngẩn. Ăn với lại chả nói. Trông cái mặt nhâng nháo và tự mãn của anh ta mà
muốn phát ói. Nhưng nhờ đó mà khán giả đài Canal Plus được một trận cười đã đời.
Tôi chợt nhớ một bài
thơ rất ngắn của Prévert, bài Le Jardin:
Des milliers et des milliers d'années
Ne sauraeint suffire
Pour dire
La petite seconde d'éternité
Où tu m'as embrassé
Où je t'ai embrassé
Un moment dans la lumière de l'hiver
Au Parc Montsouris à Paris
À Paris
Sur la terre
La terre qui est un astre...
Ne sauraeint suffire
Pour dire
La petite seconde d'éternité
Où tu m'as embrassé
Où je t'ai embrassé
Un moment dans la lumière de l'hiver
Au Parc Montsouris à Paris
À Paris
Sur la terre
La terre qui est un astre...
Hàng nghìn năm, hàng
nhiều nghìn năm
Cũng không đủ
Để nói
lên cái giây phút ngắn ngủi vĩnh cửu
Khi em hôn anh
và anh hôn em
trong ánh sáng của mùa đông
ở công viên Montsouris ở Paris
ở Paris
trên trái đất
trái đất là một hành tinh...
Cũng không đủ
Để nói
lên cái giây phút ngắn ngủi vĩnh cửu
Khi em hôn anh
và anh hôn em
trong ánh sáng của mùa đông
ở công viên Montsouris ở Paris
ở Paris
trên trái đất
trái đất là một hành tinh...
Prévert viết bài thơ
như một chứng cớ cho cái phút giây mầu nhiệm khi đôi tình nhân hôn nhau trong
một ngày đông ở công viên. Muốn ghi nhớ thêm để giữ lại cái vĩnh cửu đó, Prévert
làm rõ thêm cái nơi chốn mà hai người hôn nhau ở cái hành tinh rộng lớn nhưng
lại rất riêng tư của hai người...
Thi sĩ thì viết như
thế. Nhưng cái nhà anh Ba Ếch nói về vị trí của nước Pháp thì lại thành ra ngớ
ngẩn. Vớ vẩn và ấm ớ.
Tôi không tin là anh
ta muốn dẫn một chút Prévert vì chắc chắn là anh ta thì không thể biết Prévert
được.
Vì thế, biết nói một
hai ngoại ngữ là một chuyện. Còn nói lên điều gì thì lại là chuyện khác. Rất
khác! Đầu óc của ếch nhái, cắc ké thì vẫn chỉ toàn ếch nhái và cắc ké mà thôi vì
chúng nó được "MA ZÊ IN ZIỆC NAM".
"TIẾNG U"
Khoảng thời gian sau
tháng Tư năm 1975 bỗng nhiên có hai chữ xuất hiện mà tôi nhớ là trước đó không
nghe thấy bao giờ: "tiếng U". Sau một hồi, tôi hiểu đó là những tiếng láy cho đi
sau để hai chữ "tiếng Anh" khỏi cô đơn trên con đường tị nạn. Hai tiếng này luôn
luôn được nghe thấy trong những câu than thở của nhiều người về cuộc sống mới
trên nước Mỹ, và cũng có thể ở luôn cả Canada hay Australia, hay ở những nơi nói
tiếng Anh mà người Việt tị nạn tới sinh sống. Thường thường là trong một câu đại
khái than thở là bi đẩy vào một môi trường mà ngôn ngữ không thông thạo, ăn nói
khó khăn, người bản xứ nói mình không hiểu, mình nói người ta lại càng không
hiểu vì một chữ tiếng Anh tiếng U cũng không có trong đầu...
Như vậy, hình như
không hề bao giờ có một thứ ngôn ngữ nào tên là tiếng U. Nhưng gần đây, tôi tin
là có một thứ tiếng có tên là tiếng U thật. Nó mơ hồ, dường như cũng họ hàng xa
gần đâu đó với tiếng Anh nhưng nhất định không phải là tiếng Anh.
Lang thang một hồi nó
cùng đến Việt Nam với tiếng Anh lúc nào không biết. Và như để trả thù cho việc
tiếng Anh bị thù ghét vì bị coi là tiếng của đế quốc nên cần phải bị tận diệt
sau khi nón cối dép râu tiến vào Sài Gòn. Những tủ sách tư nhân có cuốn sách nào
viết bằng tiếng Anh đều bị ném hết vào ngọn lửa phần thư hay dùng làm giấy gói
xôi, miếng thịt, con cá... cho bằng hết. Luôn cả những bộ tự điển, những cuốn
bách khoa Britanica cũng cùng chung những cái chết nghiệt ngã đó. Ngay cả những
cuốn sách để học tiếng Anh của nhà xuất bản Longman mà tôi dùng trong suốt bao
nhiêu năm thời trung học cũng ra đống rác hết. Sợ rắc rối, ông ngoại các cháu
phải thuê hai chuyến xe ba gác mới thanh toán hết đống xà bần tôi để lại ở nhà...
Mấy chục năm nay, ở
Việt Nam người ta bỏ tiếng Nga để quay sang học tiếng Anh nhưng càng học tiếng
Anh thì lại càng ra tiếng... U. Y hệt như "cha em trồng khoai lang, đào lên
thấy khoai mì... thật là điều vô lý..."
Tiếng U cứ tự động
nhẩy ra không chỉ ở đầu đường xó chợ, mà còn từ lỗ miệng của Nguyễn Xuân Phúc,
thủ tướng chính phủ khi chàng hồn nhiên hô hào phát triển các sản phẩm "MA ZÊ IN
ZIỆC NAM". Người ta sính tiếng Anh đến độ đâu không cần cũng lôi tiếng Anh vào.
Trên các thực đơn, trong những bảng đường, nhà cầu...
Trong những tấm bằng
cấp cho các sinh viên tốt nghiệp thì người ta có thể hiểu được: Việt Nam đang
vươn ra ngoài, sinh viên tốt nghiệp muốn có việc làm với các công ty ngoại quốc
nên nếu cứ đem tấm bằng viết bằng "chữ quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà,
đều phải học..." thì chắc lại phải đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Hàn
quốc... mất thôi. Nên tấm bằng tốt nghiệp phải có chút tiếng Anh cho oai. Nhưng
tiếng Anh không thấy, chỉ toàn tiếng... U. Thí dụ thay vì Bachelor of
Engineering thì tấm bằng ghi là Bachelor of Engineer. Thay vì Pharmacy thì ghi
là Farmacy. Thay vì Degree of Architecture thì ghi rõ là Degree of Architect...
Đúng là tiếng U.
Mới đây, nhiều người
đang xôn xao về tấm giấy khen song ngữ Việt Anh của một trường trung học ở Hạ
Long thuộc tỉnh Quảng Ninh tặng cho một học sinh giỏi của niên học 2015-2016.
Không biết trường Trần Quốc Toản ở Quảng Ninh to nhỏ ra sao, thành tích giáo dục
thế nào... để phải có cả giấy khen viết bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh cho...
thế giới biết mà sợ chơi.
Học sinh được giấy
khen đang học lớp 7 bậc trung học. Đứng đầu trường là hiệu trưởng. Trong tiếng
Anh, hiệu trưởng một trường trung học được gọi là headmaster hay headmistress
hay principal hay head teacher. Tờ giấy khen dùng danh từ "DEAN" thì không đúng.
Dean là khoa trưởng của một đại học, Giấy khen hay bảng danh dự thời tiểu học và
trung học của tôi, tôi còn nhớ, trị giá chỉ là 1 hay 2 đồng bạc Đông Dương của
bà nội, bà ngoại chứ có ông Tây cà lồ nào ngó mắt tới đâu, nên thời ấy chỉ là
một tờ giấy bằng nửa trang vở viết bằng tiếng Việt là cùng. Đức Quốc Trưởng Bảo
Đại cũng không thèm để mắt tới. Mà đó là ở Hà Nội chứ đâu phải ở Quảng Ninh xa
xôi.
Đọc tiếp lại càng
thấy tiếng U kinh hoàng hơn. Cái "Dean List" này được "trao cho" thì tiếng U ghi
là "DONATE" thay vì phải là "AWARDED". Tờ giấy khen được trao cho người học sinh
XYZ thì thay vì chỉ cần nêu tên thì bản tiếng Anh ghi là "KID"...
Và đó là tiếng U, một
thứ tiếng có thật đang được dùng rất nhiều ở Việt Nam ngày nay.