Chắc hẳn có bà đang trợn mắt, bĩu môi mai mỉa “Chuyện đó có gì hay ho mà khoe khoang”.
Nếu mười mấy năm về trước thì tôi sẽ cười nửa miệng, khinh khỉnh mà đáp rằng “Hay chứ. Có khối thanh niên không cưới được vợ, phải về Việt Nam để tìm. Còn tôi, có vợ rồi mà vẫn cưới thêm một cô vợ nữa, không phải là điều đáng hãnh diện về nghệ thuật chinh phục phụ nữ hay sao?”. Nhưng bây giờ câu trả lời của tôi là “Thưa đúng vậy, có gì hay ho đâu, vấn đề là ở chỗ -vì tôi chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ”.
Trong gia đình, tôi là con trai út. Quen được cưng chiều từ thuở nhỏ nên học hành chẳng đến đâu, bê được cái bằng tú tài một để đóng lon chuẩn úy là khá lắm rồi. Nhờ mã đẹp trai nên tôi có nhiều bồ, nhiều đến nỗi đếm không xuể. Thật ra chỉ có lượng chứ không có chất. Má tôi lo buồn vì tôi chỉ mãi ăn chơi -lính thành phố mà. Một ngày má gọi tôi vào, năn nỉ:
-Má cũng gần đất xa trời rồi, con lo cưới vợ đi để má được an lòng nhìn con yên bề gia thất.
-Cũng được, nhưng má tìm cho con, chứ con chưa thương ai hết.
Má tôi mỉm cười hài lòng. Thế là bốn tháng sau, một đám cưới linh đình được tổ chức. Vợ tôi là một thiếu nữ mồ côi, được người dì -là bà hàng xóm- đem về nuôi nấng. Nói là nuôi, chứ thật ra nàng phải làm việc quần quật như một người giúp việc. Thấy hoàn cảnh côi cút của nàng, má tôi thương và muốn đem về làm con dâu. Được một người vợ như Nhiên, tôi chẳng có gì để than phiền. Nhiên hiền lành, siêng năng, chăm sóc gia đình trong ngoài vén khéo. Suốt năm năm má tôi nằm liệt trên giường bệnh, Nhiên săn sóc chu đáo còn hơn con ruột. Giờ phút cuối cùng của má, nhằm lúc Nhiên đang đi làm. Mặt má tôi tím ngắt vì không thở được, mà mắt cứ cố hướng ra cửa như chờ đợi Nhiên. Khi trút hơi thở cuối, mắt bà không nhắm lại, cứ mở trừng trừng. Cho đến lúc Nhiên về đến, chạy ùa vào nhà, vật vã than khóc “Má ơi! sao má không chờ con” thì máu mũi má ứa ra nhưng mắt nhắm lại sau khi Nhiên đưa tay vuốt nhẹ. Chứng kiến cảnh này, tôi mới hiểu má thương Nhiên đến dường nào.
Rồi đến ngày mất nước, tôi vào tù, một mình Nhiên gồng gánh lo toan. Vừa nuôi con, vừa thăm viếng, tiếp tế cho chồng. Ngày trở về, nhìn thấy Nhiên tàn tạ, xơ xác, tôi ôm chặt lấy thân hình gầy gò của nàng với lòng biết ơn sâu sắc. Tôi thầm hứa, hết cuộc đời còn lại tôi sẽ lo lắng, chăm sóc cho Nhiên để đền bù những nhọc nhằn, gian khổ mà nàng đã gánh chịu.
Cuộc sống của tôi trong những ngày tháng “hậu cải tạo” mới thê thảm làm sao. Việc làm không có, ngày ngày phải trình diện công an phường để mấy thằng nhóc con, miệng còn hôi sữa tra hỏi với giọng điệu hống hách. Những lúc đó, tôi tức giận muốn nổi điên mà phải cố gắng nhịn nhục. Nhìn thấy tôi sống trong tình trạng căng thẳng, Nhiên sợ tôi giận quá đâm liều có ngày sẽ mang họa, nên âm thầm vay mượn để đóng tiền cho tôi vượt biên. Món nợ tình của Nhiên đối với tôi càng thêm cao ngất.
Đến trại tỵ nạn, tôi được Tuân, một người bạn cũ bảo trợ, nên khi sang Mỹ tôi sống chung với Tuân trong thời gian đầu. Theo lời khuyên của Tuân, tôi quyết tâm đi học, để sau này có công việc làm chắc chắn. Tôi dốc hết tâm trí vào việc học, chỉ làm việc bán thời gian cho đủ tiền xây xài trong tháng. Ở quê nhà, Nhiên lại bương chải khắp nơi để nuôi con và có tiền trả nợ.
Phải mất bảy năm tôi mới hoàn tất chương trình đại học. Đúng lúc tôi tìm được việc làm với mức lương cao thì Nhiên và hai con cũng được sang Mỹ. Nhìn cảnh gia đình đoàn tụ, tôi rất sung sướng và hãnh diện khi nhìn lại “quá trình phấn đấu” đầy cam go của mình. Là người ham chơi hơn ham học mà lấy được bằng kỹ sư, đâu phải là chuyện dễ. Tôi tự cho mình mười điểm. Đã từng là người đàn ông bay bướm, hào hoa mà trong tám năm xa vợ, tôi vẫn chung tình thì đáng xếp vào hàng “đạo đức”. Tôi tự cho mình hai mươi điểm. Tôi nói với Nhiên:
-Từ bây giờ, anh sẽ yêu thương và lo lắng cho em đến hết cuộc đời
Nhiên nhìn tôi với nụ cười dịu dàng và ánh mắt biết ơn. Trong thời gian vợ chồng xa cách, tôi luôn thầm hứa sau này sẽ cố gắng làm một người chồng mẫu mực, luôn quan tâm, chăm sóc cho Nhiên. Nhưng đến lúc chung sống thì Nhiên không để cho tôi làm việc đó. Là một người đàn bà hiền dịu, đảm đang, Nhiên lúc nào cũng chăm chút cho tôi từ cái quần, cái áo, cho đến miếng ăn, giấc ngủ. Không những thế, Nhiên lại là người vợ ngoan ngoãn, luôn phục tùng chồng, không bao giờ làm điều gì trái ý tôi. Thử hỏi, có người đàn ông nào sung sướng hơn tôi. Bạn bè tôi thường kháo nhau “thằng Ninh đẻ bọc điều”.
Nhưng oái ăm thay, tôi lại không ở yên trong cái bọc điều mà nhiều người mơ ước. Dòng máu đa tình của tôi tưởng đã ngủ yên, bỗng dưng chợt sống lại mãnh liệt khi trong phòng làm việc của tôi xuất hiện một bóng hồng. Người thiếu nữ tên Linh Đa đã làm điên đảo tâm hồn tôi ngay phút đầu gặp gỡ. Tôi cố gắng tự thắng sự cám dỗ tội lỗi nhưng không thể vượt qua được. Chính hoàn cảnh đã tạo ra thảm cảnh. Làm sao tôi có thể kềm chế được trái tim mình, khi mỗi ngày tôi phải đối mặt với Linh Đa. Tính tình phóng khoáng, hoạt bát, pha chút ngổ ngáo đầy duyên dáng của Linh Đa làm tôi si mê như điếu đổ.
Cùng lúc đó, tôi chợt khám phá ra cuộc sống của tôi và Nhiên ngày qua ngày cứ trôi đi đều đặn trong nhàm chán. Nhiên là một người thụ động nên không mang đến cho tôi sự mới mẻ, hào hứng nào. Đôi lúc tôi chợt nghĩ, tại sao chúng tôi không bao giờ cãi nhau như những cặp vợ chồng khác. Tôi muốn tìm cái cảm giác nôn nao, rộn rã khi hai vợ chồng làm hòa với nhau sau những ngày chiến tranh lạnh. Nhưng Nhiên lại nghĩ khác.
-Em không muốn trái ý anh, sinh ra cãi vã làm cho con cái buồn.
Tôi giải thích:
-Cuộc sống nào cũng vậy, đôi lúc cũng phải gợn sóng thì người ta mới nhận ra ý nghĩa đích thực của hạnh phúc. Miễn đừng sóng gió cấp bảy, cấp tám làm tan nhà nát cửa là được.
Nhiều khi, tôi cố tình làm trái ý Nhiên để nàng nổi giận. Nhưng không, Nhiên chỉ mím môi im lặng trong vài phút ngắn ngủi rồi thôi. Chẳng bao giờ tôi thấy nàng tỏ thái độ dỗi hờn. Có lần ngồi nhậu với bạn bè, tôi nói lên ý nghĩ này, cả bàn phá lên cười, bảo tôi là “thằng khùng”. Một anh bạn trầm ngâm nhìn tôi một lúc lâu rồi nói:
-Mai này tụi bây thấy thằng Ninh mê một bà chằng lửa thì đừng ngạc nhiên.
Không ngờ lời nói đùa ấy đã trở thành sự thật
Thoạt đầu, cứ đến giờ ăn trưa, Linh Đa hay quay sang hỏi tôi:
-Anh Ninh ơi, có đi ăn trưa không?
Một thời gian ngắn ngủi sau thì:
-Anh ơi! trưa nay mình đi ăn ở đâu, em đói bụng rồi.
Tôi mê giọng nói nũng nịu của Linh Đa và mê luôn cái lối sai bảo của nàng:
-Em muốn đi shopping, mà đi một mình thì buồn chết, anh đi với em được không?
Cái oái oăm của cuộc đời là Nhiên hầu hạ tôi và tôi hầu hạ Linh Đa. Có bao giờ tôi dọn cho Nhiên một bữa cơm, vậy mà tôi có thể lái xe cả tiếng đồng hồ để mua cho Linh Đa món ăn nàng thích. Bạn bè khuyên tôi đừng bỏ thiên đàng mà bước xuống địa ngục. Nhưng đầu óc mê muội của tôi cứ so sánh chiếc mũi thanh tú của Linh Đa với chiếc mũi thấp, đầu bè của Nhiên. Cái thân hình tròn trịa quá độ của Nhiên làm sao gợi cảm, hấp dẫn bằng thân hình săn chắc, gọn gàng của Linh Đa. Những y phục thời trang, quý phái của Linh Đa vẫn rực rỡ hơn những chiếc áo lỗi thời vì tiết kiệm của Nhiên. Tôi sa vào mê hồn trận, nên thấy ở Linh Đa cái gì cũng xinh đẹp, cũng tuyệt vời.
Chuyện đổ bể. Nhiên im lặng nhìn tôi trong nước mắt. Còn tôi. Tôi cúi đầu chịu đựng cơn thịnh nộ của hai đứa con gái nay đã lớn khôn. Dẫu sao, tôi cũng còn chút lương tâm để nhận biết mình đã lầm lỗi. Duy chỉ có một điều là tôi không vượt qua được những ham mê rất tầm thường của con người. Tôi nghĩ, tôi có thể thuyết phục Nhiên chấp nhận sự có mặt của Linh Đa bên cạnh tôi. Nhưng Linh Đa thì quyết liệt từ chối. Linh Đa nói, hai chữ “vợ bé” không có trong tự điển của cuộc đời nàng, nên buộc tôi phải ly dị. Tôi thật sự bàng hoàng khi nghe đến hai chữ ly dị. Dẫu sao, cái nghĩa, cái tình của Nhiên cũng nặng trĩu trên vai tôi. Tôi dùng kế hoãn binh với Linh Đa, bảo nàng cho tôi thời gian để sắp xếp. Nhưng Linh Đa thẳng thắn cho biết, nếu tôi không trả lời dứt khoát, nàng sẽ hủy bỏ cái bào thai đang mang.
Tôi trở về nhà với tâm trạng rối bời. Nhìn Nhiên tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều cho tôi mà lòng tràn ngập niềm ân hận. Tôi trách mình sao hư hỏng và tàn nhẫn. Nhìn lên bàn thờ, tôi thấy má nhìn tôi bằng cặp mắt nghiêm khắc, đầy vẻ trách hờn. Tôi như bất động, và miếng cơm vào miệng mà nuốt không trôi. Vẫn ánh mắt dịu dàng cố hữu, Nhiên nhẹ nhàng hỏi:
-Anh có điều gì cần nói với em phải không?
Tim tôi nhói đau. Trời ơi! ước gì Nhiên la hét, chửi mắng, có lẽ sẽ dễ dàng cho tôi hơn. Người vợ tốt lành như thế này làm sao tôi có thể đành lòng nói tiếng ly dị. Tôi lắc đầu thở dài. Nhiên gắp con tôm kho đỏ thắm, bỏ vào chén tôi:
-Muốn nói gì cũng phải ăn no cái đã. Anh biết mà… có bao giờ em làm trái ý anh đâu?
Tôi mím chặt môi nhưng vẫn không ngăn được nỗi xúc động. Nước mắt tôi chợt ứa ra. Tôi thương Nhiên biết bao nhiêu khi nhìn ánh mắt sâu thẳm của Nhiên như chứa đựng cả một bầu trời buồn thảm:
-Cô ấy muốn anh ly dị vợ phải không?
Tôi cúi đầu như một phạm nhân sa vào tội ác. Giọng Nhiên vẫn vang lên như tiếng than trong nước mắt:
-Em có nghe cô ta nhắn gửi người khác nói lại với em nhiều điều lắm. Nghĩ cũng lạ, em là người đến trước, em không ghen thì thôi, sao cô ấy lại ghen ngược với em. Bây giờ anh muốn em làm gì …
Nhiên nhìn tôi chờ đợi. Một khoảnh khắc ngắn ngủi trôi qua mà sao với tôi như dài như hàng thế kỷ.
-Anh muốn gì em cũng nghe theo. Từ trước đến nay vẫn vậy mà. Nhưng em muốn hỏi anh một điều, mấy mươi năm làm vợ anh, em có phạm một lỗi lầm nào khiến anh phải buồn lòng không?
Tôi nghẹn lời:
-Người sai là anh chứ không phải em … anh có lỗi với em …nhưng… bây giờ Linh Đa đã có thai.
-Và cô ấy muốn vợ chồng mình ly dị để anh hoàn toàn thuộc về cô ấy?
Nhiên bước đến bàn thờ má tôi, chấp tay khấn vái:
-Má ơi! ngày xưa má đã thương con mà cho phép con làm vợ anh Ninh… bây giờ, chắc là con không tròn phận vợ nên anh ấy mới đành lòng bỏ con.
Nhiên khụy xuống bàn thờ khóc nức nở. Hai đứa con gái tôi cũng vừa về tới, chúng chạy lại đỡ Nhiên và nhìn tôi bằng đôi mắt oán hận. Trong cơn giận dữ, chúng hạch sách tôi như một tội đồ thiên cổ. Nhiên không ngăn cản được nên đẩy tôi ra cửa:
-Anh về đi… muốn làm gì cứ làm. Em không gây trở ngại cho anh đâu.
Tôi bước đi như một cái xác không hồn. Tôi tự nguyền rủa mình là một người chồng tệ bạc đã quên đi lời hứa trang trọng ngày nào “anh sẽ yêu thương và lo lắng cho em đến hết cuộc đời”. Tôi có lo lắng gì được cho Nhiên không hay chỉ mang đến cho nàng nỗi đớn đau, mất mát to lớn. Nhiên ơi, anh đâu ngờ chỉ một bước sai lầm mà anh không còn đường để trở lại.
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua. Nàng tiên kiều diễm mang tên Linh Đa của tôi giờ đây đã mọc nanh, mọc vuốt. Và tôi thì như một người sống trong cõi mộng du. Thân xác nơi đây mà hồn lúc nào cũng tơ tưởng đến những tháng ngày hạnh phúc, bình an bên cạnh người vợ quê mùa không nhan sắc nhưng thật nhân ái, dịu dàng. Nỗi đau của tôi càng thấm thía khi tôi đến dự lễ thành hôn của con gái mình như một người khách sơ giao. Trong phần giới thiệu gia đình, người MC đã dành những lời tốt đẹp nhất, cảm động nhất để nói về mẹ của cô dâu. Còn tôi. Người cha tội lỗi đã bị gạt ra ngoài vòng tình cảm. Đứa con gái chỉ cúi đầu chào tôi mà không buồn dắt chồng đến giới thiệu. Hình phạt này đối với tôi thật quá nặng nề. Nhiên tiễn tôi ra về với câu phân bua:
-Xin lỗi anh, em không thể buộc con phải làm điều nó không muốn.
Tôi cúi đầu xót xa:
-Cũng tại vì anh là một người cha không ra gì!
Tôi bước đi mà lòng đau như cắt. Từ giờ phút này, tôi biết rằng tôi đã vĩnh viễn mất đi hai đứa con gái mà tôi hằng yêu thương. Âu đó cũng là một bài học đắt giá cho tôi, người đã tự chối bỏ hạnh phúc của mình…. (source from T.Vấn & Bạn Hữu)
Ngân Bình