Tại sao sinh viên Việt không quan tâm thảm họa cá chết?
Thái Hà (26.07.2016) – Đoạn video dài hơn 5 phút liên quan đến sinh viên Việt Nam quan tâm đến vụ việc ô nhiễm môi trường tại các tỉnh Miền Trung như thế nào đang được nhiều người chia sẻ, bình luận. Người quay đoạn video này hỏi gần 10 sinh viên về thời điểm, thủ phạm và việc công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tại các tỉnh Miền Trung. Câu trả lời của các sinh viên trong đoạn video làm cho những ai quan tâm đến tình hình xã hội Việt Nam thật sự thất vọng.
Gần 10 sinh viên khi được hỏi đều không biết thời điểm phát hiện cá chết tại các tỉnh Miền Trung. Nguyên nhân xảy ra thảm họa, việc nhà nước công bố chính thức Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm và công ty này hứa đền bù 500 triệu USD, các sinh viên này đều không biết. Lý do: Không quan tâm! Không coi thời sư! Không lý do!
Tại sao một thảm họa môi trường kinh hoàng gây ra bao thiệt hại, hệ lụy cho người Việt, được cả thế giới quan tâm mà sinh viên Việt thờ ơ, dửng dưng như vậy? Xin được dựa vào nền giáo dục hiện tại của Việt Nam để luận bàn hầu tìm câu trả lời.
Giáo dục Việt Nam lâu nay dạy học sinh cách học tủ, học vẹt. Học tủ chỉ học những điều sách cho biết, giáo viên cho biết, ngoài ra không quan tâm đến các vấn đề khác. Học tủ nên dẫn tới học vẹt. Cách học này bắt học sinh, sinh viên học thuộc lòng từng câu từng chữ, nhưng không hiểu điều mình học. Giống như con vẹt học nói vậy.
Vào năm 2009 tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam, một giáo viên (thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hạnh) bị cho thôi việc vì “sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà Nước.” Nhưng như lời giáo viên này, cô chỉ khuyến khích học sinh, ngoài việc học trên lớp, học sinh cần vào internet để tìm hiểu thêm vấn đề liên quan và các vấn đề khác để kiến thức được đào sâu, mở rộng.
Lối học tủ, học vẹt diễn ra các cấp học. Môi trường đại học, đáng ra sinh viên cần tự học, nghiên cứu mở rộng vấn đề, thì môi trường này tại Việt Nam hiện nay vẫn đang duy trì phương pháp học vẹt, học tủ. Sinh viên chẳng cần đào sâu kiến thức ngoài những gì giáo viên cho biết vẫn có thể hoàn thành chương trình học.
Lối giáo dục lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của học sinh, sinh viên như vậy nên khi đã tốt nghiệp cử nhân, cao học kể cả thạc sĩ, tiến sĩ thì những sản phẩm giáo dục của Việt Nam chẳng thể dùng được.
Học gạo, học kiếm tiền!
Cách đây không lâu, tôi chứng kiến người ông nựng đứa cháu lớp 5, nhân ngày cháu được cô giáo chủ nhiệm chọn đại diện lớp đi thi học sinh giỏi: “Cháu cố gắng nha. Học giỏi mai làm to. Không thì làm cô giáo cũng được. Lúc đó nhiều tiền lắm. Mỗi học sinh đưa cho cô một phong bì là đầy tiền.”
Lời ông ông nựng đứa cháu trong câu chuyện trên chỉ là những câu nói cho vui, nhưng nó cũng cho thấy cách suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh tại Việt Nam liên quan đến động lực học tập của con cháu mình.
Học gạo, học kiếm tiền làm cho học sinh, sinh viên Việt Nam “cắm đầu học”, không còn chú ý đến việc gì khác. Học chỉ cốt thi đỗ. Lối học này phát sinh ra cái gọi là ‘học thêm, dạy thêm’ và đưa đến lối suy nghĩ sai lệch về việc học.
Những lĩnh vực nào không liên quan đến tiền, không liên quan đến lợi nhuận khi ra trường, khi đỗ đạt có thể kiếm được thì chẳng mấy học sinh, sinh viên quan tâm. Lối suy nghĩ đó sẽ đào tạo ra những con người ‘khôn lỏi’ chứ không thật sự ‘khôn ngoan’. Kiếm tiền giỏi, bất chấp chạy chọt, mánh khóe thế là đạt.
Học gạo, học kiếm tiền khiến sinh viên chỉ màng đến cái trước mắt. Quan tâm đến tư lợi mà quên đi sự cao đẹp, nghĩa vụ với cộng đồng, suy thịnh, vận mạng dân tộc. Nên dễ hiểu là cá chết chưa đụng đến lợi ích thiết thân, nên không cần quan tâm.
Chính trị – lãnh vực kị trong môi trường học
Ai cũng hiểu. Nền giáo dục Việt Nam đang đầu độc thế hệ trẻ bằng những môn học vô bổ: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Kinh Tế Chính Trị, Triết Học Mark-Lenin…Học sinh chỉ biết yêu quê hương dân tộc là yêu đảng, yêu bác…yêu xã hội chủ nghĩa lỗi thời, lạc hậu.
Các chủ đề về tự do, dân chủ, đa nguyên, đang đảng, tiến bộ, nhân quyền…là những cụn từ thuộc các lĩnh vực ‘nhạy cảm’.
Nền giáo dục Việt Nam nhồi nhét vào đầu học sinh, sinh viên quan niệm rằng, chính trị không phải là lãnh vực người dân cần quan tâm. Đó là thứ của đảng, nhà nước, của quan chức nên cứ để ‘đảng và nhà nước lo’.
Đừng nói đến chính trị! Đừng bàn chính trị! Nền giáo dục này biến học sinh, sinh viên dửng dưng, thờ ơ với những vấn đề xã hội. Do vậy, chẳng mấy sinh viên quan tâm đến tình trạng tham nhũng, tụ hậu…và cá chết hàng loạt, thảm họa ô nhiễm môi trường xảy ra tại Miền Trung bị thờ ơ.
Nền giáo dục thù địch với tư tưởng tự do dân chủ làm cho học sinh, sinh viên trở nên rụt rè, nhút nhát, sợ hãi trước các vấn đề xã hội, chính trị. Điều này tồi tệ hơn, khi Ban Tuyên Giáo chỉ đạo nhà trường ‘kỷ luật’, ‘đuổi học’ những học sinh, sinh viên nếu học sinh, sinh viên xuống đường bày tỏ quan điểm, lên mạng xã hội trao đổi các vấn đề liên quan đến xã hội.
Các sinh viên trong đoạn video nhắc tới ở trên là sản phẩm của nền giáo dục hiện tại của Việt Nam. Thờ ơ đối với các vấn đề xã hội nhưng rất nhạy bén thông tin liên quan đến các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, các cầu thủ thể thao…
Thật đáng buồn! Sinh viên – tầng lớp tri thức của dân tộc, vậy mà những vấn đề ‘to như con voi’ cũng thành ‘bé như con kiến’.
Sản phẩm của một nền giáo dục lỗi thời, lạc hậu, định hướng tạo ra những thế hệ mà chúng ta đang chứng kiến.
Hướng Việt