Thursday, 6 April 2017

Tháng này, 42 năm trước

ĐẠI HỌC CHIẾN TRANH CHÍNH TRỊ “DI TẢN”

Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh, Chỉ Huy Trưởng Trường Đại Học CTCT Đà Lạt

       Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh, trong tư cách cựu Chỉ huy trưởng trường Đại Học CTCT Đà Lạt, năm 2002, đã viết bài hồi ký sau đây kể lại cuộc di tản của hai Quân trường Đà Lạt (Võ Bị và CTCT) và Tiểu khu Tuyên Đức, vào cuối tháng 3, 1975. Bài đã được đăng trong Đặc san Ức Trai (Tổng Hội ĐH/CTCT) số Đặc Biệt 30-4 năm 2002. Nhân kỷ niệm ngày Quốc Hận năm nay, chúng tôi hân hạnh được giới thiệu cùng quý độc giả bài hồi ký do Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh viết đã mười lăm năm.


      Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Nhâm Ngọ 2002 khi tôi viết về cuộc hành quân “di tản” Đại Học CTCT, quân trường rất quý mến, tôi được vinh dự chỉ huy, tái phối trí từ Đà Lạt (31/3/75) về Vùng 3 Chiến Thuật (V3CT), Tam Hiệp (8/4/75), Sài Gòn (29/4/75). Thấm thoát đã 27 mùa xuân, sắp bước sang một Xuân mới.
      Dùng từ “di tản” trong ngoặc kép tôi muốn bày tỏ ý kiến riêng, “di tản” là cách nói miệng, không phải từ ngữ trong lệnh chuyển quân, nhưng là lối nói phổ biến trong truyền thông, báo chí của thời điểm QLVNCH buông súng chống Cộng. Buông súng vì đồng minh phản bội: thỏa hiệp ngầm với kẻ thù, rút quân, cắt viện trợ vũ khí, đạn dược, xăng dầu, ngưng oanh tạc Cộng sản bằng B52 và nhất là thỏa thuận cho Cộng sản ở lại miền Nam sau Hiệp định 27/1/1973, làm ngơ cho chúng công khai chuyển quân xuống miền Nam giữa ban ngày trong khi chúng được Liên Sô, Trung Cộng tăng viện mọi mặt.

Tình hình đầu Xuân Ất Mão 1975

      Đầu năm 1975, sau khi quân đội Cộng sản chiếm Phước Long, Ban Mê Thuột, tình hình quân sự của VNCH xấu dần. Các tỉnh địa đầu Quảng Trị, Thừa Thiên lần lượt rơi vào tay Cộng sản. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi không còn. Các đơn vị thuộc Quân Đoàn I, Vùng I Chiến Thuật rã ngũ về Cam Ranh, Hàm Tân. Quân Đoàn II, V2CT chuyển quân qua Phú Bổn về Qui Nhơn, Tuy Hòa theo Liên tỉnh lộ 7B, Bộ Tư Lệnh tái phối trí tại Nha Trang. Quảng Đức, Lâm Đồng bỏ trống, Tuyên Đức, Đà Lạt trong thế cô đơn, không được chỉ thị nào của Bộ Tổng Tham Mưu hay Quân Đoàn II, cũng phải theo số phận các tỉnh lân cận. Thiếu tướng Lâm Quang Thơ, chỉ huy trưởng trường Võ Bị Quốc Gia (VBQG), triệu tập phiên họp ba người gồm Thiếu tướng Thơ, Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn, tỉnh trưởng Tuyên Đức kiêm Thị trưởng Đà Lạt, và tôi, Chỉ huy trưởng trường Đại Học CTCT, kiểm điểm tình hình, thảo luận việc phòng thủ Đà Lạt, di chuyển về V3CT khi cần.

Quyết định rời Đà Lạt, tái phối trí tại Bình Tuy (Hàm Tân)

      Hai ngày sau, phiên họp thứ hai tại Trường VBQG tái nhóm. Kiểm điểm tình hình: Không liên lạc được với các thẩm quyền Bộ Tổng Tham Mưu (TTM), Tổng Tham Mưu Trưởng, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, và QĐ II, V2CT, Tư Lệnh Vùng, Tham Mưu Trưởng, mất liên lạc với Quảng Đức, Lâm Đồng đã di tản. Quyết định: Đà Lạt, Tuyên Đức, và các đơn vị quân trường trú đóng, trường VBQG, trường ĐH/CTCT di chuyển về V3CT. Trường VBQG chuyển Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ), lực lượng cơ hữu tới các vị trí cao độ chung quanh quận Đơn Dương trong ngày 31 tháng 3 bảo vệ các đơn vị Địa phương quân, Nghĩa quân, Chính quyền Đà Lạt, Tuyên Đức; trường ĐH/CTCT và các thành phần trường VBQG còn lại chuyển quân. Giờ G: chạng vạng tối 31. Mật lệnh: VC tấn công thị xã Đà Lạt.
Không tin vào ngày giờ tốt xấu hoặc cái khâu, cái mốc trong chu kỳ hàng năm sinh hoạt của trường ĐH/CTCT nhưng SVSQ, sĩ quan tu nghiệp các khóa căn bản, trung cao cấp CTCT và quân nhân cơ hữu, nhân viên dân chính quốc phòng đều phập phồng lo âu trước ngày 1 tháng 4 mỗi năm, vì 1 tháng 4 năm 1970 trường bị Cộng sản tấn công, tổn thất nhân mạng: 4 quân nhân cơ hữu, 4 SVSQ, 17 sĩ quan khóa sinh tuyên úy. Ngày 1 tháng 4 những năm kế tiếp thường có những việc không may xảy đến: xe lật, SVSQ bị thương tích khi thực tập quân sự hoặc thể dục thể thao.
      Rời bỏ quân trường thân yêu, đồi 4648 vị trí tiên khởi, đồi 4650 vị trí kế tiếp (nguyên cơ sở trú đóng của trường Chỉ Huy Tham Mưu trước khi rời về Long Bình) cũng đêm 31 tháng 3 rạng 1 tháng 4, 1975.
      Từ 15 tháng 3, 1975, gia đình quân nhân cơ hữu từ sĩ quan đến hạ sĩ quan, binh sĩ, nhân viên quốc phòng đã được khuyến cáo di tản về Sài Gòn và các tỉnh phía Nam bằng phương tiện tự túc: hàng không, đường bộ cùng với đồng bào Đà Lạt, lúc đó đã hoang mang tột độ. 21 giờ tối 29 tháng 3, phóng viên đài Quân Đội điện thoại cho tôi xin phỏng vấn. Tôi hỏi:

- Anh lên đây, hay ngay bây giờ qua điện thoại?
- Ngay bây giờ.
- Tôi không có thẩm quyền vì chỉ là chỉ huy một quân trường trú đóng tại Đà Lạt.
- Không sao! Vì chúng tôi chỉ xin biết trường ĐH/CTCT còn ở Đà Lạt không hay đã di tản?
- Tôi vẫn ở đây, đang nói chuyện với anh và tham gia với trường Võ Bị Quốc Gia, các lực lượng Tuyên Đức bảo vệ Đà Lạt.
- Xin cám ơn.

      Sáng hôm sau, 30 tháng 3 tham dự phiên tái nhóm với Thiếu tướng Thơ, Đại tá Đoàn. Quyết định của vị chủ tọa: di chuyển tái phối trí tại V3CT. Tôi băn khoăn về câu trả lời phóng viên Đài Tiếng Nói Quân Đội. Sự thực, tôi vẫn còn ở Đà Lạt vì lòng còn muốn bảo vệ thành phồ duyên dáng này, nhưng chưa tới 24 tiếng đồng hồ, tình thế đã khác hẳn.
     
      Trưa ngày 31, tôi đang dùng cơm, mấy bà con thân hữu tại Đà Lạt đến thăm, dò hỏi hai quân trường: “Võ Bị, CTCT có rời Đà Lạt không?” - “Tôi còn ở đây, các ông có thấy gì khác lạ trong nhà tôi không?” Trấn an các thân hữu hoang mang, bối rối, nhưng chính mình cũng không khỏi suy nghĩ mông lung. “Chuyển quân, rút quân” phải bí mật, bất ngờ, kín đáo. Không thể tiết lộ với thân hữu được vì trách nhiệm chỉ huy, vì bảo vệ an ninh cho quân trường với bao nhiêu sinh mạng trong tay, hớ hênh để CS nằm vùng biết rõ chi tiết di tản thì vô cùng nguy hiểm. Lui binh, rút quân trên bình diện chiến lược quy mô lớn, chuyển quân, tái phối trí trên phạm vi chiến thuật nhỏ cũng đều tôn trọng các yếu tố: Kín Đáo, Bí Mật, Bất Ngờ. Vì vậy các chiến hữu gần gũi tôi nhất trong giờ phút chót chuyẻn quân, rời Đà Lạt, tái phối trí cũng không biết quân trường có di tản hay không, và nếu có thì lúc nào? Vào buổi sáng 31/3/1975, tôi ra lệnh vắn tắt: Sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, cấp phát cho SVSQ theo Tiêu Lệnh Hành Quân 3 ngày lương khô, 2 đơn vị đạn dược, sau cơm chiều, vũ khí cá nhân, cộng đồng trên người, quân phục tác chiến, bi đông nước, đem theo đĩa ăn, muỗng nĩa (SVSQ được trang bị một bộ đĩa, muỗng nĩa, loại tốt, thường ngày dùng ở phạn xá, nay mang theo).
      - Sĩ quan khoá sinh các khóa các khóa căn bản, trung, cao cấp CTCT cũng được cấp phát lương khô.
      - Khối Hành Chánh Tiếp Vận: Chuẩn bị cho phạn xá 1 GMC đem đủ dụng cụ nhà bếp hành quân di chuyển. Đem theo gạo tùy quân số khi dùng
      - Quân xa các loại đầy đủ nhiên liệu.
      - 2 xe bồn: xăng, dầu cặn.
      - Xe buýt sinh viên
      - 2 đơn vị đạn dược trừ bị.
      - Bệnh xá: dụng cụ cứu thương, thuốc men.

Giã từ Đà Lạt

      Giờ G: 19 giờ ngày 31 tháng 3, 1975: Điện thoại của Tỉnh trưởng Thị trưởng Tuyên Đức-Đà Lạt cho Chỉ huy trưởng trường ĐH/CTCT: VC tấn công thị xã (mật khẩu). Tôi bèn ra lệnh tập trung:
      - Sĩ quan khóa sinh Căn bản, trung, cao cấp CTCT tại trại Lam Sơn đồi 4648, dưới quyền chỉ huy của Trung tá Đồng Văn Chân, Quân Huấn Vụ trưởng. SVSQ/ĐH/CTCT: Trại Chi Lăng đồi 4650 dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy Trường. Di chuyển khi có lệnh.
      Theo ước hiệu giữa Thiếu tướng Thơ và tôi, khi nào Thiếu tướng đi xe jeep ngang qua trường ĐH/CTCT theo lối tắt từ BCH cũ trường VBQG xuyên qua ĐH/CTCT, gặp tôi báo cáo “xong” Thiếu tướng mới cho lệnh nổ mìn phá kho xăng và phòng thí nghiệm nặng (heavy lab) của trường Võ Bị và đó là lệnh di chuyển. Chiều ấy tại trại Chi Lăng tôi đang điều động Bộ Tham Mưu trường, Liên Đoàn SVSQ, liên lạc vô tuyến với Trung tá Đồng Văn Chân chỉ huy các bộ phận bên trại Lam Sơn gồm có các sĩ quan khóa sinh các khóa căn bản, trung, cao cấp CTCT, khối Hành Chánh Tiếp Vận thì Thiếu tướng Thơ, trên xe jeep ngang qua hỏi tôi: “Xong chưa?” Tôi xin 15 phút nữa, nhưng xe của Thiếu tướng vừa tới cổng mới đang xây của trường ĐH/CTCT và Bệnh xá Tiểu Khu thì hai tiếng nổ long trời, lửa bùng lên cao, kho xăng, kho đạn, heavy lab của trường Võ Bị đã cháy. Lệnh di chuyển rời Đà Lạt đã ban hành hơi sớm.
      Đoàn quân xa trường ĐH/CTCT từ từ chuyển bánh, ra khỏi cổng trường Chi Lăng, ngay Bệnh xá Tiểu khu Tuyên Đức rẽ trái, hướng về phía Đơn Dương, đèo Ngoạn Mục. Màn đêm buông xuống. Xe nối đuôi nhau khoảng cách không quá một trăm thước, tốc độ vừa phải theo kỹ thuật di chuyển “công voa” (convoi), không dùng đèn pha chiếu sáng, mở đèn “mắt mèo” (black out) vì đường đèo nhiều khúc quanh, khúc khuỷu. Đà Lạt lùi dần về phía sau, chìm trong sương. Đến Trại Mát (10 cây số cách Trung tâm Đà Lạt), đoàn xe dừng lại, 5 xe GMC quay về hướng Đà Lạt chuyển các thành phần cơ hữu và SVSQ phải di chuyển đợt 2. SVSQ, sĩ quan khóa sinh, Bộ Chỉ huy Trường đi bộ, nhường xe, kể cả xe buýt của SVSQ, cho gia đình binh sĩ, chuyển nhanh đến Cầu Đất phía trước, rồi quay lại đón đoàn người đi bộ, đưa nhanh họ vào đèo Ngoạn Mục, quay lại đón đoàn người đến lúc trước ở Cầu Đất, chuyển họ nhanh lên đỉnh đèo, cứ như thế, trường ĐH/CTCT di chuyển sinh viên các khóa 4, 5, 6 (600 người), sĩ quan khóa sinh các khóa căn bản, trung, cao cấp CTCT (300 người), quân nhân cơ hữu (200 người), không có phương tiện di tản về Sài Gòn và các tỉnh phía Nam trước 31 tháng 3. Hai trăm quân nhân và gia đình thuộc trường VBQG, Tiểu khu Tuyên Đức-Đà Lạt tự động nhập vào đoàn di tản (trường ĐH/CTCT). Tổng cộng 1200 người, con số phỏng định khi rời Đà Lạt và đến quận Sông Pha, chân đèo Ngoạn Mục, nhà
máy thủy điện Đa Nhim. Từ Sông Pha xuống Phan Thiết, ngược lại Phan Rí Cửa, số quân nhân trường VBQG, Tiểu khu Tuyên Đức-Đà Lạt và gia đình không theo đoàn quân di chuyển trường ĐH/CTCT nữa.
      Hành quân di chuyển theo cách đi “con vẹt” (marche perroquet – parrot march). Vì thế chậm, mất nhiều thì giờ. 9 giờ sáng ngày 1 tháng 4, 1975, trường ĐH/CTCT mới chuyển quân xong, tới địa điểm tập hợp đấu tiên của trường VBQG, ĐH/CTCT, và Tiểu khu Tuyên Đức-Đà Lạt.

Chuyển quân giai đoạn 2

      Thiếu tướng Thơ, Đại tá Đoàn, Trung tá Nhất, quận trưởng quận Sông Pha, và tôi họp kiểm điểm tình hình: tổng quát, tình hình xấu. Đà Nẵng thất thủ 31 tháng 3. VC có tăng 54, cơ giới hóa, đang tiến xuống Nam. Nha Trang bị áp lực, có thể từ Pleiku, Kontum xuống bao vây các tỉnh duyên hải bằng nhiều sư đoàn. Các đơn vị từ Đà Lạt xuống tiếp tục chuyển quân tái phối trí giai đoạn 2 về Bình Tuy (Hàm Tân). Đợi lệnh Bộ TTM. Đơn vị nào có đủ phương tiện, chuyển quân trước.
      Trong trường hợp này, trường VBQG có đủ xe GMC chuyển SVSQ về Bình Tuy sớm. Tiểu khu Tuyên Đức-Đà Lạt không còn nhiều đơn vị, ít người, cũng chuyển quân nhanh. Chỉ có trường ĐH/CTCT không có đủ xe GMC chuyển quân, lại còn nhân viên cơ hữu, dân chính quốc phòng, và gia đình binh sĩ đi theo. Đến 10 giờ sáng ngày 1 tháng 4 mới tập trung được đủ người, chậm trễ vì phải đi bộ hành quân với đội hình “con vẹt”. Tôi lo ngại nhưng vẫn tin tưởng vào tinh thần kỷ luật của toàn thể quân trường.
      Tập trung xong cho mọi người nghỉ chân, ăn cơm trưa, tôi vào nhà thờ Quảng Thuận, thuộc Trung tâm định cư của đồng bào Quảng Trị sau mùa hè đỏ lửa 1972, tìm gặp cha Đỗ Bá Ái, cựu tuyên úy QLVNCH, để được biết thêm tình hình, an ninh trên lộ trình sắp di chuyển. Cha đi vắng, tôi trở lại với đoàn quân, ra khỏi nhà thờ, tình cờ gặp cha Maïs, giáo sư Pháp ngữ Viện Đại Học Đà Lạt, người tôi đã nhờ nhuận sắc bản dịch sang Pháp ngữ cuốn Tổng Công Kích Mậu Thân 1968 do Phòng 5 Bộ TTM phát hành khi tôi còn là Trưởng Phòng trước khi nhận nhiệm vụ Chỉ Huy ĐH/CTCT. Vốn có cảm tình từ trước, Cha hỏi tôi đi đâu bây giờ?
      - Chúng tôi di chuyển tái phối trí, tôi trả lời bằng Pháp ngữ (nous devons nous re-déployer).    
      Cha hỏi tiếp:
      - Nhưng ở đâu? (mais où alors?).
      - Chúng tôi đang ở trên lãnh thổ Phan Rang (nous sommes sur le territoire de Phan Rang).
      Tôi hỏi lại Cha:
      - Thế còn Cha ? Cha đi đâu?
      - Tôi vừa ở Nha Trang về sau khi thu xếp cho các Nữ tu Dòng Kín về Sài Gòn rồi về Pháp, tôi sẽ trở lên Đà Lạt. 
      Từ giã Cha Maïs, tôi nghĩ đến giải pháp: mượn xe? trưng dụng? thuê xe đò?Đến chỗ dừng chân, tạm nghỉ, tôi nêu ý kiến hỏi các sĩ quan tham mưu. “Suốt từ sáng đến giờ, không thấy bóng dáng một chiếc xe nào ngoại trừ xe của mình  –tất cả đồng thanh trả lời–  Phải trưng dụng thôi.”
      Tôi trầm ngâm. Là một ĐH/CTCT, sao có thể trưng dụng... Nhưng một lát sau, một xe chở cây gỗ (loại xe rừng) được anh em chặn lại, tỏ ý kiến trưng dụng. Ông chủ xe đến trước mặt tôi sụp lạy như tế sao, mếu máo: “Xin Đại tá làm phước cho vợ con tôi ở Đà Lạt đang trông chờ tôi về.” “Chính tôi phải lạy ông, ông đừng làm thế...”  Tôi đỡ ông dậy, ôn tồn: “Ông giúp chúng tôi chuyển quân đến Bình Tuy, một chuyến thôi, xong ông về. Tôi đang chỉ huy, không thể lạy ông được, xin ông thông cảm.” Ông miễn cưỡng xuôi lòng.
      Trung tá Đồng Văn Chân đi xe jeep được chỉ định chỉ huy một toán tiền thám gồm đa số khóa sinh trung, cao cấp CTCT, leo lên xe cây. Xe chuyển bánh, hướng về Phan Thiết, Hàm Tân. Tôi có chủ đích dùng các sĩ quan khóa sinh có khả năng chiến đấu, phản ứng tốt hơn nếu bị VC phục kích chặn đường. Nhưng lòng thấy ngậm ngùi, bất đắc dĩ phải trưng dụng. Nếu ông chủ xe không may mắn ngày ấy có cơ hội đọc được những dòng này, xin nhận lời tạ ơn muộn màng của tôi.
      Trung tá Đồng Văn Chân và đội tiền thám với xe cây đi rồi, tôi sực nhớ chưa hỏi Cha Maïs tình hình Nha Trang và đường về đến đây qua Phan Rang có VC không thì vài đồng bào gốc Quảng Trị quen biết tôi đem xôi, thịt gà luộc tiếp tế cho tôi, có gia đình xin đi theo đoàn quân. Cha Đỗ Bá Ái xuất hiện. Có lẽ buổi sáng người giúp việc cho Cha không biết tôi là ai nên trả lời Cha đi vắng, nay đồng bào Quảng Trị biết tôi, tiếp tế cho tôi, nên Cha đến gặp vì là chỗ thân tình cũ. Câu hỏi đầu tiên của Cha không khác của Cha Maïs : “Đến đây rồi đi đâu nữa?”  “Về Hàm Tân, V3CT.  Rồi ra ngoại quốc nếu cần.” Tôi thành thực trả lời, không giấu giếm Cha, đầu óc đang mông lung, thoảng nhớ câu dặn dò của Sĩ Quan Cố Vấn trưởng Trung Hoa Dân Quốc tại ĐH/CTCT nói với tôi tháng 1,1975 khi tôi chuẩn bị đi Đài Bắc trong nhiệm vụ đại diện Bộ Quốc Phòng và Bộ TTM/QLVNCH ký thỏa hiệp giữa hai Đại Học CTCT Đài Bắc và Đà Lạt là Tỷ Muội Học Đường (Sister Academies): “Có biến cố lớn, việc ký thỏa hiệp sẽ hoãn. Nếu yên ổn tháng 5/75 sẽ ký. Nếu có biến cố, chúng tôi có tàu biển sang đón các cán bộ CTCT cần đi.”
      Sau câu chuyện giữa Cha Ái và tôi qua vài câu hỏi ngắn ngủi trên, tôi chia tay với Cha để chuẩn bị tiếp tục hành trình. Sau này tôi biết Cha cũng mượn được tàu Hải Quân VN đưa một số đồng bào Quảng Trị đến Phú Quốc nhưng không có tàu ra hải phận quốc tế, phải trở về. Cha đi tù cải tạo, nay quản nhiệm một giáo xứ VN ở Pennsylvania.

      Tàu biển Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) tham gia chuyên chở các toán quân và đồng bào di tản từ Đà Nẵng về Cam Ranh, Vũng Tàu cùng với Đệ Thất Hạm Đội của Mỹ, tàu của Úc, Đại Hàn... trong những ngày đen tối cuối tháng 3 đầu tháng 4, 1975 theo Olivier Todd trong cuốn Cruel Avril (bản tiếng Pháp), Cruel April (bản tiếng Anh) hay Tháng Tư Đen (bản tiếng Việt, Phạm Kim Vinh chuyển ngữ).

Thị trấn Tháp Chàm

      Các đơn vị của trường VBQG, Tiểu Khu Tuyên Đức-Đà Lạt chuyển quân gần xong về hướng Hàm Tân, trường ĐH/CTCT mới ăn xong bữa trưa. Có tin hỗn loạn xảy ra tại Phan Rang vì các đơn vị rã ngũ.
      Số xe GMC của trường ĐH/CTCT (khoảng 14, 15 chiếc) không đủ chuyển một chuyến hết số người còn lại  –gần 1000 sau khi gia đình binh sĩ trường VBQG, Tiểu khu Tuyên Đức-Đà Lạt không đi theo đoàn quân ĐH/CTCT nữa. Phải chấp nhận mỗi GMC chỉ chở toán vũ trang nhẹ gồm 10 SVSQ và 20 đến 25 người không chiến đấu (gia đình binh sĩ) chạy chậm ngang qua thị trấn Tháp Chàm 5 cây số, tập trung gia đình binh sĩ tại đó, trở lại chuyển dần những người còn đi bộ.
      Đến thị trấn Tháp Chàm, đoàn quân đang di chuyển trật tự, bỗng một người mặc thường phục chạy theo xe jeep của tôi (chạy chậm dưới 10/giờ) hớt hãi nói: “Thưa Đại tá, tôi là sĩ quan Tiểu khu Tuyên Đức, gia đình tôi đang bị cướp phá, xin Đại tá cho người đến cứu chúng tôi”. - “Chúng tôi đang chuyển quân, không thể giúp ông được”.
      Buồn, đáng thương. Sau này có người nói với tôi khi Trường ĐH/CTCT di chuyển qua Tháp Chàm, cả một đoàn quân đi ngang qua mà không giúp được dân bị đám người vô kỷ luật cướp phá. Một lời chê trách tôi không trực tiếp trả lời được. Hy vọng những dòng này sẽ được ông bà nào trong hoàn cảnh đó đọc và thông cảm chúng tôi có trách nhiệm về sinh mạng của gần ngàn người, có dân trong đó, nên không làm được một công tác “chiến tranh chính trị đúng là phải làm”.

Viết đến đây thì Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh bị bệnh, không thể tiếp tục. Và ông mất ngày 13/6/2014, hưởng đại thọ 92 tuổi. Xin quý vị, quý bạn đọc thêm hai đoạn trích về cuộc di tản dưới góc cạnh khác, tường thuật bởi Trần Thanh Sơn, SVSQ khóa 4, hiện ở Irvine (cf. Ức Trai, số đặc biệt 30/4, 2002), và bởi Kim Thanh, Đại úy Trưởng khoa Nhân Văn Xã Hội, Văn Hóa Vụ...


THÁNG TƯ, BỎ LẠI

Trần Thanh Sơn, SVSQ/CTCT khóa 4

      ... Khi đến Phan Rang, thành phố này đã thực sự mất kiểm soát, náo loạn khắp nơi. Đoàn xe chúng tôi đã thật khó khăn khi chen chúc vượt qua thị trấn này. Nhiều thường dân, binh sĩ xin theo đoàn không được, có người làm hoảng. Chính tại nơi đây, lần đầu tiên và có lẽ duy nhất trong đời cận vệ, trung úy Thạch Minh Lợi đã có dịp thi thố khả năng của mình, khi Đại tá CHT suýt bị làm hỗn. Có một điều ai nấy cũng đều ngưỡng mộ người chỉ huy trưởng khả kính này, trong mọi thời điểm suốt những chặng đường dù nguy hiểm đến đâu, ông cũng theo sát cả đoàn để ban hành những khẩu lệnh kịp thời, kể cả những khi cùng lội bộ, bất chấp an ninh của cá nhân ông. [...].
      Sau đó thì có lệnh Tiểu khu trưởng Phan Thiết cho bắn pháo, ngăn chận không để mọi thành phần di tản vào thành phố, do đó đoàn di tản phải quay ngược trở về Phan Rí, toán trinh sát không bắt tay được với Trường Mẹ [...].
      Trở lại với đoàn di tản, đã bước sang ngày thứ năm, chúng tôi ai nấy đều thấm mệt, có đêm hoàn toàn không chợp mắt hay kê lưng vì cứ phải chạy, có đêm may mắn nằm ở trưòng học nhắm mắt được chỉ đôi ba tiếng, tuy nhiên tinh thần thì rất vững, chấp hành kỷ luật quân trường tối đa, một phần vì tất cả các cấp chỉ huy đều vẫn còn giữ kỷ cương, phẩm cách và sự gương mẫu của cán bộ quân trường, nên quyết cùng sống chết với nhau.
      Ở Lương Sơn, Bộ chỉ huy Trường sau khi nhận định tình hình, để tránh thiệt hại nếu cứ tiếp tục dùng đường bộ, vì lúc này đường Phan Thiết đã mất an ninh và đã bị cấm cửa, Đại tá chỉ huy trưởng đã có một quyết định, mà cho đến giờ này sau gần 30 năm, khi già rồi, chúng tôi mới thấy rõ đó là một quyết định rất sáng suốt và nhậy bén của một cấp chỉ huy, biết tiết kiệm xương máu cho tất cả thuộc cấp. Ông đã ra lệnh, vẫn với cung cách cố hữu của con nhà nghèo: tất cả mọi người dốc hết tiền đang có để thuê ghe chở toàn bộ Trường Mẹ từ Phan Rí Cửa về Vũng Tàu. Tiền đóng góp đã nhanh nhẹn được thu vào những chiếc nón sắt, nhất là với sự tự giác cao độ của người SVSQ trong những lúc hiểm nghèo, cộng thêm số ngân quỹ do Khối Tài Chánh mang theo. Sau này Tổng Cục CTCT đã hoàn trả lại số tiền kể trên cho mọi người. Tất cả di chuyển về Phan Rí Cửa, nơi đây đã được hẹn trước cùng đoàn ghe đánh cá. Cuối cùng, lúc 2 giờ 30 phút trưa ngày 6 tháng 4, toàn bộ trường ĐH/CTCT đã sẵn sàng trên những chiếc ghe đánh cá đã được thỏa thuận thuê mướn sòng phẳng, lộng gió hướng thẳng về Vũng Tàu  –vùng đất Tự Do còn lại.


ĐÀ LẠT, MỘT THỜI YÊU DẤU CŨ 

Kim Thanh, Trưởng khoa Nhân Văn Xã Hội, Văn Hóa Vụ


     [...]  Tối 31/3/1975, nghe Trường có lệnh di tản, tôi bỏ lại chiếc Peugeot 203, trước căn nhà thuê, khu chợ Chi Lăng, vì không có xăng, và đi bộ, lưng đeo ba lô (đựng đồ lặt vặt, một bộ quân phục sạch, vài quyển sách, và một chai cognac XO Courvoisier do anh bạn Tây Alain Bichet mua tặng), lên Trường xin quá giang xe jeep của Thiếu tá Lê Ân, Văn Hóa Vụ trưởng, xếp trực tiếp của tôi. Cùng chung xe, có Bác sĩ Đặng Phùng Hậu, trưởng bệnh xá Trường (cũng bỏ lại xe hơi riêng, có lẽ bởi thiếu xăng, giống tôi), và Thiếu úy Nguyễn Ngọc Chẩn, sĩ quan phụ  khảo, thuộc Khoa. Xe jeep của chúng tôi bắt đầu chuyển bánh lúc 12 giờ đêm 31/3, rạng sáng ngày 1 tháng 4, cùng với đoàn xe Trường Đại Học CTCT. Khi ai nấy an tọa xong, tôi bắt đầu khui chai cognac, rót ra bốn ly nhựa nhỏ, mời mọi người uống. Tôi nói, giọng có vẻ cải lương kiểu Hùng Cường, “xin tất cả cạn chén ly bôi, xem như những giọt rượu nồng cay này là những giọt nước mắt quê hương, để khóc cho đêm giã từ thành phố Đà Lạt thương yêu”. Thiếu tá Ân không uống, lấy cớ bị đau bao tử kinh niên, và đang lái xe. Càng uống, không hiểu sao, tôi càng thấy lòng buồn vời vợi, trước viễn ảnh tang thương, mịt mờ của đất nước. Càng buồn lại càng uống thêm. Làm nhớ bài thơ “Tương tiến tửu” của thi hào Lý Bạch: Ngũ hoa mã, Thiên kim cừu / Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu / Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu (Ngựa năm sắc, Áo ngàn vàng / Hãy bảo nhau lấy ra đổi rượu ngon / Để ta cùng các bạn diệt tan nỗi sầu -dịch bởi Nguyễn Danh Đạt, 1988).        

      Trưa hôm sau, đến ngoại ô Phan Rang, sau khi đổ đèo Ngoạn Mục một cách khá nguy hiểm, và chậm rì, vì đêm tối đen và chỉ được phép mở đèn mắt mèo. Tại nơi này, các sĩ quan cơ hữu hiện diện được lệnh tham dự buổi họp dã chiến chớp nhoáng với Đại tá Chỉ huy trưởng Nguyễn Quốc Quỳnh để nhận chỉ thị và tin tức cập nhật về tình hình. Sau đó, ăn cơm trưa –do giáo dân Quảng Trị định cư tại xóm đạo Quảng Thuận, quen biết Đại tá khi ông là tỉnh trưởng Quảng Trị, khoản đãi.
      Rồi được lệnh tiếp tục di chuyển về Sài Gòn qua ngả Phan Thiết. Đoàn xe CTCT nhích lên từng thước một vì hỗn loạn đã diễn ra trên thành phố Phan Rang. Những binh sĩ rã ngũ từ Miền Trung chạy vào, quân phục tả tơi, không vũ khí, nhưng bên hông đeo đầy lựu đạn, không có chỉ huy, và vài người dân trong cơn tuyệt vọng, bất mãn, không còn biết phải đi đâu, đã “xuống đường” chận xe và người di tản, la lối, dọa nạt, khiến ai nấy hoảng sợ. Xe Đại tá Quỳnh cũng bị chận, nhưng không việc gì, nhờ sự can thiệp hữu hiệu của các cận vệ, trông rất ngầu. Theo sau, bốn người chúng tôi, không ai bảo ai, chĩa họng súng Carbine và M16 ra ngoài, đề phòng trường hợp bị làm ẩu [...]      

      Trong khi ấy, tôi chợt thấy một chiếc Mustang màu vàng óng ánh quen thuộc, từ hướng Nha Trang vào, đậu sát lề đường theo một hàng dọc, gồm rất nhiều xe nhà binh và dân sự, bị kẹt, dài cả cây số. Bên trong xe Mustang thoáng thấy bóng ba mẹ tôi, bốn đứa em nhỏ và hai thằng nhóc con của em gái tôi, Thể Trân, và ngồi ở tay lái là Thư, đứa em rể. Xe jeep ngừng lại, tôi nhảy xuống. Cả nhà ngạc nhiên và mừng rỡ trước cuộc tái ngộ bất ngờ, hi hữu này. Mẹ cười qua màn lệ: “Trọng đâu con?”. Nguyễn Kim Trọng, em kế tôi, là Trung úy dạy Anh văn tại trường Võ Bị. Tôi đáp: “Trọng đi chung với Võ Bị, con chưa gặp, nhưng chắc cũng quanh quẩn đâu đây thôi.” Ba hỏi: “Bây giờ con sẽ đi đâu?”. Tôi trả lời: “Trường con sẽ tiếp tục di chuyển đến Phan Thiết.” Tôi dặn Thư chạy bám sát chiếc jeep của chúng tôi.
      Quá trưa thì đến cửa ngỏ Phan Thiết. Bỗng nghe có nhiều tiếng nổ, nghe giống tiếng pháo kích, ầm vang trên đầu, trước mặt, sau lưng, không biết từ đâu, của ai. Đám người di tản, tưởng VC tấn công, hoảng hốt, chạy táng loạn, tìm chỗ trú ẩn. Một binh sĩ địa phương quân Bình Thuận xuất hiện, la lên: “Tiểu khu bắn súng cối đó, bà con ơi. Không cho ai vô Phan Thiết”. Và khoát tay: “Tất cả de xe lại. De xe lại”. Đoàn xe của CTCT bèn quay đầu, hướng về tỉnh lỵ Bình Tuy, tức ra biển, kéo theo bao nhiêu là người và xe dân sự, giờ này chỉ còn biết giao phó sinh mệnh cho Trường CTCT.
      Đường đi đến Bình Tuy còn xa, và mặt trời còn chói lọi và cái nóng như thiêu, khiến đoàn người di tản mồ hôi đổ ra như tắm, và vì thế càng thêm khát, phải uống cả nước ruộng. Tôi xuống xe, với ba lô và cây carbine, xin phép Thiếu tá Ân được rời nhóm, để theo gia đình, và hẹn gặp lại nhau một nơi nào đó.

      Đến Bình Tuy, cả Trường CTCT được phép dừng quân và nghỉ ngơi ngay trước sân trụ sở Tiểu khu, cùng với vô số quân nhân từ khắp nơi kéo về. Đồng thời, tôi nghe tin toàn bộ Trường Võ Bị đã được C130 bốc về Sài Gòn. Mẹ bớt lo cho Trọng. Bỗng một người lính đến hỏi, “Ai là Đại úy Nguyễn Kim Quý, trường Đại Học CTCT?”, và trao cho tôi một mảnh giấy có dòng chữ viết vội của Bội Trân, em gái tôi, tiếp viên Air Việt Nam: “Anh Hai chéri, em đang ở trong máy bay, tại phi trường Bình Tuy, không bỏ đi gặp anh được. Anh đến phi trường gấp để em đưa về Sài Gòn. Bisous”. Rõ ràng Bội Trân, và Trọng, không biết gia đình đã di tản từ Nha Trang vào đây. Thư bèn chở cả nhà ra phi trường. Còn tôi không muốn bỏ đơn vị. Một giờ sau, Thư lái xe trở lại và cho biết, Bội Trân nghe Trọng báo tôi đang ở Bình Tuy, nên, dù không đến phiên, em đã tình nguyện theo chuyến bay Air Việt Nam chở đồ tiếp tế (sữa hộp, mì gói, bánh mì) cho tỉnh Bình Tuy, để đón tôi. Máy bay trở về Sài Gòn đầy nghẹt người, toàn là thân nhân của những ông lớn và những người đi chui. Ba mẹ và Thư đành ở lại, nhường chỗ cho Thể Trân và mấy đứa nhỏ. Buổi tối, mẹ dọn bữa ăn với cơm nắm và thịt kho, làm từ sáng sớm tại nhà. Thêm nửa chai cognac của tôi. Tôi đi tìm Thiếu tá Ân, Bác sĩ Hậu và Thiếu úy Chẩn, mời đến ăn cho vui, nhưng không thấy họ đâu giữa một rừng người dày đặc.     
     Sáng hôm sau, Đại tá Quỳnh cho lệnh tập họp toàn Trường và quyết định di chuyển về cửa Phan Rí, để thuê ghe vô Vũng Tàu, vì tiếp tục đường bộ, ông nói, rất nguy hiểm. Để khỏi mang tiếng đào ngũ, tôi đưa ba mẹ đến chào Đại tá, và xin phép ông cho tôi tách khỏi Trường, để đi cùng với gia đình. Ông vui vẻ chấp thuận, đồng thời báo cho biết địa điểm tập họp là doanh trại Tiểu đoàn 30 CTCT, tại Tam Hiệp, Biên Hòa. Tôi theo ba mẹ và Thư ra làng chài trước mặt, trên bờ biển, và thuê bao một chiếc ghe với giá cắt cổ, vì phải chở theo chiếc Mustang [...].

      Ghe rời bến Bình Tuy khoảng 11 giờ sáng và 3 giờ trưa mới đến Vũng Tàu. Chậm, vì sóng lớn, biển động. Tại đây, người dân hiếu kỳ chung quanh cho biết, trường CTCT Đà Lạt, khoảng một ngàn người (gồm cả những sĩ quan khóa sinh Căn Bản và Trung Cấp CTCT, và gia đình quân nhân cơ hữu của Trường), đã lên bờ an toàn. Tôi mừng lắm. Thư lái xe chở ba mẹ và tôi về căn nhà trọ của Bội Trân, tạm nghỉ qua đêm, cùng với Thể Trân và đám trẻ. Sáng hôm sau, Thư đưa tôi lòng vòng qua các khu phố, thuê được một căn lầu của một cao ốc, có cửa sổ bên hông nhìn xuống khu chợ Trương Minh Giảng. Cả nhà, gồm có Trọng, tôi, và gia đình người cháu ruột của mẹ bất ngờ được gặp lại, trú ngụ trên đó cho đến một tuần sau ngày 30 tháng 4, mới trở về Nha Trang […].



Portland, Mùa Quốc Hận, 6/4/2017