Thursday, 6 April 2017

Hoa Kỳ bắn 50-60 hỏa tiễn Tomahawk vào Syria

Trump VS Syria
Trong lúc Tổng Thống Donald Trump ngồi đối diện Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc trong buổi tiệc tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago, Florida, các chiến hạm Mỹ bắn khoảng 50 – 60 hỏa tiễn hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân Syria.
Trưởng Văn Phòng Đại Diện VOA tường thuật từ Florida, cho biết Tổng Thống Trump đã ra lệnh khai hỏa, và khẳng định không có gì tranh cãi về việc Syria đã dùng “vũ khí hóa học bị cấm.”
Căn cứ bị tấn công được cho là nơi xuất phát các phi cơ chiến đấu mang theo vũ khí hóa học. Theo lời giới chức quân sự Hoa Kỳ.
Cuộc tấn công này là để trả đũa vụ sử dụng vũ khí hóa học giết hại nhiều dân thường, kể cả trẻ em, tại Syria hồi đầu tuần.
"Tối nay, tôi đã ra lệnh một cuộc tấn công quân sự có mục đích, nhắm vào một căn cứ không quân của Syria, nơi cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học được thực hiện." Ông Trump nói trong một phát biểu ngắn với giới báo chí tại Mar-a-Lago. Hành động này "nằm trong vấn đề an ninh quốc gia quan trọng của Hoa Kỳ để ngăn chặn sự lan truyền sử dụng vũ khí hóa học giết người."

Ông nói thêm: "Không có gì chối cãi rằng Syria đã sử dụng vũ khí hóa học bị cấm, vi phạm Công Ước Vũ Khí Hóa Học và xem thường lời cảnh báo của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nhiều năm nỗ lực trước đây để thay đổi thái độ của Assad đã thất bại và thất bại một cách thảm hại."
    Ông Trump đã rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh trẻ em bị chết trong số dân thường tử vong trong vụ tấn công ấy, và ông cảm thấy phải hành động, theo lời một giới chức dân sự cao cấp được CNN trích lời.
    Mục tiêu tấn công của hỏa tiễn Hoa Kỳ là nhắm vào phi đạo, chiến đấu cơ và các điểm trữ dầu của phi trường. Theo lời giới chức quân sự Mỹ. Các tên lửa được bắn đi từ các chiến hạm Hoa Kỳ tại vùng phía đông Địa Trung Hải.
    Viên chức này nói thêm, vụ bắn tên lửa đã xong và "đợi cho đến khi một quyết định khác được đưa ra."
    Đã từng có quân đội Nga trú đóng tại căn cứ bị tấn công. CNN trích lời giới chức quân sự Hoa Kỳ. Và Hoa Kỳ đã có nhiều cuôc đối thoại với Nga trong cùng ngày để cảnh báo trước về cuộc tấn công này.
    Đây là hành động quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ tấn công vào chế độ Bashar al-Assad của Syria trong 6 năm nội chiến.

    Hành động này cũng được xem là sự leo thang rõ rệt của quân sự Hoa Kỳ trong khu vực, và có thể được xem là hành động chiến tranh, nhìn từ quan điểm Syria.

     Mỹ chọn hỏa tiễn Tomahawk tấn công Căn cứ Quân sự Syria.

    Hỏa tiễn Tomahawk có thể tấn công từ khoảng cách xa, giảm thiểu rủi ro cho máy bay, và tàu chiến Mỹ.

     Tàu khu trục Mỹ phóng hỏa tiễn Tomahawk. 
    59 hỏa tiễn hành trình Tomahawk sáng 7/4 được phóng từ tàu khu trục USS Ross, và USS Poter, ở đông Địa Trung Hải, nhằm vào một số mục tiêu ở căn cứ Shayrat, tỉnh Homs, theo Jeff Davis, Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài. Việc sử dụng hỏa tiễn Tomahawk cho thấy: Ngũ Giác Đài muốn tấn công Syria từ khoảng cách an toàn, dựa trên loại vũ khí tầm xa chủ lực của Hải quân Hoa Kỳ, theo Washington Post.
    Bình luận viên Dan Lamothe cho rằng: Hỏa tiễn Tomahawk là một phần không thể thiếu trong các cuộc chiến Mỹ tham gia, kể từ Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Năm 2014, tàu chiến USS Philippine Sea, và USS Arleigh Burke, Mỹ, đã phóng 47 hỏa tiễn Tomahawk tấn công các mục tiêu của nhóm khủng bố Khorasan, bị cho là có liên hệ với al-Qaeda ở Syria rồi.
    Một trong những ưu điểm lớn nhất của Tomahawk, là không đòi hỏi tàu chiến Mỹ phải tiếp gần mục tiêu ở khoảng cách nguy hiểm. Chúng có thể phóng đi từ khu trục hạm cách xa mục tiêu tới 1.600 km, khoảng cách đủ an toàn trước hỏa tiễn phòng không, và diệt hạm của đối phương. 
    Quân đội Syria đang vận hành hỏa tiễn phòng không S-200 đời cũ, nhưng được hỗ trợ bởi hệ thống S-300, và S-400 tối tân được Nga đặt quanh các căn cứ quân sự ở tỉnh Latakia. Các hệ thống phòng không này trang bị radar hiện đại, và có hỏa tiễn đánh chặn bay nhanh hơn hệ thống cũ.
    vi-sao-my-chon-ten-lua-tomahawk-tan-cong-can-cu-quan-su-syria
    Sức mạnh hỏa tiễn Tomahawk. Sơ đồ: Việt Chung.
    Chris Harmer, Chuyên gia Quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, cho rằng: Mỹ có thể sử dụng tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler, và nhiều phương tiện khác để gây nhiễu loạn radar Nga, trước khi phát động tấn công. Tuy nhiên, khả năng làm hỏng của EA-18G Growler trước các hệ thống tác chiến điện tử của Nga chưa được kiểm chứng, khiến các vũ khí Mỹ có thể hứng chịu rủi ro cao, đặc biệt là trước hỏa tiễn S-400. 
    Harmer cho rằng: Mỹ không cần huy động các vũ khí lớn như tiêm kích, hay máy bay ném bom chiến lược để tung đòn trừng phạt vào căn cứ Không quân Syria.
    "Chúng ta có lợi thế, nhưng không có nghĩa rằng: Hệ thống phòng không của Nga bất lực. Tomahawk có sức công phá yếu hơn các loại bom trên máy bay có người lái, nhưng hoàn toàn khả thi khi phá hủy các chiến đấu cơ Syria trên đường băng. Chiến đấu cơ là mục tiêu nhỏ nhất trong các loại mục tiêu nhỏ", ông nói.
    Một biến thể Tomahawk có thể mang đạn chùm nổ trên đầu mục tiêu, tạo thành các mảnh đạn văng và gây cháy, giúp tiêu diệt các phương tiện, kho hậu cần, và máy bay trên đường băng. Những hỏa tiễn này không gây ra nhiều thiệt hại tới đường băng như: bom cỡ lớn thả từ tiêm kích, hoặc oanh tạc cơ.

    vi-sao-my-chon-ten-lua-tomahawk-tan-cong-can-cu-quan-su-syria-1
    Vị trí căn cứ Shayrat gần Homs. Sơ đồ: ABCNews.
    Việc Mỹ quyết định sử dụng hỏa tiễn hành trình, thay vì máy bay ném bom để tấn công Syria một phần có thể vì lý do chính trị. Để ném bom các mục tiêu ở Syria, tiêm kích Mỹ phải sử dụng căn cứ Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một chiến dịch không kích như vậy đòi hỏi phải được Ankara đồng lòng, trong khi nước này đang ngày càng thể hiện xu hướng ủng hộ Nga trong cuộc xung đột ở Syria. Mỹ cũng có thể huy động chiến đấu cơ đồn trú ở các nước khác, nhưng việc sử dụng chúng có thể gây rắc rối ngoại giao.
      Hải quân Mỹ có thể sử dụng tiêm kích hạm AV-8B Harrier, xuất phát từ tàu chiến trên Địa Trung Hải xâm nhập không phận Syria để ném bom, nhưng có thể những máy bay này bị radar của Syria và Nga, vốn bao trùm một khu vực rộng lớn ở Địa Trung Hải, phát hiện. Để tránh những thiệt hại không đáng có về người, việc Mỹ quyết định sử dụng hỏa tiễn hành trình Tomahawk là lựa chọn hợp lý nhất, Lamothe nhấn mạnh.

    Mỹ tấn công Syria: đồng minh ủng hộ, Nga chống đối 

    07/04/2017

    Tàu khu trục USS Porter (DDG 78) đang phóng hỏa tiễn Tomahawk từ Địa Trung Hải tới một căn cứ ở Syria, ngày 7/4/2017.
    Tàu khu trục USS Porter (DDG 78) đang phóng hỏa tiễn Tomahawk từ Địa Trung Hải tới một căn cứ ở Syria, ngày 7/4/2017.

    Nhiều đồng minh của Mỹ nói họ hoàn toàn ủng hộ hành động quân sự của Hoa Kỳ tại Syria trong khi Tổng Thống Nga Vladimir Putin coi động thái của Mỹ là một “hành động hiếu chiến chống lại một quốc gia có chủ quyền” viện vào “một cái cớ bịa đặt.” Thông tín viên Fern Robinson của VOA có bài tường trình sau đây.

    Truyền thông quốc tế tràn ngập những phản ứng của mọi nơi trên thế giới sau cuộc tấn công do Hoa Kỳ phát động, phóng hoả tiễn vào một căn cứ không quân Syria trong khi thế giới nghiền ngẫm tin Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh thực hiện cuộc tấn công để trả đũa cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học ghê rợn đã giết chết khoảng 100 thường dân Syria, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

    Một tổ chức theo dõi tình hình Syria nói cuộc tấn công vào căn cứ không quân Syria đã giết chết ít nhất 4 binh sĩ Syria trong khi các giới chức Syria nói có 6 người bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
    Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh nói cuộc tấn công của Mỹ đã làm hư hại hơn một chục hanga, một kho chứa nhiên liệu và môt căn cứ phòng không.

    Người phát ngôn của ông Putin, Dmitry Peskov, nói Tổng thống Nga, một đồng minh kiên cường của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad, không tin là Syria có vũ khí hoá học.
    Trong một thông báo, điện Kremli nói hành động của Mỹ đã làm “thiệt hại đáng kể” các quan hệ Mỹ-Nga vốn đã “vô cùng tồi tệ” rồi.
    Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã kêu gọi một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và nói rằng thoả thuận an toàn hàng không đạt được giữa Syria và Mỹ giờ đã bị đình chỉ.
    Iran cũng “mạnh mẽ lên án” vụ tấn công do Mỹ thực hiện, cho rằng “hành động đơn phương là nguy hiểm, có tính huỷ diệt và vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.”

    Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình, Phó Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus miêu tả cuộc tấn công của Mỹ vào căn cứ không quân của Syria là “tích cực”, và rằng “sự tàn bạo của chế độ cai trị Syria phải lập tức bị chận đứng”.
    Ông nói:
    “Chúng tôi tin rằng chế độ Assad phải bị trừng phạt trên trường quốc tế.”
    Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc chiến ở Syria và là nước tạm trú của rất nhiều người tị nạn đến từ nước Syria ở kế cận.
    Ngoại Trưởng Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi lật đổ ông Assad ra khỏi vị thế cầm quyền và thành lập một chính phủ chuyển tiếp ở Syria.
    Ông Mevlut Cavusoglu nói:
    “Lật đổ chế độ này ra khỏi vị thế lãnh đạo là điều cần làm. Nếu ông Assad không chịu ra đi, nếu không có một chính phủ chuyển tiếp, và ông ta tiếp tục thực hiện những tội ác chống lại nhân loại, thì phải đề ra những bước cần thiết để lật đổ ông ta.”
    Người phát ngôn của chính phủ Anh hôm thứ Sáu nói: “Chính phủ Anh hoàn toàn ủng hộ hành động của Mỹ, mà chúng tôi cho là thích hợp trước cuộc tấn công dã man bằng vũ khí hoá học mà chế độ Syria đã phát động.”
    Người phát ngôn của Anh còn nói rằng mục đích của cuộc tấn công của Mỹ là để răn đe Syria thực hiện thêm các cuộc tấn công khác nữa.
    Tổng Thống Pháp Francois Hollande và Thủ Tướng Đức Angela Merkel ra một thông cáo chung, nói Assad phải “một mình chịu trách nhiệm” về cuộc không kích tiếp theo sau vụ tấn công bằng vũ khí hoá học.
    Ngoại Trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nói “sử dụng vũ khí hoá học là điều không thể chấp nhận, và phải bị trừng phạt bởi vì đây là một tội ác chiến tranh.”

    Ả Rập Xê-út ca ngợi hành động của ông Trump là “một quyết định can đảm”. Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê-út nói hành động của Mỹ là phản ứng đúng đắn đối với “những tội ác của chế độ này đối với người dân trong bối cảnh cộng đồng quốc tế không sao có thể ngăn chặn.”

    Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu nói “thông điệp nói lên quyết tâm chống lại những hành động khủng khiếp của chế độ Assad, sẽ gây tiếng vang không chỉ ở Damascus, mà còn ở Tehran, Bình Nhưỡng và nhiều nơi khác.”

    Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói chính phủ của ông hậu thuẫn hành động của Mỹ như một phương tiện để “tránh cho tình hình trở nên tệ hại hơn nữa.”

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy tôn trọng các thoả thuận chính trị đã có. Bắc Kinh đưa ra lời kêu gọi này hôm thứ Sáu 6/4 giữa lúc Chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp tục chuyến đi thăm nước Mỹ, sau khi gặp nhà lãnh đạo Mỹ ở khu nghỉ mát Mar a Lago của ông ở bang Florida.
    Thủ Tướng Australia Malcolm Turnbull mô tả vụ tấn công bằng phi đạn của Mỹ đánh vào một căn cứ không quân Syria là “một phản ứng có cân nhắc, cân xứng, và nhắm đúng mục tiêu.”
    Người phát ngôn của chính phủ Ba Lan nói chính phủ của ông “ủng hộ mọi hành động nhằm chấm dứt chiến tranh và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria.”