Như NguoiViet.de đã đưa tin, Lễ trao Giải Nhân Quyền lần thứ 12 của Liên đoàn Thẩm phán CHLB Đức đã diễn ra vào Thứ Tư ngày 05.04.2017 tại Thành phố Weimar, miền Đông nước Đức. Năm nay, Luật sư Nguyễn Văn Đài là nhân vật được chọn để trao giải thưởng kỳ này.
>> Tổng thống Đức quan tâm đến trường hợp LS Nguyễn Văn Đài được trao Giải Nhân Quyền
Vì LS Nguyễn Văn Đài đang bị giam giữ ở Việt Nam, nên Ban tổ chức đã mời vợ LS Đài là bà Vũ Minh Khánh sang Đức để thay mặt chồng nhận Giải thưởng, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam đã ngăn chặn không cho bà bay sang Đức. Chủ nhật ngày 02.04.2017 tại khâu kiểm tra hộ chiếu ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) công an cửa khẩu đã chặn bà lại, không cho lên máy bay và thông báo bà bị lệnh cấm xuất cảnh cho đến năm 2019.
Giải Nhân Quyền của Liên đoàn Thẩm phán CHLB Đức được thành lập từ năm 1991, cứ 2 năm 1 lần, được chọn trao cho một nhân vật trong giới thẩm phán, chánh án, công tố viên hoặc luật sư có những đóng góp đặc biệt vào công cuộc bảo vệ và cổ xúy cho nhân quyền tại quốc gia của họ, bất chấp sự hiểm nguy đến tính mạng, sức khoẻ, bị tù đày hoặc bị những thiệt thòi cá nhân nặng nề.
Trước một cử tọa khoảng 1.000 khách mời gồm những đại diện cấp cao của Tư pháp, Quốc hội CHLB Đức và đại diện các Bộ cũng như quan khách trong và ngoài nước Đức, nữ Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức Marie-Luise Dött đã trân trọng đọc diễn văn vinh danh LS Nguyễn Văn Đài.
Trong phần mở đầu, bà mô tả nhà cầm quyền Việt Nam: „Ngày nay một số trong quý vị chắc vẫn còn cảm nhận được sự độc đoán thời cộng sản Đông Đức trước kia? Sự tàn bạo của nhà cầm quyền Đông Đức quý vị cứ nhân lên nhiều lần, thì sẽ hình dung ra được chế độ độc đoán hiện nay ở Việt Nam“.
„Con đường Việt Nam đi tới dân chủ vẫn còn dài và cần có những người như ông Nguyễn Văn Đài.“ Trích diễn văn của bà Nghị sĩ Quốc hội CHLB Đức Marie - Luise Dött (CDU). |
Điều đặc biệt là ông Nguyễn Văn Đài từng làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Đức trong một thời gian. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ông trở về Việt Nam vào năm 1990. Bà Dött cho biết: „Năm 1989 ông Đài chính là người lao động hợp đồng ở Đông Đức trước kia. Đối với người lao động hợp đồng thì hiển nhiên họ trở về nước. Khi đi về nước thì Nguyễn Văn Đài đã mang theo một điều rất quí giá: sự nhận thức rằng tự do là có thể thực hiện được. Trải nghiệm của cuộc cách mạng ôn hòa và dân chủ hóa một nhà nước độc tài đã khiến ông Đài đi đến quyết định, đi học luật ở đại học sau khi về nước. Hồi tưởng lại quá khứ ông nói rằng, bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức thống nhất không đổ máu đã hằn sâu đậm nét vào bước ngoặt của cuộc đời ông.“
Bà Marie-Luise Dött chính là người đã nhận làm dân biểu đỡ đầu cho ông Nguyễn Văn Đài từ cuối tháng 2/2016 theo một chương trình của Quốc hội Liên bang Đức. Bà nói: „Nguyễn Văn Đài bị giam giữ từ tháng 12 năm 2015 với cáo buộc „tuyên truyền chống lại nhà nước“. Cùng với tổ chức nhân quyền Veto! Mạng lưới các nhà bảo vệ nhân quyền“ tôi đấu tranh từ 16 tháng nay để cải thiện điều kiện giam giữ, để thủ tục tố tụng đúng chuẩn mực nhà nước pháp quyền và nhất là để ông Đại được trả tự do, tại vì theo những thước đo tự do dân chủ của chúng tôi thì cáo buộc chống ông là vô căn cứ“.
Trong phần cuối bài diễn văn bà Dött nhấn mạnh: „Nguyên cớ mà đã và đang thúc đẩy LS Đài là làm „cách mạng“ bất bạo động, đầy tự tin và nhẫn nhục cho một nước Việt Nam trong tương lai có được dân chủ, tự do và nhà nước pháp quyền. Tiểu sử của LS Đài cho thấy rằng, làm điều đó ở Việt Nam không phải là đơn giản, thậm chí ông đã bị bắt giam một lần nữa. Con đường Việt Nam đi tới dân chủ vẫn còn dài và cần có những người như ông Nguyễn Văn Đài.“
Cuối cùng là giờ phút cao điểm của buổi lễ, khoảng 1.000 khách trong hội trường đã đứng dậy vỗ tay ca ngợi, khi ông Jens Gnisa, Chủ tịch Liên đoàn Thẩm phán CHLB Đức trao giải thưởng cho đại diện của Luật sư Nguyễn Văn Đài, đó là ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc điều hành tổ chức Veto! Mạng lưới các nhà bảo vệ nhân quyền, tại Đức (*).
Trao Giải Nhân Quyền 2017 cho luật sư Nguyễn Văn Đài.
Từ trái sang: bà Nghị sĩ Quốc hội CHLB Đức Marie - Luise Dött, ông Chủ tịch Liên đoàn Thẩm phán Đức Jens Gnisa và ông Vũ Quốc Dụng - người đại diện của LS Nguyễn Văn Đài. Foto: Andreas Burkhardt - drb.de |
Ghế trống biểu tượng sự có mặt của LS Nguyễn Văn Đài
Ông Dụng nói rằng người ta có thể câu thúc thân thể nhưng không thể giam hãm tư tưởng của vợ chồng luật sư Đài và ông xin chuyển lời cám ơn mà bà Khánh dự định đọc nếu bà được đến nước Đức để nhận giải thưởng cho chồng: „Tôi vô cùng lo lắng cho tính mạng và sức khoẻ của chồng tôi. Hiện nay Đài đang không được ai bảo vệ, bị cô lập hoàn toàn, và phải đối diện với khung hình phạt của điều 88 Bộ Luật Hình Sự thuộc chương “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” từ 3 đến 20 năm tù giam.
Chỉ là vợ, dĩ nhiên tôi không thể thổ lộ hết những gì trong tâm khảm của chồng tôi như anh chắc chắn sẽ nói lên, nếu không đang bị tù cách ly tại Việt Nam, về những điều anh đã làm, làm với tất cả lý tưởng và nghị lực một người trẻ yêu con người và yêu công lý, những điều mà tại Đức được vinh danh, nhưng ở quê hương Việt Nam của chúng tôi trong chế độ Cộng Sản lại là những tội cần phải trừng phạt. Tôi không thể diễn tả được hết ngọn lửa hừng hực trong tim Đài, nhưng có một điều tôi biết chắc chắn là chồng tôi, nếu đang đứng tại nơi đây, anh sẽ nghĩ và nhắc đến những người bạn can đảm và tuyệt vời đang bị đàn áp tù tội vì đã và đang tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, thí dụ người cộng tác viên của anh là bà Lê Thu Hà, và chắc chắn, chắc chắn lắm, là Đài, vì biết những người đó đều rất xứng đáng được vinh danh, nên anh sẽ xin nhận giải thưởng này với tất cả sự khiêm tốn của mình“.
(cử tọa vỗ tay)
Ông Dụng nhận xét rằng luật sư Đài đã có những đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy cải thiện từng bước tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Thí dụ hiện nay các luật sư ở Việt Nam đã liên kết thành một nhóm để bảo vệ cho công lý là một dự án mà luật sư Đài tham gia vào năm 2004.
Bà Vũ Minh Khánh vợ LS Nguyễn Văn Đài
Luật sư cũng là một trong số người mở đầu con đường giáo dục nhân quyền và viết báo cáo nhân quyền để rồi vấn đề nhân quyền hiện nay tuy còn nhạy cảm nhưng không còn là đề tài cấm và việc viết báo cáo vi phạm hiện không còn bị kết tội gián điệp.
Ông Dụng nhận xét rằng luật sư Đài đã gây cảm hứng cho nhiều người và tác động cho nhiều người làm nhiều việc có ích. Ông đang phải trả giá cho việc làm này. Ông đã có thể chọn một cuộc sống yên lành cho mình và gia đình mình. Nhưng ông đã có quyết định khác và đang mất cả sản nghiệp. Đó là cái giá phải trả cho một quyết định tự do mà chúng ta tôn trọng và ngưỡng mộ. Có một điều mà không ai có thể cướp được của ông, đó là Nhân phẩm. Sau cơn hoạn nạn này ông Dụng tin chắc rằng luật sư Đài sẽ đứng thẳng lên trở lại vì luật sư Đài muốn được sống làm NGƯỜI với tất cả trách nhiệm và bổn phận của nó.
Ông Dụng kết thúc bài nói chuyện với một trích đoạn trong bài phát biểu mà bà Vũ Minh Khánh dự định đọc nếu bà được đến nước Đức để nhận giải thưởng cho chồng: „Nếu biết sẽ được nhận giải thưởng cao quý này thì ở trong tù chồng tôi, LS Nguyễn Văn Đài, sẽ rất vui mừng, vì nó là sự công nhận quốc tế đối với những việc làm của anh. Tôi đại diện anh và cũng đại diện cho những người Việt Nam khác, đặc biệt là các luật sư độc lập, đã tranh đấu âm thầm bao nhiêu năm nay cho nhân quyền và nhà nước pháp quyền tại Việt Nam. Ngày hôm nay tôi tôi nghĩ đến tất cả những người đã hy sinh những lợi ích bản thân cho lý tưởng của mình. Chồng tôi chỉ là một trong số những người ấy và được quý vị lưu tâm đến“.
(cử tọa đứng lên vỗ tay trong 3 phút)
Đặc biệt, sau khi buổi lễ trao Giải Nhân Quyền ở Weimar kết thúc, cùng ngày thứ tư 05.04.2017 vào lúc 17 giờ Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã tiếp đón và nói chuyện với ông Vũ Quốc Dụng, người đại diện LS Nguyễn Văn Đài, tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Berlin.
Trong dịp này Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng lên tiếng yêu cầu phải có nhiều nhân quyền hơn và nhiều nhà nước pháp quyền hơn ở Việt Nam.
Đặng Hà
(*) Có thể tìm hiểu thêm về tổ chức „Veto! Mạng lưới các nhà bảo vệ nhân quyền“ ở đây.
---------------
LTS: Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả Đặng Hà, định cư tại CHLB Đức