Vào đêm 30/1/1968, quân đội Bắc Việt và lực lượng Việt Cộng bất ngờ tổng tấn công trên toàn miền Nam Việt Nam.
Huế bị các lực lượng phe cộng sản tấn công và chiếm giữ.
"Kẻ thù đã rất dối trá, lợi dụng thời gian hưu chiến trong dịp Tết để gây kinh hoàng tới mức tối đa ở Nam Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng đông dân," Tướng Westmoreland, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam, giận dữ nói.
Các bản tin khi đó dồn dập tình hình chiến sự.
"Kẻ thù đã xâm nhập vào Huế với lực lượng đáng kể, và nay đã chiếm được một phần thành phố," một tường thuật trên đài tuyên bố.
Xác chết khắp nơi
"Mỹ không kích Huế. Dân thường phải gánh chịu những tổn thất to lớn," nội dung trong một bản tin khác.
"Cộng sản không thể duy trì được quyền kiểm soát thành phố. Nhưng Mỹ và các đồng minh không đẩy được đối thủ ra nếu không phá nát thành phố cổ kính xinh đẹp này."
Phil Gioia khi đó 21 tuổi, là trung úy Sư đoàn Dù số 82, được gửi tới Việt Nam để tăng viện cho lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng hòa trong cuộc chiến giành lại Huế.
"Có những xác người trên sông; có những xác người trên các con kênh. Cả nơi đó ngập mùi tử khí và mùi gỗ cháy," Gioia nhớ lại.
"Chúng tôi không được huấn luyện để giao chiến tại địa hình toàn là khu dân cư như vậy. Chúng tôi được đào tạo để đánh nhau trên các cánh đồng, trong rừng rậm. Chúng tôi phải đi qua từ nhà này sang nhà khác, từ vườn nhà này sang vườn nhà khác, giống như là phải tự nghĩ ra cách đánh đó."
"Thời tiết thay đổi thất thường liên tục. Có hôm trời mưa, lạnh thấu xương. Ngày hôm sau lại nắng, nóng hầm hập. Cả khu vực cứ như một nhà tắm hơi."
"Bên ngoài địa bàn Huế là cây cối trên các ngọn đồi. Chúng tôi phải di chuyển sang phía tây thành phố khoảng 2,5 km, từ bên ngoài di chuyển vào."
"Xuôi dọc bờ bắc Sông Hương là nơi có lăng tẩm các vị vua Việt Nam - những ngôi chùa lớn đầy cây nhiệt đới rậm rạp và khỉ, ở đó có các vị sư."
"Tôi lúc đó kiếm được một cậu học sinh người Pháp, và đó là cách duy nhất để tôi nói chuyện được với các vị sư, để hỏi họ xem họ có thấy bất kỳ lính Việt Cộng hay lính Bắc Việt nào không. Tất nhiên là họ luôn nói không, không, 'không có kẻ thù ở đây'."
Nấm mồ tập thể
"Chúng tôi khi đó vừa mới dọn sạch một trong những ngôi chùa lớn đó rồi di chuyển dọc theo các cánh đồng, nơi chúng tôi gặp một khu vực khá bằng phẳng dọc theo bờ bắc của con sông. Mùi tử khí đậm đặc."
"Một trung sĩ dưới quyền tôi, tên là Ruben Torrez, nói, 'ở đây có cảm giác rất chết chóc.' Anh ấy thấy có một thứ nhô lên từ mặt đất. Ban đầu anh ấy nghĩ đó là rễ cây."
"Thế nhưng thứ đó đã bị mặt trời thiêu đốt mấy hôm, và đó là khuỷu tay của một xác chết, nhô lên từ lớp đất phủ sơ sài."
"Khi tới gần hơn, anh ấy nhận ra đó là gì, và gọi tôi tới gần. Tôi nhìn rồi nói, 'chúng ta cần đào lên xem sao' bởi chúng tôi nghĩ đó có thể là những người lính đối phương."
"Nếu kẻ thù chôn cất người của họ, thì trong các xác chết đó chúng ta có thể tìm được những thông tin đáng giá. Họ có thể mang theo nhật ký, bản đồ chẳng hạn. Cho nên nếu đưa các xác chết đó lên và lục soát - tất nhiên, tôi biết điều đó thật là ghê tởm - thì chúng tôi có thể tìm được những tin tức tình báo có giá trị."
"Nhưng lần này hóa ra không phải vậy. Đó là một người phụ nữ, và có rất nhiều xác người khác trong rãnh chôn này. Càng đào thêm, chúng tôi càng phát hiện ra thêm các xác chết."
Đó không phải là một mồ chôn bình thường. Các nạn nhân bị trói tay ra phía sau. Họ đã bị xử tử.
"Họ đều bị giết chết tại hố này," Phil Gioia nói.
"Một số người bị bắn chết, một số không bị bắn. Tôi chỉ hy vọng là những người không bị bắn đã bất tỉnh trước khi bị hất đất lên người."
"Đó là những người đàn ông và những người đàn bà, chừng 100 người, và có cả trẻ nhỏ. Từ trẻ sơ sinh cho tới tôi đoán là khoảng 10-12 tuổi, cả con trai lẫn con gái. Thật tàn nhẫn."
Sau đó, Phil và những người lính của ông được cho biết về những xác chết mà họ tìm thấy.
"Điều chúng tôi nghe thấy sau khi bên tình báo điều tra những gì chúng tôi tìm được, các loại giấy tờ, là Việt Cộng hoặc lực lượng Bắc Việt đã lên danh sách, để khi chiếm được Huế là họ dồn tất cả những người họ cho là mối đe dọa - bất kỳ ai thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa hoặc làm việc trong cơ quan công quyền của thành phố," Phil nói.
"Người phụ nữ với cánh tay nhô lên mà chúng tôi tìm thấy là một giáo viên. Như vậy là họ đã dồn những người mà họ cho là không được để cho sống, và đưa tới các chỗ khác nhau trong thành phố. Đây chỉ là một trong những nấm mồ tập thể được phát hiện ra, nhưng là nấm mồ đầu tiên," Phil nói.
Nạn nhân
Hơn 10 mồ chôn tập thể được phát hiện ở quanh Huế. Ước tính tổng số người bị giết trong thời gian quân Bắc Việt và Việt Cộng làm chủ thành phố là từ hàng trăm cho tới hàng ngàn người.
Hầu hết các nạn nhân là người Việt, nhưng cũng có một số người châu Âu và người Mỹ.
"Khi chỉ huy đại đội của tôi gọi radio về tổng hành dinh, họ đã không thể tin những gì được báo cáo. Khá nhanh sau đó, có rất nhiều người tới chỗ chúng tôi. Các sỹ quan cao cấp và một, hai vị tướng cùng trợ lý cũng tới," Phil nói.
"Chúng tôi phải đeo mặt nạ khí khi khai quật các tử thi. Cảnh tượng rất ghê rợn."
"Tôi chưa từng nhìn thấy điều gì như thế. Thành thật mà nói là cả những người lính của tôi cũng vậy. Và chúng tôi phải chuyển sang một khu vực khác, phải tẩy trùng vì toàn bộ quân phục, giày ủng, quần áo của chúng tôi, tất cả những gì trên người chúng tôi đều bị dính vương các mảnh xương thịt người chết."
"Chúng tôi là lính chuyên nghiệp dày dạn, không phải lính dự bị, vậy mà những người lính trẻ của tôi đã cảm thấy rất kinh sợ. Ai cũng kinh hoàng trước những gì nhìn thấy."
Vụ tìm ra các nấm mồ tập thể trở thành hàng tin chính ở miền Nam Việt Nam.
Một số người chỉ trích nói rằng con số các vụ xử tử hàng loạt đã bị phóng đại hoặc chỉ là chiến dịch tuyên truyền.
Tuy nhiên, tin tức về những vụ giết người ở Huế đã gây tác động rõ rệt.
Khi quân Bắc Việt mở cuộc tấn công cuối cùng tiến tới thống nhất đất nước hồi 1975, hàng trăm ngàn dân thường ở miền Nam Việt Nam đã bỏ chạy. Dường như trong tâm trí nhiều người, câu chuyện về "những vụ thảm sát ở Huế" vẫn còn đậm dấu ấn.
"Tôi không nghi ngờ gì rằng cơn hoảng loạn đã đeo bám họ, ám ảnh họ với những gì họ đã nhìn thấy, đã nghe được, và đọc được trên báo chí, truyền thông hồi 1968," Phil Gioia nói.
Tất nhiên, những vụ thảm sát ở Huế, dù chưa được phía Cộng sản thừa nhận, không phải là sự tàn bạo duy nhất của cuộc chiến, một cuộc chiến đã giết chết chừng 3 triệu người Việt Nam.
Phil Gioia phục vụ hai nhiệm kỳ tại Việt Nam và bị thương hai lần. Ông nay sống tại San Francisco, Mỹ.Cuộc phỏng vấn Phil Gioiabằng tiếng Anh mang tựa đề 'Mass Graves in Hue, Vietnam' đã được đăng tải trên kênh BBC World Service 10/2015.
BBC sẽ tiếp tục đăng tải các bài về chủ đề trận Tết Mậu Thân xảy ra 50 năm về trước, gồm cả phỏng vấn với các nhân chứng bác bỏ vụ 'thảm sát ở Huế'.