Trận chung kết Super Bowl 2018 và những con số chóng mặt
Sân vận động US Bank Stadium tại thành phố Minneapolis, Minnesota, nơi diễn ra trận chung kết bóng đá Mỹ Super Bowl ngày 04/02/2018. (Ảnh chụp ngày 29/01/2018)REUTERS/Kevin Lamarque
Hôm nay 04/02/2018, tại thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ diễn ra trận Super Bowl, chung kết bóng đá Mỹ hàng năm giữa đội bóng New England Patriot và Philadelphia. Đây là trận đấu được hàng trăm triệu người dân Mỹ trông đợi hàng năm. Ngoài tính chất cạnh tranh chuyên môn, trận Super Bowl còn là cuộc đua chóng mặt của những con số mà mỗi năm lại có thêm kỷ lục mới.
Những con số quá cỡ theo kiểu Mỹ: Khoảng 170 triệu người có thể sẽ theo dõi trận chung kết này. Ngôi sao lần này sẽ là Tom Brady, người giữ vị trí như kiểu tiền vệ đội New England Patriot của thành phố Boston.
Đây là cầu thủ có thu nhập cao nhất trong lịch sử làng bóng đá Mỹ. Trong năm 2018 này, ước tính Tom Brady có thể kiếm được 75 triệu đô la. Anh còn là chồng của siêu mẫu người Brazil, Gisele Bundchen nổi tiếng. Như thế cũng đáng để khán giả theo dõi.
Giá vé vào xem trận đấu trên sân trung bình là 5000 đô la. Nhưng trận chung kết Super Bowl còn nổi tiếng bởi 30 phút nghỉ giải lao giữa các hiệp đấu. Đó là lúc để các spot quảng cáo chen vào nhưng với giá đắt kinh khủng : 4,5 triệu đô la cho 30 giây quảng cáo. Các nhà quảng cáo dám chơi mạnh tay như vậy bởi 99% khán giả truyền hình Mỹ vẫn theo dõi các quảng cáo trên màn hình.
Tiếp đến là buổi biểu diễn ca nhạc. Năm nay, Justin Timberlake bao chọn show diễn. Mặc dù không lấy tiền thù lao nhưng đổi lại, một buổi biểu diễn thành công tại đây sẽ giúp ca sĩ bán chạy như tôm tưới các album của mình.
Trận đấu còn diễn ra ngay cả trong bếp : 49 triệu lon bia, hơn một tỷ chiếc cánh gà được tiêu thụ trong dịp diễn ra trận đấu. Ngày hôm sau của trận chung kết sẽ không còn hừng hực khí thế nữa. 39% khán giả truyền hình sẽ không đi làm ngày thứ Hai. Điều này có nghĩa kinh tế Mỹ sẽ thâm hụt 3 tỷ đô.
Trung Quốc và Nga đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ về chính sách hạt nhân mới của Mỹ
«Nuclear football» vali chứa mã hạt nhân, vật bất ly thân của tổng thống Mỹ ở bất kỳ đâu. Ảnh chụp : sĩ quan Mỹ mang vali hạt nhân tháp tùng tổng thống Donald Trump, tại Nhà Trắng, 02/12/2017.Olivier Douliery / AFP
Ngày 04/02/2018, Trung Quốc và Nga đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ về chính sách hạt nhân mới của Mỹ, được công bố hôm thứ Sáu 02/02.
Trong một thông cáo ra hôm nay (04/02), bộ Quốc Phòng Trung Quốc mạnh mẽ chỉ trích báo cáo của Lầu Năm Góc đưa ra « những ước tính hú họa » về ý đồ của Trung Quốc và đã thổi phồng hiểm họa sức mạnh hạt nhân của nước này.
Trung Quốc « kịch liệt phản đối » bản báo cáo của Hoa Kỳ, khẳng định nước này vẫn « duy trì nguồn lực hạt nhân ở mức tối thiểu theo như yêu cầu về an ninh quốc gia đặt ra ». Bắc Kinh kêu gọi Hoa Kỳ hãy « từ bỏ tư tưởng Chiến Tranh Lạnh ».
Tuy nhiên phản đối mạnh nhất có lẽ là đến từ phía Nga. Bộ Ngoại giao nước này, trong một thông cáo, đã lên án « tính chất hiếu chiến » và « chống Nga » trong chính sách hạt nhân mới của Mỹ. Thông cáo ghi : « Ngay khi đọc, tính chất hiếu chiến và bài Nga đã đập vào mắt ».
Bộ Ngoại Giao Nga tỏ « thất vọng sâu sắc » về diễn tiến mới này, và cam kết sẽ có phản ứng để đối phó với những chương trình hạt nhân mới của Mỹ. Đồng thời, Matxcơva chỉ trích các cáo buộc của Mỹ trong báo cáo là « nực cười », « vô căn cứ », xem đấy như là « một ý đồ bất công nhằm đổ vấy trách nhiệm của mình lên người khác ».
Bộ Ngoại Giao Nga cho rằng « tình hình an ninh thế giới và khu vực xuống cấp và tình trạng mất cân đối của các cơ chế kiểm soát vũ khí là kết quả của một chuỗi hành động vô trách nhiệm từ chính bản thân Hoa Kỳ ».
AFP nhắc lại, trong báo cáo mang tên « Vị thế hạt nhân », Lầu Năm Góc cho biết muốn được trang bị các loại vũ khí hạt nhân mới có tầm hoạt động thấp, đồng thời đưa ra các đánh giá về những hiểm họa hạt nhân đối với Mỹ trong những thập niên tới đây.
Phần lớn nội dung bản báo cáo chủ yếu nhắm vào Nga trước thái độ quyết tâm chạy đua vũ trang trở lại, nhưng tài liệu này cũng nhắc đến sự thiếu minh bạch về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Với tuyên bố mới này, giấc mơ một hành tinh không có hạt nhân của cựu tổng thống Obama coi như tan thành mây khói. Vì sao có sự chuyển hướng như vậy ? Chuyên gia Corentin Brustlein, phụ trách Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp trên đài RFI giải thích :
« Khởi nguồn của vị thế hạt nhân mới này bắt đầu từ sự ghi nhận một tình trạng xuống cấp thêm thảm hoàn cảnh chiến lược từ năm 2014. Hoa Kỳ nhận thấy không thể tiếp tục giảm vai trò vũ khí hạt nhân trong chiến lược của mình nữa do tình hình căng thẳng với các cường quốc, nhất là với Nga và Trung Quốc đang nổi lên trở lại và nhất là do sự trỗi dậy của các đối thủ hạt nhân khu vực như Bắc Triều Tiên chẳng hạn. Chính xu hướng thay đổi này giải thích vị thế mới của Mỹ, khác hẳn với tinh thần lập trường trước đây được Obama thiết lập vào năm 2010 ».
Quân nổi dậy Syria, tỉnh Idleb đã bắn hạ một chiến đấu cơ Sukhoi SU-25
Chiến đấu cơ Sukhoi SU_25 của không quân Nga tại căn cứ quân sự Nga, Latakia, Syria. Ảnh chụp ngày 16/12/2015.Paul GYPTEAU / AFP
Bộ Quốc Phòng Nga lên tiếng xác nhận, các nhóm nổi dậy trong tỉnh Idleb đã bắn hạ một chiến đấu cơ Sukhoi SU-25 của Nga hôm qua, 03/02/2018, đồng thời phi công của chiếc máy bay trên đã bị thiệt mạng sau khi nhảy dù vào khu vực quân nổi dậy kiểm soát.
Thông tín viên RFI, Etienne Bouche, tại Matxcơva, cho biết thêm thông tin :
« Phi công đã bị chết trong cuộc chiến chống khủng bố », Bộ Quốc Phòng Nga ra thông báo như trên vào hôm qua, thứ Bảy. Chiếc chiến đấu cơ loại Sukhoi SU-25 đã bị bắn hạ trong tỉnh Idleb, tây-bắc Syria. Bộ Quốc phòng cho biết thêm, phi công của chiếc chiến đấu cơ này đã bật dù thoát khỏi máy bay.
Theo Matxcơva, « máy bay đã bị bắn hạ bởi một hệ thống tên lửa phòng không cơ động ». Dân biểu Dmtri Sabline, người điều phối các hoạt động của nhóm hữu nghị giữa Hạ Viện Nga và Syria, đã quả quyết với hãng tin Nga Intefax rằng hệ thống tên lửa phòng không nói trên đã được đưa vào Syria từ một nước láng giềng cách đây vài hôm thôi.
Quân đội Nga cũng thông báo đã tấn công bằng những « vũ khí có độ chính xác cao » khu vực chiếc máy bay của họ bị bắn rơi. Phía Nga khẳng định đã tiêu diệt « hơn 30 chiến binh của Mặt Trận al-Nosra ». Tối qua, nhóm thánh chiến trên hiện đang kiểm soát khu vực đã lên tiếng nhận bắn hạ chiến đấu cơ Nga.
Đây không phải lần đầu tiên máy bay Nga bị bắn hạ trong vùng. Hồi tháng 8/2016, một trực thăng Nga cũng đã bị quân nổi nổi dậy bắn rơi khiến 5 lính Nga thiệt mạng.
Lực lượng đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ, gần đỉnh Barsaya, đông bắc Afrin, ngày 01/02/2018.REUTERS/Osman Orsal
Trong chiến dịch tấn công mang tên « Cành Olive » nhắm vào lực lượng Kurdistan, ở Afrin, trên lãnh thổ Syria, ngày hôm qua, 03/02/2018, bảy binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng. Cùng với đà tiến quân về phía thành phố Afrin, thiệt hại nhân mạng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gia tăng.
Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer gửi về bài tường trình:
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ngày thứ 15 của cuộc tấn công vào Afrin, nhằm đánh đuổi lực lượng du kích Kurdistan của đảng YPG, gây nhiều thiệt hại nhân mạng nhất, kể từ khi chiến dịch này khởi động vào ngày 20/01.
Theo Bộ Tham Mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, một binh sĩ đã thiệt mạng trong các vụ chạm súng, một người khác tử trận trong cuộc tấn công vào một trạm kiểm soát biên giới và 5 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng khi chiếc xe tăng của họ bị tấn công, ở phía đông bắc Afrin.
Theo tổng kết chính thức, như vậy có 14 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng kể từ khi cuộc tấn công khởi phát. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã đáp trả bằng các cuộc không kích, phá hủy nhiều hầm trú ẩn và kho cấu giấu vũ khí đạn dược của các chiến binh Kurdistan mà Ankara coi là những kẻ khủng bố, nhưng lại được Hoa Kỳ coi là đối tác trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo.
Vào lúc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy Syria đồng minh của Ankara trong chiến dịch này đang vất vả tiến vào các vùng đồi núi, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã khẳng định là quân đội đang ở gần Afrin.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi ngày, thông báo nhiều lần tình hình tiến quân và khẳng định cho đến lúc này đã tiêu diệt được 900 chiến binh YPG, một con số không thể kiểm chứng được.