Tình hình vùng biên giới Thổ-Syria âm ỉ từ lâu nhưng xấu thêm khi Hoa Kỳ đưa ra kế hoạch xây dựng một lực lượng 30,000 quân để cảnh giới vùng đông bắc Syria nằm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Kế hoạch đã gây tức giận choThổ Nhĩ Kỳ- một đồng minh của Hoa Kỳ vì lực lượng này chủ yếu là các chiến binh người Kurd (YPG) mà Thổ coi đây là những kẻ khủng bố. Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nói rằng bổn phận của NATO bảo vệ vùng biên giới hay giao cho nhóm khủng bố? Chúng tôi có thể bảo vệ vùng biên giới. Còn Tổng Thống Erdogan cáo buộc Hoa Kỳ phản bội đồng minh và đe dọa tấn công sào huyệt nhóm khủng bố nằm dọc biên giới mà những kẻ dâm sau lưng chúng tôi không thể ngăn cản.
Theo Politico ngày 17/1/2018, Ngoại Trưởng Tilerson tuyên bố Hoa Kỳ sẽ vĩnh viễn hiện diện quân sự tại Syria để chống lại khủng bố và đối đầu với ảnh hưởng gia tăng của Ba Tư đồng thời lót đường cho việc chấm dứt chế độ của Ô. Assad. Còn Bộ Quốc Phòng Mỹ lại nói rằng không có kế hoạch xây dựng lực lượng an ninh biên giới và lực lượng người Kurd YPG cũng không có trong đó. Hai lời tuyên bố này mâu thuẫn nhau.
Theo Reuters ngày 17/1/2018, trong cuộc họp của NATO tại Brussels, Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói rằng Thổ sẽ không cho phép lực lượng Kurd tại Syria (Syrian Kurdish YPG) nhận sự hỗ trợ từ NATO và không thế tách rời các nhóm khủng bố (khủng bố là khủng bố, đứng riêng cũng là khủng bố). Trước khi mở cuộc tấn công, các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của quân đội và tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã đi Nga để xin Nga cho phép Thổ dùng máy bay oanh kích qua biên giới Syria. Sau cuộc họp này lính Nga đã lùi ra xa một chút dù đã triển khai sát Afrin.
Bất chấp lời cảnh cáo của Hoa Kỳ, vào ngày 20/1/2018 tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thổ hành động tự vệ theo đúng Hiến Chương LHQ và cuộc chiến Afrin đã bắt đầu bằng những cuộc pháo kích vào khu vực trú quân của ba nhóm PKK (Kurdistan Workers’Party), PYD và YPG sau khi nhóm này bắn vào bên trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. 72 phi cơ F-16 của Thổ đã oanh kích 150 mục tiêu và bộ binh cùng nhóm phiến quân được Thổ nuôi dưỡng đã tiến vào Afrin chiếm một khu vực rộng lớn để thành lập một vùng trái độn ở khu vực do lực lượng YPG (People's Protection Units) và Nhà Nước Hồi Giáo chiếm giữ. Thổ loan báo đã tiêu diệt tối thiểu 300 chiến binh người Kurd và Nhà Nước Hồi Giáo. Hỏa tiễn từ Syria đã phóng vào một vài thành phố biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ làm 13 người bị thương. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng những ai chống lại chiến dịch này đều đứng về phe khủng bố và sẽ được đối xử như quân khủng bố, ám chỉ Mỹ.
Như thế người Kurd phải chịu hai gọng kìm từ Thổ và quân chính phủ Syia, không biết có thể tồn tại được hay không? Theo tôi, Tổng Thống Erdogan của Thổ là một tay rất ngang tàng dám bắn rớt máy bay Nga rồi cũng “hòa cả làng” cho nên ông dám tấn công lực lượng người Kurd mà không sợ Mỹ. Trước tình thế đó, ngoại trưởng Hoa Kỳ đã gọi điện thoại cho ngoại trưởng Nga và Thổ. Còn Pháp thì kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An LHQ để bàn về vấn đề này nhưng không đi đến kết quả nào.
Hành động của Thổ đặt Mỹ vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Vào ngày 22/1/2018, Tổng Thống Assad của Syria nói rằng cuộc tấn công của Thổ nhằm hỗ trợ cho nhóm cực đoan ly khai thân Thổ để chống lại Syria. Ô. Assad muốn thương thảo với lực lượng người Kurd để thành lập một khu vực tự trị cho họ. Vào ngày 25/1/2018 hai Ô. Trump và Erdogan đã nói chuyện với nhau qua điện thoại nhưng nội dung của cuộc nói chuyện lại bị Thổ bác bỏ. Vào ngày 27/1/2018, Bộ Trưởng Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu yêu cầu Hoa Kỳ rút quân ngay ra khỏi Manbij (đông bắc Aleppo) vì quân Thổ sẽ tấn công vào vùng này. Thế nhưng Tướng Joseph Votel – Giám Đốc Bộ Chỉ Huy Trung Ương của Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ không rút lui khỏi vùng này, tức vẫn hiện diện để bảo vệ lực lượng người Kurd. Reuters trích dẫn nguồn tin của Nga cho biết đã có cả ngàn người chết, kể cả thường dân trong chiến dịch “Cành Ô-liu” của Thổ.
Hiện nay lực lượng người Kurd đang năn nỉ Hoa Thịnh Đốn tìm cách ngăn chặn cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lúc có mặt tại Âu Châu, ngày 22/1/2018 Ngoại Trưởng Tillerson lại tuyên bố từ bỏ kế hoạch hiện diện quân sự vĩnh viễn tại Syria bằng đề nghị thiết lập một “vùng an toàn” (a security zone) tại biên giới Thổ và Syria. Không biết “vùng an toàn” này do ai trách nhiệm? Do Liên Hiệp Quốc ấn định hay do Hoa Kỳ đơn phương thành lập? Và số phận của phiến quân do Hoa Kỳ hỗ trợ và lực lượng người Kurd ra sao? Sau khi “vùng an toàn” hình thành, hòa bình có vãn hồi trên đất nước Syria không? Mỹ có tiếp tục viện trợ vũ khí, tài chính và chiến đấu bên cạnh lực lượng YPG không? Ô. Tillerson còn nói rằng Thổ có quyền bảo vệ nền an ninh của mình nhưng nên tự chế. Lời tuyên bố này gây lo lắng cho lực lượng người Kurd vì nó gián tiếp xác nhận sự hiện diện của YPG là mối đe dọa cho Thổ cho nên hành động của Thổ đánh qua biên giới là đúng với luật pháp quốc tế. Nói tóm lại, tình hình Syria vô cùng phức tạp chưa biết sẽ đi về đâu.
Theo tôi, chiến lược của Ô. Trump ở Syria nhằm lật đổ chế độ của Ô. Assad, ngăn chặn ảnh hưởng của Ba Tư để bảo vệ an ninh cho Do Thái chứ không vì quyền lợi sinh tử của Mỹ. Nhà Nước Hồi đang trên đà tan rã, tin vui vừa đến thì Syria lại du vào một trận chiến phức tạp hơn.
Newsweek ngày 16/1/2018 cho rằng Tổng Thống Donald Trump đã đùa với lửa khi thông báo quyết định nói trên. Có thể nói, người hoạch định chính sách an ninh toàn cầu của Mỹ không phải ở Washington D.C. mà ở Tel Aviv, hoàn toàn vì quyền lợi của Do Thái chứ không vì quyền lợi của Hoa Kỳ.
Sẽ là một sai lầm chí tử nếu Hoa Kỳ quyết tâm xây dựng lực lượng người Kurd để chia cắt lãnh thổ Syria và đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ tại đây. Khi Mỹ-Thổ đụng nhau, hai phe thủ lợi chính là Nga và Syria. Họ chỉ cần chờ đợi hai bên đánh nhau lỗ đầu rồi sẽ ra tay theo kiểu “Trai cò cắn nhau ngư ông đắc lợi”. Ngoài ra, quyết định đóng quân vĩnh viễn tại Syria sẽ bị chống đối ngay trong lòng nước Mỹ khi vấn đề A Phú Hãn giải quyết chưa xong. Vào ngày 18/1/2018, TNS. Tim Kaine- cựu ƯCV phó tổng thống của Bà Clinton nói rằng lời tuyên bố của Ô. Tillerson là không thể chấp nhận được vì nó chưa được Quốc Hội cho phép. Ấy là chưa kể khi Nhà Nước Hồi Giáo không còn, sự hiện diện quân sự Mỹ ở Syria khó lòng biện minh.
Tuy nhiên “Chiến Dịch Cành Ô-liu” của Thổ không phải dễ dàng. Bao nhiêu chông gai đang chờ đón Thổ. Để rồi chúng ta sẽ thấy
(*) Nam Dương nổi tiếng vì khai thác cà-phê cứt chồn.
Đào Văn Bình
(California ngày 31/1/201
http://diendannguoidanvietnam.com/