Thursday 1 February 2018

Chuyện hai công nương - Vũ Ðăng Khuê

Xin mời bà con cô bác đọc lại một bài viết 3 năm trước nhưng vẫn còn.... mới dù trong tình huống mới, nói về nỗi gian truân của 2 kiếp “hồng nhan”, một thì “bạc phận” còn một thì..... xin đọc tiếp..
diana          Masako 2 hinh
Diana        -               Masako
Thời buổi này, nếu nói về “công chúa” thì yếu tố “sắc nước nghiêng thành” có đạt được hay không thì còn tùy theo.... từng hoàn cảnh, nói rõ hơn một chút: không cứ là con gái vua thì phải xinh, phải đẹp, chưa chắc! Nhưng đã là “công nương” thì nhất định là phải thuộc tiêu chuẩn
Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình

(Cung Oán Ngâm Khúc)
Hoặc
Có phải vì trăng áo trắng bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thổi hồn tôi đến ngất ngây
(Thơ Nguyên Sa)
khiến ai nhìn thấy lòng cũng... phải ngẩn ngơ, nghĩa là phải đẹp, yếu tố cần thiết gần như tuyệt đối để trở thành “dâu” của hoàng tộc. Jordan có Rania, Tây Ban Nha có Letizia Ortiz Rocasolano, Đan Mạch có Mary Elizabeth Donaldson, Bỉ có Claire Louise Coombs, Anh có Diana (mẹ), Kate Middleton (con dâu), Nhật có Masako, Kiko và còn nhiều người nữa kể ra không hết.

                    
Rania – Letizia – Donaldson - Claire Louise – Kate - Kiko

Nhìn một cách chủ quan từ người viết, thì thế kỷ này chỉ có 2 công nương nổi bật đáng chú ý, vì những “đau thương” mà 2 nàng đã gánh chịu. 1 thì đã thành người quá cố, còn 1 thì vẫn “hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua”. Hai người cách nhau 2 tuổi, 1 người sinh năm 1961, còn 1 người thì sinh năm 1963. Đó là Diana của Anh Quốc và Masako của Nhật Bản.

Cả 2 đều có điểm chung: xuất thân từ hàng dân giả, đẹp, học giỏi, con nhà danh giá. Diana thì theo chàng về dinh ngày 29 tháng 7 năm 1981, còn Masako thì là ngày 10 tháng 6/1993. Hoàng gia Anh thuộc xứ phương Tây nên đôi chút cởi mở còn Nhật Bản thì ngược lại, vẫn khép kín. Vì vậy đời sống của Diana so với Masako thì tương đối không có gì căng thẳng ít ra trong giai đoạn đầu. Cả hai đã có những ngày thật hạnh phúc bên chồng, cứ nàng đâu, chàng đó. Diana thì may mắn hơn sinh được 2 nam, còn Masako thì rất ư là vất vả.

Diana - Số phận long đong

Tuy nhiên, từ năm 1995, số phận của Diana đã bắt đầu lận đận, 2 vợ chồng tuy ngồi cùng xe, đi cùng đường... nhưng mắt lại nhìn hai hướng, thêm chuyện mèo chuột của thái tử Charles, Diana phát bệnh “ăn nhiều và .... ói nhiều”. Dấu hiệu chia ly đã bắt đầu. Nàng lao vào chuyện làm từ thiện cho qua ngày qua tháng. 1996 thì chính thức chia tay với thái tử Charles. Diana những tưởng sẽ được sống cho chính mình, nhưng ông trời lại không thương, đầy nàng về cõi ấy. Trên “giấy tờ” thì nàng qua đời ở Paris vì sự săn đuổi của nhóm Paparazzi (săn ảnh), khiến tài xế lúc đó trong người có hơi men lại lái với tốc độ quá nhanh làm xe đâm vào một cái cột beton của đường hầm. Nàng ra đi cùng với người bạn trai là Dodi Fayed, con một tỷ phú người Ai Cập và người tài xế.. 

Vài năm sau lại có nhiều tin khác và tin nào cũng được gọi là “có thể tin cậy”, chẳng hạn gia đình hoàng gia Anh đã yêu cầu các toán đặc nhiệm Anh ám sát để ngăn nàng kết hôn với Dodi - một người đàn ông Hồi giáo.

Cũng vào tháng 8/2013, lại có thêm một “dữ kiện không thể bỏ qua”: 1 người Pháp gốc Việt tên Lê Văn Thanh (22 tuổi, lúc xảy ra tai nạn) có ít nhiều dính dáng. Có 2 nhân chứng cho rằng: chiếc xe của Thanh (Fiat Uno) đã “quệt” vào chiếc Mercedes chở công nương, khiến xe mất thăng bằng đâm vào cái cột bê tông trong đường hầm. Sau 9 năm (2005) giữ im lặng, bố của Thanh là Francois Lê kể lại:
 “Tôi không muốn tin là Thanh đã ở trong đường hầm vào đêm đó…Con tôi có thái độ rất lạ vào đêm đó và kể từ đó đến nay. Sau đó, Dũng (em của Thanh) đã giúp sơn lại chiếc xe nhưng cũng không nói với tôi về điều này. Điều tôi có thể biết là chiếc Fiat đã được sơn lại chỉ vài giờ sau khi xảy ra vụ va chạm”. Còn chính đương sự thì chối bảo là giờ đó đang làm việc ở hãng.

Chả biết hư thực ra sao, nghe hoài phát..... mệt, nhưng có một sự thực không ai phủ nhận được là Diana ra đi để lại biết bao thương tiếc, để lại cho hoàng gia Anh 2 quí tử điển trai. 1 trong 2 quí tử là hoàng tử William đã yên bề gia thất với công nương “con dâu” Kate Middleton
 đẹp.... ngang ngửa mẹ và đã có 2 con: 1 trai và 1 gái

William-Kate Middleton sớm xum vầy vui trong hạnh phúc

Masako – cuộc đời đầy sóng gió

Sau những ngày hạnh phúc ngắn ngủi, đời Masako đã có vẻ không tươi sáng. Vì bị sức ép ngầm phải sinh hoàng nam kế vị, cộng thêm sự thay đổi quá đột ngột trong cuộc sống hàng ngày đã khiến Masako sanh bệnh. Tháng 12 năm 2001, cô hạ sinh công chúa Ái nhưng niềm vui “không trọn vẹn” vì vẫn chưa phải là một nam nhi như mọi người mong đợi

Từ năm 2003, cô thường xuyên phải nhập viện để điều trị chứng bệnh “trầm cảm, không thích hợp với cuộc sống”. Với gương mặt lặng lẽ và u sầu, Masako, 42 tuổi, hầu như không xuất hiện trước công chúng khiến Hoàng Thái Tử lúc nào cũng “một mình một bóng” trong những buổi tiếp tân, trong những chuyến công du ngoại quốc hoặc những lần thăm .... dân cho biết sự tình. Người ta thường nói là “trong sự thành công của một người đàn ông lúc nào cũng có hình bóng khiêm nhường của một người đàn bà”. Trường hợp này thì ngược lại, bên cạnh một Masako âu sầu, lúc nào cũng có Thái Tử chở che. Ông thương vợ ông lắm, ông luôn luôn có mặt bên Masako ngoại trừ những lúc “công du” . Trong cuộc họp báo tại Hoàng Cung vào ngày 10 tháng 5 năm 2004, khi Thái Tử tròn 44 tuổi, Masako (40), ông đã có một phát biểu khiến mọi người kinh ngạc: “Trong hoàng cung đang có những vận động để phủ định những sự nghiệp về ngoại giao mà Masako đóng góp trong quá khứ”.

Tuyên bố "động trời" của Thái tử Naruhito khiến người đời có đồn là: ông đã hứa với Masako lúc cầu hôn rằng: “Tôi sẽ làm tất cả để bảo vệ, thương yêu em, tìm cho em một vai trò thích hợp về ngoại giao trong hoàng tộc”. Nếu đúng là lời ông nói thì quả tình Thái Tử đã cố gắng hết mình để thực hiện lời hứa, nhưng ông chỉ thực hiện được một nửa: yêu thương và gìn giữ vợ, còn nửa kia thì ..... bó tay vì những qui luật khắt khe của hoàng cung. Có lẽ vì thế Thái Tử đã “bất mãn” tuyên bố như trên chăng? Sau đó thì ông lại bị ông em giai là hoàng tử Akishino chỉ trích là sai lầm nghiêm trọng.


Tháng 3 năm 2007, có cái ông nhà báo nào đó người Úc tên Ben Hills, viết nguyên cả một quyển sách có cái tên  Princess Masako: Prisoner of the Chrysanthemum Throne, (công nương Masako: Tù nhân của ngôi vàng Nhật) kể vanh vách chuyện Masako sầu thảm trong cung cấm, làm như ông ta là người trong cuộc vậy. Nghe nói là ông đã được cung cấp tin tức rất chính xác từ những người thân cận với hoàng tộc. Quyển sách đã làm Hoàng Cung nổi giận cho là “xuyên tạc, suy diễn chủ quan.....”, lúc đó sứ quán Nhật tại Úc tới ngay nhà phát hành là Random House để phản đối và đòi tác giả xin lỗi nhưng cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu, cuốn sách tuy không được phát hành tại Nhật, nhưng nếu muốn đọc “bạn có thể trực tiếp mua từ nhà xuất bản”.

Sau khi sinh bé Ái, liên tiếp vài năm sau đó không có dấu hiệu nào chứng tỏ nàng sẽ cấn thai, nội các Nhật Bản lại phải đối phó với một vấn nạn mới: nối ngôi. Theo luật hoàng cung hiện tại thì chỉ nam nhi mới có tư cách, 6 người có tư cách mà đứng đầu là hoàng thái tử. Thế thì sau khi thái tử “chấm dứt nhiệm kỳ” sẽ là ai? (trừ trường hợp “đột ngột ra đi”), tính theo “cấp bậc quân giai” thì sẽ là hoàng tử em, một ông chú (con thứ 6 của cố thiên hoàng Hirohito, 80 tuổi), một em ruột cố Thiên Hoàng Hirohito (100 tuổi, và ông này đã ra đi năm 2016)..... chắc chắn là vào lúc “thái tử về trời” thì mấy ông này đã “cỡi hạc bay đi” trước rồi. Vì thế từ tháng 1/2005, nội các ông Koizumi đã phải chạy đôn, chạy đáo thành lập một ban cố vấn gồm nhiều học giả, thẩm phán, giáo sư, công chức để góp ý cho việc sửa đổi luật hiện tại cho phép nữ giới được nối ngôi.

May quá..... vào ngày 6 tháng 9 năm 2006, hình như vào lúc 9 giờ sáng, quốc hội đang có một phiên họp được trực tiếp truyền hình, người ta thấy có một thư ký đi đến chỗ ông Koizumi và đưa ông một mảnh giấy, ông xem xong và cười toe toát. Vài giờ sau, thì tin tức báo đài loan truyền khắp hang cùng ngõ hẻm: công nương Kiko vợ của em trai Thái Tử đập bầu lần thứ 3 sinh thằng .... cu Tý. Và thằng cu Tý này sẽ đứng thứ 3 trong danh sách nối dõiSự kiện này đã khiến nội các ông Koizumi như trút được gánh nặng đã mang trên vai mang suốt 40 năm: “hoàng tộc không có “thằng cu”. Chính giới Nhật thở phào nhẹ nhõm vì đến 100 năm nữa mới phải.... tính nếu thằng cu tý nào đó nhất định không chịu ra đời.

Dù không còn áp lực phải “sinh con giai” nữa, nhưng Masako vẫn buồn vì mặc cảm, nhưng hơn cả là nỗi buồn không thể nào thích hợp với cuộc sống trong hoàng tộc. Cũng nên biết rằng, trước khi về “dinh” nàng phải trải qua những khóa “huấn nhục” để trở thành người hoàng tộc và sau khi về “dinh” nàng biến thành một người hoàn toàn khác, từ ngữ “người” bình thường không thể tìm thấy trong “tự điển” của hoàng cung. Những giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, khai sanh, chứng minh cư trú, bằng lái xe, thẻ tín dụng, thẻ bảo hiểm sức khỏe v.v..... đều trở thành kỷ niệm vì không còn cần thiết. Nhớ bố, nhớ mẹ nhớ em thì chỉ có email, line, viber điện thoại hay.... skype, rất hiếm khi được ghé nhà. Thú vui chiều chiều sau khi tan sở, ghé đâu đó với bạn bè làm vài cây yakitori (thịt gà nướng), vài cốc Chu-hi (một loại rượu nhẹ của Nhật) cho má thêm hồng đã hoàn toàn mất hẳn. Nghe nói trong 3 năm đầu, nàng chỉ được ghé nhà 5 lần. Muốn sống hạnh phúc như công nương em Kiko thì nàng phải lột xác, quên hết chuyện quá khứ, nhưng làm sao được? Các nhà chuyên môn cho biết, đó chính là nguồn gốc bệnh trầm cảm và khó có thể chữa trị dứt điểm.

Niềm vui duy nhất của nàng là bé Ái. Nhưng cũng chẳng may cho Masako vì có một dạo, khoảng hơn 7 năm trước (4/2010), Ái đã bị một nhóm hay một học sinh cùng trường trực tiếp hay gián tiếp “ijime” (ăn hiếp) , đến nỗi cô bé phát sợ tìm đủ mọi cách thối thác đến trường, lúc thì than đau bụng, khi thì nói là bị cảm v.v..

Cuộc sống của công nương Masako kéo dài trong chán chường, trong phản kháng, trong lập dị từ ngày này sang ngày nọ đưa đến những hành động “tới đâu thì tới” bị hoàng cung “nhẹ nhàng nhắn nhủ” là “hơi khó coi”. Và những chuyện này thì các báo chí .... loại dành cho “dân gian” thế nào cũng moi cho bằng được để làm quà.... cho thiên hạ. Xin kể một vài chuyện điển hình. 
  
“Túi xách “Fendi”.

Chiều ngày 16 tháng 8/2010, gia đình hoàng thái tử đã được gần 400 người dân địa phương ra đón một cách thật nồng nhiệt ở nhà ga Nasu Shihara (那須塩原) thuộc tỉnh Tochigi khi bắt đầu cho chuyến nghỉ mát tại một trang trại gần đó. Xen lẫn trong đoàn người, lẽ dĩ nhiên là có cả những ký giả lăng xăng chạy tới chạy lui ghi ghi chép chép. Flash chớp lia lịa vào 3 khuôn mặt gia đình hoàng thái tử.

Và... 1 tuần sau, số phát hành ngày 2 tháng 9/2010 tờ Shukan Shincho có bài phóng sự: “Túi xách mới ra lò “Fendi” của công nương Masako đã làm ... dậy sóng”. 
Tờ báo viết: Theo một nhà bình luận về thời trang thì đó là cái túi xách tay của Fendi, một danh hiệu của Ý chuyên làm những đồ thời trang phụ nữ. Thế giới có rất nhiều danh hiệu nổi tiếng như Coach, Miumiu, Gucci, Chanel, Dior, Prada, Louis Vuitton v.v... mà Fendi là một. Logo của Fendi là 2 chữ FF đặt ngược...... Túi xách có nhiều giá từ 1.200 US đến 12.000 US hay hơn nữa tùy theo vật liệu chế tạo, nếu là lông thú thì... khỏi nói.

fendi bag masako012        FEndi (FF)
Cái túi xách Fendi ... dậy sóng                     Logo túi xách Fendi

Thế thì công nương Masako đeo cái túi xách Fendi khi dung dăng dung dẻ thì đã sao?  Một thầy bàn cũng thuộc về giới nghiên cứu thời trang tiếp lời: “Có sao chứ, hôm trước xem TV tôi... hết hồn. Túi xách của công nương đang đeo có cái logo quá ư là nổi bật, nhìn vào là người ta biết ngay là của Fendi, khác hẳn với chủ trương thời trang chính thống của hoàng thái hậu Michiko và công chúa Kiko. Rõ ràng là công chúa Masako đã vượt khỏi cái khung qui định về thời trang của hoàng tộc rồi” .

Thế nào là “thời trang chính thống”? một thợ bàn khá nặng ký hiện đang là giáo sư một trường đại học nữ và cũng là bình luận gia về hoàng thất Watanabe Midori bồi tiếp: Người trong hoàng tộc không nên mang hay đeo những thứ làm tại nước ngoài. Cứ quan sát ta sẽ thấy không bao giờ Hoàng Thái Hậu Michiko và công chúa em Kiko mang trên người những gì được làm tại ngoại quốc, và cho dù làm tại Nhật nhưng cũng chẳng bao giờ thấy có logo của nơi sản xuất cả. Cũng có thể những món mà công nương diện trên người là quà tặng của bạn bè, gia đình vì gia đình công nương vốn hàng khá giả, chả phải tiền đóng thuế của người dân nhưng cũng không nên. Nói tóm lại điểm căn bản thời trang của hoàng tộc là “Kizukai“ có nghĩa là phải “quan tâm”, “để ý” xung quanh xem những gì mình mang trên người có thể bị hiểu lầm là quảng cáo cho một danh hiệu nào đó hay không?

Có một người từng làm việc trong hoàng cung thố lộ: “Đã là người thì ai cũng có sở thích riêng, lấy thí dụ: có người thích ăn chuối, có người thích ăn táo, người thường thì thoải mái muốn nói gì thì nói về sở thích của mình, nhưng người của hoàng tộc thì lại khác, nếu nói: tôi thích chuối hơn táo là không được, vì như thế sẽ làm phật lòng những người trồng táo đang cung cấp hay biếu tặng hoàng cung ...táo.

Khoảng mấy chục năm trước, hoàng cung định công bố cho báo chí một bức hình chụp lúc hoàng thái tử đang sử dụng máy tính nhân ngày sinh nhật, nhưng khổ một nỗi là cái tên của công ty máy tính hiện lồ lộ trước mắt, thế là chúng tôi phải tẩy sửa sao cho mất hẳn cái tên đó trước khi gửi ra ngoài. Thêm một chuyện nữa, lúc Nhật Hoàng Hirohito còn sống, đáp câu hỏi của báo chí: Ngài thường xem tin tức của đài truyền hình nào? Nhật Hoàng Hirohito vừa cười vừa... lảng sang chuyện khác. Vì ngài mà nói ra thì sẽ gây sự cạnh tranh giữa các đài truyền hình ngay.

Hơi dài dòng như thế để quí độc giả nắm vững là hoàng cung Nhật Bản... là thế đấy, chứ còn công nương thì biết “tất tần tật” những chuyện này là ..... không được, vì trước khi là người hoàng tộc, Masako đã được “giáo dục”, nắm vững tất cả những gì nên làm, tránh làm. Nhưng như đã nói ở trên, vì sầu muộn, chán đời nên sinh ra tính phản kháng, khi ra ngoài nàng cứ tỉnh bơ làm theo ý mình. 

Chả chịu nghĩ đến... bố mẹ chồng gì cả.

Cứ 1 tuần 1 lần thì công nương có thói quen “nhong nhong lưng ngựa” vừa tập thể dục lại vừa để giải sầu giảm stress, hoặc dự thính các giờ học của đại học Liên Hiệp Quốc để... mở mang thêm kiến thức theo lời khuyên của bác sĩ, nhưng suốt trong mấy tháng khi “cháu bị khủng hoảng” thì lúc nào mẹ cũng “đồng hành” với con đến trường. Chiều về đến ... dinh thì mệt, phải nghỉ ngơi cho khoẻ, thì giờ đâu mà “cưỡi ngựa” với “học hành”? Nhân kỷ niệm lần thứ 17 (9/6/1983-9/6/2010) ngày công nương theo hoàng thái tử về dinh, gia đình hoàng tộc dự định sẽ tập trung làm một bữa tiệc mừng.... nho nhỏ, nhưng nàng nại lý do phải “đưa cháu đi đón cháu về”, buổi tiệc lại được dời sang ngày 11/6 (ngày thứ sáu), nhưng sáng 12 hôm sau vợ chồng Nhật Hoàng lại phải tham dự một lễ nghi tại Gifu cần phải chuẩn bị, thế là “buổi tiệc chung vui” phải ngưng để dành “cho lần sau làm luôn cho tiện”. Sự việc này đã khiến công nương Masako bị các viên chức trong bộ hoàng cung “lầu bầu...sau lưng” là: không chịu suy nghĩ đến sức khoẻ của “bố mẹ chồng”!

Và còn nhiều chuyện linh tinh khác nữa.

----------------
Các báo .... dành cho “dân gian” bình luận tiếp: “Chả có gì là khó hiểu cả, tất cả là do chứng bệnh của nàng gây ra”. Nhưng Hoàng Cung đều phủ nhận tất cả những chuyện trên và cho rằng chỉ là chuyện đoán mò... “thừa giấy vẽ voi”..

    Ai dang choi the thao    Msako khoc
Masako linh hoạt - Nhìn trẻ vui đùa mà nước mắt....chực rơi

Từ nay tôi “lại” có người!

Tuy nhiên, từ đầu năm 2013, có lẽ trời nghĩ lại, không nỡ đọa đầy, sắc mặt Masako đã trở nên hồng hào, tươi tắn, nàng xuất hiện và tươi cười nhiều hơn trước, công chúa Ái đã thích thú đến trường thay vì cứ suốt ngày kè kè bên mẹ. Cuối tháng 4, lần đầu tiên sau 11 năm “cố thủ”, Masako đã cùng hoàng thái tử công du Hòa Lan dự lễ đăng quang của thái tử Willem-Alexander. 2 tháng sau, nàng cùng Hoàng Thái Tử đến thăm 3 địa điểm động đất mà 2 năm trước nàng đã đi, tại những nơi này, thay vì những lời an ủi phải từ nàng đến mọi người nhưng ngược lại, ai cũng khích lệ và vui mừng thấy nàng đã “đổi đời”. Tháng 8, tháng 9 cùng năm, nàng tham dự các lễ hội mà trước đây nàng vắng mặt. Sang tháng 10 thì .... nhiều hơn chút nữa như vào ngày 12 buổi sáng thì rạng rỡ tại đại hội thể thao của người tàn tật, buổi chiều thì “hết mình” tham dự ngày thể thao (undokai) cuối cùng của công chúa Ái (lúc đó đang học lớp 6, năm cuối của bậc tiểu học). Khi thấy con gái mình vô tư bay nhảy vui đùa tranh đua với bạn, nước mắt Masako tuôn rơi. Thiên hạ bàn vô: đây là những giọt nước mắt mừng vui khi thấy con mình ngày một lớn. 

Ngày 9 tháng 12, nhân kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 50, Masako đã gửi đến “toàn dân” những suy nghĩ của mình, theo đó thì nàng chân thành chia sẻ những mất mát của những người bị thiên tai trong vì động đất, vì bão..... và cũng “thú nhận” là mình đã làm mọi người lo lắng và “khoe” là con gái càng ngày càng trưởng thành. Về sức khỏe nàng tâm sự:

“Kể từ sinh nhật năm ngoái, và cả năm nay, tôi đã tham gia những công việc của hoàng cung trong điều kiện sức khỏe cho phép. Và tôi cũng mong rằng trong tương lai, hướng tới sự hồi phục với sự trợ lực của những người xung quanh tôi sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa”.

Trong bản “nhận định” của hội đồng bác sĩ chuyên chữa trị cho nàng đã “tiết lộ”: Vào cuối tháng 4 năm ngoái (2013), sức khỏe của công nương vẫn còn là một “cơn sóng” khi lên khi xuống, nhưng công nương tỏ ý muốn tham dự ngày lễ đăng quang tại Hòa Lan, với sự cố gắng của chính công nương và sự giúp đỡ của hoàng thái tử, ước muốn của công nương đã hoàn thành, chính điều này đã làm công nương mang nhiều tự tín hơn trong những ngày sau đó.

Đương sự và “hội đồng bác sĩ” đã chính thức “công nhận”như thế rồi thì “thần dân” còn gì lo lắng nữa.

Ngoài ra, sau 4 năm vắng bóng, Masako đã có mặt trong buổi tiệc mừng sinh nhật thứ 80 của “bố chồng” được tổ chức tại hoàng cung vào ngày 23 tháng 12/2013.
---------------------------
Rõ ràng là Masako đang từ từ cố gắng trở lại con người thực của mình để mãi mãi nàng sẽ là một người tươi vui, nhanh nhẹn, hoạt bát đúng như ý “thần dân” mong đợi. Hoàng thái Tử chắc là người.... vui nhất vì...

Từ nay tôi “lại” có người 
Có em đi đứng bên đời líu lo 
Từ nay tôi đã có tình 
Có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa 
Từ em tôi đã đắp bồi 
Có tôi trong dáng em ngồi trước sân  (*1)

diana-charity        Diana va em be tat nguyen

Và lẽ dĩ nhiên, mọi người không ai lại không nhớ Diana, nhớ khuôn mặt tươi sáng, dịu hiền, nụ cười đầy thánh thiện khi âu yếm, nâng niu các em bé tật nguyền xứ Africa.
.........
And the stars spell out your name
And it seems to me you lived your life
Like a candle in the wind
Never fading with the sunset
 (*2

Tạm dịch

Và những ánh sao đang dệt nên tên nàng
Trong ánh mắt tôi, nàng đã sống cho cuộc đời mình

Như một ngọn nến trong gió
Sẽ chẳng bao giờ mờ dần với bóng hoàng hôn
------------
Nguyện cầu hương hồn nàng thong dong trên cõi ấy.

Vũ Đăng Khuê


(*1) Câu đầu trong bài hát Đóa Hoa Vô Thường của Trịnh Công Sơn, nguyên thủy là chữ “sẽ” được đổi thành chữ “lại”.
(*2) Một đoạn trong bài Goodbye England’Rose (Candle in the wind) của Elton John viết cho Diana.
---------------
Lời cuối: Thật sự cho đến giờ phút này (tháng 1/2018), dù khá hơn trước nhiều nhưng Masako vẫn chưa hoàn toàn hồi phục hẳn như thần dân mong đợi, vẫn thỉnh thoảng “một mình một bóng”,とても心配してます (lo lắng lắm), thật tình không dám nghĩ đến cụm từ “hồng nhan bạc phận”.
Ngày 1 tháng 5/2019, Masako sẽ trở thành hoàng hậu. Thần dân, trong đó có người viết chân thành mong ước:
Hoàng hậu về cao sang quyền quý
Đẹp nụ cười quân vương vừa ý..... *
Trên ngôi cao chín tầng, hoàng hậu đẹp như ánh sao”. *

Mong lắm.
----------
*Trích trong bài hát “Hoa Trinh Nữ” và “Lâu Đài Tình Ái” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Những Bài Viết Khác của Vũ Đăng Khuê