Thursday 1 February 2018

Chiến lược thương mại mới của Hoa Kỳ

Minh Anh Đăng ngày 30-01-2018 Sửa đổi ngày 30-01-2018 17:11

media
Donald Trump tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos. Ảnh ngày 25/01/2018.Evan Vucci/AP

Bài phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, hôm thứ Sáu, 26/01/2018 thu hút sự chú ý của nhà bình luận Renaud Gerard trên báo Le Figaro, vì theo ông, diễn văn này thể hiện rõ « Chiến lược thương mại mới của Hoa Kỳ ».

Theo tác giả, đoạn quan trọng nhất trong bài phát biểu là lúc tổng thống Mỹ chỉ trích các nước lạm dụng hệ thống mở và tự do mậu dịch mà các nước phương Tây đã tạo dựng từ cuối năm 1991, khi thế giới không còn phân chia thành hai khối Đông-Tây. Nguyên thủ Mỹ nói : « Chúng tôi ủng hộ tự do mậu dịch, nhưng cơ chế này phải công bằng và vận hành trên cơ sở có đi có lại ».

Tuy không nêu đích danh quốc gia nào, nhưng khi Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ không khoan dung với những kiểu làm ăn không công bằng, như đánh cắp ồ ạt sở hữu trí tuệ, chính sách của các nước hỗ trợ trá hình ngành công nghiệp để bán phá giá… tất cả mọi người đều hiểu là Donald Trump ám chỉ Trung Quốc.
Có rất nhiều ví dụ chứng minh cho điều này. Năm 2001, Trung Quốc chỉ sản xuất khoảng 1% bảng quang điện trên toàn thế giới. Với chính sách cho vay ưu đãi của các ngân hàng nhà nước, ngày nay một nửa khối lượng pin mặt trời trên thế giới do Trung Quốc sản xuất.

Tỷ trọng của Hoa Kỳ trên thị trường thế giới giảm xuống dưới mức 1% trong lúc Mỹ là nước phát minh ra công nghệ năng lượng mặt trời. Như vậy, trong trao đổi thương mại thế giới, Trung Quốc không đi theo chủ thuyết kinh tế Ricardo về lợi thế tương đối. Bắc Kinh muốn chiếm ưu thế tất cả các lĩnh vực, ở khắp mọi nơi .
Để đối phó với Bắc Kinh, Donald Trump hiểu rõ là cần phải có đồng minh. Tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, chính quyền Trump đã ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc.

Thế nhưng, nguyên thủ Hoa Kỳ hiểu được rằng « trò chơi lớn » về thương mại này đang chuyển dịch về khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính vì thế, tại Davos, Donald Trump lại đề xuất nối lại quan hệ với 11 quốc gia trong hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP mà ngay khi bước chân vào Nhà Trắng, chính ông đã rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận này.

Nguyên thủ Mỹ sẵn sàng ký hiệp định song phương với từng nước trong nhóm này và thậm chí quay lại TPP như hiện nay. Tác giả nhấn mạnh : Donald Trump không muốn chiến lược của Hoa Kỳ bị kiềm chế, chi phối trong khuôn khổ một định chế đa phương, nhưng ông hoàn toàn có thể chấp nhận các nước khác sử dụng cơ chế đa phương.

Do đó, theo nhà báo, Châu Âu đã sai lầm khi phê phán diễn văn của Donald Trump tại Davos bởi vì họ biết rõ hơn ai hết là từ một phần tư thế kỷ qua, Trung Quốc đã lấn lướt như thế nào trong trao đổi thương mại. Hoa Kỳ không nghĩ tới chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mà chỉ muốn có một luật lệ về trao đổi thương mại giữa các quốc gia giống như tại Mỹ.

Ví dụ, tòa án ra quyết định hủy bỏ việc đánh thuế nhập khẩu rất cao, theo đòi hỏi của hãng Boeing, đối với các máy bay Bombardier của Canada. Hơn nữa, nhiều quốc gia đang rất ghen tị với Hoa Kỳ vì chưa bao giờ nước này lại thu hút nhiều đầu tư và tạo ra nhiều công ăn việc làm như hiện nay.