Saturday, 10 February 2018

Nguyễn Sỹ Tế, người đứng ở ngoài nhóm Sáng Tạo? - Du Tử Lê

Từ trái, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế, Phạm Đình Chương, Tạ Tỵ. (Hình: Du Tử Lê cung cấp)
Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế là một trong hai nhân vật được coi là “lý thuyết gia” của nhóm Sáng Tạo, ngay tự những ngày còn phôi thai, theo nhà văn Mai Thảo. Nhưng ông lại là thành viên ít được biết tới nhất của nhóm này. Ông giống như một người đứng ngoài Sáng Tạo.
Số người có tình thân và theo dõi cận cảnh sinh hoạt của nhóm Sáng Tạo, ngay tự những năm giữa thập niên 1950 ở Sài Gòn cho rằng, khác hơn nhà văn Trần Thanh Hiệp (lý thuyết gia thứ hai của Sáng Tạo), nhà văn Nguyễn Sỹ Tế bản chất khép kín. Ông chọn nếp sống xa khuất tiền trường của những ngọn đèn trực chiếu.
Là một trí thức sớm được biết đến, ngay từ thời điểm trước hiệp định Genève Tháng Bảy, 1954, chia đôi đất nước, ở Hà Nội, di cư vào Nam, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế là một thành viên sáng lập tạp chí Sáng Tạo, nhưng ông lại được ghi nhận là người nằm ngoài mẫu số chung của đa số thành viên Sáng Tạo.
Cũng có người cho rằng, vì ngoài tính cách nhà văn, ông còn là một nhà giáo dục kể từ năm 1945 ở Hà Nội, nhà văn, giáo sư Nguyễn Sỹ Tế còn được mời giữ một số chức vụ trong ngành giáo dục cũng như chính quyền ở Sài Gòn, kể từ ngày di cư vào miền Nam; nên ông rất thận trọng, dè dặt trong mọi giao tiếp, sinh hoạt có tính cách ồn ào, sôi nổi, dù cho những lãnh vực ông tham gia, có thể không mâu thuẫn với cung cách sống đã định hình rất sớm của cuộc đời ông.
Trang mang Wikipedia-Mở, ghi nhận rằng, năm 1958, Nguyễn Sỹ Tế làm hiệu trưởng trường Trung Học Tư Thục Trường Sơn (Sài Gòn). Năm 1956-1958, những năm đầu khi trường Luật Sài Gòn chuyển từ chương trình Pháp qua chương trình Việt, ông làm phụ khảo (assistant) môn dân luật và tư pháp quốc tế cho cố Giáo Sư Vũ Văn Mẫu – khoa trưởng trường Luật. Năm 1957-1963, ông dạy môn kịch nghệ tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn.
Từ 1962, ông dạy tại các trường đại học miền Nam: Đại Học Sư Phạm, Đại Học Vạn Hạnh (Sài Gòn), Đại Học Đà Lạt, Đại Học Cần Thơ. Năm 1964, ông làm chánh văn phòng Bộ Ngoại Giao cho Bác Sĩ Phan Huy Quát…
Với một quá khứ như vậy, một số người đã không ngần ngại kết luận, Nguyễn Sỹ Tế là nhà văn của những kín đáo, không phô trương. Cũng chính vì không ra mặt tham gia những sinh hoạt, vận động lớn, nhỏ của Sáng Tạo, nên các thành viên của nhóm này, dù quý trọng ông cách mấy, cũng không có lý do, cơ hội, để nhắc tới ông, như một “niên trưởng” của họ.
Tính khiêm cung của ông còn bộc lộ rõ hơn trong bài “Vũ Khắc Khoan và Tôi,” một người bạn cùng thời với ông. (1)
Ngay câu mở đầu phần thứ hai của bài viết, ông đã nhấn mạnh: “…Đối với tôi, Vũ Khắc Khoan bao giờ cũng là ‘người đi bước trước.’ Trước từ lúc ra đời, đi những bước trên đường đời và cuối cùng từ giã cõi đời. Người sinh năm Tỵ, tôi năm Tuất…”
Dọc theo bài viết của mình, đôi khi ông cũng dùng chữ “người” hoặc hai chữ “tiên sinh” để nói về người bạn cùng thời với mình: “…Mùa Xuân năm 1950, tôi lặn lội từ hậu phương trở về thành (Hà Nội) rồi vào dạy học tại trường Chu Văn An, đã nghe học trò nói người dạy học từ trước, tại trường Nguyễn Trãi…”
Chi tiết hơn, Nguyễn Sỹ Tế kể, hằng ngày, ở Hà Nội, ông đạp xe từ Chợ Hôm lên trường Chu Văn An, Cửa Bắc cũ – trong khi Vũ Khắc Khoan lại đi ngược chiều, từ Quan Thánh xuống Nguyễn Trãi. Hai bên không gặp nhau. Cuộc giao du giữa họ, rất “sơ khoáng” (chữ của Nguyễn Sỹ Tế)…
Thế rồi sau khi hiệp định Genève được ký kết thì Tháng Tám, 1954, không đợi các giáo sư Chu Văn An sẽ được đưa đi di cư theo chương trình của Bộ Giáo Dục thời đó, ông cùng vợ con theo đoàn sinh viên đại học, đáp máy bay vào Nam.
Ông viết: “…Tưởng di cư như tôi là sớm sủa rồi, không ngờ vào Sài Gòn được mấy hôm tôi đã gặp Vũ gia ngồi chễm chệ trên ghế Công Cán Ủy Viên Bộ Thông Tin với Bộ Trưởng Phạm Xuân Thái. Ngoài ra, tiên sinh còn là một cây bút chủ lực của nhật báo Tự Do – cơ quan ngôn luận của người di cư – cùng với mấy cây bút gạo cội: Hiếu Chân, Đinh Hùng, Mặc Thu, Trần Việt Sơn…”
(…)
“Mùa Hè 1958, một số giáo sư đang dạy học tại Chu Văn An trong đó có Vũ Khắc Khoan, Bùi Đình Tấn, Bạch Văn Ngà. Nguyễn Xuân Kỳ (con cụ Chữ) lên tận Bộ Ngoại Giao rủ tôi ra mở trường tư để ‘kiếm thêm.’ Tôi đã nhận lời. Và đó là trường trung học tư thục, đệ nhị cấp Trường Sơn trước ở đường Tự Đức (Đa Kao) sau dọn về đường Lê Văn Duyệt, gần đường Hồng Thập Tự, Vũ Khắc Khoan và tôi trở thành đôi bạn chí thân từ đó…”
Về tình bạn của hai người, ông kể thêm, dư luận giới trí thức Sài Gòn từng đề cập tới chuyện, ông đã đứng ra hòa giải mối bất hòa giữa hai nhóm trí thức là nhóm Quan Điểm của Vũ Khắc Khoan, với các tên tuổi như Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ, Nhuệ Hồng, Vương Văn Quảng, Tạ Văn Nho… và “Nhóm Phi-Nhóm” Sáng Tạo với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền và Nguyễn Sỹ Tế. (Tác giả bài “Vũ Khắc Khoan và Tôi” khi nhắc tới Sáng Tạo, chỉ ghi tên ba người như trên. Ông cũng nhấn mạnh phần góp công hòa giải hai bên của ông, vốn… nhỏ thôi, không đáng kể).
Tinh thần hay bản chất khiêm cung của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, còn được thể hiện qua việc ông kể lại một câu chuyện có tính cách đùa cợt của dư luận về nhóm Sáng Tạo. Do ông là người ghi nhận, rồi kể cho nhà văn Trần Thanh Hiệp nghe, nên sau đó, ông Hiệp mới thuật lại câu chuyện ấy, trong bài viết “Mai Thảo người kể chuyện bằng văn xuôi.” (2)
Đại ý câu chuyện mà tác giả tập truyện “Chờ Sáng” (3) ghi nhận được là giữa lúc tiếng tăm của tạp chí Sáng Tạo lên tới đỉnh cao nhất, thì dư luận người dân Sài Gòn khi đó đã truyền tai nhau rằng: Nếu ai đó, có dịp ghé thăm “ngôi nhà” Sáng Tạo…, thì sẽ “chỉ thấy bốn năm ông nhà văn, mỗi ông ngồi một xó trước cái bàn thờ tổ sư riêng.” Ngụ ý, mỗi nhà văn trong nhóm Sáng Tạo là một ốc đảo độc lập. Họ tự mãn chính họ (?)
Việc kể lại mẩu chuyện đùa vui trên của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, có người cho rằng, có vẻ như họ Nguyễn không mấy hài lòng trước sự kiện này (?) (Du Tử Lê)
Chú thích:
(1) Sưu tầm của Lê Hoàng Tuấn Kiệt. Nguồn website dutule.com.
(2) Đọc thêm “Trần Thanh Hiệp, lý thuyết gia của nhóm Sáng Tạo,” nhật báo Người Việt, Thứ Bảy, 16 Tháng Mười Hai, 2017).
(3)Tập truyện “Chờ Sáng” của Nguyễn Sỹ Tế xuất bản năm 1962 tại Sài Gòn. Nhưng trước đó cả chục năm, vở kịch “Mưa” của ông đã được xuất bản tại Hà Nội năm 1953 và, kịch “Trắng Chiều” xuất bản năm 1955.