Saturday 10 February 2018

Trung Cộng Quân Sự Hóa Biển Đông


Trong khi thế giới đang vui mừng đón chào Thế Vận Hội Mùa Đông ở Nam Hàn và Mỹ dường như thờ ơ về tình hình Biển Đông thì Trung cộng (TC) vẫn âm thầm tiếp tục quân sự hóa những hòn đảo mà họ đang chiếm đóng.

Rất nhiều hình ảnh về việc quân sự hóa gần như hoàn tất này bắt đầu xuất hiện trên những trang báo điện tử cùng với những bài báo cổ võ cho vũ khí và phi cơ chiến đấu được đem đến các hòn đảo này như là một thách thức với thế giới về việc tuyên bố chủ quyền của TC trên hầu hết Biển Đông.


Trung Cộng


Tàu chở hàng của TC cặp bến ở đảo Subi

Các đài rquan sát trên đảo Mischief 


Sân bay trên đảo Mischief

Tàu hải quân và tàu tuần duyên bảo vệ đảo Fiery Cross

Tàu Hải Quân TC mang số 592 ở đảo Mischief

Những hình ảnh vừa được công bố cho thất việc xây cất của TC trên 7 hòn đảo hiện dang chiếm đóng là trên vùng Biển Đông là hoàn toàn về mục tiêu quân sự.

Su-35
F-15 Eagle
Chengdu J-20
F-22 Raptor
Hôm thứ Tư vừa qua, TC cho biết đã điều động một số phản lực cơ Su-35 và Chengdu J-20 đến khu vực để bảo vệ các căn cứ vừa được xây cất. Phản lực cơ chiến đấu Su-35 do Nga chế tạo, được xem là tương đương với các loại F-15 Eagle và F-16 Fighting Falcon là hai loại phản lực cơ chuyên về không chiến (air-to-air combat) của Hoa Kỳ. Trong khi đó, chiếc J-20 được xem là tương đương với F-22 Raptor của Hoa Kỳ.

Các hàng mẫu hạm của Hoa Kỳ được gửi tới vùng này như USS Carl Vinson, USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan đều là những hàng không mẫu hạm vận chuyển bằng nhiên liệu hạt nhân và chở theo các loại phản lực cơ chiến đấu thuộc loại F-18 Hornet hay tối tân hơn như F-35 Lightning II.

Khối Tứ Cường (Quad)

Để chống lại sự bành trướng về quân sự của TC, bốn quốc gia mạnh nhất trong vùng Đông Nam Á hoặc có chung bờ biển ở Thái Bình Dương là Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ tái hợp thành một khối "Tứ Cường (Quad)" để ngăn chặn TC.

Ấn Độ
Ngày 1 tháng Hai vừa qua, Tư Lệnh Không Quân Ấn Độ, Birender Singh Dhanoa, đã gặp Tham Mưu Trưởng Không Quân Hoa Kỳ, Gen. David L. Goldfein, ở New Delhi để thảo luận về hợp tác quân sự giữa hai quốc gia. Khi được hỏi liệu sự hợp tác giữa hai lực lượng sẽ chặt chẽ hơn sau khi bốn quốc gia cùng chung sức nhằm mục đích ngăn cản ảnh hưởng của TC ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, ông trả lời: "Tôi nghĩ rằng đó là một phần lớn cho việc thăm viếng và thảo luận tại đây."

Pritee Saran, bộ trưởng đặc trách Đông Á thuộc Bộ ngoại giao Ấn Độ cho biết Ấn Độ sẵn sàng theo đuổi việc hợp tác quốc phòng với Philippines và các nước láng giềng ở Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông. Bà nói với các nhà báo ASEAN khi đến thăm các cuộc họp thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN gần đây để đánh dấu năm thứ 25 liên quan đến quan hệ Ấn Độ - ASEAN: "Đã đến lúc chúng ta bắt đầu hợp tác quân sự, bao gồm cả các cuộc tập trận chung."

Nhật Bản
Nhật sẽ lắp đặt hệ thống radar tối tân và máy thu hình giám sát từ xa trên một số hòn đảo ngoài khơi để thông báo khi phát hiện tàu TC đang hoạt động gần hoặc bên trong vùng biển Nhật Bản hoặc chung quanh các hòn đảo giữa TC và Nhật Bản.

Ngoài việc cung cấp thông tin mới về các tàu nước ngoài tiến đến gần các hòn đảo, trang bị này còn theo dõi và thông báo cho Lực Lượng Cảnh Sát Biển Nhật Bản khi các tàu đánh cá Bắc Hàn hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch xây dựng thêm 20 trạm quan sát trong những năm tới, với radar có thể xác định các tàu thuyền hoạt động cách xa bờ 50 km. Trạm kiểm soát đầu tiên sẽ được khai trương vào năm 2019.

Nhật bản cũng liên kết với Pháp và Anh để tăng cường đồng minh về phương diện quốc phòng. Tuy hai quốc gia Pháp và Anh không có sự hiện diện hải quân lớn ở Viễn Đông nhưng ý định hợp tác về hải quân của ba quốc gia là một tín hiệu chính trị và quân sự đủ lớn để TC biết rằng họ sẽ không thể tự ý làm bất cứ điều gì trên vùng Biển Thái Bình Dương.

Úc Châu
Ngoài việc trở lại tham gia vào "Khối Tứ Cường", chính phủ Úc Châu có chương trình trợ giúp các nhà sản xuất trang bị quân sự của Úc với một tài khoản trị giá 3.8 tỷ đô la (4 tỉ đô la Úc) để trở thành một trong 10 nước xuất cảng trang bị quân sự hàng đầu thế giới. Khi được hỏi liệu việc gia tăng xuất cảng trang bị quốc phòng có phải là phản ứng đối với các hoạt động của TC ở Biển Đông hay không, ông Turnbull nói: "Ngoài Bắc Hàn, không có quốc gia nào trong khu vực có ý định thù địch đối với Úc. Chúng tôi không thấy mối đe dọa từ các nước láng giềng trong khu vực, tuy nhiên, mọi quốc gia phải luôn luôn có kế hoạch và xây dựng vũ trang quốc phòng để tự bảo vệ mình, không chỉ ngày hôm nay, mà còn trong 10 năm hoặc 20 năm nữa."

Hoa Kỳ
Những tin tức gần đây cho rằng Hoa Kỳ có vẻ lơ là với tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, tuần qua trong một hội chợ thương mại (trade show) ở Singapore, một nhân viên ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ, bà Tina Kaidanow, xử lý thường vụ chức vụ phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao đặc trách Chính Trị-Quân Sự, đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia trong vùng Đông Nam Á hãy mạnh mẽ giữ vững vị trí của họ ở trong vùng.

"Chúng tôi đang duy trì các tiêu chuẩn rất quan trọng trên thế giới như tự do hàng hải ... Và chúng tôi khuyến khích các nước trong khu vực làm như vậy ... đồng thời tận dụng khả năng tập thể của các nước ASEAN trong khu vực để thực thi các tiêu chuẩn này," bà Kaidanow nói, nhưng không nhắc đến tên TC.

Bà Kaidanow cùng phái đoàn Mỹ đã làm một chương trình đặc biệt để khuyến khích các nước Đông Nam Á mua vũ khí của Mỹ. Một phần của nỗ lực quảng cáo là việc, lần đầu tiên, trưng bày hai phản lực cơ chiến đấu tàng hình F-35B của Mỹ.

F-35B có khả năng đáp xuống thẳng đứng và dùng phi đạo ngắn để cất cánh
 Chúng tôi đã sẵn sàng, nếu quốc gia cần đến. 

Một vị Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ hàng đầu ở Thái Bình Dương, Phó Đô đốc Phillip G. Sawyer,  đã tuyên bố như trên khi nói về TC, Bắc Hàn và các quốc gia khác. Tuy nhiên, ông cho biết chúng tôi muốn giải quyết các vấn đề này bằng phương pháp ngoại giao. Tôi sẽ đưa việc này tới Bộ Ngoại Giao và xem họ có thể làm gì. Với quan điểm quân sự, thì tôi là một cái búa nếu bạn có một cái đinh. Tôi là một công cụ, nhưng có rất nhiều thứ có thể được sử dụng trước khi bạn muốn sử dụng cái búa. Chúng ta thậm chí không ở gần một cuộc xung đột, đặc biệt là với TC. Họ không muốn chiến tranh với tôi, và Hoa Kỳ không muốn chiến tranh với TC. Nói rõ ra, công việc của tôi là sẵn sàng đối phó với bất cứ điều gì khi chính phủ cần đến.

Tướng Robert Neller, Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ, nói với phóng viên của tờ Wall Street Journal rằng kể từ khi Marine Expeditionary Units (Đơn Vị Viễn Chinh TQLC - MEU) di động, họ sẽ tiến hành tuần tra và tham gia các cuộc tập trận với các quốc gia đồng minh.

Ông Neller nói: "Tôi tin rằng khi Chiến Lược Quốc Phòng Quốc Gia và các hướng dẫn khác đòi hỏi chúng ta phải có thái độ toàn cầu hơn thì điều này sẽ quyết định sự tham gia của TQLC trong tương lai, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương."

Mỹ hiện có 50,000 binh sĩ tại Nhật Bản, khoảng 29,500 tại Hàn Quốc, và khoảng 7,000 ở Guam.

TQLC Hoa Kỳ có bảy MEUs; ba trụ sở ở Bờ Tây, ba trụ sở ở Bờ Đông và một trụ sở tại Nhật Bản. TQLC từ MEUs đóng ở Bờ Tây đã được đưa tới Iraq, Afghanistan, và gần đây là Syria.

Kể từ thời tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã cố gắng chuyển sự tập trung từ Trung Đông qua Châu Á với chương trình "Pivot to Asia - Xoay trục qua Châu Á", đã bị các nhà quan sát Mỹ và quốc tế chỉ trích.

Việc đưa các đơn vị viễn chinh (MEU) qua Châu Á có thể làm yên lòng các đồng minh ở vùng này rằng Hoa Kỳ không phải là một cường quốc đang suy yếu trong khu vực, điều đã trở thành mối quan tâm đối với các quốc gia ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tướng Joe Dunford, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội, đã khẳng định rằng: " Không có một bằng chứng cụ thể nào cho thấy sức mạnh của Hoa Kỳ ở vùng Thái Bình Dương đang bị suy giảm."

Tuy nhiên, việc đưa TQLC qua Châu Á có thể làm phân tán mỏng lực lượng của quân đội Hoa Kỳ, và gây khó khăn cho các nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm tăng số quân ở Afghanistan hầu đánh bại phiến quân Taliban.

Khối ASEAN

Trong khi đó bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia trong khối ASEAN (Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á) trong một cuộc họp ở Singapore đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và tự kiềm chế trong tất cả các hoạt động ở Biển Đông, đặc biệt là các vấn đề có thể làm phức tạp tình hình và căng thẳng leo thang.

Vị trí của họ đã được vạch ra trong một tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan vào cuối cuộc của các Ngoại trưởng Asean mà ông chủ tọa vào ngày thứ ba (6 tháng 2 năm 2018).

Tuyên bố này được đưa ra khi tất cả 10 thành viên ASEAN và TC sẽ bắt đầu đàm phán vào tháng tới về một bộ quy tắc ràng buộc để thu xếp những căng thẳng trong vùng biển đang tranh chấp.

Theo nhiều nhà phân tích chính trị và quân sự thì sự thảo luận về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông chỉ là một chiến thuật kéo dài thời gian để TC có thể hoàn tất công việc quân sự hóa Biển Đông và đặt các quốc gia trong vùng cũng như toàn thế giới trước một việc đã rồi.

Đồng Minh Mới



Theo tin của hãng AFP, vào ngày 8 tháng Hai, dẫn nguồn tin từ Hải Quân Canada, cho biết lần đầu tiên sau gần 50 năm, tàu ngầm HMCS Chicoutimi sẽ tuần tra ở phía Tây Thái Bình Dương, dự kiến kéo dài gần 200 ngày.

Vị trí và hoạt động của tàu ngầm HMCS Chicoutimi không được tiết lộ, tuy nhiên theo lịch trình dự kiến, tàu sẽ cập bến tại các hải cảng ở Nhật Bản và đảo Guam.

Phát ngôn viên Rick Donnelly của Hải quân Canada nói với AFP rằng kế hoạch tuần tra này cho thấy tầm quan trọng chiến lược của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đối với Canada cũng như củng cố cam kết của Canada trong việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực. Phát ngôn viên Rick Donnelly còn nói rằng tàu ngầm HMCS Chicoutimi “không tham gia trực tiếp” trong việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn.

Trước đó, chỉ huy tàu ngầm HMCS Chicoutimi cho Đài CBC biết tàu được giao nhiệm vụ theo dõi các tàu quân sự, tàu hàng nước ngoài có hành động gọi là “lén lút” để buôn bán hay chuyển hàng cho Bắc Hàn.

Lâm Viên
(tin tổng hợp)