Saturday 10 February 2018

Tên lửa siêu thanh BrahMos Ấn-Nga đe dọa Trung Quốc

media
Brahmos, loại hỏa tiễn siêu thanh lợi hại có thể phóng đi từ tàu ngầm, mà Ấn Độ định bán cho Việt Nam.wikipedia

BrahMos là sản phẩm của công ty Hàng không-Vũ trụ BrahMos, một liên doanh Nga-Ấn Độ, và được đánh giá là tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới với tầm bắn gần 300 km. Hiện đang được trưng bày và chào hàng tại Triển lãm Hàng không Airshow Singapore, ý định xuất khẩu tên lửa BrahMos của Ấn Độ khiến Trung Quốc lo ngại.

Phát ngôn viên của BrahMos tại triển lãm Singapore cho biết nhiều cuộc đàm phán đang được tiến hành « với một số nước », nhưng tập đoàn chỉ muốn bán cho những quốc gia « đáng tin cậy » thân thiết với cả New Delhi lẫn Matxcơva.

Theo thông tin báo chí, nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Indonesia và Việt Nam, quan tâm đến việc mua tên lửa BrahMos. Trang CNBC của Úc chỉ đơn cử trường hợp Việt Nam để cho thấy lo ngại của Bắc Kinh trước việc tên lửa siêu thanh nằm trong tay các nước láng giềng.

Hà Nội hiện đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Bắc Kinh. Vì vậy, nếu thỏa thuận bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam thành hiện thực, Trung Quốc sẽ coi đó là một hành động leo thang vì « lần đầu tiên, Ấn Độ cho thấy ý định trang bị vũ khí cho một quốc gia ngay ở cửa ngõ Trung Quốc », theo nhận định của ông Shashank Joshi, phụ trách quan hệ quốc tế của Viện Tony Blair.

Chính quyền của thủ tướng Narendra Modi vẫn bác bỏ những thông tin cho rằng New Delhi sẽ bán tên lửa BrahMos cho Hà Nội. Một số quan chức Việt Nam lại nói úp mở rằng hai bên đang đàm phán.

Trung Quốc hoàn toàn có lý do để lo lắng trước loại tên lửa được mệnh danh là « sát thủ hành trình ».

BrahMos rất cơ động vì có thể được phóng đi từ trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu của đối phương, như lô cốt, hệ thống radar, với hiệu quả tương tự như tên lửa hành trình Tomahawk được Mỹ sử dụng chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Vẫn theo giải thích của ông Shashank Joshi, trong trường hợp « Ấn Độ muốn bắn từ ngoài khơi, tên lửa có thể bắn tới bờ biển của kẻ thù. Nếu bắn từ trên không, tên lửa có thể tấn công được một số mục tiêu ở vùng Tây Tạng ». Chưa dừng ở đó, « Nga và Ấn Độ vẫn đang nghiên cứu để tăng gấp đôi tầm bắn của tên lửa. Nếu thành công, BrahMos còn linh hoạt hơn và nguy hiểm hơn », trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được một số tranh chấp biên giới và luôn tỏ ra đối đầu trong những tham vọng chính trị.

Ngoài ra, giá bán cũng là một lợi thế khác của BrahMos. Theo nhà sản xuất, do công việc bảo trì ít tốn kém nên loại vũ khí này có giá cả hợp lý nhất trong số các hệ thống tên lửa hành trình đang tồn tại.

Ông Sameer Patil, giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế của tổ chức tư vấn Gateway House tại Mumbai, cũng cho rằng việc xuất khẩu loại tên lửa này sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại vì BrahMos « sẽ nâng cấp đáng kể năng lực quân sự của bất kỳ nước nào mua chúng. Điều này còn đúng hơn đối với một số nước Đông Nam Á, hiện đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ».

BrahMos là một dự án đặc biệt hữu hiệu đối với Matxcơva, theo nhà phân tích quốc phòng Zoe Stanley-Lockman tại Singapore, và cũng là một trong số ít dự án hợp tác Nga-Ấn mà Matxcơva muốn tận dụng để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng và hy vọng thay thế Hoa Kỳ trong việc cung cấp một số loại vũ khí cho Ấn Độ. Tuy nhiên, theo nhận định của CNBC, Matxcơva cũng duy trì quan hệ chiến lược với Bắc Kinh, vì vậy tổng thống Putin sẽ tỏ ra thận trọng trước những quan ngại của Trung Quốc về việc xuất khẩu « sát thủ hành trình » BrahMos.

media
Sự kiện hiếm thấy : Quốc kỳ Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ Hàn Quốc nhân Thế Vận Hội Pyeongchang.Reuters

Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang sẽ khai mạc ngày 09/02/2018 tại Hàn Quốc. Quốc gia láng giềng Bắc Triều Tiên rất mong đợi được tham gia thế vận mùa đông này. Bầu không khí trên bán đảo hiện nay tương đối hạ nhiệt sau nhiều tháng căng thẳng.

Tại làng thế vận ở thành phố Gangneung hôm nay, 08/02/2018, lễ đón tiếp đoàn vận động viên Bắc Triều Tiên đã được tổ chức. Bầu không khí tiếp đón diễn ra khá vui vẻ.

Từ làng thế vận, thông tín viên Frédéric Ojardias gửi về bài phóng sự:

Ngay cửa ra vào làng thế vận Olympic đã vang lên bài quốc ca Bắc Triều Tiên, cùng lúc quốc kỳ của nước này cũng được kéo lên, một lá cờ vào thời điểm bình thường là bị cấm ở Hàn Quốc.

Thế rồi một dàn nhạc kèn đồng cất lên một bản nhạc nổi tiếng có tên là « Mừng gặp nhau ». Các vận động viên phía Bắc bắt đầu một vũ điệu dân gian và một cách bất ngờ, họ đã mời các vận động viên phía Nam cùng nhảy. Một giây phút dễ thương, không mong đợi… Khi ra về các bạn trẻ Hàn Quốc cho biết cảm xúc.

‘‘ Thật tuyệt vời, tôi rất là phấn kích ! Đây quả là một trải nghiệm duy nhất ! Chúng tôi đang vỗ tay tán thưởng màn trình diễn, bỗng một vận động viên nam Bắc Triều Tiên mời chúng tôi cùng nhảy múa ! Họ thật là dễ thương, và muốn vui đùa với chúng tôi, quá tuyệt !’’
Lễ đón tiếp vừa chấm dứt, một đoàn các phóng viên Hàn Quốc đã chạy ùa đến đoàn thể thao phía Bắc, có vẻ như bị lạc lõng và không trả lời câu hỏi nào. Kim Boram, phóng viên hãng Yonhap giải thích về sự hứng thú này.

‘Sự hiện diện của họ đã là khác thường rồi. Cho dù hai miền Triều Tiên coi như vẫn trong tình trạng chiến tranh, nhưng người Bắc Triều Tiên đã băng qua biên giới và đến phía Nam. Điều này tạo cảm như đang ở thời bình.'

media
Kim Yo Jong (thứ hai từ trái qua) đi cùng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một đơn vị quân đội tại tỉnh Kangwon. Ảnh do KCNA công bố ngày 12/03/2015.KCNA/AFP

Phủ tổng thống Hàn Quốc ngày 08/01/2018 thông báo tổng thống Moon Jae In sẽ tiếp Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tiếp ông Kim Yong Nam, nguyên thủ quốc gia Bắc Triều Tiên, một chức vụ mang tính hình thức một ngày sau lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang.

Kim Jo Yong sẽ lấy máy bay riêng để đến sân bay quốc tế Incheon, gần Seoul, ngày mai, rồi sau đó đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang (09/02-25/02). Đây là lần đầu tiên một thành viên của gia đình họ Kim, cầm quyền liên tục ở Bắc Triều Tiên từ thời Kim Nhật Thành, được tiếp tại phủ tổng thống Hàn Quốc.

Năm nay 28 tuổi, Kim Yo Jong là một nhân vật có ảnh hưởng ngày càng lớn trên chính trường Bắc Triều Tiên, theo lời bà Juliette Morillot, một chuyên gia về Bắc và Nam Triều Tiên, trả lời RFI Pháp ngữ :

« Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong Un có một vai trò thật sự trong gia đình, bởi vì lãnh đạo Bắc Triều Tiên chỉ dựa vào những người mà ông có thể tin tưởng hoàn toàn. Cô đang nắm giữ một chức vụ quan trọng trong chính phủ Bình Nhưỡng và là một trong những phụ nữ có thế lực nhất ở Bắc Triều Tiên. Ngay từ đầu cô đã sát cánh với người anh. Ở Bắc Triều Tiên, mọi việc đều được quyết định trong khuôn khổ gia đình họ Kim.

Kim Yo Jong cũng được học ở nước ngoài. Giống như hai người anh, cô đã đi du học ở Thụy Sĩ, rồi khi trở về nước đã nắm giữ các chức vụ ngày càng cao, ban đầu là trong Ban Tuyên truyền và Cổ động của Đảng Lao động Triều Tiên và nay giữ một chức vụ cao cấp trong đảng. Có thể nói Kim Yo Jong hiện nay là một con chủ bài quyến rũ của Bắc Triều Tiên. »

media
Quảng trường Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng, nơi Bắc Triều Tiên tổ chức rầm rộ 70 năm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân. (Ảnh minh họa)KCNA/via REUTERS

Ngày 08/02/2018, Bắc Triều Tiên đã rầm rộ tổ chức diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng nhằm thể hiện sức mạnh quân sự trong khi chưa đầy 24 giờ nữa, Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang sẽ được khai mạc tại Hàn Quốc.

Theo nhiều hình ảnh được chính quyền Bình Nhưỡng đăng trên mạng, hàng đoàn xe chở đầy quân nhân rời trung tâm thành phố, vẫy chào đám đông sau khi tham dự buổi diễu hành, tiếp theo đó là đoàn chiến xa và nhiều phương tiện khác.

Vào đầu năm 2018, Bình Nhưỡng đột nhiên thông báo tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập Quân Đội Nhân Dân vào ngày 08/02, thay vì vào ngày 25/04. Hãng tin AFP nhận định, khác với năm 2017, lễ diễu hành chào mừng ngày thành lập quân đội Bắc Triều Tiên lần này không được phát trực tiếp trên truyền hình trung ương. Tuy nhiên, nguồn tin của chính quyền Hàn Quốc khẳng định « lễ diễu binh diễn ra trên quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng ».

Thông thường, các cuộc diễu hành tập hợp vài chục nghìn quân nhân và hàng trăm xe bọc thép được vệ tinh chụp lại. Nhưng lần này, trang 38 North của Mỹ cho biết không thu thập được bất kỳ hình ảnh nào. Điểm khác biệt tiếp theo là các nhà báo nước ngoài cũng không được mời đến đưa tin sự kiện.

Bắc Triều Tiên sẽ không gặp phái đoàn Mỹ ở Hàn Quốc

Phái đoàn Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội Pyeongchang do chủ tịch Quốc Hội Kim Yong Nam dẫn đầu, trong đó có cả Kim Yong Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, sẽ đến sân bay Incheon vào thứ Sáu 09/02. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, khách mời quan trọng tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội, đã đến Seoul vào hôm nay, 08/02. Tuy nhiên, ông Cho Yong Sam, một quan chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên, phát biểu « không hề có ý định gặp gỡ lãnh đạo Hoa Kỳ trong chuyến thăm miền Nam vì không bao giờ đi xin xỏ một cuộc đối thoại với Mỹ và sẽ không sử dụng hoạt động thể thao như Thế Vận Hội vào mục đích chính trị ».

Trước đó, ngày 07/02, trong trạm dừng chân ở Tokyo, phó tổng thống Mỹ đã thông báo loạt biện pháp trừng phạt « nghiêm khắc chưa từng có » nhắm vào Bắc Triều Tiên.

media
Trích lời Đạt Lai Lạt Ma để quảng cáo xe hơi, tập đoàn Đức Mercedes làm Trung Quốc phẫn nộREUTERS/Cris Toala Olivares

Một hình ảnh quảng cáo xe của hãng Mercedes Benz trên mạng Instagram gây ra làn sóng chỉ trích tại Trung Quốc. Để quảng bá các dòng xe của mình, hãng này đã trích dẫn một lời rao giảng của đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng nhưng cũng là đối thủ của Bắc Kinh.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có những phản ứng gay gắt kiểu này. Vào tháng Giêng năm nay, Bắc Kinh đã trút cơn giận lên Marriott chỉ vì tập đoàn khách sạn này đã giới thiệu Tây Tạng như là một quốc gia riêng biệt. Lần này, cũng giống như Marriott, Mercedes Benz đành « lùi bước » và xin lỗi.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt tường thuật :

Một chiếc xe mầu trắng đỗ tại một bãi biển cát trắng ngần, với hàng phụ đề : « Quý vị hãy nhìn sự việc dưới mọi góc cạnh và quý vị sẽ trở nên rộng mở hơn ». Không có gì vô hại bằng một quảng cáo, ngoại trừ một việc lời trích dẫn này là đến từ Đạt Lai Lạt Ma, người mà Bắc Kinh xem như là một thành phần « ly khai nguy hiểm » và « sói đội áo nhà tu ».
Chỉ trong vài giờ , dòng quảng cáo nói trên đã khơi dậy một làn sóng giận dữ trên các mạng xã hội. Một cư dân mạng càu nhàu : « Tôi đã nghĩ đến việc mua một chiếc Mercedes, nhưng thôi tôi từ bỏ ý định ». Những người khác thì kêu gọi tẩy chay thương hiệu xe nổi tiếng của Đức. Hãng xe này trong năm 2017 đã bán được 600.000 chiếc tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của hãng.

Được cảnh báo, Mercedes Benz đành phải hủy mục quảng cáo bị lên án. Trên mạng Vi Bác (Weibo), một dạng Twitter của Trung Quốc, tập đoàn của Đức bày tỏ « sự hối tiếc sâu sắc » và cam kết sẽ đào sâu kiến thức văn hóa Trung Hoa.

Dù vậy, tờ Nhân Dân Nhật Báo vẫn không tha : « Mercedes Benz, quý vị là kẻ thù của người dân ». Bộ Ngoại Giao Trung Quốc công khai bày tỏ mong muốn chấm dứt sự cố. Phát ngôn viên của bộ này tuyên bố : Biết sửa sai là phẩm chất đầu tiên của con người.

media
Tiêm kích Nga Sukhoi 35 tại triển lãm hàng không Châu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 10/11/2014AFP

Hôm qua, 07/02/2018, Không quân Trung Quốc thông báo các máy bay tiêm kích phản lực Su-35 do Nga sản xuất đã được triển khai ở vùng Biển Đông để « thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu hỗn hợp ».

Theo thông báo nói trên, đây là một phần trong nỗ lực của Không quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập huấn «trong điều kiện thực tế chiến đấu» để tăng cường khả năng tác chiến của các máy bay tiêm kích phản lực này ở vùng biển sâu hoặc ở khoảng cách xa. Nhưng thông báo không nói rõ là có bao nhiêu chiếc Su-35 tham gia cuộc thao dượt này.
Vào cuối năm 2015, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 24 máy bay tiêm kích Su-35 của Nga và đến cuối năm ngoái đã tiếp nhận 14 chiếc đầu tiên và 10 chiếc còn lại sẽ được giao trong năm nay.

Su-35 là phiên bản nâng cấp của chiến đấu cơ đa năng Su-27, có tải trọng cất cánh tối đa 34,5 tấn, bay với tốc độ tối đa 2390 km/h, và có tầm bay có thể đạt tới 4500 km. Ngoài chiếc J-20, chiến đấu cơ phản lực tàng hình thế hệ thứ tư do Trung Quốc sản xuất, Su-35 là chiến đấu cơ tối tân nhất mà Không quân Trung Quốc hiện có.

Theo đánh giá của một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, Su-35 là một chiếc máy bay rất nguy hiểm và ngay cả F-15 Eagle hay F/A-18E/F Super Hornet của Hoa Kỳ cũng sẽ gặp khó khăn khi đối phó với máy bay tiêm kích này.