1- Các tù nhân Gulag.
Trong thời gian nắm quyền tại Liên Xô từ năm 1929 tới năm 1953, Stalin đã theo đuổi một đường lối cách mạng thực tế, không chấp nhận tình cảm ý thức hệ, không cho phép một người nào được thảo luận hay đi lệch ra khỏi chính sách của đảng Cộng Sản và phần lớn các câu nói của Lenin được coi là các châm ngôn, không được phép tranh luận. Stalin đã phát triển một thứ tôn sùng cá nhân, tự coi mình là người thừa kế duy nhất của Lenin, là người duy nhất có quyền diễn tả các ý thức hệ của đảng Cộng Sản. Tất cả những kẻ chống lại những giáo điều mới này đều bị coi là phản động.
Stalin đã chủ trương đường lối "Xã Hội Chủ Nghĩa trong một quốc gia" (Socialism in one country) nhờ đó, mặc dù bị thế giới tư bản bao vây, Liên Xô vẫn sẽ có thể trở thành một xã hội không giai cấp. Để giành được nền độc lập kinh tế trong tương lai không bị lệ thuộc vào các nước tư bản bên cạnh, Liên Xô phải phát triển kỹ nghệ nặng, nhà nước phải mạnh, quyền lực phải được tập trung vào trong tay Stalin, tất cả các kẻ chống đối đều phải bị thanh trừng. Từ cuối thập niên 1930, tại Liên Xô đã diễn ra ba cuộc thanh trừng lớn và rất nhiều vụ xét xử nhỏ qua đó các cựu đảng viên Bolshevik bị tố cáo là phản bội, họ bị hành hình hoặc hành hạ trong các điều kiện sinh sống rất cực khổ.
Vụ tranh trừng hay xét xử đầu tiên bắt đầu vào tháng 8 năm 1936, khi đó Genrikh G. Yagoda làm trùm công an mật vụ. Có 13 bị cáo bị buộc tội theo Léon Trotsky vào năm 1932 trong một tổ chức phá hoại để chống lại Stalin. Đây là các đảng viên Bolshevik xuất sắc của giai đoạn Cách Mạng Tháng 10 năm 1917 với những tên tuổi như Grigory Yevseyevich Zinovyev, Lev Borisovich Kamenev và Ivan Smirnov. Ngày 24-8-1936, họ bị tòa án kết tội và đều bị hành quyết.
Vụ xử thứ hai mở ra vào tháng 1 năm 1937, khi N.I.Yezhov đã thay thế Yagoda làm trùm mật vụ NKVD. Có 17 bị cáo là những nhân vật danh tiếng như G.L. Pyatakov, G.Y. Sokelnikov, L.P. Serebryakov và Karl Radek. Họ cũng bị kết tội là thuộc trung tâm phản động Trotskít cộng tác với Đức Quốc Xã và quân phiệt Nhật Bản để phá hoại Liên Xô, lật đổ chính quyền Xô Viết để tái lập chế độ tư bản. Họ bị tòa án cộng sản kết tội vào ngày 30-1-1937.
Vụ xử thứ ba vào tháng 3 năm 1938 gồm các bị can Nikolay Ivanovich Bukharin và Aleksey Ivanovich Rykov, là những nhân vật cộng sản xuất sắc của cuối thập niên 1920, gồm cả Genrikh G. Yagoda là trùm mật vụ trước kia và 3 bác sĩ danh tiếng… Tất cả 21 bị cáo, bị buộc tội phá hoại và làm gián điệp để phá hủy chế độ Xô Viết và phục hồi chủ nghĩa tư bản.
Ngoài ba vụ xử công khai kể trên, tại Liên Xô dưới thời Stalin còn có hàng ngàn vụ xử kín mà nạn nhân là các nhà trí thức, các sĩ quan cao cấp trong quân đội Xô Viết, các đảng viên bất mãn… Các vụ thanh trừng này đã khiến cho lực lượng quân sự Liên Xô bị suy yếu trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lăng Đức Quốc Xã vào tháng 6 năm 1941.
Tại Liên Xô vào cuối thập niên 1920 cũng bắt đầu các công cuộc cải cách ruộng đất. Các phú nông và các nông dân chống lại chính sách tập thể của nhà nước Xô Viết đã bị đưa đến các nhà tù gọi là "trại cải tạo lao động" (forced-labor camps). Hệ thống trại cải tạo lao động, được gọi tắt là GULAG , được bắt đầu do nghị định Xô Viết ký ngày 15-4-1919, được điều hành bởi cơ quan công an mật vụ OGPU (sau này đổi tên thành NKVD và KGB).
Gulag là chữ tắt của Glavnoye upravleniye lagereiy, có nghĩa là "Cơ quan điều hành các trại cải tạo lao động" (Chief administration of Corrective Labour Camps). Danh từ GULAG không được Tây Phương biết tới cho đến năm 1973 khi xuất hiện các cuốn truyện "Quần Đảo Ngục Tù" (The Gulag Archipelago, 1918-56) của Nhà Văn Alexander Solzhenitsyn và đây là một hệ thống các trại cải tạo rải rác trên khắp miền đất nước Liên Xô, mỗi trại chứa từ 2,000 tới 10,000 tù nhân. Tù nhân Gulag gồm rất nhiều thành phần:
- Nông dân từ các vụ cải cách ruộng đất,
- Thành phần đảng viên và quân nhân bị khai trừ khỏi đảng Cộng Sản,
- Các nhóm dân thiểu số bị nghi ngờ không trung thành,
- Những nhà trí thức bất đồng chính kiến,
- Những kẻ bị tình nghi phá hoại hay phản động,
- Những người Đức hay tù binh chiến tranh người Nga đã bị Đức bắt,
- Tội phạm thường và các người dân vô tội, nạn nhân của các vụ thanh trừng do Stalin phát động.
Có 3 đợt tù cải tạo Gulag chính:
- Giai đoạn 1929-32 là các năm cải cách ruộng đất tại Liên Xô,
- Giai đoạn 1936-38 khi chính sách thanh trừng của Stalin lên cao nhất
- Giai đoạn ba là sau Thế Chiến II.
Từ năm 1923, Công An Xô Viết đã thiết lập các trại tập trung cải tạo trên đảo Solovetski nằm trên bờ Biển Trắng (the White Sea) rồi sau đó rất nhiều các trại cải tạo được xây dựng thêm tại Karelia, Vorkuta, Pechora, tại miền Cực Khuyên của mạn bắc Liên Xô và tại vùng Siberia băng tuyết. Hệ thống tập trung cải tạo từ nay trở thành một thứ tổ chức lao động vĩ đại trên toàn thể lãnh thổ Liên Xô, ngay cả tại Thủ Đô Moscow, để khai thác công sức của các tù nhân cần thiết cho chính sách kỹ nghệ hóa của Stalin. Lúc đầu, các tù nhân phải lao động trong các kỹ nghệ rừng, kỹ nghệ đánh cá và kỹ nghệ hầm mỏ, sau đó tại các công trình lớn như việc xây dựng kênh đào Biển Trắng - Biển Baltic (the White Sea-Baltic Sea canal). Những tù nhân Gulag này không được ăn uống đầy đủ, không có áo ấm mặc, lại phải làm việc trong thời tiết cực lạnh của miền băng giá nước Nga.
Sau khi Stalin chết vào năm 1953, việc khai thác các tù nhân Gulag mới giảm bớt và các trại cải tạo lao động được sửa đổi vào năm 1955 và được điều hành bởi GUITK (Glavnoye Upravleniye Ispravitelno-Trudovykh Kolony = Văn phòng Trung ương của các Trại Lao Động Cải Tạo).
2- Cuộc đời của Đại Văn Hào Alexander Solzhenitsyn.
Cha của Alexander Solzhenitsyn là ông Isai Solzhenitsyn vốn thuộc một gia đình Cossak trí thức. Ông Isai đã từng là một sinh viên theo ngành ngôn ngữ học nhưng vì các biến động chính trị, nên ông đã phục vụ trong ngành Pháo Binh tại mặt trận phía đông và đã được khen thưởng 3 lần ngoài mặt trận.
Vào năm 1917 là năm diễn ra Cuộc Cách Mạng Nga, ông Isai kết hôn với một phụ nữ cấp tiến, một người yêu thích nghệ thuật và văn chương. Khi chiến tranh chấm dứt, đôi vợ chồng này định cư tại Kislovodsk, một tỉnh nghỉ mát nhỏ trên miền đồi gần rặng núi Causasus thuộc phía tây nam của nước Nga. Trong một chuyến đi săn, một tai nạn súng nổ bất ngờ đã khiến ông Isai bị tử thương rồi 6 tháng sau đó, Alexander chào đời, đó là ngày 11 tháng 12 năm 1918.
Thời gian sau Cuộc Cách Mạng Cộng Sản 1917 là giai đoạn rất xáo trộn tại nước Nga. Đã diễn ra cuộc nội chiến đẫm máu giữa các người Nga trắng và các người Bolshevik, cùng với quân đội vài nước Tây Phương còn đóng trên đất Nga. Trong hoàn cảnh chiến tranh này, bà mẹ của Alexander vì thuộc về giai cấp tiểu tư sản, nên phải sinh sống trong hoàn cảnh rất cực khổ. Bà đành mang con nhỏ dọn về Rostov-on-Don, không xa Kislovodsk và ở phía nam, cách thủ đô Moscow 600 dậm. Bà mẹ Solzhenitsyn đã làm nghề thư ký đánh máy để mưu sinh nhưng đời sống rất khó khăn, hai mẹ con ở trong một túp lều tranh tồi tàn, thường bị thiếu ăn, thiếu sưởi ấm và có khi phải sống trong một chuồng ngựa. Hoàn cảnh nghèo khó này làm cho bà mẹ bị đau phổi và sau này qua đời vào năm 1944.
Alexander Solzhenitsyn phải giúp đỡ mẹ từ khi còn nhỏ tuổi, bằng các công việc như kiếm củi, phụ việc vặt trong nhà, nhưng vào các thời giờ trống Alexander thường say mê đọc sách, đọc truyện. Vào tuổi lên 9, Alexander đã là một học sinh xuất sắc về môn Toán nhưng cũng giỏi về Văn Chương. Vào giai đoạn này, tại nước Nga các người Cộng Sản bắt đầu thi hành chính sách tập trung ruộng đất thành các nông trường tập thể. Alexander đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh bi thương của các nông dân Nga, họ bị chính quyền địa phương gán cho thuộc loại "kulak" và đã bị hành hạ, với 10 triệu nông dân gồm cả kẻ giàu lẫn người nghèo đã bị thanh trừng, hàng ngàn công nhân bị bắn bỏ vì bị chính quyền tình nghi là phản động. Những sự kiện xẩy ra trước mắt đã làm cho Alexander suy nghĩ, rồi cố gắng tìm hiểu về bản chất và quyền lực của chế độ Stalin, cố công nghiên cứu các thảm cảnh mà nước Nga phải chịu đựng trong 50 năm kể từ sau thời Sa Hoàng.
Do nhận được học bổng, Alexander theo môn Toán học tại trường Đại Học Rostov. Trong thời gian này, ông cũng chú ý đến văn học, một môn học hấp dẫn trong các giờ tiêu khiển. Alexander đã ghi tên theo một khóa học văn chương hàm thụ của trường Đại Học Moscow và có vài người bạn cùng chơi cờ, đi dạo với nhau trong số này có Nikolai Vitkevich và người bạn gái Natalya Reshetovskaya, và Alexander đã kết hôn với cô này vào năm 1940, khi cả hai đều 21 tuổi.
Tất cả các ước vọng và dự tính tương lai của Solzhenitsyn đã sụp đổ khi quân đội Đức tấn công nước Nga vào tháng 6 năm 1941. Alexander bị gọi vào quân ngũ, phục vụ trong binh chủng Pháo Binh, đã lên tới cấp bậc Đại Úy vào tuổi 26, và đã được tặng thưởng huy chương Ngôi Sao Đỏ và huy chương Yêu Nước sau trận đánh Leningrad.
Cuộc sống gian khổ của người dân nước Nga và chiến tranh tàn khốc đã làm cho Alexander suy nghĩ. Ông thường trao đổi thư từ với một người bạn phục vụ trong một đạo quân đóng tại phía bắc, bàn thảo về ý nghĩa của chiến tranh, hậu quả và tương lai của nước Nga… Cả hai người trẻ này đã đi đến kết luận rằng căn nguyên của các đau khổ khiến cho người dân Nga phải chịu đựng trong 15 năm qua là do sự tôn sùng Stalin. Chính sách độc tài của Stalin đã bị nhiều nhân vật cộng sản Bolshevik chống đối và trong quân đội Liên Xô, Tướng Vlasov cùng một số binh lính khác đã đào ngũ, bỏ theo quân đội Đức.
Tại Liên Xô, thư từ thường xuyên bị kiểm duyệt. Cơ quan mật vụ NKVD cũng tổ chức bộ phận kiểm duyệt trong bưu điện quân đội. Sau khi mặt trận ác liệt tại Konigsberg chấm dứt vào đầu tháng 4 năm 1945, Đại Úy Alexander Solzhenitsyn được lệnh trở về bộ chỉ huy trung đoàn và bị thẩm vấn bởi viên chỉ huy trưởng và một chính ủy, bị ngưng chức vì có "hành vi phản động" rồi bị áp giải 600 dậm về phía đông và bị thẩm vấn trong nhà tù Lubyanka của thành phố Moscow. Một tòa án đặc biệt gồm 3 thẩm phán của cơ quan NKVD đã chiếu theo điều 58 của Hình Luật, kết tội Alexander Solzhenitsyn là phản động và từ nay, ông chính thức trở thành tù nhân, mặc áo tù có số 232 in đằng trước và đằng sau, đội mũ có in số tù 232 và phải làm lao động tại tòa nhà số 30 của khu xây dựng Lenin.
Năm 1946, Alexander Solzhenitsyn bị chuyển sang lao động tại một viện nghiên cứu bên ngoài thành phố Moscow và những kinh nghiệm tù tội này được tác giả trình bày trong tác phẩm "Vòng tròn thứ nhất" (The First Circle). Sau 4 năm lao tù này là thời kỳ 3 năm cải tạo tại tỉnh Karaganda thuộc vùng trung tâm Kazakhstan. Chính tại địa điểm phía tây nam của miền Siberia mà Alexander Solzhenitsyn đã xây dựng ý tưởng viết cuốn truyện "Một Ngày trong Cuộc Đời của Ivan Denisovich" (One Day in the Life of Ivan Denisovich).
Cũng tại trại lao động thuộc miền Kazakhstan, Solzhenitsyn đã mắc bệnh ung thư dạ dày, một phần do tinh thần căng thẳng. Cuốn tiểu thuyết "Khám Đường Ung Thư" (Cancer Ward) là cuốn truyện bán tự thuật trong đó nhân vật Kastoglotov đã mắc bệnh ung thư và được giải phẫu không thành công, giống như trường hợp của tác giả. Alexander Solzhenitsyn đã phản ảnh các kinh nghiệm về chiến tranh và tù tội qua các tác phẩm, đã dùng trại tù và bệnh viện làm biểu tượng của xã hội, đã mô tả sự tương phản giữa các lý tưởng cách mạng so với các thực tế chính trị cay đắng và các nhân vật trong truyện đã bộc lộ được nhân cách trước các đau khổ và bạo quyền.
Vào tháng 3 năm 1953 sau khi Stalin qua đời, Alexander Solzhenitsyn được thả ra khỏi nhà tù và bị chỉ định cư trú tại Ekibastuz. Ông được phép trở lại đời sống dân sự, tiếp tục dạy môn Toán tại một trường trung học và chính vào thời gian này, ông đã cầm bút, phác thảo các tác phẩm như "Vòng tròn thứ nhất" (The First Circle), "Gái yêu và kẻ vô tội" (Love-Girl and the Innocent) cũng như một số bài thơ và truyện ngắn. Bệnh ung thư tái phát vào tháng 8 năm 1953 rồi vào năm sau, Solzhenitsyn được chữa trị tại bệnh viện Tashkent, thuộc nước Cộng Hòa Uzbekistan, cho tới mùa xuân năm 1955, được coi như bình phục.
Tháng 2 năm 1956 là thời điểm bắt đầu giai đoạn bài Stalin kéo dài trong 6 năm tại Liên Xô, sau Đại Hội Đảng lần thứ 20 của Đảng Cộng Sản. Vào giai đoạn này, bản án kết tội Solzhenitsyn được xét lại và ông được phép trở về vùng đất Nga thuộc châu Âu, cư ngụ trong tỉnh Ryazan, cách thủ đô Moscow 100 dậm về phía đông nam. Nhiều người không biết rõ về cuộc sống của ông tại nơi này, bởi vì Solzhenitsyn là một con người khắc khổ, ưa sống ẩn dật và kín đáo.
Người ta kể lại rằng ông đã sống trong một căn gác trên nóc một nhà chứa xe mà ông đã tự mình xây dựng lấy, giống như tù nhân số 232 trong trại lao động cải tạo tại Kazakhstan. Cũng chính tại căn gác này, Solzhenitsyn đã viết xong các tác phẩm như "Một Ngày trong Cuộc Đời của Ivan Denisovich", "Căn nhà của Matryona" (Matryona's House), và "Ngọn nến trong gió" (A Candle in the Wind) cũng như vài tác phẩm khác.
Vào đầu thập niên 1960, chính sách bài Stalin đã khiến cho các kiềm chế trong đời sống văn hóa tại Liên Xô được nới lỏng, Alexander Solzhenitsyn liền gửi tác phẩm "Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich" cho tạp chí văn chương hàng đầu của Liên Xô có tên là "Thế Giới Mới" (Novy Mir). Tạp chí này đã cho phổ biến tác phẩm kể trên với sự chấp thuận của Khrushchev và Solzhenitsyn nổi danh nga" đã gây cảm xúc trong nước Liên Xô cũng như tại các nước ngoài và khởi đầu cho một số nhà văn khác viết ra các kinh nghiệm tương tự về tù tội trong chế độ Stalin.
Giai đoạn mở trói về văn học tại Liên Xô không kéo dài được lâu. Sau khi Nikita Khruschev bị hạ bệ vào năm 1964, thì Alexander Solzhenitsyn bắt đầu gặp các chỉ trích, và các sách nhiễu của nhà cầm quyền cộng sản cũng gia tăng mỗi khi nhà văn phơi bày nhiều đường lối đàn áp của chính quyền. Sau lần xuất bản các truyện ngắn vào tháng 7 năm 1963, các tác phẩm của Alexander Solzhenitsyn đã bị các cơ quan xuất bản từ chối, chẳng hạn như các cuốn "Căn Nhà của Matryona" (Matryona's House), "Việc xẩy ra tại trạm Krechetovskaya" (The Incident at Krechetovskaya Station) và cuốn "Lý do chính đáng" (For the Good of the Cause), và ông đành dùng cách phổ biến lén lút các sáng tác của mình trong nước và tại nước ngoài.
Vào tháng 4-1964, bài xã luận đăng trên tờ báo Sự Thật Pravda công bố rằng đảng Cộng Sản đã phản đối việc dành cho Solzhenitsyn phần thưởng Lenin. Cuối năm 1964, Solzhenitsyn viết xong tác phẩm "Vòng Tròn Thứ Nhất" (The First Circle) nhưng rồi bản thảo và các giấy tờ riêng tư đã bị tịch thu do bọn Công An đột nhập vào nhà lục soát. Vì vậy, Alexander Solzhenitsyn đã viết thư cho Đại Hội lần thứ tư của các nhà văn Xô Viết, phản đối việc kiểm duyệt của chính quyền Cộng Sản và kêu gọi Hội Nhà Văn phải bảo vệ các người cầm bút trước các hành động đàn áp văn hóa.
Vào tháng 12 năm 1967, Alexander Solzhenitsyn lại viết thư phản kháng lên Hội Nhà Văn về các hành động sách nhiễu và phỉ báng đối với ông, trong khi Hội này coi Solzhenitsyn là người lãnh đạo của phong trào phản đối chính trị tại Liên Xô và cũng là của phong trào tuyên truyền bài Liên Xô tại các nước phương tây. Do viết ra các tác phẩm mang tính bôi xấu chế độ cộng sản, Alexander Solzhenitsyn bị trục xuất khỏi Hội Nhà Văn Liên Xô vào tháng 11 năm 1968. Cũng vào năm này, bà vợ Natalya đã xin ly dị nhà văn.
Các tiểu thuyết đặc sắc của Alexander Solzhenitsyn phổ biến dần dần tại các nước ngoài Liên Xô đã khiến cho ông nổi danh trên văn đàn quốc tế. Vào tháng 10 năm 1968, hai cuốn truyện "Khám Đường Ung Thư" và "Vòng Tròn Thứ Nhất" của Solzhenitsyn được xuất bản bằng tiếng Anh. Các tác phẩm của Solzhenitsyn đã gây nên tiếng vang tại phương tây đã khiến cho Rolf Hochhuth đã phải viết một bức thư phản kháng với Chủ Tịch Liên Xô là Nikolai Podgorny về tình trạng đối xử sách nhiễu Solzhenitsyn và cách cấm đoán các sáng tác của ông. Bức thư này có chữ ký của các nhà văn danh tiếng như Heinrich Boell, Arthur Miller, Martin Niemoeller và Giangiacomo Feltrinelli.
Vào ngày 9 tháng 10 năm 1970, Alexander Solzhenitsyn được báo tin rằng ông sẽ được trao Giải Thưởng Nobel về Văn Học "vì sức mạnh đạo đức mà nhà văn đã theo đuổi trong các truyền thống tuyệt đối cần thiết của nền Văn Chương Nga" (For the ethical force with which he has pursued in the indispensable traditions of Russian literature - from the Nobel Prize Citation for Alexander Solzhenitsyn, October 8, 1970). Nhưng Alexander Solzhenitsyn đã từ chối không đi Stockholm nhận giải, bởi vì ông e sợ chính quyền Liên Xô không cho phép ông trở về quê hương.
Trước giải thưởng Văn Học cao quý này, báo chí Liên Xô đã tung ra một phong trào chống Solzhenitsyn, họ cho rằng ông đã mô tả sai về đời sống của người dân trong xã hội Xô Viết, đã đóng góp vào việc khuấy động vào chương trình chống Liên Xô. Trái lại, việc trao giải Nobel đã được 37 nhân vật bất đồng chính kiến người Nga hoan nghênh vào ngày 11 tháng 10 năm 1970, dẫn đầu bởi 2 nhà văn Pyotr Yakir và Zinaida Grigorenko. Nhạc sĩ hồ cầm (cellist) danh tiếng là Mstislav Rostropovich cũng viết một bức thư cho các nhật báo lớn tại Liên Xô, ca ngợi việc Solzhenitsyn lãnh Giải Nobel và đồng ý với Solzhenitsyn việc phê phán chế độ kiểm duyệt. Kết quả là nhạc sĩ Rostropovich bị cấm đi trình diễn âm nhạc tại nước ngoài và bức thư của ông ta không được phổ biến.
Ngày 10 tháng 12 năm 1970, Hàn Lâm Viện Thụy Điển công bố trao tặng Giải Thưởng Văn Chương Nobel cho Alexander Solzhenitsyn trong tình trạng vắng mặt (in absentia) trong khi đó có tin loan truyền rằng Văn Hào Solzhenitsyn đã tham gia vào Ủy Ban Nhân Quyền (the Committee for Human Rights) được thành lập vào tháng 11 bởi các nhà vật lý danh tiếng Andrei Sakharov, Andrei Tverdokhlebov và Valery Chalidze.
Văn Hào Solzhenitsyn không những đã chỉ trích chế độ độc đoán của Xô Viết mà cả sự tàn sát hàng ngàn người dân vô tội của quân đội Cộng Sản Việt Nam tại Huế vào năm 1968.Vào năm 1973, Alexander Solzhenitsyn lập gia đình với Natalya Svetlova nhưng ông không được chấp thuận tới sống với người vợ mới tại một căn nhà trên con đường Gorky của thành phố Moscow, đồng thời giấy phép cư ngụ tại ngoại ô, bên ngoài thủ đô, cũng hết hạn, tất cả đã khiến cho Solzhenitsyn trở nên một người vô gia cư. Vào tháng 8 năm đó, Solzhenitsyn đã viết một bức thư công khai, gửi ông Bộ Trưởng Nội Vụ đòi hỏi quyền được cư ngụ tại nơi mà ông đã chọn. Ông còn nói thêm rằng việc canh chừng của Công An và các loại áp lực khác đã làm ông không chịu nổi. Cũng trong hoàn cảnh này, Văn Hào Solzhenitsyn không những đã chỉ trích chế độ độc đoán của Xô Viết mà cả sự tàn sát hàng ngàn người dân vô tội của quân đội Cộng Sản Việt Nam tại Huế vào năm 1968. Ông không ngừng nhắc nhở các nước phương tây rằng họ phải chú tâm tới các tội ác của chính quyền Xô Viết, tới phạm vi nhân quyền tại Liên Xô và tương lai của Nhân Loại hơn là các vụ rối loạn kém quan trọng như chính sách kỳ thị chủng tộc Apartheid tại Nam Phi hay việc nước Pháp thử nghiệm vũ khí nguyên tử trong vùng biển Thái Bình Dương. Ông cũng đề nghị với Ủy Ban Nobel để Tiến Sĩ Andrei Sakharov lãnh Giải Thưởng Nobel về Hòa Bình.
Mặc dù các kiểm soát và theo dõi của công an Liên Xô, vài tác phẩm của Alexander Solzhenitsyn vẫn tiếp tục được đưa ra khỏi nước Nga và ấn hành tại nước ngoài. Năm 1971 xuất hiện cuốn "Tháng Tám-1914" (August-1914), một tiểu thuyết lịch sử của Solzhenitsyn nói về trận chiến Tannenburg và chiến thắng áp đảo của quân đội Đức vào thời gian đầu của Thế Chiến Thứ Nhất. Cuốn tiểu thuyết này đã trình bày sự yếu kém của chế độ Sa Hoàng, dẫn tới sự sụp đổ của dòng họ Romanov trước cuộc Cách Mạng năm 1917. Sau đó vào tháng 12 năm 1973, phần đầu của tác phẩm dài "Quần Đảo Ngục Tù" (The Gulag Archipelago) đã được xuất bản và phổ biến tại thành phố Paris, nước Pháp, dù cho một bản sao tác phẩm đã bị cơ quan mật vụ KGB tịch thu.
Qua tác phẩm "Quần Đảo Ngục Tù 1918-56", Văn Hào Solzhenitsyn muốn trình bày cho người đọc biết rõ toàn bộ chế độ ngục tù và lao động cải tạo tại Liên Xô kể từ khi các người Cộng Sản Bolshevik giành được chính quyền năm 1917 tới khi các đàn áp và khủng bố trở nên cực thịnh dưới thời cai trị của Joseph Stalin (1924-53). Nhiều phần trong tác phẩm này đã mô tả các cảnh bắt người, thẩm vấn, kết tội, chuyên chở và giam giữ tù nhân một cách rất tàn ác của nhà cầm quyền Xô Viết trong 4 thập niên, đồng thời tác phẩm "Quần Đảo Ngục Tù" còn chứa đựng bên trong các lời trăn trối, các di chúc của nhiều tù nhân mà thế giới bên ngoài không hề hay biết.
Tới mùa đông năm 1973, báo chí Xô Viết và đảng Cộng Sản Liên Xô bắt đầu chỉ trích Văn Hào Solzhenitsyn, họ gọi ông là một tên phản bội đối với Xã Hội Chủ Nghĩa đã nuôi dưỡng ông. Solzhenitsyn đã phản công lại bằng nhiều lời biện hộ, nhưng các tài liệu này không bao giờ được phổ biến tại Liên Xô, mà tại các nước phương tây. Ông chấp nhận hậu quả của những gì ông đã viết ra và nói rằng ông chỉ làm nhiệm vụ đối với những người đã chết trong các thảm cảnh đàn áp của thời Lenin-Stalin.
Alexander Solzhenitsyn bị bắt giam vào ngày 12-3-1974 và bị kết tội phản động theo điều luật số 58 của Hình Luật nhưng vào 1 giờ trưa ngày 13-3, Văn Hào Solzhenitsyn được thông báo rằng theo nghị quyết đặc biệt của Xô Viết Tối Cao, ông bị tước quyền công dân và bị trục xuất. Alexander Solzhenitsyn bị đưa lên một máy bay Liên Xô bay qua Frankfurt, Tây Đức. Đầu tiên ông cư ngụ tại tư gia của nhà văn người Đức Heinrich Boell, sau đó qua Na Uy, trở lại Tây Đức và cuối cùng định cư tại Thụy Sĩ. Vợ và các con của ông đã theo sang Thụy Sĩ một thời gian sau.
Alexander Solzhenitsyn đã nhận lại phần thưởng Nobel, sống ẩn dật và làm việc. Các công trình khảo cứu về lịch sử đã khiến Văn Hào phải qua nhiều nước phương tây gồm các quốc gia Pháp, Anh, Canada, Hoa Kỳ… Solzhenitsyn không tiếp xúc với các nhà báo, ngoại trừ lần phỏng vấn của ký giả Walter Cronkite thuộc hệ thống truyền hình CBS. Năm 1975, Văn Hào Soszhenitsyn cho phổ biến một tiểu thuyết tài liệu (a documentary novel) có tên là "Lenin ở Zurich" (Lenin in Zurich) rồi sau đó là các tập II và tập III của bộ tác phẩm "Quần Đảo Ngục Tù". Văn Hào Solzhenitsyn cũng mô tả đời sống văn học tại Liên Xô qua tác phẩm "Cây Sồi và Con Bê" (The Oak and the Calf, 1975).
Năm 1976, Alexander Solzhenitsyn qua Hoa Kỳ định cư. Ông sống âm thầm tại thị trấn Cavendish, thuộc tiểu bang Vermont. Các sáng tác trong thời gian này của ông gồm cuốn "Nguy Hiểm Tử Vong" (The Mortal Danger, 1980) và một loạt tác phẩm nối tiếp cuốn "Tháng Tám-1914", đó là: "Bánh Xe Đỏ" (The Red Wheel), "Tháng Mười-1916" (October 1916), "Tháng Ba-1917" và "Tháng Tư-1917".
Vào cuối thập niên 1980, chính sách "Cởi Mở" (Glasnost) của ông Gorbachev đã cho phép các tác phẩm của Alexander Solzhenitsyn được xuất hiện tại Liên Xô. Năm 1989, tạp chí văn học Xô Viết "Thế Giới Mới" (Novy Mir) lần đầu tiên chính thức chấp thuận cho in vài phần trích dẫn của bộ tác phẩm "Quần Đảo Ngục Tù", rồi sau đó, Văn Hào Solzhenitsyn được phục hồi quyền công dân vào năm 1990. Alexander Solzhenitsyn trở lại nước Nga sinh sống vào năm 1994.
Từ năm 2005, Đại Văn Hào Alexander Solzhenitsyn đã bị suy yếu, ông ít khi xuất hiện trước công chúng. Qua đài truyền hình, người ta thấy ông phải dùng xe lăn để tiếp đón các khách đến thăm viếng trong căn nhà của ông tại Troite-Lykovo.
Đại Văn Hào Alexander Solzhenitsyn đã từ trần trong đêm Chủ Nhật, ngày 03 tháng 8 năm 2008, lúc 23:45 giờ Moscow, vì tim bị suy nhược, hưởng thọ 89 tuổi.
Sau khi biết tin ông Solzhenitsyn từ trần, Tổng Thống Nga Dmitri Mevedev đã gửi lời chia buồn tới gia đình của Đại Văn Hào Alexander Solzhenitsyn.
3 - Tác phẩm "Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich".
Tác phẩm này thực ra là một tiểu thuyết ngắn (novella), kể lại "Một Ngày" kéo dài từ 5 giờ sáng tới 10 giờ đêm tại một trại lao động cải tạo nằm trong vùng Siberia. Nhân vật chính trong truyện có tên là Ivan Denisovich Shukhov, tù nhân mang số S-854, gốc là thợ mộc, bị kết án 10 năm vì tội "phản động" và đã trải qua 8 năm trong nhiều loại nhà tù cộng sản.
Khi tiếng kẻng gõ vào thanh sắt đánh thức các tù nhân phải thức dậy, Ivan đã không ngồi dậy ngay như thường lệ. Do cảm thấy hơi bị nóng sốt, Ivan còn nán lại trên giường và tính mưu kế, tìm cách làm sao xin được đi khám bệnh. Một anh quản giáo trước cảnh vi phạm này, đã giả vờ dẫn Ivan ra phòng nhốt vì tội chậm chễ nhưng thực ra, anh ta lại muốn bắt Ivan phải quét dọn trạm canh gác. Ivan đã làm xong việc một cách dối trá, nhận phần ăn sáng rất sơ sài rồi tới trạm y tế của trại tù, tại nơi này, một y tá đã đo thân nhiệt của Ivan rồi bắt phải đi lao động. Sau khi đã giấu nửa khúc bánh mì vào trong tấm nệm giường, Ivan theo đoàn tù cải tạo ra công trường. Tại nơi này, các tên tù cải tạo phải xây dựng một nhà máy điện và đây là nơi có canh gác rất nghiêm ngặt. Trong khi các tù nhân tạm tìm kiếm một nơi ấm trú ẩn thì nhóm băng đảng (gang) đại diện cho tù nhân, thương lượng về công tác phải làm trong ngày, bởi vì căn cứ vào các chỉ tiêu và thành tích này mà phần ăn của tù nhân được ấn định. Ivan và các bạn tù phải xây gạch trên tầng 2 của nhà máy cho đến giờ nghỉ trưa. Vào bữa ăn trưa, Ivan lường gạt bọn nhà bếp được 2 tô cháo đặc, giành cho mình một tô, bọn đại diện tù một tô, lại còn mua được thuốc lá và lấy trộm được một thanh sắt để dùng về sau.
Sau buổi trưa, Ivan trở lại làm thợ hồ và vì quá mải mê làm việc nên đã khiến cho nhóm bạn tù phải chờ đợi và về trại giam trễ giờ. Sau cuộc đi bộ về trại giam, các tù nhân phải xếp hàng để các quản giáo khám xét. Ivan thấy rằng nếu thanh sắt mà anh ta giấu trong người bị khám phá thấy, anh ta sẽ bị trừng phạt thật nặng, có khi bỏ mạng. Nhưng nhờ may mắn, Ivan đã qua mặt được tên quản giáo.
Sau lần khám xét buổi tối, Ivan trở về chỗ ngủ và thảo luận về Thượng Đế và cách cầu nguyện với Alyosha, một tên tù cải tạo theo đạo Báp-Tít. Tới khi điểm danh và kiểm soát lần chót chấm dứt, Ivan chìm vào trong giấc ngủ và cảm thấy "gần như hạnh phúc" vì những may mắn và gian lận nhỏ nhặt trong ngày của một người tù cải tạo.
Bản thảo của tác phẩm "Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich" đã được hoàn thành năm 1958 nhưng Alexander Solzhenitsyn chưa cho phổ biến cho tới khi Nikita Khrushchev chủ trương hạ bệ Stalin với xác ướp của nhà độc tài đỏ bị đưa ra khỏi Lăng Lenin theo lệnh của Đảng Cộng Sản và chôn tại chân tường của Điện Cẩm Linh. Từ lúc này, cấp lãnh đạo mới của Liên Xô đã lên án các chính sách rất tàn ác của Stalin đối với các cựu đồng chí, đối với giới văn học và nhân dân. Về văn học, từ nay các bản thảo bị cất giấu trong ngăn kéo dần dần xuất hiện và các nhà thơ cấp tiến như Yevgeni Yevtushenko và Andrei Voznesensky đã giữ các chức vụ mới trong các hội nhà văn và các ban biên tập.
Khi thấy bầu không khí chính trị đã được cởi mở, Alexander Solzhenitsyn bèn gửi một bản thảo cuốn "Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich" tới Alexander Tvardovsky, chủ nhiệm của tạp chí văn học có ảnh hưởng lớn tên là "Thế Giới Mới" (Novir Myr) và ông này đã qua mặt cơ quan kiểm duyệt, gửi bản thảo đến tay Thủ Tướng Khruschev. Ngay lập tức, ông Khrushchev nhận ra rằng cuốn "Một Ngày" có thể là một phương tiện trong các chính sách hạ bệ Stalin. Tất cả 12 bản sao của cuốn truyện này được gửi cho các nhân viên thuộc Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản Liên Xô. Sau này, ông Khrushchev đã nói rằng chính quyết định cá nhân của ông chống lại lời phản đối của Bộ Chính Trị đã khiến cho tác phẩm "Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich" được phép phổ biến và được phép in vào ngày 21-11-1962 trên tạp chí văn học "Thế Giới Mới" (Novy Mir) với 100,000 ấn bản.
Qua phần "Thay cho Lời Mở Đầu" (Instead of a Foreword) viết cho tác phẩm của Solzhenitsyn, Tvardovsky đã trình bày rằng "đề tài Một Ngày" được coi là bất thường trong nền văn học Liên Xô bởi vì tác phẩm đã mô tả "hiện tượng không lành mạnh" trong việc tôn sùng cá nhân Stalin và nay là lúc phải thảo luận về mọi hoàn cảnh thực tế của xã hội Xô Viết một cách đầy đủ, can đảm và trung thực…
Tvardovsky cũng nói rằng mục đích của cuốn truyện "Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich" và của người bảo trợ Nikita Khrushchev là "nói lên sự thực với Đảng và Nhân Dân" để tránh các sai lầm sẽ xẩy ra trong tương lai, bởi vì cuốn truyện đã kể lại các kinh nghiệm cá nhân, căn cứ vào các tài liệu thực tế, thích hợp với lý thuyết đạo đức của phong trào Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa (the aesthetic theory of Socialist Realism). Tvardovsky đã bất mãn trước việc tôn sùng Stalin và thành thực tin vào các chính sách giải phóng của Khrushchev, nhưng ông ta cũng tránh chỉ trích chế độ cộng sản Xô Viết mà chỉ tấn công những thái quá của đường lối Stalin.
Sau khi tác phẩm "Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich" được phổ biến, Nikita Khrushchev liền bị áp lực từ các đảng viên bảo thủ, từ các nhân vật cộng sản theo Stalin khi trước và Văn Hào Solzhenitsyn không còn được yểm trợ nữa.
Tác phẩm "Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich" đã mô tả cách tranh đấu để sống còn trong các hoàn cảnh bị đàn áp vô nhân đạo và làm cách nào một tù nhân cải tạo có thể sống nổi? Niềm tin tôn giáo lúc này có cần thiết không? Yếu tố cuối cùng và quan trọng nhất để sống còn là gì? Người tù cải tạo đã gặp phải các giới hạn, các khó khăn ra sao? Cuộc sống không còn nhân cách làm cho con người trở thành vô giá trị và việc làm mất nhân phẩm cũng làm giảm đi ý chí và khả năng mong muốn sống còn. Như vậy các quy tắc về hành xử phải gồm những gì? Mỗi nhân vật trong tác phẩm "Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich" đã hành xử một cách khác nhau để sống sót, từ Ceasar Markovich sống nhờ các gói quà tiếp tế, qua Alyosha, người theo đạo Báp Tít, tin tưởng ở kiếp sau, tới các nhân vật khác như Fetyukov, Tyurin, hay tù nhân cựu đại úy Buynovsky…
"Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich" là một cuốn truyện về một tù nhân, đề cập tới các nghịch cảnh trong nhà tù, trong các trại cải tạo lao động của Liên Xô và các thảm cảnh tương tự đã được mô tả qua nhiều tác phẩm như "Kẻ Sống Sót" (The Survivor) của Terrence des Pres, "Cầu Sông Kwai" (The Bridge on the River Kwai) của Pierre Boulle, "Người Tù Khổ Sai" (Papillon) của Henri Charrière, cũng như các tiểu thuyết kể về các tù binh chiến tranh người Pháp, người Đức, người Anh…
Alexander Solzhenitsyn là Đại Văn Hào người Nga đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu về xã hội, văn học, lịch sử… của nước Nga. Mặc dù không ngừng chỉ trích chế độ độc tài cộng sản, Đại Văn Hào Solzhenitsyn vẫn tin tưởng rằng các thay đổi phải từ bên trong nước Nga và ông ủng hộ các cải cách tại quê hương của ông nhờ đó "Quyền Sống của Con Người" được tôn trọng. Là một nhân chứng trước các thảm cảnh do một chế độ chính trị bạo tàn gây nên, Đại Văn Hào Alexander Solzhenitsyn đã can đảm trình bày "tiếng nói của Lương Tâm" bằng nhiều tác phẩm đặc sắc.
4- Các Tác Phẩm của Đại Văn Hào Alexander Isaevich Solzhenitsyn.
1962: One Day in the Life of Ivan Denisovich = Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich
(tiểu thuyết ngắn)
1963: An Incident at Krechetovkaya Station = Việc xẩy ra tại Ga Krechetovkaya.
(tiểu thuyết ngắn)
1963: Matryona’s Place = Căn nhà của Matryona (tiểu thuyết ngắn).
1963: For the Good of the Cause = Lý Do Chính Đáng (tiểu thuyết ngắn).
1968: The First Circle = Vòng Tròn Thứ Nhất (tiểu thuyết).
1968: Cancer Ward = Khám Đường Ung Thư (tiểu thuyết).
1958 – 1968: The Gulag Archipelago = Quần Đảo Ngục Tù.
1969: The Love-Girl and the Innocent = Gái Yêu và kẻ Vô Tội (kịch).
1971: August 1914 = Tháng 8 Năm 1914 (tiểu thuyết lịch sử).
1974: Prussian Nights = Các Đêm Phổ (thơ) (viết năm 1951, phổ biến năm 1974).
1975: The Oak and the Calf = Cây Sồi và con Bê.
1976: Lenin in Zurich = Lenin ở Zurich.
1980: The Mortal Danger = Nguy Hiểm Tử Vong (tiểu thuyết).
1983: November 1916 = Tháng 11 Năm 1916 (tiểu thuyêt).
1984: August 1914 = Tháng 8 Năm 1914 (tiểu thuyết).
1990: March 1917 = Tháng 3 Năm 1917 (tiểu thuyết).
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.Org., Britannica Encyclopedia, A History of Russia by Nicholas Riasanovsky, 4th Edition, Oxford Univ. Press, N.Y. 1984, The 20th Century – A World History by Clive Ponting, Henry Holt and Co., N.Y. 1999.
Phụ chú của ĐSLV:
Aleksander Isayevich Solzhenitsyn là một nhà văn, nhà sử học và nhà viết truyện ngắn người Nga. Ông là nhà phê bình thẳng thắn về Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản cũng như giúp nâng cao nhận thức toàn cầu về hệ thống trại cưỡng bức lao động Gulag của Liên Xô. https://en.wikipedia.org/wiki/Aleksandr_Solzhenitsyn
One Day in The Life of Ivan Denisovich
https://en.wikipedia.org/wiki/One_Day_in_the_Life_of_Ivan_Denisovich
Tác phẩm này đã được hãng Sony làm thành phim, dài 1 giờ 45 phút
https://www.youtube.com/watch?v=YqG1uwhTX2o