Wednesday, 18 July 2018

ĐẠI NẠN TRUNG HOA THỜI CẬN ĐẠI - Trần Gia Phụng


Vào gần cuối thế kỷ 19, bị các nước Tây phương đe dọa, Trung Hoa khốn đốn không kém Việt Nam, nhưng triều đình nhà Thanh (cai trị Trung Hoa 1644-1911) vẫn tự nhận Trung Hoa là thượng quốc, có ưu quyền đối với Việt Nam.

1.-   TRUNG HOA TỰ NHẬN ƯU QUYỀN THƯỢNG QUỐC

Trên đường tìm kiếm thuộc địa sau cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Âu Châu, Pháp viện dẫn lý do triều Nguyễn (cai trị Việt Nam 1802-1945) đàn áp Ky-Tô giáo, Pháp đem quân tấn công Đà Nẵng ngày 1-9-1858, mở đầu cuộc xâm lăng Việt Nam.  Pháp chiếm các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long, buộc triều đình Huế phải ký hòa ước ngày 5-6-1862, nhượng ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ) cho Pháp. 

Không dừng lại ở đó, Pháp tiếp tục chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Gia, Hà Tiên năm 1867, và tiến quân ra đánh Bắc Kỳ lần thứ nhứt năm 1873, chiếm Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định.  Pháp ép triều đình Huế ký hòa ước ngày 15-3-1874, nhường đứt luôn ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ cho Pháp, để Pháp trả lại các tỉnh Bắc Kỳ. 

Hòa ước ngày 15-3-1874 gồm 22 điều khoản, trong đó điều khoản số 2 nói rằng “Tổng thống Pháp nhận Đại Nam là một quốc gia độc lập, không phải thần phục nước nào, hứa giúp Hoàng đế Đại Nam nếu cần, bảo vệ an ninh trong và ngoài nước.”  Điều khoản số 3 tiếp theo “Để đáp lại sự bảo hộ ấy, Hoàng đế Đại Nam từ nay chịu theo chính sách ngoại giao hiện thời của nước Pháp.”  Nói cách khác, từ nay Việt Nam phải lệ thuộc nền ngoại giao của Pháp, và không được thần phục hay giao thiệp với nước khác mà không có sự đồng ý của Pháp. 

Khi hòa ước 1874 đã  được hai bên Việt Pháp phê chuẩn và trao đổi, đại diện Pháp tại Bắc Kinh là De Rochehouart chuyển bản hòa ước nầy cho chính phủ Trung Hoa ngày 24-5-1875.  Triều đình nhà Thanh trả lời rằng: “Chí Giao Chỉ tức Việt Nam bổn hệ Trung Hoa thuộc quốc.” (nghĩa là: “Từ [thời] Giao Chỉ đến Việt Nam vốn là thuộc quốc của Trung Hoa.”) 

Câu nầy được tòa lãnh sự Pháp dịch qua Pháp văn theo nghĩa là: “An Nam cũng là xứ  được gọi là Việt nam.  Xứ nầy từng là nước thần phục Trung Hoa.” (Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nguyễn Đình Đầu dịch, TpHCM: Ban Khoa học Xã hội, 1990, tr. 142.)  Do cách hành văn khác nhau, Trung Hoa nghĩ rằng họ đã phản đối Pháp, nhưng Pháp lại cho rằng Trung Hoa chẳng phản đối gì. 

Trong cuộc tiếp xúc với thủ tướng Pháp là Charles de Freycinet ngày 25-1-1880, đại sứ Trung Hoa tại Pháp là Tăng Kỷ Trạch khẳng định với Pháp rằng Việt Nam là chư hầu của Trung Hoa. (Yoshiharu Tsuboi, sđd. tr. 142.)  Vua Trung Hoa lúc nầy là Quang Tự (Kuang-hsu) hay Thanh Đức Tông (Qing Te-tsung, trị 1875-1908) mới 10 tuổi và bà thái hậu Từ Hy (Tzu-His hoặc Ci Xi, 1835-1908) giữ quyền nhiếp chính.

Tăng Kỷ Trạch còn viết thư ngày 10-11-1880 khi ông đến St Pétersbourg (Nga), yêu cầu ngoại trưởng Pháp cho Trung Hoa biết lập trường của Paris về những biến chuyển ở Bắc Kỳ.  Trong thư trả lời ngày 27-12-1880, ngoại trưởng Pháp Barthélemy St. Hilaire đáp lại rằng theo điều 2 hòa ước 1874, Pháp có bổn phận và trách nhiệm với Việt Nam.  Thư nầy được gởi đến cho Tăng Kỷ Trạch và chính phủ Trung Hoa. 

Tăng Kỷ Trạch cho đại diện Pháp ở St. Pétersbourg biết rằng Pháp có thể chiếm Trung Kỳ, nhưng nếu chiếm Bắc Kỳ thì sẽ gây quan ngại cho Trung Hoa, vì vùng nầy tiếp giáp với biên giới Trung Hoa.  Ngoại trưởng Pháp liền ra lệnh cho viên đại diện Pháp báo cho Tăng Kỷ Trạch biết rằng từ năm 1874, ngoài nước Pháp Việt Nam đã hoàn toàn cắt đứt liên hệ với các nước khác. (Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn 1883-1945, tập 1, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1999, tt. 273-274.)

Về phía Việt Nam, dầu đã ký hòa ước 1874, chịu nhận nền ngoại giao Pháp, vua Tự Đức vẫn gởi phái bộ ngoại giao sang Trung Hoa năm 1876, để chúc mừng vua Thanh Đức Tông (Te-tsung) (trị vì 1875-1908) tức vua Quang Tự (Kuang-hsu), lên thay vua Thanh Mục Tông (Mu-tsung) (trị vì 1862-1874) tức vua Đồng Trị (T'ung-chih) từ trần năm 1874.  Tháng 7-1880, vua Tự Đức còn cử sứ sang Trung Hoa thêm lần nữa.  Chuyến đi nầy, chẳng những có tính cách ngoại giao thông lệ bốn năm một lần cống sứ, mà còn để nhờ Trung Hoa giúp đỡ. 

Năm sau (1881), Trung Hoa gởi Đường Đình Canh sang kinh đô Huế bàn chuyện buôn bán, lập chiêu thương cuộc.  Những sự kiện nầy không thể qua mặt người Pháp.  Khâm sứ  Pháp tại Huế là Rheinart đã báo cáo đầy đủ các chuyến đi sứ của Việt Nam sang Trung Hoa cho thượng cấp ngày 2-8-1882. (Yoshiharu Tsuboi, sđd. tt. 298-299.)

Về phía nhà Thanh, tại Bắc Kinh, đại diện Trung Hoa phản đối với đại sứ Pháp, cho rằng Việt Nam là thuộc quốc của Trung Hoa và yêu cầu Pháp rút quân khỏi Bắc Kỳ để duy trì tình hữu nghị Hoa Pháp.  Tại Paris, ngày 6-5-1882, đại sứ Tăng Kỷ Trạch cũng lên tiếng phản đối Pháp và yêu cầu Pháp rút quân.

Thủ tướng Pháp là Freycinet cho rằng lời lẽ của họ Tăng bất nhã, nên thông báo cho đại sứ Pháp tại Bắc Kinh tin cho chính phủ Trung Hoa biết rằng Pháp sẽ không nói chuyện với Trung Hoa và yêu cầu Trung Hoa đừng xen vào chính sách Pháp ở Bắc Kỳ. (Alfred Schreiner, Abrégé de l'histoire d'Annam, Sài Gòn: 1906, tr. 353.)

Về quân sự, ngày 30-6-1882, tổng đốc Vân Nam (Trung Hoa) loan báo rằng quân đội Trung Hoa sẽ tiến vào lãnh thổ Bắc Kỳ để truy đuổi các thổ phỉ Cờ đen.  Trong tháng sau, tướng Tạ Kính Bưu đem ba doanh quân Vân Nam đến đóng tại Quản Ty (Hưng Hóa).  [Một doanh khoảng 1,000 quân.]  Vào tháng 9, nhà Thanh cử tướng Hoàng Quế Lan đem mười hai doanh quân đóng ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, và tướng Triệu Ốc đem năm doanh quân đóng ở Tuyên Quang.  Tài liệu Pháp cho rằng số quân Trung Hoa tại Bắc Kỳ lúc đó lên đến 20,000 người.  Dầu vậy, lực lượng Trung Hoa dần dần bị Pháp đẩy lui.

Trong thực tế, Trung Hoa điều quân qua Việt Nam nhắm mưu lợi, chứ chẳng phải thực tâm giúp đỡ Việt Nam chống Pháp, nên khi thấy không thể chiến thắng được Pháp, Trung Hoa quay qua thương thuyết với Pháp để chia phần ở Việt Nam.

2.-   TRUNG HOA ÂM MƯU CHIA HAI BẮC KỲ VỚI PHÁP

Ngày 27-10-1882, Paris thông báo cho đại sứ Pháp ở Trung Hoa là Bourée biết, trong phiên họp ngày 21-10, chính phủ Pháp quyết định bảo hộ Việt Nam, để Bourée nói chuyện với Bắc Kinh.   Trước sự cương quyết của Pháp, vào đầu tháng 11-1882, Lý Hồng Chương (Li Hongzhang hay Li-Hung-Tchang), một viên chức cao cấp trong Tổng lý nha môn, cơ quan phụ trách ngoại giao của triều đình Trung Hoa, đề nghị với Bourée rằng Trung Hoa và Pháp chia nhau bảo hộ Bắc Kỳ.  Bourée báo cáo sáng kiến của Lý Hồng Chương về Pháp. 

Lúc đó, các chính phủ Paris kế tiếp nhau, đều muốn chiếm Bắc Kỳ nhưng vừa ngại tốn kém vì Quốc hội Pháp không chuẩn chi, vừa ngại đụng chạm với Trung Hoa, nên đường lối của chính phủ Pháp không rõ ràng và hay thay đổi.  Ngày 5-12-1882, Bourée cho Paris biết là Bắc Kinh đã ra lệnh quân Thanh rút khỏi Bắc Kỳ về Vân Nam và Quảng Tây.  Cũng trong ngày nầy, bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp ra lệnh cho soái phủ Sài Gòn tránh đụng chạm với quân Trung Hoa. (Vũ Ngự Chiêu, sđd. tr. 291) 

Ngày 20-12-1882, tại Thiên Tân (Tianjin hay Tientsin), Bourée và Lý Hồng Chương ký tạm ước về Bắc Kỳ, theo đó Trung Hoa chiếm phía bắc sông Hồng (vùng núi non và hầm mỏ), và Pháp chiếm phía nam sông Hồng (vùng châu thổ, sản xuất nông phẩm).  Lào Cai được xem là một thương cảng Trung Hoa, nhưng người Pháp được quyền tự do buôn bán với Vân Nam. (Khối Quân sử, Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847-1945), Quân sử III, Sài Gòn: Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, 1971, tr. 164.)  Tạm ước nầy thật ra rất mơ hồ, chỉ lấy sông Hồng chia hai địa phận, nhưng chưa vạch ra cụ thể ranh giới giữa hai bên Pháp và Trung Hoa ở Bắc Kỳ.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu, tạm ước Thiên Tân bị bãi bỏ.  Nguyên tại   Paris, chính phủ Charles Duclerc sụp đổ ngày 22-1-1883.  Armand Fallières tạm thay một thời gian, thì Jules Ferry trở lại làm thủ tướng lần thứ hai ngày 21-2-1883.  Lúc đó, Pháp dứt khoát về vấn đề Ai Cập (Egypt) vì nước nầy đã do nước Anh đô hộ từ 1882.  Jules Ferry dồn nỗ lực về phía Việt Nam. 

Việc làm đầu tiên của chính phủ Jules Ferry về Việt Nam là bãi bỏ tạm ước Thiên Tân mà Bourée đã ký với Lý Hồng Chương, vì theo chính phủ nầy, tạm ước đã giành cho Trung Hoa quá nhiều quyền lợi ở Bắc Kỳ.  Quyết định bãi bỏ được báo cho Trung Hoa biết ngày 5-3-1883.  Hai tháng sau, đại sứ Bourée bị triệu hồi.  Chính phủ Pháp đưa Tricou, nguyên đại sứ Pháp tại Nhật Bản, sang Bắc Kinh làm đại sứ từ ngày 1-6-1883.

Ngày 18-8-1883, đại sứ Trung Hoa là Tăng Kỷ Trạch giao cho chính phủ Pháp lập trường sáu điểm của Trung Hoa về Bắc Kỳ, theo đó:  (1) Ngoại trừ Nam Kỳ, Pháp không được chiếm bất cứ phần lãnh thổ nào của An Nam; (2) An Nam là chư hầu của Trung Hoa; (3) Pháp phải  triệt binh khỏi những nơi đã chiếm của An Nam, mở một số hải cảng để giao thương, và các cường quốc có quyền đặt tòa lãnh sự tại các cảng nầy; (4) Sông Hồng phải được mở rộng để giao thương; (5) Trung Hoa sẽ bảo đảm việc tự do giao thương trên sông Hồng; (6) Những hòa ước giữa Pháp va Việt Nam phải được Trung Hoa chấp thuận. (Vũ Ngự Chiêu, tt. 328-329.)

Trong khi đó, Pháp đưa quân từ Bắc Kỳ, tiến đánh cửa Thuận An (Huế) ngày 20-8-1883.  Thất bại, triều đình Huế đành xin điều đình và ký hòa ước ngày 25-8-1883, gồm 27 điều khoản, trong đó điều 1 viết rằng “Nước Nam nhận và chịu sự bảo hộ của nước Pháp với những hậu quả của mối tương giao nầy theo luật pháp ngoại giao Âu Châu, nghĩa là nước Pháp chủ trương mọi sự giao thiệp của nước Nam với các nước ngoài, kể cả nước Tàu, và nước Nam có giao thiệp ngoại giao với nước nào thì chỉ do một mình nước Pháp môi giới mà thôi.”

Bảo hộ xong Việt Nam, hai ngày sau, ngoại trưởng Pháp từ chối yêu cầu sáu điểm của Trung Hoa trong thư trả lời ngày 27-8, và cho Trung Hoa biết rằng Pháp sẵn sàng giải quyết vấn đề an ninh biên giới và quyền lợi người Hoa buôn bán trên sông Hồng. 

Ngoại trưởng Pháp còn gởi công văn ngày 15-9-1883 cho chính phủ Trung Hoa, một lần nữa xác nhận rằng Pháp không chấp nhận tạm ước Thiên Tân ngày 20-12-1882, giữa đại sứ Bourée và Lý Hồng Chương về Bắc Kỳ.   Công văn ngày 15-9 còn đưa ra đề nghị mới của Pháp gồm hai điểm: (1) Lập một khu phi quân sự giữa hai vĩ tuyến 21 và 22, nếu một bên muốn động binh để đánh dẹp thổ phỉ thì phải có sự đồng ý của bên kia. (2) Thị trấn Man Hao trên sông Hồng trong lãnh thổ Trung Hoa sẽ được mở ra cho việc giao thương.  Chính sách của chính phủ Jules Ferry được Quốc hội Pháp hậu thuẫn mạnh mẽ trong cuộc đầu phiếu tại Quốc hội ngày 31-10-1883. (Vũ Ngự Chiêu, sđd. tt. 330-332.)

Hai chính phủ Pháp Hoa tranh cãi không dứt về vấn đề Bắc Kỳ.  Pháp muốn độc quyền tại miền Bắc Kỳ, trong khi Trung Hoa muốn chia một phần Bắc Kỳ cho Trung Hoa, và bảo đảm an toàn biên giới Việt Hoa.  Trung Hoa tin tưởng rằng Pháp khó có thể chiến thắng lực lượng Trung Hoa ở Bắc Kỳ.  Ngoài ra, Trung Hoa còn hy vọng hai nước Anh và Đức sẽ can thiệp, nhưng lúc đó, Anh đang bận rộn ở Ai Cập và Đức muốn Pháp bành trướng ở Bắc Kỳ hơn là tập trung lực lượng để chống Đức ở biên giới giữa hai bên.

Cuối cùng, tại Bắc Kỳ, Pháp đã đánh đuổi quân Trung Hoa và quân Cờ đen chạy lên miền biên giới, làm chủ tình hình Bắc Kỳ.  Lúc đó, Trung Hoa thấy không thể kiếm lợi được ở Việt Nam mà còn  lo ngại Pháp sẽ tiến chiếm Đài Loan hay Hải Nam để đòi chiến phí, nên Trung Hoa bắt đầu thay đổi chính sách.

3.-   HIỆP ƯỚC THIÊN TÂN LẦN THỨ NHỨT (11-5-1884)

Đầu tiên, Lý Hồng Chương, nhờ một thân hữu tên là Detring, người Đức, công chức cao cấp trong ngành thương chánh Trung Hoa và đã phục vụ 20 năm ở Quảng Châu, vận động với chính phủ Pháp.  Vào tháng 4-1884, Detring đem việc nầy thảo luận với một người bạn là trung tá Ernest François Fournier, hạm trưởng tuần dương hạm Volta, đang đóng ở Quảng Đông.  Fournier trình bày lại ý định của Lý Hồng Chương với cấp chỉ huy là phó đô đốc Lespès, tư lệnh hạm đội Pháp tại Trung Hoa và Nhật Bản.  Một mặt, Lespès thuận cho Fournier nói chuyện với Lý Hồng Chương, một mặt Lespès trình về Paris. 

Fournier nhờ Detring chuyển cho Lý Hồng Chương một văn thư cho biết các điều kiện về phía Pháp để đi đến một cuộc dàn xếp với Trung Hoa: giải nhiệm đại sứ Tăng Kỷ Trạch, từ bỏ ưu quyền đối với Việt Nam, rút lui quân đội Trung Hoa khỏi Bắc Kỳ, và bồi hoàn chiến phí. (Alfred Schreiner, sđd. tt. 371-372.)

Để tỏ thiện chí, triều đình Trung Hoa quyết định chấm dứt nhiệm vụ đại sứ ở Pháp của Tăng Kỷ Trạch, mà vẫn giữ ông ta làm đại sứ ở Anh; và Trung Hoa cử Hứa Cảnh Trừng làm đại sứ tại Pháp, Đức, Ý, Hòa Lan và Áo. 

Cuộc nói chuyện tiếp tục, Fournier đến Thiên Tân, gặp Lý Hồng Chương và nhanh chóng ký hiệp ước ngày 11-5-1884, gồm năm khoản, thường được gọi là hiệp ước Fournier hay hiệp ước Thiên Tân, đại để như sau: 1)  Pháp hứa tôn trọng biên giới Việt Hoa.  2)  Trung Hoa cam kết rút quân khỏi Bắc Kỳ và tôn trọng những hòa ước ký kết giữa Pháp và Việt Nam.  3)  Pháp không đòi bồi thường chiến phí.  4)  Hủy bỏ những hiệp ước trước đây giữa Trung Hoa và Việt Nam, và nuớc Pháp cam kết không làm tổn hại thể diện Trung Hoa.  5)  Hai bên thỏa thuận sẽ gặp nhau lại trong vòng 90 ngày để ký kết hiệp ước chính thức. 

Ernest F. Fournier tiếp tục thương lượng với Lý Hồng Chương về thời biểu Trung Hoa rút quân.  Ngày 17-5, Fournier trao cho Lý Hồng Chương một giác thư (mémorandum) theo đó Pháp sẽ tiếp thu Lạng Sơn, Cao Bằng ngày 5-6-1884, và Lào Cai ngày 1-7-1884. (Alfred Schreiner, sđd. tr. 362.)

Nhận được tin nầy, trung tướng Millot, tư lệnh lực lượng Pháp ở Bắc Kỳ nghĩ rằng Pháp có thể chiếm đóng vùng Lạng Sơn, Cao Bằng khoảng từ 15 đến 20-6, nên ông cử quân đi tiếp thu Lạng Sơn.  Trên đường đi Lạng Sơn, ngang qua thị trấn Bắc Lệ ngày 22-6, đoàn quân Pháp bị quân Trung Hoa tấn công dữ dội và gây thiệt hại nặng nề. 

Chính phủ Paris được tin vụ Bắc Lệ, liền ra lệnh cho đại diện Pháp ở Bắc Kinh gởi cho triều đình Mãn Thanh một tối hậu thư ngày 12-7, yêu cầu Trung Hoa phải ra lệnh quân đội mình lập tức rời Bắc Kỳ, hạn chót là 31-7, và triều đình Trung Hoa phải bồi thường 250 triệu quan chiến phí, nếu không Pháp sẽ đánh Trung Hoa. 

Phó đề đốc Courbet, đang chỉ huy hạm đội Pháp ở Bắc Kỳ, được cử kiêm luôn chỉ huy hạm đội Pháp ở Trung Hoa, đem quân đến cửa sông Mân ở Phúc Châu (Fou-Tchéou), thủ phủ tỉnh Phúc Kiến (Fukien) ngày 16-7, trong khi một hạm đội Pháp khác đến đảo Cơ Long (Kélung) ở eo biển Đài Loan.  Ngày 5-8-1884, Pháp bắt đầu tấn công, gây thiệt hại nặng cho Trung Hoa. 

Trên biển, hạm đội Pháp truy lùng và tấn công các tàu của Trung Hoa, phong tỏa cửa sông Dương Tử (Yang-tse), vùng Thượng Hải, và cho đến cuối tháng 3-1885, Pháp làm chủ hoàn toàn quần đảo Bành Hồ (Pescadores) ở eo biển Đài Loan. (Quân sử III, tt. 227-228.)

4.   HIỆP ƯỚC THIÊN TÂN LẦN THỨ HAI (9-6-1885)

Trong khi Pháp khó thắng Trung Hoa, thì rõ ràng Trung Hoa thất thế cả ở Trung Hoa lẫn ở Bắc Kỳ.  Cả hai bên Pháp và Trung Hoa đều muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình vì hoàn cảnh riêng của mỗi bên.  Sau những cuộc thảo luận kéo dài, hai bên dự tính đi đến việc ký kết hòa ước vào cuối tháng 3-1885, thì chính phủ Jules Ferry sụp đổ.  Chính phủ Brisson lên thay thế.  Bộ trưởng ngoại giao vẫn là Charles Freycinet. 

Cuộc đàm phán về một hòa ước mới bắt đầu tại thành phố Thiên Tân từ ngày 13-5-1885 giữa hai bên Pháp-Hoa; kết thúc bằng Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và thương mại ký ngày 9-6-1885 giữa Jules Patenôtre (đại diện Pháp) và Si Tchen, Lý Hồng Chương và Teng Tcheng Sieou (đại diện Trung Hoa).  Hòa ước Thiên Tân lần thứ hai nầy gồm 10 điều khoản, có thể được tóm lược như sau: 

Trung Hoa đồng ý rút quân về nước (điều 1).  Trung Hoa nhìn nhận việc Pháp bảo hộ Việt Nam (điều 2).  Hai bên sẽ tiếp tục hòa đàm về vấn đề biên giới Việt Hoa (điều 3). Hai bên sẽ thảo luận về một hiệp ước thương mại (điều 5, 6, 8). Pháp đồng ý rút quân khỏi Đài Loan và Bành Hồ (điều 9).  Như thế là chiến tranh Pháp Hoa về vấn đề Bắc Kỳ kết thúc.  Bắc  Kinh gởi một phái đoàn đến Hà Nội để giúp chấm dứt tranh chấp Pháp Hoa, và đưa quân đội nhà Thanh trở về Trung Hoa.

KẾT LUẬN

Dầu Việt Nam, quốc hiệu của nước ta từ khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, là một nước độc lập, Trung Hoa vẫn mặc nhiên xem Trung Hoa là thượng quốc và có ưu quyền với Việt Nam.  Khi người Pháp xuất hiện, Trung Hoa tự xem có quyền thương lượng với Pháp về Việt  Nam, chia phần với Pháp và quyết định số phận Việt Nam.  Cho đến khi bị Pháp đánh bại, Trung Hoa đành nhượng bộ, nhưng vẫn không từ bỏ định kiến “thượng đẳng” đối với Việt Nam, và chờ đợi cơ hội để tái lập quyền lực hoặc mưu cầu quyền lợi trên đất nước Việt Nam.  Cơ hội đó là việc giải giới quân đội Nhật Bản ở Đông Dương sau thế chiến thứ hai, vào năm 1945.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 24-6-2018)