JULY 14 – 2018
MUELLER TRUY TỐ NGA
Thứ trưởng Tư Pháp Rosenstein đã loan tin công tố Mueller đã thuyết phục được một đại bồi thẩm đoàn truy tố 12 sĩ quan của GRU (tương đương với CIA) về nhiều tội liên quan đến việc Nga tìm cách thâm nhập vào cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua. Đây là những người khác với đám dân sự Nga bị truy tố trước đây.
Họ đã bị tố thâm nhập vào các hệ thống emails của Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, và hệ thống emails của ông John Podesta, giám đốc vận động tranh cử của bà Hillary, với mục đích khuynh đảo kết quả bầu cử. Một cách cụ thể, họ bị tố đã chui vào các hệ thống đó để lấy cắp tin, cài tin phịa, và thu thập dữ liệu cá nhân của 500.000 cử tri.
Có vài điểm đáng nêu lên:
- Ông Rosenstein xác nhận đám sĩ quan GRU này có liên lạc với nhiều người Mỹ thuộc cả hai chính đảng, nhưng dường như không ai biết họ là sĩ quan GRU Nga. Ông cũng xác nhận đơn truy tố không nêu lên việc thâm nhập này đã có ảnh hưởng gì đến kết quả bầu cử. Đơn truy tố cũng khẳng định không có công dân Mỹ nào dính dáng.
- Công tố Mueller bỏ cả năm trời lục lạo, tìm ra được một tá sĩ quan phản gián Nga mà từ trước đến giờ chưa ai nghe biết, vậy mà vẫn chưa thộp được một nhân viên nào của ông Trump thông đồng với Nga. Dù vậy, phe ta vẫn mau mắn la hoảng ngay đây là bằng chứng Trump thông đồng với Nga, hay việc Nga giúp xì emails chính là lý do tại sao bà Hillary thua. Cái ngớ ngẩn trong lời giải thích này là nếu bà Hillary thua vì emails bị Nga xì ra thì câu hỏi là có phải tại vì trong những emails đó đầy rẫy những chuyện xấu xa của bà Hillary mà phe DC muốn dấu không? Bị lộ ra khiến bà Hillary thua?
- Không nghe nói gì đến việc Wikileaks xì những emails này ra. Có phải là GRU đã chuyển những emails này cho Wikileaks không? Quan hệ giữa Nga và Wikileaks như thế nào?
- Tại sao lại truy tố ngay đúng lúc TT Trump đang công du và nhất là vài ngày trước khi TT Trump họp thượng đỉnh với TT Putin? Có ý đồ hạ uy tín của tổng thống trước thế giới và phá hoại cuộc họp, hay gây khó khăn cho TT Trump trước cuộc họp quan trọng với Putin không? Ngay sau khi tin này được tung ra, phe DC và nhóm #NeverTrump (TNS McCain) đã không chậm trễ nửa phút, nhẩy nhổm đòi hủy bỏ cuộc họp ngay. Tuy nhiên, nhìn dưới một khiá cạnh khác thì tin này có vẻ làm suy yếu tư thế của Putin và giúp Trump ăn nói mạnh bạo hơn với Putin.
Trong khi phe CH kêu gọi kết thúc sớm cuộc điều tra của công tố Mueller vì kéo dài đã quá lâu, tốn quá nhiều tiền mà chẳng ai thấy kết quả gì cụ thể, thì công tố Mueller đã phản ứng bằng cách tung tin này ra để chứng minh mình đang làm việc rất tích cực, đến độ còn phải mướn thêm một lô luật sư thượng thặng nữa.
Ban điều tra của công tố Mueller mới đây đã được tăng cường thêm ít nhất nửa tá luật sư nữa. Trong số các luật sư này, có một vị đã từng yểm trợ tiền tranh cử cho bà Hillary, và một luật sư khác đã từng thưa kiện ông Kushner là con rể của TT Trump.
Trong khi đó, công tố Mueller vẫn còn đang điều đình với các luật sư của TT Trump về việc tổng thống ra điều trần trước ủy ban điều tra.
Dù sao thì những việc trên cũng là triệu chứng cho thấy công tố Mueller không có ý định chấm dứt cuộc điều tra trong tháng tới khi quá cận cuộc bầu cử. Có nhiều triển vọng cuộc điều tra sẽ kéo dài qua cuộc bầu cử.
LUẬT SƯ STRZOCK ĐIỀU TRẦN
Cựu viên chức cao cấp của FBI, ông Peter Strzock (đọc như Strok, không có ‘z’ và ‘c’) đã ra điều trần trước Hạ Viện để trả lời về vai trò của ông trong cuộc điều tra của FBI về Nga can dự vào bầu cử tổng thống khi ông Strzock còn làm cho FBI.
Cuộc điều trần giống như cuộc khẩu chiến quy mô giữa các dân biểu CH một bên, và ông Strzock với các đồng minh dân biểu DC bên kia. Xin thưa là đúng vậy, không phải là ông Strzock một bên và Hạ Viện một bên, mà trong cuộc điều trần, các dân biểu CH lo chất vấn và tấn công ông Strzock trong khi các dân biểu DC lo bao che, chống đỡ ông này, cãi lại các đồng nghiệp CH. Một cuộc điều trần quái lạ khá hy hữu.
Ông Strzock được giao trách nhiệm điều tra về vụ Nga can dự. Khi đó, FBI cũng đang điều tra vụ emails của bà Hillary. Nhưng theo ông Strzock thì giám đốc FBI, ông Comey đã ra lệnh tạm dẹp vụ bà Hillary qua một bên, ưu tiên toàn diện cho vụ thông đồng với Nga.
Ông Strzock sau đó được công tố Mueller bổ nhiệm làm việc trong ủy ban điều tra của ông, cùng với một luật sư khác cũng của FBI, bà Lisa Page. Ông Strzock là người chủ yếu truy tố tướng Flynn về tội ‘khai gian’. Một thời gian sau, một số emails và tin nhắn trao đổi giữa ông Strzock và bà Page bị lộ, cho thấy hai người gian díu với nhau từ lâu, cũng như trao đổi tin nhắn và emails hàng ngày, trong đó vô số nhận định đả kích và bôi bác ông Trump, cũng như tin của ông Strzock khẳng định với bà Page là “đừng lo, không có cách nào Trump đắc cử hết vì ‘chúng ta/tôi’ sẽ chặn chuyện đó”, nguyên văn “we’ll stop it”.
Sau khi chuyện này đổ bể công tố Mueller đã giải nhiệm cặp này, trả về lại FBI. Gần đây, bà Page đã ‘từ chức’ ra khỏi FBI, trong khi ông Strzock bị ngưng chức chờ Tổng Thanh Tra bộ Tư Pháp điều tra vai trò của ông trong vụ phó giám đốc FBI McCabe lấy trát tòa FISA đi theo dõi một cố vấn trong ban vận động của ông Trump.
Strzock – Page – McCabe
Các dân biểu CH chất vấn việc làm sao một người chống Trump và ủng hộ bà Hillary hăng say như vậy lại có thể là người chịu trách nhiệm điều tra về ông Trump và bà Hillary được.
Ông Strzock ngang nhiên nói ông chống ông Trump vì ‘yêu nước’, nhưng khẳng định quan điểm cá nhân đó chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc điều tra của ông, vì ông là một viên chức chuyên nghiệp, công tâm. Báo Washington Post cho rằng lời biện minh của ông Strzock thật khó mà bắt bẻ được (hard-to-rebut). Chuyện này, ai muốn tin xin tùy tiện.
Trả lời về câu nói “We’ll stop it”, ông Strzock giải thích ông muốn nói ‘dân Mỹ’ sẽ chặn chứ không phải ông hay FBI sẽ chặn. Ở đây, quý độc giả thấy tiếng Mỹ có chủ từ ‘we’ không được rõ nghĩa bằng tiếng Việt có ‘chúng ta’ và ‘chúng tôi’ khác hẳn nhau. Với ‘chúng ta’ thì có thể hiểu đúng như ông Strzock biện giải tức là cả dân Mỹ sẽ chặn, nhưng với ‘chúng tôi’ thì ông Strzock hết cãi, đúng là FBI sẽ chặn.
Một câu chuyện lạ lùng. Một dân biểu CH hỏi một câu hỏi liên quan đến FBI, ông Strzock từ chối trả lời, viện cớ chưa được FBI cho phép. Sau khi Hạ Viện nhận được sự đồng ý của FBI, hỏi lại ông Strzock thì ông này trả lời “Tôi không nhớ”. Hết chuyện.
Chủ tịch Ủy Ban, ông CH Goodlatte, hăm dọa sẽ truy tố ông Strzock ra tòa vì tội khinh thường quốc hội.
Ngay sau cuộc điều trần, một dân biểu DC đã đề nghị tặng ông Strzock huy chương Purple Heart, là loại huy chương anh dũng bội tinh dành cho các quân nhân đã có những hành động can trường nhất trên chiến trường.
Cô đào đóng phim sex đươc tôn vinh là người hùng của thành phố, bây giờ ông Strzock được đề nghị Purple Heart. Đó là những thần tượng của phe cấp tiến DC đấy. Hết ý!
Bà Lisa Page từ chối không chịu ra điều trần. Nhưng sau khi Hạ Viện đe dọa sẽ truy tố bà vì tội khinh thường quốc hội thì bà đồng ý để luật sư của bà điều đình ngày và điều kiện ra điều trần.
TT TRUMP TIẾP TỤC ĐÁNH TÀU
Sau đợt thuế quan đầu tiên, 25% trên sản phẩm trị giá 34 tỷ của Trung Cộng được kích động cuối tháng Sáu vừa qua, chính phủ Mỹ cho biết đang đúc kết kế hoạch đánh thuế quan 10% trên hơn 6.000 sản phẩm TC trị giá nhập cảng vào Mỹ khoảng 200 tỷ đô.
Đợt thuế quan đầu nhắm vào những sản phẩm kỹ nghệ nặng. Ngay sau đó, TC phản ứng bằng cách tăng thuế quan một số hàng tiêu thụ và nông nghiệp Mỹ. Đợt tăng thuế quan thứ nhì là để trả đữa phản ứng của TC, và lần này, đánh vào nhiều sản phẩm tiêu thụ linh tinh như đồ gia dụng trong nhà, là những sản phẩm xuất cảng sở trường của TC.
Trước tấn công dồn dập của Mỹ, thị trường chứng khoán TC, từ Thượng Hải đến Hồng Kông đã rớt mạnh từ mấy tuần nay, xuống đến những mức thấp nhất từ hơn một năm qua. Cả ngàn tỷ đô trị giá chứng khoán Tầu đã bốc hơi mà cho đến nay, chưa ai thấy triệu chứng ổn định gì hết. Cả thị trường Á Châu và Úc Châu cũng bị họa lây, giảm mạnh từ Seoul đến Tokyo đến Sydney.
Thị trường TC đỏ lòm!
Trong khi đó thì thị trường chứng khoán New York lại tăng ào ào cả tuần nay. Nhìn vào tình hình thị trường TC và Mỹ thì biết các doanh gia quốc tế đang đánh giá cuộc chiến mậu dịch Mỹ-Tầu như thế nào.
Có tin không được xác nhận là chính quyền TC đã cố kềm hãm mọi chỉ trích chống Mỹ trong cuộc chiến mậu dịch, để trấn an dân và hạ hỏa, tránh tạo hoang mang nhiều hơn trong giới tài chánh.
ĐẢNG DÂN CHỦ VÀ ICE
Đảng DC gia tăng nỗ lực đòi giải tán ICE –Immigrations and Customs Enforcement Agency-, là cơ quan kiểm soát biên giới và di dân.
Một trong những ứng cử viên vào chức thống đốc New York, bà DC Cynthia Nixon công khai tố cáo ICE là một ‘tổ chức khủng bố’, chỉ bận rộn đi lùng bắt phụ nữ và trẻ con di dân, đẩy họ về chỗ chết trong những xứ đại loạn của họ. Tố cáo này là một mỉa mai vĩ đại khi ICE chính là tổ chức đã được khai sinh ra sau vụ tấn công 9/11 để chống khủng bố.
Phong trào đòi giải tán ICE dường như ngày càng lan rộng ra trong giới thiên tả cực đoan quá khích trong đảng DC, đến độ vài ông DC cũng phải tìm cách kéo thắng lại.
Trong một bài bình luận khá dài, ông Jeh Johnson, cựu bộ trưởng An Ninh Lãnh Thổ của TT Obama, đã cho rằng giải tán ICE không phải là một chính sách nghiêm chỉnh. Ông chỉ trích những người đòi giải tán ICE là không hiểu gì về khác biệt giữa chính sách và cơ quan. Lấy ví dụ trong cuộc chiến tranh tại VN, người ta có thể chống chiến tranh, nhưng không ai đòi giải tán bộ Quốc Phòng. Nếu thấy chính sách di dân của TT Trump sai thì phải đòi thay đổi chính sách đó. Nếu thấy ICE làm sai thì phải đòi sửa sai, thay đổi cách làm việc, không thể đòi giải tán ICE.
Ông Johnson cho rằng giải tán ICE sẽ đe dọa nặng tình trạng an ninh chung của nước Mỹ. Kêu gọi giải tán ICE cũng chỉ tạo phân hóa thêm trong quần chúng, khiến phe ủng hộ di dân bị nghi ngờ nhiều hơn.
Thống đốc Arizona, một tiểu bang sát biên giới Mễ, đã cảnh giác giải tán ICE là hành động có tính ‘liều mạng’ –reckless- nhất.
Thăm dò quần chúng cho thấy chỉ có một phần tư dân Mỹ ủng hộ chuyện giải tán ICE, nhưng gần một nửa cử tri DC ủng hộ ý kiến đó, khiến các vị DC đang tranh cử cho kỳ bầu tới luống cuống, đang đếm số cử tri cho kỹ, nhìn xem gió thổi chiều nào để có thái độ thích ứng.
TÒA CALI BÁC KHIẾU NẠI CỦA BỘ TƯ PHÁP
Tiểu bang Cali ra luật khu an toàn cho di dân lậu –Sanctuary Law Senate Bill 54- cấm cảnh sát tiểu bang thông báo cho chính quyền liên bang ngày các tù di dân lậu bị nhốt được thả ra, mục đích là không giúp chính quyền liên bang bắt và trục xuất di dân lậu. Bộ Tư Pháp liên bang đã nộp đơn kiện luật này, được sự hậu thuẫn của cả chục quận, phần lớn trong miền nam tiểu bang, giáp giới với Mễ, trong đó có cả Quận Cam, Orange County.
Một quan tòa của Cali đã bác đơn kiện của bộ Tư Pháp, cho rằng tiểu bang có quyền ra luật như vậy. Tuy nhiên tòa lại cho phép chính quyền liên bang được quyền vào các hãng sở để khám xét nhân công di dân lậu.
Tòa Cali tiếp tục truyền thống ra án quyết bác bỏ tất cả những sắc lệnh của chính quyền Trump. Các cụ tỵ nạn khoan chê Trump dốt luật vội. Bộ Tư Pháp và cả chục quận tại Nam Cali đã cho biết đang cứu xét việc kháng cáo lên tòa trên. Có thể lại cũng giống như sắc lệnh về di dân trước đây của TT Trump: tòa Cali chống, lên tòa phá án cũng chống, cho đến khi lên tới TCPV thì thua.
BÀ HILLARY CHUẨN BỊ RA TRANH CỬ NỮA?
Trong bài phân tích mới nhất, bình luận gia Michael Goodwin cho rằng có nhiều triệu chứng bà Hillary đang chuẩn bị cho việc ra tranh cử lần nữa, vào năm 2020.
Bằng chứng? Mỗi khi có một vấn đề thời sự lớn nào, thì bà Hillary mau mắn lên tiếng ngay, hoặc là ủng hộ hoặc là chống, như thể muốn xác định quan điểm của bà cho thiên hạ biết. Bà cũng đang tích cực tham gia những cuộc vận động gây quỹ cho các ứng cử viên DC cho kỳ bầu cuối năm nay. Đây là cách sở trường của các chính khách tên tuổi làm để tạo hậu thuẫn, coi như những ứng cử viên được bà hậu thuẫn đã mắc nợ bà và đến khi bà ra tranh cử thì phải trả nợ đó.
Bà đã thành lập một tổ chức mới lấy tên là Onward Together, Cùng Nhau Tiến Tới, để lo việc gây quỹ này. Mới đây tổ chức này đã tặng một triệu đô cho một số tổ chức đang tranh đấu cho di dân và cho phụ nữ quyền.
Tin bà Hillary đang chuẩn bị ra tranh cử không biết có chính xác hay không, nhưng sẽ không phải là chuyện lạ. Bà Hillary là người có tham vọng cực lớn cũng như còn hậu thuẫn mạnh nhất trong đảng DC, rất có thể chưa chịu thua, nhất là khi thấy TT Trump đang bị chống đối mạnh. Trước mắt, bà có 4 lực lượng lớn hậu thuẫn: đó là TTDC, khối dân gốc Nam Mỹ, khối dân da đen, và phụ nữ. Không có nghĩa là bà có nhiều hy vọng thành công hơn. Trong kỳ bầu cử vừa qua, bà cũng đã có hậu thuẫn gần như tuyệt đối của những khối này, mà vẫn thua. Bây giờ, chưa ai thấy làm sao bà sẽ lật ngược thế cờ lại được. Nhất là khi khối dân lao động tại các tiểu bang then chốt vùng Đại Hồ, hiện nay đang rất mãn nguyện với chính sách tạo công ăn việc làm của TT Trump cho họ.
Chưa kể trước khi vào chung kết, bà sẽ phải lên võ đài với rất nhiều đồng chí DC. Cho đến nay, còn hơn hai năm nữa mới bầu cử tổng thống mà đã có sơ sơ khoảng ba chục chính khách DC đã công khai hay bán công khai ra mắt thiên hạ rồi.
TRANH CỬ Ở MỸ
Thượng nghị sĩ CH Dean Heller đang lo vận động tranh cử nữa tại Nevada. Đây là một trong những nghị sĩ CH rất có thể sẽ mất job trong kỳ bầu cuối năm nay. Ông bị phe cấp tiến DC chống rất mạnh, đưa ra một ứng cử viên khá sáng giá là bà Jacky Rosen, trong khi đó ông đã mất không ít hậu thuẫn của cử tri CH, và của TT Trump khi trước đây ông đã công khai đả kích TT Trump.
Câu chuyện vui đáng bàn là các chiêu võ ông Heller và bà Rosen dùng để đánh nhau. Trong mục đích câu phiếu giới kinh doanh trung lưu, bà Rosen đi đâu cũng khoe mình là ‘doanh gia trung lưu’, đã từng tay trắng thành lập một công ty riêng, rất thành công. Báo CH trong tiểu bang đi điều tra và khám phá ra công ty mà bà Rosen khoe thật ra không có thật. Trong các hồ sơ của tiểu bang, không có công ty nào với cái tên mà bà Rosen khoe đã được đăng ký hay ghi danh trong bất cứ hồ sơ nào của tiểu bang.
Đã vậy, ông Heller lại bồi thêm một chưởng: ông nhắc lại lời tuyên bố để đời của TT Obama: “No, you didn’t build it”, (không, bà không gây dựng nên nó). Đây là nguyên văn câu nói của TT Obama trong cuộc vận động tranh cử chống TĐ Romney năm 2012: “Nếu bạn có cơ sở kinh doanh, bạn đã không gây dựng nó” (If you own a business, you didn’t build it), ý muốn nói cơ sở đó thành hình là nhờ sự giúp đỡ của Nhà Nước vú em, qua các luật kinh doanh, thuế má và các tiện nghi hạ tầng như đường xá, cầu cống, điện nước,... Bây giờ, khi bà Rosen khoe đã thành lập cơ sở kinh doanh, ông Heller dùng ngay câu của tổng thống DC để đánh bà.
Đúng là… chính trị Mỹ. Hấp dẫn hơn là để Bộ Chính Trị ‘giới thiệu’ để đám dân đen ngu dốt bầu cho tốt.
NHÀ BÁO CẤP TIẾN LÀ… CỘNG SẢN?
Trong một cuộc tranh luận trên đài TV Anh, nhà báo bảo thủ, ông Piers Morgan tranh luận với nhà báo cấp tiến, cô Ash Sarkar (nhà báo và giáo sư đại học người Anh gốc Ấn Độ).
Ông Morgan chất vấn cô Sarkar về thái độ không công bằng, double standard, của cô này trong vấn đề di dân của Mỹ. Ông Morgan cho rằng cô Sarkar chống Trump quá đáng trong khi không chống Obama là người cũng trục xuất di dân, cách ly trẻ em, và nhốt di dân lậu. Cô Sarkar cãi lại là cô cũng đã chống Obama. Ông Morgan hỏi chống cách nào, có lên TV đả kích như bây giờ không? Có xuống đường biểu tình chống Obama như bây giờ biểu tình chống Trump không? Cô Sarkar bối rối, bí lối, nổi khùng, trả lời “Không, vì tôi là cộng sản, đồ ngu!”. (No, because I’m communist, you idiot!).
Hiểu cho chính xác: nhà báo/giáo sư = cấp tiến = cộng sản = ủng hộ Obama.
Không hiểu thì là … đồ ngu!
CHÍNH TRƯỜNG MỸ LÊN CƠN SỐT TCPV
Sau khi thẩm phán Anthony Kennedy từ chức, về hưu, phe cấp tiến nhẩy dựng la hoảng như tận thế tới nơi. Họ lo sợ TT Trump sẽ bổ nhiệm một thẩm phán bảo thủ khiến cán cân chính trị trong TCPV bị lệch qua phiá bảo thủ.
TT Obama năm xưa đã nói một câu để đời: “Bầu cử có hậu quả” (Elections have consequences!). Đó là câu nói có tính miệt thị, xóc họng mà TT Obama dùng để trả lời lãnh tụ khối thiểu số CH khi ông này yêu cầu tân tổng thống lưu ý đến ý kiến của phe CH. Bây giờ, gậy ông đập lưng ông, phe CH đang tháo gỡ gia tài của Obama, sửa lại toàn thể guồng máy chính quyền, luôn cả cấu trúc của TCPV, trong vài chục năm tới. Bầu cử có hậu quả là vậy, cám ơn TT Obama đã giải thích!
Phe DC đang tìm đủ cách ngăn chặn TT Trump bổ nhiệm một tân thẩm phán bảo thủ, nhưng ai cũng biết họ chẳng làm được gì để cản. Trước đây, Thượng Viện cần 60 phiếu để phê chuẩn một thẩm phán, tức là đáng lẽ ra TT Trump bây giờ cần phiếu của tất cả 51 ông bà CH, cộng thêm 9 phiếu của các ông bà DC, một chuyện không bao giờ có thể có trong tình trạng nội chiến hiện nay. Nhưng nhờ DC thay đổi thủ tục biểu quyết nên bây giờ chỉ cần 51 phiếu, là đa số CH đang có. Nếu nói lỗi thì đó chính là lỗi của phe DC đã ngạo mạn, tự kiêu đổi luật để giúp TT Obama, bây giờ bị gậy ông đập lưng ông nữa. Vấn đề bây giờ là tìm sự đồng thuận của phe CH chứ phe DC hoàn toàn bó tay, chịu trận. Nghĩa là nằm trọn trong tay đảng CH bất kể DC hô hoán tới đâu.
Phe DC cũng đã cố gắng cản việc bổ nhiệm trước ngày bàu cuối năm nay, hô hoán chuyện lớn cận kề ngày bầu cử, phải để người dân quyết định. Họ quên bẵng việc bà thẩm phán TCPV Elena Kagan do TT Obama bổ nhiệm được Thượng Viện do DC nắm đa số phê chuẩn tháng 8, 2010, ba tháng trước bầu cử giữa mùa tháng 11năm đó. Hơn nữa, theo thăm dò của NBC (không phải Fox News đâu), gần hai phần ba (62%) dân Mỹ muốn có thẩm phán mới trước bầu cử.
Phe DC cũng hù dọa là với thêm thẩm phán bảo thủ nữa, súng sẽ được bán thả dàn, đồng tính sẽ bị nhốt, da đen sẽ không được vào đại học, đực rựa sẽ không được vào cầu tiêu nữ,... Chẳng có tin nào nghe lọt tai. Thua keo này bày keo khác, DC đã nghĩ ra được chiêu tấn công mới: tố cáo thẩm phán mới sẽ cấm phá thai để hù dọa các bà, mong các bà sẽ ùn ùn đi bỏ phiếu cho DC trong bầu cử cuối năm nay.
Trên thực tế, TCPV không thể cấm phá thai vì Hiến Pháp liên bang chẳng đề cập đến chuyện phá thai hay không. Trên nguyên tắc, phá thai là chuyện nội bộ của mỗi tiểu bang, không phải là chuyện liên bang, do đó, một TCPV bảo thủ tôn trọng Hiến Pháp tuyệt đối chỉ có thể thu hồi phán quyết Roe v. Wade (là phán quyết cho phép tự do phá thai) để chuyển luật phá thai cho các tiểu bang tự quyết định. Mỗi tiểu bang có quyền ra luật cấm hay chấp nhận, và chấp nhận trong giới hạn nào. Hậu quả là có thể một số tiểu bang bảo thủ miền nam sẽ ra luật cấm hay giới hạn phá thai. Đó là điều phe cấp tiến lo sợ.
DC đang cố gắng ‘dụ dỗ’ hai bà thượng nghị sĩ CH đang chấp nhận phá thai là bà Collins của Maine và bà Murkowski của Alaska, để các bà này chống lại việc bổ nhiệm một thẩm phán chống phá thai. Hai bà này cùng với TNS McCain đã là những người biểu quyết cứu Obamacare. Nếu hai bà này chống, có thể TT Trump sẽ không đủ phiếu CH để bổ nhiệm vị thẩm phán chống phá thai. Bù lại, DC cũng có khó khăn giữ đủ 49 phiếu của họ, vì cũng có thể có vài ba nghị sĩ DC ủng hộ TT Trump như trường hợp ông Gorsuch trước đây đã có 2 ông và 1 bà DC ủng hộ. Kỳ bầu cử tới, có ít nhất 5 thượng nghị sĩ DC ra tái tranh cử tại những tiểu bang TT Trump thắng, do đó họ sẽ cần phiếu của cử tri CH. Nếu họ chống thẩm phán do TT Trump bổ nhiệm, sẽ khó thu được những phiếu CH đó.
Tóm lại, phe DC đã biến đề tài phá thai thành tiêu chuẩn then chốt trong việc bổ nhiệm tân thẩm phán TCPV. Cách đây vài tuần là chuyện Trump độc ác lôi trẻ con ra khỏi tay các bà mẹ, bây giờ là chuyện Trump tàn nhẫn không cho mấy bà tự do lôi bào thai ra khỏi bụng. Đó là lý luận của khối cấp tiến, hiểu được chết liền.
Tin diễu dở giờ chót: thượng nghị sĩ DC Schumer đề nghị TT Trump bổ nhiệm ông cấp tiến Merrick Garland, người đã được TT Obama bổ nhiệm nhưng Thượng Viện không phê chuẩn. Nhắn tin cho ông Schumer: Elections have consequences!
Dù sao thì phe DC hình như cũng phải chấp nhận số phận, nhưng vẫn loay hoay tìm cách thoát nạn. Ý kiến mới nhất: chiếm đa số tại cả Hạ Viện lẫn Thượng viện, ra luật tăng số thẩm phán TCPV, để hy vọng sẽ có ngày có ông/bà DC làm tổng thống, bổ nhiệm thêm thẩm phán cấp tiến.
CẬP NHẬT OBAMACARE
Đúng như TT Trump đã nói, chúng ta không cần đụng tới Obamacare vì tự nó sẽ bị hủy diệt. Những thống kê mới nhất cho thấy trong năm 2017, giá mua bảo hiểm trong chương trình Silver Plan –Chương Trình Bạc- đã tăng hơn 40% tại 13 tiểu bang Mỹ. Chương trình Silver Plan là chương trình ăn khách nhất, chiếm gần hai phần ba tổng số người mua Obamacare. Những tiểu bang tương đối ít dân là những nạn nhân lớn, như tiểu bang Wyoming với giá mua bảo hiểm Silver Plan tăng 65% theo thượng nghị sĩ John Barrasso của Wyoming. Đồng thời với việc tăng bảo phí, số tiền bệnh nhân phải trả trước –deductibles- cũng tăng một cách đáng sợ, hiện nay deductibles trung bình là 4.000 đô. Bao nhiêu người có số tiền đó để trả trước?
Với sự tăng giá này, cặp với quyết định không bắt buộc phải mua bảo hiểm của chính quyền Trump, trong năm 2017, đã có hơn một triệu người bỏ, không mua bảo hiểm nữa. Tuyệt đại đa số là giới trẻ vẫn khỏe mạnh, không chịu mua bảo hiểm, mà họ cho chỉ là cách bắt họ giúp Obamacare tài trợ chi phí bảo hiểm cho tất cả mọi người.
QUAN TÒA KENTUCKY BÁC LUẬT MEDICAID MỚI
Chính quyền Trump đã ra thủ tục Medicaid mới, bắt những người lợi tức thấp muốn hưởng Medicaid –hay MediCal của Cali- phải có đi làm khi không đau yếu, chứ không thể ngồi nhà ăn nhậu, lãnh trợ cấp rồi đòi Medicaid. Dĩ nhiên TTDC đã mau mắn xuyên tạc Trump bắt những người bệnh phải chống nạng lết đi làm mới được hưởng Medicaid, và không ít dân nghèo ít hiểu biết đã tin ngay.
Một quan tòa liên bang ở Kentucky, do TT Obama bổ nhiệm dĩ nhiên, đã bác bỏ luật mới này, cho rằng luật này không tôn trọng mục đích của Medicaid là giúp dân.
Thống kê chính thức của tiểu bang cho biết Kentucky có khoảng 400.000 người đang lãnh Medicaid, và theo ông quan tòa, có thể có 95.000 sẽ bị mất Medicaid dưới tiêu chuẩn mới. Có nghĩa là gần một trăm ngàn người có thể đi làm, nhưng không đi làm, nằm nhà lãnh trợ cấp và hưởng Medicaid, có thể sẽ bị mất Medicaid. Ông quan tòa chỉ lo họ mất Medicaid mà không hề nghĩ tới việc họ có thể đi làm và có thể mua bảo hiểm đỡ tốn tiền cho công quỹ, hay nếu đi làm mà lợi tức thấp, vẫn được Medicaid như thường.
Đó chính là ‘thiên đường xã nghĩa của đảng DC’: dân cả nước nằm nhà nướng BBQ, uống bia, coi football cho Nhà Nước nuôi. Một câu hỏi ít ai thắc mắc: tiền đâu ra?
Thống đốc Kentucky, một ông CH, đe dọa sẽ kiện lên Tối Cao Pháp Viện, hoặc là sẽ giới hạn lại tiêu chuẩn lãnh Medicaid vì tiểu bang không thể nào đủ tiền cấp Medicaid thả dàn như ý ông quan tòa cấp tiến muốn.
DÂN BIỂU DC CHỐNG DC
Một dân biểu của đảng DC tại New York, ông Dov Hikind đã lên tiếng chỉ trích đảng DC đã “phản bội lại những giá trị Mỹ”. Ông đả kích TNS Schumer của DC là đã chú tâm vào việc đánh phá TT Trump bằng mọi giá mà không nhìn nhận vài thành quả của ông ta như kinh tế đang phát triển mạnh, Mỹ đang điều đình với Bắc Hàn để tạo hoà bình vĩnh viễn cho xứ Hàn,... Ông Hikind cho rằng đảng DC cần phục hồi lại sự lương thiện.
Bình luận về câu nói của chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia DC Tom Perez là “cô Ocasio-Cortez là tương lai của đảng DC”, ông Hikind nói ngay “Xin Chúa phù hộ chúng ta”.
MEXICO BẦU TỔNG THỐNG THIÊN TẢ
Ông Andres Manuel Lopez Obrador đã đắc cử tổng thống Mexico. Đây là lần thứ ba ông ra tranh cử, bây giờ mới thắng. Ông Lopez Obrador là cựu đô trưởng thủ đô Mexico City, thuộc khuynh hướng cực tả, tranh cử trên chương trình chống tham nhũng trong chính quyền hiện hữu. Ông cũng tranh cử trên một chương trình mỵ dân tối đa, hứa hẹn đủ thứ bánh vẽ cho dân Mexico đang gặp khó khăn kinh tế. Ông này cũng có chính sách đối ngoại chống Mỹ và đặc biệt chống TT Trump kịch liệt, gọi Trump là Hitler, tố bức tường là biểu tượng của kỳ thị chủng tộc, còn hăm dọa sẽ mở cửa biên giới cho dân Mexico ào ạt tràn qua biên giới Mỹ.
Không ai tin ông sẽ làm chuyện này trong tương lai gần, nhưng về lâu về dài, có thể sẽ thành sự thật. Nếu Mexico áp dụng chính sách kinh tế thiên tả theo mô thức Cuba hay Venezuela thì cũng sẽ theo vết xe đổ của hai xứ này thôi, tức là sẽ đưa cả nước đến bờ vực khánh tận cả nước. Hiện nay dân Venezuela đang lũ lượt tìm cách trốn ra khỏi xứ, cả triệu người đã trốn qua Colombia, gây khủng hoảng trầm trọng tại vùng biên giới hai xứ.
Theo đại học John Hopkins, lạm phát ở Venezuela năm nay là … 42.000%, tức là mọi thứ đắt hơn tới 420 lần trong một năm! Một ví dụ dễ hiểu cho con số quái lạ này: năm ngoái quý vị ăn một tô phở 10 đô, năm nay, cũng tô phở đó, quý vị phải trả … 4.200 đô. Đó là thành quả thực tế của kinh tế xả hội chủ nghĩa Venezuela, có thể sẽ thành sự thật trong vài năm nữa tại Mexico. Từ kinh nghiệm Venezuela đó, quý vị có thể tưởng tượng vài năm nữa, bao nhiêu dân Mễ sẽ tìm cách qua Mỹ.
Biết đâu khi đó, bà thượng nghị sĩ của Cali, Kamala Harris đã làm tổng thống, cửa biên giới mở rộng thêng thang, ICE đã bị giải tán, chẳng còn ai cản nữa. Hay khi đó Cali, Nevada, New Mexico và Arizona đều đã trở thành các tiểu bang của Estados Unidos Mexicanos rồi?
Ngay trước mắt, cuộc thương lượng về hiệp ước NAFTA sẽ gặp khó khăn lớn khi cả hai xứ Mexico và Canada đều công khai chống TT Trump.
Báo phe ta Washington Post ca ngợi ông tổng thống thiên cộng mới này là “bạn của nước Mỹ, chống Trump”. Đây cũng là cách phân định bạn và thù kiểu mới. Ngày xưa, xứ nào đả kích tổng thống Mỹ là kẻ thù của Mỹ, bây giờ ai chửi tổng thống Mỹ thì đó mới là bạn của Mỹ. Thế hơn 60 triệu người bầu cho Trump là gì? Đó là những kẻ thù của Mỹ, “kẻ thù của nhân loại văn minh tiến bộ, yêu chuộng hòa bình” (theo văn phong của báo Công An Thành Hồ!).
NHẬT THÔNG ĐỒNG VỚI TRUMP?
Tuần qua, TT Trump đã khai mạc cơ xưởng Foxconn mới tại tiểu bang Wisconsin cùng với nhà đại tài phiệt Nhật Masayoshi Son, chủ đại công ty SoftBank.
Hãng xưởng mới này là một thành tố trong kế hoạch đầu tư lớn của SoftBank vào Mỹ. Ông Son cho biết sẽ đầu tư khoảng 50 tỷ đô vào kinh tế Mỹ trong vài năm tới, giúp tạo hơn 50.000 việc làm cho dân Mỹ.
Việc công ty SoftBank đầu tư mạnh vào Mỹ đã khiến phe DC lo sợ, nhất là khi các đầu tư của SoftBank lại nhắm vào Wisconsin và các tiểu bang lân cận, đều là những tiểu bang kỹ nghệ mà lá phiếu đã mang lại chiến thắng cho TT Trump. Trong tình trạng này, làm sao DC có thể lấy lại khối dân lao động? Mà không lấy lại được khối này thì hy vọng chiếm Tòa Bạch Ốc sẽ như mây khói thôi.
HỒ LY VỌNG THƯƠNG DI DÂN LẬU
Chúng ta đều đã bị đinh tai vì những hô hào bảo vệ di dân lậu của các tài tử trọc phú Hồ Ly Vọng. Nhiều người thắc mắc sao đám này giàu lòng nhân đạo thế? Nhiều người khác cho là đám này chỉ muốn có lý do chống Trump thôi. Sự thật có hơi khác.
Kẻ này đã viết nhiều lần là giới đại gia triệu phú rất ‘mê’ di dân lậu vì đó là khối dân lao động rẻ nhất trần gian, làm việc cật lực, lãnh lương dưới xa mức lương tối thiểu, đã vậy những người thuê mướn họ lại chẳng phải thắc mắc lo những chuyện vớ vẩn như bảo hiểm sức khỏe, nghỉ bệnh có ăn lương, nghỉ hè có lương, hay trả thuế SSI cho họ. Do đó, đám này tranh đấu tối đa cho việc thả lỏng cho di dân lậu tha hồ vào mà không bị bắt, nhất là không được trục xuất.
Thái độ của giới đại tài tử, đại ca sĩ, đại triệu phú mới bị một cô đào trong đầu toàn là đậu hũ, lỡ dại khai huỵch tẹt ra. Cô tài tử Amber Heard tuýt cho các đồng nghiệp ‘nên tìm cách bảo vệ những tài xế, bồi bếp, vú em, làm vườn của chúng ta bằng cách lấy xe xịn của mình để chở họ đi làm và về, để tránh ICE chặn xe lại xét và bắt họ’.
Quý độc giả chắc đã thấy rõ tại sao các anh chị tài tử này thương di dân lậu! Chỉ là thương đám gia nhân rẻ tiền thôi. Như các ông Tây bà Đầm ngày xưa thương đám cu ly An-Nam vậy.
Amber Heard
Cũng tin từ Hồ Ly Vọng, anh Peter Fonda, em của chị Hanoi Jane Fonda, đã chính thức xin lỗi gia đình TT Trump về việc anh kêu gọi bắt cóc cậu con 12 tuổi của TT Trump, nhốt cùng với bọn ấu dâm. Anh cho biết anh quá xúc động trước hình ảnh cách ly di dân nên đã đi quá xa. Phim mới của anh sẽ đươc hãng Sony cho ra mắt công chúng trong vài ngày nữa. Hãng Sony cho biết đã nhận được nhiều khiếu nại, nhưng anh Fonda đóng vai phụ rất nhỏ, không thể vì anh ta mà thu hồi nguyên cả cuốn phim.
WAPO ĐĂNG TIN
Báo Washington Post đăng tin “một bà da trắng gọi cảnh sát vì có thằng bé con da đen 12 tuổi đang cắt cỏ” (A white woman called police on a black 12-year-old — for mowing grass). Quý độc giả đọc mẫu tin như thế tất nhiên phải bực mình ‘con mụ da trắng kỳ thị lố bịch’, phải không? Xin thưa ngay, nếu quý độc giả có phản ứng như vậy thì đúng là đã phản ứng y như WaPo cố tình loan tin và mong đợi. Tức là cách loan tin có chủ đích khiêu khích độc giả, ẫm ờ ám chỉ thời đại này là thời đại của da trắng kỳ thị da đen công khai vì chính sách kỳ thị của ông tổng thống.
Sự thật không hoàn toàn như vậy. Sự thật là bà hàng xóm này là người khó tính, bà kêu cảnh sát vì anh nhóc này cắt cỏ hàng xóm nhà bà, mà cắt ào qua cỏ và vườn hoa của nhà bà luôn.
Nhìn qua câu chuyện này thì thấy kỹ thuật đăng tin của TTDC, tìm đủ cách để bôi bác và xuyên tạc. Chuyện bà già gọi cảnh sát vì thằng nhóc cắt cỏ qua nhà bà, tại sao phải kèm theo “bà già da trắng” và “thằng nhóc da đen”, cũng như tại sao lại viết “vì tội cắt cỏ”? Màu da ăn thua gì trong chuyện này? Cắt cỏ tự nó, sao là cái tội phải kêu cảnh sát? Chúng ta ở Mỹ lâu năm, ai cũng biết mấy bà già hàng xóm là khó chịu nhất, có thế thôi. Đó là bài học cũ, bài học mới là… đừng tin những gì TTDC viết!
SAN FRANCISCO: THỦ ĐÔ CẤP TIẾN
Nếu khối cấp tiến có thể chọn một ‘thủ đô’, thì đó sẽ là San Francisco. Đây là thành phố của 3 bà lãnh tụ DC cấp tiến nhất: các thượng nghị sĩ Diane Feinstein và Kamala Harris, và bà dân biểu Nancy Pelosi. Cũng là thành phố của ông Gavin Newsom, người đang có triển vọng làm thống đốc Cali.
San Francisco cũng nổi tiếng là thủ đô của dân đồng tính thế giới. Cũng là thành phố đắt đỏ nhất thế giới, nơi mà giá nhà trung bình là một triệu đô, giá thuê một căn hộ hai phòng ngủ tối thiểu là 5.000 đô một tháng.
Lúc sau này, San Francisco lại đạt được nhiều thành tích hay hơn nữa.
Một đại hội nghị y tế thế giới với sự tham gia của cả mấy trăm bác sĩ đã bị hủy bỏ vì ban tổ chức nhận thấy thiếu an ninh cho những người tham gia hội nghị.
Trong khi đó, thống kê chính thức của thành phố cho biết chỉ trong một tuần qua, đã có hơn 16.000 khiếu nại của dân chúng vì… những bãi phân người ngoài đường phố, vị chi gần 2.400 khiếu nại mỗi ngày cả tuần liền. Cả mấy ngàn người ị bậy ngoài đường mỗi ngày??? Welcome to San Francisco!