Tiếp theo cả chục ngày nín thở chờ tin, tối Thứ Hai vừa qua, TT Trump đã thông báo cho cả nước biết ông đã chọn thẩm phán Brett Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện thay thế thẩm phán Anthony Kennedy về hưu.
Chuyện này quan trọng hay không, quan trọng đến mức nào, có hậu quả ra sao liên quan đến đời sống chúng ta, người dân bình thường? Đó là những chuyện cả triệu người đang thắc mắc.
Trước hết ta nói về tiến trình bổ nhiệm.
Đây quả thực là một tuyệt chiêu về nghệ thuật quảng cáo hàng của đại doanh gia Trump. Chưa bao giờ trong lịch sử bổ nhiệm hơn 100 thẩm phán TCPV lại có một vị được bổ nhiệm một cách rình ràng và thu hút được sự chú ý của cả nước như lần này. Tổng thống hẹn chắc việc tuyển lựa quan tòa từ cả chục ngày trước, khiến cho báo chí chạy tin trên trang nhất, đoán mò cả chục ngày liền, mà lạ lùng thay, tên của người được tuyển đã không bị xì ra!Rồi đúng 9 giờ tối Thứ Hai, gần như tất cả các đài truyền hình trực tiếp thu hình cuộc họp báo của TT Trump thông báo quyết định của ông, và cả chục triệu người bị hút hồn, chỏ mõ ngồi chờ và coi. Chú tâm của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất trong nghệ thuật tiếp thị chứ quảng cáo món hàng đó tốt mà chẳng ai để ý thì chỉ là công cốc.
TT Trump cũng đã đoán trước bất cứ ông bổ nhiệm ai cũng sẽ bị phe cấp tiến chống đối, nên muốn hô hào quần chúng đến xem cuộc chiến ngay từ đầu, cho thật đông, để họ có thể nghe ông và nghe ông Kavanaugh, và phán xét một cách chính xác, thay vì không biết gì, chỉ ngồi nhà đọc báo và nghe TTDC xuyên tạc.
Ta thử coi lại món hàng ông Trump đang rao bán.
Trong thể chế chính trị Mỹ, với việc tam quyền phân lập, có ba hệ thống riêng biệt là hành pháp, tức là tổng thống và nội các, lập pháp tức là hai viện quốc hội, và tư pháp tức là hệ thống tòa án, đứng đầu là Tối Cao Pháp Viện.
Trên nguyên tắc, nghe có vẻ ba bên ngang ngửa quyền hành rất lớn. Lập pháp ra luật cho cả nước, hành pháp thi hành những luật đó, và tư pháp bảo đảm việc tôn trọng những luật đó. Không có luật thì loạn, có luật mà không ai thi hành thì cũng như không, thi hành không nghiêm chỉnh cũng loạn. Trên thực tế, có lẽ TCPV có quyền lớn nhất vì các ông tòa này có quyền quyết định những luật do lập pháp ban ra có giá trị hay không, có thể được hành pháp thi hành hay không, và hành pháp thi hành có đúng không.
Nhưng điểm quan yếu nhất là tổng thống, nội các, dân biểu và nghị sĩ đều có thể bị thay đổi như chong chóng, nhưng quan tòa thì ngồi suốt đời đến chết hay đến khi... quá già yếu tự ý từ nhiệm. Thậm chí đến lúc ngồi đâu ngủ gật đó vẫn chưa về hưu mà chẳng ai đuổi được. Đặc biệt hơn nữa, quyết định của hành pháp hay luật của lập pháp cũng đều có thể thay đổi theo mùa bầu cử, nhưng án quyết của các quan tòa, nhất là quan tòa TCPV thì chắc hơn xi-măng cốt sắt, không lay chuyển cả trăm năm, hay ít nhất cũng cả thế hệ.
TCPV là cơ quan tối cao có thẩm quyền diễn giải Hiến Pháp và bảo đảm tất cả mọi luật của lập pháp và mọi hành động của hành pháp đều tuân thủ theo Hiến Pháp nguyên thủy và các án quyết diễn giải sau đó. Và đây lại là điểm ‘yếu’ của tư pháp: không có quyền tạo ra luật mà chỉ có quyền diễn giải luật thôi.
Đó là trách nhiệm căn bản của TCPV từ ngày được thành lập cho đến nay. Nhưng trách nhiệm đó đã mang lại nhiều tranh cãi ngay từ những ngày lập quốc. Câu hỏi là làm sao một văn kiện được một nhúm người gọi là ‘Cha Già Lập Quốc’ của đất nước này soạn thảo cách đây xấp xỉ 250 năm lại có thể có giá trị vĩnh viễn, một cách tuyệt đối mà không ai có quyền sai phạm?
Vì Hiến Pháp chính là nền tảng của liên bang Hợp Chủng Quốc, là chất keo gắn chặt 50 tiểu bang. Mất Hiến Pháp, liên bang tan rã.
Đây có lẽ là điểm quan trọng nhất phân biệt hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến liên quan đến TCPV. Phe bảo thủ, gọi là constitutionalist hay originalist, chủ trương tuyệt đối tuân thủ Hiến Pháp, và diễn giải cũng tuyệt đối theo ý nguyện/ý định của các Cha Già Lập Quốc khi họ viết ra Hiến Pháp. Trong khi phe cấp tiến cho rằng Hiến Pháp chỉ là một tài liệu nền tảng căn bản và việc thi hành cần phải uyển chuyển, lưu ý đến những thay đổi của thời thế. Họ chủ trương cái mà họ gọi là ‘Living Constitution’, tức là một Hiến Pháp sống, linh động, có thể được diễn giải và thi hành theo nhu cầu thời thế, hay nói cách khác họ cho là các quan tòa có quyền ra luật mới. Nói huỵch tẹt ra, phe DC chủ trương cho Hiến Pháp vào nhà quàn vì đó là một xác chết, không có ‘living’. Tương lai của đảng DC? Hãy nhìn vào cô Ocasio-Cortez.
Hiến Pháp là nền tảng phải tuân thủ, không có nghĩa không thể thay đổi. Nếu muốn và nếu cần, vẫn có thể sửa đổi gọi là ‘tu chính’ được. Cho đến nay Hiến Pháp đã được tu chính 27 lần, không có gì cấm tu chính nữa. Ai muốn thì cứ lên tiếng để dân Mỹ thay đổi Hiến Pháp, chỉ cần tuân theo đúng thủ tục thôi.
Một khác biệt quan trọng nữa giữa hai khối bảo thủ và cấp tiến: đó là quan điểm cá nhân của các quan tòa. TT Trump khi đọc bài phát biểu giới thiệu TP Kavanaugh đã nói rất rõ: “Khi nói chuyện với ông Kavanaugh, tôi đã không hỏi gì về ý kiến cá nhân của ông ta, chỉ muốn biết ông có tuân thủ Hiến Pháp và luật hiện hành không thôi”. Trong khi đó, trong các cuộc điều trần phê chuẩn thẩm phán TCPV trước đây, các nghị sĩ DC luôn luôn hỏi “Thế quan điểm cá nhân của ông/bà là gì?”.
Bà Elena Kagan là thẩm phán TCPV được TT Obama bổ nhiệm. Ra trước Thượng Viện năm 2010, bị thượng nghị sĩ DC Schumer hỏi “Bà sẽ xử như thế nào về chuyện... ? Bà nghĩ sao?”, bà đã trả lời ngay “Tôi không biết sẽ xử ra sao, tất cả tùy trường hợp, không quan tòa nào có thể nói trước sẽ xử ra sao. Tôi “nghĩ sao” không phải là vấn đề vì ý kiến cá nhân tôi không quan trọng”. Nói cách khác, khối DC lựa quan tòa theo ý kiến cá nhân trong khi khối CH tuyển người theo tiêu chuẩn có tuân theo Hiến Pháp hay không. (Trong vấn đề này, nhiều cụ tỵ nạn hiểu lõm bõm câu chuyện, phán rằng CH lựa quan tòa theo “ý tưởng cá nhân một chiều”. Cái này gọi là không biết mà cứ nói bừa vì tính phe đảng)
Ông Kavanaugh tốt nghiệp luật tại đại học Yale, làm việc tại một văn phòng luật tư. Rồi làm trợ tá cho thẩm phán Kennedy, người mà ông sẽ thay thế.
Trong cuộc điều tra của công tố độc lập Kenneth Starr về các xì-căng-đan Whitewater, sau đó Monica của TT Clinton, ông làm phụ tá cho ông Starr, là tác giả chính của phúc trình của công tố Starr nộp cho Hạ Viện, được dùng làm căn bản để đàn hặc TT Clinton. Yếu tố này bảo đảm sẽ kích động dân cuồng nhà Clinton.
Cuối năm 2000, ông tham gia vào nhóm luật sư của ông Bush con, tranh cãi vụ đếm phiếu bầu cử với PTT Gore. Sau khi ông Bush đắc cử, ông Kavanaugh vào làm luật sư trong Tòa Bạch Ốc. Tại đây ông gặp bà Trợ Tá Riêng của TT Bush để rồi sau đó lấy bà này làm vợ. Năm 2003, ông được TT Bush bổ nhiệm thẩm phán tòa phá án DC, nhưng gặp chống đối mạnh của khối DC trong Thượng Viện, mãi ba năm sau mới được phê chuẩn. Khi đó DC có 49 ghế tại Thượng Viện so với CH 51 ghế, nhưng luật thời đó đòi hỏi 60 phiếu mới được phê chuẩn.
Qua quá trình này, ông Kavanaugh có quan hệ rộng và mật thiết với giới luật sư và chính khách Hoa Thịnh Đốn nói chung, và với nhóm phụ tá của TT Bush nói riêng, nhất là với ông Karl Rove, được gọi là ‘kiến trúc sư’ đã xây dựng ‘căn nhà Bush’ trong chính trường Mỹ. TT Bush con và thống đốc Jeb Bush đều lên tiếng ca ngợi ngay quyết định bổ nhiệm ông Kavanaugh của TT Trump. Quan hệ này sẽ giúp hoá giải được phần nào những chống đối của khối CH chống Trump (#NeverTrump) trong Thượng Viện khi phê chuẩn ông Kavanaugh. Một số chính khách trong nhóm #NeverTrump ca ngợi ông Kavanaugh tuy vẫn làu bàu chống Trump. Nhưng ông cũng là thẩm phán sẽ gặp chống đối mạnh nhất của khối DC.
Phản ứng chung của khối bảo thủ là rất vui với việc bổ nhiệm ông Kavanaugh vì ông là bảo thủ thứ thiệt, kinh nghiệm cùng mình mà cũng là hạng trí thức nghiêm chỉnh, được lòng mọi người, không gây rối loạn. Đến độ có người chê ông Kavanaugh giống ông Jeb Bush, bị TT Trump phán là ‘low energy’. Nói cách khác, không giống… ông thần Trump, nên phe bảo thủ rất yên tâm. Trên căn bản, TT Trump đã giữ lời hứa khi tranh cử là sẽ bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ khắp nơi, nhất là ở cấp TCPV.
Tin ông Kavanaugh được tuyển vừa là tin ngạc nhiên mà cũng là tin không đáng ngạc nhiên. Ngạc nhiên đầu tiên là ông này không có tên trong danh sách đầu các thẩm phán mà ông Trump đã lựa cho TCPV trong tương lai khi ông ra tranh cử tổng thống vì ông này quá thân cận với cánh Bush. Tên ông Kavanaugh chỉ được thêm vào danh sách cách đây một năm. Sau đó, trong cuộc tuyển lựa thẩm phán lần này, ông Kavanaugh ngay từ đầu là người có nhiều hy vọng nhất, nhưng rồi biến thành người ít hy vọng nhất để rồi cuối cùng là người trúng số. Số may mà cũng xui.
Số may vì vào làm thẩm phán TCPV chắc chắn là giấc mộng tối hậu của tất cả những người làm nghề luật. Số xui là bảo đảm sẽ bị phe DC và TTDC băm thây. Chẳng phải chỉ riêng gì ông Kavanaugh mà bất cứ ông bà nào được TT Trump bổ nhiệm cũng lãnh đủ, bất kể quá trình, khả năng, uy tín hay quan điểm về bất cứ chuyện gì, cũng sẽ bị chống đến cùng, gọi là nhắm mắt chống đối toàn diện, vô điều kiện.
Sau khi ông Kavanaugh được bổ nhiệm, nhóm Women’s March phổ biến một tài liệu đả kích tân thẩm phán thậm tệ. Nhưng có một ‘rắc rối nhỏ’. Tài liệu không ghi rõ tên ông Kavanaugh, mà những chỗ nào cần có tên thì chỉ để ‘xxx”. Nghiã là đây là tài liệu đã được viết sẵn, đề tạm tên là ‘xxx’, khi nào có tên người được đề cử sẽ điền vào. Nhưng vì hấp tấp phổ biến tài liệu, nên quên mất điền tên ông Kavanaugh vào.
Phe DC, dẫn đầu bởi TNS Schumer của New York, chưa chi đã la hoảng TP Kavanaugh sẽ tước đi quyền tự do phá thai của phụ nữ và sẽ giết Obamacare, tức là lấy đi bảo hiểm y tế của những người nghèo, bất kể việc thẩm phán Kavanaugh chưa bao giờ có án quyết nào liên quan đến chuyện phá thai hay Obamacare.
Phe DC chống đối viện dẫn một quyết định của ông Kavanaugh trong một vụ án, bác bỏ việc chính phủ Mỹ phải trả tiền phá thai cho một cô gái di dân lậu, nhưng hiển nhiên đây là bóp méo câu chuyện. Việc này liên quan đến trách nhiệm của chính phủ Mỹ phải trả tiền dịch vụ y tế cho một di dân lậu, không phải là chuyện cho hay không cho phá thai.
Thật ra, không ai biết chắc quan điểm của ông Kavanaugh về chuyện phá thai. Trong vụ cô di dân lậu trên, ông cũng nói đại khái là ‘phải lưu ý đến chính sách của chính phủ muốn bảo vệ sự sống của bào thai’, do đó không thể bắt chính phủ phải trả tiền phá thai, nhất là cho một di dân lậu, không phải dân Mỹ. Bù lại, trong cuộc điều trần trước Thượng Viện năm 2003, ông nói rõ “Roe v. Wade (là án quyết của TCPV nhìn nhận phá thai là hợp pháp trên cả nước) đã là luật quốc gia từ hơn 40 năm, không thể không tôn trọng”. Phe DC và TTDC chỉ nhấn mạnh vào chuyện cô di dân lậu mà phớt lờ câu nói trước Thượng Viện.
Về Obamacare, ông Kavanaugh là người đã ‘góp ý’ Chánh Án TCPV John Roberts để cứu Obamacare khiến nhiều ông bảo thủ bực mình. Phe DC và TTDC nín khe về chuyện này trong khi ông Schumer hù dọa ông Kavanaugh sẽ thu hồi Obamacare. Thu hồi hay không là việc của quốc hội, không phải của TCPV.
Ông Terry McAuliffe, cựu thống đốc Virginia và cựu chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, báo động “việc bổ nhiệm ông Kavanaugh sẽ đe dọa tính mạng của cả triệu người”. Không ai hiểu tại sao. Cứ theo đảng DC, dân số Mỹ trong hai chục năm nữa chắc sẽ ít hơn dân số Phú Quốc, sau khi cả triệu triệu người đã chết vì trái đất bị hâm nóng quá, vì thu hồi Obamacare đã giết hết bệnh nhân, vì trợ cấp và phiếu thực phẩm của tất cả dân nghèo đã bị cắt, và bây giờ vì tay sát thủ Kavanaugh.
Một nghị sĩ khác, ông da đen Cory Booker là người đang chuẩn bị ra tranh cử tổng thống năm 2020, khẳng định TT Trump bổ nhiệm ông Kavanaugh để “khỏi bị tù”. Theo ông Booker, công tố Mueller sắp sửa truy tố TT Trump không biết mấy vạn tội, và ông Kavanaugh sẽ cứu TT Trump. Đây là lập luận nổ lớn hơn kho đạn Biên Hòa, nhưng chẳng có ý nghĩa gì hết, chỉ là chuyện mỵ dân, lừa đám dân ít hiểu biết. Tổng thống không đi tù, chỉ bị đàn hặc và truất phế là cùng, mà trong tiến trình này, TCPV chẳng dính dáng gì hết. Chuyện ngớ ngẩn!
Thống đốc New York, Andrew Cuomo, đe dọa sẽ kiện TCPV. Hả? Kiện ở tòa nào? Tối Cao Pháp Viện? Vậy mà cũng làm tới thống đốc được.
Phe chống cũng tố TT Trump lựa ông Kavanaugh vì ông này chủ trương không truy tố tổng thống khi đang nhiệm chức, một quan điểm ‘lật lọng’ so với việc ông truy lùng TT Clinton. Ông Kavanaugh có truy lùng TT Clinton thật. Sau đó ông nghĩ lại thấy cuộc điều tra của công tố Starr hết sức tai hại cho cả nước và cho TT Clinton khiến ông gần như bị tê liệt không chu toàn trách nhiệm tổng thống được nữa. Rồi sau đó nữa, ông vào làm việc trong Tòa Bạch Ốc và ông nhìn nhận khi đó ông mới thấy tầm mức quan trọng của trách nhiệm của một tổng thống. Ông viết một bài tham luận dài, đặt vấn đề trước những tai hại lớn lao như vậy, có nên truy tố tổng thống khi ông còn đang làm tổng thống hay không. Dựa trên bài tham luận này, phe ta nhẩy nhổm tố ông sẽ tìm cách bảo vệ TT Trump và đó là lý do TT Trump đã lựa ông. Dù không ưa ông Kavanaugh cũng phải công nhận ông đã có đủ lương thiện và can đảm đặt lại vấn đề việc mình đã làm, thay vì ngoan cố cãi chầy cãi cối.
TTDC thì khỏi nói, đã trở thành cái loa của phe cấp tiến chống đối ngay từ đầu.
Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu. Trong những ngày tới phe chống đối sẽ bận bù đầu, bận đi bới rác trong quá trình nghề nghiệp cũng như đời sống riêng tư của cả hai vợ chồng Kavanaugh. Cả bố mẹ, họ hàng tám đời, bạn bè từ ngày học mẫu giáo chung, cũng sẽ được chiếu cố luôn.
Các ông bà trong Thượng Viện sẽ hạch hỏi ông Kavanaugh tới tắc thở luôn, vặn vẹo đủ chuyện. Cuộc điều trần để phê chuẩn sẽ không phải là để tìm hiểu về khả năng của ông Kavanaugh, mà sẽ là phiên tòa của các ông bà nghị sĩ DC tìm mọi cách kết tội, bất kể ông Kavanaugh có hay không có tội gì.
Nói về bà thẩm phán TCPV Elena Kagan, ông Kavanaugh trong bài diễn văn ngắn cám ơn TT Trump, cũng đã khôn khéo cám ơn bà Kagan là người đã bổ nhiệm ông làm giáo sư dạy về Hiến Pháp tại Harvard khi bà Kagan còn làm viện trưởng tại đại học này. Một cách khều chân khéo những vị DC nào chê trách khả năng của ông. Chứng tỏ ông Kavanaugh này cũng khá cứng cựa, không dễ nuốt.
Biết rõ khó có thể cản trở việc phê chuẩn ông Kavanaugh, phó chủ tịch Ủy ban Quốc Gia của đảng DC, ông dân biểu Hồi giáo da đen Keith Ellison đưa ra một giải pháp rất hách: Hạ Viện nên chuẩn bị đàn hặc các thẩm phán TCPV. Đúng là phe ta lên cơn điên loạn hết rồi.
Việc TP Kavanaugh có được phê chuẩn hay không chưa ai biết được, nhưng trong lịch sử, trong gần 110 thẩm phán TCPV, chỉ có đâu 5-6 người bị bác. Các tổng thống trước khi chính thức bổ nhiệm thường tìm hiểu, vận động trước và điếm phiếu Thượng Viện khá kỹ. CH hiện nay có 51 phiếu, nhưng ông McCain sẽ không tham dự được, còn 50. Trong đó có hai bà Collins (Maine) và Murkowsky (Alaska) lừng chừng. Phe DC có 49 phiếu trong đó có 5ông bà có thể bỏ phiếu theo CH vì phải ra tranh cử lại tại những tiểu bang CH nặng như Georgia, West Virginia, North Dakota, Indiana, và Missouri. Bẩy người này sẽ có tiếng nói quyết định. Chống ông Kavanaugh sẽ rất khó cho các nghị sĩ DC tái đắc cử trong những tiểu bang đã bầu mạnh cho TT Trump.
Trong 5 ông bà DC trên, đã có 3 vị trước đây đã bỏ phiếu cho ông Neil Gorsuch. Để xem họ biểu quyết ra sao.
TT Trump chẳng những đã khiêng cả cái TCPV về phiá bảo thủ mà ông cũng đã và đang bổ nhiệm cả trăm thẩm phán bảo thủ khác vào hệ thống tư pháp Mỹ trong các cấp liên bang và phá án. Tất cả đều là những thẩm phán không có nhiệm kỳ, ngồi ghế cho đến chết hay già khụm. Cái gia tài tư pháp này của TT Trump sẽ tồn tại vĩnh viễn mà không có tổng thống mới nào có thể xóa dễ dàng như gia tài của TT Obama đang bị TT Trump xóa. Đó là một trong những lý do khiến phe cấp tiến đang phát khùng với ông thần Trump, đánh ông Kavanaugh tối tăm mặt mũi. Nhưng xin thưa với quý vị, chưa thấm vào đâu hết. Hãy chờ tới khi TT Trump bổ nhiệm thẩm phán TCPV thứ ba và thứ tư xem.
Với sự bổ nhiệm ông Kavanaugh, việc TT Obama bổ nhiệm hai bà cấp tiến nặng Elena Kagan và Sonia Sotomayor coi như bị hoá giải hoàn toàn.
Nếu muốn nói lỗi phải, thì đó đúng là lỗi của đảng DC đã lựa chọn bà Hillary làm đại diện ra tranh cử tổng thống, một chính khách vừa quá nhiều ‘hành trang không đẹp’ lại cũng là một ứng cử viên thật dở trong ‘nghệ thuật’ vận động tranh cử, đưa đến sự đắc cử của ông Trump. Đi xa hơn, đó cũng vẫn là lỗi của DC khi Thượng Viện sửa đổi thủ tục phê chuẩn nhân sự. Còn muốn đi xa hơn nữa thì phải nhìn vào tác phẩm của TT Obama đã đánh mất hậu thuẫn của cả chục triệu dân trung lưu và dân lao động.
Càng viết, càng nhớ lại ‘câu sấm’ của Đấng Tiên Tri Obama: “Elections have consequences”! Đúng vậy, thưa tổng thống.
Nếu như quý độc giả là người sống bên Na Uy chẳng hạn, suốt ngày ngồi trong nhà nhìn tuyết rơi quanh năm ngày tháng, bây giờ có dịp du lịch Mỹ, đọc New York Times hay mở TV coi CNN, hay đọc bài báo của vài cụ tỵ nạn ở Bolsa, thì quý vị đang nghĩ qua đầu năm tới, Mỹ sẽ có tổng thống mới, sau khi đảng DC đại thắng vào cuộc bầu cử cuối năm nay, các tân dân biểu và nghị sĩ nhậm chức đầu tháng Giêng thì qua giữa tháng Giêng sẽ đàn hặc và cuối tháng Giêng sẽ truất phế TT Trump. Nếu quý vị tin có ‘ông già Nô-En’ thì chuyện này sẽ thành sự thật.
NHỮNG KHÓ KHĂN, CŨ VÀ MỚI
Thời gian như... ngựa chạy qua cửa sổ, như các cụ ta thường nói, thoáng một cái đã biến mất rồi. Mới đây mà TT Trump đã đắc cử gần 20 tháng rồi, trong khi cuộc bầu cử quốc hội giữa mùa chỉ còn 4 tháng nữa.
Cuộc bầu này trên căn bản hết sức quan trọng cho cả TT Trump lẫn đảng DC. Chẳng những sẽ có ảnh hưởng quan trọng trên các chính sách của ông Trump, mà còn có thể quyết định việc ông có bị đàn hặc hay truất phế luôn hay không. Quan trọng hơn nữa, nó sẽ quyết định tương lai lâu dài của cả đảng Dân Chủ.
Xin những vị chống Trump đến ‘hơi thở cuối cùng’ cứ tiếp tục thở và chống, vì như dân gian thường nói, ‘coi dzậy mà hổng dzễ đâu nha!’.
Thực tế là bức tranh tổng quát của nước Mỹ hiện nay không đơn giản như vậy. TTDC ồn ào đánh TT Trump đến tối tăm mặt mũi, khiến nhiều người thấy ông này khó thoát đại nạn, nhưng sự thực là khối cấp tiến, TTDC và đảng DC cũng đang gặp nhiều khó khăn lớn. Họ càng nguy kịch càng phải đánh Trump mạnh.
Ta thử coi lại bức tranh vân cẩu đó.
KHÓ KHĂN CỦA TT TRUMP
Bình thường thì đảng đối lập luôn gây khó khăn lớn nhất cho đảng nắm quyền, trong khi truyền thông giữ vai trò thông tin không phe đảng, hay có phe đảng thì cũng không quá đáng. Nhưng đối vói TT Trump thì ta thấy một tình trạng khác lạ.
Đảng DC dĩ nhiên chống như cuồng. Nhưng cái bất bình thường mà nhiều người không hiểu nổi, là sự chống đối đến mức cực kỳ vô lý của TTDC. Chống đến độ có thể nói nếu ISIS ám sát giết được TT Trump, thì TTDC sẽ tuyên dương ISIS là anh hùng cứu tinh dân tộc Mỹ ngay.
Nhìn vào cuộc biểu tình của cả trăm ngàn người chống chính sách di dân của TT Trump tuần rồi thì ta hiểu được phần nào chính trị Mỹ. Người dân Mỹ, tuyệt đại đa số là dân lương thiện, tốt bụng, nhân ái, khoan dung. Dân Việt đến Mỹ tỵ nạn năm 75 đã được hàng ngàn gia đình Mỹ mở cửa đón vào sống với gia đình họ, mặc dù hai bên ngôn ngữ khác biệt, lối sống khác biệt, đồ ăn thức uống khác biệt, chẳng quen biết gì nhau. Đại đa số dân Mỹ tìm đủ cách giúp chúng ta, như bảo trợ, cho đồ đạc, quần áo, thực phẩm, dạy tiếng Anh, giúp tìm việc làm, chở đi nhà thờ.
Trong tinh thần nhân ái đó, dân Mỹ không thể hiểu cũng như không thể chấp nhận chính sách di dân ‘có vẻ’ tàn nhẫn của TT Trump, nên đổ xô biểu tình chống.
Vấn đề đáng nêu ra là trong những người biểu tình đó, bao nhiêu hiểu được thấu đáo vấn đề? Rất ít! Chỉ vì đại đa số đã bị đầu độc bởi những lập luận tuyên truyền, xách động thiếu lương thiện nhất của TTDC.
Ví dụ cụ thể của cái thiếu lương thiện lộ liễu là TTDC luôn luôn chơi trò mập mờ đánh lận con đen. Tất cả những biện pháp của TT Trump đều nhắm vào đám di dân lậu, nhưng TTDC đăng tin thì không bao giờ có chữ ‘lậu’ đó. Hay các biện pháp chống khủng bố thì được hóa phép thành chống Hồi giáo. Tất nhiên tạo cảm tưởng đúng như TTDC mong mỏi là TT Trump chống di dân nói chung, tức là kỳ thị. Hết kỳ thị dân Mễ, đến kỳ thị dân Hồi giáo.
Ngày lễ Độc Lập vừa qua, hơn 14.000 di dân tứ xứ tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ. TT Trump gửi thư hoan nghênh họ. Ít người biết vì TTDC nín thinh. TTDC nín thinh thì TTTN (truyền thông thông ngôn) cũng im re.
Khi TT Obama cách ly gia đình di dân lậu –theo như lời thú nhận của cựu bộ trưởng An Ninh Jeh Johnson- cũng không ai biết vì chính quyền ém nhẹm và TTDC tiếp tay dấu kín dùm khiến TTTN không có bài để dịch.
Chính vì cái gian trá, thông tin một chiều của TTDC, mà dân Mỹ gần như bị thôi miên hết, một phần cũng vì họ quá lương thiện, dễ tin những gì TTDC viết. Nói chung TTDC hiện nay đã hoàn toàn bị chi phối bởi ý muốn chống Trump đến cùng, bằng mọi giá, mọi cách.
Thế nhưng dân Mỹ không bị lừa mãi mãi. Theo thăm dò mới nhất của Axios, 72% dân Mỹ cho rằng TTDC cố tình loan tin giả hay loan tin mập mờ để tạo hiểu lầm. Hy vọng dân Mỹ bắt đầu… qua cơn mê!
Ngoài ra, TT Trump cũng phải chống đỡ phá hoại của nhóm Nhà Nước Ngầm luôn xì tin hậu trường bất lợi để TTDC khai thác đánh TT Trump. Lý do dễ hiểu là vì TT Trump chủ trương một guồng máy thư lại càng nhỏ càng tốt, càng ít công chức lão làng cả ngày ngồi xiả răng càng tốt. Chẳng những nhỏ mà lại còn phải sạch, ít sâu bọ ruồi nhặng nữa. Nghĩa là nồi cơm của đa số công chức bị đe dọa. Tất nhiên họ phải chống để tự bảo vệ mình.
TTDC và Nhà Nước Ngầm, đó chính là hai ‘lực lượng’ sẽ gây hại rất nhiều cho đảng CH và TT Trump trong cuộc bầu cử tới. Không phải ngoại thù như Nga hay Trung Cộng hay ISIS gì hết. Cũng chẳng phải là công tố Mueller luôn.
KHÓ KHĂN CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ
Đảng DC như đã bàn nhiều lần trên Diễn Đàn này, đã gặp hai đại khủng hoảng: không có nhân sự và không có chính sách gì hay ho để tặng dân Mỹ.
Về nhân sự, những thăm dò mới nhất cho thấy hai người được hậu thuẫn mạnh nhất vẫn là hai cụ khủng long Hillary Clinton và Joe Biden. Bên cạnh là đám khủng long hạng nhì khác như Nancy Pelosi, Chuck Schumer, Elizabeth Warren, Bernie Sanders,... không có cụ nào dưới tuổi cổ lai hy hết.
Chẳng những già nua, mà lại còn cạn ý, không có được một chính sách gì có thể hấp dẫn dân Mỹ, nên chỉ loay hoay trong việc sỉ vả, bôi bác cá nhân TT Trump qua những chuyện vớ vẩn nghe quá nhàm tai như nói láo, bốc đồng, dâm đảng, thiếu tư cách, bất nhất,... chứ cũng chẳng đụng gì đến chính sách nào. Hay chính xác hơn, đụng vào chính sách thì phải bóp méo, xuyên tạc để chỉ trích.
Thật ra, DC cũng có vài ‘sáng kiến’ mà đúng ra phải gọi là ...’tối kiến’. Từ chuyện lớn như tăng thuế lại, hủy bỏ hết thuế quan cho cả thế giới, mở toang cửa biên giới, giải tán cơ quan kiểm soát di dân ICE, chi tiền cho cả thế giới,... Nghe sặc mùi thế giới đại đồng vô sản! Đến chuyện nhỏ như nhà cầu chung, nam nữ bất phân biệt kiểu như râu ria mặc váy đầm, trẻ con mẫu giáo học về sex, ... Tối kiến vì tất cả đều là những đề tài kiểu dọn cỗ cho Trump xơi, những chủ trương cực đoan không được lòng dân.
Những chuyện này thật ra cũ rích đã bàn quá nhiều. Vấn đề mới mà DC đang gặp phải hình như quan trọng hơn tuy TTDC không dám đả động đến, đó là thái độ của dân da màu với TT Trump, và sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ đảng DC. Ta bàn qua cho biết.
Trước hết là quan điểm của khối dân da màu với TT Trump. Bình thường thì đây là khối cử tri trung kiên nhất của DC. Nhưng đó là tình trạng trước khi ông Trump đắc cử. Sau khi ông đắc cử, tình hình đã thay đổi nhiều.
Những thống kê mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh phần lớn nhờ giảm thuế lợi nhuận công ty khiến các công ty hăng hái đầu tư phát triển nhiều hơn, tạo công ăn việc làm cho dân lao động. Nhìn cho kỹ, ai là dân lao động? Đó không phải là ‘các ông già da trắng’, mà tuyệt đại đa số là dân da màu, tức là dân da đen và dân da nâu gốc La-Tinh. Tất cả những thống kê đều cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong hai khối dân này đã xuống đến những mức thấp nhất lịch sử Mỹ: 5,9% cho dân da đen và 4,6% cho dân gốc La-Tinh. Đây là yếu tố sinh tử của hai khối dân này.
Tất cả những chuyện về Trump kỳ thị, chống di dân, hay ngay cả chuyện cô Stormy,… chỉ là những chuyện màu mè của TTDC dùng để tấn công TT Trump trong khi trên thực tế, khối dân lao động chỉ lo cho cái nồi cơm của họ thôi, không rảnh đọc báo theo dõi tin chính trị. Thực tế, TTDC chỉ là phương tiện thông tin của giới trí thức trưởng giả thôi, còn dân lao động, chẳng ai đọc NYT hay WaPo. Đầu tắp mặt tối đi làm có khi hai ca, buổi tối hay cuối tuần có rảnh thì vui thú gia đình hay mở TV coi football, baseball, kịch diễu dở, không ai rảnh ngồi nghe các bình loạn gia nói lảm nhảm trên các đài CNN hay MSNBC hay ngay cả Fox.
Ưu tư của họ là tiền mang về cho gia đình, và những biện pháp của TT Trump đã là nguyên nhân khiến đời sống thực tế của họ khấm khá hơn nhiều.
Từ ngày TT Trump nhậm chức, số người lãnh phiếu thực phẩm –foodstamps- đã giảm hơn hai triệu, trong khi mức lương của dân lao động cũng đã tăng trung bình 2,7%, cao nhất từ hơn một chục năm qua.
Nếu đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định lá phiếu của họ thì DC sẽ gặp khó khăn lớn trong cuộc bầu tới. Cho đến nay, kẻ này chưa thấy thống kê nào về khối dân da đen, nhưng những thăm dò của đại học Harvard trong khối dân gốc La-Tinh đã khiến DC toát mồ hôi: tỷ lệ hậu thuẫn TT Trump đã tăng vọt 10 điểm chỉ trong một tháng vừa rồi, ngay khi vụ cách ly di dân đang được TTDC quậy tung trời. Nôm na ra, dân chúng nói chung khôn ngoan hơn TTDC nghĩ, họ nhìn thấy rất rõ đâu là hỏa mù chống đối, đâu là quyền lợi thực sự của họ.
Mất hậu thuẫn, dù chỉ là một phần nhỏ, của khối dân da màu cũng sẽ tạo khó khăn cho DC khi mà họ đang mất phiếu da trắng ào ào.
Vấn đề lớn thứ hai mà DC phải trực diện là chia rẽ nội bộ, với sự nổi lên của cánh cực tả.
Cánh cực tả này nổi lên chống bà Hillary ngay từ những ngày đầu bà ra tranh cử năm 2015, cầm đầu bởi cụ xã nghĩa Bernie Sanders, phiá sau là giới trẻ đầy nhiệt huyết. Nguyên nhân không phải là việc giới trẻ này bất ngờ khám phá ra chân lý Mác-xít, mà chỉ vì họ chán ngán cái tham nhũng tột đỉnh của giới lãnh đạo đảng DC, cầm đầu là hai vợ chồng ông bà Clinton, lãnh cả chục triệu đô từ tài phiệt Walll Street cho những bài diễn văn vô thưởng vô phạt vớ vẩn, rồi kiếm ‘vốn chính trị’ bạc tỷ qua Quỹ Clinton Foundation.
Mà chẳng phải ông bà Clinton không. Bà Pelosi, bà Feinstein, ông Schumer, ông Kerry,... sau vài năm làm chính trị lãnh lương một hai trăm ngàn, là thành đại triệu phú hết. TT Obama về hưu chưa bao lâu đã được Wall Street mời đi đọc diễn văn trả ngay 400.000 đô một bài. Để quý vị có một khái niệm rõ rệt, 400.000 đô là lương nguyên năm của tổng thống đấy (TT Trump tặng hết cho từ thiện). Clinton hay Obama, có gì khác?
Chống tham nhũng chính là chủ đề tranh cử của cụ Sanders khi ông liên tục tố cáo bà Hillary đã giả dối, miệng chửi tài phiệt, tay thu tiền của chúng. Thu hút được hậu thuẫn mạnh của giới trẻ.
Giới trẻ Mỹ cũng ngây ngô tin bánh vẽ xã hội chủ nghĩa. Theo một nghiên cứu của một trung tâm cấp tiến, 40% thanh niên Mỹ ủng hộ chế độ xã hội chủ nghiã, và 7% ủng hộ chế độ cộng sản luôn, chỉ có 42% ủng hộ chế độ tư bản, tự do dân chủ. Cái ngu của giới trẻ Mỹ là vẫn tin chỉ cần đánh thuế tối đa vào khối 1% giàu nhất là dư tiền cho 99% còn lại được hưởng tất cả mọi thứ miễn phí.
Những yếu tố trên đã đẩy mạnh khuynh hướng cực tả trong đảng DC, đưa đến chiến thắng bất ngờ của cô Alexandria Ocasio-Cortez. Cô ‘tổ chức cộng đồng’ này chẳng những hoàn toàn vô danh chẳng ai biết, mà khi biết thì lại khám phá ra đây là một chị Mác-xít thứ thiệt, với những chủ trương chỉ có thể khiến Các-Mác muốn chui ra khỏi quan tài để chia vui. Khối thiên tả cực đoan Dân Chủ Xã Hội Mỹ -Democratic Socialist of America- trong đảng DC phủ phục hoan nghênh cô Cortez, ca tụng “Communism is good!” và hy vọng cô Cortez sẽ mang lại chiến thắng cho ‘communism’ tại Mỹ. (Xem bài trong trang ‘Báo Mỹ’ tuần này). Cô Cortez đã trở thành người đang được TTDC tung lên 9 tầng mây, không khác gì 2004 khi TTDC tung hô Đấng Tiên Tri Obama vừa giáng thế.
Mà cái tin động trời nhất là không phải cô này đã hạ một chính khách tép riu vô danh nào, mà lại hạ ông Joe Crowley, là nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ nhì của khối DC trong Hạ Viện, được mọi người nghĩ sẽ hạ bà Pelosi để làm chủ tịch Hạ Viện nếu DC chiếm được đa số tại Hạ Viện trong kỳ bầu cử cuối năm nay.
Câu đố dành cho quý vị: cô Cortez thu được bao nhiêu phiếu? Xin thưa tổng cộng 16.000 phiếu, ông Crowley được 11.000 phiếu, trong một địa hạt với hơn 400.000 dân gốc La-Tinh. Không có gì kinh hồn cả. Hiển nhiên, TTDC đang cố nặn thần tượng mới. Con muỗi đang được thổi lên thành con voi.
Chưa ai biết được khối cực đoan phò Mác-xít chủ trương cộng sản hóa nước Mỹ của cô Cortez này sẽ mạnh tới đâu, cũng như chẳng ai rõ cấp lãnh đạo DC đang có sách lược nào để đối phó với sự nổi loạn đó. Hay DC sẽ chạy theo cô ta không chừng?
“Cô Cortez chính là tương lai của đảng DC!”. Quý cụ bênh DC bình tĩnh, đây không phải là Vũ Linh hồ đồ viết bậy đâu, mà là câu tuyên bố chính thức của chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, Tom Perez đấy. Đảng DC sẽ trở thành đảng Mác-xít? Ông Ari Fleicher, cựu phát ngôn viên của TT Bush nói câu tuyên bố của ông Perez là món quà lớn nhất DC có thể tặng cho CH trước cuộc bầu cử.
Cụ tỵ nạn nào vẫn sống chết với đảng Mác-xít DC xin bước ra xưng danh đi! Diễn Đàn này giúp phổ biến tên tuổi của vị đó ngay. Miễn phí! Bảo đảm sẽ được huy chương Khúc Ruột Yêu Nước, Đệ Nhất Đẳng.
Rất đáng tiếc là kẻ này đang sống ở Mỹ, nếu không thì đã thắp nhang cầu cho cô Cortez sớm làm tổng thống Mỹ, cho dân Mỹ biết mùi xã nghĩa. Dân Mỹ, nhất là giới trẻ, “chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ” (trong khi vài cụ tỵ nạn đã thấy quan tài rồi, đổ lệ rồi, những vẫn... mơ mơ màng màng ca tụng cô Cortez và khối Dân Chủ Xã Hội!).
Thật ra, ngay từ sau khi bà Hillary thất bại, DC đã ngả qua hướng tả khi bầu hai ông thiên tả nặng là Tom Perez (gốc Mễ) và Keith Ellison (Hồi giáo da đen) làm chủ tịch và phó chủ tịch Ủy Ban Quốc gia của đảng, nhưng hiển nhiên, đối với cử tri, chưa đủ, và đảng cần phải đi xa hơn nữa với những người như cô Cortez.
Vấn đề là với những thành phần cực đoan như cô Cortez, DC làm sao có thể lấy phiếu của khối độc lập không đảng phái hay ngay cả khối DC ôn hòa? Cô Cortez, giỏi lắm chỉ có thể đắc cử tại New York hay San Francisco thôi, còn không chút hy vọng ở bất cứ nơi nào khác (cô Cortez chắc chắn sẽ đắc cử trong cái địa hạt đã bỏ phiếu cho DC chắc từ ngày ông Washington còn sống!)
Chưa ai biết cuộc bầu cử cuối năm nay sẽ có kết quả nào, nhưng bức hình chung là sự phân hoá ngày càng mạnh trong chính trường Mỹ. Phe CH thì ngày càng đi về phiá hữu, trong khi phe DC thì càng ngày càng chạy qua phiá tả. Trong nội bộ CH có phe Trump và phe #NeverTrump, trong nội bộ DC có phe trẻ cực tả và phe bô lão thiên tả nhưng tương đối ’ôn hòa’, ít quá khích hơn. Đây là vấn đề lớn của đảng DC: nếu cánh bà Pelosi và cụ Schumer mà được gọi là ‘ôn hoà’ thì đảng DC có triển vọng mất hậu thuẫn của khối độc lập ôn hòa thật.
Một vấn đề cũ mà lại thành mới, then chốt đối với cả hai đảng: di dân. Ai cũng thấy cả trăm ngàn người đi biểu tình chống chính sách di dân của TT Trump tuần qua. Nhưng ít ai tin đây sẽ là yếu tố khiến đảng CH lâm nạn. Sự thật là không ai biết rõ vấn đề di dân sẽ được chuyển qua lá phiếu như thế nào. Phe đối lập cực kỳ ồn ào, không có nghĩa là họ có hậu thuẫn mạnh. Những năm 67-68, phong trào ‘phản chiến’ lên đến mức hung hăng nhất tại Mỹ, để rồi cuối năm 68, đa số dân Mỹ lẳng lặng bầu cho ông diều hâu Nixon.
Tất cả các thăm dò cho thấy nói chung, đa số chống việc cách ly gia đình, nhưng lại ủng hộ chính sách di dân cứng rắn của TT Trump. Thăm dò mới nhất của Rasmussen, gần một nửa dân Mỹ (48%) cho rằng chính quyền Trump chưa làm đủ trách nhiệm bảo vệ biên giới. Nghiã là họ nghĩ TT Trump cần làm mạnh hơn nữa!
Quan trọng hơn là thăm dò mới nhất của Washington Post. Tại những đơn vị bầu cử then chốt, đa số dân tin TT Trump hơn là tin DC trong hai vấn đề: bảo vệ biên giới (T 42% - DC 25%) và bảo đảm di dân không gây hại cho công ăn việc làm của dân Mỹ (T 37% - DC 21%).
Cuộc bầu cử giữa mùa cuối năm nay sẽ hết sức quan trọng. CH thua, mất Hạ Viện, TT Trump sẽ bị trói tay, không thực hiện được chương trình nào nữa. DC thua thì sẽ là đại nạn bắt buộc đảng phải tìm nhân sự mới, sách lược mới, chuyển hướng chính trị mạnh để sống sót.