Trong cuộc sống với cái nhìn bi quan của tôi, luôn có tràn đầy niềm bi thương, uất hận. Nhất là sau biến cố tháng Tư 1975, biết bao người phải đi tù “cải tạo”, biết bao người vùi thây trên biển cả, rừng sâu khi vượt biên tìm tự do. Đặc biệt hơn là những vị anh hùng anh thư thời đại - dám lên tiếng đấu tranh cho quê hương và đã bị trù dập, tù tội. Rất nhiều người đã âm thầm bỏ mình trong ngục tù u tối. Tôi luôn kính phục những “tù nhân lương tâm” này. Vì thế chúng tôi gia nhập phong trào Yểm Trợ Dân Chủ Quốc Nội, để mong cùng sự đóng góp của mọi người phần nào giúp được các tù nhân lương tâm và phong trào đấu tranh trong nước. Mới đây nhất hay tin ông Nguyễn Tuấn Nam, cựu tù nhân lương tâm đã lìa trần vào ngày 5 tháng 10, 2018, chúng tôi thật đau lòng.
Ông Nguyễn Tuấn Nam xuất thân từ một gia đình trí thức, là một giáo viên dạy văn. Khi nhận ra bản chất dối trá, thối tha của chế độ độc tài Cộng sản, ông quyết định vứt bỏ tất cả và tham gia vào tổ chức chính trị “Nhân Dân Hành Động”. Ông Nam bị bắt và phải chịu mức án 20 năm với cáo buộc trong tội "trốn đi Campuchea nhằm chống Chính quyền Nhân dân". Đối với cai tù CS, Nguyễn Tuấn Nam luôn giữ thái độ cương quyết, can trường và khẳng định lập trường chính nghĩa của mình. Dù trong tù, ông luôn tham gia vào những cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng của con người.
Trong tù không đủ ăn, không có người thăm nuôi tiếp tế, lại bị lao động nặng nhọc, mỗi ngày ông phải gánh tới hơn 40 gánh nước để tưới rau. Làm việc nặng nhọc lâu ngày nên vai ông bị u, lưng bị cong, đến khoảng hai ba năm gần đây - khi ông đã 73, 74 tuổi - lưng bị còng rạp đi lại khó khăn, thì ông mới không bị làm việc nặng nữa. Khi sức khỏe cạn kiệt, nhà cầm quyền Cộng Sản thả ông về. Nguyễn Tuấn Nam qua đời trong âm thầm, cô đơn. Các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã làm tang lễ cho ông, một số thân hữu đã dám tới dự lễ và đeo tang tỏ lòng thương tiếc vì ông không có thân nhân nào.
Không chỉ có tù nhân lương tâm Nguyễn Tuấn Nam, mà còn có nhiều vị khác như ông Trương Văn Sương, Nguyễn Văn Trại, Đinh Đăng Định, Huỳnh Anh Trí, Nguyễn Hữu Cầu… đã âm thầm bỏ mình vì quê hương trong niềm uất hận. Có nhà đấu tranh được nhiều người biết tới như Mẹ Nấm, ca sĩ Việt Khang, nhưng cũng có biết bao người khác đã vì lý tưởng Tự Do mà chiến đấu trong âm thầm, không danh tiếng, không ai biết tới. Tưởng tượng tới cảnh ông Nam trong 20 năm dài mất tự do, thân xác phải gánh nước làm việc cực nhọc, tinh thần bị hành hạ sỉ nhục, không biết tin gì về thế giới bên ngoài, đau bệnh không thuốc men, niềm tin bị cạn kiệt, nghĩ tới những bất công mà bó tay không làm gì được chỉ còn niềm uất hận, tôi thật xót xa, thương cảm.
Tôi cũng quen một số bác lớn tuổi, khi còn sống ước mơ được thấy ngày Việt Nam vinh sáng không còn Cộng Sản trước khi nhắm mắt, nhưng cũng đã ra đi trong niềm tiếc hận. Tôi bỗng liên tưởng tới những rừng mắm. Cây mắm không dùng được để làm gì hết, đến cành cây làm củi chụm đốt lửa cũng không được. Nhưng trời sanh ra cây mắm không phải vô ích. Nếu không có cây mắm mọc trên rừng cho chắc đất, bờ biển sẽ không được phù sa bồi thêm cho rộng ra. Một khi cây mắm ngã rạp, giống tràm lại nối tiếp mắm, rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được. Như những rừng tràm, rừng mắm, tôi tin những đóa hoa Dân Chủ, hoa Uất Hận úa tàn ngày hôm nay luôn đẹp đẽ và ích lợi. Nó như những ánh nến soi đường cho tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam, từ đó trong tương lai những đóa hoa tươi thắm của yêu thương, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ sẽ khai hoa nở nhụy.
Bác Nguyễn Tuấn Nam,
Cháu không biết nói gì hơn, cháu xin thành kính dâng một nén hương lòng cầu cho vong linh của bác. Bác ra đi trong uất hận vì chí lớn chưa thành, nhưng cháu tin nhiều người khác sẽ trân trọng và nối tiếp con đường tranh đấu của bác. Nguyện cầu cho ngày thanh bình thật sự mau về trên quê hương, Ủy Ban Yểm Trợ sẽ được giải nhiệm, chúng tôi cùng trẻ nhỏ hát bài đồng dao về những đóa hoa Uất Hận đã từng khai nở cho chúng tôi có được ngày này.
Nguyễn Ngọc Duy Hân