Saturday 23 February 2019

CON NGƯỜI VÀ QUY LUẬT SINH TỬ - Mỹ Nga

Related image

Trong bao la vũ trụ, sau khi trời đất hình thành thì con người cũng được tạo nên và thuận theo tự nhiên để tồn tại. Con người khi sinh ra vốn thuận theo lẽ tự nhiên sinh diệt và quy luật bất di bất dịch của tạo hóa: Sinh- Lão- Bệnh- Tử. Tức là con người sinh ra, lớn lên già đi, ốm đau bệnh tật rồi chết. Đó là mệnh trời không ai có thể thoát khỏi.

Như một vận mệnh, chẳng phải cứ con người, mà cỏ cây hoa lá hay chim chóc muông thú đều như vậy, sinh ra trong tự nhiên phải thuận theo quy luật tự nhiên. Tín ngưỡng tôn giáo là niềm tin và sự sùng bái thần thánh hay các quyền lực vô biên, siêu nhiên, vào cuộc sống sau khi chết.

Mỗi người tùy theo tín ngưỡng mà theo một tôn giáo khác nhau như: Ki Tô giáo, Phật giáo , Hồi giáo…Mỗi tôn giáo có tín lý, sự thờ phụng.... của riêng tôn giáo đó nhưng tất cả đều cùng mục đích hướng con người đến “Chân- Thiện- Mỹ”. Đối với một con người, từ lúc lọt lòng mẹ sinh ra cho đến lúc chết đi thì được tính là “một đời người” và “đời người” dài hay ngắn, sướng hay khổ, vui hay buồn thì còn tùy thuộc vào “số mệnh”. Theo quy luật thì chúng ta sinh ra, lớn lên, già nua rồi bệnh tật và chết đi, nhưng có những mệnh người sau khi sinh ra, sống không được bao lâu trên thế gian thì đó được coi là “ đoản mệnh”. Mệnh con người được coi là kết tinh của “luật nhân quả” của “kiếp trước”.


Nếu như kiếp trước ăn ở hiền lành, phúc đức, có lòng thương người hay giúp đỡ kẻ nghèo hèn thì kiếp sau sinh ra sẽ được khỏe mạnh, hạnh phúc, giàu có và ngược lại kiếp trước ăn ở thất đức, lường gạt hà hiếp người thì kiếp sau sinh ra sẽ gặp nhiều nỗi khổ đau, bất hạnh. Ở đây chúng ta chưa bàn đến kiếp luân hồi mà chỉ nói đến: nhân quả về sự sống và sau khi chết.

Tất cả chúng ta ai rồi cũng phải chết, đó là điều tất yếu. Trong mỗi đời người nó gắn liền với mỗi cái “vận-hạn” ví như hạn 49 tuổi, 53 tuổi hay 61 tuổi. Đó là những năm mà con người dễ gặp phải nạn tai và chết chóc nhất nên dân gian có câu: “bốn chín chưa qua, năm ba đã tới”. Người thì ốm đau bệnh tật rồi chết, người thì bị tai nạn mà chết. Sống mỗi người mỗi nết chết mỗi người mỗi tật.
Ki Tô giáo quan niệm rằng: con người khi chết đi thì sẽ được lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục tùy theo những gì họ đã làm khi sống trên trần thế. Hay trong Phật giáo thì người ta quan niệm khi con người chết đi thì hồn người chết sẽ về chốn cửu tuyền đi qua 7 cửa ải lớn dưới âm ty (Quỷ môn quan, đường Hoàng tuyền, tam Sinh thạch, vọng Hương đài, vong Xuyên hà, canh Mạnh bà và cầu Nại hà. Sau 49 ngày thì những người lương thiện sẽ được Diêm vương cho đầu thai trở lại làm người (kiếp khác) còn những kẻ gian ác, lường gạt người thì sẽ bị giam cầm tra tấn dưới địa ngục hoặc đày đi đầu thai làm kiếp trâu ngựa.

Con người ta chết sớm hay muộn đó là do người ta đã “trả nợ” kiếp trước xong hay chưa. Khi mỗi một người “ngừng thở” nghĩa là họ đã : “trả xong nợ” và nhẹ nhàng rủ áo ra đi khỏi cõi hồng trần. Khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất mong manh và vô định. Nó có thể xảy đến bất cứ lúc nào không hề báo trước. Đối với quan niệm của người Á đông thì cái chết hay nạn tai của người thân luôn có điềm báo trước. Ví dụ như lúc nằm mơ chúng ta thấy có người phụ nữ sinh em bé, hay thấy máu, thấy rụng răng mà có máu thì sẽ có người thân trong nhà hay trong dòng họ thân thích chết hoặc ốm đau bệnh tật. Và trong mơ thấy lửa cháy (cháy nhà, cháy xe hay vật gì bắt lửa cháy bùng lên) hoặc mơ thấy người chết thì đó là điềm lành, sắp có tin vui. Hay trong nhà có người lớn tuổi đau yếu lâu năm mà bỗng dưng có con chim lợn (cú mèo) về kêu trong vườn vài ba đêm thì đó là điềm báo sắp có người sống trong nơi đó sắp chết. Người ta nghĩ rằng, người sắp chết sẽ toát lên một mùi rất đặc biệt, mùi tử khí mà chỉ có con chim lợn mới có khứu giác nhạy cảm để cảm nhận mùi tử khí đó. Hay trong nhà có người ốm nằm liệt giường lâu năm nằm trên giường nhưng nay bỗng thấy họ tự tụt dần xuống nằm phía cuối giường, hay họ đang ốm đau mệt mỏi thậm chí là mê man nhưng bỗng dưng tỉnh táo,thì đó là dấu hiệu của người đó sắp chết. Nó như cây đèn dầu khi hết dầu trước khi tắt nó sẽ lóe lên rồi vụt tắt. Người ta thường gọi hiện tượng đó là "hồi quang phản chiếu".

Ước mơ của mỗi chúng ta là được trường sinh bất tử, sống mãi với con cháu người thân. Nhưng dù số mệnh ra sao, giàu hay nghèo, sống lương thiện hay độc ác thì tất cả chúng ta đều phải chết. Có điều chúng ta phải sống như thế nào để rồi chết đi thì đó là cái “chết đẹp” để lại sự đau thương tiếc nhớ trong lòng bạn bè, người thân. Để có cái “chết đẹp” thì chúng ta nên sống ngay thật, hiền lành, giúp đỡ người khó khăn hoạn nạn để tu nhân, tích đức cho con cháu sau này.

Vẫn biết được rằng con người không thể sống mãi, ai rồi cũng phải lìa trần. Mối dây ràng buộc giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái cuối cùng vẫn bị cái chết chia cắt, không thể mãi bên nhau vĩnh viễn. Chỉ khác kẻ ở người đi sớm hay muộn, trước hay sau mà thôi. Người ta coi đó là phần số của mỗi người. Có những lúc “lá vàng khóc lá xanh rơi” thì đó cũng là “số phận”. Cho nên dù trước hay sau thì người ở lại luôn vững tin và bớt đau buồn và tin rằng người ra đi đã nhẹ nợ “gánh hồng trần”, đang an nhiên mỉm cười nơi cõi an bình.

Sinh ly, tử biệt là nỗi thương tâm lớn nhất trong đời người. Nhưng trong cuộc đời đã có hợp thì phải có lúc tan. Đừng vì nỗi mất mát chia lìa đó mà quá bi thương, khổ lụy mà hãy xem những giờ phút từng có với người vừa từ giã chúng ta ra đi là những kỷ niệm đẹp, sẽ giữ mãi trong ký ức. Chúng ta đã đến trong cõi nhân sinh với biết bao niềm hạnh phúc, nhưng cũng không thiếu những đau thương nghiệt ngã. Mỗi người có một định mệnh riêng, chúng ta nên can đảm đối diện, chấp nhận những khổ đau và an vui với cuộc sống đang có. Hãy cố gắng tạo cho cuộc sống đấy ý nghĩa để khi chết chúng ta không có gì phải ân hận, hối tiếc. 
Như câu nói của Raph Wado Emerson :"Khi bạn sinh ra,bạn khóc còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao khi bạn qua đời,mọi người khóc còn bạn cười".

MN, 2019