Wednesday 27 November 2013

Ðể dành hương - Phạm Thế Định

"Thưở em về xác thịt tẩm hương hoa
 Ta trông thấy cả trời ta mơ ước"
 ("Kỳ nữ" thơ Ðinh Hùng)

Hơi thở mong manh nhỏ nhoi là cái mà cả đời sống con người dựa trên đó. Chỉ vài phút ngưng thở thôi là mọi  thứ đều  tiêu tùng.  Người yêu,  kẻ thù,  cái xấu, đẹp, gia  đình, tổ quốc, vũ trụ  ... thảy thảy đều  còn đấy,  nhưng cái  xác thân  không còn tiếp nhận được nữa.  Còn chăng là cái mà  cụ Nguyễn Du đã gọi là "tinh anh"

 "Thác là thể phách, còn là tinh anh"

Sự tiếp  nhận ngoại vật  đến thân xác  con người phải  qua  ngũ  giác:  Thị  giác,  thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác. Và  cái giác quan trong ngũ giác luôn luôn  kề cận với  từng hơi thở  đương nhiên là "khứu giác".

Khi  đứa bé  vừa chào  đời, bị  phát một cái đét vào  mông  khóc  óe.  Tiếng  khóc  để giao một trách nhiệm mới  tới buồng phổi  là lọc trực  tiếp khí trời, đó cũng là lúc  cơ quan khứu  giác bắt đầu tiếp nhận những mùi của trần gian.

Như vậy,  cái mùi đầu  tiên đậm nồng  nhất đến với đa  số các em bé  sinh ở trong những  thành phố ân tiến là mùi của khu bảo sanh, sạch sẽ, khử trùng. Còn vào thời đại tôi đã được sinh ra ở miền quê xa xôi, cái mùi đầu  tiên ấy chắc không được như vậy, có lẽ nó gần với  cái mùi mà Nguyễn Bính đã viết:

"Hôm qua, em lên tỉnh về
Hương đồng, cỏ nội, bay đi ít nhiều"

Hương của  đất, của đồng  lúa, cỏ cây,  của những người thân, của xóm làng.  Cái mùi đó có thể không là hương  thơm vì thể nào  mà chả có mùi  phân trâu bò,  mùi đất  bùn của  một ngày  mưa phùn mùa đông lẫn vào.

Như thế cái mùi quyến  luyến nhất chắc là mùi của mẹ rồi, và  sự chờ mong thèm muốn  đương nhiên là mùi của  sữa mẹ. Thưở đó  làm gì mà có  sữa bột như bây giờ.  Ðang đói lại được mẹ  cho vào miệng bầu vú căng  thì cảm giác êm ái  phải là tuyệt vời lắm.  Thiên  nhiên  lại  yêu  mến  ban  cho phần đông những đứa bé  một hạnh phúc là yêu  sữa mẹ mình , cái mùi mà đến khi lớn, chắc chẳng ai còn nhớ rõ.
Bây giờ cố nhớ lại, mùi đầu tiên mà tri thức còn giữ, có  lẽ là mùi  của mẹ, sau  đó là mùi  than của bếp, rồi mùi lạnh của cơn  gió, lạ nhỉ mùi lạnh của gió là gì? lạnh và nóng  phải là phạm vi của xúc giác chứ? Mặc! kỷ niệm vẫn  khăng khăng, không! đấy là mùi của  gió lạnh, vậy  là mình chắc  không như Xuân Diệu để

"Ðã nghe rét mướt luồn trong gió
 Ðã vắng người sang những chuyến đò"

mà phải là

"Ðã ngửi thấy rét mướt luồn trong gió ..."

Sao mà  giống các chú cẩu  thế. Rồi thì sau  đó là mùi của miền Nam nhiệt đới, mùi của mưa trên đất, 
mùi của những  chăn dầy thoảng hơi mốc  vì chỉ dùng vài lần trong năm, mùi áo len có dính băng phiến, mùi bồ kết từ tóc mẹ...

Không thể lướt nhanh qua mùi của mưa trên đất miền Nam  được. Ðất  còn dang  nóng khô  dưới ánh  mặt trời  nhiệt đới,  bỗng dưng  bị tưới  đổ những giọt mưa nặng hạt. Mưa chưa kịp thấm đất đã tạnh. Nắng  lại  trở  về,  nóng  lại  tới hừng hực, hơi đất  xông lên  gây một  cảm giác  choáng váng, buồn nôn. Mùi đất chui vào  thân thể một  cách hung bạo, cuồn cuộn đột kích lên  óc. Làm sao mà từ khước, làm sao  mà quên được  mùi của những  cơn vừa mưa, vừa nắng. Trú mưa dưới  một mái hiên nhà, tránh bị ướt áo nhưng không thể tránh được mùi đất bốc, phải  chia chung  thân phận  của những  đổi thay  bất chợt không thể lường.

Tuy nhiên, mùi đất miền Nam  của mưa đêm lại êm dịu biết bao. Mưa  bắt đầu rả rích khoảng  ba, bốn giờ chiều để  đến chín, mười  giờ đêm mà  tạnh thì mùi đất  nhẹ vô cùng,  quyến luyến cùng  thinh không quyện vào  với mùi hoa  lan nhà hàng  xóm thoảng đến từ  xa.  Ngồi  dưới  mái  hiên  nhà  để đón nhận những hương đêm của quê  nhà, của thành phố SàiGòn sau  khi đã  đẩy khuất  những mùi  khói xe, gột cái tục  của trần  gian xô  bồ. Còn  mùi đất của những cơn mưa sáng lại cho một  cảm giác thanh thoát của sự đổi mới, trinh nguyên.

Rồi mùi của  những ngày giỗ tết, có  thức ăn thơm lừng, này là  mùi bóng, nọ là mùi  chả giò, rồi mùi nhang cúng,  rõ hơn là mùi  pháo đã gần át  mùi bánh chưng, trên phòng  khách là mùi hoa thủy  tiên rất nhẹ và mùi trà ướp sen. Nhẹ nhàng từ tốn mà cắn từng cái hạt  dưa cũng thấy mùi  của cái vỏ chạm  nhẹ vào đầu lưỡi trước khi mùi thơm rất kín đáo của cái nhân kịp đến.

Sau  đó    những  mùi  hôi  thối  cũng có chỗ của chúng,  mùi hoa  thối không  thể tả  của một cái cây cổ thụ đằng  sau nhà, tên là gì không  ai nói rõ cho biết (cây  "chôm" ??), hoa  chỉ bé bằng  đầu ngón tay nhưng mùi thì hôi vô địch. Mùi  khai nồng của cái hẻm mà khách bộ  hành thỉnh thoảng  ngừng lại mở  nút quần thả nước, mùi  của giòng sông đen mà  trên đó không biết bao  nhiêu cái cầu  tiêu công cộng,  và tư nhân xây trên đó  đã dùng như một ống  cống lộ thiên.mùi của  lá mơ mà  bạn bè trong  xóm gọi là  "lá thúi địt", rồi mùi của đống  rác dưới cầu Trương Minh Giảng,  khiến ai  qua cũng  phải bịt  mũi, mùi  chợ cá Trần Quôc  Toản, mùi cống  rãnh của thành  phố bỗng dưng  phải nhận  một con  số di  dân khổng  lồ, mùi không thể  tránh như chuột chết,  cứt đái mèo, mùi của đồ gỗ và mùi máu của rệp bị dí chết.

Ngoài những cái  mùi "tự nhiên" đó còn  có mùi khét lẹt  của những  trận cháy  lớn, mùi  chiến tranh của trận  tết Mậu  Thân, mùi  chiến trận  trên áo  của những người anh, và bạn bè về phép. Mùi  quê hương  đã chôn  sâu lâu  lắm để phủ trên đó những mùi của những quốc gia mà bước đời đã trải qua, mỗi  một vùng, một thành phố  như có một mùi riêng. Tới một thành phố ven biển vào một ngày trong tuổi thanh xuân, mấy năm sau đó về lại, cái kỷ niệm như được đánh thức rõ nhất nhờ những mùi hương cũ lẫn trong gió biển mặn.

Những  cái vùng  để mùi   khó quên  là mùi  của khí trời trên  ngọn Phú Sĩ  lạnh buốt vào  lúc trời mọc hồng ở chân trời, người Nhật quì xụp xuống khấn vái,  trơ trẽn  còn lại  mình chỉ  biết hít khí trời giải khuây, còn mùi của cái quán ăn sinh viên đại học vào mùa thu Tokyo, mùi rong biển của  miếng ShuShi đầu tiên trong đời, mùi cà phê quyện với  croissant của  những  buổi  sáng Paris  lành lạnh. Phải vậy,  phải lạnh mới giữ  được mùi lâu, nhưng đừng  lạnh quá  sẽ làm  tê liệt đi phần nào khứu giác. Còn  mùi của những  hầm rượu của  khu xóm học Latin  nữa chứ,  mùi rượu  đỏ có  hòa cam, táo lẫn vào mùi khói  thuốc ống điếu, mùi của  khu nghệ sĩ bất cần đời .

Nhưng lạ nhất vẫn là mùi của con người. Không hiểu ai khác thấy sao? chứ tôi  ngửi thấy mùi da khét từ người Phi Châu, mùi "rệp",  mùi "trừu" từ người Ả Rập, mùi bơ, sữa, bò từ người Âu Châu. Người ta cho  rằng ăn thức ăn gì  thì người sẽ có mùi đó. Phải đúng thế  chăng? nhưng nếu vậy dân ta và  một số  người vùng  Ðông Nam  Á ăn mắm, chắc phải có mùi mắm à?

Cái  mùi quan  trọng lắm  lắm trong  sự giao  tiếp con ngườị Các cô,  các bà rất thích tẩm  nước hoa vì chẳng  những gây  thơm tho  cho mình,  mà còn  gây sự quyến rũ nữa.  Các hãng  nước hoa Pháp như Chanel đã chẳng giầu sụ hay sao?

Nhưng ở Á  Châu xưa kia, và hình như  cho cả tới nay, người ta  có vẻ chuộng  những mùi thơm  thoang thoảng hơn, các phòng tiểu thư  khuê các, giầu có nhiều khi cho  lót tường  bằng gỗ  quế, hẳn  mùi thơm  nồng nóng:

"Trải vách quế gió vàng hiu hắt" (Cung oán ngâm khúc)

Khách qúy  đến thì đốt hương  trầm để gây niềm thân kính

"Mai sau dù có bao giờ
 Ðốt lò hương cũ so tơ phiếm này" (Kiều)

Sắc đẹp rất có thể  gây quyến rũ lúc đầu, nhưng theo tôi mùi hương của mỹ  nhân mới thực sự làm cho nam nhi  đam mê mà nhớ  mãi. Trong dã sử  Việt Nam có nói đến mùi  mồ hôi của bà quí  phi Ðặng thị Huệ thời  một ông  chúa Trịnh   mê gái,  có mùi  thơm tự nhiên. Ôi  chao, nếu quả  thật như thế  thì thể nào ông ấy  chẳng đam mê  mà đến mất  cả cơ đồ  vì người đẹp Phù Ðổng ấỵ.

Mùi hương của phái nữ, theo thiển ý, không cần phải thơm  ngào ngạt,  giả tạo  lắm! mỗi  một người hãy giữ  mùi  tự  nhiên  của  mình,  khi  đã yêu thì cái chuyện nghiện mùi nhau cũng đến rất tự nhiên thôi.

"Chim Quyên ăn trái nhãn lồng
 Thia lia quen chậu vợ chồng quen hơi"

Dĩ nhiên  đó là nói  chung chung, có  những mùi hương nặng quá thì có yêu  đến mấy chắc cũng bị phiền. Tuyệt nhất  là thân thể  sạch sẽ mà  thoảng mùi tựnhiên, Ðặng thị Huệ chăng? Liều  lĩnh nhưng  thành thật  mà thưa  rằng cái  mùi quyến rũ nhất phải dựa  trên một tí gì không thơm. Nhà chế  tạo nước hoa  sẽ tiết lộ  rằng cái đặc biệt của vài  loại nước hoa tinh cất  là có mùi hôi đấy. Ngay cả mùi nước  hoa rất đắt tiền là Poison cũng có mùi hôi làm điểm tựa nhỏ.

Các  cô, các  bà có  tin không  khi nghe  rằng một số những loại nước hoa đàn ông dùng sau khi cạo râu đã được  chế tạo  với một  chút nước  đái heo để gây quyến rũ?

Cặp  tình  nhân  đang  trôi  nổi  trong  sóng  bể yêu đương  dễ bị  kích thích  bởi những  mùi không  có hương của cái thơm bình thường, mùi hương tội lỗi chăng? Thôi ngừng đây đừng đi quá trớn, nhưng phải nhấn  mạnh là  cái mùi  đóng vai  trò tối  quan trọng trong tình chăn gối. Sinh ra với ngũ giác quan đầy đủ là một hạnh phúc, giữ được  chúng trọn vẹn  cả đời là  điều diễm tuyệt.  Nếu mà  chẳng may  mà bị  kiếm khuyết  một trong những  giác ấy thì đời  buồn lắm. Cụ Nguyễn Khuyến  về già  mắc chứng  mù loà,  còn bị Chu Mõnh Trinh chơi khăm gửi biếu một chậu hoa trà, là loại hoa không hương, cụ bực mới làm bài thơ sau:

         Tết đến người cho một chậu trà.
        Ðương say còn biết cóc  đâu hoa!
        Da mồi tóc  bạc, ta già nhỉ,
        Áo  tía  đai  vàng,  bác  đó  a?
        Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá,
        Gió to luống sợ lúc rơi  già!
        Lâu  nay ta  chỉ xem  bằng mũi,
        Ðếch thấy hơi thơm, một tiếng khà!
         (Trích trong Giai thoại văn  học VN của Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch)

Còn nếu được trời thương mà cho thưởng những ưu đãi của  cuộc đời thì  sẽ thấy cái  câu mà nhiều người cho là của vua Tự Ðức là tuyệt bút:

 "Ðập cổ kính ra tìm lấy bóng
 Xếp tàn y lại để dành hơi "

Cái ăn chỉ đến mức ngon  tuyệt khi có món uống ngon đi cùng, và cái đẹp  khác người cần phải có hương thơm.

Do đó trong  ngôn ngữ ta có động  từ "hôn hít", hôn không nào đã đủ đâu nào!

Thơ Việt  Nam có câu "Ðập  cổ kính ra ..."  để làm chứng  cho sự  thưởng thức  cái đẹp  của một  số người  Việt  Nam.  Những  cái  tầm  thường như xác thân, gương, áo đã cho những ân sủng vô bờ. Tạ ơn đời, tạ ơn hoa, tạ ơn người cho sắc, cho hương.

Phạm thế Ðịnh