Wednesday, 27 November 2013

MỘT NGÀY TẠ ƠN NHÂN DÂN MỸ - Kim Thanh

kim thanh
cựu thuyền nhân, đương kim tỵ nạn viên


      Những người tỵ nạn Việt Nam, nếu có lần nào giở những trang sử lập quốc Hoa Kỳ, sẽ thấy mình còn may mắn hơn nhiều các thuyền nhân đầu tiên đã lênh đênh trên con tàu Mayflower cách đây gần ba thế kỷ. Họ có tên là Pilgrims, gồm những người Anh di cư sang Hòa Lan để tỵ nạn tôn giáo. Từ Hòa Lan, họ mơ ước một vùng đất hứa tươi sáng hơn, mãi tận Tân Lục Địa xa xôi, không khác gì chúng ta. Rồi một ngày một nhóm người đã quyết định vượt Đại tây dương trên chiếc tàu buôn của Công ty London, bắt đầu cuộc hành trình dài hai tháng đầy gian nan, đói khát, bệnh tật, chết chóc.

Tháng 12 năm 1620, họ cập bến Plymouth, trên bờ biển Massachusetts, và thành lập Plymouth Colony (Cộng đồng thiên cư Plymouth). Tại đây, cộng đồng tỵ nạn đầu tiên của nước Mỹ phải chịu trăm nghìn cơ cực, do thiếu thốn vật chất, thời tiết khắc nghiệt, và cô đơn tinh thần. Thời ấy, làm gì có các hội thiện nguyện, nhân viên ICM hay y tế, hoặc các văn phòng điều hợp tỵ nạn, welfare. Để mưu sinh thoát hiểm, họ phải tự cất nhà, trồng lúa, câu cá, và săn bắn. Cũng may, các bộ lạc bản xứ da đỏ Indians láng giềng đã rất thân thiện, tiếp tế lương thực. Trong số có một người mà dân Pilgrims xem như đại ân nhân: đó là Squanto, thuộc bộ lạc Wampanoag, một thời đã bị bắt bán làm nô lệ qua Tây Ban Nha và đào thoát sang Anh. Squanto tình nguyện làm thông dịch viên và dạy cách trồng lúa và câu cá cho dân mới định cư. Ông mất năm 1622.
      Năm 1621, sau mùa gặt đầu tiên, cộng đồng Plymouth tổ chức ăn mừng ba ngày, trong tinh thần tạ ơn và cầu nguyện, theo truyền thống các nước trên thế giới, như Việt Nam ta ngày trước. Cộng đồng, lúc ấy, chỉ vỏn vẹn có bảy nóc gia và bốn trụ sở công. Món ăn chính là bốn con gà tây bắt được trong rừng, và bây giờ thì chúng ta hiểu tại sao trong tiệc Thanksgiving nào cũng phải có gà tây. Nhưng qua năm sau, mùa đông quá lạnh, dân mất mùa và có 47 người chết. Láng giềng da đỏ đến chia sẻ thức ăn, biểu lộ lòng thương cảm. Từ đó, mỗi năm sau mùa gặt, cộng đồng Pilgrims mừng lễ Thanksgiving để cảm tạ Thượng Đế và những bạn bản xứ đã cứu họ.
      Hơn một thế kỷ sau, Tổng thống Washington tuyên bố lấy ngày 26/11/1789 làm một ngày Tạ Ơn chung cho cả nước. Năm 1863, Tổng thống Lincoln nhắc lại tập tục này. Rồi từ 1941, theo nghị quyết của Quốc Hội Hoa Kỳ, Thanksgiving Day được mừng vào ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11. Canada cũng tổ chức Thanksgiving mỗi năm vào ngày thứ hai của tuần lễ thứ nhì trong tháng 10.

      Còn chúng ta, những người đến sau gần ba trăm năm, từ một lục địa và một địa ngục khác, đã thụ hưởng rất nhiều ân huệ của con cháu dân Pilgrims, bao giờ mới nghĩ đến việc tổ chức một ngày chính thức tạ ơn họ?  Không một lý lẽ nào có thể biện minh cho sự quên lãng hay vô tình đó!
      Nước Mỹ đâu phải là thiên đàng, dĩ nhiên. Nhưng có nơi nào là thiên đàng cho những khát vọng vô biên của con người? Nếu biết quên những khó khăn, vất vả, kể cả thất bại ban đầu, hay bây giờ, để nghĩ đến những tấm lòng vàng đã dàn trải trên từng bước thiên di của ta về miền tự do làm lại cuộc đời từ tuyệt vọng, hoang tàn, đổ nát, nếu còn nhớ những ơn nghĩa đã nhận tràn trề từ những cánh tay rộng mở, những nụ cười thân ái, ta sẽ thấy mình quả là may mắn, nếu không nói diễm phúc, được định cư tại Hoa Kỳ, để rồi vui vẻ và can đảm chấp nhận hiện tại dù, hỡi ơi, không đẹp bằng những giấc mơ xưa đã xây từ bên kia bờ Thái bình dương.
      Nước Mỹ có người xấu, dĩ nhiên. Nhưng ở đâu, kể cả trong các cộng đồng Việt Nam, không có người xấu? Ở đâu không có kỳ thị? Thử hỏi lòng mình những lúc soi gương, hay lúc tâm hồn phẫn nộ, phiền muộn bởi vài bất công riêng lẻ, ta có chắc mình không bao giờ đố kỵ, ghen ghét, nói xấu kẻ khác hay lẫn nhau không? Nếu có, trách chi người ngoại quốc. Dẫu sao, so với thế giới, Mỹ quốc là nước quãng đại nhất đối với người tỵ nạn, đã đón nhận số tỵ nạn đông nhất (trong đó, ta biết, Việt Nam chiếm kỷ lục), đã bỏ nhiều tiền nhất cho các chương trình định cư, và là nước duy nhất mà luật pháp cấm và phạt mọi hình thức kỳ thị, nhất là chủng tộc. Còn thiên đàng hạ giới nào hơn, nếu quả thật có một thiên đàng hạ giới?
      Người Mỹ không mắc mớ, hay mắc nợ gì với chúng ta hết. Họ cưu mang chúng ta không phải vì mặc cảm tội lỗi  –điều mà một số kẻ thiển cận lầm tưởng qua những sách hồi ký chạy tội của vài ông tướng đào ngũ hoặc chính khách hết thời– bởi chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến mà chính nhân dân họ cũng kịch liệt lên án. Chiến tranh gây nên do chính trị, mà chính trị thì lúc nào cũng xấu xa, bẩn thỉu. Nếu Việt Nam Cộng Hòa bị bán đứng cho kẻ thù, đó không phải bởi người dân Mỹ, mà do bọn hoạt đầu chính trị vô liêm sỉ, thế lực ngoại bang, và ký giả quốc tế vô luân đã bóp méo sự thật, đầu độc dư luận, như họ vẫn tiếp tục làm cho đến ngày tận thế. Người dân Mỹ, trái lại, đùm bọc chúng ta chỉ vì lòng thương bao la, vì truyền thống tốt đẹp đã có từ mùa gặt 1621 ở Plymouth, và vì, có lẽ, họ nhớ rằng tổ tiên họ cũng là tỵ nạn, di dân. Chắc chắn không vì mục đích vụ lợi nào cá nhân hay trên bình diện quốc gia mà họ mong đợi từ đám người mới đến, tay trắng, quần áo xốc xếch, mặt mày hốc hác, chưa nhả hết nắng của các trại tỵ nạn Đông Nam Á.

      Biết ơn nhân dân Mỹ đã đành, nhưng làm sao biểu lộ chung tấm lòng biết ơn, đó là điều cần thiết, cấp bách. Hãy có ngày Tạ Ơn của Cộng Đồng Tỵ Nạn Việt Nam tại Mỹ và trên thế giới. Hãy quên đi những bất đồng, dị biệt, để theo truyền thống và ý nghĩa nguyên thủy của Thanksgiving Day, Mỹ và Việt, ta cùng nắm tay nhau chỉ một giờ, một ngày thôi, hát những bài tình ca cám ơn yêu thương và hạnh phúc mà Đấng Tối Cao và nhân loại đã gửi tặng qua tay biết bao cơ quan từ thiện, nhà thờ bảo trợ, tổ chức thiện nguyện tại Mỹ và trên thế giới, giáo sư sinh ngữ và dạy nghề, bác sĩ và nhân viên y tế –những Squanto thời đại đã hy sinh thì giờ và công sức cho chúng ta được như hôm nay.
      Hãy tổ chức một Ngày Tạ Ơn riêng của Người Tỵ Nạn Việt Nam trong mỗi cộng đồng. Để chứng tỏ chúng ta là dân tộc thấm nhuần đạo đức đã học từ thuở ấu thơ qua câu luân lý đầu tiên, có giá trị ngàn đời: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Hay:Một ngày nên nghĩa. Nghĩa ở đây, dĩ nhiên, không hoàn toàn chỉ ơn nghĩa, mà còn tình nghĩa nữa, nên càng quan trọng bội phần. Để mỗi thứ năm cuối cùng tháng 11, khi tổ chức ngày Thanksgiving tại gia đình hay nhà bạn bè Mỹ, trước đĩa gà tây xa lạ, vô nghĩa đối với tập tục quê hương, chúng ta không thấy bẽ bàng với chính lương tâm, vì đã chưa làm điều gì cụ thể nói lên lòng biết ơn đối với những ân nhân Mỹ, như họ đã làm qua từng thế hệ đối với những ân nhân xa xưa của cha ông họ.Một ngày nên nghĩa. Ở đây, trong tình người, chúng ta sống không chỉ một ngày, mà hơn mười ba ngàn rưỡi ngày, nếu tính từ tháng 4 kinh hoàng 1975. Như vậy nghĩa phải cao như núi, mênh mông như biển khơi.

      Nhắc đến biển khơi, lại nhớ thuyền nhân. Những thuyền nhân chúng ta còn mang thêm một ân sâu đối với các quốc gia từ Mỹ, Úc, đến Âu Châu đến Canada đã chấp nhận cho ta tái định cư như quê hương thứ hai, hoặc đã cứu ta từ những con thuyền tả tơi, như Thái Lan, Nhật Bản, Mã Lai, Indonesia, Singapore, Phi luật Tân. Đặc biệt Phi Luật Tân, bởi lòng vị tha cao cả và sự tiếp đãi ân cần của dân tộc Phi, và đặc biệt của phu nhân cựu Tổng thống Marcos, bà Imelda, người đã cực lực phản đối quyết định của Quốc hội Phi để một mình đi quyên tiền lập ba trại (Manila, Palawan, Bataan) đón tiếp thuyền nhân Việt Nam, sau 30/4/1975, trong khi chưa một nước Đông Nam Á nào dám đảm nhận nhiệm vụ khó khăn đó. Chúng ta cũng không quên những chiếc tàu dầu, tàu buôn đủ mọi quốc tịch, những con tàu tình thương Cap Anamur Đức, Île de Lumière Pháp, những chiến hạm Hoa Kỳ v.v... cũng đã vì lòng nhân đạo vớt ta giữa biển khơi, đưa đến bến bờ bình an. Những ngày xa xôi đó, còn nhớ hay quên?
      Bây giờ yên ổn nơi này, và bước chân tương đối vững vàng trên đường tạo dựng sự nghiệp cá nhân và hội nhập vào dòng sinh mệnh bản xứ, làm “vẻ vang dân Việt”, hay xa hơn nữa, và ngược lại, đang là Việt kiều trở cờ tự nguyện về cúi đầu làm thân khuyển mã cho lũ Cộng Phỉ bán nước cầu vinh, hoặc nhởn nhơ du lịch, khoe áo gấm, ăn chơi trên chính quê hương khổ đau mình đã ngày nào trốn chạy bán sống bán chết, có ai còn nhớ thân phận tỵ nạn của chính mình trước kia và của những đồng bào tội nghiệp đã bị trả về từ các trại Hồng Kông, Thái Lan, hoặc không được quốc gia nào nhận đang phải sống tập trung âm thầm trong Làng Việt Nam tại đất Phi? 

         Nếu thực sự còn nhớ, thì Ngày Tạ Ơn của Cộng Đồng Tỵ Nạn Việt Nam tại Mỹ quốc –nơi mà "tình người" ta thấy bát ngát, chan hòa, chứ không phải "nhỏ hơn que tăm" như lời chê bai vô căn cứ của ông thi sĩ Cao Tần có tài làm thơ nhưng dở hơi–  chắc chắn không phải là một đề nghị ngây thơ, viễn vông của riêng ai.



Portland  24/11/2013