Wednesday 27 November 2013

Tạ ơn đời - Trần Yên Hạ




Ba em là một sĩ quan trong quân lực VNCH. Ông bị bắt đi tù khi cộng sản chiếm miền Nam năm 1975. Không có ba, cuộc sống gia đình em thật vất vả với đồng lương công nhân eo hẹp của mẹ. Mỗi buổi chiều, sau giờ học, em phải đi bán vé số để kiếm tiền phụ mẹ nuôi bốn đứa em còn bé dù lúc đó em chỉ mới chín tuổi. Mỗi năm một lần em theo mẹ đi thăm ba qua các trại tù trong miền Nam và cuối cùng khi ba bị đưa ra Bắc thì mẹ con em chỉ biết ôm nhau khóc vì thương nhớ và lo lắng cho ba, nhưng không có đủ tiền để đi đến một nơi quá xa lạ mà mẹ em chưa từng đặt chân đến. Lúc ấy, trong những lá thư gửi về, ba thường viết “ao ước lớn nhất của ba là được sống với vơ con, dù có phải vất vả, nhọc nhằn mấy ba cũng vui”. Năm 1983, ba được thả về. Thật không còn niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn cho gia đình em trong phút giây sum họp đó. Cả nhà mừng vui không kể xiết. Nhưng rồi, ngày vui ấy cũng qua mau. Hằng ngày phải trình diện và sống dưới sự quản chế của công an phường, ba luôn lo sợ không biết bị bắt lại lúc nào. Với tình trạng của ba lúc đó không dễ dàng xin được việc làm nên ba phải mướn xích lô để kiếm sống qua ngày. 

Từ khi bắt đầu công việc lao động nặng nhọc mà số tiền kiếm được chẳng bao nhiêu thì ba trở nên khó tính, cộc cằn , không rày la mắng nhiếc mẹ con em thì cũng quay sang oán trách người Mỹ đã bỏ rơi miền Nam để ông phải làm người thua trận. Tất cả những nỗi bực dọc, ấm ức đó ông còn biết trút lên đầu ai ngoài vợ con. Thế là không khí gia đình lúc nào cũng như hỏa ngục thiêu đốt tình cảm vợ chồng, cha con.

Trong thời điểm nầy, khắp nơi rộ lên tin đồn chính phủ Hoa Kỳ sẽ rước tất cả những gia đình tù cải tạo sang Mỹ. Bạn bè của ba, ai nghe cũng vui mừng, nôn nao trông ngóng, nhưng Ba không tin và cho rằng “tụi Mỹ đâu có tốt đến như vậy, nếu tốt nó đã không bỏ mình” Ba em cứ gay gắt với ý nghĩ đó, tự hành hạ mình và cả nhà phải khổ theo với ông. Đến khi có vài người nộp đơn để xin đi theo diện HO ba vẫn chưa tin. Vì vậy, mà gia đình em sang Mỹ muộn màng hơn ai hết.

Khi được đặt chân đến Mỹ gia đình em thật sung sướng. Tưởng rằng ba sẽ an lòng vui hưởng cuộc sống tự do nầy, nhưng có lẽ cuộc sống quá khốn khổ từ những năm bị đày đoạ trong trại tù cho đến khi ra ngoài với gần mười năm làm việc vất vả đã biến ba trở nên một người luôn sống trong ngờ vực. Ba nghi ngờ lòng tốt cuả bất cứ ai có thiện ý đến giúp đỡ gia đình em trong thời gian đầu còn bỡ ngỡ với cuộc sống mới. Ba luôn cảnh giác mẹ con em “Coi chừng, họ đang muốn lợi dụng mình cái gì đây!”. Có vài người từ các nhà thờ thường đến cho quần áo hay hướng dẫn lái xe, nếu là thanh niên, ba tỏ ra lạnh nhạt , vì ông in trí rằng họ chẳng tốt lành gì mà chỉ muốn ngắm nghiá con gái cuả ông! Người nào suýt soát tuổi ba thì ông gay gắt cho là họ tới lui với mưu toan ve vãn mẹ!

Nhưng nỗi bực dọc lớn lao nhất của ba là khi nhìn số tiền khấu trừ thuế trên cái “pay check”. Ông cho là “Chính phủ Mỹ bóc lột tàn nhẫn. Mình qua đây làm việc còn hơn trâu bò, tiền lãnh được chẳng có bao nhiêu mà thuế ăn hết trơn”. Chưa hết, ba còn nghĩ ra một điều mà người hiểu biết không hề dám nghĩ “Đáng lẽ Mỹ phải trả tiền lương cho lính VNCH kể từ tháng 4 năm 75 đến giờ mới phải”. Cuối tuần, ba thường nhậu nhẹt với vài người bạn có cùng tư tưởng. Cả đám hùa nhau chửi Mỹ, “Một lũ chỉ biết chỉ biết quyền lợi cuả họ, bỏ rơi miền Nam”, rồi hăm hở nhắc nhở quá khứ oanh liệt và chê bai, nguyền rủa cuộc sống hiện tại!

Mẹ con em không đồng ý với quan niệm của ba, nhưng không có cách gì thay đổi được. Mẹ thường than thở “Qua đây, có công ăn việc làm, tuy không giàu có như người ta, nhưng cũng sướng gấp trăm lần ở Việt Nam. Vậy mà ba con không chịu nhìn thấy, cứ mơ tưởng chuyện xa vời, rồi than sầu, than khổ, bực bội với vợ con làm cho gia đình không có được một giậy phút thoải mái, vui vẻ”. Từ chỗ bất đồng tư tưởng, ba má em thường hay gây gổ làm không khí gia đình ngày càng nặng nề hơn.

Vì không bằng lòng với hiện tại, nên chỉ trong vòng năm năm ba em đã đổi việc làm đến tám lần. Cứ nghe ai nói ở đâu có chỗ làm lương cao mà công việc nhẹ nhàng thì ba lại bỏ công việc cũ, xin vào chỗ mới đổi. Nhưng chẳng bao lâu ông lại chán nản, không vừa ý. Sức khoẻ ba kém dần. Dù mới năm mươi hai tuổi mà trông ba già hơn người sáu mươi. Sau đó không lâu ba qua đời vì bị viêm gan nặng do uống rượu quá nhiều .

Luôn sống với tâm trạng bất mãn nên ba em đã không tìm thấy hạnh phúc trong những cái ông đang có. Thật tội nghiệp cho ba!

Bạn thân mến,

Cứ mỗi buổi sáng thức dậy, nhìn ánh nắng len qua cưả sổ, hít thở chút không khí trong lành cuả bình minh, nhìn chú sóc thoăn thoắt chuyền từ cành nọ sang cành kia, hay buổi tối trở về nhà, lái xe trên con đường êm ái, ngắm những vẻ đẹp, những kỳ công của tạo hóa qua cảnh vật thiên nhiên ta thấy cuộc sống của mình thật tuyệt phải không bạn?. Thêm vào đó là những nụ cười mà ta nhận được trên đường đi từ ai đó dù không quen biết. Hoặc một câu thăm hỏi chân tình cuả người thân, bạn bè đã góp thêm phần vào kho tàng hạnh phúc ta đang được hưởng.

Vậy mà cũng có không ít những người khổ sở như ba cuả nhân vật “em” trong câu chuyện trên đây. Ông chẳng bao giờ còn có dịp hưởng niềm hạnh phúc trên cõi đời nầy vì đã ra đi chuyến sau cùng với lòng bất an do quan niệm khe khắc, bi quan trong cuộc sống. Lúc nào ông cũng nghĩ rằng mình bị đối xử bất công . Ông cho rằng ông nhận không đủ mà không cần biết từ đâu ông có được những gì ông đã nhận. Tâm trạng nầy đã góp thêm phần nặng nề cho chứng bệnh cuả ông và nỗi đau khổ cuả những người thân yêu.

Hằng ngày, dù bất cứ ở đâu và làm gì, chắc hẳn chúng ta đang nhận nhiều thứ mà đôi khi ta không biết. Từ một quyền năng nào đó, ta có đôi mắt để thấy mây bay, có đôi tai để thưởng thức những âm thanh kỳ diệu của một khúc nhạc, trong khi có người chỉ ước ao được một phần những gì ta đang có mà không bao giờ có được.

Cuộc chiến kết thúc năm 75, có rất nhiều người bị bỏ rơi như ông ấy. Đau lòng lắm chứ! Nỗi khổ nầy không văn chương nào tả hết! Có thể nước Mỹ đã hành xử không tốt với miền Nam của chúng ta ở một giai đoạn nào đó trong lịch sử. Đó là những đòn phép chính trị muôn mặt. Họ đặt quyền lợi cuả đất nước họ lên trên thì đâu có gì sai, nếu nói về mặt trách nhiệm của người lãnh đạo quốc gia. Nhưng mấy mươi năm trước đây, đất nước nầy đã mở rộng vòng tay để bảo bọc chúng ta, những người bị từ chối trên chính nơi chôn nhau cắt rốn cuả mình. Những chương trình nhân đạo như tỵ nạn chính trị, con lai, HO, ODP đã giúp cho biết bao gia đình có cơ hội tạo dựng cuộc sống tốt đẹp nơi đây. Ta chán nản đời sống đang có, nhưng chắc hẳn ta cũng biết, có hằng vạn người ở nhiều nơi trên thế giới đang ao ước được một ngày như ta hôm nay. Ta bất mãn vì phải đóng thuế xe, thuế nhà, thuế trường học, thuế liên bang, thuế an sinh xã hội…. Nhiều thứ quá! Nhưng thử hỏi, bao nhiêu phúc lợi ta đang được hưởng từ đâu mà có? Giả sử một ngày không có xe cảnh sát tuần tiểu thì chuyện gì sẽ xảy ra? Một đoạn đường sụp lở, ta có thể có chạy qua được không nếu không được sửa chữa? Cứ nhìn những quyền lợi mà người cao niên Việt Nam được thụ hưởng, dù có người chưa bao giờ làm việc kể từ ngày đặt chân lên đất nước Hoa Kỳ ta hẳn biết.

Hãy dừng lại một giây trong ngày để suy nghĩ và cảm tạ Thượng Đế, dù ta gọi đấng đó là ai -Thiên Chúa hay Phật Trời . Đấng đã cho ta được ngồi đây đọc những dòng nầy, được bữa cơm ngon, giấc ngủ ấm. Cảm tạ đất nước đã cưu mang chúng ta trong những ngày đen tối nhất để ta có được một cuộc sống an bình và một tương lai rực rỡ cho thế hệ mai sau.

Lời sau cùng người viết xin gửi Thúy, người bạn trẻ đã tâm sự về nỗi bất hạnh cuả ba mình. Hãy cầu nguyện cho linh hồn của ba em và sống đẹp cuộc đời em đang sống. Có lẽ ở cõi nào đó ông sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc tạ ơn dù có muộn màng.